PDA

View Full Version : Để đòi nợ lương, nhiều nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Trung Quốc dọa nhảy lầu tập thể



duyanh
12-27-2023, 02:14 PM
Để đòi nợ lương, nhiều nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Trung Quốc dọa nhảy lầu tập thể




https://img.ntdvn.net/2023/12/ntdvn_id103837178-1.jpg

Ngày 26/12/2023, trên Internet Trung Quốc lan truyền một video cho thấy, nhiều nhân viên y tế của một bệnh viện ở tỉnh Tứ Xuyên đang ngồi trên bệ cửa sổ dọa nhảy lầu tập thể vì bị nợ lương. (Ảnh chụp màn hình)

Ngày 26/12, đoạn video quay cảnh một số nhân viên y tế ở thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngồi trên cửa sổ tầng 4 của một tòa nhà được lan truyền nhanh chóng trên mạng Internet. Bệnh viện liên quan đã phủ nhận việc những nhân viên này bị nợ lương, và nói rằng họ chỉ đang ngồi xổm bên cửa sổ. Tuyên bố này bị cư dân mạng chế giễu.

Có cư dân mạng Trung Quốc đã đăng một đoạn video lên mạng xã hội và tiết lộ rằng, trên tầng 4 của Bệnh viện Y học Cổ truyền thành phố Toại Ninh có hơn chục nhân viên y tế mặc áo blouse trắng đang ngồi bên bậu cửa sổ để đòi nợ lương, nếu không trả họ sẽ nhảy lầu tập thể.

Trong video, một người đàn ông nói: "Nhìn xem, các bác sĩ này đang chuẩn bị nhảy lầu, xe cứu hỏa tới rồi". Từ video có thể thấy các nhân viên cứu hỏa đang bố trí đệm hơi cứu hộ ở bên dưới tòa nhà này.

Tờ Zonglan News của Trung Quốc đưa tin, nhân viên văn phòng của bệnh viện trong video đã phủ nhận cáo buộc rằng nhân viên y tế của họ "nhảy lầu tập thể" vì bị "nợ lương", nhưng lại không thể đưa ra lý do nào khác trước việc các nhân viên y tế cùng ngồi trên bậu cửa sổ.

Nhân viên của Ủy ban Y tế Thành phố Toại Ninh cũng phủ nhận việc có người muốn nhảy lầu, nhưng thừa nhận đó là do vấn đề "tiền lương". Người này nói rằng "đã cử người đi giải quyết, Ủy ban Y tế thành phố cũng đã đến đó".

Vụ việc các nhân viên y tế đe dọa nhảy lầu tập thể để đòi nợ lương đã khiến cư dân mạng tranh luận sôi nổi:

"Nếu không nợ lương thì sao lại có nhiều người ngồi trên bệ cửa sổ như vậy? Lau cửa sổ để chuẩn bị đón Tết à?".

"Không phải đùa đâu, bệnh viện chỗ tôi làm đã chậm lương 4 tháng rồi. Đây là bệnh viện cấp cơ sở".

"Đây cũng không phải là bệnh viện đầu tiên đình công vì tiền lương, có thể cũng không phải là bệnh viện cuối cùng".
“Bệnh viện là một trong những đơn vị kiếm được nhiều tiền nhất, sao lại không trả được lương?”.

“Tôi nghe nói lương của nhân viên y tế hiện nay rất thấp. Bạn tôi lương một tháng là hơn 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,4 triệu VND), còn phải làm ca đêm bảy, tám ngày, nó nói muốn đổi nghề”.

Sau 3 năm dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế của Trung Quốc trượt dốc nhanh chóng, tài chính các địa phương rơi vào khủng hoảng, công chức, nhân viên y tế, giáo viên… nhiều nơi bị cắt lương. Trên Internet nước này thường xuyên xuất hiện các vụ việc nhân viên các ngành nghề đòi nợ lương để bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Tờ 21st Century Business Herald của Trung Quốc ngày 26/9 đưa tin, các bác sĩ tại Bệnh viện Đồng Nhân Bắc Kinh phản ánh rằng lương của họ đã giảm đáng kể trong tháng 8, tiền thưởng hiệu suất và lương ca đêm cũng giảm tới 50%. Các bác sĩ đã gửi đơn khiếu nại lên bệnh viện, sự việc rất được dư luận quan tâm.

Khi đó, một bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Đồng Nhân cho biết, "tiền lương ca đêm đã được hoàn trả, một nửa tiền thưởng hiệu suất đã bị khấu trừ, tôi không biết liệu tháng sau có bị khấu trừ hay không".

Vào tháng 6 năm nay, tin tức về việc bác sĩ bị cắt lương cũng xuất hiện ở tỉnh Hà Nam, Quảng Tây. “Vườn Đinh hương” (Ding Xiang Yuan), một diễn đàn của các bác sĩ ở Trung Quốc, đã mở một cuộc bỏ phiếu không dùng tên thật về vấn đề cắt lương, có 3.563 nhân viên y tế đã tham gia, hơn 64% cho biết bệnh viện của họ đã bắt đầu cắt giảm lương.

Có nhân viên y tế để lại bình luận rằng, bộ phận lâm sàng chỗ họ bị cắt 8.000 nhân dân tệ (khoảng 27 triệu VND) tiền lương, còn bộ phận hành chính bị cắt 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu VND).

Bác sĩ Lưu (Liu) tại một bệnh viện cấp 2 ở tỉnh Quảng Tây cho biết, ông là bác sĩ khoa cấp cứu đã hành nghề 15 năm, khoa của ông bắt đầu giảm khá nhiều lương kể từ tháng 3 nhưng khối lượng công việc không hề giảm.

Bác sĩ Lưu nói, “thực sự là tháng nào cũng giảm, tiền thực lĩnh đã giảm từ 6.550 (khoảng 22 triệu VND) xuống 5.324 nhân dân tệ (khoảng 18 triệu VND) rồi bây giờ là 4.210 nhân dân tệ (khoảng 14 triệu VND), giảm hơn 35%”. Áp lực trả khoản vay mua nhà khiến ông Lưu gần như suy sụp.

Vào tháng 4 năm nay, bác sĩ Vương (Wang), một bác sĩ điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện cấp 1 ở miền Đông Trung Quốc, cho biết thu nhập hiện tại của bà thấp hơn năm 2019. Trước đây, một bác sĩ điều trị kiếm được ít nhất hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 34 triệu VND) mỗi tháng, nhưng thu nhập tháng 4 của bà Vương chỉ khoảng 8.000 nhân dân tệ (khoảng 27 triệu VND).

Bà Vương nói, “Ít nhất đã giảm 30% [tiền lương], nhiều khoản thu nhập khác cũng đang giảm, ví như phí trực ca đêm trước kia là 200 nhân dân tệ (gần 700 nghìn VND) một ngày, nay chỉ còn 20 nhân dân tệ (gần 70 nghìn VND)”. Bà Vương nói thêm rằng,"[thu nhập] mỗi tháng giảm xuống cả trăm tệ", cảm giác lo lắng đang bao phủ cả bệnh viện.

Theo NTD tiếng Trung