PDA

View Full Version : Có Một Mùa Hè



giavui
11-17-2010, 05:20 PM
Có Một Mùa Hè

Minh Uyên



Năm ấy Uyên theo dì Út về quê nghỉ hè. Ðó là một thị xã nhỏ nhắn, dễ thương nằm bên bờ sông Hậu.

Vì không quen đi xa nên gần như cả đêm Uyên nôn nao không sao ngủ được cứ soạn đi soạn lại mớ hành lý khiêm tốn: mấy bộ quần áo đẹp, quyển nhật ký - người bạn thân nhất, vài thứ lặt vặt con gái như son phấn, gương lược... Dì Út như bị lây cái nôn nao của Uyên nên cũng không ngủ, cứ nằm ngắm Uyên cười.

Sáng sớm không kịp ăn sáng, hai dì cháu Uyên hấp tấp ra bến xe đò.

Gọi bằng dì chứ thật ra dì Út mới 19 tuổi, lớn hơn Uyên hai tuổi. Mẹ Uyên thứ hai, lấy chồng và sinh Uyên ở Sài Gòn. Dì là con út, ở với ngoại. Học hết phổ thông, dì thi vào Nhạc viện thành phố. Giờ hai dì cháu cùng về quê nghỉ hè.

Chẳng bao lâu, chiếc xe đò đã ra tới ngoại thành. Giờ đây phố xá với bụi bậm, khói xe... đã lùi lại đằng sau, trước mắt Uyên chỉ còn những cánh đồng lúa, nơi đã thu hoạch, nơi thì chín vàng, nơi đang còn xanh mướt. Không khí mát dịu trong lành. Xa xa vài ngôi nhà tranh ẩn mình trong những khóm cây đang bị bao bọc bởi làn sương mù mỏng như khói, mơ màng, yên lắng. Vài con trâu nhởn nhơ gặm cỏ, vài người nông dân lửng thửng vác cuốc ra đồng. Trên trời không hiểu loài chim gì cứ thản nhiên chao lượn... Mới xa thành phố một chút mà Uyên đã ghi nhận biết bao điều lý thú. Lòng cô bé lâng lâng cảm xúc...

Buổi trưa qua phà sông Tiền. Quá trưa một chút qua phà sông Hậu. Xế chiều Uyên đã ngồi trong vòng tay của ngoại.

Tối, không hiểu bằng cách nào biết được mà nhóm bạn cũ của dì Út kéo đến muốn chật nhà gồm phe kẹp tóc lẫn phe mày râu. Cả bọn ngồi quay quần trong phòng khách. Dì Út giới thiệu:

- Ðây là Minh Uyên, cháu kêu mình bằng dì, con bà chị Hai. Còn đây là Oanh, Trâm, Mi bạn thân của dì. Kia là Duy và Thịnh.

Tên Duy lên tiếng ngay:

- Xin Minh Uyên nghe rõ chớ nhầm: Mình là Duy chớ không phải Suy. Còn thằng này là Thịnh mà không thinh đâu.

Uyên cười. Cả bọn trố mắt nhìn cô. Chị Oanh buột miệng xuýt xoa:

- Tâm có nhỏ cháu dễ thương quá ờ ơi! Em học lớp mấy rồi? - Vừa hỏi, chị vừa vuốt tóc Uyên.

- Dạ, qua hè... cháu lên lớp mười hai.

Cả bọn cười ồ làm Uyên đỏ mặt. Thực tình thì Uyên không biết phải xưng hô thế nào. Vậy mà chưa hết, tiếng cười vừa lắng thì tên Duy lại lên tiếng:

- Kỳ này “dì Út” định nghỉ hè bao lâu?

- Ai là dì Út của “mấy người”? - Chị Oanh sừng sộ ngay - Vừa phải thôi! Ðừng thấy người ta hiền rồi ăn hiếp.

Buổi gặp gở đầu tiên ấy câu chuyện chỉ xoay quanh Uyên. Tên Duy thì chọc Uyên, còn chị Oanh thì bênh. Nhiều lúc chị Oanh bị đuối lý, ức quá chị bảo dì Út đuổi Duy về. Cuối cùng thì huề cả làng, chẳng ai đuổi ai, chẳng ai giận ai, lại còn kéo nhau đi... ăn chè!

Trong quán Uyên ngồi gần Thịnh. Bấy giờ anh mới hỏi:

- Hình như Minh Uyên ít khi về quê?

- Dạ... cháu có về hai lần, hồi còn nhỏ. Nhà cháu đơn chiếc, vả lại...

Thịnh quay mặt, cười tủm tỉm, chắc anh cười cách xưng hô của Uyên. Thịnh đẹp trai. Mới đầu tưởng anh nhút nhát, nhưng không phải, tại tính anh trầm.

- Uyên đừng gọi anh bằng chú. Bộ anh già lắm sao?

Uyên bối rối:

- Tại... là bạn của dì Út. Anh Thịnh học chung với dì Út Uyên à?

- Ờ, ngày xưa. Còn bây giờ anh đi làm.

Từ bên kia bàn, Duy nghe lóm được chuyện. Hắn lên tiếng:

- Nếu mà gọi chú bằng anh, coi như chú đã hy sanh cuộc đời...

Chị Oanh chồm lên:

- Lại bép xép! Ðàn ông con trai gì cái miệng không kéo da non.

Cuộc khẩu chiến có nguy cơ lại bùng nổ nếu như chị Trâm và chị My không kịp ngăn lại...

oOo

Buổi chiều, Uyên đang thơ thẩn dạo chơi trong công viên bờ sông thì nghe có tiếng gọi:

- Xin chào Minh Uyên! Uyên thấy quê ngoại thế nào? - Thịnh từ đâu bỗng xuất hiện làm cô bối rối.

- Chú... anh... Thịnh!

- Uyên chưa trả lời câu hỏi của anh?

- Dạ, quê ngoại tuyệt lắm anh ạ: thiên nhiên tươi mát, không khí trong lành. Chẳng bù cái thành phố chỗ em sống. Mà anh biết không, em mê cái công viên này từ nhỏ qua một cuốn sách...

- “Hè Muộn” phải không Uyên?

- Dạ phải. Ôi, anh Thịnh cũng đã đọc cuốn sách đó à?

- Chẳng những đọc mà cũng mê nó như Uyên.

- Thật vậy sao? Anh Thịnh còn nhớ tên hai nhân vật ấy không?

- Nhớ chứ. Thằng Vũ...

- Con Thúy! - Chẳng hiểu sao Uyên buột miệng thốt lên tiếp lời Thịnh – Ôi, em thương hai đứa bé ấy lắm. Mà anh Thịnh nè, theo như trong truyện thì ngày xưa, phía trên mỗi chiếc ghế đá như thế này đều có một giàn hoa giấy, phải không anh? Em nhớ, sau mỗi ngày làm lụng vất vả, thằng Vũ và con Thúy lại trở về đây, ngồi trên chiếc ghế đá này, nhìn ra dòng sông này...

- Công nhận Uyên nhớ tài thật. Thế Uyên đọc lâu chưa?

- Hồi Uyên chín, mười tuổi.

- Uyên thích văn chương, vậy ở lớp chắc Uyên học giỏi văn?

- Ngược lại thì có. Còn anh Thịnh? – Uyên hỏi rồi chợt thấy Thịnh nãy giờ vẫn đứng nên cô vội vàng nói thêm – Ý chết chưa! Anh Thịnh ngồi xuống đi, Uyên xin lỗi...

Vừa nói Uyên vừa nhích người sang bên nhường chỗ cho Thịnh.

Mặt trời chiều đỏ ối ngã dần về phía cuối sông. Một vài con thuyền chèo ngược nắng. Sóng lăn tăn. Gió chiều làm rối tung mái tóc Minh Uyên. Chợt có ai đó gọi đò. Thịnh đứng dậy nói nhỏ:

- Minh Uyên ngồi chờ anh một lát. Anh đưa khách qua sông rồi quay lại ngay.

Nói xong anh biến đi. Liền sau đó Uyên thấy bóng con thuyền anh chấp chới trên dòng sông, rồi cũng chẳng bao lâu anh trở về ngồi xuống bên cô. Anh giải thích:

- Ban ngày anh đi làm, tối anh chèo đò đưa khách sang sông nếu như có khách nào cần. Uyên không ngạc nhiên chứ?

- Không, em không ngạc nhiên. Em còn thấy cái nghề này thi vị nữa!

- Thi vị thì cũng thi vị, nhưng nếu có một nghề nào khác thì tốt hơn. Bây giờ anh cần tiền nuôi mẹ nên anh có thể làm bất cứ nghề gì.

Nghe Thịnh nói vậy, Uyên biết gia cảnh anh đang khó khăn, vì thế cô lái câu chuyện sang hướng khác. Họ nói chuyện vui vẻ đến tối mịt Uyên mới ra về.

Ðêm ấy Uyên muốn hỏi dì Út về hoàn cảnh của Thịnh, nhưng sợ dì cười nên thôi. Khuya, Uyên vẫn nằm mở mắt nhìn lên trần nhà, xem những con thằn lằn đuổi nhau rồi nghĩ ngợi mông lung. Cũng đêm ấy, lần đầu tiên trong đời, Uyên ngượng ngùng viết tên một người con trai vào trong nhật ký...

Mấy hôm sau, thỉnh thoảng Uyên vẫn gặp Thịnh, Uyên ngồi với anh trên chiếc ghế đá mà có lẽ ngày xưa thằng Vũ và con Thúy vẫn ngồi, đến khi trên trời lấm tấm những vì sao cô mới về.

Có lần Thịnh rủ:

- Nếu Uyên thích đi đò trên sông thì anh tình nguyện chở Uyên đi?

Uyên đồng ý. Thế là họ đi. Thịnh chèo ở đằng lái, Uyên ngồi giữa. Một lúc sau Thịnh lên tiếng:

- Bao giờ thì Uyên về trên ấy?

- Còn lâu lắm, anh Thịnh đừng lo. Chừng nào chán Uyên mới chịu về.

- Hè năm sau Uyên có định về đây thăm... ngoại nữa không?

- Uyên chưa biết. Ðiều này còn phụ thuộc vào... mẹ Uyên.

Thịnh gần như ngừng chèo, chiếc thuyền cứ xoay tròn theo dòng nước...

Ðêm đó, khi bầu trời đã lấm chấm những vì sao, Uyên trở về nhà. Dì Út trao cho Uyên lá thư của mẹ. Trong thư mẹ tỏ ra lo lắng về tình hình chiến tranh biên giới nơi Uyên đang ở. Mẹ còn nói thêm là bịnh của ba tái phát và đề nghị Uyên về gấp.

Năm đó toàn bộ biến giới phía Nam bị lấn chiếm. Nhưng bấy giờ thực lòng mà nói Uyên không hay biết gì, đúng hơn là không quan tâm gì, bởi chiến tranh còn chưa chạm đến tuổi học trò của Uyên. Dù vậy, vâng lời mẹ. Uyên quyết định phải về. Vậy là kỳ nghỉ hè không trọn vẹn.

Sáng sớm dì Út đưa Uyên ra bến xe đò. Khi xe lăn bánh, chỉ còn một điều làm Uyên áy náy là cô không kịp từ giả Thịnh.

Khoảng một tháng sau Uyên nhận được thư Thịnh. Anh viết:

“Biên giới... ngày... tháng...

Uyên ơi, chắc Uyên không ngờ hôm nay Uyên lại cầm trên tay bức thư của anh chàng lính mới? Và Uyên ạ, dù là lính mới nhưng bọn anh đã thực sự vào trận rồi.

Vài ngày sau cái đêm hôm ấy không thấy Uyên trở lại, anh tìm gặp “dì Út”, mới biết là Uyên đi. Anh không trách gì Uyên, chỉ thương Uyên không được vui trọn một mùa hè. Phần anh, sau đó ít lâu anh cũng đi, không phải đi một mình mà đi cùng cả lũ bạn bè, có cả Duy nữa. Không thể không đi khi chỉ trong một sớm một chiều giặc sẽ đánh đến nhà mình. Và bọn anh đã phải đánh trả lại ngay sau khi chưa kịp học thành thạo cách sử dụng vũ khí. Ðọc thư, chắc Uyên không cảm nhận được mùi vị của chiến tranh đâu, còn anh, khi viết cho Uyên những dòng này, bên tai vẫn không ngớt tiếng đì đùng, và không gian sặc mùi thuốc súng. Những người dân vô tội vẫn tiếp tục ngã xuống... Nhưng thôi, nói chi hoài về súng đạn, chết chóc làm Uyên sợ. Anh hy vọng chiến tranh sớm kết thúc, để sang năm, anh được đón Uyên về quê ngoạn nghỉ hè. Chiều chiều chúng mình sẽ tới công viên bờ sông, ngồi trên chiếc ghế đá mà ngày xưa thằng Vũ và con Thúy đã ngồi, lúc ấy anh sẽ kể cho Uyên nghe những gì Uyên thích. À quên, sang năm anh xin tình nguyện trồng lên chiếc ghế đá ấy một giàn hoa giấy...”

Ðó là lá thư duy nhất Uyên nhận được của anh. Hết hè năm ấy, dì Út trở lên thành phố. Uyên hỏi tin tức về anh, dì Út lắc đầu. Có dịp về quê, khi trở lên Sài Gòn, Uyên lại hỏi, dì lại lắc. Có thể dì đã biết rồi nhưng muốn dấu Uyên. Cuối cùng dì đành nói thật: cả Duy và anh đều không về.

Bao năm rồi Uyên chưa trở lại quê ngoại. Không hiểu bây giờ chiếc ghế đá “của thằng Vũ và con Thúy” ở công viên bờ sông có còn không?

giavui
11-17-2010, 05:23 PM
Cứng Ðầu

Doãn Mạnh Tiến




Ngày xưa, tôi nổi tiếng về cái tật cứng đầu. Mẹ tôi bảo tôi cứng đầu vì cái trán dô. Điều đó thì tôi không biết, nhưng tôi biết chắc là tôi cứng đầu vì tôi giống bố tôi, nên tôi chẳng lấy làm phiền khi bị kêu như vậy. Mà các cụ mình vẫn nói "con giống cha, nhà có phước" phải không em ? Vả lại, tôi cứng đầu một cách ... thông minh, chớ tôi đâu có ngoan cố. Em không hiểu sự khác biệt giữa ngoan cố và cứng đầu à ? Này nhé, một người ngoan cố là một người cứ khăng khăng cho là mình phải. Còn một người "cứng đầu một cách thông minh" là một người, khi gặp phải một vấn đề, ráng tìm hiểu và quyết định kỹ càng, để rồi luôn giữ vững lập trường của mình, mặc lời thiên hạ dị nghị, bàn cãi. Ô hay, em vẫn không hiểu à ? Thế này thì .... kỳ thiệt. Nhưng thôi, để khi khác mình hãy bàn tiếp. Bây giờ tôi kể em nghe một chuyện về cái tai hại của sự cứng đầu nhé ?

° ° °

Tôi lớn lên trong một gia-đình nhiều con gái. Các chị tôi xưa như ... khủng long vậy đó. "Nam nữ thọ thọ bất thân" là chuyện đương nhiên đối với các người chị dễ thương nhưng rất ư bảo thủ này. Lớn lên trong hoàn-cảnh đó, tất nhiên ngày đó tôi có những ý tưởng "khác thường" về quan hệ gái trai. Ồ, tôi có bạn gái chứ, nhưng không bao giờ tôi để cho tôi hoặc cho các nàng vượt qua lễ giáo. Dám hôn nhau là đã quá trời rồi. Ngày đó, em có biết là tôi sợ nhất cái gì không ? Tôi sợ nhất là phải nghe những lời yêu đương thắm thiết từ những cái miệng xinh xắn, đáng yêu của các nàng. Ôi chao ôi, tôi không hiểu làm sao mà các nàng có thể dễ dàng thốt ra những lời như vậy. Những lời ấy, lẽ ra phải như tạc vào đá, bị các nàng lạm dụng nên lại hoá ra nhẹ như tơ trời. Với tôi, những lời ấy chỉ để cho người bạn đời trăm năm, thành thử tôi luôn bị các nàng giận dỗi.

Và vì tôi không không muốn bị các chị cạo đầu bôi vôi, tôi đem chuyện này ra vấn-kế gã bạn thân nhất của tôi. Gã bảo:

- Mày khờ quá. Con gái nó nói yêu mày thì mày phải nói lại là mày yêu nó chứ. Có khi nó không nói mà mày cũng phải nói nữa là. Nói có chết ai đâu. Mày nói thì nó sẽ vui và tao bảo đảm mày cũng sẽ được vui ...

Nói tới đây thì hắn nháy mắt nhìn tôi một cách rất gian-ác.

Tôi chịu, chẳng thể nào muối mặt làm chuyện đó, nên tôi mãi cứng đầu, mãi bị người ta "hổng thèm". Và mãi như vậy cho đến khi tôi gặp và yêu nàng. Lúc đó thì tôi lại càng khổ hơn vì tim tôi thật sự yêu nàng, muốn nói với nàng những lời ấy, nhưng cái đầu của tôi lại cấm cản chẳng cho, vì tôi và nàng vẫn chưa là gì với nhau cả. Tôi đành yêu nàng rất ư tiện tặn, nghĩa là lâu lâu cái đầu ngủ gật, trái tim bảo cái miệng thì thầm vội vã những câu "Yêu em". Cũng may, nàng cũng không phải thuộc loại người ướt át, hay nói những lời mùi mẫn, nên tôi chưa bị phát giác. Cho đến hôm đó.

Hôm đó, chẳng là ngày gì hết, chỉ là một ngày chủ-nhật đẹp trời. Tiền để lâu ngày sợ mối ăn, tôi mua tặng nàng một bó hoa. Nàng vòng tay ra sau cổ tôi, vít đầu tôi xuống, thưởng cho tôi một cái hôn thật nóng bỏng, thật tuyệt vời. Rồi nàng thỏ-thẻ rất cải lương:

- Em yêu anh !

Tôi gật-gù, mắt lim-dim, thưởng-thức hương-vị mầu nhiệm của nụ hôn. Ý chừng như nàng không rõ cái gật đầu của tôi có nghĩa là "anh đồng ý cho em yêu anh", hay là "anh cũng yêu em", nàng nũng nịu bảo:

- Anh ! Sao anh không nói anh yêu em ?

Lẽ ra, nếu nàng không nói thì chắc-chắn (?) tôi cũng sẽ nói tôi yêu nàng, chẳng chóng thì chày, chẳng ngày mai thì cũng ngày kia. Nhưng bị "sai khiến" như vậy, tôi trở nên ... cứng đầu. Con trai họ Doãn vốn không thích bị sai bảo, cho dù việc ấy có dễ dàng, có tự nhiên như nói yêu em. Và tôi tiếp tục lặng im.

Nàng buông tôi ra, giọng đầy trách móc.

- Chẳng bao giờ anh nói anh yêu em cả !

Đến đây thì toàn thân tôi được đặt vào tình trạng báo động đỏ. Ngọn gió chiến tranh nhanh chóng thổi đi những cảm giác lâng lâng. Phe ta phản pháo yếu ớt.

- Trời ơi, chắc em lẫn rồi ! Anh nhớ rõ ràng, mới hôm trước, khi đi bộ từ phố Tàu về đây, anh đã nói với em câu đó.

Tôi vẫn tránh thốt ra câu ấy, dùng chữ "đó " thế vào.

- Hôm trước cách đây hơn ba tuần rồi.

Nàng phụng-phịu nói.

Chắc nàng tưởng tôi sắp ... lẫn như nàng chăng ? Khỏi cần nàng nhắc tuồng tôi cũng dư biết "hôm trước" là hôm nào mà. Giá như lúc ấy tôi biết im, biết chịu thua thì chắc tôi cũng sẽ được tha thứ. Tiếc rằng ngày ấy, tôi còn ngu lắm, vẫn còn tính chấp nê. Tôi ráng cãi đến kỳ cùng.

- Thế sao em lại bảo chẳng bao giờ ?

- Ý em muốn nói là khi em nói em yêu anh, chẳng bao giờ nói anh yêu em hết. Nhiều lúc em cảm thấy ...

- Em thật là vô lý. Tình yêu có thể biểu hiện qua ánh mắt, bằng hành động, cứ gì phải nói ra. Em bắt anh nói ra như vậy, anh thấy làm sao ấy.

- Nhưng nếu anh ngại ngùng khi nói yêu em thì anh không có thực sự yêu ẹm Và như thế thì em cũng chẳng muốn anh nói nữa. Em không muốn anh phải dối lòng.

Ôi, cách cãi nhau thật đàn bà ! Lý luận vững chắc, pha thêm chút hờn dỗi đáng yêu. Cãi nhau kiểu đó, đàn ông chúng tôi chẳng thể nào thắng được.

Thấy mặt này quân ta thua xiểng-niểng, khó có mòi vớt-vát được, tôi bèn thay đổi chiến-thuật, dùng kế "đánh Tề để cứu Triệu", chơi trò luận công hãn mã.

- Thế tuần rồi, ai bỏ mứt mận, bỏ ô mai vào hộp thơ của em ?

- Anh.

Nàng nhìn tôi với đôi mắt biết ơn. Cú đòn tâm-lý này, nhắc đến những món nàng ưa thích nhất, thật hiệu-quả. Quân ta thừa thắng xông lên.

- Em đi làm khuya ai đưa đón ?

- Anh.

- Khi anh đi xin việc trên Boston, vắng em một ngày, anh viết cho em mấy lá thư ?

- Hai lá nhưng ...

Tôi cướp lời, không muốn cho nàng nói nốt "... nhưng trong thư, anh không có nói yêu em".

- Nhưng với nhị gì nữa ? Như vậy không là ... ấy thì còn là gì ?

Tôi "lý sự" đến đây thì mắt nàng đỏ lên. Nàng chớp mắt thật nhanh rồi hàng lệ, như cơn mưa rào ngày hạ, thình lình đổ xuống.

Thượng-Đế hỡi, không biết người đã dùng cái xương sườn nào để tạo ra cô bé khả-ái nhưng ướt nhẹp này. Và vì tôi biết nước mắt đàn-bà là chất cường-toan cực mạnh, có thể làm chảy những trái tim chai đá nhất, tôi phú lỉnh. Phú lỉnh để chờ cơ-hội "phục thù". Cũng không lâu đâu, đến ngày lãnh lương, tôi sẽ cho nàng biết tay.

Nhớ lại mà thương cho cái kiếp học trò nghèo mạt rệp, đồng tiền sáng lãnh chiều tiêu. Có muốn làm cái chi cũng phải đợi ngày phát lương. Thứ năm hôm đó, vừa có tiền là tôi bận rộn đi mua bong bóng. Bong bóng thường rẻ hơn nên tôi mua chẵn chục. Còn bong bóng loại mylar, tôi mua dăm ba cái. Tôi đem về phòng, dùng bút lông vẽ. Cái thì tôi vẽ tên tôi và nàng lồng lên nhau, cái thì tôi viết "Anh yêu em", cái thì tôi vẽ một cặp trai gái hôn nhau với tên tắt của nàng và tôi ở dưới. Ôi thôi đủ kiểu. Năm giờ tôi hẹn nàng gặp tôi ở trước thư-viện trường nàng. Một giờ tôi đã lui cui treo bong bóng, dán bích chương đầy trước cửa thư-viện. Những cái bích chương ấy, tôi đã sửa soạn từ mấy ngày trước, do chính tay tôi vẽ cũng có mà in ra từ máy điện toán cũng có nữa.

Đáng tiếc là lúc bốn giờ tôi có tiết học, nên mặc dù tôi đã trở lại chỗ hẹn sớm cả mười phút, tôi cũng không được thấy phản ứng của nàng khi nàng mới nhìn thấy cái "phòng" triển-lãm tình yêu của tôi. Tôi đến chỉ kịp xem nàng đang thu dọn chiến trường. Thấy tôi, nàng cuống quýt bảo:

- Anh làm ơn giúp em một tay, gỡ mấy cái trên kia. Em với không tới.

Dĩ nhiên là nàng với không tới vì mấy cái bảng đó, tôi đã cố tình trèo lên cây để treo.

Tôi giễu nàng:

- Ối chà, em làm gì thế ? Anh loay hoay mãi mới treo xong. Được có mấy tiếng thì em lại đòi gỡ xuống rồi. Để thêm mấy tiếng nữa nhé ?

- Trời ơi, vậy anh treo từ bao giờ ?

- Hihihi, từ lúc một giờ. Đến bây giờ thì chắc cả trường em đều thấy rồi. Em có gỡ xuống cũng vậy thôi.

Khuôn mặt nàng đang hồng lại càng hồng thệm Nàng cằn nhằn tôi một cách rất ư là ... không cằn nhằn, rất ư là đáng yêu.

- Anh kỳ quá hà !

Đưa nàng về nhà, tôi nhăn nhở hỏi:

- Bây giờ thì em còn bắt anh nói yêu em nữa không ?

Nàng không nói gì, nhưng tôi thấy mặt nàng chợt thoáng giận khi nàng kịp nhớ ra câu chuyện hôm trước. Chao ôi ! Lời đã nói ra thì ngựa "tứ bách" Corvette (400 horsepower) cũng không làm sao theo kịp. Thằng tôi ngu ơi là ngu. Tranh thắng với người yêu thì có thắng cũng thành thua, vì từ đó, quả nhiên tôi ít được nghe nàng nói "Em yêu anh".

° ° °

Đó, em coi cái tật cứng đầu có ngu xuẩn, có tai hại chưa ?

Bây giờ, lăn lộn lâu năm với đời, cái trán tôi đã xẹp xuống nhiều lắm. Em thấy không ? Tôi đã biết nhường em khi mình cãi nhau. Khi em khóc, tôi biết dùng áo tôi làm khăn mù-soa cho em lau nước mắt, biết vỗ-về em bằng lời thơ vụng dại của lòng mình

Bé ơi úp mặt ngực anh đây
Để muộn phiền vơi đẫm áo này
Hơi ấm lòng anh dâng sưởi bé
Vòng tay che chở bé đêm nay

Tôi biết ru em bằng những bài ca tụng tình yêu quê hương của Duy Khánh, những bản tình ca đôi lứa của Phạm Duy. Và khi em nói yêu tôi, tôi biết cầm lấy tay em, âu-yếm nhìn em mà nói với tất cả chân-thành:

- Cám ơn ẹm

Vâng, tôi cám ơn em đã cho tôi một món quà vô-giá, một thứ ngọc bích Biện Hoà1. Tình yêu của em, tôi sẽ nâng-niu, cho dù ai muốn đổi cả một trường phú-quý, tôi cũng chẳng màng. Nếu em có ngờ tôi, hãy lấy lòng em để nhìn vào mắt tôi. Khi em thấy được trong ánh mắt rực-rỡ niềm vui của tôi có áng hồng ấm-áp trìu mến của buổi bình-minh, có bóng cây tươi mát ngọt ngào giữa lúc trưa hè, có muôn mầu êm-dịu nhẹ nhàng của lúc hoàng-hôn, có thanh-bình tinh-khiết của đêm trăng rằm, thì tự khắc em sẽ hiểu.

Nên đừng bắt tôi nói câu ấy em nhé, vì cho đến bây giờ, tôi vẫn thích "để dành" những lời nặng trĩu yêu thuơng. Trán tôi vẫn còn hơi dô tí ti đó mà.


25Apr96

--------------------------------
1 Biện Hoà, người nước Sở, một hôm lên núi Kinh-sơn, nhặt được viên đá ngọc, mang về dâng cho Sở Lệ Vương. Sở Lệ Vương đưa cho thợ xem, thợ bảo chỉ là viên đá. Sở Lệ Vương tức giận, sai chặt một chân của Biện Hoà. Sở Lệ Vương chết đi, Sở Võ Vương lên nối ngôi, Biện Hoà lại vào tiến dâng viên ngọc. Và cũng như lần trước, Biện Hoà phải tội chặt chân. Võ Vương mất, Sở Văn Vương lên ngôi, Biện Hoà ôm viên đá ngọc nằm dưới chân núi Kinh khóc ba ngày ba đêm, chảy cả máu mắt. Vua nghe chuyện thương tình, thu tiếp đá ngọc, bảo thợ bổ hòn đá ra xem thử. Quả nhiên, giữa hòn đá là một viên bạch ngọc rất lớn, không một chút tì vết. Viên ngọc này để chỗ tối thì tự phát ra ánh sáng, mùa hè thì phát ra hơi mát lạnh, trong trăm bước không ruồi nhặng, mùa đông thì phát ra hơi ấm có thể thay được lò sưởi. Sau viên ngọc này về tay vua Triệu. Vua Tần đem 15 thành xin đổi mà không được (từ ngữ "ngọc liên thành" cũng ở tích này mà ra). Khi Tần chiếm được nước Triệu, viên ngọc ấy mới về nước Tần. Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung-hoa, lên ngôi Hoàng-Đế. Thuỷ Hoàng sai thợ đẽo viên ngọc Biện Hoà thành ngọc tỷ, khắc 8 chữ "Thu mệnh ư thiên, ký thọ vĩnh xương".