PDA

View Full Version : Philippines cứng rắn đáp trả ĐCSTQ: Sẽ không dời tàu chiến mắc cạn ở bãi Cỏ Mây



duyanh
08-10-2023, 01:19 PM
Philippines cứng rắn đáp trả ĐCSTQ: Sẽ không dời tàu chiến mắc cạn ở bãi Cỏ Mây



Sau vụ xịt vòi rồng vào tàu Philippines ở Biển Đông, hôm 8/8 Trung Quốc kêu gọi Philippines di dời tàu chiến mắc cạn ra khỏi khu vực Bãi Cỏ Mây. Ngày 9/8, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã phản ứng mạnh mẽ với yêu cầu của phía Trung Quốc. Bãi Cỏ Mây đã trở thành điểm nóng mới nhất trong tranh chấp lãnh hải ngày càng gia tăng giữa 2 nước.


https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2023/08/id13982021-000_33994L6-600x400-1.jpg

Ngày 14/2/2023, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Đại sứ Trung Quốc Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) hội đàm, để giải quyết xung đột giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông. (Ảnh: Văn phòng Truyền thông Tổng thống)

ĐCSTQ sử dụng “đường 9 đoạn” để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, thậm chí có nơi còn chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia, gây ra nhiều tranh chấp. Một trong những tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines là quyền sở hữu Bãi Cỏ Mây mà Philippines đặt tên là Ayungin còn Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu, trong khi phía Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây. Bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km.

Ngày 12/7/2016, Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết rằng yêu sách chủ quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với “đường 9 đoạn” ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Nhưng ĐCSTQ vẫn tuyên bố nhất quyết không công nhận bản án. Xung đột này vẫn tiếp tục leo thang.

Tuần này Trung Quốc lại yêu cầu Philippines trục xuất tàu chiến BRP Sierra Madre thời Thế chiến II, và nói rằng việc Philippines tiếp tục cung cấp vật liệu xây dựng cho tàu chiến mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây là lý do khiến Bắc Kinh phong tỏa tàu Philippines gần đây.

Hôm thứ Tư (9/8), Văn phòng truyền thông của tổng thống đã đưa ra một tuyên bố nói rằng Tổng thống Marcos Jr. đã tuyên bố chắc chắn vào hôm thứ Tư, rằng không có thỏa thuận nào giữa Philippines và Trung Quốc về việc kéo tàu chiến BRP Sierra Madre ra khỏi Bãi Cỏ Mây.

Điều này trái ngược với tuyên bố của Trung Quốc, rằng trước đó Chính phủ Philippines đã hứa sẽ loại bỏ tàu chiến ra khỏi khu vực này.

Ông Marcos Jr. nói không biết về bất kỳ sự sắp xếp hoặc thỏa thuận nào liên quan đến việc Philippines sẽ loại bỏ con tàu của chính họ ra khỏi lãnh thổ của mình, tức tàu chiến BRP Sierra Madre ra khỏi Bãi Cỏ Mây. Nếu có một thỏa thuận như vậy tồn tại, ông cũng sẽ hủy bỏ nó ngay lập tức.

Theo phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016, Bãi Cỏ Mây nằm trên thềm lục địa Philippines. Kể từ năm 1999, Philippines đã cho tàu đổ bộ BRP Sierra Madre từ thời Thế chiến II neo đậu trên Bãi Cỏ Mây, một biểu tượng cho các tuyên bố chủ quyền của nước này tại đó.

Trên con tàu Sierra Madre có một đội nhỏ quân nhân Philippines. Philippines vẫn thường xuyên tiếp tế cho quân nhân đóng tại đây, nhưng đã nhiều lần bị ĐCSTQ cản trở.

Vào tháng 2, một tàu Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào tàu tiếp tế của Philippines bằng “tia laser cấp độ quân sự”, làm chói mắt thủy thủ đoàn Philippines trong thời gian ngắn, khiến Philippines phản đối kịch liệt.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Bắc Kinh ngăn không cho Manila tiếp tế cho lính Philippines trú đóng trên con tàu tại Bãi Cỏ Mây. Tháng 11/2021, cảnh sát biển Trung Quốc đã dùng vòi rồng tấn công tàu tiếp tế của Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây.

Ngày 5/8, lực lượng bảo vệ bờ biển của ĐCSTQ cũng sử dụng vòi rồng để ngăn chặn các tàu Philippines tiếp tế cho tàu Sierra Madre, gây ra sự chỉ trích mới từ Hoa Kỳ và các đồng minh quốc tế.



https://www.youtube.com/watch?v=2nAMxZxRU94

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tái khẳng định trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, rằng ông sẽ ủng hộ các quyền hàng hải hợp pháp của các đồng minh trong khu vực phù hợp với Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines.

ĐCSTQ cho biết, hành động của họ phù hợp với luật pháp, và cáo buộc tàu Philippines vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Mây.

Về phương diện vật chất hay quân sự, con tàu trên Bãi Cỏ Mây, hoàn toàn rỉ sét, không có bất kỳ giá trị nào. Nhưng về chính trị, sự hiện diện của nó đã giúp Philippines khẳng định chủ quyền trước các yêu sách của Trung Quốc, vốn đòi hỏi gần như toàn bộ Biển Đông.

Đối với Philippines, mối lo ngại rất lớn là một khi Bãi Cỏ Mây không còn lực lượng đồn trú, Trung Quốc sẽ lại chiếm cứ thực thể này như họ đã từng làm với Đá Vành Khăn vào năm 1994, hay với bãi cạn Scarborough Shoal vào năm 2012.

Từ năm ngoái, Philippines đã gửi hơn 200 phản đối ngoại giao chống lại ĐCSTQ. Sau khi nhậm chức tổng thống, ông Marcos Jr. cũng nhiều lần nhấn mạnh, sẽ không cho phép các quốc gia khác tùy tiện chà đạp lên lãnh hải của Philippines.

Mặt khác, ông củng cố mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, tăng cường hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Philippines, thậm chí còn trực tiếp theo dõi các cuộc tập trận quân sự giữa hai nước. Tháng 2 năm nay, Tổng thống Marcos Jr. đã nói rõ với ĐCSTQ rằng Philippines sẽ không từ bỏ một inch lãnh thổ của mình.

Ngày 5/8, nhằm bênh vực đồng minh Philippines trong sự kiện ở Bãi Cỏ Mây, Bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định: “Một cuộc tấn công vũ trang các tàu công vụ, máy bay và lực lượng vũ trang của Philippines, bao gồm cả lực lượng Tuần Duyên Philippines ở Biển Đông, sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo Điều IV của Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Mỹ-Philippines năm 1951”.

Theo thông cáo báo chí của Lầu Năm Góc đưa ra hôm thứ Ba (8/8), cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd J. Austin đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr., thảo luận về việc hợp tác với liên minh Mỹ-Philippines.

Hai bộ trưởng tái khẳng định sức mạnh của liên minh Mỹ-Philippines và cam kết tăng cường đào tạo song phương, tương tác và hỗ trợ hiện đại hóa Lực lượng Vũ trang Philippines.

Bình Minh (t/h)