PDA

View Full Version : Đảo chính ở Niger: Chiến lược của Mỹ ở Sahel có nguy cơ bị đảo lộn ?



duyanh
08-10-2023, 12:36 PM
Đảo chính ở Niger: Chiến lược của Mỹ ở Sahel có nguy cơ bị đảo lộn ?





https://s.rfi.fr/media/display/b381c3ee-3773-11ee-bed3-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP20029218125250-1.jpg

Cuộc đảo chính ở Niger ngày 26/07/2023 lật đổ tổng thống dân cử làm Hoa Kỳ lo lắng: Một thập niên nỗ lực gầy dựng quan hệ đối tác với Niger có nguy cơ tan thành mây khói. Quốc gia châu Phi vùng Sahel này là « pháo đài » cho Mỹ trong cuộc chiến chống quân thánh chiến, và là bức « tường lửa » chặn đà gia tăng ảnh hưởng của Nga trong vùng.

Những áp lực từ quốc tế như trừng phạt kinh tế, dọa sử dụng vũ lực để tái lập trật tự hiến pháp vẫn không làm chùn bước phe quân đội đảo chính tại Niger. Các nhà lãnh đạo của chính quyền quân sự mới tuyên bố thách thức mọi nỗ lực khôi phục quyền lực của tổng thống bị lật đổ, ông Mohamed Bazoum, một đồng minh thân cận của Pháp và Mỹ.

Thái độ chừng mực của Mỹ

Burkina Faso, Mali và Guinea – những quốc gia Tây Phi, thuộc địa cũ của Pháp đã trải qua những cuộc đảo chính quân sự trong ba năm qua – đã cảnh cáo rằng họ hậu thuẫn Niger trước bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào của nước ngoài. Trong khi đó, chính quyền quân sự mới ở Niamey tuyên bố chấm dứt hợp tác quân sự với Pháp – quốc gia có sự hiện diện quá lớn ở cựu thuộc địa này.

Nếu như Pháp và Liên Hiệp Châu Âu mạnh mẽ lên án một « mưu toan đảo chính » và thông báo ngừng các chương trình viện trợ cho đến khi nào trật tự Hiến Pháp được tái lập, thì Hoa Kỳ lại có một phản ứng rất dè chừng đối với chính quyền quân sự mới tại Niger.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong phát biểu đầu tiên về cuộc khủng hoảng chỉ nói đến « trả tự do » và yêu cầu bảo đảm an ninh cho tổng thống bị lật đổ. Washington ngay từ đầu đã ưu tiên giải pháp ngoại giao, do không mấy tin tưởng vào khả năng Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS trong tiếng Anh hay CEDEAO trong tiếng Pháp) khôi phục được quyền hành bằng vũ lực cho tổng thống Mohamed Bazoum.

Quan điểm này đã được ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken giải thích rõ trong một cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho đài RFI ngày 07/08/2023 :

« Hoa Kỳ hậu thuẫn mọi nỗ lực của ECOWAS ở châu Phi nhằm tái lập trật tự Hiến Pháp ở Niger, chúng tôi tìm kiếm các phương cách ngoại giao nhằm hậu thuẫn những nỗ lực của khối. Tôi thường xuyên liên lạc với các lãnh đạo châu Phi, với cả ECOWAS cũng như là với các đối tác của Mỹ tại châu Âu, bao gồm cả Pháp.

Những gì chúng ta đang chứng kiến tại Niger thật đáng tiếc và chẳng mang lại lợi ích gì cho người dân Niger. Ngược lại, sự gián đoạn trật tự Hiến Pháp này đặt chúng ta và nhiều nước khác trong tình thế phải ngừng hỗ trợ cho Niger, điều này sẽ không giúp ích gì cho người dân Niger. Do vậy, điều chắc chắn rằng ngoại giao là phương cách thích hợp hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng này (…) ».

Mỹ: Nguồn đào tạo quân sự chính yếu

Phản ứng chừng mực này của Mỹ được giải thích phần nào bởi việc cho đến lúc này, không giống như Pháp, quân đội Mỹ chưa phải hứng chịu những lời lẽ « bài Mỹ » nào từ các phát biểu của giới chức lãnh đạo quân sự Niger. Chính tại quốc gia Tây Phi này, quân đội Mỹ có thêm một căn cứ quân sự lớn thứ hai ở châu Phi. Hơn 1.000 binh sĩ Mỹ được bố trí không chỉ tại căn cứ Agadez, mà còn nhiều nơi khác trên khắp nước, kể cả ở sân bay Niamey.

Nick Turse, nhà báo điều tra độc lập, cộng tác viên cho trang mạng The Intercept, gần đây tiết lộ một trong những thủ lĩnh của cuộc đảo chính ở Niger – chuẩn tướng Moussa Salaou Barmou, từng được quân đội Hoa Kỳ huấn luyện – đã có cuộc gặp với lãnh đạo Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt của quân đội Mỹ, trung tướng Jonathan Braga, tại căn cứ của Mỹ ở Niger.

Trên kênh truyền hình độc lập Mỹ Democracy Now, Nick Turse nhắc lại nguồn cội của mối quan hệ quân sự giữa Mỹ với các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger :

« Hoa Kỳ đã đào tạo một số nhà lãnh đạo đảo chính ở Tây Phi những năm đây. Và đây là một phần trong chiến lược an ninh của Mỹ. Quả thật, họ đã ùa vào khu vực này với nhiều chương trình hỗ trợ an ninh thời hậu 11/9. Mỹ đã đổ một lượng lớn tiền hỗ trợ an ninh vào khu vực. Quân đội Mỹ đã xây dựng nhiều tiền đồn nhỏ, trong số này có căn cứ máy bay không người lái tại Agadez. Họ đã đầu tư nhiều cho quân đội, gây bất lợi cho việc xây dựng các tổ chức xã hội dân sự. »

Nhưng khủng hoảng ở Niger là cuộc đảo chính lần thứ 11 ở Tây Phi do các sĩ quan châu Phi được Mỹ huấn luyện thực hiện tính từ năm 2008. Điều này cho thấy mô hình hỗ trợ an ninh của Mỹ chống khủng bố trong khu vực đã không thành công. Nick Turse, nhận định tiếp :

« Trở lại năm 2002, 2003, khi hỗ trợ an ninh cho Niger bắt đầu, bộ Ngoại Giao Mỹ ghi nhận chỉ có 9 vụ tấn công khủng bố ở vùng cận Sahara. Năm 2022, chỉ riêng ở Niger và các nước láng giềng Burkina Faso và Mali, Lầu Năm Góc thống kê có hơn 2.700 vụ tấn công, tăng hơn 30.000% ».

Niger : Tiền đồn quân sự thiết yếu của Mỹ tại Sahel

Bất chấp những con số thống kê bất lợi, nhưng Hoa Kỳ những năm gần đây vẫn xem Niger như là tiền đồn quân sự chính yếu ở vùng Sahel trước đà tiến của các nhóm thánh chiến và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga. Theo giải thích từ nhà nghiên cứu về Quan hệ Quốc tế, Olayinka Ajala, đại học Leeds Beckett với kênh truyền hình Democracy Now, sự chọn lựa này của Mỹ còn vì vị trí địa lý chiến lược của Niger tại vùng Sahel.

« Một lý do khác làm cho Niger khá khác biệt, ngoài việc quốc gia này gần đây là đồng minh của Pháp và Mỹ, đó còn là vì Niger có biên giới trên bộ với bảy nước châu Phi khác nhau (giáp với các nước Bắc Phi và Tây Phi). Vì vậy, bất cứ điều gì xảy ra ở Niger đều tác động đáng kể đến nhiều nước khác ở vùng Sahel và Tây Phi. Đây là lý do vì sao Niger được quan tâm nhiều hơn so với ba nước còn lại là Burkina Faso, Mali và Guinea. »

Tại Niger, Hoa Kỳ đã cho xây dựng Căn cứ Không quân 201 rộng bao la, được bao bọc nhiều tháp canh. Nhà báo độc lập Mỹ Nick Turse, từng đến khu căn cứ này, mô tả :

« Căn cứ Không quân 201 của Mỹ nằm ở Agadez, phía bắc thủ đô Niger. Đây thực sự là trục chính cho các tiền đồn quân sự Mỹ, được phát triển nhanh chóng trong vài năm qua ở Tây Phi. Đây là một trung tâm giám sát, được sử dụng cho các chiến dịch chống khủng bố. Từ đây, máy bay không người lái được phóng đi, kể cả loại máy bay không người lái vũ trang đáng gờm MQ-9 Reaper. Căn cứ này là đặc biệt quan trọng. Hoa Kỳ đã chi ra hơn 110 triệu đô la để xây dựng căn cứ này và mỗi năm phải tốn khoảng từ 20-30 triệu đô la để duy trì căn cứ. »

Theo nhật báo Công Giáo Pháp La Croix, binh sĩ Mỹ còn được triển khai tại căn cứ không quân 101 ở Niamey. Hơn nữa, gần một thập niên nay, Washington đã dành đến 450 triệu đô la để đào tạo và trang bị cho quân đội Niger. Không quân nước này được cung cấp 4 chiếc chuyên cơ vận tải và trinh sát Cessna cũng như là 3 chiếc Hercule C-130. Ngần ấy nỗ lực của Mỹ, ngoài mục đích tăng cường năng lực cho quân đội Niger còn nhằm « hất cẳng » Nga và trong một chừng mực nào đó là Trung Quốc, nhà đầu tư hàng đầu tại châu Phi.

Tương lai nào cho đối tác Mỹ - Niger ?

Trong bối cảnh này, cuộc khủng hoảng tại Niger đặt Hoa Kỳ trong thế nan giải. Bất chấp hàng trăm triệu đô la hỗ trợ hàng năm, Washington dường như vẫn bất lực trong việc ép buộc các lãnh đạo tập đoàn quân sự tái lập trật tự Hiến Pháp.

Đặc sứ Mỹ Victoria Nuland phải nhìn nhận có những thảo luận « khó khăn » nhân chuyến thăm của bà tại Niamey hôm 7/08. Tuy được gặp tân tham mưu trưởng quân đội, Moussa Salaou Barmou, nhưng bà đã không thể có được cuộc trao đổi với người đứng đầu cuộc đảo chính tướng Abdourahamane Tiani, cũng như là với tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum.

Dù vậy, Hoa Kỳ hành động với mọi cẩn trọng, tuân thủ các nguyên tắc chi phối chính sách chiến lược của Mỹ tại châu Phi : Kín đáo , Không can dự quân sự trực tiếp. Liệu rằng Hoa Kỳ có sẽ triệt thoái quân khỏi Niger nếu tập đoàn quân sự nắm quyền lãnh đạo đất nước trong dài lâu ? Về điểm này, giới quan sát phương Tây tin rằng là Không. Nhà báo Nick Turse giải thích :

« Tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ làm mọi cách để có thể tiếp tục hoạt động ở Niger. Ngoại trưởng Blinken và bộ Ngoại Giao Mỹ đã tránh gọi đây là một cuộc đảo chính, trong khi đây rõ ràng là một cuộc đảo chính. Nhưng tôi nghĩ rằng Mỹ muốn để ngỏ các giải pháp cho mình. Bởi vì một khi tuyên bố đó là đảo chính, Hoa Kỳ buộc phải ngừng hầu hết các chương trình hỗ trợ an ninh. Có nhiều phương cách xung quanh vấn đề này. Có nhiều kẽ hở để thực hiện.

Gần đây tôi đã từng tường thuật rằng ở nước láng giềng Mali, quốc gia có một chính quyền do Mỹ lãnh đạo vẫn còn nhận được một số viện trợ an ninh nhỏ giọt. Mỹ luôn tìm ra cách khi cần. Nhưng Niger có tầm quan trọng cho mô hình chống khủng bố và lợi ích an ninh trong khu vực, do vậy, Washington sẽ làm mọi cách để giữ cho Căn cứ Không quân 201 được hoạt động và sự hiện diện của quân đội Mỹ càng nhiều chừng nào càng tốt chừng ấy. »

Theo báo La Croix của Pháp, Hoa Kỳ vẫn còn duy trì nhiều nhóm lính tinh nhuệ mũ nồi xanh tại Burkina Faso, sau cuộc đảo chính ngày 30/09/2022, lật đổ chính quyền dân sự. Một sự hậu thuẫn kín đáo khác dành cho phe đảo chính quân sự cũng được giữ thông qua nhiều tập đoàn tư nhân đảm trách việc đào tạo các lực lượng an ninh, trước nỗi lo đất nước rơi vào tay thánh chiến cũng như khả năng nhóm lính đánh thuê Nga Wagner ùa vào Tây Phi.

Minh Anh(RFI)