PDA

View Full Version : Dân Matxcơva bắt đầu nếm mùi chiến tranh với drone Ukraina



giavui
08-03-2023, 01:49 AM
Dân Matxcơva bắt đầu nếm mùi chiến tranh với drone Ukraina




Sau gần một năm rưỡi chịu đựng những trận oanh kích khốc liệt của Nga, những tuần lễ gần đây Ukraina bắt đầu dùng drone trả đũa vào lãnh thổ địch, song song với cuộc phản công ở miền đông và miền nam nhằm tái chiếm lãnh thổ. Thông tín viên Le Monde trong số báo ngày 01/08/2023 mô tả « Tại Matxcơva, cuộc sống hàng ngày dưới sự tấn công của drone ».


https://s.rfi.fr/media/display/9635a70a-30ad-11ee-bdd3-005056a90284/w:980/p:16x9/drone_05.webp (https://s.rfi.fr/media/display/9635a70a-30ad-11ee-bdd3-005056a90284/w:980/p:16x9/drone_05.webp)

Kính vỡ nát gần một tòa nhà văn phòng ở khu kinh doanh Moskva City do bị drone Ukraina tấn công ngày 30/07/2023. REUTERS - STRINGER

Matxcơva bắt đầu quen với việc bị drone Ukraina tập kích

Trung tâm kinh doanh của thủ đô Nga và một trong ba phi trường đã phải ngưng các chuyến bay, nhưng những vụ tấn công đã trở thành thường lệ không làm ai thiệt mạng. Trên các đường phố ở khu trung tâm Matxcơva, có những tấm bảng báo hiệu mới ghi dòng chữ « Cấm các drone ». Các tài xế taxi than phiền khi đến gần Kremlin và các trụ sở chính quyền, GPS không còn hoạt động khiến người lái xe mất phương hướng. Kết nối internet tư nhân tại những căn hộ gần các ngã tư huyết mạch bị rối loạn vì phá sóng. Cách đây vài ngày, một drone đã rơi xuống gần bộ Quốc Phòng.

Mười bảy tháng sau cuộc xâm lăng Ukraina, những vụ drone tấn công không còn xa lạ với người dân Matxcơva. Mới đây vào sáng sớm Chủ nhật 30/08, họ được thông báo một chiếc đã bị rơi và hai drone khác bị « vô hiệu hóa bằng thiết bị điện tử ». Cùng ngày ở Crimée, « 16 drone Ukraina đã bị phòng không phá hủy, 9 chiếc khác bị vô hiệu hóa và rơi xuống Hắc Hải ». Phía sau nỗ lực minh bạch này trên truyền hình nhà nước là thông điệp ưu tiên của Vladimir Putin : mọi sự vẫn bình thường.

Ở Matxcơva, hai tòa tháp của khu kinh doanh sang trọng Moskva City đã bị hư hại. Thị trưởng Sergei Sobianin thông báo không có ai thương vong nhưng không cho biết gì thêm, tại thành phố mà một số cư dân phản đối việc tấn công Ukraina. Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng những vụ tấn công này « không thể nào thực hiện nếu chế độ Kiev không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và NATO ».

Zelensky : Chiến tranh quay lại đất Nga là điều hợp lý

Đêm Chủ nhật rạng sáng thứ Hai 31/07 các drone nhắm vào một trụ sở cảnh sát ở Briansk nằm gần biên giới Ukraina và trước đó vào thứ Sáu, Nga nói đã chận được hai hỏa tiễn S-200 của Ukraina ở miền tây nam, nhưng các mảnh vỡ làm ít nhất 16 người bị thương ở Taganrog, cũng ở gần biên giới.

Những vụ drone xâm nhập đã trở thành thông thường kể từ ngày 03/05, khi hai drone tấn công ngoạn mục vào nóc điện Kremlin. Một vụ khác gây ấn tượng hôm 30/05 : theo các nguồn tin không chính thức, hơn 30 drone nhắm vào các tòa nhà, trong đó có những căn nhà chỉ cách tư gia của Vladimir Putin khoảng mười mấy phút chạy xe. Mỗi lần Kremlin đều trấn an « Không có rủi ro nào cho dân cư », « Tổng thống đã được thông báo trực tiếp », « Hệ thống phòng không hoạt động tốt ».

Khác với những trận mưa hỏa tiễn trút xuống Kiev, Matxcơva không bị ảnh hưởng, nhưng tâm trạng bất an đã xuất hiện. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm Chủ nhật đã cảnh báo : « Dần dà cuộc chiến sẽ quay lại trên đất Nga, tại những trung tâm mang tính biểu tượng và các căn cứ quân sự. Đó là một tiến trình tự nhiên không thể tránh khỏi, và hoàn toàn đúng đắn ».

Các « trại ái quốc » tập cho trẻ em Nga quen với súng đạn

Trong khi đó, Matxcơva ra sức tẩy não thanh thiếu niên. Le Figaro tìm đến các trại huấn luyện « quân sự ái quốc » đang nở rộ ở Nga, đón tiếp những trẻ em đôi khi rất nhỏ tuổi. Một em bé 9 tuổi mặc đồ treilli đội nón kết lính như các bạn khác, nói rằng các em được học bắn súng, đào giao thông hào…tất cả đều thú vị, khi tổ quốc kêu gọi em sẽ cầm súng bảo vệ.
Những trại hè vốn quen thuộc ở Nga, nhưng những năm gần đây xuất hiện khắp nơi, mang màu sắc quân sự trong bối cảnh chiến tranh với Ukraina và dân tộc chủ nghĩa lên cao. Những cậu bé mang những khẩu súng giả kalachnikov giống y như thật, cùng trọng lượng và kích thước để tập hành quân, các em lớn nhất đeo súng cả trong bữa ăn. Những huấn luyện viên là giáo viên, hướng dẫn viên, cựu quân nhân rất chuyên nghiệp.

Dưới sự hướng dẫn, các « chiến binh » nhỏ tuổi theo nhau tiến lên, « dọn sân bãi » bằng lựu đạn, chiếm chiến hào địch, nã những tràng đạn vào rừng…Buổi tối các em được xem những phim Đệ nhị Thế chiến hay chiến tranh Afghanistan, và theo ban giám đốc, không chiếu cảnh chiến tanh Chechnya hay « chiến dịch quân sự đặc biệt » ở Ukraina.Tại Tiumen ở Xibêri chẳng hạn, 900 trẻ em được dạy cách sử dụng drone. Kỳ tựu trường tới, chương trình giảng dạy và sách giáo khoa sẽ đặt nặng trọng tâm « ái quốc ». Hai lớp cuối trung học sẽ phải học căn bản quân sự mỗi tuần hai giờ như thời xô-viết.

Nếu Nga thắng thế ở Ukraina, Moldova sẽ là nạn nhân sắp tới

Cũng liên quan đến Nga, Le Figaro cho biết « Là nạn nhân cuộc chiến tranh đa diện của Nga, Moldova hướng về phía châu Âu ». chính quyền Chisinau (thủ đô của Moldova) vừa trục xuất nhiều « nhà ngoại giao » về Matxcơva, đồng thời dựa vào các đối tác châu Âu để tăng cường năng lực radar và an ninh mạng.

Những ăng-ten trên nóc đại sứ quán Trung Quốc ở Chisinau chắc chắn dùng để dọ thám. Thứ Tư tuần trước, bộ Ngoại Giao Moldova đã triệu mời đại sứ Nga để yêu cầu giảm nhân sự, còn khoảng 12 viên chức và 15 nhân viên kỹ thuật, do « nhiều hoạt động không thân thiện, không liên quan đến nhiệm vụ ngoại giao ». Quyết định này được đưa ra một tháng sau khi cấm đảng Shor thân Nga hoạt động vì họ tham gia vào các thủ đoạn của Matxcơva. Thủ lãnh đảng này là Ilan Shor và sáu người khác đã bị Liên Hiệp Châu Âu (EU) trừng phạt.
Moldova dễ bị tổn thương vì một cuộc xung đột đóng băng từ 30 năm qua, vì kinh tế nghèo nàn lệ thuộc nặng nề vào năng lượng Nga, và thiếu vắng một chiến lược chiều sâu. George Scutaru, giám đốc New Strategy Center nhấn mạnh : « Nếu tình hình diễn biến thuận lợi cho Nga ở Ukraina, một ngày nào đó Matxcơva sẽ quyết định chiếm đóng Moldova ». Hồi đầu năm, chính quyền của bà Maia Sandu đã phá vỡ được một âm mưu phá hoại của một nhóm giả dạng cổ động viên bóng đá từ Serbia hay Montenegro đến. « Moldova phải chiến đấu để sống còn » - Scutaru nói.Từ khi Ukraina bị xâm lăng, các vụ tấn công tin học vào Moldova bùng nổ, nước này cũng là mục tiêu của chiến dịch bóp méo thông tin.

Để giúp đỡ Chisinau, viện trợ của EU từ mùa thu 2021 đã vượt quá 1 tỉ euro, trong khi trước đây chỉ khoảng 50 triệu euro/năm, giúp chống lại chiến tranh đa diện. Châu Âu cũng giúp Moldova không còn lệ thuộc 100 % vào khí đốt Nga, và « phi tài phiệt hóa » nền kinh tế trong khuôn khổ cuộc chiến chống tham nhũng. Hai tài phiệt chính là Ilan Shor và Vladimir Plahotniuc đang bỏ trốn tại Israel và khu vực Thổ Nhĩ Kỳ của Chypre.

Mỹ và Úc siết chặt tay để ngăn chận Bắc Kinh

Chuyển sang khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Les Echos nhận thấy « Hoa Kỳ bắt rễ sâu hơn tại Úc ». Sản xuất hỏa tiễn, đặt căn cứ quân sự, tình báo, không gian... Washington và Canberra hợp tác chặt chẽ cho một khu vực « ổn định và hòa bình » trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh.Các bộ trưởng Mỹ Antony Blinken và Lloyd Austin đến Brisbane trong lúc cuộc tập trận quốc tế Talisman Sabre quy mô đang diễn ra tại Úc, với sự tham gia của gần 30.000 binh sĩ từ hơn một chục quốc gia.

Gặp gỡ các đồng nhiệm Úc Penny Wong và Richard Marles, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Austin tố cáo tình trạng « cưỡng chế rất đáng lo » và « đe dọa » trong khi phía Úc coi tình hình là « phức tạp ». Trong thông cáo chung, hai bên phản đối các hành động gây bất ổn trên Biển Đông và việc thay đổi nguyên trạng ở eo biển Đài Loan. Washington et Canberra cùng cho rằng « đã có những thành tựu đáng kể ».
Đạn dược gồm đạn cối, ngư lôi, hỏa tiễn sẽ được hãng Mỹ Lockheed Martin sản xuất tại Úc, chủ yếu là hệ thống phóng đa nòng (GMLRS) kể từ 2025. Sang năm, cơ quan tình báo Mỹ sẽ hiện diện tại Canberra để cùng các đồng nhiệm Úc phân tích các vấn đề chiến lược ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Úc sẽ hiện đại hóa các căn cứ ở phía bắc, gia tăng luân chuyển quân Mỹ, và ngay trong năm nay các tàu ngầm nguyên tử Mỹ sẽ có những chuyến thăm « thường xuyên và dài ngày hơn ».

Mở cửa trở lại, kinh tế Trung Quốc vẫn ảm đạm

Trên bình diện kinh tế, Les Echos nêu ra những khó khăn của Trung Quốc khi cố gắng thúc đẩy tăng trưởng, trong bối cảnh quốc tế không còn thuận lợi.Cứ ngỡ rằng sau khi dỡ bỏ zero Covid, kinh tế Trung Quốc sẽ lại cất cánh. Nhưng tháng Sáu, xuất khẩu bị sụt mất 12,4 % và nhập khẩu giảm 6,8 %, vừa do nhu cầu sụt giảm vừa do những biện pháp hạn chế của Mỹ.

Chính quyền Bắc Kinh do dự giữa việc dùng các biện pháp tái thúc đẩy và việc tự do hóa nền kinh tế, bên cạnh đó là các yếu tố như dân số lão hóa, tỉ lệ thanh niên thất nghiệp cao, dân chúng không chi xài vì không tin tưởng vào tương lai sau thời gian dài phong tỏa khắc nghiệt vì đại dịch. Trung Quốc cũng không thể trông cậy vào toàn cầu hóa để cứu vãn mô hình tăng trưởng nay đã lỗi thời. Các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, luồng đầu tư vào Hoa lục ít hơn, và những hạn chế về thương mại và đầu tư vì lý do địa chính trị sẽ còn mở rộng.

Hoa Kỳ, chính trường của người cao tuổi ?

Trên chính trường nước Mỹ, La Croix cho biết đã có những tranh luận về tuổi tác quá cao của các chính khách.Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Mitch McConnell, 81 tuổi, hôm 26/07 khi đang phát biểu trong cuộc họp báo, bỗng ngưng bặt và im lặng suốt khoảng 20 giây, những người xung quanh phải yêu cầu ông lui vào nghỉ ngơi. Cảnh này tuy ngắn ngủi nhưng đã được lan ra khắp thế giới, khơi lại tranh cãi về việc gần 22 % dân biểu, thượng nghị sĩ Mỹ trên 70 tuổi.

Được CBS đặt câu hỏi, ứng cử viên Cộng Hòa Nikki Haley, 51 tuổi nêu ví dụ thượng nghị sĩ California Dianne Feinstein 90 tuổi, tổng thống Joe Biden 80 tuổi, dân biểu Nancy Pelosi 83 tuổi, nói rằng họ « cần phải biết khi nào ra đi ». Bà kêu gọi giới hạn số nhiệm kỳ ở Quốc Hội, trắc nghiệm sự nhạy bén của các chính khách từ 75 tuổi trở lên. Đặc biệt vào thời điểm gần đến bầu cử tổng thống Mỹ 2024, nếu Joe Biden tái đắc cử, vào cuối nhiệm kỳ ông sẽ 86 tuổi !

Nhưng có một người dù đã 100 tuổi vẫn lặn lội đến Bắc Kinh và được Tập Cận Bình đích thân tiếp, đó là Henry Kissinger. Trả lời phỏng vấn của Le Figaro, chuyên gia Jérémie Gallon cho rằng cựu ngoại trưởng Mỹ không ngây thơ, mà ý thức rõ Trung Quốc ngày nay không phải là Trung Quốc mà ông ta biết xưa kia. Bắc Kinh nay hung hăng hơn nhiều, là đối thủ đáng gờm về kinh tế và đang tăng cường quân sự. Lo ngại những sự cố ngoài ý muốn dẫn đến xung đột, Kissinger muốn tái lập những kênh liên lạc.

JMJ : « Mộng tưởng sống động » của 1 triệu thanh niên Công giáo

Các nhật báo Pháp hôm nay quan tâm đến những vấn đề khác nhau. Le Monde chú ý đến « Y tế, công tác khẩn cấp của tân bộ trưởng ». Một số khoa cấp cứu phải đóng cửa, nghề nghiệp mất đi sự thu hút, việc trực đêm là những vấn đề cần phải sớm giải quyết. Les Echos chạy tựa « Địa ốc, những thiệt hại đầu tiên từ cuộc khủng hoảng ». Giấy phép xây dựng ít hơn, hoạt động của các chủ đầu tư giảm hẳn, thế mạnh thương lượng bây giờ ở phía người mua.

Le Figaro nhấn mạnh « Giá điện tăng, nỗi đau đầu của chính phủ ». Sau khi tăng 15 % vào tháng Hai, hôm nay lại tăng thêm 10 %. Mức giá này vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức cho phép của châu Âu là 74 % dựa theo giá thị trường đã bùng nổ vì cuộc xâm lăng Ukraina, vì chính phủ vẫn còn trợ giá cho đến cuối 2024, tuy nhiên vẫn có nguy cơ gây lạm phát trở lại. Libération dành trang nhất cho tổng biên tập mới Geoffroy Lejeune của JDD (Journal du Dimanche - Nhật báo Chủ nhật) bắt đầu làm việc từ hôm nay, bất chấp cuộc đình công chưa từng thấy phản đối việc bổ nhiệm nhân vật được cho là có khuynh hướng cực hữu.

Cũng trong hôm nay 01/08/2023, Đại hội Thanh niên Công giáo Thế giới (JMJ) chính thức khai mạc tại Lisboa, Bồ Đào Nha, thu hút một triệu người trẻ từ khắp thế giới. Nhật báo công giáo La Croix đưa tít lớn « JMJ, một mộng tưởng luôn sống động ». Bất ngờ thú vị là thanh niên Pháp từ 30.000 người trong đại hội trước, tăng lên 45.000 người, đứng thứ ba trong số đi hành hương chỉ sau Tây Ban Nha và Ý.
Không ít người thắc mắc, làm thế nào tuổi hai mươi luôn vững tin vào Thượng Đế ? Động cơ của họ là gì ? Cha Vincent Breynaert lý giải : « Nhu cầu hiện diện giữa đám đông như thời Chúa Giêsu vẫn tồn tại. JMJ là một đám đông khổng lồ theo chân Chúa, một cuộc tập hợp 200 quốc gia trong niềm vui » - như không khí lễ hội ở Bồ Đào Nha đã chứng tỏ, đồng thời khám phá những nền văn hóa khác. Mang lại một bộ mặt tươi trẻ và đa dạng, mô hình JMJ là một dấu ấn bền vững.





RFI