PDA

View Full Version : Bất đồng nội bộ, Ukraine triển khai bom chùm trên chiến trường



duyanh
07-22-2023, 12:16 PM
Bất đồng nội bộ, Ukraine triển khai bom chùm trên chiến trường





https://img.ntdvn.net/2022/06/ntdvn_1-187.jpeg

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu trong cuộc họp báo cùng với các tổng thống của Ba Lan, Lithuania, Estonia và Latvia, sau cuộc hội đàm của họ tại Kyiv, hôm 13/4/2022. (Ảnh: Sergei Supinsky/AFP/Getty Images)

Các loại bom chùm gây tranh cãi do Hoa Kỳ cung cấp đã bắt đầu được triển khai ở Ukraine để chống lại lực lượng Nga. Ngày 20/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi chính phủ thắt chặt chi tiêu trong thời chiến và ưu tiên ngân sách quốc phòng, dẫn đến việc Bộ trưởng văn hóa Ukraine nộp đơn xin từ chức.

Bộ trưởng Văn hóa từ chức khi ông Zelenskyy kêu gọi thắt chặt chi tiêu thời chiến

Đài The New Voice of Ukraine và Deutsche Welle đưa tin, trong một cuộc gọi hội nghị, ông Zelenskyy đã thúc giục chính phủ Ukraine kiểm soát chặt chẽ chi tiêu thời chiến.

Ông nói: "Trong thời kỳ chiến tranh như hiện nay, đất nước nên dành sự chú ý và nguồn lực tối đa cho quốc phòng”.

Ông Zelenskyy cho biết ông đã chỉ đạo Thủ tướng Denys Shmyhal dành nguồn lực cho các dự án thực sự cần thiết.

“Điều này áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả văn hóa. Bảo tàng, trung tâm văn hóa, biểu tượng, phim truyền hình đều quan trọng, nhưng chúng ta có những ưu tiên khác", ông nói.

Ông Zelenskyy cũng cho biết ông đã kêu gọi các hội đồng địa phương của Ukraine kiềm chế chi tiêu để người dân Ukraine "cảm thấy rằng nguồn lực ngân sách nhà nước đang được sử dụng một cách hợp lý và cân bằng... Đá cuội, đồ trang trí, đài phun nước sẽ phải chờ. Chiến thắng là trước hết".

Động thái này khiến ông Oleksandr Tkachenko, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Chính sách Thông tin Ukraine nộp đơn từ chức chỉ trong vòng một giờ, bởi ông là người ủng hộ nhiều dự án cao cấp và tốn kém kể trên.

Không rõ đơn từ chức của ông Tkachenko có được chấp thuận hay không. Trên mạng xã hội Telegram, ông Tkachenko viết: "Văn hóa trong thời chiến rất quan trọng, bởi cuộc chiến này không chỉ liên quan đến lãnh thổ quốc gia, mà còn liên quan mật thiết đến người dân. Ngoài chiến tranh, còn có ký ức, lịch sử, ngôn ngữ và sự sáng tạo bất chấp chiến tranh".

Ông Tkachenko từng là người đứng đầu một kênh truyền hình trước khi làm chính trị.

“Các nguồn tiền từ ngân sách và tư nhân cho văn hóa trong thời chiến không kém quan trọng hơn máy bay không người lái. Văn hóa là tấm khiên bảo vệ bản sắc và biên giới của chúng ta”, ông Tkachenko viết tiếp.

Mặc dù nộp đơn từ chức nhưng ông Tkachenko vẫn giữ nguyên quan điểm bảo vệ đề xuất phân bổ số tiền tương đương 13,5 triệu USD để hoàn thành một bảo tàng về nạn đói ở Ukraine hồi những năm 1930.

Ngoài ra, ông cũng đề xuất một dự án mà ông nói là sẽ sử dụng vốn tư nhân để thay thế huy hiệu thời Liên Xô trên tấm khiên của bức tượng "Tổ quốc" cao 102 m ngoài bảo tàng Thế chiến II của Ukraine.

Ông Tkachenko còn đề xuất các bộ phim và chương trình truyền hình liên quan đến cuộc xung đột giữa Ukraine với Nga.

Ukraine bắt đầu triển khai bom chùm trên chiến trường

Quan chức Nhà Trắng ngày 20/7 xác nhận rằng Ukraine đã triển khai các loại bom, đạn chùm do Mỹ cung cấp trên chiến trường nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ của Nga.

"Họ đang sử dụng chúng (bom chùm) một cách thích hợp. Họ đang sử dụng chúng một cách hiệu quả và chúng thực sự có tác động đến các đội hình phòng thủ và hoạt động phòng thủ của Nga", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên, theo đài CNN.

Hãng tin BBC của Anh ngày 10/7 đưa tin Nhà Trắng thông báo rằng Mỹ đã đồng ý cung cấp bom chùm gây tranh cãi theo yêu cầu của chính phủ Ukraine. Hơn 100 quốc gia trên thế giới đã cấm sử dụng loại bom chùm có tính sát thương cao này nên động thái của Mỹ đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế phản đối và chỉ trích.

Hiện có hơn 100 quốc gia, trong đó có nhiều thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã ký Công ước về Bom, đạn chùm (CCM) của Liên Hợp Quốc vào năm 2008. Tuy nhiên, Ukraine, Mỹ và Nga đều không tham gia công ước này.

Mỹ không ký hiệp ước quốc tế này với lý do là quân đội Ukraine tiêu tốn rất nhiều đạn dược, đặc biệt là lỗ hổng đạn pháo không nhỏ. Do đó, Ukraine đã yêu cầu Mỹ cung cấp bom, đạn chùm để bổ sung cho kho đạn của nước này nhằm tấn công binh lính Nga ở các vị trí phòng thủ.

Vào tháng 8/2022, Tổ chức giám sát bom mìn và bom chùm đã công bố một báo cáo nêu rõ rằng thường dân chiếm 97% tổng số thương vong do bom chùm. Trong đó, 66% nạn nhân là trẻ em.

Theo một báo cáo ngày 6/7 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cả lực lượng Ukraine và Nga đã triển khai bom chùm trong cuộc xung đột đang diễn ra, khiến thường dân thiệt mạng và bị thương nặng.

Cơ quan này tuyên bố: "Các loại bom chùm của Nga và Ukraine hiện đang gây hại cho dân thường và những quả bom nhỏ vẫn còn tồn tại trong nhiều năm liền sau khi chiến sự kết thúc”.

“Cả hai bên phải ngay lập tức ngừng sử dụng bom, đạn chùm và không tìm cách mua thêm những vũ khí bừa bãi này. Hoa Kỳ không nên chuyển giao bom, đạn chùm cho Ukraine”, cơ quan này kết luận.

Là loại vũ khí có tính sát thương cao độ, bom chùm một khi phát nổ trên không trung sẽ phát tán các quả bom, đầu đạn nhỏ hơn ra khắp khu vực mục tiêu. Có loại không phát nổ khi tiếp đất trong khu dân cư, đất ruộng, nhưng rất dễ phát nổ khi người dân nhặt và giẫm lên, gây chết người, tàn tật, đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương. Vì vậy, các tổ chức nhân quyền quốc tế gọi việc sử dụng bom chùm là hành động gây chiến.

Huyền Anh tổng hợp