PDA

View Full Version : Tội ác lớn nhất của đảng CSVN thể hiện trong Hiến Pháp 2013



duyanh
07-18-2023, 01:40 PM
Tội ác lớn nhất của đảng CSVN thể hiện trong Hiến Pháp 2013





https://file1.dangcongsan.vn/DATA/0/2018/08/hp_2013-10_55_45_003.jpg


Đảng CSVN, qua các hiến pháp tiền thân của Hiến pháp 2013, cũng như qua bản Hiến pháp này, đã gây ra vô số tội ác đối với dân tộc. Tuy nhiên, câu hỏi của chúng ta nên đặt ra là, đâu là tội ác lớn lao nhất thể hiện trong Hiến pháp của tập đoàn độc tài toàn trị này?

Hy vọng là câu trả lời của tôi sẽ không làm các độc giả ngạc nhiên. Theo quan điểm của người viết thì: Tội ác lớn nhất trong Hiến pháp 2013 và một vài tiền thân của nó là tước bỏ nghĩa đen và bình thường của những ý niệm và từ ngữ của hiến pháp.

Thật vậy, trong hiến pháp, đảng CSVN thường nhắc đến những ý niệm hoặc từ như “nhân dân”, “tối cao”, “nhân dân làm chủ” “quyền tự do bầu cử”, “chế độ cộng hòa”, quyền sở hữu đất đai “thuộc về toàn dân” v.v… là một vài ví dụ. Tuy nhiên, những ý niệm hoặc các cụm từ này đã bị tước bỏ nghĩa đen của chúng.

Chúng ta ngạc nhiên tại sao tước bỏ nghĩa đen của vài ý niệm và từ ngữ lại là tội ác lớn lao nhất, tức là vượt lên trên tội lạm sát nhân dân, dung túng tham nhũng tràn lan hoặc bán nước cho CSTQ, chẳng hạn. Trước hết, một cách cụ thể trong Hiến pháp 2013 thì CSVN đã tước bỏ nghĩa đen và bình thường của những ý niệm và từ ngữ nơi nào?

Những ví dụ cụ thể trong hiến pháp này là khi đảng CSVN nói “quân đội nhân dân” hoặc “công an nhân dân”, những từ này đã bị tước đoạt ý nghĩa chân thực của chúng. Các từ có ý nghĩa trái ngược. Trên thực tế các định chế này là quân đội của đảng và công an của đảng. Các định chế này chưa bao giờ thuộc về nhân dân. Chúng là những công cụ để kiểm soát và đàn áp nhân dân.

Trong hiến pháp này, khi đảng CSVN nói “Hội Đồng Nhân Dân”, các hội đồng này thực sự không phải do dân bầu lên bởi vì người dân chỉ được quyền bầu cho những ứng viên được đảng chọn. Nhân dân chưa bao giờ có được cơ hội bầu cho ứng viên mình chọn. Những hội đồng này thực sự là những hội đồng của đảng.

Trong hiến pháp này, khi đảng CSVN nói “Tòa Án Nhân Dân Tối Cao” hoặc “Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao”, những định chế này không thật sự tối cao. Thật ra, các định chế này phải là “Tòa Án Nhân Dân Thuộc Cấp” hay “Viện Kiểm Sát Nhân Dân Thuộc Cấp” bởi vì trên thưc tế các định chế này là những thuộc cấp tuân lệnh của đảng CSVN.

Trong hiến pháp này, khi đảng CSVN nói “quyền làm chủ của nhân dân”, thì điều ngươc lại hoàn toàn đúng. Từ này có nghĩa chính xác là “sự nô lệ của nhân dân” bởi vì toàn dân Việt là nô lệ của đảng CSVN, sống dưới một nhà nước công an trị, nơi mà nạn khủng bố cấp bậc nhà nước được chính quyền chủ trương trắng trợn.

Trong hiến pháp này, “Mặt Trận Tổ Quốc” không hề liên hệ gì đến tổ quốc của chúng ta như một dân tộc, mà hoàn toàn liên hệ đến xã hội chủ nghĩa, trong đó, các tín đồ thề thốt sẽ xây dựng chủ nghĩa cộng sản quốc tế, nơi đó tổ quốc chúng ta sẽ bị hủy diệt.

Dĩ nhiên còn rất nhiều ví dụ khác trong Hiến pháp 2013 mà bất cứ công dân cá thể nào chịu khó đọc và suy nghĩ, cũng có thể nhận diện.

Câu hỏi kế tiếp là, tuy lịch sử chứng minh rằng đảng CSVN có thể nói nôm na là “đứa con quái thai đẻ ngược” của mẹ Việt Nam và bản chất gian dối ngươc ngạo thì ai cũng biết. Nhưng tại sao tước bỏ nghĩa đen và bình thường của những từ ngữ lại là tội ác lớn lao nhất trong các tội ác kinh tởm của CSVN?

Muốn hiểu lời luận tội này, chúng ta phải ý thức được vai trò của các nền văn hóa từ Đông sang Tây của nhân loại. Hầu như mất văn hóa là mất tất cả đối với mọi dân tộc trên trái đất.

Trong văn hóa Đông Á truyền thống (trải dài Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật, Đài Loan và Việt Nam), trong các vấn đề trị quốc, một trong những luận đề Nho Giáo, chủ thuyết “chính danh”, đã là cột trụ của cấu trúc chính trị.

Chủ thuyết này lập luận rằng, trừ phi ngôn từ (danh tự) phù hợp với thực tại phản ảnh trong nghĩa đen của nó, thì trách nhiệm đúng không thể được trao cho cá nhân nào [không] có khả năng (định phận), [nếu cứ trao cho họ thì] tình trạng hỗn loạn xã hội sẽ xảy ra và lý tưởng Thái Hòa quan trọng sẽ không bao giờ đạt được.

Các nhà Nho cho rằng, cha phải ra cha và hành xử theo trách nhiệm người cha, con phải ra con và hành xử theo trách nhiệm con, và cứ như thế, đối với người mẹ, người chồng, người vợ, quan lại, ngay cả hoàng đế và tất cả mọi người. Kết quả thái bình thịnh trị sẽ đến với quốc gia và toàn thiên hạ.

Điều này không phải chỉ có trong truyền thống Nho Giáo. Trong Thiên Chúa giáo (còn gọi là Cơ Đốc Giáo) đã du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 16, cũng như thế. Theo Kinh Thánh Tân Ước (John 8:31-32) Đức Chúa Jesus nói:
“Nếu các người tin lời nói của ta, nếu là đệ tử của ta, các người sẽ biết sự thật và sự thật sẽ đem lại tự do cho các người.”

Điều này có nghĩa là lời nói hay từ ngữ phải phản ảnh sự thật trong nghĩa đen của nó, lúc đó chân lý mới thể hiện và đem lại tự do cho con người.

Tiếc thay cho hai nền văn hóa truyền thống của chúng ta, trật tự thế giới của Lenin là phản đề của các truyền thống này.

Chúng ta có thể nghĩ rằng, cả Marx lẫn Lenin đều không liên hệ đến và cũng không hiểu gì về triết học hoặc chính trị Nho Giáo. Họ chỉ biết rõ các trật tự chính trị và xã hội Do Thái – Cơ Đốc Giáo tại Tây Âu và Đông Âu. Họ khinh bỉ các trật tự này và thề quyết tiêu diệt chúng tận gốc rễ. Như là ảo thuật gia chính trị vĩ đại nhất của thế kỷ 20, Lenin bắt đầu hủy diệt khéo léo tất cả mọi bảng giá trị tư sản trưởng giả của các nền dân chủ, mọi giá trị đạo đức Do Thái – Cơ Đốc Giáo và cướp đi những thực chất nội tại của các bản giá trị này.

Khi luận đề Mác – Lê được du nhập vào miền Đông Á, nền văn hóa truyền thống Nho Giáo trở thành mục tiêu của tác động tiêu hủy diệt tương tự.

Những từ và ý niệm nền tảng đã mất đi ý nghĩa chân thực dưới sự cai trị của đảng CSVN và những hậu quả mang tính hủy diệt vô cùng sâu xa. Hậu quả sâu xa không chỉ hủy diệt cấu trúc chính trị mà còn hủy diệt cả cấu trúc luân lý của xã hội sâu xa hơn nhiều.

Chúng ta có thể lập luận rằng, cố tình làm hoen ố ý nghĩa chân thực của ngôn từ, đã đem lại sự suy thoái vô tiền khoáng hâu về xã hội và luân lý trong các xã hội cộng sản, kéo dài hằng thập niên, nếu không muốn nói nhiều thế kỷ sau khi các đảng cộng sản đã cáo chung. Hiến pháp này vi phạm không những các quy luật căn bản của hiến pháp như thế giới văn minh hiểu, mà còn vi phạm những quy luật luân lý căn bản của xã hội Nho Giáo truyền thống cũng như Thiên Chúa Giáo. Không có gì đáng ngạc nhiên tại sao tiêu chuẩn luân lý Việt Nam bị suy vi cùng cực và tham nhũng tràn lan trong xã hội, cũng như chính quyền hôm nay.

Câu hỏi kế tiếp là, tại sao đảng CSVN lại tán tận lương tâm như thế khi soạn thảo một văn kiện nền tảng định hướng cho tương lai của cả dân tộc Việt Nam trong đó bao gồm cả con cháu của họ?

Câu trả lời là: Trong khi các lãnh đạo chính trị Tây Phương soạn hiến pháp trong bối cảnh dân chủ đa nguyên và trong bối cảnh của nền văn hóa và đạo đức truyền thống Cơ Đốc Giáo của họ, thì các đảng CSLX, CSTQ, CS Bắc Hàn và CSVN lại soạn hiến pháp trong bối cảnh độc tài đảng trị và trong bối cảnh nền văn hóa Đông Phương truyền thống bị hoàn toàn hủy diệt, không hề có bất cứ một kim chỉ nam về luân lý hoặc đạo đức nào.

Hầu biểu dương sự quan trọng của khía cạnh luân lý và đạo đức trong chính trị đó, chúng ta có thể nhắc đến một luận đề Nho Giáo khác về việc trị quốc: Đó là “Thành ý, chính tâm, cách vật, trí tri, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Luận đề trên giả định rằng, các giá trị luân lý (thành ý, chính tâm) là những điều kiện tiên quyết tuyệt đối cho trí tuệ chân chính (cách vật, trí tri). Qua trí tuệ chân chính, con người có thể sửa chữa nhân cách và đời sống gia đình (tu thân và tề gia). Sau khi tất cả những giai đoạn trước đó đã đạt được, con người mới có thể tham gia chính trị, hầu phục vụ cho nhân dân (trị quốc, bình thiên hạ).

Luận đề này chứng minh rằng, dưới nền văn hóa Đông Á, không có lằn ranh phân biệt, thay vào đó, có sự tương tùy, giữa các bảng giá trị luân lý, trí tuệ, bản thân và chính trị.

Bởi thế, khi Lenin và nhóm tín đồ khởi công hủy diệt trật tự chính trị truyền thống Tây phương tại Liên Bang Xô Viết, và truyền thống Đông Á tại Trung Hoa, Bắc Hàn và Việt Nam, họ bắt buộc phải hủy diệt luôn cả các cấu trúc luân lý, trí tuệ và bản thân con người, trong cùng một cơn cuồng say ý thức hệ.

Hậu quả là, lạm quyền, hối lộ, tham nhũng, bất công xã hội, băng hoại đạo đức tràn lan và vô phương cứu chữa, trong tất cả các quốc gia do độc tài cộng sản cai trị.

Xét theo chủ thuyết vừa nêu trên của Nho Gia, các lãnh đạo CSVN đã không khởi đầu tiến trình soạn hiến pháp 2013 với thành ý và chính tâm. Vì thế kết quả của sự thiếu thành ý và chính tâm này là một bản Hiến pháp 2013 đem lại vô vàn tai họa cho dân tộc.

Trong tình huống như thế chúng ta phải làm gì?

Nhân danh những công dân Viêt Nam tự do, chúng ta phải ý thức được tầm mức quan trọng đích thực của tội ác này và hạ quyết tâm phục hồi ngôn ngữ sử dụng trong hiến pháp dân chủ tương lai, thực chất và sự tôn nghiêm của ngôn ngữ. Chúng ta bảo đảm rằng, ngôn ngữ sử dụng sẽ thể hiện ý nghĩa chân thực, như đã thể hiện trong hai nền văn hóa truyền thống Đông – Tây, hầu tái tạo niềm tin trong xã hội, không những chỉ trên phương diện chính trị, mà căn bản hơn nữa, trong cấu trúc nội tâm văn hóa và đạo đức của toàn dân.



Đào Tăng Dực
Nguồn: Báo Tiếng Dân