PDA

View Full Version : Tình hình sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka



duyanh
06-07-2023, 12:25 PM
Tình hình sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka




Con đập Nova Kakhovka gần 70 tuổi bị sập sau một vụ nổ lớn gần 3h sáng ngày Thứ Ba (6/6), tại vùng Kherson thuộc lãnh thổ Nga kiểm soát, đã dẫn đến tình trạng ngập lụt mà dự đoán sẽ kéo dài trong 72 giờ. Theo BBC dẫn nguồn giới chức Kyiv, khoảng 40.000 người dân đang phải sơ tán, trong đó 17.000 người thuộc địa phận do quân Kyiv kiểm soát, và 23.000 người thuộc địa phận do quân Moskva kiểm soát. Nhà máy điện nguyên tử và bán đảo Crimea có thể bị ảnh hưởng, nhưng phía Nga báo cáo sẽ không xảy ra vấn đề, ít nhất trong thời gian gần.


https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2023/06/230607-kakhovka-01.jpg

Bản đồ khu vực đập Nova Kakhovka (chụp màn hình video của France24)

Hiện chưa có các báo cáo về tử vong trước mắt, nhưng giới chức các bên cho rằng việc ngập lụt có thể sẽ gây ra các hậu quả lâu dài về sức khỏe và an sinh. Các phe tham chiến đổ lỗi cho nhau mặc dù không bên nào đưa ra được bằng chứng thuyết phục.


“Chiến tranh là sự vắng mặt của các ước chế về đạo đức” — Winston Churchill, Thủ tướng Anh.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, António Guterres, bình luận vụ con đập Kakhovka bị sập “lại là một ví dụ về cái giá khủng khiếp của chiến tranh đối với con người.”

Mái nhà bị cuốn phăng trong lũ:



https://www.youtube.com/watch?v=WlO_T2tjYqk

Không có rủi ro đối với nhà máy điện nguyên tử Zaporozhye

Vụ nổ đập gây lo ngại về tình hình tại Nhà máy điện nguyên tử Zaporozhye sáp nhập vào Nga hồi năm ngoái, cũng nằm bên bờ dòng sông Dnepr và sử dụng nước sông để làm mát các lò phản ứng.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc —cơ quan có người thường xuyên hiện diện tại nhà máy— đảm bảo rằng “không có rủi ro an toàn hạt nhân tức thời nào tại [nhà máy],” đồng thời cho biết thêm rằng cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Giám đốc của nhà máy, ông Rafael Grossi, đã chỉ ra “sự sụt giảm đáng kể mực nước của hồ chứa được sử dụng để cung cấp nước làm mát” cho nhà máy. Tuy nhiên, ông đã tuyên bố rằng nhà máy có một nguồn nước thay thế ước tính sẽ dùng được trong vài tháng.

Không có ảnh hưởng tức thời tới Crimea

Ông Sergey Aksyonov, Thống đốc của bán đảo Crimea, nơi sáp nhập vào Nga 9 năm trước, tuyên bố rằng mặc dù sự cố ở đập Kakhovka sẽ không gây ra bất kỳ lũ lụt nào ở Crimea, nhưng nó có thể dẫn đến giảm mực nước ở Kênh Bắc Crimea, nơi đóng vai trò là nguồn nước ngọt chính cung cấp cho bán đảo.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các điểm chứa nước ở địa phương của Crimea đã được lấp đầy tới 80% dung lượng, cho nên “có quá đủ nước uống” và các nỗ lực đang được tiến hành để giảm thiểu thiệt hại.

Ảnh hưởng tới hoạt động quân sự

Nếu quân Moskva đang ở vị thế phòng ngự, thì việc lũ lụt sẽ khiến làm giảm bớt chiều dài chiến tuyến, nghĩa là sẽ có lợi cho phe phòng ngự.

Nếu quân Kyiv chuẩn bị triển khai cuộc tấn công mà họ đã nói từ lâu, thì việc lũ lụt sẽ làm trì hoãn các kế hoạch của họ. Tuy nhiên cần lưu ý rằng chính quyền Kyiv đã nói về kế hoạch này suốt từ tháng 11 năm ngoái, và nó vẫn chưa diễn ra cho đến tận bây giờ. Những tháng qua Kyiv đã nêu đủ các loại lý do khác nhau, trong đó gồm cả lý do thời tiết chưa thuận lợi.

Về đập thủy điện Nova Kakhovka

Đập nước Kakhovka là nằm trong công trình thủy điện được xây dựng từ thời Stalin và hoàn thành năm 1956 vào thời Khrushchev, cao 30 mét và trải dài 3,2 km chắn ngang dòng sông Dnepr thơ mộng đoạn lưu vực vùng Kherson, như Reuters báo cáo.

Tất nhiên, đó là thời Liên Xô, và bấy giờ chưa xuất hiện quốc gia Ukraine như chúng ta đang hiểu.

Thủy điện là một trong những phát triển chiến lược của Liên Xô những năm bấy giờ, và các con đập lớn trong các công trình thủy điện trở thành biểu tượng cho tiến bộ và công nghệ mà chính quyền thời đó tuyên truyền.

Có lẽ người Việt chúng ta cũng biết điều này qua công trình Thủy điện Hòa Bình ở Sông Đà do Liên Xô và sau đó là Liên bang Nga hỗ trợ xây dựng từ 1979 đến 1991.

Cũng theo Reuters báo cáo, hồ chứa nước của công trình có diện tích 2.155 km vuông và dung lượng 18 km khối, tức là cỡ hồ Great Salt Lake ở Utah Hoa Kỳ (so sánh: Hồ Tây ở Hà Nội có diện tích 5,3 km vuông).

Nhận thức của quốc tế ngày nay về các công trình thủy điện đã khác xưa. Hiện nay rất nhiều các bằng chứng cho thấy các công trình thủy điện có ảnh hưởng không tốt tới môi trường sinh thái. Rất nhiều công trình thủy điện cùng các đập nước trên thế giới đã được dỡ bỏ hoặc cho ngưng hoạt động.

“Chiến tranh là dã man tàn bạo. Cho nên hãy tìm cách kết thúc nó sớm nhất trong khả năng của mình, bởi vì để chiến tranh kéo dài thêm ngần nào, thì hung tính của nó càng trở nên cường đại hơn ngần nấy” — Douglas Macgregor

Nhật Tân