PDA

View Full Version : Khó đánh cắp công nghệ Mỹ, ĐCSTQ tìm đến Nhật Bản, Hàn Quốc và bị Hàn Quốc phản đòn?



duyanh
05-19-2023, 01:21 PM
Khó đánh cắp công nghệ Mỹ, ĐCSTQ tìm đến Nhật Bản, Hàn Quốc và bị Hàn Quốc phản đòn?




https://img.ntdvn.net/2023/05/ntdvn_1-44.jpeg

Quốc kỳ Hàn Quốc (L) và cờ Samsung (R) tung bay bên ngoài tòa nhà Seocho của công ty ở Seoul, Hàn Quốc, hôm 27/10/2022. (Ảnh: Jung Yeon-je/AFP/Getty Images)

Việc Mỹ kiểm soát chặt chẽ hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đã buộc Trung Quốc phải tìm đến châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản để tìm cách tiếp thu công nghệ và kiến thức chuyên môn. Trước vấn đề này, chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp để ‘phản đòn’.

Vào tháng 10 năm ngoái, chính phủ Hoa Kỳ đã công bố những hạn chế nghiêm ngặt nhất đối với việc xuất khẩu chip sang Trung Quốc và lần đầu tiên mở rộng kiểm soát xuất khẩu đối với “Người Mỹ”. Theo đó, chính sách này cấm người Mỹ hỗ trợ các nhà sản xuất Trung Quốc phát triển hoặc sản xuất chất bán dẫn tinh vi mà không có giấy phép.

Ông Kevin Wolf, cựu quan chức của Bộ Thương mại Hoa Kỳ và là đối tác của công ty luật Akin Gump Strauss Hauer & Feld LLP, nói với tờ Wall Street Journal rằng "Người Mỹ" bao gồm những người có hộ chiếu Hoa Kỳ và thẻ xanh cũng như các doanh nghiệp Mỹ.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã liệt nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại nhằm hạn chế quyền tiếp cận của các công ty này với công nghệ và sản phẩm của Hoa Kỳ để hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của ĐCSTQ.

Một công ty săn đầu người cho các công ty Trung Quốc đã nói với tờ Financial Times rằng: "Dưới các lệnh trừng phạt mới do Hoa Kỳ áp đặt, việc tuyển dụng những người đã được đào tạo hoặc làm việc tại Hoa Kỳ trở nên rất khó khăn. Vì vậy, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đã trở thành những nguồn tuyển dụng nhân tài thay thế”.

Cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo nói rằng Hoa Kỳ đã hạn chế quyền tiếp cận của ĐCSTQ với công nghệ và chuyên môn của Mỹ. Để “cắt lỗ”, Bắc Kinh đã ráo riết mua lại công nghệ của Hàn Quốc.

Bà cho biết: “Việc Mỹ siết chặt kiểm soát đối với Trung Quốc đã khiến các công ty Trung Quốc thu hút ngày càng nhiều kỹ sư và nhà nghiên cứu Hàn Quốc thông qua các biện pháp hợp pháp và bất hợp pháp”.

ĐCSTQ sử dụng phương thức gì để có được công nghệ của Hàn Quốc?

Đối với một Giám đốc điều hành (CEO) trong ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, cách dễ nhất để tuyển dụng kỹ sư Hàn Quốc là lang thang bên ngoài cổng nhà máy.

Một CEO ẩn danh nói với tờ Financial Times: "Tôi chỉ cần đứng trước cổng nhà máy nước ngoài và đề nghị họ đến làm một số công việc tạm thời trên dây chuyền sản xuất của chúng tôi để kiếm thêm tiền".

Vị CEO này nói thêm: "Tôi có xu hướng đến các nhà máy của TSMC, Samsung và SK Hynix, cũng như các tòa nhà văn phòng của các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) nước ngoài. Giờ làm việc của họ tương đối cố định và các kỹ sư có thời gian rảnh rỗi để làm thêm sau khi tan sở”.

Bài báo cho biết, phương pháp tuyển dụng độc đáo của CEO này là một dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực tích lũy kiến thức chuyên môn của Hàn Quốc về các công nghệ then chốt, từ chất bán dẫn cho đến pin xe điện, màn hình và đóng tàu.

Theo quy định của Hàn Quốc, các kỹ sư không được phép gia nhập một công ty đối thủ nước ngoài trong vòng hai năm kể từ khi nghỉ việc. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các công ty Trung Quốc đã lách luật bằng cách thành lập các "công ty bình phong" có vẻ độc lập ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan và trả lương hậu hĩnh cho các kỹ sư cho đến khi họ được tuyển dụng chính thức.

Hàn Quốc phản đòn

Các chuyên gia chỉ ra rằng ở Hàn Quốc, cái gọi là "rò rỉ công nghệ" bao gồm cả việc thuê nhân tài nước ngoài một cách hoàn toàn hợp pháp. Nhưng cũng có tuyển dụng bất hợp pháp, vi phạm bằng sáng chế, gián điệp và trộm cắp.

Theo dữ liệu do Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (National Intelligence Service) công bố vào tháng 5, nước này đã trải qua 3 vụ rò rỉ công nghệ cốt lõi trong quý đầu tiên của năm 2023 xuất phát từ các lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, màn hình và ô tô. Cả 3 vụ rò rỉ đều xảy ra tại các công ty lớn.

Tờ Financial Times cho biết Hàn Quốc rất coi trọng vấn đề này, do đó chính phủ nước này đang tạo cơ sở dữ liệu về các kỹ sư chip làm việc cho các công ty Hàn Quốc để giám sát việc họ ra vào Hàn Quốc.

Hàn Quốc cũng đã thành lập một số cơ quan điều tra mới để chống rò rỉ và thông qua luật nhằm tăng cường các hình phạt và giúp việc báo cáo các hành vi vi phạm đáng ngờ trở nên dễ dàng hơn.

Các biện pháp trên có vẻ hiệu quả. Trong quý I năm 2023, số người bị bắt vì rò rỉ công nghệ cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.


Tuy nhiên, một thành viên của Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền cho biết Hàn Quốc vẫn cần có các quy định và hình phạt cứng rắn hơn.

Hiện tại, các công ty Hàn Quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn đang đặc biệt áp lực

Vào tháng 2/2023, đã có 7 người, bao gồm một số cựu nhân viên của công ty con SEMES thuộc tập đoàn Samsung Electronics chuyên sản xuất thiết bị sản xuất chất bán dẫn và màn hình, đã bị Toà án trung tâm quận Seoul kết án 18 tháng tù vì bán thông tin công nghệ cho một công ty tại Trung Quốc. SEMES là công ty chuyên sản xuất thiết bị làm sạch tấm wafer.

Theo toà án, những nhân viên này đã đánh cắp công nghệ cốt lõi - công nghệ được Samsung nghiên cứu và chế tạo để sản xuất ra 14 chất tẩy rửa bán dẫn, từ tháng 3/2018 tới tháng 12/2021. Công nghệ này được bán lại cho công ty phía Trung Quốc với giá 71 tỷ won (khoảng 54 triệu USD).

Ông Lim Hyeong-joo, một đối tác của công ty luật Yulchon có trụ sở tại Seoul, cho biết, các công ty Trung Quốc cũng rất mong muốn có được công nghệ sản xuất vật liệu hoạt tính làm điện cực âm của Hàn Quốc cho pin giàu niken mật độ năng lượng cao.

EU và Mỹ bắt tay cùng chống lại những mối lo từ Trung Quốc

Từ ngày 30/5 đến 31/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các quan chức cấp cao của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tổ chức cuộc họp lần thứ 4 của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU (TTC) tại Lulea, Thụy Điển.

Dự thảo TTC cho biết Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu sẽ cam kết tăng cường phối hợp trong các biện pháp an ninh như kiểm soát xuất khẩu đối với "các mặt hàng nhạy cảm" - bao gồm hàng hóa được sử dụng trong lĩnh vực quân sự - và chất bán dẫn; đồng thời rà soát công nghệ và kiểm soát đầu tư nước ngoài để chống lại các chính sách cũng như hành vi phi thị trường và cưỡng ép kinh tế từ ĐCSTQ và các tổ chức khác.

Hãng tin Reuters cho hay, nêu bật lĩnh vực thiết bị y tế ở Trung Quốc, văn bản này nói rằng các đối tác xuyên Đại Tây Dương đang "suy xét các hành động khả dĩ" trước mối đe dọa do các chính sách và hành vi phi thị trường gây ra.

Huyền Anh tổng hợp