PDA

View Full Version : Trung Tâm Triển Lãm Thủ Thiêm, ‘nấm mồ hoang phế’ suốt 10 năm



giahamdzui
05-10-2023, 01:04 AM
Trung Tâm Triển Lãm Thủ Thiêm, ‘nấm mồ hoang phế’ suốt 10 năm



SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Đại biểu Hội Đồng Nhân Dân thành phố Sài Gòn đề nghị “làm rõ trách nhiệm, hướng xử lý” khi Trung Tâm Triển Lãm Thủ Thiêm ở thành phố Thủ Đức, xây quá lâu vẫn đang bị bỏ hoang, các báo đài loan tin.

Đề nghị trên được ông Cao Thanh Bình, trưởng Ban Văn Hóa-Xã Hội Hội Đồng Nhân Dân thành phố Sài Gòn, đưa ra tại buổi họp “Giám sát tình hình đầu tư công” hôm 9 Tháng Năm, trước tình trạng quy hoạch Trung Tâm Triển Lãm Thủ Thiêm ở khu đô thị Thủ Thiêm đã bị trễ hẹn 10 năm.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/VN-trien-lam-thu-thiem-1.jpg

Công trình như khối bê tông xám xịt làm xấu bộ mặt khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Hình: Sỹ Đông/Thanh Niên)

“Còn 55%, nếu tiếp tục thực hiện sẽ là thử thách lớn, liệu có hoàn thành kịp trong giai đoạn 2021-2025 và làm sao để dự án được làm nối tiếp mà tránh thất thu ngân sách?” ông Bình, đặt câu hỏi.

Theo báo Thanh Niên, công trình có tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng ($34.62 triệu), có kiến trúc hai khối đặt nghiêng, chụm vào nhau, khối thép tạo hình tam giác và được xem là “công trình công cộng mang tính biểu tượng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.”


Trước đây, dự án do Ban Quản Lý Xây Dựng Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch thuộc Sở Quy Hoạch Kiến Trúc ở Sài Gòn làm chủ đầu tư, khởi công vào quý I năm 2013, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, được dời tiến độ sang năm 2016, nhưng đến nay vẫn là một khối bê tông.

Ông Nguyễn Văn Trường, phó giám đốc Ban Dân Dụng và Công Nghiệp thành phố, cho biết trong lúc xây dựng bị vướng “gói thầu số 6” là gói thầu chính (hạng mục nhôm kính) trị giá 107 tỷ đồng ($4.5 triệu), do nhà thầu “không hợp tác với chủ đầu tư.”

Trước đây, chủ đầu tư cũ đã tạm ứng 42 tỷ đồng ($1.7 triệu) cho nhà thầu trên. Từ khi Ban Dân Dụng và Công Nghiệp tiếp quản vào năm 2022, đã mời các nhà thầu lên ký phụ lục hợp đồng để khởi động dự án. Nhưng riêng nhà thầu gói nhôm kính không đồng ý, yêu cầu giải quyết xong các nội dung hạng mục cũ rồi mới ký tiếp.

“Dự án chậm tiến độ bảy năm, chưa thể sinh lời trên ‘đất vàng’ Thủ Thiêm mà đã lãng phí vài chục tỷ đồng,” đoàn giám sát Hội Đồng Nhân Dân đặt vấn đề có nên tiếp tục thực hiện công trình này hay không?

Dự án Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch thành phố có quy mô 5 tầng nổi, 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn xây dựng 18,100 mét vuông, cao hơn 31 mét. Đây là một trong số 38 dự án trọng điểm được Ban Thường Vụ Thành Ủy thành phố đưa vào danh sách kiểm tra, đôn đốc bởi các tổ giám sát đầu tư công.

Trước khi dự án này được khởi công, người dân ở Sài Gòn đã phản ứng vì cho rằng nó không cần thiết. Báo VOV của Đài Tiếng Nói Việt Nam cũng cho biết: “Sài Gòn hiện có hơn 10 bảo tàng, nhưng hiện hầu hết đang rơi vào cảnh vắng khách. Một trong các nguyên do là hiện vật ở các bảo tàng trưng bày thiếu khoa học, không theo chủ đề câu chuyện trải dài theo bề dày lịch sử, thiếu tính thẩm mỹ, không gian lại thiếu ánh sáng, tạo cảm giác buồn bã, hiu hắt.”

Báo Nhân Dân của đảng CSVN hôm 4 Tháng Mười Hai, 2018, cho biết: “Việt Nam hiện có gần 200 bảo tàng nhà nước và tư nhân đang mở cửa, nhưng số bảo tàng hoạt động thật sự có hiệu quả lại rất ít. Thực trạng này, đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về cách làm bảo tàng để phù hợp với cuộc sống hiện đại và nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng.”


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/05/VN-trien-lam-thu-thiem-2.jpg

Tầng trệt và tầng hầm thường xuyên bị ngập nước, rác, vật liệu mục nát nổi lềnh bềnh. (Hình: Quỳnh Danh/Zing)

“Dù hàng loạt bảo tàng đang hoạt động kém hiệu quả như vậy, nhưng ở một số địa phương lại xuất hiện tình trạng đua nhau xây bảo tàng để chào mừng các ngày lễ lớn, hoặc tư duy ‘hoành tráng hóa’ các công trình bảo tàng, để rồi không thiếu bảo tàng khánh thành xong chỉ có ‘vỏ’ mà không có ‘ruột,’ gây lãng phí lớn,” tờ báo viết.

Với người dân Sài Gòn, Trung Tâm Triển Lãm Quy Hoạch nêu trên là khối bê tông đồ sộ hình chữ A có thể nhìn thấy bên kia sông Sài Gòn từ đường Tôn Đức Thắng, quận 1, thường được mô tả là “nấm mồ hoang phế” hoặc “lô cốt màu xám.” (Tr.N)