PDA

View Full Version : Tập đoàn chip khổng lồ TSMC của Đài Loan có kế hoạch xây dựng nhà máy tại Đức



duyanh
10-14-2022, 01:07 PM
Tập đoàn chip khổng lồ TSMC của Đài Loan có kế hoạch xây dựng nhà máy tại Đức




TSMC của Đài Loan, nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới, đang tiến hành kế hoạch xây dựng một nhà máy tại Đức.


https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2022/10/shutterstock_2205772543.jpeg

Nhà máy của công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC tại Công viên Khoa học và Công nghệ Đài Trung ngày 25/3/2021. (Ảnh: Jack Hong / Shutterstock)

Theo báo chí Đức, một phái đoàn của TSMC sẽ tới Bang tự do Sachsen (Saxony) vào tháng Mười để khảo sát khả năng xây dựng nhà máy tại thành phố thủ phủ Dresden. Trong những năm gần đây, một số nhà sản xuất chip đã thiết lập các cơ sở sản xuất trong khu vực này.


Kế hoạch của TSMC có thể là một bước quan trọng trong việc đưa Đức trở nên độc lập hơn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn trên toàn cầu. Mọi người đều biết rằng đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát là nguyên nhân gây tắc nghẽn trong việc cung cấp chip.

Đây là một giai đoạn đặc biệt khó khăn đối với các nhà sản xuất ô tô Đức. Do đó, ngành công nghiệp ô tô Đức hiện cũng đang xúc tiến mạnh mẽ việc thành lập TSMC tại nước này.

TSMC là xưởng sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới, phần lớn sản lượng đều tập trung ở Đài Loan.

Do mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ), áp lực buộc TSMC phải xây dựng nhà máy tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) cũng ngày càng gia tăng.

Gần đây, người sáng lập tập đoàn chất bán dẫn lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan là ông Morris Chang (Zhang Zhongmou, Trương Trung Mưu) đã trả lời phỏng vấn chương trình “60 Minutes” của Đài CBS (Mỹ): “TSMC cung cấp chip cho nhiều nước trên thế giới, nếu mục tiêu hàng đầu của kẻ xâm lược (ĐCSTQ) là ổn định kinh tế thì họ có thể kiềm chế sử dụng vũ lực. Nhưng nếu xảy ra chiến tranh giữa hai bờ eo biển thì TSMC sẽ bị phá hủy, đồng nghĩa tất cả đều bị phá hủy.”

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của TSMC cho biết: “Không có quyết định cụ thể nào được đưa ra đối với các kế hoạch của châu Âu.”

Hiện Bộ Kinh tế và Công nghệ Liên bang Đức chưa muốn đề cập đến các kế hoạch cụ thể của TSMC. Tuy nhiên, rõ ràng là Chính phủ Liên bang đã sẵn sàng thúc đẩy các nhà sản xuất chất bán dẫn trong nước.

Người phát ngôn của Bộ Kinh tế và Công nghệ Liên bang cho biết mục tiêu của Chính phủ là “tăng cường năng lực nghiên cứu và sản xuất của Đức và EU, đồng thời hỗ trợ ngành công nghiệp có các điều kiện khuôn khổ tốt, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.”

Tháng Ba năm nay, tập đoàn chip Intel của Mỹ thông báo sẽ xây dựng một siêu nhà máy ở Magdeburg, thủ phủ của tiểu bang Sachsen-Anhalt, tại miền trung nước Đức, với vốn đầu tư ban đầu là 17 tỷ euro, và dự kiến ​​nửa đầu năm 2023 sẽ khởi công. Đây là trường hợp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn lớn nhất ở châu Âu trong những năm gần đây.

Ông Max Milbredt, người phụ trách chiêu mộ các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực điện tử tại “Công ty Đầu tư và Thương mại Liên bang Đức”, cho biết sau quyết định xây dựng nhà máy tại Đức của Intel, ngày càng nhiều công ty bán dẫn bày tỏ mong muốn được đặt nhà máy tại Đức.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Handelsblatt, ông Milbredt nói rằng ngành công nghiệp bán dẫn rất quan tâm đến việc đầu tư vào châu Âu, đặc biệt là Đức, một số công ty bán dẫn quốc tế dự kiến ​​sẽ tiếp bước Intel. Tuy nhiên, ông không tiết lộ đó là nhà sản xuất nào.

Được biết, ngoài TSMC, Wolfspeed của Mỹ, công ty hàng đầu thế giới về công nghệ và sản xuất Silicon Carbide (SiC), cũng đang xem xét việc thành lập một nhà máy ở Đức.

Để tránh phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu chip cần thiết cho sản xuất, EU có kế hoạch cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ, nhằm tạo ra một chuỗi công nghiệp bán dẫn độc lập.

Theo “Đạo luật chip châu Âu” được ủy ban điều hành công bố vào tháng Hai, EU có kế hoạch phân bổ 43 tỷ euro, để thúc đẩy nghiên cứu phát triển và đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, với mục tiêu tăng gấp đôi thị phần toàn cầu, từ con số 10% hiện nay lên là 20% vào năm 2030.

Tuy nhiên, sau khi ủy ban điều hành đưa ra dự thảo, dự thảo này vẫn cần được 27 quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu cùng thảo luận trong vài tháng.

Bà Henrike Hahn, một thành viên người Đức trong Ủy ban công nghiệp của Nghị viện châu Âu, hy vọng sẽ đạt được sự đồng thuận sớm nhất vào cuối quý đầu tiên của năm tới.

Bình Minh (t/h)