PDA

View Full Version : Thiếu xăng dầu bán lẻ: Vì ai nên nỗi?



duyanh
10-11-2022, 01:36 PM
Thiếu xăng dầu bán lẻ: Vì ai nên nỗi?




https://img.ntdvn.net/2021/08/ntdvn_xang-dau-viet-nam.jpg

Người dân xếp hàng mua xăng dầu tại đại lý bán lẻ (Ảnh minh họa: GettyImages)

Lên tới 100 cửa hàng xăng dầu đóng cửa, 14/33 doanh nghiệp đầu mối không nhập khẩu xăng. Người dân lo lắng. Bộ Công thương mới đây lên tiếng chấn an rằng đó là tình trạng "không phổ biến"... Quả bóng trách nhiệm lăn tới lui trong khi nguyên nhân cốt lõi tạo ra sự kiện này là quản lý giá phi thị trường của nhà nước chưa được sửa chữa kịp thời.

Trong hai hôm nay, mạng xã hội tràn ngập hình ảnh người dân xếp hàng chờ đổ xăng hoặc phàn nàn về việc không thể đổ được xăng tại nhiều cửa hàng xăng dầu, chủ yếu ở khu vực miền nam.

Theo Bộ Công thương, cả nước có 17.000 cửa hàng xăng dầu, nhưng hiện có tới 100 cửa hàng xăng dầu đóng cửa, nhiều cửa hàng bán cầm chừng.

Hiện tượng thiếu xăng dầu đã khiến nhiều người liên tưởng tới tình trạng khủng hoảng thiếu năng lượng ở các nền kinh tế vỡ nợ chính phủ và có vấn đề về dự trữ ngoại hối như Sri Lanka, Lào... Điều này khiến một bộ phận người dân lo lắng: không biết điều gì đang xảy ra?.

Gần một nửa đầu mối nhập khẩu xăng dầu đã dừng nhập khẩu

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy từ 1/7 - 20/9/2022, sản lượng nhập khẩu xăng dầu đã giảm khoảng 40% với xăng và 35% với diesel so với quý 2/2022.

Theo Cafef, dẫn nguồn từ Tổng Cục Hải quan, trong số 33 công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu, chỉ có 19 công ty ghi nhận có hoạt động nhập khẩu, 14 công ty (chiếm 42%) không nhập khẩu xăng dầu.

Trong đó, 3 công ty đầu mối thường nhập khẩu số lượng lớn đã ngừng hoạt động nhập khẩu xăng dầu trong quý 3/2022. Đó là Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

Vì ai nên nỗi?

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong nước cho rằng họ càng bán càng lỗ nên một số đã dừng lại, không bán nữa.

Tại sao lại có câu chuyện kỳ lạ này?

Theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý xăng dầu thì nhà nước thu thuế, phí (trích vào Quỹ bình ổn xăng dầu) từ các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Các doanh nghiệp đầu mối phân phối lại nguồn xăng dầu cho các đại lý bán lẻ. Mức hoa hồng, chiết khấu cụ thể do các doanh nghiệp đầu mối thoả thuận với doanh nghiệp bán lẻ.

Vấn đề ở chỗ, trong quý 1 và quý 2 năm nay, các doanh nghiệp đầu mối đã tranh thủ tăng thu mua vì lo ngại khan hiếm nguồn cung, giá tăng cao do địa chính trị leo thang. Nhưng nhu cầu toàn cầu giảm, nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái khiến giá xăng dầu giảm trong quý 3/2022. Do giá xăng dầu thế giới giảm nên giá xăng dầu bán lẻ trong nước được nhà nước điều hành giảm. Đây chính là điểm nghẽn khiến nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu phải đóng cửa.

Theo quy luật thị trường, giá xăng dầu bán lẻ, nếu muốn giảm thì nhà nước phải giảm từ thuế, phí môi trường cho doanh nghiệp nhập khẩu (bán buôn). Dựa trên chi phí giảm đó và dựa trên quản lý hợp lý hàng tồn kho, các hãng bán buôn sẽ giảm giá bán ra cũng như đề xuất mức chi phí hoa hồng hợp lý với các đại lý xăng dầu.

Nhưng hiện nay, các đại lý xăng dầu đóng cửa vì hoa hồng quá thấp, không đủ chi phí vận hành. Họ không thể bán xăng khi càng bán thì càng lỗ.

Cho đến ngày hôm qua (10/10), trước tình trạng người dân lo lắng khi không mua được xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đữu Phớc nói: "Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%, trình Chính phủ trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao thì tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% thuế giá trị gia tăng".

Điều này có nghĩa là việc giảm giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường, tức là giảm thuế và phí đều vẫn nằm trong dự kiến; vẫn đang trong quá trình xem xét, phê duyệt chính sách của Quốc hội theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Nhưng nghịch lý là Nhà nước lại muốn giảm giá xăng dầu bán lẻ cho dân dù chưa kịp điều chỉnh giảm thuế, phí đầu vào. Một cách tự nhiên, các doanh nghiệp bán buôn hoặc bán lẻ phải hi sinh lợi nhuận của họ vì điều đó.

Phản ứng tự nhiên của các doanh nghiệp tham gia thị trường là: doanh nghiệp bán buôn ngừng nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ thị trường quốc tế, doanh nghiệp bán lẻ đóng cửa hàng. Đó là lý do chúng ta có tới 100 cửa hàng xăng dầu đóng cửa như hiện nay.

Quả bóng lăn

Khi trả lời phỏng vấn của báo chí về sự việc thiếu xăng dầu bán cho dân. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định rằng Bộ Tài chính làm hết trách nhiệm của mình.

Bộ trưởng Tài chính cho rằng câu chuyện phân phối còn lại là trách nhiệm của Bộ Công thương. Với 33 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thành phẩm quốc tế và hơn 500 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khắp toàn quốc, Bộ Công thương có trách nhiệm đảm bảo kênh phân phối lẻ xăng dầu chi phí thấp, theo Cafef.

Theo nguồn tin từ trang Tuổi trẻ, chiều tối 10/10 hôm qua, Bộ Công Thương khẳng định hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đóng cửa tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… là không phổ biến. Lý do đưa ra là chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động [khắp cả nước].

Bộ Công thương cũng lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp đóng cửa là do chi phí kinh doanh tăng mạnh, thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng, nên chỉ duy trì trong hệ thống và tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp đầu mối buộc phải giảm mạnh chiết khấu để hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng, nên doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ. Bên cạnh đó là tình hình bão lũ cũng khiến việc vận chuyển hàng gặp khó khăn, gián đoạn và thiếu hụt nguồn cục bộ.

Bộ Công thương đưa ra giải pháp là Bộ Tài chính phải tính toán việc cắt giảm thuế, phí cho doanh nghiệp đầu mối và đảm bảo lãi cho doanh nghiệp bán lẻ.

Có vẻ như, cả Bộ Tài chính và Bộ Công thương đều có lý do của họ trong quản lý nhà nước với thị trường này. Mấu chốt ở đây là giá cả phải dựa trên cung - cầu theo nguyên lý vận hành của thị trường. Trong trường hợp thị trường xăng dầu, do cầu về xăng dầu khá ổn định, nên muốn giá thấp, quản lý nhà nước chỉ có thể nhanh chóng quyết định việc giảm thuế, phí. Vấn đề ở chỗ, Bộ Tài chính không tự quyết định giảm thuế và phí được, một số loại thuế phải thông qua Quốc hội. Đây không phải là quy trình nhanh và đơn giản.

Trong khi đó, vì nhiều sức ép, nhà nước lại mong muốn giảm nhanh giá bán lẻ xăng dầu khi chưa làm được rốt ráo chính sách về thuế, phí với xăng dầu. Đây chính là nút thắt dẫn đến tình trạng trên.

Quang Nhật