PDA

View Full Version : ĐSQ Đức ở Ukraine bị tấn công, Đức sẽ cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine



duyanh
10-11-2022, 01:02 PM
ĐSQ Đức ở Ukraine bị tấn công, Đức sẽ cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine



Nga đã tiến hành một đợt tấn công tên lửa mới vào thủ đô Ukraine hôm thứ Hai (10/10). Đức cho biết tòa nhà Đại sứ quán của họ ở Kyiv, nơi đặt văn phòng thị thực, đã bị tấn công và hư hại, và Berlin sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không hiện đại đầu tiên trong vòng vài ngày tới.


https://media.gettyimages.com/photos/an-irist-sls-mk3-mobile-shorad-systam-vehicle-stands-on-display-on-picture-id1241455452

Ngày 22/6/2022, bệ phóng hệ thống phòng không tầm ngắn di động IRIS-T SLS Mk3 (Mobile Shrad Systam Vehicle) được trưng bày trong ngày đầu tiên của triển lãm hàng không ILA Berlin tại Đức. (Ảnh: Michele Tantussi/Getty Images)

Không có quan chức nào có mặt khi vụ tấn công diễn ra. Đại sứ quán đã bị bỏ trống trong nhiều tháng kể từ khi chiến tranh nổ ra.

“Các đồng nghiệp của chúng tôi tại Đại sứ quán Kyiv thật tuyệt vời”, Bộ Ngoại giao Đức cho biết trong một tweet. “Đại sứ quán của chúng tôi đã không sử dụng các văn phòng này kể từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược của Nga.”

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết tại một cuộc họp báo rằng Chính phủ Đức đã liên hệ với các quan chức ở Kyiv để đánh giá mức độ thiệt hại của Đại sứ quán.

Tờ Wall Street Journal đưa tin Ngoại trưởng Đức, bà Annalena Baerbock, đã lên án Nga về vụ tấn công trong một tuyên bố riêng. Bà nói: “Việc ông Putin bắn tên lửa vào các thành phố lớn và dân thường của Ukraine là điều đáng khinh bỉ và phi lý. Chúng tôi đang làm mọi cách để tăng cường khả năng phòng không.”

Sau vụ tấn công, Bộ Quốc phòng Đức cho biết trong vòng vài ngày tới, họ sẽ chuyển giao hệ thống phòng không IRIS-T SLM đầu tiên mà họ đã hứa sẽ cung cấp cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng, bà Christine Lambrecht, cho biết hệ thống phòng không IRIS-T SLM đầu tiên sẽ đến Ukraine trong vài ngày tới.


https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2022/10/IRIS-T-SLM.jpg

Bệ phóng hệ thống phòng không tầm ngắn di động IRIS-T SLS (Mobile Shrad Systam Vehicle) của Đức. (Ảnh chụp màn hình video)

Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái “đặc biệt khiến dân thường khiếp sợ”, bà Lambrecht nói. “Đó là lý do tại sao chúng tôi hiện đang cung cấp sự hỗ trợ, đặc biệt là với các loại vũ khí phòng không.”

Bộ Quốc phòng Đức cho biết trong một tweet: “Vụ tấn công tên lửa gần đây của Nga vào Kyiv và các thành phố khác cho thấy khả năng phòng không của Ukraine quan trọng như thế nào đối với việc tự vệ.”

Hệ thống này là phiên bản trên mặt đất của tên lửa không đối không dẫn đường IRIS-T mà Đức đang phát triển cho không quân của mình. Tên lửa này vô cùng linh hoạt, có thể né tránh thiết bị gây nhiễu và pháo sáng, đồng thời có thể tấn công tên lửa hành trình, cũng như máy bay không người lái và tên lửa nhỏ.

Đức cam kết sẽ chuyển giao 4 hệ thống như vậy cho Kyiv vào tháng Sáu. Gần đây, họ cho biết chiếc đầu tiên sẽ được giao vào tháng Mười, 3 bộ còn lại sẽ được giao vào năm sau, nhưng chưa có thời gian biểu chính xác.

Cuối tháng Chín, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng loan báo rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine 2 hệ thống Tên lửa đất-đối-không Tiên tiến (NASAMS) trong vòng 2 tháng tới, và sẽ bổ sung thêm 6 hệ thống này trong dài hạn.

NASAMS là hệ thống phòng không lắp đặt trên đất liền do Kongsberg Defense & Aerospace và Raytheon kết hợp sản xuất. Vũ khí phòng không tối tân này có thể bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa hành trình.

Reuters đưa tin, ít nhất 10 người đã thiệt mạng, nguồn điện và hệ thống sưởi bị cắt trong cuộc tấn công dữ dội nhất của Nga nhắm vào các thành phố trên khắp Ukraine, trong giờ cao điểm vào sáng thứ Hai (10/10).

Bộ Quốc phòng Ukraine nói với báo giới rằng Nga hôm 10/10 đã phóng 75 tên lửa vào lãnh thổ Ukraine và 41 quả trong số đó đã bị bắn rơi.

Ông Putin khẳng định trong một bài phát biểu trên truyền hình sau đó rằng đây là đòn trả đũa cho vụ tấn công cầu Crimea (cây cầu nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga).

Trước đó, hôm thứ Bảy (8/10), ông Putin đã cáo buộc Ukraine thực hiện “các hành động khủng bố” sau một vụ nổ trên cây cầu Crimea nối giữa bán đảo Crimea và Nga. Nhưng chính phủ Ukraine không xác nhận rằng vụ tấn công cầu Crimea là trách nhiệm của Ukraine. Trước đó, ngoại giới cho rằng Nga sẽ trả đũa Ukraine một cách gay gắt.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Nga đã chọn tấn công Ukraine vào giờ cao điểm hôm thứ Hai, nhằm gây ra nhiều thiệt hại nhất về người, hơn nữa còn nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

“Họ muốn (tạo ra) sự hoảng loạn và hỗn loạn, họ muốn phá vỡ hệ thống năng lượng của chúng tôi”, ông Zelensky nói trong một bài đăng video. “Mục tiêu thứ hai là con người. Thời điểm và những mục tiêu như vậy được lựa chọn cụ thể để gây ra nhiều sát thương nhất có thể.”

Ông Zelensky sẽ phát biểu tại một cuộc họp video của các nhà lãnh đạo G7 vào thứ Ba (11/10).

Bình Minh (t/h)