PDA

View Full Version : Đại nạn Trung Hoa: Trung Cộng bẫy nợ "Hồ Chí Minh vào bẫy"



duyanh
09-16-2022, 11:48 AM
Đại nạn Trung Hoa: Trung Cộng bẫy nợ
"Hồ Chí Minh vào bẫy"




https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhhj9E-gEgtTzg12a8myGrKVM3pJu7vaKBVw3RQDDTX6nieHAomORHRKZ ESQWD922bVPZP9t5mJG9asC-SOlniHeDBbrGnZrOQ3XLBUKLiqqjBOXmPaBBO6FWs7_1_FyEw7 CFCcpxs0FU2MJBT_1M-RN5fNxOnksK48nySVaSZOFSxtI8ui9eDR-vWc/w400-h285/hcmhonhitmtd25-6-1955.webp (https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhhj9E-gEgtTzg12a8myGrKVM3pJu7vaKBVw3RQDDTX6nieHAomORHRKZ ESQWD922bVPZP9t5mJG9asC-SOlniHeDBbrGnZrOQ3XLBUKLiqqjBOXmPaBBO6FWs7_1_FyEw7 CFCcpxs0FU2MJBT_1M-RN5fNxOnksK48nySVaSZOFSxtI8ui9eDR-vWc/w400-h285/hcmhonhitmtd25-6-1955.webp)

Lịch sử cho thấy tất cả những cuộc xâm lăng quân sự mạnh mẽ của TQ vào Việt Nam đều thất bại. Đến đời CS cai trị Trung Hoa, TQ đổi chiến lược, thực hiện kế hoạch tằm ăn dâu, rất thâm độc bằng cách giăng “bẫy nợ”, dùng viện trợ nhử bắt con mồi CSVN.

1. Hồ Chí Minh vào bẫy

Chiến tranh Việt Minh-Pháp bùng nổ ngày 19-12-1946. Việt Minh thua chạy lên miền rừng núi hay vào bưng biền. Đến năm 1949, ĐCS thành công ở Trung Hoa. Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập chế độ CHNDTH ngày 1-10-1949, đặt thủ đô là Bắc Kinh. Cuối năm 1949, HCM cử hai đại diện là Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy đến Bắc Kinh xin viện trợ.

Lúc đó, Mao Trạch Đông cùng Chu Ân Lai qua Moscow vừa chúc mừng sinh nhật thứ 70 của Stalin, vừa thương thuyết. Lưu Thiếu Kỳ xử lý công việc BCT ĐCSTQ, cử La Quý Ba UVTW ĐCSTQ làm đại diện TQ bên cạnh ĐCS Đông Dương (CSĐD).

Theo các tài liệu tuyên truyền của TQ, TQ mới thành lập (1-10-1949), đang còn nhiều khó khăn, chưa được các nước Tây phương thừa nhận, nhưng vì tinh thần và nghĩa vụ quốc tế vô sản, TQ hào phóng viện trợ không điều kiện cho VNDCCH. La Quý Ba, “Mẫu mực sáng ngời của CN quốc tế vô sản”, đăng trong Hồi ký của những người trong cuộc, ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự TQ viện trợ Việt Nam chống Pháp, một nhóm tác giả, Bắc Kinh: Nxb. Lịch sử ĐCSTQ do Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch, Montreal: Tạp chí Truyền Thông, số 32 & 33, 2009, tr. 22.)
Đúng là lúc đó các nước Tây phương chưa thừa nhận TQ, nhưng TQ lại sẵn sàng thừa nhận và giúp đỡ VNDCCH không phải vì tinh thần và nghĩa vụ quốc tế CS, mà vì hai chủ đích riêng:

Thứ nhứt, lúc đó TQ chưa ổn định tình hình lục địa Trung Hoa, rất lo ngại Tưởng Giới Thạch nhờ các nước tư bản, nhứt là Hoa Kỳ và Pháp, giúp đỡ để lực lượng Quốc Dân Đảng quay trở lại tấn công TQ. Vì vậy, TQ nhận giúp đỡ Việt Minh để VM giữ gìn an ninh vùng biên giới Hoa Việt ở phía nam TQ, làm vùng trái độn an toàn cho TQ. Mao Trạch Đông công khai xác nhận việc nầy trong một cuộc họp của trung ương đảng CSTH tháng 11-1950. (La Quý Ba, bđd, tr. 27.)

Thứ hai là Trung Cộng giúp đỡ tối đa VNDCCH, để cho CSVN vay mượn càng nhiều càng tốt. Đến lúc cần, nếu VNDCCH không trả được nợ, thì TQ sẽ đòi cái khác để trừ nợ, như đất đai, hải đảo, nhứt là TQ dự tính sử dụng VNDCCH để mở đường xuống Đông Nam Á. Đây là một cách giăng bẫy nợ khá tinh vi mà trước đây những phú hộ giàu có ở nông thôn thường cho người nghèo vay nợ để o ép người nghèo phải đến ở đợ hoặc nạp con cái đến ở đợ mà trả nợ. HCM đang trong cơn bối rối, bị Pháp đuổi chạy, gặp được sự giúp đỡ vô điều kiện, vội tự động lọt vào bẫy nợ của TQ.
Sau phái đoàn Lý Bích Sơn và Lưu Đức Thủy, đích thân HCM bí mật qua Bắc Kinh cầu viện ngày 30-1-1950. Mao Trạch Đông và Châu Ân Lai vẫn còn ở Liên Xô.

HCM làm kiểm điểm trước Lưu Thiếu Kỳ

(Trần Đĩnh, Đèn cù, California: Người Việt Books, 2014, tr. 49.)

Tại sao HCM phải làm kiểm điểm với ngoại bang? Kiểm điểm với tư cách đại diện đảng CSĐD hay với tư cách chủ tịch nhà nước VNDCCH? Kểm điểm những gì? Hiện bản kiểm điểm nầy ở đâu? Cả hai đảng CS Việt và Tàu đề giữ kín việc nầy.

Tiếp đó, Lưu Thiếu Kỳ giúp HCM đi tiếp qua Liên Xô. HCM đến Moscow tối 6-2-1950. Bí thư thứ nhứt đảng CS Liên Xô là Joseph Stalin tiếp HCM tại văn phòng làm việc, với sự có mặt của Malenkow, Molotow, Bulganin và Vương Gia Tường, đại sứ TQ tại Liên Xô. Stalin nói thẳng với HCM: “Chúng tôi đã trao đổi với các đồng chí TQ, công việc viện trợ chiến tranh chống Pháp của Việt Nam chủ yếu do TQ phụ trách thích hợp hơn… TQ ở sát Việt Nam, hiểu rõ tình hình Việt Nam hơn chúng tôi, kinh nghiệm đấu tranh của TQ càng có tác dụng làm gương đối với Việt Nam, giúp các đồng chí sẽ thuận tiện hơn”.
Ngày 17-2-1950, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai rời Moscow trở về Bắc Kinh bằng xe hỏa. HCM cùng đi theo chuyến tàu nầy. Trên đường đi, khi xe hỏa đến vùng biên giới Nga-Hoa, thì một hôm “đi đến toa xe của Mao Trạch Đông, HCM nói ngay bằng tiếng TQ: “Mao Chủ tịch, Stalin không chuẩn bị viện trợ trực tiếp cho chúng tôi, cũng không ký hiệp ước với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam từ nay về sau chỉ có thể dựa vào viện trợ của TQ".

Sau chuyến đi cầu viện, tháng 4-1950 HCM gởi đến Bắc Kinh danh mục xin viện trợ, đồng thời đề nghị CHNDTH lập một trường võ bị ở TQ để huấn luyện quân đội Việt Minh, gởi cố vấn quân sự sang giúp Việt Minh và xin giúp thêm quân nhu, quân cụ, súng ống. Từ đó, CHNDTH viện trợ tối đa cho VNDCCH đến nỗi theo Đặng Văn Việt, trung đoàn trưởng đầu tiên trung đoàn 174 bộ đội Việt Minh, thì “viện trợ quân sự, vũ khí đạn dược, vào như nước…”

Từ đó, chẳng những viện trợ võ khí, quân nhu, viện trợ kinh tế, mà TQ còn gởi đoàn cố vấn chính trị và quân sự đông đảo, nói rằng qua giúp đỡ, nhưng thực tế là điều khiển những hoạt động của đảng CSĐD. Những chiến dịch chính trị như phong trào chỉnh huấn, rèn cán chỉnh cơ, rèn cán chỉnh quân, cải cách ruộng đất đều do cán bộ TQ chỉ huy. Những cuộc hành quân lớn nhỏ của Việt Minh cộng sản cũng đều do sự điều động của quân ủy trung ương TQ ở Bắc Kinh.

Nhờ sự viện trợ dồi dào toàn diện của TQ mà lực lượng Việt Minh gượng lại được, bắt đầu chiến thắng trận Đông Khê năm 1950 do tướng TQ là Trần Canh chỉ huy, cho đến trận Điện Biên Phủ năm 1954.

2. Trung Cộng trừ nợ

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam hay Hiệp định đình chiến Genève ngày 20-7-1954, chia hai Việt Nam ở vĩ tuyến 17. Bắc Việt Nam thuộc VNDCCH do đảng Lao Động cai trị. Nam Việt Nam thuộc chính quyền Quốc Gia Việt Nam, đổi thành VNCH ngày 26-10-1955.

Theo Hiệp định Genève, thì ngày 9-10-1954 là hạn chót cho những người muốn di tản khỏi Hà Nội, di cư vào Nam. Hôm sau, ngày 10-10-1954, quân đội CS vào tiếp thu Hà Nội. Hải Phòng, điểm tập trung đồng bào miền Bắc muốn di cư bằng tàu thủy vào miền Nam, do CS tiếp thu ngày 13-5-1955. Ba ngày sau, toán lính Pháp cuối cùng rút lui khỏi đảo Cát Bà Hạ Long, ngày 16-5-1955. Sau ngày nầy, quân đội Pháp và quân đội Quốc Gia Việt Nam hoàn toàn không còn ở đất Bắc. Từ nay, phần lãnh thổ và lãnh hải phía bắc vĩ tuyến 17 huộc quyền VNDCCH.

Về vấn đề lãnh hải vịnh Bắc Việt, sau khi Pháp bảo hộ Việt Nam năm 1884, Pháp thương thuyết với nhà Thanh bên Trung Hoa, và cùng nhà Thanh thỏa thuận ngày 2-6-1887 rằng quần đảo Bạch Long Vỹ (BLV) trong vịnh Hạ Long thuộc lãnh hải Việt Nam, tức thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Quần đảo BLV tuy nhỏ, diện tích tổng cộng khoảng 3 km2, nhưng rất quan trọng về kinh tế và quốc phòng. Về kinh tế, khu vực BLV có nhiều hải sản, nhứt là bào ngư, có giá trị dinh dưỡng cao mà người Việt Nam rất ưa thích. Hiện nay, người ta được biết đáy biển vùng nầy có nhiều tiềm năng về chất đốt chưa được khai thác. Về quốc phòng, BLV giữ vị trí chiến lược tiền tiêu để bảo vệ Bắc Việt. Pháp đặt một đơn vị hải quân ở đây, kiểm soát tàu bè đi lại trên vịnh Bắc Việt.

Năm 1949, khi Cs chiếm được lục địa TQ, Tưởng Giới Thạch di tản ra Đài Loan. Một số quân đội Quốc Dân Đảng chạy sang Bắc Việt Nam lánh nạn, được tập trung đưa đến làm việc ở các vùng quặng mỏ. Trong khi đó, ở ngoài vịnh Bắc Việt, quân Quốc Dân Đảng từ các hải đảo ở vùng Hải Nam chạy xuống, tràn vào quần đảo BLV, tiếp tục sinh sống nghể đánh bắt cá.

Sau năm 1954, quần đảo BLV thuộc chủ quyền của VNDCCH. Theo lời kể của học giả Dương Danh Dy trong cuộc phỏng vấn của đài BBC Tiếng Việt ngày 13-4-2010, thì: “Câu chuyện lịch sử là như thế này: tháng 10/1954, sau khi ký Hiệp định Genève, quân đội Pháp rút khỏi miền Bắc VN. Đảo Bạch Long Vĩ lúc đó vẫn là của Việt Nam, nhưng do có một số khó khăn, và tôi cũng không rõ là thỏa thuận ở cấp nào nhưng có việc Việt Nam nhờ Trung Quốc ra tiếp quản hộ. TQ giữ hộ Việt Nam tới năm 1956 thì trả lại cho Việt Nam. Hồi đó tôi còn trẻ, sau khi vào Bộ Ngoại giao thì tôi có được tận mắt đọc biên bản ký kết về việc TQ trao trả lại đảo Bạch Long Vĩ cho Việt Nam. Có một chi tiết thú vị là lúc đó Việt Nam còn ngần ngừ chưa nhận vì chưa có phương tiện để ra đảo. Thế là phía TQ, sau khi thỉnh thị, lại tặng thêm cho Việt Nam hai chiếc ca-nô.” Nguồn tin nầy được Talawas blog ngày 14-04-2010 thuật lại dựa theo tin của Đài BBC Tiếng Việt.
Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ Online ngày 24-05-2014, thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu về Biển Đông, nói hơi khác. Sau đây là nguyên văn lời thạc sĩ Hoàng Việt: “Rồi năm 1957, hồng quân TQ đã chiếm đảo Bạch Long Vĩ rồi sau đó trao trả lại cho phía VNDCCH.”

Ở đây có điểm khác nhau giữa hai học giả Dương Danh Dy và Hoàng Việt. Ông Dương Danh Dy nói rằng VNDCCH “nhờ Trung Quốc ra tiếp quản hộ.” Ông Hoàng Hiệp thì cho rằng “hồng quân TQ đã chiếm đảo Bạch Long Vĩ…”

Nếu theo lời kể ông Dương Danh Dy, câu hỏi đặt ra là quân đội CSVN tự hào đã đánh thắng thực dân Pháp năm 1954, thì tại sao CSVN không đủ sức tiếp quản quần đảo BLV lúc đó “đã sạch bóng quân thù”, mà CSVN phải nhờ TQ tiếp quản? Phải chăng ông Dy ăn nói tránh né một cách “ngoại giao”, vốn là nghể của ông?

Theo lời xác nhận của ông Hoàng Hiệp thì TQ đánh chiếm BLV năm 1957. Tuy nhiên, ông Hiệp cũng như ông Dy không giải thích vì sao VNDCCH nhờ TQ tiếp quản, hoặc vì sao TQ đánh chiếm BLV? Và cả hai ông cũng không giải thích vì sao TQ trả BLV lại cho VNDCCH, trả lại không công hay trả lại có điều kiện, để đổi lấy cái gì? Có lẽ cả hai học giả lại cùng tránh né một vấn đề mà theo dân chúng vùng Hải Phòng kể lại, có thể khá tế nhị và nghiêm trọng.
Theo lời truyền khẩu của dân chúng địa phương, sau hiệp định Genève năm 1954, quần đảo BLV thuộc chủ quyền của VNDCCH. Tuy nhiên, TQ lấy cớ BLV có nhiều người gốc Hoa (chạy qua Việt Nam từ sau năm 1949), nên TQ ngang ngược nhận rằng BLV thuộc chủ quyền TQ và đánh chiếm BLV. Đây là hành vi thổ phỉ, cướp của (cướp đảo) để trừ nợ mà VNDCCH vay mượn TQ suốt thời gian từ 1949 đến 1954.
Nhà cầm quyền VNDCCH há miệng mắc quai, đành im tiếng và phải thương lượng với TQ, đưa đến sự thỏa thuận ngầm là TQ trả BLV cho VNDCCH, và đổi lại VNDCCH theo đòi hỏi của TQ, chịu nhượng bộ một điều gì đó mà hai bên không tiết lộ. ĐCS tức đảng Lao Động thương thuyết và hứa hẹn riêng với đảng CSTH, nhưng bắt dân tộc VN phải gánh những hứa hẹn trao đổi của họ và trả nợ cho TQ. Dân chúng cho rằng để đổi lấy BLV, VNDCCH đồng ý nhượng quần đảo Hoàng Sa cho TQ, dầu lúc đó Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VNCH.
CSVN tưởng mình khôn, “bán da gấu” cho Tàu phù, dùng quần đảo Hoàng Sa để thế chấp trao đổi với TQ, vì Hoàng Sa ở phía nam vĩ tuyến 17, thuộc chủ quyền của VNCH, biết khi nào Cs đánh chiếm được? Thực tế đây là tội phản quốc lớn lao vì không ai được quyền đem tài sản quốc gia để cá cược, dù đó là canh bạc bịp. Ngược lại TQ muốn tìm đường xuống Biển Đông, tính chuyện lâu dài, sẵn sàng chờ đợi thời cơ chiếm đoạt Hoàng Sa. (Người viết nghe được chuyện nầy tại Đà Nẵng do một bác sĩ gốc Hải Phòng kể lại. Bác sĩ nầy từ Bắc vào Nam làm việc sau năm 1975.)

Nguồn tin từ dân chúng cần được kiểm chứng lại, nhưng thực tế cho thấy nguồn tin nầy giúp làm rõ thêm nguồn tin của hai học giả Dương Danh Dy và Hoàng Việt đã công khai trên báo chí. Sự kiện BLV để lộ rõ ý đồ viện trợ của TQ cho CSVN là vừa được tiếng tương trợ xã hội chủ nghĩa, vừa bảo vệ biên giới phía nam của TQ, và nhứt là vừa tìm đường xuống Đông Nam Á.
Phải chăng từ tiền đề BLV đưa đến việc VNDCCH ký kết công hàm ngày 14-9-1958 về chuyện lãnh hải của Trung Cộng?

3. Công hàm trả nợ ngày 14-9-1958

Nguyên từ 24-2 đến 29-4-1958, các thành viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) họp tại Genève bàn về luật biển. Hội nghị ký kết bốn quy ước về luật biển. Riêng quy ước về hải phận của mỗi nước, có 3 đề nghị: 3 hải lý, 12 hải lý và 200 hải lý. Không đề nghị nào hội đủ túc số 2/3, nên LHQ chưa có quyết định thống nhất. Lúc đó, TQ, VNCH và VNDCCH không phải là thành viên LHQ, nên không được mời tham dự hội nghị nầy.
Trước cuộc tranh cãi về hải phận, Mao Trạch Đông tuyên bố ngày 28-6-1958 với nhóm tướng lãnh thân cận: “Ngày nay, Thái Bình Dương không yên ổn. Thái Bình Dương chỉ yên ổn khi nào chúng ta làm chủ nó.” (Tiếp đó, ngày 4-9-1958, TQ đưa ra bản tuyên cáo, nhắm mục đích lên tiếng xác định lập trường về hải phận của TQ là 12 hải lý, mà không gởi riêng cho nước nào. Trong bản tuyên cáo, điều 1 và điều 4 cố ý lập lại và khẳng định chắc chắn rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (vốn của Việt Nam) thuộc chủ quyền của TQ và gọi theo tên TQ là Xisha (Tây Sa tức Hoàng Sa) và Nansha (Nam Sa tức Trường Sa).

Điểm cần chú ý là Trung Cộng lúc đó (1958) chưa phải là thành viên LHQ và không thể dùng diễn đàn của LHQ để bày tỏ quan điểm và chủ trương của mình, nên TQ đơn phương đưa ra bản tuyên cáo nầy, thông báo quyết định về lãnh hải của TQ. Vì vậy các nước khác không nhất thiết là phải trả lời bản tuyên cáo của TQ, nhưng riêng VNDCCH lại sốt sắng đáp ứng ngay.

Sự quyết đoán ngang ngược của TQ bất chấp chẳng những VNDCCH mà bất chấp cả VNCH và cả toàn thế giới về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà thủ tướng Trần Văn Hữu đã khẳng định tại hội nghị San Francsco năm 1951, phải chăng vì đã có sự thỏa thuận bí mật giữa TQ và VNDCCH sau vụ BLV hai năm trước đó?

Ngoài ra, sau khi đất nước bị chia hai, đảng Lao Động (tức đảng CS) cai trị ở Bắc Việt Nam tức VNDCCH, luôn luôn nuôi tham vọng đánh chiến Nam Việt Nam tức VNCH. Muốn đánh VNCH, thì VNDCCH cần được các nước CS viện trợ, nhất là Liên Xô và TQ. Vì vậy, khi TQ đơn phương đưa ra bản tuyên cáo về lãnh hải ngày 4-9-1958, thì VNDCCH “không gọi mà dạ”. Phạm Văn Đồng, thủ tướng VNDCCH, vâng lệnh HCM và BCT đảng Lao Động, vội vàng ký công hàm ngày 14-9-1958, tán thành tuyên cáo về hải phận của TQ. Xin ghi lại ở đây một lần nữa nội dung chính hai văn kiện xướng họa nầy, để mọi người đừng quên hành động phản quốc của đảng CSVN.
Tuyên cáo ngày 4-9-1958 của TQ về hải phận gồm 4 điều, trong đó điều 1 và điều 4 được phiên dịch như sau:

Điều 1: Bề rộng lãnh hải của nước CHNDTH là 12 hải lý. Điều lệ nầy áp dụng cho toàn lãnh thổ nước CHNDTH, bao gồm phần đất TQ trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Xisha tức Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Nansha tức Trường Sa), và các đảo khác thuộc TQ. …

Điều 4: Điều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Đài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu (Bành Hồ), quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa [Trường Sa], và các đảo khác thuộc TQ…

Công hàm ngày 14-9-1958, của VNDCCH do Phạm Văn Đồng, vâng lệnh HCM và đảng CSVN, tán thành tuyên cáo TQ tức tán thành hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của TQ:

“Chính phủ nước VNDCCH ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước CHNDTH, quyết định về hải phận của TQ. Chính phủ nước VNDCCH tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của TQ trong mọi quan hệ với nước CHNDTH trên mặt bể”.

Kết luận

Như thế, ngay từ đầu, từ khi HCM qua Bắc Kinh làm kiểm điểm và cầu viện, TQ đã hào phóng viện trợ cho VNDCCH chẳng phải tốt lành gì, mà cốt để gài bẫy nợ. “Cá cắn câu biết khi nào gỡ / Chim vào lồng biết thuở nào ra…”

Đến khi CSVN làm chủ Bắc Việt Nam sau năm 1954, TQ liền đánh chiếm quần đảo BLV để trừ nợ mà dân gian còn gọi là “xiết nợ hay siết nợ”. Lần nầy, HCM và tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN lại bí mật hứa hẹn thế chấp ngầm với Trung Cộng như thế nào, nên Trung Cộng mới chịu trả lại BLV cho VNDCCH. Vì vậy, khi TQ ra tuyên cáo ngày 4-9-1958 thì VNDCCH nhanh chóng gởi công hàm đáp ứng đúng theo yêu cầu trong bản tuyên cáo của TQ

Tán thành và tôn trọng bản tuyên cáo ngày 4-9-1958 của TQ có nghĩa là VNDCCH công nhận quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, vốn của Việt Nam, thuộc chủ quyền TQ.

Phản quốc đến thế là cùng!


Tác giả: Trần Gia Phụng