PDA

View Full Version : HRW tố cáo Matxcơva cưỡng bức người Ukraina di tản sang Nga



duyanh
09-01-2022, 12:00 PM
HRW tố cáo Matxcơva cưỡng bức người Ukraina di tản sang Nga





https://s.rfi.fr/media/display/496053f6-29d5-11ed-8448-005056a97e36/w:1280/p:16x9/AP22186414894870.jpg

Ảnh minh họa : Người dân Ukraina ở vùng Donetsk xin cấp hộ chiếu Nga tại Sở Di trú ở Donetsk, thành phố do quân ly khai thân Nga kiểm soát, ngày 05/07/2022.

Trong báo cáo được công bố hôm 01/09/2022, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch tố cáo quân đội và những lực lượng tiếp tay với quân Nga đã cưỡng bức thường dân Ukraina, kể cả những người tỵ nạn chiến tranh, sang Nga. Hành động này có thể bị xem là « tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại ».

Báo cáo dài 71 trang, mang tên « Chúng tôi không được lựa chọn : sàng lọc và tội ác cưỡng bức thường dân Ukraina sang Nga », dựa trên lời kể của hơn 50 nhân chứng, gồm những người đã bị đưa sang Nga và những người cố tìm đường trở về Ukraina.

Cuối tháng 7/2022, hãng thông tấn Nga TASS ghi nhận từ đầu cuộc chiến, đã có khoảng 2,8 triệu người Ukraina đến định cư trên lãnh thổ Nga.

Régis Genté thông tín viên của RFI trong khu vực cho biết thêm về báo cáo của Human Rights Watch :

« Bản báo cáo mà Human Rights Watch công bố hôm nay 01/09 đi sâu vào chi tiết một chuyện từng được các nhân chứng, các phóng viên và các tổ chức phi chính phủ thuật lại từ nhiều tháng qua: Thường dân Ukraina bị cưỡng bức di tản sang Nga khi những người này tìm đường chạy lánh nạn khỏi các vùng có giao tranh.

Phía Nga không nhất thiết phải dùng biện pháp cưỡng bức, nhưng họ đã làm đủ mọi cách để thường dân Ukraina không thể chọn nơi mà họ muốn lánh nạn. Không có hành lang nhân đạo cho người di tản, và họ phải chịu nhiều áp lực về tâm lý. Theo lời bà Tanya Lokshina, một trong các đồng tác giả của báo cáo, đây là một hiện tượng rất phổ biến.

Bà nói : "Rất khó thẩm định đã có bao nhiêu người Ukraina bị cưỡng bức di tản sang Liên Bang Nga. Trong số 18 người mà chúng tôi đã phỏng vấn, có những người đã bị đưa sang Nga, 5 trường hợp cho biết họ tự ý đến Nga định cư, vì họ xem đây là cách để vào được Liên Hiệp Châu Âu".

Trên đường bị đưa vào các vùng lãnh thổ Nga, người Ukraina phải trải qua những "trại thanh lọc", nhất là những người tại Mariupol hay Kharkiv mà Human Rights Watch đã phỏng vấn. Các trại này kiểm tra xem những người được đưa vào lãnh thổ Nga có đã từng chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Ukraina hay không. Báo cáo của Human Rights Watch kết luận cưỡng bức người di tản là một hành động mang tính "trừng phạt và lạm dụng" ».



RFI