PDA

View Full Version : Những tư duy ngụy biện kỳ quặc thường chỉ có ở người Việt (P.1)



duyanh
07-28-2022, 12:48 PM
Những tư duy ngụy biện kỳ quặc thường chỉ có ở người Việt (P.1)



“Ngụy biện” là khái niệm dùng để chỉ một loại lập luận trong giao tiếp, tưởng chừng đúng nhưng thực chất lại là sai, bề ngoài thì chặt chẽ nhưng thật ra rất phi logic, khiến người nghe lẫn lộn không phân biệt được thật giả, từ đó khóa miệng người khác, khiến nhiều người không biết phải đối đáp ra sao…


https://tinhhoa.net/wp-content/uploads/2022/07/kn-socrates.jpg

Triết gia Hy Lạp cổ Socrates là người từng bàn luận rất thấu đáo về ngụy biện. (Ảnh qua ĐKN)

Theo Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates: “Lập luận ngụy biện bề ngoài thì dường như là suy luận chính xác nhưng thực tế lại trái với quy luật khách quan, thoạt nghe thì đúng nhưng mà lại sai. Thủ đoạn này thông thường là thay đổi luận đề, bịa đặt luận cứ, dẫn chứng vòng vo, suy luận máy móc, hoặc có khi cố ý nói to và nói nhiều để lấn át lẽ phải, lấy một câu tách ra khỏi nội dung của toàn văn rồi giải thích theo ý mình,…”

Hiện nay có một thực trạng đáng buồn là rất nhiều người Việt Nam đều có tư duy ngụy biện, thậm chí đã hình thành một loại “văn hóa ngụy biện”. Vì đã trở thành tự nhiên nên cả người nói cũng không nhận ra rằng mình đang ngụy biện, còn cho rằng lập luận của bản thân “thấu tình đạt lý” nên người khác không thể đáp lại được.

Dưới đây là một số lỗi logic “tưởng đúng mà lại sai” mà người Việt chúng ta thường xuyên sử dụng trong giao tiếp, đặc biệt là trong tranh luận trên môi trường mạng xã hội.

“Làm tốt đi rồi hãy nói người khác!”

Câu nói này rất phổ biến trong giao tiếp hiện nay, khi bị người khác chỉ ra lỗi sai, nhiều người thường hay buột miệng nói: “Anh đã làm được như tôi chưa mà nói tôi?”, “Anh hãy xem lại bản thân mình có chỗ nào hơn tôi mà dám phán xét tôi?”, “Tôi có lỗi này thì anh cũng có lỗi kia, anh lấy quyền gì khuyên tôi chứ?”,…

“Anh phải làm được tốt rồi anh mới cho người khác lời khuyên!”, lập luận này dường như hợp lý, nhưng thực chất chính là ngụy biện. Con người ai không từng phạm sai lầm? Thời đi học ai chưa từng bị điểm kém? Lẽ nào vì chúng ta từng có lỗi mà khi thấy người khác làm sai chúng ta không được nhắc nhở hay sao? Lẽ nào vì chúng ta từng bị điểm kém hồi nhỏ mà bây giờ chúng ta không được dạy trẻ nhỏ học bài hay sao? Lẽ nào một đứa bé từng hái trộm trái cây của hàng xóm thì sau này không được trở thành người hùng bắt cướp hay sao? Không thể suy nghĩ như vậy được!

Xoay lại mà nói, nếu có người chỉ ra lỗi của chúng ta, chúng ta đáng lý nên phải nghĩ xem lời của họ có đúng không, chúng ta có thật có thiếu sót này hay không? Nếu là có thì chúng ta nên khắc phục và cảm ơn vì họ đã cho chúng ta lời khuyên hữu ích. Còn nếu không có, cũng nên giải thích một cách thiện ý rằng chúng ta không sai, có thể họ có hiểu lầm gì với chúng ta chăng? Đây mới là cách làm của người thông minh và có văn hóa.

Nếu làm ngược lại, họ chỉ ra lỗi của chúng ta, chúng ta cũng đi tìm lỗi của họ mà chỉ trích, vậy thì chẳng giải quyết được gì. Chúng ta không bao giờ khắc phục được nhược điểm của bản thân mà còn trở thành kẻ hẹp hòi chuyên đi soi mói sơ hở của người khác để công kích.

Cũng như nếu có người nói với chúng ta rằng: “Nhà bạn có rác kìa!”, thay vì dọn dẹp lại cho sạch sẽ nhà mình thì chúng ta lại làm ầm lên: “Nhà anh cũng có rác mà, anh lấy tư cách gì để nói tôi, anh lo quét nhà anh đi!” Giả tỷ người kia nghe xong liền lập tức đi quét nhà, thì nhà anh ta sẽ sạch, còn nhà chúng ta vẫn tiếp tục dơ bẩn!

Rõ ràng loại tư duy như vậy chỉ có hại chứ không có ích gì cho cuộc sống và công việc của chúng ta.

“Bạn đã làm gì cho đất nước chưa?”

Đây có thể nói là một loại biến tấu của câu nói “Làm tốt đi rồi hãy nói người khác!” bên trên, cũng cùng một lối tư duy. Khi có người đưa ra ý kiến, bình luận, quan điểm của họ về các vấn đề chính trị mà họ không hài lòng, thì rất nhiều người liền sử dụng ngay câu nói này để khóa miệng người ta, phổ biến nhất là trong môi trường tranh luận trên mạng xã hội.


https://tinhhoa.net/wp-content/uploads/2022/07/sep-ban-chui-mang-hay-tham-thuy-800x445-1.jpg

Thói quen của người ngụy biện là nói to và cưỡng từ đoạt lý để buộc người khác không thể nói tiếp được. (Ảnh qua Vietlawyer)

Trước tiên, nếu là ở trên mạng xã hội hoặc là một người mà chúng ta không quen hoặc không hiểu rõ, thì người đó đã làm gì cho đất nước hay chưa chúng ta hoàn toàn không biết được. Biết đâu người đó là một học sinh xuất sắc đã từng đem về huân chương cho nước nhà, cũng có thể là một doanh nhân thành đạt đang đóng góp to lớn cho cơ cấu kinh tế đất nước, cũng có thể là một nhà khoa học đang nghiên cứu phát minh ra những lý thuyết mới có ích cho sự phát triển của nhân loại, cũng có thể là một bác sĩ đã từng cứu sống rất nhiều người, hoặc chỉ là một người rất bình thường nhưng đã từng đi khắp nơi để cứu trợ và giúp người khó khăn trong đại dịch Covid-19 vừa qua,… chúng ta sao có thể tùy tiện nói liều rằng họ chưa làm gì cho đất nước?

Dù thật sự họ chưa từng làm được điều gì lớn lao, thì người thân, bạn bè hoặc người quen biết của họ cũng có thể là những người đã và đang đóng góp cho đất nước, còn bản thân họ thì đã từng giúp đỡ hoặc cổ vũ tinh thần cho những người kia. Mỗi người, mỗi ngành nghề, mỗi tầng lớp khác nhau trong cuộc sống đều chiếm giữ một vai trò trong xã hội, chúng ta không thể nói họ vô dụng được.

Dù là một nhà lãnh đạo tài ba cũng có thể đã từng có lúc phải ăn bánh mì lề đường, uống nước suối vỉa hè, chúng ta có thể nói rằng người bán bánh mì, bán nước suối ấy không làm được gì cho đất nước hay không? Hoàn toàn không thể nhìn nhận như vậy được!

Hơn nữa, mỗi người chúng ta đều là một công dân Việt Nam, khi thấy xuất hiện vấn đề bất ổn đối với đất nước hoặc xã hội, thì chúng ta đều có quyền và có trách nhiệm phải lên tiếng. Sao có thể nghĩ rằng “chưa làm được gì” thì không được phép nói? Chẳng phải việc lên tiếng cũng là đang làm, đang đóng góp ý kiến, đang chịu trách nhiệm với đất nước đó sao?

Đối với những góp ý hoặc phê bình của người khác, chúng ta chỉ có thể xem có hợp tình hợp lý hay không. Nếu quan điểm của họ thật sự có lợi cho mọi người, thì chúng ta nên ủng hộ, nhiều người ủng hộ thì tự nhiên sẽ tạo thành tiếng nói chung, buộc những người đương quyền phải xem xét giải quyết ý kiến của chúng ta. Còn nếu cảm thấy họ nói không đúng thì chúng ta có thể giữ im lặng hoặc đưa ra ý kiến phản biện một cách chặt chẽ logic, như vậy mọi người có thể cùng nhau thảo luận một cách ôn hòa.

Còn ngay từ đầu đã khóa miệng không cho người khác nói bằng cách gọi họ là “anh hùng bàn phím” hay hỏi vặn họ rằng “đã làm gì cho đất nước chưa?”, thì chẳng khác nào đang tự bưng tai bịt mắt của mình, cố chấp cực đoan, không tiếp thu ý kiến mà chỉ hành xử theo tình cảm cá nhân. Nếu ai cũng mang cách nghĩ như vậy thì xã hội và đất nước sao có thể phát triển thêm được?

“Ở đâu mà không có người xấu? Nước nào mà chẳng có tham nhũng?”

Rất nhiều người Việt Nam cho rằng chính trị là vấn đề “bất khả xâm phạm”, là chuyện mà chỉ có giới quan chức và lãnh đạo mới được phép nói tới, còn người bình thường thì không thể xen vào. Hễ ai đó mà nói về chính trị, thì người khác liền không dám nghe, họ sẽ viện tới những lập luận ngụy biện để buộc người khác phải chuyển hướng vấn đề, không nói tiếp về chính trị được nữa.

Chẳng hạn như có người bàn về tình trạng tham nhũng, thì người khác sẽ nói: “Nước nào mà chẳng có tham nhũng?”, hoặc nói về xã hội bất ổn định thì người khác sẽ nói: “Bên Mỹ, bên châu Âu cũng có ổn định đâu?” Thậm chí họ có thể đưa ra một tràng lý lẽ: “Bên Mỹ còn có khủng bố xả súng, đánh bom liều chết, quấy rối tình dục, ấu dâm trẻ em, người sử dụng ma túy tràn lan trên đường, tỷ lệ người vô gia cư cao, các tập đoàn tài phiệt độc quyền kinh tế,…”

Ngụ ý của những lời này chính là nói: “Bên Mỹ và các nước tư bản cũng có tốt đẹp gì đâu, còn tệ hơn cả Việt Nam ấy chứ!”. Nếu để ý kĩ, không khó để chúng ta nhận ra loại tư duy này cũng từ cách nghĩ “Làm tốt đi rồi hãy nói người khác!” mà ra!


https://tinhhoa.net/wp-content/uploads/2022/07/crosswalk.webp

Con người đều có hai mặt Thiện ác, nếu không ức chế cái ác thì xã hội chắc chắn sẽ hỗn loạn và bất trị. (Ảnh qua crosswalk)

Người nói những lời đó cho rằng bên nước ngoài (mà trong quan niệm của họ chỉ có thể là Mỹ và các nước tư bản liên quan đến Mỹ) cũng không tốt, vậy thì cớ gì phải đòi hỏi người Việt Nam phải tốt? Lãnh đạo nước ngoài cũng không thanh liêm chính trực, vậy thì cớ sao phải kêu lãnh đạo Việt Nam đừng tham nhũng? Ở nước ngoài cũng có tệ nạn xã hội, vậy thì tại sao lại đi soi mói tệ nạn xã hội ở Việt Nam?

Lập luận này nếu suy nghĩ lại sẽ thấy rất đáng cười! Tạm thời không tranh luận rằng “nước ngoài” kia có thật sự như vậy hay không, cứ cho là thật đi, thì cũng có quan hệ gì với chúng ta đâu? Đó chẳng phải là việc của quốc gia đó, là chuyện mà đất nước đó cần giải quyết hay sao? Nó không hề liên can tới đất nước của chúng ta, việc chúng ta cần quan tâm chính là đất nước của mình!

Thấy đất nước mình có tham nhũng thì ra sức bài trừ, thấy đất nước mình có bất ổn thì ra sức điều chỉnh, thấy đất nước mình có xuất hiện những vấn đề bại hoại như quấy rối tình dục hoặc ấu dâm trẻ em thì cần đưa ra chính sách giải quyết, xử lý nghiêm minh mà làm gương cho người khác.

Còn nếu cứ khăng khăng chỉ trích lỗi của những quốc gia khác, dẫu họ có giải quyết được tình hình của đất nước họ hay không thì nào có ích gì cho chính đất nước của chúng ta? Cũng giống như nhà người khác có sạch rác hay không thì cũng không ảnh hưởng tới việc nhà chúng ta đang có rác. Điều mà chúng ta cần làm chính là quét sạch nhà mình, giải quyết vấn đề của đất nước mình, chứ không phải là chỉ trích vấn đề của đất nước khác!

Hơn nữa chúng ta đều biết rằng trong bất cứ xã hội nào từ xưa tới nay, thì người tốt và người xấu vẫn luôn cùng nhau tồn tại, do đó nhất định cần biểu dương cái Thiện và ức chế cái ác, đây là điều mà nhân loại hướng tới. Nếu nói rằng “ở đâu cũng có tham nhũng, nơi nào cũng có người xấu”, thì chẳng phải đang ngấm ngầm thừa nhận việc làm của những tham quan và người xấu kia?

Vì ở đâu cũng có nên không cần chống tham nhũng, không cần bài trừ cái ác, không cần phản đối bất công? Thấy người gặp nạn cũng bỏ mặc, thấy người bòn rút của công thì cho là chuyện đương nhiên, thấy tệ nạn xã hội cũng nghĩ là bình thường, vậy chẳng phải đang để mặc cho cái ác càng ngày càng lộng hành, xã hội càng ngày càng loạn hay sao?

Những câu nói và lập luận “ngụy biện” bên trên rất hay xuất hiện trong tranh luận giữa người Việt với nhau, bề ngoài thì dường như đúng, khiến người khác khó mà phản biện được, nhưng thực tế lại hoàn toàn sai, hơn nữa còn rất phản cảm, rất trái với đạo lý thông thường.

Có lẽ những lời này đa phần đều xuất phát từ tâm tranh đấu, hiếu thắng, dẫn đến cưỡng từ đoạt lý, thậm chí bất chấp đúng sai của chúng ta. Nếu muốn loại bỏ đi những tư duy lệch lạc và văn hóa “kỳ quặc” này, thì cũng chỉ có thể bắt đầu bằng việc sửa lại tâm tính của chính mình, nhẫn nại và bao dung, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người khác hơn, dần dần giảm bớt đi thói quen thích thể hiện bản thân và không ngừng tìm kiếm khắc phục những lỗi lầm trong lời nói giao tiếp hàng ngày của mình.

(còn nữa)

Thế Di

duyanh
07-28-2022, 12:53 PM
Những tư duy ngụy biện kỳ quặc thường chỉ có ở người Việt (P.2)



“Ngụy biện” là khái niệm dùng để chỉ một loại lập luận trong giao tiếp, tưởng chừng đúng nhưng thực chất lại là sai, bề ngoài thì chặt chẽ nhưng thật ra rất phi logic, khiến người nghe lẫn lộn không phân biệt được thật giả, từ đó khóa miệng người khác, khiến nhiều người không biết phải đối đáp ra sao…


https://cdn.tinhhoa.net/wp-content/uploads/2022/07/Noi-doi-co-vi-gi-01.webp

Lập luận ngụy biện bề ngoài thì chặt chẽ nhưng thật ra rất phi logic. (Ảnh qua Trithucvn.org)

Tiếp theo Phần 1.

“Không có Nhà nước thì chúng ta có ngày hôm nay không?”
Ngày nay rất nhiều người Việt lẫn lộn các khái niệm “lãnh thổ”, “dân tộc”, “nhà nước”, “chế độ”, “lãnh đạo”, “đảng cầm quyền”,… với nhau. Đa số người còn xem những khái niệm này là một, nhưng thật ra chúng rất khác nhau. Sự lẫn lộn này không chỉ ở trong tư tưởng mà còn trong cả lời nói và hành vi của người Việt.

Ví dụ nhiều người nói rằng đảng cầm quyền là đại diện cho quốc gia và dân tộc, vì vậy hễ có cách nghĩ không giống với đảng cầm quyền thì là kẻ phản bội; cũng có người lập luận rằng việc thực hiện nhiệm vụ mà nhà lãnh đạo giao phó, bất kể đúng sai, là đang trung thành với Tổ quốc,… thực chất những cách lập luận này đều trái đạo lý thông thường.


“Lãnh đạo” và “nhà cầm quyền” có thể cai quản đất nước, nhưng họ không thể hoàn toàn đại diện cho dân tộc được. Lịch sử của dân tộc chúng ta và nhiều dân tộc khác trên toàn thế giới, từ xưa tới nay luôn là một triều đại nối tiếp một triều đại, vua này trị vì rồi lại đến vua khác, cũng như Nguyễn Trãi đã từng viết: “Từ Triệu Đinh Lý Trần bao đời gây nền độc lập; Cùng Hán Đường Tống Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.” trong Bình Ngô Đại Cáo. Đây chính là lời tuyên bố hào hùng trong Sử Việt, minh chứng rằng nước Việt ta trải qua ngàn năm truyền thừa cũng không thua kém gì Trung Quốc, mỗi thời mỗi đại đều đối ứng có một Vương triều ra đời.

Sự xuất hiện của các triều đại, minh quân, danh nhân kỳ tài đều là điều tất nhiên ứng với các thời kỳ lịch sử khác nhau, cổ nhân cho rằng đây là Thiên mệnh an bài như vậy. Kể cả theo Triết học biện chứng, người ta cũng nhìn nhận rằng khi lịch sử phát triển đến một giai đoạn thì ắt sẽ có một sự kiện tương ứng phát sinh, dù người này không làm thì cũng sẽ có người khác làm, dù không xuất hiện vĩ nhân này thì cũng sẽ xuất hiện vĩ nhân khác, đây là thời thế tạo nên.

Những vị ấy đời đời nối tiếp nhau mà xây dựng văn hóa và bản sắc cho dân tộc Việt Nam. Mặc dù họ xứng đáng nhận được sự tôn kính của hậu thế, nhưng không người nào trong họ có thể đại diện cho dân tộc được, chính họ cũng chỉ là một phần của dân tộc, là nắm phù sa trong dòng sông lịch sử, trước họ đã có nhiều vĩ nhân, sau họ cũng sẽ còn nhiều vĩ nhân khác nữa. Giả tỷ không có họ thì dân tộc cũng vẫn sẽ sản sinh ra nhân tài khác, sẽ phát triển theo hướng khác, chứ không thể nào chỉ vì mất đi họ mà dân tộc bị tuyệt diệt được.


https://cdn.tinhhoa.net/wp-content/uploads/2022/07/Ly-Thuong-Kiet-chien-tranh-Tong-Viet-01.webp

Nước Đại Việt mỗi đời đều có nhân tài, không thể chỉ vì mất đi một người hoặc một chế độ mà dân tộc bị tuyệt diệt được. (Ảnh qua Trithuc.org)

Nhà cầm quyền cũng vậy, lịch sử Đại Việt 4000 năm đã chỉ rõ cho chúng ta rằng: Khi một triều đại không còn tốt nữa, ví dụ xuất hiện nhiều tham quan ô lại, người cầm quyền chỉ biết vui thú hưởng lạc, đời sống nhân dân cực khổ,… thì nhiều thiên tai và nhân họa sẽ diễn ra khắp nơi, dẫn đến kết cục cuối cùng là Vương triều cũ sụp đổ, liền sau đó sẽ có Vương triều mới ra đời thay thế nó. Các Vương triều hoặc nhà cầm quyền thường bắt người ta phải tung hô “vạn tuế”, “muôn năm”, nhưng thực tế làm gì có người hoặc chính quyền nào cai trị đất nước được “muôn năm”?

Do đó những cách lập luận như là “không có nhà cầm quyền thì không có đất nước”, “không có lãnh đạo thì không có chúng ta”, “phản đối lãnh đạo là phản bội dân tộc”,… đều là những tư duy ngụy biện, khiến người ta hiểu lầm rằng “nhà nước” và “dân tộc” là một, nhưng đây là những khái niệm khác nhau hoàn toàn.

Thật ra linh hồn thật sự của một dân tộc cũng không phải “lãnh thổ” hay “đất nước”, mà chính là văn hóa của dân tộc đó. Người Do Thái suốt 2000 năm không có lãnh thổ, nhưng toàn thế giới vẫn nể phục trí tuệ sâu sắc của họ và biết rằng họ là dân tộc Do Thái, đó là vì họ bảo vệ rất tốt văn hóa truyền thống của dân tộc mình, không để nó mai một đi.

Người Việt chúng ta cũng đã từng sinh sống ở những vùng đất khác nhau, nước Việt có hình dạng như ngày hôm nay bất quá chỉ mới hai ba trăm năm lịch sử. Nhưng chúng ta vẫn biết mình là người Việt vì chúng ta nói tiếng Việt và có văn hóa truyền thống của người Việt, điều này là do các thế hệ đi trước đời đời truyền lại và kế thừa, chứ không phải do riêng một nhà cầm quyền nào tạo ra cả.

“Im lặng mà sống mới là người thông minh!”

Chúng ta thường nghe qua câu ngạn ngữ “Im lặng là vàng”, ngày nay nhiều người Việt cũng thường dùng cách nói này, chẳng hạn như người ta cho rằng: “Im lặng mới là cách sống khôn khéo! Mình chỉ lo việc của mình, ai có ra sao hay xã hội có thế nào thì cũng chẳng can dự gì đến mình, đừng nhiều chuyện làm gì!” Thật ra đây là một hình thức của ngụy biện, đã bóp méo ngữ nghĩa của từ “im lặng”.

Trong câu “Im lặng là vàng”, cái “im lặng” được nhắc tới chính là khuyên người ta đừng gây điều tiếng thị phi, đừng nói những lời làm khó dễ hoặc tổn thương người khác, đừng nói xấu người khác sau lưng hoặc xúi bẩy kích động ai đó đấu đá với nhau. Câu này cũng có ý khuyên rằng trong quan hệ giữa người với người thì nên khoan dung và độ lượng với nhau hơn, nếu có phát sinh mâu thuẫn thì nên nhanh chóng im lặng, mỗi người lùi một bước, đừng đẩy tới cực đoan mà khiến sự việc không thể vãn hồi được. “Im lặng” ở đây là chỉ sự khoan dung, nhẫn nại và tu dưỡng tâm tính của một con người.

Còn cái “im lặng” trong lập luận ngụy biện kia nói thẳng ra chính là xuất phát từ tâm lý gian xảo và ích kỷ. “Im lặng khôn khéo” mà họ nói, là chỉ biết tới bản thân mình chứ không để ý tới ai, không quan tâm đến người xung quanh hay thậm chí là vận mệnh của đất nước. Nhìn thấy người tốt bị làm hại hoặc chịu oan khuất cũng không lên tiếng, nhìn thấy có kẻ xấu cậy quyền thế ức hiếp người khác cũng mặc kệ, nhìn thấy có kẻ bòn rút công quỹ hoặc nhận hối lộ cũng không để tâm, thậm chí cảnh giết người phóng hỏa diễn ra trước mắt cũng làm như không thấy,… trong lòng cũng biết những điều này không tốt, nhưng vì sợ bị liên lụy nên không dám xen vào, thậm chí còn dương dương tự đắc cho rằng đây là “thông minh”.


https://cdn.tinhhoa.net/wp-content/uploads/2022/07/slide-girlquestion.jpg

Ngụy biện có thể bóp méo hàm nghĩa của từ ngữ. (Ảnh qua jobsgo.vn)

Thật ra điều này không phải “thông minh” mà là “gian trá”, thậm chí thiếu chính kiến, lập trường Thiện ác không rõ ràng. Những người nghĩ như vậy, gió chiều nào sẽ ngả theo chiều đó, nếu chính nghĩa chiếm lợi thế thì họ nói theo chính nghĩa, còn nếu tà ác đắc thắng thì sẽ đứng về phía tà ác, vô cùng gian xảo.

Trong tác phẩm “Thần khúc” nổi tiếng của Dante có đề cập đến cuộc nổi loạn trên Thiên Đường của Lucifer chống lại Thiên Chúa, câu chuyện này có ý nghĩa rất sâu sắc. Lúc bấy giờ các Thiên Thần chia ra làm ba nhóm, nhóm thứ nhất trung thành với Chúa, nhóm thứ hai đi theo Lucifer, và nhóm thứ ba chỉ khoanh tay ngồi nhìn không đứng về phía ai. Kết cục của trận chiến, Lucifer và những kẻ theo y làm điều ác bị đuổi xuống địa ngục. Nhưng còn hơn thế nữa, chính là nhóm Thiên Thần thứ ba – “những kẻ sống không hèn nhưng chẳng dám khen chê” – đây là những Thiên Thần mà ngay cả địa ngục cũng không dung chứa, không có bất kỳ nơi nào để đi, hoàn toàn vô vọng.


Theo Dante, họ mới là những Thiên Thần thảm thương nhất! Dù họ không làm điều ác, nhưng so với những Thiên Thần độc ác đi theo Lucifer thì họ còn xấu xa hơn, vì vậy sự trừng phạt dành cho họ chính là “mất đi hy vọng”. Đây cũng là một lời nhắn gửi với con người ngày nay rằng: “Làm điều ác là có tội. Nhưng im lặng trước cái ác, không dám đưa ra lựa chọn Thiện ác, chưa chắc đã vô tội”.

“Tự do ngôn luận có đổi được cơm không?”

Một lập luận khác liên quan đến tranh luận trong các vấn đề thời sự mà người Việt cũng thường sử dụng đó là: “Tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhân quyền, dân chủ,… là cái gì vậy? Nó có đổi được cơm ăn hay không?”

Chẳng hạn khi có người cảm thấy mình không có đủ quyền lợi đáng có của một công dân, hoặc là có oan khuất gì đó, hoặc là muốn đòi công bằng cho người khác, nhưng tiếng nói của họ lại không được công luận lắng nghe mà còn bị chỉ trích, thì họ liền đứng ra đòi các cấp lãnh đạo phải thực hiện quyền tự do ngôn luận, cho phép mọi người đều được trình bày ý kiến và hoàn cảnh cá nhân. Lúc bấy giờ liền có một số người (kể cả lãnh đạo) phản bác rằng: “Tự do ngôn luận có quan trọng bằng cơm ăn hay không? Ông thử đi hỏi một người lao động, hỏi bác nông dân xem, bác ấy cần ăn cơm hay cần tự do ngôn luận?”

Lối so sánh khập khiễng và cưỡng từ đoạt lý này đôi lúc cũng khiến người ta khó mà đáp lại được. Kỳ thực lập luận này đang đánh lừa người nghe: Đem một thứ hữu hình rất cụ thể mà ai cũng biết và ai cũng cần là “cơm gạo”, để so sánh với “tự do ngôn luận” vốn là một khái niệm có vẻ trừu tượng và mơ hồ.


Thực tế thì có nhiều người dân bình thường hoặc những người lao động phổ thông, họ phải vất vả mưu sinh quanh năm mà vẫn chưa đủ ăn đủ mặc, nên hầu như không có thời gian để tiếp cận thời sự và các tri thức. Vì vậy họ không thật sự hiểu “tự do ngôn luận” là gì, hoặc hiểu sai ý nghĩa của nó, cho rằng đây là “chống phá chế độ” hay “đặt yêu sách với Nhà nước”. Trong khi đó “cơm gạo” là thứ rất thiết thực đối với cuộc sống hằng ngày, nên câu nói này dễ khiến người ta lầm tưởng rằng “cơm gạo” thì quan trọng, còn “tự do ngôn luận” thì không. Đây là do người nói làm lẫn lộn tư duy của người nghe.


https://cdn.tinhhoa.net/wp-content/uploads/2022/07/cafef.webp

Người nói có thể làm tư duy của người nghe bị lẫn lộn. (Ảnh qua Cafef)

Bây giờ nếu chúng ta đổi cách nói, thay vì dùng khái niệm “tự do ngôn luận” một cách mơ hồ, hãy thử hỏi người lao động, hỏi bác nông dân rằng: “Bác có từng phải chịu thiệt thòi vô cớ, như là bị phạt khi đi đường mà không biết mình đã vi phạm luật gì, hoặc phải đóng những thứ thuế mà chính bác cũng không biết nó từ đâu đến? Hay bác có muốn đóng góp ý kiến cho Nhà nước để Nhà nước giúp đỡ đời sống của bác và bà con nông dân được tốt hơn? Hiện nay đường xá Việt Nam có nhiều ổ gà ổ voi, mưa xuống thì ngập, môi trường ô nhiễm, trộm cướp hoành hành,… và còn rất nhiều tệ nạn bất công khác nữa, nếu có cơ hội bác có muốn mang những bức xúc trong lòng mình trình bày với các cấp lãnh đạo không? Hay là bác chấp nhận chịu tất cả thiệt thòi, chỉ cần có cơm ăn là đủ rồi?”

Với một cách nói cụ thể và rõ ràng, thì không khó để bác nông dân hoặc người lao động hiểu ra vấn đề, khi đó họ có thể sẽ nói: “Con người chúng ta hơn con vật ở chỗ chúng ta biết nói, biết diễn đạt cảm xúc của mình, tôi đương nhiên là muốn nói rồi. Nhưng tôi sợ nên không dám nói, nếu được quyền nói thì tôi tất nhiên phải mang ấm ức trong lòng nói ra hết chứ!” – Tức là lúc này tư duy của người ta không bị mơ hồ nữa, họ đã hiểu tự do ngôn luận cần thiết thế nào cho cuộc sống và họ hầu như sẽ đưa ra lựa chọn sáng suốt. Vấn đề không phải do người nghe ngu muội mà do người nói đã cố ý ngụy biện.

Những lập luận trên đa phần xuất phát từ tâm lý cực đoan cố chấp, chủ yếu là do ảnh hưởng của nền giáo dục theo lối tuyệt đối hóa. Người Việt chúng ta từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã quen với việc phải tiếp thu kiến thức một cách cứng nhắc bị động, chẳng hạn trong Văn học thì không được nêu cảm nghĩ của mình mà phải nêu những gì sách giáo khoa áp đặt, trong Lịch Sử thì bị buộc phải tôn vinh ai đó là thiên tài vĩ đại, thậm chí kể cả trong các môn Khoa học Tự nhiên cũng phải làm bài tập theo cách mà sách giáo khoa hướng dẫn, làm khác đi thì dù đúng cũng không có điểm,…

Điều này lâu dần khiến chúng ta hình thành những cách nghĩ cực đoan ngoan cố, chỉ cho rằng những gì mình được học trong sách giáo khoa mới là đúng, không hề nghi ngờ hoặc có suy nghĩ khác đi. Khi ai đó nói khác với điều chúng ta được học, thì thay vì dùng lý trí để đánh giá xem lời của họ hợp lý hay bất hợp lý, thì chúng ta lại bài xích nó theo bản năng, rồi viện đến những lập luận ngụy biện trên để khiến người khác không thể tiếp tục nói.

Do đó, chúng ta trước tiên cần thay đổi cách nghĩ của mình, mở rộng lòng ra, không ngừng tiếp thu những tri thức mới và ý kiến mới của người khác, thì mới có thể dần thoát khỏi cái khung chật hẹp đang kìm hãm tư tưởng của chúng ta.

(còn nữa)

Thế Di