PDA

View Full Version : Philippines chính thức có tân Tổng thống



duyanh
07-02-2022, 11:43 AM
Philippines chính thức có tân Tổng thống



https://img.ntdvn.net/2022/07/ntdvn_1-5.jpeg (https://img.ntdvn.net/2022/07/ntdvn_1-5.jpeg)

Ông Ferdinand Marcos có bài phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống tiếp theo, tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia vào ngày 30/6/2022 ở Manila, Philippines. (Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images)

Ông Ferdinand Marcos tuyên thệ nhậm chức tổng thống Philippines hôm thứ Năm 30/6, với lời hứa hẹn sẽ phấn đấu vì sự đoàn kết và một tương lai tốt đẹp hơn trong khi ông cũng ca ngợi di sản của người cha quá cố của mình.

Vị tân tổng thống là con trai của người cha có cùng tên, từng là nhà cai trị Philippines song đã bị lật đổ trong một cuộc nổi dậy cách đây 36 năm.

Ông Marcos (con), 64 tuổi, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng trước với số phiếu áp đảo, đánh dấu sự thành công trong nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của gia tộc giàu có nhằm giành lại chức tổng thống và thay đổi hình ảnh của gia tộc này sau khi họ bị đánh đổ vào năm 1986.

Ông Marcos (con) vận động tranh cử với khẩu hiệu "cùng nhau, chúng ta sẽ vươn lên một lần nữa", khơi gợi nỗi nhớ về giai đoạn cai trị của người cha. Gia tộc và những người ủng hộ ông đã miêu tả giai đoạn đó là thời kỳ vàng son của Philippines.

https://img.ntdvn.net/2022/07/ntdvn_2.jpeg (https://img.ntdvn.net/2022/07/ntdvn_2.jpeg)

Ông Ferdinand Marcos cùng với vợ Louise "Liza" Araneta-Marcos và con trai Ferdinand Alexander "Sandro" Marcos, tuyên thệ trở thành Tổng thống Philippines tiếp theo, tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Văn nghệ ngày 30/6/2022 tại Manila, Philippines. (Ảnh: Ezra Acayan/Getty Images)

Trong một bài phát biểu sôi nổi kéo dài 30 phút, ông Marcos (con) cảm ơn cử tri đã trao cho ông "nhiệm vụ dân cử lớn nhất trong lịch sử nền dân chủ Philippines", đồng thời cho rằng đất nước sẽ tiến xa trong thời ông nắm quyền.

Tân tổng thống cũng bảo vệ di sản của người cha. Ông Ferdinand Marcos (cha) đã cai trị trong hai thập kỷ từ năm 1965, gần như một nửa thời gian đó là chế độ thiết quân luật, giúp ông mở rộng quyền lực cho đến khi bị lật đổ trong một cuộc cách mạng bằng "sức mạnh nhân dân" và gia đình ông phải sống lưu vong.

Hàng ngàn đối thủ của ông Marco (cha) đã bị bỏ tù, bị giết hoặc mất tích trong thời gian ông cai trị, và gia tộc của ông cũng đồng nghĩa với chủ nghĩa thân hữu, sự xa hoa và hàng tỷ USD của tài sản nhà nước biến mất. Gia tộc Marcos phủ nhận chuyện biển thủ.

“Tôi ở đây không phải để nói về quá khứ. Tôi đến đây để nói với quý vị về tương lai của chúng ta”, ông Marcos Jr nói trước hàng nghìn người ủng hộ cổ vũ, vẫy cờ và mặc màu đỏ, màu gắn liền với cha ông.

"Tôi từng biết một người đàn ông đã chứng kiến đất nước đạt được rất ít thành tựu kể từ khi độc lập. Và ông ấy đã làm được nhiều hơn thế. Điều đó cũng sẽ diễn ra với con trai ông. Mọi người sẽ không phải nghe lời bào chữa nào từ tôi", Tổng thống Marcos phát biểu trong lễ tuyên thệ, đề cập người cha quá cố Ferdinand Marcos, từng giữ chức tổng thống Philippines giai đoạn 1965-1986.

https://img.ntdvn.net/2022/07/ntdvn_1-7.jpeg (https://img.ntdvn.net/2022/07/ntdvn_1-7.jpeg)

Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos (thứ tư bên phải), đứng cùng gia đình trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Tòa nhà Lập pháp Cũ ở Manila, Philippines, vào thứ Năm, ngày 30/6/2022 (Ảnh: Veejay Villafranca/Bloomberg/Getty Images

Ông Marcos (con) làm lễ tuyên thệ tại Bảo tàng Quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt, nơi từng là tòa nhà lập pháp, thường xuyên chứng kiến các cuộc biểu tình chống lại nhiệm kỳ tổng thống của người cha.

Gần đó, hàng trăm người phản đối ông Marcos, họ tức giận về một chiến dịch tranh cử mà những người chỉ trích ông cho rằng đã dựa nhiều vào mạng xã hội để giành được phiếu bầu bằng cách đổi trắng thay đen về những vụ xâm hại và sự suy đồi thời ông Marcos (cha).
Mang theo các biểu ngữ viết "Tống cổ Marcos", họ tập trung tại Plaza Miranda, nơi một số đối thủ của cha ông đã bị giết và bị thương trong một vụ đánh bom bị quy là do những người cộng sản gây ra.

Tại một tượng đài các anh hùng, các nạn nhân của cuộc đàn áp dưới chế độ thiết quân luật đã tập trung lại để thề sẽ chống lại điều mà họ gọi chế độ chuyên chế và sự dối trá.

Ông Marcos nhậm chức trong bối cảnh lạm phát tăng cao bóp nghẹt nền kinh tế Philippines, vốn đã bị tàn phá do đại dịch Covid-19. Tân Tổng thống tuyên bố sẽ kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và ưu tiên tăng cường sản xuất lương thực.

Để thực hiện mục tiêu trên, ông đã kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Nông nghiệp nhằm thúc đẩy cải cách trong lĩnh vực đang gặp nhiều vấn đề này. Ông cũng tuyên bố sẽ bảo vệ quyền của Philippines ở Biển Đông, nhưng cung cấp rất ít thông tin về chương trình nghị sự của mình. Ông cũng hạn chế phỏng vấn, tranh luận trên truyền thông.


Lam Giang
Theo The Epoch Times