duyanh
05-30-2022, 12:57 PM
Dân xã Châu Hồng (Nghệ An): Giếng khô, đất sụt từ 2019 nhưng ‘các đoàn kiểm tra đến rồi đi’
Với 232 hộ dân ghi nhận sụt lún, nứt nẻ, 299 giếng nước khô cạn, không chỉ nhà dân mà đã lan rộng đến trường học, bưu điện, trụ sở HĐND, UBND xã… toàn người dân xã Châu Hồng (tỉnh Nghệ An) đang như “sống trên đất mỏng” khi nền đất có thể sụt bất cứ lúc nào. Người dân bức xúc khi nguy cơ đã biểu hiện từ năm 2019, nhưng “xã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo lên tỉnh, nhưng tình trạng giải quyết chậm, nguyên nhân do đâu?”
https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2022/05/sut-lun-nghe-an.jpg
Một hố sụt lún xảy ra vào sáng 27/5/2022 tại nhà chị Lê Thị Nga (xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). (Ảnh: nghean.gov.vn)
Nhà nứt, giếng cạn, các hố sụt lún bị lén san lấp
Ngày 29/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đi kiểm tra thực tế và đối thoại với người dân xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) về tình trạng đất sụt lún, giếng cạn bất thường, xác định nguyên nhân và đưa ra phương hướng xử lý.
Đây là lần đầu người dân xã Châu Hồng được bày tỏ ý kiến trực tiếp với chính quyền tỉnh trước tình trạng nhà cửa, đất đai sụt lún kéo dài nhiều năm.
Theo tường thuật của các kênh thông tin của tỉnh, tại buổi đối thoại, người dân đặt câu hỏi vì sao tình trạng giếng nước khô cạn, sụt lún đã xảy ra từ năm 2019 đến nay, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, “các đoàn kiểm tra đến rồi đi”, đến nay trái lại tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng hơn? Vì sao người dân đã phản ánh nhiều năm nhưng các công ty khai thác quặng vẫn tiếp tục bơm hút nước ngầm khiến cho tình trạng sụt lún ngày càng diễn ra nặng nề hơn. Nhiều hộ gia đình không còn dám ở trong nhà, phải di dời tài sản, người già, trẻ nhỏ đi nơi khác.
Ông Vi Văn Hạnh (trú tại bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) đặt câu hỏi: Hơn 1.000 ngày người dân bản Na Hiêng không có nước sinh hoạt cùng với đó là tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà dân, các công trình trường học, trụ sở… thì ai là người chịu trách nhiệm? Vừa rồi không phải ngẫu nhiên Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang đến hỗ trợ, một là xây nhà, hai là cho 200 triệu đồng, không biết là vì động cơ, mục đích gì?
Theo một số người dân, khi xuất hiện hiện tượng sụt lún, nứt nẻ, khô giếng xã đã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo lên tỉnh nhưng tình trạng giải quyết chậm, nguyên nhân do đâu? Tới nay, tình trạng sụt lún mỗi ngày càng nghiêm trọng, chính quyền xã chỉ đạo khoanh lại không cho người dân đến gần sợ nguy hiểm. Tuy nhiên, trong khi chờ cơ quan chức năng đến kiểm tra nguyên nhân thì đã có hiện tượng san lấp các hố. Vậy ai là người chỉ đạo vấn đề này? – người dân bức xúc nêu lên.
https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2022/05/khai-thac-khoang-san-nghe-an.jpg
Khu vực khai thác khoáng sản của Công ty CP Tân Hoàng Khang trên tại xã Châu Hồng. (Ảnh: nghean.gov.vn)
Bên cạnh đó, hàng ngày các công ty khai thác khoáng sản hoạt động gây tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, làm hư hỏng các tuyến đường giao thông. Nhiều xe chở quá khổ quá tải vẫn diễn ra bình thường.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai (trú tại bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) chất vấn các cấp chính quyền đã xử lý vấn đề này như thế nào, Liên đoàn địa chất Bắc Trung bộ đang thực hiện kiểm tra nguyên nhân đến khi nào thì có kết quả. Chính quyền đã có hướng giải quyết trước mắt và lâu dài trước tình trạng này hay chưa?
Chủ tịch tỉnh: Vì các cấp, các ngành “chưa nhịp nhàng, chặt chẽ”…
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nói chia sẻ với những khó khăn, những bức xúc của bà con về tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa, khô giếng nước thời gian qua. Ông Trung thừa nhận trong quá trình phối hợp tham mưu, chỉ đạo của các cấp, các ngành “chưa nhịp nhàng, chặt chẽ” nên có sự chậm trễ trong việc giải quyết, UBND tỉnh sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan.
Trước phản ánh của người dân về việc các hố sụt lún bị san lấp khi cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân, ông Trung nói tỉnh sẽ chỉ đạo Công an tỉnh điều tra để biết ai là người thực hiện việc này, nếu vì động cơ che giấu sẽ xử lý nghiêm.
Ông Trung hứa sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà ở, các công trình, khô cạn giếng nước sớm nhất có thể. “Khi làm rõ nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún, nứt nẻ, khô cạn giếng nếu có trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản, cụ thể là Công ty CP Tân Hoàng Khang thì tỉnh sẽ yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường cho người dân”, ông Trung nói.
Trước yêu cầu của người dân cần đưa ra phương án di dời, ông Trung cho hay sau cuộc đối thoại này, tỉnh sẽ làm việc với huyện và các ngành để có giải pháp trước mắt và lâu dài, còn ngay lúc này chưa thể đủ căn cứ, cơ sở để trả lời cho bà con song cố gắng trong thời gian sớm nhất sẽ có câu trả lời thỏa đáng; mong bà con xã Châu Hồng chia sẻ với chính quyền, vì có những vấn đề vượt quá khả năng, như nếu phải di dời toàn bộ 230 hộ dân thì phải lựa chọn vị trí và phải có nguồn lực mới thực hiện.
Tạm dừng tất cả các hoạt động bơm hút, khai thác nước ngầm của các DN khai khoáng
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm việc với giới chức huyện Quỳ Hợp để bàn biện pháp giải quyết tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô tại xã Châu Hồng.
Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Tùng cho biết xã Châu Hồng là một thung lũng, xung quanh là những dãy núi, dưới dãy núi là hệ thống hang cat tơ và suối ngầm. Hệ thống hang cat tơ chứa đầy nước, hệ thống suối ngầm chảy trong lòng đất, dưới chân núi kéo dài khoảng 25km từ xã Châu Hồng ra thị trấn Quỳ Hợp.
Tại huyện này, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã cấp phép khai thác 6 mỏ đá trắng và 2 mỏ quặng thiếc cách đây hàng chục năm. Trong đó, chỉ Công ty CP Tân Hoàng Khang khai thác khoáng sản hầm lò, bơm hút nước ngầm dưới lòng đất, sâu hàng trăm mét để công nhân tiếp xúc với vỉa quặng khai thác.
https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2022/05/kiem-tra-khoang-san-nghe-an.jpg
Giới chức tỉnh kiểm tra hiện trường khai thác quặng thiếc của Công ty CP Tân Hoàng Khang. (Ảnh: nghean.gov.vn)
Từ cuối năm 2020 đến 2021, tại xã Châu Hồng, đất đai, nhà cửa của người dân xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt nẻ. Từ đầu năm 2022 đến nay, hiện tượng này lan rộng đến nhà ở của nhiều hộ dân, cơ quan, trường học trong xã và hiện vẫn tiếp tục tái diễn. Đến nay, đã có 232 hộ dân ở xã Châu Hồng xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở; 299 giếng nước của người dân, trạm y tế, trường học bị khô cạn.
Đối với đất nông nghiệp, các điểm sụt lún có diện tích khoảng 25-30m2, chiều sâu 1,5-2,5m. Tại nhà dân, các vết nứt đất kéo dài, xuyên qua sân, vườn, nhà ở của nhiều hộ. Tình trạng nứt nhà đã xuất hiện tại Trường THCS Hồng Tiến, điểm Bưu điện văn hoá xã và trụ sở HĐND, UBND xã Châu Hồng.
Về việc mực nước hạ xuống bất thường, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng “đây là bơm nước để khai thác quặng chứ không phải khai thác nước ngầm”. Do vậy, ông Trung yêu cầu huyện Quỳ Hợp tạm dừng tất cả các hoạt động bơm hút nước ngầm, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở xã Châu Hồng. Riêng Công ty CP Tân Hoàng Khang phải tạm dừng mọi hoạt động khai khoáng. Sau khi có kết luận chính thức về nguyên nhân sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở, công trình, giếng khô cạn, tỉnh sẽ có quyết định tiếp theo.
Ông Trung giao Sở TN&MT chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại xã Châu Hồng, đặc biệt là những doanh nghiệp có bơm hút nước ngầm, trước hết là Công ty CP Tân Hoàng Khang. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo đúng quy định. Thời hạn hoàn thành kết quả kiểm tra và có báo cáo cho UBND tỉnh là trước ngày 31/7/2022.
Sở Xây dựng được yêu cầu chủ trì, xác định nguy cơ, mức độ thiệt hại của các hộ dân để tính toán phương án hỗ trợ; ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với huyện Quỳ Hợp để triển khai dự án cấp nước sạch cho người dân trong xã; Công an tỉnh được giao kiểm soát tỉnh hình, không để xảy ra việc kích động tâm lý của người dân.
Trước mắt, tỉnh chấp thuận chủ trương hỗ trợ kinh phí 6 hộ dân đã phải di dời, nhưng cũng phải đảm bảo đúng quy định của Nhà nước…
Vĩnh Long
Với 232 hộ dân ghi nhận sụt lún, nứt nẻ, 299 giếng nước khô cạn, không chỉ nhà dân mà đã lan rộng đến trường học, bưu điện, trụ sở HĐND, UBND xã… toàn người dân xã Châu Hồng (tỉnh Nghệ An) đang như “sống trên đất mỏng” khi nền đất có thể sụt bất cứ lúc nào. Người dân bức xúc khi nguy cơ đã biểu hiện từ năm 2019, nhưng “xã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo lên tỉnh, nhưng tình trạng giải quyết chậm, nguyên nhân do đâu?”
https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2022/05/sut-lun-nghe-an.jpg
Một hố sụt lún xảy ra vào sáng 27/5/2022 tại nhà chị Lê Thị Nga (xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An). (Ảnh: nghean.gov.vn)
Nhà nứt, giếng cạn, các hố sụt lún bị lén san lấp
Ngày 29/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đi kiểm tra thực tế và đối thoại với người dân xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) về tình trạng đất sụt lún, giếng cạn bất thường, xác định nguyên nhân và đưa ra phương hướng xử lý.
Đây là lần đầu người dân xã Châu Hồng được bày tỏ ý kiến trực tiếp với chính quyền tỉnh trước tình trạng nhà cửa, đất đai sụt lún kéo dài nhiều năm.
Theo tường thuật của các kênh thông tin của tỉnh, tại buổi đối thoại, người dân đặt câu hỏi vì sao tình trạng giếng nước khô cạn, sụt lún đã xảy ra từ năm 2019 đến nay, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, “các đoàn kiểm tra đến rồi đi”, đến nay trái lại tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng hơn? Vì sao người dân đã phản ánh nhiều năm nhưng các công ty khai thác quặng vẫn tiếp tục bơm hút nước ngầm khiến cho tình trạng sụt lún ngày càng diễn ra nặng nề hơn. Nhiều hộ gia đình không còn dám ở trong nhà, phải di dời tài sản, người già, trẻ nhỏ đi nơi khác.
Ông Vi Văn Hạnh (trú tại bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) đặt câu hỏi: Hơn 1.000 ngày người dân bản Na Hiêng không có nước sinh hoạt cùng với đó là tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà dân, các công trình trường học, trụ sở… thì ai là người chịu trách nhiệm? Vừa rồi không phải ngẫu nhiên Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang đến hỗ trợ, một là xây nhà, hai là cho 200 triệu đồng, không biết là vì động cơ, mục đích gì?
Theo một số người dân, khi xuất hiện hiện tượng sụt lún, nứt nẻ, khô giếng xã đã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo lên tỉnh nhưng tình trạng giải quyết chậm, nguyên nhân do đâu? Tới nay, tình trạng sụt lún mỗi ngày càng nghiêm trọng, chính quyền xã chỉ đạo khoanh lại không cho người dân đến gần sợ nguy hiểm. Tuy nhiên, trong khi chờ cơ quan chức năng đến kiểm tra nguyên nhân thì đã có hiện tượng san lấp các hố. Vậy ai là người chỉ đạo vấn đề này? – người dân bức xúc nêu lên.
https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2022/05/khai-thac-khoang-san-nghe-an.jpg
Khu vực khai thác khoáng sản của Công ty CP Tân Hoàng Khang trên tại xã Châu Hồng. (Ảnh: nghean.gov.vn)
Bên cạnh đó, hàng ngày các công ty khai thác khoáng sản hoạt động gây tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí, làm hư hỏng các tuyến đường giao thông. Nhiều xe chở quá khổ quá tải vẫn diễn ra bình thường.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai (trú tại bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) chất vấn các cấp chính quyền đã xử lý vấn đề này như thế nào, Liên đoàn địa chất Bắc Trung bộ đang thực hiện kiểm tra nguyên nhân đến khi nào thì có kết quả. Chính quyền đã có hướng giải quyết trước mắt và lâu dài trước tình trạng này hay chưa?
Chủ tịch tỉnh: Vì các cấp, các ngành “chưa nhịp nhàng, chặt chẽ”…
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nói chia sẻ với những khó khăn, những bức xúc của bà con về tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa, khô giếng nước thời gian qua. Ông Trung thừa nhận trong quá trình phối hợp tham mưu, chỉ đạo của các cấp, các ngành “chưa nhịp nhàng, chặt chẽ” nên có sự chậm trễ trong việc giải quyết, UBND tỉnh sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan.
Trước phản ánh của người dân về việc các hố sụt lún bị san lấp khi cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân, ông Trung nói tỉnh sẽ chỉ đạo Công an tỉnh điều tra để biết ai là người thực hiện việc này, nếu vì động cơ che giấu sẽ xử lý nghiêm.
Ông Trung hứa sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà ở, các công trình, khô cạn giếng nước sớm nhất có thể. “Khi làm rõ nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún, nứt nẻ, khô cạn giếng nếu có trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản, cụ thể là Công ty CP Tân Hoàng Khang thì tỉnh sẽ yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường cho người dân”, ông Trung nói.
Trước yêu cầu của người dân cần đưa ra phương án di dời, ông Trung cho hay sau cuộc đối thoại này, tỉnh sẽ làm việc với huyện và các ngành để có giải pháp trước mắt và lâu dài, còn ngay lúc này chưa thể đủ căn cứ, cơ sở để trả lời cho bà con song cố gắng trong thời gian sớm nhất sẽ có câu trả lời thỏa đáng; mong bà con xã Châu Hồng chia sẻ với chính quyền, vì có những vấn đề vượt quá khả năng, như nếu phải di dời toàn bộ 230 hộ dân thì phải lựa chọn vị trí và phải có nguồn lực mới thực hiện.
Tạm dừng tất cả các hoạt động bơm hút, khai thác nước ngầm của các DN khai khoáng
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm việc với giới chức huyện Quỳ Hợp để bàn biện pháp giải quyết tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, công trình, nhà ở, giếng nước khô tại xã Châu Hồng.
Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp Nguyễn Đình Tùng cho biết xã Châu Hồng là một thung lũng, xung quanh là những dãy núi, dưới dãy núi là hệ thống hang cat tơ và suối ngầm. Hệ thống hang cat tơ chứa đầy nước, hệ thống suối ngầm chảy trong lòng đất, dưới chân núi kéo dài khoảng 25km từ xã Châu Hồng ra thị trấn Quỳ Hợp.
Tại huyện này, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã cấp phép khai thác 6 mỏ đá trắng và 2 mỏ quặng thiếc cách đây hàng chục năm. Trong đó, chỉ Công ty CP Tân Hoàng Khang khai thác khoáng sản hầm lò, bơm hút nước ngầm dưới lòng đất, sâu hàng trăm mét để công nhân tiếp xúc với vỉa quặng khai thác.
https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2022/05/kiem-tra-khoang-san-nghe-an.jpg
Giới chức tỉnh kiểm tra hiện trường khai thác quặng thiếc của Công ty CP Tân Hoàng Khang. (Ảnh: nghean.gov.vn)
Từ cuối năm 2020 đến 2021, tại xã Châu Hồng, đất đai, nhà cửa của người dân xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt nẻ. Từ đầu năm 2022 đến nay, hiện tượng này lan rộng đến nhà ở của nhiều hộ dân, cơ quan, trường học trong xã và hiện vẫn tiếp tục tái diễn. Đến nay, đã có 232 hộ dân ở xã Châu Hồng xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở; 299 giếng nước của người dân, trạm y tế, trường học bị khô cạn.
Đối với đất nông nghiệp, các điểm sụt lún có diện tích khoảng 25-30m2, chiều sâu 1,5-2,5m. Tại nhà dân, các vết nứt đất kéo dài, xuyên qua sân, vườn, nhà ở của nhiều hộ. Tình trạng nứt nhà đã xuất hiện tại Trường THCS Hồng Tiến, điểm Bưu điện văn hoá xã và trụ sở HĐND, UBND xã Châu Hồng.
Về việc mực nước hạ xuống bất thường, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng “đây là bơm nước để khai thác quặng chứ không phải khai thác nước ngầm”. Do vậy, ông Trung yêu cầu huyện Quỳ Hợp tạm dừng tất cả các hoạt động bơm hút nước ngầm, khai thác nước ngầm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở xã Châu Hồng. Riêng Công ty CP Tân Hoàng Khang phải tạm dừng mọi hoạt động khai khoáng. Sau khi có kết luận chính thức về nguyên nhân sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở, công trình, giếng khô cạn, tỉnh sẽ có quyết định tiếp theo.
Ông Trung giao Sở TN&MT chủ trì thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại xã Châu Hồng, đặc biệt là những doanh nghiệp có bơm hút nước ngầm, trước hết là Công ty CP Tân Hoàng Khang. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo đúng quy định. Thời hạn hoàn thành kết quả kiểm tra và có báo cáo cho UBND tỉnh là trước ngày 31/7/2022.
Sở Xây dựng được yêu cầu chủ trì, xác định nguy cơ, mức độ thiệt hại của các hộ dân để tính toán phương án hỗ trợ; ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với huyện Quỳ Hợp để triển khai dự án cấp nước sạch cho người dân trong xã; Công an tỉnh được giao kiểm soát tỉnh hình, không để xảy ra việc kích động tâm lý của người dân.
Trước mắt, tỉnh chấp thuận chủ trương hỗ trợ kinh phí 6 hộ dân đã phải di dời, nhưng cũng phải đảm bảo đúng quy định của Nhà nước…
Vĩnh Long