PDA

View Full Version : WSJ: Ông Tập thúc đẩy quan chức cắt tài sản nước ngoài để tránh bài học như Nga



giahamdzui
05-20-2022, 12:51 AM
WSJ: Ông Tập thúc đẩy quan chức cắt tài sản nước ngoài để tránh bài học như Nga





Tờ Wall Street Journal (WSJ) đưa tin hôm 19/5, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thúc đẩy ngăn chặn cho phép thăng chức đối với những quan chức cấp cao có tài sản lớn ở nước ngoài thông qua vợ/chồng hoặc con cái của họ, mục đích tránh tình trạng bị chế tài tương tự như Nga hiện nay.


https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2022/03/61682fa5c6d0df573687827f.jpeg

Tập Cận Bình (Ảnh: gov.cn)

Biện pháp trên được cho là sẽ khiến ông Tập có ảnh hưởng lớn hơn đối với giới tinh hoa trong đảng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20.

Nguồn quen tin nói với WSJ rằng vào tháng Ba, Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ đã tuyên bố lệnh cấm trong một thông báo nội bộ, theo đó cấm vợ hoặc chồng và con của các quan chức cấp Bộ được trực tiếp hoặc gián tiếp nắm giữ cổ phần trong bất kỳ nguồn tài sản hoặc tổ chức nào ở nước ngoài. Các quan chức cấp cao và thành viên gia đình trực hệ cũng bị cấm mở tài khoản tại các tổ chức tài chính ở nước ngoài trừ khi có lý do chính đáng cho công việc hoặc học tập.

Các quan chức Trung Quốc cũng phải ký cam kết tuân thủ quy tắc mới này, theo đó họ phải bán cổ phần trong các công ty ở nước ngoài.

Kể từ sau cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, trong bối cảnh các cường quốc phương Tây liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga khiến ông Tập Cận Bình muốn cố gắng giảm thiểu những rủi ro địa chính trị mà ĐCSTQ phải đối mặt. Ông lo ngại rằng các quan chức có khả năng tài chính ở nước ngoài có thể trở thành vấn đề nếu Mỹ và các nước phương Tây khác áp đặt trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và người thân của họ

“Các cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là các cán bộ cấp cao, phải chú ý đến kỷ luật gia đình và giữ đạo đức”, vào tháng Giêng ông Tập nói với cơ quan kỷ luật hàng đầu của ĐCSTQ, ông nhấn mạnh rằng các quan chức phải “làm gương, quản lý tốt vợ chồng và con cái của họ và là những người có trách nhiệm, liêm khiết”.

Giới quan sát phổ biến cho rằng ông Tập sẽ đảm bảo tại nhiệm trong nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ 3 kéo dài 5 năm tại đại hội 20 ĐCSTQ, đồng thời lôi kéo các thân tín vào ban bệ lãnh đạo của ông để củng cố vị thế là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Cam kết tuân thủ sẽ cho phép ông Tập có được thêm tầm ảnh hưởng đối với các quan chức vi phạm, vì những người vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về các tội nghiêm trọng như không trung thành và không trung thực với Đảng.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã giương cao chiến dịch chống tham nhũng. Năm 2014, ĐCSTQ đã điều tra và trừng phạt khoảng 3200 quan chức che giấu tài sản khổng lồ bằng cách đưa vợ và con ra nước ngoài, khoảng 1/3 trong số họ bị giáng cấp với lý do người thân gia đình họ không chịu trở về. Ngoài ra, ông Tập cũng thông qua các hoạt động truy lùng các tài sản ở nước ngoài liên quan đến những kẻ đào tẩu kinh tế.

Người thân của các quan chức ĐCSTQ thường được biết là sử dụng các công ty nước ngoài để nắm giữ tài sản. Năm 2016, Tổ chức Phóng viên điều tra quốc tế đã công bố “Hồ sơ Panama”, tiết lộ tài sản ở nước ngoài chưa từng được biết đến của các chính trị gia và giới tinh hoa từ nhiều nước khác nhau. Trong “Hồ sơ Panama” này có người thân của 9 quan chức hàng đầu ĐCSTQ gồm người là ủy viên cũng như cựu ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, bao gồm anh rể của ông Tập Cận Bình là Đặng Gia Quý, con dâu của ông Lưu Vân Sơn là Cổ Lệ Thanh, con rể của ông Trương Cao Lệ là Lý Hiền Bát, cháu rể của ông Mao Trạch Đông là Trần Đông Thăng, con trai thứ ba của ông Hồ Diệu Bang là Hồ Đức Hoa, con gái của ông Lý Bằng là Lý Tiểu Lâm, con trai của ông Điền Kỷ Vân là Điền Thừa Cương, cháu gái của ông Giả Khánh Lâm là Lý Tố Đan, và em trai của ông Tăng Khánh Hồng là Tăng Khánh Hoài.

Về vấn đề này, tiến sĩ xã hội học gốc Hoa Trình Hiểu Nông (Cheng Xiaonong) tại Princeton (Mỹ), nói với VOA rằng các quan chức cấp cao Trung Quốc vào Đảng với mục đích “thăng chức, kiếm tiền”, “Hồ sơ Panama” đã làm lung lay tính hợp pháp của chế độ ĐCSTQ khiến nhà cầm quyền không thể tự bào chữa biện bạch.

Nhiều năm qua, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức ĐCSTQ vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uyghurs) và người Hồng Kông, đóng băng tài sản của họ ở Mỹ, bao gồm cả Trần Toàn Quốc – ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ từng là Bí thư Tân Cương.

Vào tháng Tư vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ “rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine”, cho biết nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan bằng vũ lực thì phương Tây sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc.

Tiêu Nhiên, Vision Times