PDA

View Full Version : Công du Seoul và Tokyo, Joe Biden gởi tín hiệu cứng rắn đến Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ?



giahamdzui
05-20-2022, 12:07 AM
Công du Seoul và Tokyo, Joe Biden gởi tín hiệu cứng rắn đến Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ?




https://s.rfi.fr/media/display/e7163f72-d74e-11ec-b69a-005056bfb2b6/w:1280/p:16x9/AP22139051256512.webp (https://s.rfi.fr/media/display/e7163f72-d74e-11ec-b69a-005056bfb2b6/w:1280/p:16x9/AP22139051256512.webp)

Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du Đông Á, thăm hai nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc từ ngày 20-24/05/2022. AP - Susan Walsh

Từ ngày 20 đến ngày 24/05/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden lần lượt công du Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh chính của Mỹ ở Đông Bắc Á. Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà nghiên cứu Barthélémy Courmont, giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), chuyên gia về Đông Bắc Á, chính sách đối ngoại của Mỹ, giải mã những mục tiêu, thách thức, trong tham vọng củng cố trục Tokyo-Seoul-Washington và Bộ Tứ - QUAD trong chuyến đi này của Joe Biden.

RFI Tiếng Việt : Trong bốn ngày tổng thống Joe Biden sẽ lần lượt đến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi ông lên cầm quyền. Mục đích của chuyến thăm này là gì ? Một tín hiệu mạnh để nói rằng bất chấp cuộc chiến ở Ukraina, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn luôn là mối bận tâm chính của Mỹ ?

Barthélémy Courmont : Trước hết đây đúng là một chuyến công du quan trọng, chuyến đi đầu tiên của ông Joe Biden đến vùng Đông Á. Theo truyền thống, các đời tổng thống Mỹ thường dành điểm đến đầu tiên cho Nhật Bản và Hàn Quốc, chỉ vì một lý do hết sức đơn giản : Đây là những nước đồng minh chiến lược chính yếu của Mỹ trong khu vực, và đây cũng là nơi đóng quân của vài chục ngàn binh sĩ Mỹ, nên tất cả các đời tổng thống Hoa Kỳ đều có thói quen thực hiện chuyến công du châu Á đầu tiên tại hai nước đó.

Tuy nhiên, lần này có một chút khác biệt. Thông thường, chuyến công du này thường đi kèm với một chuyến thăm đến Bắc Kinh, sau khi dừng chân ở Seoul và Tokyo, nhưng năm nay lại không có như thế. Đương nhiên là do dịch bệnh tại Trung Quốc hiện nay. Nhưng chúng ta cũng có thể thấy ở đó còn có một thông điệp từ Biden, vốn dĩ đã tỏ ra rắn giọng với Bắc Kinh ngay từ khi mới bắt đầu nhậm chức và lao vào một cuộc đọ sức chiến lược thật sự với Trung Quốc.

Hơn nữa, chuyến thăm hai nước châu Á lần này cũng diễn ra trong một thời điểm khá đặc biệt. Trước hết, ông Joe Biden lên cầm quyền cũng đã được từ một năm rưỡi. Chuyến đi này đến rất muộn, tất nhiên đó là do bối cảnh dịch bệnh đã làm trì hoãn chuyến đi, nhưng thời điểm lần này cũng đặc biệt khá thú vị vì chúng ta vừa có một cuộc bầu cử tổng thống tại Hàn Quốc, với một đội ngũ mới lên cầm quyền. Phe bảo thủ trở lại nắm quyền với việc ông Yoon Suk Yeol trở thành tổng thống, vốn dĩ chủ trương thân với Hoa Kỳ nhiều hơn so với người tiền nhiệm Moon Jae In.

Đồng thời, chúng ta còn thấy gần đây ở Nhật Bản chương trình cải tổ nổi tiếng về Hiến Pháp, về Điều 9 của Hiến Pháp cấm Nhật Bản gây chiến, giờ đang trở thành trọng tâm của những thách thức chiến lược. Đây cũng là một thời điểm quan trọng bởi vì Nhật Bản không ngừng tìm cách xích lại gần hơn với Mỹ theo một cách nào đó để đối phó với Trung Quốc hoặc ít nhất đối mặt với những gì được xác định như là một mối đe dọa chung.

Seoul là chặng dừng đầu tiên trong chuyến công du Đông Bắc Á. Nhà Trắng gần đây cho biết tổng thống Joe Biden sẽ đến thăm khu vực phi quân sự - DMZ, phân chia hai miền nam bắc Triều Tiên. Joe Biden không phải là vị tổng thống đầu tiên đến khu vực này. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên ông đến thăm khu vực bị quân sự hóa nhất hành tinh. Ông diễn giải thế nào về chuyến thăm sắp tới của nguyên thủ Mỹ ?

Barthélémy Courmont : Đúng là người ta thấy những tuần gần đây Bắc Triều Tiên thu hút sự cảnh giác từ cộng đồng quốc tế. Đầu tiên hết là có những ca nhiễm Covid đầu tiên, nhưng trên hết là căng thẳng đã quay trở lại bên lề cuộc bầu cử tổng thống diễn ra hồi tháng Ba vừa qua tại Hàn Quốc khi Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo. Thế nên, một lần nữa chúng ta lại ở trong bầu không khí được cho là căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng, điều chưa từng xảy ra dưới thời chính phủ tiền nhiệm.

Tiếp đến là phía Mỹ, ngay cả khi Joe Biden thực sự không mở rộng vấn đề này, nhưng ngay khi đặt chân vào Nhà Trắng, ông có nhắc là sẽ không đi theo đường lối của người tiền nhiệm, từng tỏ ra rất cởi mở trong đối thoại với Bắc Triều Tiên và thậm chí đã ba lần gặp nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Thế nên, về mặt biểu tượng, chuyến thăm DMZ của ông Biden không phải là chuyến đi đầu tiên của một tổng thống Mỹ bởi vì người tiền nhiệm Donald Trump cũng đã từng đến đó, nhưng chuyến thăm lần này có ý nghĩa biểu tượng ngược lại với Donald Trump.

Ông Donald Trump đã tận dụng chuyến thăm DMZ là để gặp Kim Jong Un. Thậm chí chúng ta còn nhớ là ông ấy còn đi vài bước bên phía Bắc Triều Tiên khi ông bước qua cây cầu có lan can được dùng như là một lằn ranh phân giới hai nước. Vì vậy, đây là một chuyến thăm được đặt dưới dấu hiệu của đối thoại giữa hai nước.

Ở đây, Joe Biden đến thăm với một chương trình nghị sự chiến lược trái ngược với người tiền nhiệm, và chắc chắn là, nhân chuyến công du này, ông sẽ có một bài phát biểu cứng rắn hơn nhắm vào Bình Nhưỡng nhằm đòi hỏi một sự minh bạch nhiều hơn về các hoạt động hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Do đó, căng thẳng giữa hai nước vì thế sẽ quay trở lại. Tóm lại, đây không phải là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến thăm khu vực phi quân sự nhưng cũng chẳng có liên quan gì, thậm chí còn đối nghịch với chuyến thăm của Donald Trump hồi năm 2019, ngay trước khi đại dịch bùng phát.

Vậy trong hồ sơ này, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trông cậy được gì ở đồng minh lớn Mỹ, khi ông Yoon tỏ ra cho thấy có một đường lối cứng rắn hơn người tiền nhiệm trong hồ sơ Bắc Triều Tiên ?

Barthélémy Courmont : Rõ ràng là ông Yoon Suk Yeol có một đường lối chẳng có gì giống với người tiền nhiệm. Chúng ta thấy rõ là trên chính trường Hàn Quốc, có một sự khác biệt rõ nét giữa hai chính đảng lớn là đảng Bảo thủ và đảng Tự do về vấn đề quan hệ với Bắc Triều Tiên.
Phe bảo thủ nay lên cầm quyền tỏ ra rất cứng rắn với Bình Nhưỡng, và cùng lúc cũng cho thấy rất gần gũi với Hoa Kỳ với tư cách là đồng minh chính trước một mối đe dọa Bắc Triều Tiên được giả định hay có thật. Hơn nữa, không phải ngẫu nhiên mà Joe Biden đến thăm Hàn Quốc trước khi đến Nhật Bản, bởi vì, thông thường là điều ngược lại. Tổng thống Mỹ thường đến thăm đồng minh chính Nhật Bản trước tiên rồi mới đến Hàn Quốc.

Lần này thì ngược lại. Tổng thống Mỹ làm như thế chính vì một mục tiêu mà có thể sẽ không được ông Joe Biden trực tiếp nói ra nhưng cần phải hiểu rõ là để tỏ thái độ cứng rắn với Bình Nhưỡng và đồng thời thuyết phục Hàn Quốc gia nhập Bộ Tứ - QUAD, diễn đàn quân sự chiến lược nổi tiếng được thành lập vào năm 2007, quy tụ bốn nước hiện nay là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ.

Chúng ta đã thấy là trong những năm gần đây, Hoa Kỳ cố gắng thuyết phục Hàn Quốc tham gia Bộ Tứ nhưng tổng thống mãn nhiệm Moon Jae In đã hoàn toàn phản đối điều đó. Người kế nhiệm ông chắc chắn là sẽ cởi mở hơn nhiều cho cuộc đối thoại về điểm này.

Như ông vừa đề cập đến QUAD, nếu như Seoul phải nhượng bộ trước các áp lực của Mỹ, diện mạo chiến lược của Mỹ trong khu vực có sẽ thay đổi gì ? Đâu là những lợi ích và hệ quả cho Hàn Quốc ?

Barthélémy Courmont : Thành thật mà nói, tôi không nghĩ là Hàn Quốc sẽ được lợi gì khi tham gia Bộ Tứ - QUAD. Một mặt, bởi vì giữa hai nước đã tồn tại một đối tác chiến lược và bởi vì, Hàn Quốc đã được chiếc ô hạt nhân của Mỹ che chở nên đối với tôi việc tham gia QUAD là vô ích, chẳng qua chỉ là bổ sung thêm một cơ chế vào một đối tác đã có sẵn và vững chắc, đủ bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc.
Nhưng ngược lại, việc gia nhập QUAD lại gởi đi một tín hiệu rất rõ không phải cho Bắc Triều Tiên mà là cho Trung Quốc. Chúng ta biết là tân tổng thống Hàn Quốc dường như có một quan điểm rất khác so với người tiền nhiệm trong vấn đề quan hệ với Bắc Kinh.

Quan hệ Trung – Hàn là một mối quan hệ lâu đời, một mối quan hệ phức tạp, vừa rất gần gũi, nhưng cũng nhiều nghi kỵ lẫn nhau. Nhưng mối quan hệ này những năm gần đây cho thấy đã được củng cố đáng kể trên lĩnh vực kinh tế và thương mại. Ông Moon Jae In đã nỗ lực đối xử khéo léo với đối tác và láng giềng Trung Quốc, những gì mà người kế nhiệm ông có vẻ ít quan tâm hơn.

Do đó, nhìn vào mối quan hệ với Bắc Kinh, khả năng gia nhập Bộ Tứ rõ ràng sẽ có những tác động sâu sắc vì Trung Quốc chắc chắn sẽ có những đòn trả đũa chống lại Hàn Quốc.

Trong một bài viết đăng trên trang mạng IRIS (ngày 04/5), ông đánh giá rằng « tăng cường quan hệ với Tokyo dường như là một ưu tiên của tân tổng thống, điều đó có thể có một tác động tích cực cho quan hệ với Mỹ, nhưng có nguy cơ gây phiền phức trong quan hệ với Trung Quốc ». Ông có thể giải thích rõ hơn về điểm này ?


Barthélémy Courmont : Đây thực sự là một trong những mong muốn của tổng thống đương nhiệm. Một mong muốn đáng khen ngợi vì Hàn Quốc và Nhật Bản duy trì một mối quan hệ với nhau có thể được mô tả là tồi tệ bất chấp việc cả hai nước đều có chung những mối đe dọa bên ngoài về hệ thống chính trị và về các mô hình phát triển.

Nhưng chúng ta cũng biết là quan hệ giữa hai nước là không tốt, và chúng đặc biệt được đánh dấu bằng các tranh chấp lịch sử và những đài kỷ niệm quan trọng. Thiện chí của tân tổng thống Hàn Quốc có thể được đánh giá cao từ quan điểm này.

Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Thế nên, tôi cho rằng vai trò trung gian của Hàn Quốc mà ông Moon Jae In đã biết cách làm nổi bật một cách tài tình nay có khả năng gặp nguy hiểm khi đi theo lập trường của Tokyo và Washington.

Ở đây có một điểm quan trọng đáng chú ý là tân tổng thống Yoon Suk Yeol đã thắng cử trong cuộc bầu cử hồi tháng Ba vừa qua với một đa số thấp nhất trong lịch sử nền dân chủ Hàn Quốc. Bởi vì ông về đầu cuộc bỏ phiếu khi nhỉnh hơn đối thủ với 1% số phiếu cách biệt.
Thế nên, đây là một tổng thống không có được một sự ủy nhiệm to lớn để thực thi chính sách của mình, nhất là chính sách đối ngoại. Do đó, chắc chắn những gì chúng ta quan sát thấy được chính là những lực cản đáng kể bên trong Hàn Quốc. Xã hội Hàn Quốc sẽ có những thay đổi ngoạn mục trong các mối quan hệ với Tokyo, Washington hay với Bắc Kinh.

Từ lâu nay các nước châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á lấy làm tiếc rằng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ thiếu hẳn vế kinh tế. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters ngày 09/5, Nhật Bản và Hoa Kỳ nhân chuyến thăm Tokyo của ông Joe Biden rất có thể sẽ công bố một chiến lược mới về kinh tế được đặt tên là « Indo-Pacific Economic Framework – IPEF », vào lúc Trung Quốc ra sức tìm cách lấp khoảng trống do Mỹ để lại sau việc Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP. Liệu rằng có quá trễ để cho Mỹ đầu tư vào trong lĩnh vực này trong khi mà Trung Quốc đã cắm rễ sâu từ nhiều năm qua ?

Barthélémy Courmont : Ở đây có một thiện chí. Chúng ta còn nhớ là chính quyền Obama vào thời đó thiết lập chương trình Hợp tác Đối Tác Xuyên Thái Bình TPP, rồi sau đó bị Donald Trump bỏ rơi ngay khi mới lên cầm quyền. Nhưng sự từ bỏ của ông Trump cũng không đồng nghĩa với việc không quan tâm đến vấn đề kinh tế. Đấy đơn giản chỉ là một thay đổi sự định vị, đặc biệt ông D. Trump lên án TPP được thiết kế tồi, là một hiệp ước không phù hợp với lợi ích quốc gia Mỹ.

Kể từ lúc Joe Biden lên cầm quyền, người ta cảm thấy các vấn đề về kinh tế chắc chắn vẫn là một mục tiêu của Washington nhưng không phải là một ưu tiên. Rõ ràng họ chú trọng nhiều vào các thách thức chính trị hay chiến lược. Chính các đồng minh chính của Mỹ đã bắt kịp vấn đề này trong khu vực, nhất là Nhật Bản buộc Hoa Kỳ thấy mình phần nào phải có mặt trong chủ đề này.

Hơn nữa chúng ta cũng nên nhớ rằng nhiều cường quốc khác cũng đề ra chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương như trường hợp của nước Pháp, Liên Hiệp Châu Âu chẳng hạn. Rộng ra hơn nữa còn có nhiều đối tác châu Âu, Úc, Ấn Độ hay Nhật Bản… tất cả những nước này đều có điểm đặc trưng xem hợp tác kinh tế như là ưu tiên của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thế nên, chỉ có Hoa Kỳ, nước duy nhất là rơi vào thế kẹt trong những vấn đề chiến lược và quân sự và nay người ta nhận thấy có một nỗ lực quay trở lại một chút về vấn đề này.
Giờ quý đài đặt ra câu hỏi « Liệu rằng có quá trễ cho Hoa Kỳ, trước những đà tiến ngoạn mục của Trung Quốc, đặc biệt ở các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ? », đương nhiên về phần tôi, tôi cho là « Có, đã quá trễ » cho Mỹ. Vẫn còn chưa muộn để khẳng định vị thế và tìm cách củng cố các mối quan hệ thương mại và kinh tế có sẵn, nhưng để đối phó và tìm cách chống lại một cách hiệu quả thế thống trị của Trung Quốc trong khu vực rõ ràng là đã quá muộn.

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn chuyên gia Barthélémy Courmont, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS.