PDA

View Full Version : USD tăng giá cao nhất trong 20 năm qua: Tăng áp lực lên tỷ giá VND



giavui
05-03-2022, 11:27 PM
USD tăng giá cao nhất trong 20 năm qua: Tăng áp lực lên tỷ giá VND





https://img.ntdvn.net/2021/10/ntdvn_us-dollar-notes-1200x693-1.jpeg

Một nhân viên đang đếm tiền đô la Mỹ. (Ảnh: Hoàng Đình Nam / AFP qua Getty Images)

Giá trị đồng USD đã tăng cao nhất trong 20 năm qua trước kỳ họp quyết định tăng lãi suất của Mỹ. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ (CNY) đang mất giá mạnh so với USD; tỷ giá VND so với USD đang chịu áp lực mất giá lớn hơn. Tuy nhiên, trong bất ổn, đồng VND nói riêng và nền kinh tế nói chung đang nhìn thấy nhiều cơ hội hơn...

USD tăng giá cao nhất trong 20 năm qua

Trước kỳ họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất lên 50 điểm cơ bản và công bố kế hoạch giảm bảng cân đối kế toán trị giá 9 nghìn tỷ USD vào tối nay (giờ Việt Nam), chỉ số giá đồng USD so với 6 loại tiền tệ mạnh nhất thế giới là DXY đã tăng lên cao nhất trong 20 năm qua, đạt 103,5 điểm.

Nhận xét của Chủ tịch Fed Jerome Powell sau cuộc họp cũng sẽ được xem xét kỹ lưỡng xem có bất kỳ dấu hiệu mới nào về việc liệu Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lại áp lực tăng giá ngay cả khi nền kinh tế suy yếu. Lo ngại về sự suy giảm kinh tế ở châu Âu và Trung Quốc cũng khiến dòng tiền trú ẩn an toàn đổ vào đồng USD.

Cùng với giá trị đồng USD tăng và kỳ vọng lạm phát sẽ lâu hơn, rủi ro hơn, lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, vốn là tham chiếu chuẩn lãi suất cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp, lần đầu tiên đạt mức cao nhất 3% kể từ tháng 12/2018 khi các nhà đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tăng lãi suất 0,5% trong nay mai để ngăn chặn lạm phát đang bùng phát cao hơn mọi dự báo trước đó.

CNY giảm gần 5% so với USD, vốn ngoại rời khỏi Bắc Kinh

Ở chiều ngược lại, đồng CNY của Trung Quốc đang giảm giá mạnh so với USD, hiện là 6,65 CNY cho mỗi USD. Đồng CNY của Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 do các đợt đóng cửa vì Covid-19. Chỉ trong một tháng vừa qua, đồng CNY đã mất giá 4,8% so với USD.

Đồng CNY của Bắc Kinh chịu áp lực mất giá bởi cả nội tình trong nước lẫn áp lực từ bên ngoài.

Với việc theo đuổi chính sách 'không Covid', các đợt đóng cửa cực đoan kèm thêm cuộc khủng hoảng năng lượng đã trở thành khủng hoảng kép với nền sản xuất của Trung Quốc. Do sản xuất bị tắc nghẽn, thị trường BĐS bắt đầu đóng băng, Bắc Kinh buộc phải đi ngược lại chính sách tiền tệ toàn cầu: nới lỏng tiền tệ bất chấp lạm phát tăng cao.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ 8% từ 9% bắt đầu từ ngày 15/5, nhằm hỗ trợ đồng tiền đang giảm giá nhanh chóng.

Trong khi đó, các nền kinh tế khác trên khắp toàn cầu đã từ bỏ chính sách phong toả từ lâu, đưa nền sản xuất, dịch vụ trở lại bình thường, thậm chí dần dần từ bỏ cả chính sách bắt buộc đeo khẩu trang hoặc hộ chiếu vaccine. Sản xuất và cầu tiêu dùng bắt đầu hồi phục, việc làm trở nên toàn dụng hơn. Lúc này, hầu hết ngân hàng trung ương các nước bắt đầu thắt chặt tiền tệ: Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BOA), Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển (Riskbank)...


https://img.ntdvn.net/2022/04/ntdvn_screen-shot-2022-04-27-at-143339.jpg

Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc đã suy giảm trong khi của Mỹ đang tăng cao làm đảo chiều xu hướng trong quá khứ, khi đó lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc luôn lớn hơn của Mỹ. Việc đảo chiều này thúc đẩy dòng vốn đảo chiều, chạy khỏi Bắc Kinh quay trở về Mỹ để tìm kiếm lợi nhuận an toàn toàn (Ảnh chụp màn hình từ trang Trading Economics, ngày 27/4/2022).

Việc đi ngược lại chính sách tiền tệ của đối thủ khiến đồng CNY không thể cạnh tranh với USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc không còn cao đến mức cạnh tranh được với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Dòng tiền đổ vào Bắc Kinh tìm kiếm chênh lệch lợi nhuận cao từ nước ngoài bắt đầu ngừng lại, thậm chí tháo chạy khỏi Bắc Kinh.

Áp lực mất giá VND lớn dần

Với việc USD lên giá mạnh nhất trong 20 năm và CNY mất giá mạnh nhất kể từ tháng 3/2020; áp lực lên tỷ giá đồng nội tệ là khá lớn.

Thứ nhất, rủi ro từ Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất. Đồng CNY mất giá gây thiệt hại về giá cả nhập khẩu cho Việt Nam. Hàng hoá nhập từ Trung Quốc lại chủ yếu là hàng đầu vào cho sản xuất, điều này khiến Việt Nam nhập khẩu lạm phát từ Trung Quốc nhanh hơn, tiêu cực hơn các nền kinh tế khác.

Trong lịch sử, mỗi khi đồng CNY của Trung Quốc mất giá, đồng VND cũng mất giá ngay sau đó. Năm 2015, khi đồng CNY mất 9% giá trị, đồng VND lập tức mất 5% giá trị. Cú sốc về tỷ giá năm 2015 đã làm thiệt hại lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước khi đó. Mối tương quan giữa tỷ giá USD/CNY và USD/VND cho thấy, mỗi khi đồng CNY tăng giá so với USD, đồng VND có thể không tăng giá theo CNY, nhưng mỗi khi đồng CNY mất giá so với USD thì chắc chắn đồng VND cũng mất giá theo đồng tiền này. Có thể, mối quan hệ thương mại mật thiết và phụ thuộc hàng hoá đầu vào cho sản xuất, tiêu dùng từ Trung Quốc đã thiết lập mối tương quan này.


https://img.ntdvn.net/2022/05/ntdvn_screen-shot-2022-05-03-at-220041.jpg

Mối tương quan giữa USD/CNY và USD/VND trong một thập kỷ qua: tỷ giá VND với USD luôn tăng vọt khi đồng CNY mất giá so với USD (Nguồn: Trading Economics, ảnh chụp màn hình 22h00 ngày 3/5/2022)

Bởi vậy, khi đồng CNY đang mất giá sốc so với USD như hiện nay (mất tới 5%), một cú sốc tỷ giá của đồng VND là có thể xảy ra, tuy nhiên, có thể có độ trễ nhất định. Số liệu (từ đồ thị trên) cho thấy đôi khi độ trễ khoảng 3 - 6 tháng.

Thứ hai, áp lực từ Mỹ. Tỷ giá mà Ngân hàng nhà nước Việt Nam đang điều hành neo theo một rổ tiền tệ mạnh, những đồng tiền có quan hệ thương mại quan trọng với nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên tỷ trọng đồng USD trong rổ tiền tệ này là khá lớn và hiển nhiên có tác động lớn nhất tới giá trị đồng VND. Bởi vậy, xu hướng tất yếu là VND mất giá tương đối với USD; đây là áp lực trực diện với tỷ giá nội địa.

Nhưng Mỹ là nền kinh tế Việt Nam xuất siêu lớn nhất. Theo số liệu của Cục thương mại Mỹ, năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 90 tỷ USD; mức kỷ lục trong quan hệ thương mại hai nước. Chỉ hai tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ 16,5 tỷ USD.

Với việc gia tăng thương mại vào Mỹ, VND càng mất giá so với USD thì càng có lợi cho xuất siêu. Mặc dù vậy, năm 2021, năm duy nhất đồng VND tăng giá với USD đã giúp Việt Nam thành công thuyết phục Mỹ loại bỏ Việt Nam khỏi danh sách thao túng tiền tệ.

Thứ ba, áp lực từ lạm phát. Xu hướng lạm phát bùng phát toàn cầu đã rõ nét. Ngân hàng trung ương của nền kinh tế lớn, nơi sở hữu các đồng tiền mạnh, đều thay đổi chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát. Điều này tác động kép lên áp lực tỷ giá đồng nội địa: (i) việc lạm phát tăng theo xu hướng toàn cầu vì nhập khẩu lạm phát từ Trung Quốc, từ giá năng lượng và nguyên liệu đầu vào khiến nền kinh tế phải chi trả nhiều ngoại tệ hơn để mua hàng, tỷ giá chịu áp lực lớn hơn; (ii) dòng vốn ngoại tìm tới các nơi trú ẩn an toàn khác hoặc các đồng tiền mạnh như trái phiếu kho bạc Mỹ, vàng khiến nền kinh tế thiếu hụt ngoại tệ khiến tỷ giá tăng... Các dự báo từ các tổ chức tài chính quốc tế cũng như các chuyên gia kinh tế trong nước đều khẳng định Việt Nam khó có thể duy trì lạm phát dưới 4% như mục tiêu đề ra trong năm 2022. Lạm phát tăng luôn tác động tới tăng tỷ giá.

Thứ tư, áp lực từ giá vàng thế giới. Áp lực này, đáng tiếc, lại trở thành rủi ro cho tỷ giá do chính sách quản lý vàng trong nước chứ không phải là một tác động khách quan. Việc để một doanh nghiệp nhà nước thuộc Ngân hàng nhà nước quản lý độc quyền xuất khẩu và nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu đã tạo nên các nút thắt trong điều tiết trên thị trường. Việc này khiến mỗi khi giá vàng thế giới biến động mạnh lại tạo ra khoảng cách chênh lệch rất lớn với giá vàng trong nước. Đã có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 18 triệu đồng/lượng vàng. Điều này kích thích hoạt động buôn lậu vàng làm chảy máu ngoại tệ, tác động tới ổn định tỷ giá chợ đen.

Bởi vậy, trong một nền kinh tế ngày càng bất ổn, nếu dòng tiền đổ vào vàng để tránh lạm phát khiến giá vàng thế giới tăng cao hơn, tỷ giá VND có thể chịu tác động tiêu cực hơn.

Bộ đệm khá tốt và cơ hội đến từ bất ổn

Mặc dù áp lực lên tỷ giá đã cao hơn và rõ nét hơn, tuy nhiên, các điều kiện vĩ mô đang hỗ trợ giảm áp lực tỷ giá, nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào.

Thứ nhất, dự trữ ngoại hối lớn hơn. Theo tin của VTV, đến thời điểm tháng 3/2022, dự trữ ngoại hối Việt Nam đã đạt mức cao kỷ lục. Quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao đạt mức gần 110 tỷ USD gấp 10 lần quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước năm 2010 và gấp gần 4 lần so với năm 2015 và sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới theo quy mô của nền kinh tế. Nguồn dự trữ ngoại hối lớn là cơ sở để Việt Nam ổn định tiền tệ, tránh các cú sốc tỷ giá bất thường do tác động từ các Trung Quốc, Mỹ.

Thứ hai, dòng vốn ngoại gián tiếp và trực tiếp vẫn tìm đến Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc và thế giới bất ổn. Dòng vốn có xu hướng từ bỏ Trung Quốc, như phân tích ở trên, bởi các chính sách phòng ngừa Covid-19 cực đoan. Năm 2020 - 2021, việc chống dịch cực đoan của Việt Nam cũng đã tạo ra rủi ro rất lớn dòng vốn đảo chiều.

Tuy nhiên, năm 2022, Việt Nam đang đi ngược lại với cách mà Trung Quốc đang thực thi; chúng ta đang mở cửa nền kinh tế và phục hồi nhanh chóng hoạt động sản xuất, dịch vụ, du lịch. Đây là nền tảng tốt trong việc giữ chân dòng vốn ngoại, thậm chí là đón thêm dòng vốn ngoại đang tháo chạy khỏi Bắc Kinh như đã đề cập ở trên. Sự ổn định vĩ mô và các tuyên bố chính sách là cơ hội của Việt Nam trong bối cảnh này.

Thứ ba, thặng dư thương mại có cơ hội tiếp tục duy trì. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang phục hồi cầu tiêu dùng mạnh mẽ sau đại dịch. Điều này giúp Việt Nam tiếp tục duy trì mức thặng dư trong hoạt động xuất - nhập khẩu. Mặc dù phần lớn thặng dư thương mại đến từ khu vực kinh tế FDI, nhưng điều này cũng giúp nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào; giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Mặt khác, an ninh lương thực của Việt Nam khá bền vững. Đây cũng là cơ hội lớn về xuất khẩu lương thực, các sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng thiếu thụt lương thực, giá cả lương thực đang bắt đầu nóng lên khắp toàn cầu.

Tuy nhiên, để biến cơ hội thành lợi thế, Việt Nam cần kiên định hơn với các cam kết chính sách đã tuyên bố cũng như còn rất nhiều dư địa thể chế cần cải tổ để tăng năng suất tổng hợp, tăng năng lực cạnh tranh trong dài hạn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Trà Nguyễn