PDA

View Full Version : Phương Tây giúp Ukraina vũ khí hạng nặng để chống Nga: Thách thức nào trên thực địa ?



duyanh
05-03-2022, 12:17 PM
Phương Tây giúp Ukraina vũ khí hạng nặng để chống Nga: Thách thức nào trên thực địa ?



https://s.rfi.fr/media/display/027f18d6-c3f6-11ec-939e-005056a97e36/w:1280/p:16x9/2022-04-22T111454Z_1784375771_RC2BST95A4UJ_RTRMADP_3_UKRAI NE-CRISIS-LITHUANIA-GERMANY.webp (https://s.rfi.fr/media/display/027f18d6-c3f6-11ec-939e-005056a97e36/w:1280/p:16x9/2022-04-22T111454Z_1784375771_RC2BST95A4UJ_RTRMADP_3_UKRAI NE-CRISIS-LITHUANIA-GERMANY.webp)

Xe thiết giáp Marder quân đội Đức thường sử dụng có thể được viện trợ cho Ukraina. Ảnh chụp tại căn cứ Rukla, Litva, ngày 22/04/2022. REUTERS - STAFF

Đối với cuộc chiến tranh tại Ukraina, ngày 26/04/2022 có thể coi là một ngày mang tính biểu tượng. Khoảng 40 quốc gia, gồm Hoa Kỳ và các đồng minh, họp tại một căn cứ quân sự Mỹ ở tại Đức, đã thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ vũ khí cho Ukraina trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga, đặc biệt là các vũ khí hạng nặng.

Trong lúc nhiều người hy vọng việc phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina sẽ giúp quân đội Ukraina sớm đảo ngược được tình thế trên thực địa, thậm chí đánh bật hoàn toàn quân Nga ra khỏi lãnh thổ. Và việc phương Tây quyết định cung cấp ồ ạt các loại vũ khí này có thể coi là một bước ngoặt lớn của chiến tranh. Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện, nỗ lực quốc tế hỗ trợ Ukraina về quân sự vấp phải hàng loạt thách thức chính trên thực địa. Phải ít nhất hai ba tuần nữa, quyết định viện trợ vũ khí hạng nặng mới bắt đầu có những kết quả đầu tiên. Nhìn chung, các hậu thuẫn từ phương Tây ngày càng cho thấy cuộc chiến chống xâm lược Nga tại Ukraina là một cuộc trường kỳ kháng chiến . RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
Đâu là những trở ngại chính cho nỗ lực quốc tế ?

Có hai điểm nổi bật. Thứ nhất là về việc quân đội Nga thay đổi chiến thuật, nhằm tìm cách triệt hạ các tuyến vận chuyển vũ khí và các đầu mối trung chuyển vũ khí. Điểm thứ hai là, không kể các hoạt động tấn công của Nga, để các vũ khí hạng nặng do phương Tây cung cấp có thể được chuyển đến các lực lượng vũ trang Ukraina, và được sử dụng một cách hiệu quả bởi quân đội Ukraina, hai bên phải giải quyết hàng loạt vấn đề lớn mang tính kỹ thuật – hậu cần, từ khâu huấn luyện đến đạn dược, trang thiết bị thay thế.

Nga thay đổi chiến thuật : Tấn công hạ tầng giao thông, đầu mối trung chuyển

Hãng tin Pháp AFP có bài tổng thuật đáng chú ý mang tựa đề « Face aux livraisons d'armes occidentales, Moscou ajuste sa stratégie en Ukraine / Đối diện với việc phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí, Matxcơva thay đổi chiến thuật tại Ukraina ». Ngay sau cuộc họp của 40 quốc gia hỗ trợ quân sự cho Ukraina, ngày 27/04/2022, quân đội Nga khẳng định đã dùng tên lửa có độ chính xác cao để phá hủy tại Kiev « một khối lượng lớn » vũ khí do Hoa Kỳ và một số đồng minh châu Âu cung cấp cho Ukraina. Tối hôm trước, tên lửa Nga đã tấn công một cầu đường bộ và đường sắt nối liền trục chiến lược giữa hải cảng Odessa, miền tây nam Ukraina với Rumani. Một hôm trước cuộc họp quốc tế hỗ trợ quân sự cho Ukraina, quân Nga cũng tấn công vào một số cơ sở hạ tầng thuộc một đầu mối trung chuyển đường sắt tại miền tây Ukraina, Vinnitsya, nơi hầu hết các chuyến tàu hỏa từ châu Âu đến miền đông Ukraina đều phải đi qua.
Tấn công có hệ thống vào các cơ sở hạ tầng giao thông của Ukraina, để ngăn chặn việc viện chuyển vũ khí từ châu Âu sang, giờ đây trở thành một chiến thuật mới trong cuộc can thiệp quân sự của Nga tại Ukraina. Chuyên gia Jean-Pierre Maulny – phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), nhấn mạnh : « Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của chiến tranh », các nước phương Tây thông báo tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraina, và Nga tấn công vào các cơ sở giúp quân đội Ukraina tăng cường sức mạnh. Trước đó, quân Nga tránh tấn công vào các cơ sở đường xá giao thông ở miền tây Ukraina, có lẽ do lo ngại chuốc thêm nhiều lên án quốc tế.
Tấn công vào các nút giao thông chiến lược và các kho vũ khí của Ukraina, nơi tập kết các vũ khí nhận được từ châu Âu là chiến thuật mới, « hiệu quả », cho phép quân đội Nga duy trì được thế thượng phong trên chiến trường. Theo chuyên gia Pascal Ausser (tổng giám đốc Quỹ Nghiên cứu chiến lược Địa Trung Hải – FMES), việc tấn công vào những cơ sở như trên cần không nhiều vũ khí so với tấn công cả một địa bàn rộng lớn. Chuyên gia Pascal Ausser đặc biệt lo ngại là « Nếu thành phố Kharkiv (miền đông bắc) thất thủ, và quân Nga tiến nhanh hơn, làm thế nào quân đội Ukraina có thể lập được một phòng tuyến khác ở vùng đông bắc ? ». Theo chuyên gia viện FMES, thế trận của Ukraina sẽ phụ thuộc vào việc Ukraina có lập được một chiến lũy vững chắc tại bờ tây sông Dniepr, và không thể lập được một phòng tuyến như vậy nếu quân đội Ukraina không được hỗ trợ bởi một lực lượng phòng không hiệu quả.

Ưu thế áp đảo của Nga tại mặt trận Donbass

Hiện tại thành phố Kharkiv chưa thất thủ. Vấn đề khẩn cấp nhất hiện nay đối với Ukraina, đó là phòng tuyến của quân đội Ukraina tại vùng Donbass, khu vực được Nga chọn làm điểm quyết đấu, đang vất vả chống cự trước cuộc tấn công của quân Nga. Vũ khí hạng nặng của phương Tây phải vượt qua các trở lực nào để « đến được » với vùng Donbass ?
Theo một số thông tin từ thực địa, quân đội Nga có ưu thế áp đảo tại mặt trận Donbass. Một hạ sĩ quan của trung đoàn 123, có mặt tại khu vực Kreminna, thị xã lớn duy nhất trong khu vực bị quân Nga chiếm kể từ ngày 18/4, cho biết hỏa lực của Nga « mạnh gấp 5 lần ». Ông nói : Chúng tôi cần gấp nhiều xe tăng, pháo, súng chống tăng. Con số sau đây giúp độc giả hình dung rõ hơn về cục diện tại chỗ. Một chỉ huy đơn vị trở về từ khu vực Kreminna cho biết : Trong cuộc đối đầu không tương sức này, phía Ukraina chỉ dám sử dụng đạn dược một cách dè sẻn đến mức, « địch bắn 300 trái, thì chúng tôi chỉ dám bắn 3 trái ».

Donbass cần gấp vũ khí để đương cự

Tốc độ chuyển giao vũ khí hạng nặng cho chiến trường Donbass là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Tướng Dominique Trinquand – cựu đại diện phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc – trong bài trả lời đài France 24 ngày 29/04/2022, cho biết cụ thể :
« Trên chiến trường Donbass, hai bên giao tranh hiện đang đối mặt với thách thức về thời gian. Thứ nhất với Nga, đó là cái mốc ngày kỉ niệm mùng 9 tháng Năm và thứ hai đối với Ukraina, là khả năng vũ khí viện trợ có đến kịp thời hay không. Về phía Nga, Matxcơva phải đạt được một thắng lợi trước ngày kỉ niệm truyền thống quan trọng này. Quân đội Nga hoặc phải đẩy lùi được lực lượng phòng thủ Ukraina, hoặc phải mở được đường vòng vượt qua tuyến phòng thủ, trước khi vũ khí hạng nặng tiếp viện đến nơi giúp quân đội Ukraina thay đổi được cán cân lực lượng, vốn hiện đang khá bất lợi cho Ukraina. Tôi tin tưởng rẳng, hiện tại quân đội Ukraina có đủ phương tiện đế ngăn chặn đà tiến của quân Nga. Vũ khí tiếp viện có thể sẽ khiến cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía Ukraina. Nhưng ở đây có vấn đề về thời gian tính, tức tốc độ chuyển giao vũ khí cho Ukraina. Đây là điều mà tôi không nắm được ».
Trong những ngày gần đây, lãnh đạo nhiều quốc gia hậu thuẫn Ukraina liên tục đưa ra những lời kêu gọi mạnh mẽ hỗ trợ vũ khí. Nhưng để các tuyên bố biến thành hiệu quả, sẽ phải mất ít nhất hai ba tuần lễ, theo giới chuyên gia.

Huấn luyện sử dụng: Thách thức về thời gian và quân số

Để vũ khí hạng nặng phương Tây có thể giúp Ukraina xoay chuyển tình thế, hai thách thức quan trọng hàng đầu. Thách thức đầu tiên là huấn luyện để các quân nhân Ukraina có thể sử dụng những loại vũ khí hoàn toàn khác với hệ vũ khí thời Xô Viết. Trong lúc pháo Ceasar của Pháp chẳng hạn, chỉ cần một buổi sáng là có thể sử dụng được, thì xe tăng phòng không Guepards rất hiện đại của Đức đòi hỏi « nhiều tuần lễ » huấn luyện. Việc học cách sử dụng loại xe tăng tối tấn của Mỹ Abrams thì hoàn toàn không đơn giản. Không phải ngẫu nhiên mà các nước phương Tây đã loại bỏ hẳn những trang thiết bị đòi hỏi « nhiều tháng huấn luyện ».
Có được số lượng binh sĩ huấn luyện đủ để có thể sử dụng vũ khí hạng nặng do phương Tây cung cấp là một vấn đề lớn. Theo chuyên gia Léo Péria-Peigné, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri) (trên Le Monde ngày 28/04), 90 khẩu lựu pháo Mỹ gửi đến Ukraina cần đến gần 1.000 pháo thủ, bởi mỗi khẩu pháo cần đến 8 pháo thủ, chưa kể đến quân nhân luân chuyển để các ê kíp có thời gian nghỉ ngơi.

Đạn dược và trang bị thay thế

Thách thức lớn thứ hai đối với các vũ khí hạng nặng do phương Tây cung cấp là phải có đủ đạn dược, và đặc biệt là các bộ phận thay thế, cơ sở bảo dưỡng tương ứng. Đây là điều hoàn toàn không dễ dàng với Ukraina, theo chuyên gia Léo Péria-Peigné, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI). Các đồng minh phương Tây cũng có một số giải pháp để khắc phục tình trạng này. Ví dụ như việc Úc, Canada và Mỹ cùng chuyển đến Ukraina các đạn dược và bộ phận thay thế của pháo 155 ly, tương ứng với pháo Caesar của Pháp viện trợ, có thể tráo đổi cho nhau. Điều này cho phép quân đội Ukraina sử dụng dễ dàng hơn các loại vũ khí hạng nặng từ phương Tây.
Tuy nhiên, không phải tất cả các vũ khí hạng nặng đều cần chuyển đến vùng Donbass để trực tiếp góp phần hỗ trợ các đơn vị Ukraina trong các trận chiến phòng ngự khốc liệt trước quân Nga trong những ngày sắp tới, trước dịp kỉ niệm chiến thắng phát xít 09/05, dự kiến sẽ được điện Kremlin tổ chức rầm rộ để phô trương thanh thế.

Chống quân xâm lược Nga là cuộc kháng chiến trường kỳ

Cuộc chiến Ukraina chống quân Nga xâm lược dường như đang trở thành một cuộc chiến dài hạn. Việc hỗ trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraina dường như cũng được hoạch địch cho một kế hoạch dài hạn hơn nhiều. Hôm 21/04 vửa qua, chính quyền Hoa Kỳ đã bổ nhiệm một viên chỉ huy dày dặn kinh nghiệm để phụ trách điều phối việc hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh cho Ukraina. Tướng Terry Wolff từng là đại diện Hội Đồng An Ninh Quốc Gia phụ trách các chiến dịch tại Irak và Afghanistan. Ông cũng là người thông thạo thực địa châu Âu khi từng đảm nhiệm chức phó chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu. Theo nhiều nhà quan sát, chiến tranh của Ukraina chống xâm lược Nga sẽ là một cuộc kháng chiến trường kỳ.



RFI