PDA

View Full Version : Các loại bom nhỏ hơn có thể biến Ukraine thành vùng chiến tranh hạt nhân



duyanh
03-23-2022, 12:38 PM
Các loại bom nhỏ hơn có thể biến Ukraine thành vùng chiến tranh hạt nhân





https://s.yimg.com/ny/api/res/1.2/YZbgHGFYncjcGVT.P83.5g--/YXBwaWQ9aGlnaGxhbmRlcjt3PTk2MDtoPTEyNDM7Y2Y9d2VicA--/https://s.yimg.com/uu/api/res/1.2/p3jTHuP96etJlzVtJI9fWg--~B/aD0xNjU1O3c9MTI3ODthcHBpZD15dGFjaHlvbg--/https://media.zenfs.com/en/the_new_york_times_articles_158/f232df780fff0439da91ded5a40fbd2f

Một tên lửa B61 Kiểu 12 được chuẩn bị để thử nghiệm âm thanh tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia ở Albuquerque, N.M. Khả năng nổ của đầu đạn hạt nhân này chỉ bằng 2% so với quả bom ở Hiroshima. (Randy Montoya / Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia qua The New York Times)

Về sức mạnh hủy diệt, thì những vũ khí khủng đuợc thử nghiệm sau này bởi Chiến tranh Lạnh đã làm lu mờ quả bom nguyên tử cỏn con mà Mỹ đã dùng để phá hủy thành phố Hiroshima trong Đệ Nhị thê chiến. Vụ nổ thử nghiệm lớn nhất của Washington sau này đã lớn gấp 1.000 lần hơn quả bom ở Hiroshima. Và của Moscow là lớn gấp 3.000 lần. Cả hai bên tạo ra những quả bom này là để đe dọa sẽ trả đũa nhau tàn bạo hầu ngăn chặn các toan tính tấn công cua đối thủ - với viễn tượng sẽ có sự hủy diệt tương tàn lẫn nhau nếu có bên nào gây hấn tấn công. Cuộc chiến Tâm lý cao độ khiến các cuộc tấn công hạt nhân được coi là điều không ai dám nghĩ sẽ ra tay khởi động.

Ngày nay, cả Nga và Mỹ đều tạo ra những vũ khí hạt nhân có sức hủy diệt thấp hơn nhiều - sức mạnh của chúng chỉ bằng một phần nhỏ lực của quả bom ở Hiroshima, vì vậy việc sử dụng chúng có lẽ ít đáng sợ hơn và sẽ khiến kẻ hiếu chiến muốn lăm le gây hấn hơn..

Mối quan tâm về những vũ khí nhỏ hơn này đã tăng cao khi Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc chiến Ukraine, đã cảnh báo về sức mạnh hạt nhân của mình, đặt lực lượng nguyên tử của mình trong tình trạng báo động và đã cho quân đội của mình thực hiện các cuộc tấn công mạo hiểm vào các nhà máy điện hạt nhân. Điều đáng sợ là nếu Putin cảm thấy bị dồn vào cuộc xung đột, ông ta có thể chọn cho nổ một trong những vũ khí hạt nhân nhỏ đó của mình - phá vỡ điều lệ cấm kỵ được đặt ra cách đây 76 năm sau vụ Hiroshima và Nagasaki.

Các nhà phân tích lưu ý rằng quân đội Nga từ lâu đã thực hành chuyển đổi chiến tranh thông thường sang chiến tranh hạt nhân, đặc biệt là để giành thế thượng phong sau những tổn thất trên chiến trường. Các nhà phân tích nói thêm rằng quân đội của Nga vốn sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, đã đưa ra nhiều phương án leo thang chiến tranh mà Putin có thể lựa chọn.

Ulrich Kühn, một chuyên gia về hạt nhân tại Đại học Hamburg và Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết: “Cơ may xảy ra chiến tranh hạt nhân cỡ nhỏ tuy thấp nhưng sẽ tăng lên.” Ông nhận xét: “Cuộc chiến đang diễn ra hiện nay không suôn sẻ đối với người Nga, và áp lực từ phương Tây đang gia tăng”.

Ông Kühn cho biết Putin có thể sẽ bắn vũ khí hạt nhân vào một khu vực không có người ở thay vì nhắm vào quân đội. Trong một nghiên cứu năm 2018, ông đã đưa ra một kịch bản khủng hoảng trong đó Moscow cho nổ một quả bom trên một vùng hẻo lánh của Biển Bắc như một cách để báo hiệu các cuộc tấn công nguy hiểm hơn sắp xảy ra.

“Thật kinh khủng khi bàn về những điều này,” Kühn nói trong một cuộc phỏng vấn. "Nhưng chúng ta phải quan ngại rằng điều này đang trở thành một việc có thể xảy đến."

Washington chờ xem nhiều động thái hơn nữa của Putin toan tính xử dụng vũ khí nguyên tử trong những ngày tới. Trung tướng Scott D. Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, nói với Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện hôm thú Năm rằng Moscow có khuynh hướng “ngày càng dựa vào khả năng răn đe hạt nhân của mình để báo hiệu cho phương Tây về sức mạnh của họ” khi mà cuộc chiến và hậu quả của nó đang làm suy yếu Nước Nga.

Tổng thống Joe Biden sẽ tới dự hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels trong tuần này để thảo luận về cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Chương trình nghị sự dự kiến sẽ bao gồm việc liên minh NATO sẽ phản ứng như thế nào nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học, sinh học, tấn công mạng hoặc xài vũ khí hạt nhân.

James R. Clapper Jr., một tướng Không quân đã nghỉ hưu từng là giám đốc tình báo quốc gia của Tổng thống Barack Obama, cho biết Moscow đã hạ mức cấm sử dụng vũ khí nguyên tử sau Chiến tranh Lạnh trong khi quân đội Nga đang rơi vào tình trạng hỗn loạn. Ông nói thêm, ngày nay Nga coi vũ khí hạt nhân là thứ thực dụng hơn là thứ cấm kỵ không nên mơ tưởng tới.

“Họ không quan tâm,” ông Clapper nói về việc quân đội Nga tạo nguy cơ bung tỏa phóng xạ vào đầu tháng này khi họ tấn công vào lò phản ứng hạt nhân Zaporizhzhia – là nhà máy lớn nhất không chỉ ở Ukraine mà còn ở châu Âu. “Họ đã tiến quân và bắn vào nó. Đó là dấu hiệu của sự tự tung tác của người Nga. Họ không thèm phân biệt nặng nhẹ trước nguy hiểm cho nhân loại như chúng tôi vẫn phải làm với vũ khí hạt nhân."

Tháng trước, Putin tuyên bố rằng ông ta đang đưa các lực lượng hạt nhân của Nga vào trạng thái “sẵn sàng chiến đấu đặc biệt”. Pavel Podvig, một nhà nghiên cứu lâu năm về các lực lượng hạt nhân của Nga, cho biết lời tuyên bố này rất có thể đã báo trước cho các cấp chỉ huy quân đội của Nga rằng họ có thể sẽ nhận được lệnh khai hỏa vũ khí hạt nhân.
Không rõ Nga thực hiện quyền kiểm soát như thế nào đối với kho vũ khí hạt nhân hủy diệt cỡ nhỏ này của mình. Tuy nhiên, một số chính trị gia và chuyên gia Mỹ đã lên án việc xữ dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ này cho cả hai bên vì nó sẽ đảo lộn sự cân bằng trong việc kiềm chế tai họa hạt nhân trên toàn cầu .

Đối với Nga, các nhà phân tích quân sự lưu ý rằng màn phô diễn kích động về các loại vũ khí hạt nhân ít hủy diệt này đã giúp Putin đánh bóng danh tiếng của mình về mặt liều lĩnh chết chóc và mở rộng phạm vi đe dọa mà ông cần làm để chống lại một cuộc chiến tranh quy ước đẫm máu.

Nina Tannenwald, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Brown, người gần đây đã mô tả về các loại vũ khí hat nhân cỡ nhỏ, cho biết: “Putin đang sử dụng sức mạnh hạt nhân răn đe này để chiếm Ukraine. Vũ khí hạt nhân của ông ấy sẽ ngăn được sự can thiệp của phương Tây."

Một cuộc chạy đua toàn cầu về các loại vũ khí nhỏ hơn này đang ngày càng gay gắt. Mặc dù những loại vũ khí như vậy ít có sức công phá hơn so với tiêu chuẩn thời Chiến tranh Lạnh, nhưng các ước tính hiện đại cho thấy sức mạnh của nó tương đương với nửa quả bom nguyên tử ở Hiroshima, nếu được kích nổ ở khu trung tâm Manhattan, thì sẽ giết chết hoặc làm bị thương nửa triệu người.

Lý do người ta chống lại những vũ khí này là bởi chúng phá lệ cấm kỵ về hạt nhân và làm cho các tình huống khủng hoảng trở nên nguy hiểm hơn. Các nhà phê bình nói rằng bản chất ít hủy diệt của loại vũ khí này có thể nuôi dưỡng ảo tưởng về việc xử dụng sức mạnh nguyên tử một cách tự do hơn, trong khi thực tế việc sử dụng chúng có thể đột ngột bùng phát thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Một mô phỏng do các chuyên gia tại Đại học Princeton nghĩ ra bắt đầu với việc Matxcơva bắn một phát súng hạt nhân cảnh báo; NATO liền đáp trả bằng một cuộc tấn công nhỏ và cuộc chiến sau đó sẽ gây ra hơn 90 triệu người thương vong trong vài giờ đầu tiên.

Không có hiệp ước kiểm soát vũ khí nào quy định cho các đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ này, đôi khi được gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc phi chiến lược, vì vậy các siêu cường hạt nhân chế tạo và triển khai các vũ khí cỡ nhỏ này bao nhiêu tùy thích. Theo Hans M. Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, một nhóm tư nhân ở Washington, thì Nga có khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ này, và Hoa Kỳ có khoảng 100 ở châu Âu, con số này bị giới hạn bởi các tranh chấp chính sách trong nước và sự phức tạp về chính trị khi đặt trụ sở của NATO giữa các nước đồng minh, những quốc gia thường chống lại và phản đối sự hiện diện của vũ khí loại này.

Học thuyết chiến tranh nguyên tử của Nga được biết đến với tên gọi “từ leo thang đến giảm leo thang” - nghĩa là đoàn quân đang tháo chạy sẽ bắn ra một vũ khí hạt nhân khiến kẻ xâm lược phải khựng lại hoặc khuất phục. Moscow nhiều lần thực hành chiến thuật này trong các cuộc tập trận trên thực địa. Ví dụ, vào năm 1999, một cuộc tập trận lớn mô phỏng một cuộc tấn công của NATO vào Kaliningrad, vùng đất của Nga trên Biển Baltic. Cuộc tập trận này diễn tập các lực lượng Nga đang rối loạn và tan rã cho đến khi Moscow nã vũ khí hạt nhân vào Ba Lan và Mỹ thì họ mới củng cố lại được hàng ngũ.

Kühn thuộc Đại học Hamburg cho biết các kiểu tập trận phòng thủ của những năm 1990 đã được chuyển sang thế tấn công vào những năm 2000 khi quân đội Nga lấy lại một phần sức mạnh trước đây.

Đồng thời với chiến lược tấn công mới của mình, Nga đã bắt tay vào việc hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân, bao gồm cả những vũ khí ít hủy diệt hơn. Cũng giống như ở phương Tây, một số đầu đạn được sắp đặt để có hiệu suất nổ khác nhau, tăng hoặc giảm tùy theo tình hình quân sự.

Một trung tâm của kho vũ khí mới là Iskander-M, được triển khai lần đầu tiên vào năm 2005. Bệ phóng di động có thể bắn hai tên lửa bay xa khoảng 300 dặm. Tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường. Các số liệu của Nga cho rằng vụ nổ hạt nhân nhỏ nhất từ những tên lửa đó chỉ bằng gần một phần ba vụ nổ của quả bom ở Hiroshima.

Trước khi quân đội Nga xâm lược Ukraine, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Moscow đã triển khai các khẩu đội tên lửa Iskander ở Belarus và phía đông của nó trên lãnh thổ Nga. Không có dữ liệu công khai nào về việc liệu Nga có trang bị đầu đạn hạt nhân cho các tên lửa Iskanders hay không.

Nikolai Sokov, một cựu quan chức ngoại giao Nga từng đàm phán các hiệp ước kiểm soát vũ khí thời Liên Xô, nói rằng đầu đạn hạt nhân cũng có thể được đặt trên tên lửa hành trình, trên các loại vũ khí bay thấp, phóng từ máy bay, tàu thủy hoặc mặt đất, ôm sát địa hình địa phương để tránh bị radar đối phương phát hiện.

Từ bên trong lãnh thổ Nga, ông nói, "họ có thể bắn đến toàn bộ châu Âu," bao gồm cả Anh.

Trong nhiều năm, Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của họ đã tìm cách cạnh tranh với kho vũ khí hạt nhân nhỏ này của Nga. Nó bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước, khi Hoa Kỳ bắt đầu gửi đến các căn cứ quân sự ở Bỉ, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan cái loại bom dùng cho máy bay phản lực chiến đấu. Kühn lưu ý rằng NATO, trái ngược với Nga, không tiến hành các cuộc tập trận thực địa để chuyển từ chiến tranh thông thường sang chiến tranh hạt nhân.

Vào năm 2010, Obama, người từ lâu đã vận động cho một “thế giới không có vũ khí hạt nhân”, đã quyết định tân trang và cải tiến vũ khí của NATO, biến chúng thành những quả bom thông minh với các cánh nhỏ cơ động giúp bay trúng mục tiêu với độ chính xác cao. Đổi lại, điều đó cho phép các nhà hoạch định chiến tranh có thể giảm lực nổ của vũ khí xuống chỉ bằng 2% lực nổ của quả bom ở Hiroshima.

Vào thời điểm đó, tướng James E. Cartwright, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân dưới thời Obama, cảnh báo rằng khả năng giảm sức nổ của bom đạn sẽ khiến việc phá vỡ điều lệ cấm kỵ về hạt nhân trở nên “đáng cân nhắc hơn”. Tuy nhiên, ông ủng hộ chương trình này vì mức độ chính xác cao của sức nổ sẽ làm giảm nguy cơ thiệt hại về nhà cửa và sinh mạng của người dân. Nhưng sau nhiều năm cấp vốn và chậm trễ trong quá trình sản xuất, quả bom tân trang, được gọi là B61 Model 12, dự kiến sẽ không được triển khai ở châu Âu cho đến năm sau, Kristensen cho biết.

Theo Kristensen, việc Nga xây dựng ổn định và phản ứng chậm chạp của Mỹ đã khiến chính quyền Trump đề xuất một đầu đạn tên lửa mới vào năm 2018. Sức công phá của nó được coi là gần một nửa so với quả bom ở Hiroshima, theo Kristensen. Nó sẽ được triển khai trên hạm đội 14 của tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Mỹ.

Trong khi một số chuyên gia cảnh báo rằng quả bom, được gọi là W76 Model 2, có thể khiến tổng thống có hứng thú hơn để ra lệnh tấn công hạt nhân, thì chính quyền Trump lại cho rằng vũ khí này sẽ làm giảm nguy cơ chiến tranh vì nó sẽ khiến Nga hiểu rằng họ sẽ đối mặt thường xuyên với mối đe dọa. Vì thế loại bom này đã được triển khai vào cuối năm 2019.

“Tất cả đánh vào tâm lý - tâm lý học chết người" Ông Franklin C. Miller nói. Ông là một chuyên gia hạt nhân ủng hộ đầu đạn mới này, và trước khi rời các chức vụ ở Lầu Năm Góc và Nhà Trắng mà ông đã giữ trong ba thập kỷ. Ông nói tiếp: "Nếu đối thủ của bạn nghĩ rằng hắn ta có lợi thế chiến trường, thì bạn cố gắng thuyết phục rằng hắn ta đã sai."

Khi còn là ứng cử viên cho chức tổng thống, Biden đã gọi đầu đạn kém uy lực hơn này là một “ý tưởng tồi” khiến các tổng thống “có xu hướng tồi” thích sử dụng nó hơn. Nhưng Kristensen cho biết chính quyền Biden dường như không thể loại bỏ đầu đạn mới khỏi các tàu ngầm của nước Mỹ.

Không rõ Biden sẽ phản ứng như thế nào trước việc Putin sử dụng vũ khí hạt nhân.

Kế hoạch chiến tranh hạt nhân là một trong những bí mật được nắm giữ thâm trầm nhất của Washington. Các chuyên gia nói rằng các kế hoạch tác chiến nói chung đi từ phát súng cảnh cáo, tấn công đơn lẻ đến trả đũa nhiều lần và câu hỏi khó nhất là liệu có cách nào đáng tin cậy để ngăn xung đột leo thang hay không.

Ngay cả Clapper, cựu giám đốc tình báo quốc gia, nói rằng ông không chắc mình sẽ tư vấn cho Biden như thế nào nếu Putin tung ra vũ khí hạt nhân của mình.

"Khi nào thì ông dừng lại ?" Biden hỏi về việc trả đũa hạt nhân, thì có thể ông ấy sẽ được trả lời : “Ngài không thể chỉ tiếp tục đưa má bên kia cho người ta tát mãi. Tại một số thời điểm, chúng ta phải làm điều gì đó để trả đũa. "

Theo các chuyên gia, phản ứng của Hoa Kỳ trước một vụ bom nổ nhỏ của Nga, là họ có thể sẽ phóng một trong những đầu đạn mới từ tàu ngầm vào vùng hoang dã ở Siberia hoặc tại một căn cứ quân sự bên trong Nga… và ông Miller, cựu quan chức hạt nhân của chính phủ và là cựu chủ tịch ủy ban chính sách hạt nhân của NATO, cho biết rằng một vụ trả đũa như vậy sẽ là một cách báo hiệu cho Moscow rằng "việc gây hấn này là nghiêm trọng, rằng mọi thứ đang vượt quá tầm kiểm soát."

Các chiến lược gia quân sự cho rằng hành động ăn miếng trả miếng sẽ đẩy trách nhiệm leo thang chiến tranh trở lại cho Nga, khiến Moscow cảm thấy sức nặng đáng ngại của mình, và sự chọn lựa lý tưởng nhất là phải giữ cho tình hình không vượt quá tầm kiểm soát, bất chấp những nguy hiểm trong chiến tranh do tính toán sai lầm và tai nạn.

Trong một kịch bản đen tối hơn, Putin có thể sử dụng vũ khí nguyên tử nếu cuộc chiến ở Ukraine tràn sang các nước NATO láng giềng. Tất cả các thành viên NATO, bao gồm cả Hoa Kỳ, có nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau - có khả năng là sẽ dùng các đầu đạn hạt nhân.

Tannenwald, nữ khoa học chính trị tại Đại học Brown, tự hỏi liệu các biện pháp bảo vệ răn đe hạt nhân cũ, giờ đây bắt nguồn từ các đường lối đối lập về vũ khí ít hủy diệt hơn, có thành công trong việc giữ hòa bình hay không ?
Câu trả lời của bà là : “Chắc chắn sẽ không cảm thấy theo chiều hướng hòa bình đó trong cơn khủng hoảng."


© 2022 The New York Times Company