PDA

View Full Version : Bào thai



giahamdzui
07-14-2014, 09:18 PM
Bào Thai

Phạm Hồng Danh


“Câu chuyện để lại một thứ âm ba mãnh liệt của vùng ký ức. Là hư cấu hay là thực? Ðiều đó dường như có lúc không còn ý nghĩa.

Xin không gợi lại những “đêm nằm mộng biển” hãi hùng, không nhắc nhở những ký ức bi thương, nhọc nhằn trong cuộc hành trình tìm kiếm cơn mơ bay trên vùng trời tự do ảo. Chỉ xin mở lối cho sự quay về, chí ít cũng là ở trong tâm tưởng… Thế mới biết, có những sự ra đi cũng chính là sự quay về vậy. Ði hay Về- chỉ là một thế thôi…”



Bào Thai

Cali ngày… /

Anh thân yêu,

Hơn sáu tháng rồi từ ngày em đi. Một tháng lênh đênh trên biển. Hai tháng trên đảo hoang. Ba tháng trong bệnh viện tâm thần.

Lúc sắp bước xuống tàu, em lưỡng lự, muốn ở lại. Có tiếng người đàn bà quát lớn: “Ðồ ngựa cái. Ði thì bước lên. Không thì cút. Không có thời giờ để uốn éo ở đây đâu”. Ðể chứng tỏ mình dứt khoát, em bước lên tàu- bắt đầu cuộc hành trình dấn thân trên biển khơi.

Hình như người tài công không phải chuyên nghiệp. Ông chạy lạc hướng lòng vòng hai ba ngày mà chẳng tới đâu. Ngày thứ tư trời gặp bão. Hầu hết người trên tàu không phải là dân biển… Có người trầm tư, có kẻ cầu nguyện. Vài người khóc nức nở như sắp chết tới nơi. May mà cũng chỉ là cơn bão nhỏ…

Ngày thứ tám lại có một xui xẻo ngang tầm với cơn bão lớn. Tàu va vào đá ngầm và gãy bánh lái. Có người đã đưa ra sáng kiến lấy một phần cái vạt giường cột vào bánh lái đã gãy để làm bánh lái. Nhưng tàu vướng vào bãi đá ngầm và không ra được. Còn dầu nhưng đành phải tắt máy để con tàu chập chờn theo con sóng, mong chờ sự may mắn ngẫu nhiên. Có người đã lấy một cái áo trắng, buộc lên một cái cây cắm trên mui tàu, hy vọng có một tàu nào đó trông thấy và đến cứu.

Ðến ngày thứ 15, nước và lương thực trên tàu đã trở nên hiếm hoi. Kẻ nào uống nước hơi nhiều thì bị người khác nhìn bằng đôi mắt thù hằn. Nước bây giờ đồng nghĩa với sự sống. Kẻ nào dùng nhiều nước là kẻ đó vi phạm quyền sống của những người còn lại. Rồi lương thực cũng hết và nước cũng cạn. Người ta kiệt sức và gục ngã từ từ. Trước cái chết, con người giành nhau từng giọt nước. Chức danh, học vị, sĩ diện… họ quên hết. Người ta uống nước tiểu của họ và của người khác. Có cặp vợ chồng mới cưới, họ không nói gì cả. Nhưng qua ánh mắt họ nhìn nhau, qua vài chăm chút nhỏ nhặt, em biết họ yêu nhua vô cùng. Hình như họ hiểu nhau đến nỗi không cần nói gì. Chỉ đưa mắt nhìn nhau, rồi nhìn mọi vật xung quanh, nhìn trời nhìn biển. Lặng lẽ chia sẻ và lặng lẽ sống. Cuối cùng người vợ chết trước. Người chồng ôm ghì xác vợ trong tay và ngồi im lặng đến chết. Mọi người xung quanh cũng không ai còn đủ sức để chia sẻ với họ. Có một người đàn ông, rất nhu hoà và luôn nở nụ cười hiền lành. Ông nói ông mất niềm tin vào con người vì vợ ông ngoại tình- nên ông bỏ ra đi. Ông quỳ lạy đôi vợ chồng mới chết, lâm râm khấn vái: “Anh chị thác thiêng, xin phù hộ cho tôi được sống dù chỉ sống để đau khổ. Trong máu tôi sẽ có máu của anh chị, trong thịt tôi sẽ có thịt của anh chị…”. Rồi hắn lấy dao chặt một cánh tay của người đàn ông. Cánh tay còn rướm máu. Hắn đưa tay lên liếm những giọt máu đã gần khô. Sau đó hắn đem cánh tay nướng lên và ngồi ăn. Hắn ăn với khuôn mặt nhăn nhó, khổ sở. Ăn xong hắn lạy hai xác chết lần nữa. Rồi hắn ném hai cái xác xuống biển và nói: “Ném đi cho nhẹ thuyền và để người sống đỡ đau khổ.” Hắn nằm co quắp và ngủ li bì. Hôm sau hắn lại gào lên: “Tại ai mà tôi lâm vào nghịch cảnh này? Tại trời không có mắt? Tại vợ tôi tàn ác? Hay tại tôi hèn yếu? Tôi muốn ra đi để có ngày quay về trả thù. Lòng căm thù giúp ta nuốt hận mà sống. Nhưng đến sự thể này thì thôi. Trời sẽ không giúp ta nữa. Ta là kẻ ăn thịt người. Ha… ha…”. Hắn cười một hơi dài đầy man dại và ghê rợn rồi nhảy xuống biển tự tử… Có người nói hắn bị linh hồn người chết trừng phạt.

Từng ngày, từng ngày trôi qua… Trên tàu chỉ còn bốn người. Ba người đàn ông và em. Em múc nước biển để trong ca, lấy bọc ny-long đậy lên và đem phơi nắng. Em liếm từng giọt nhỏ nước biển bốc hơi đọng lên bịch ny-long. Ðêm khuya em lê lết khắp nơi liếm những hạt sương… Lúc đó, em không còn khái niệm gì về thời gian cả, làm mọi việc theo bản năng sinh tồn…

Ðột nhiên có một cơn mưa lớn. Bốn người cùng bừng lên những tia hy vọng trong ánh mắt, trên khuôn mặt. Chúng em đem tất cả những gì có thể đựng nước được đem ra hứng nước mưa. Lúc này, bên cạnh ranh giới của cái chết, chúng em lại thấy gần nhau.

Cuối cùng, tàu lạc vào đảo hoang. Rừng cây hứa hẹn một sự sống. Chúng em còn lớ ngớ chưa biết làm gì thì một con dã nhân xuất hiện. Nó lần lượt giết chết ba người đàn ông đã kiệt sức. Em cũng nhắm mắt chờ chết. Nhưng nó không giết em mà bồng em vào tận rừng sâu, trong một hang động ở lưng chừng ngọn núi. Nó lấy trái cây cho em ăn và nhìn em hiền lành. Em nắm cả tuần lễ mới bắt đầu hồi sức. Khi khoẻ mạnh em nhớ con người, em khao khát được cứu thoát. Ðứng trên núi có thể nhìn thấy biển. Thỉnh thoảng em nghe tiếng còi tàu hú. Nhưng hình như con dã nhân biết rằng em muốn trốn đi. Mỗi lần nghe tiếng còi tàu hay thấy bóng dáng một con tàu ở phía xa là nó chạy nhanh về động ôm ghì em lại. Hàng ngày con dã nhân đi sâu hơn vào trong rừng kiếm trái cây về nuôi em…

Một buổi sáng, khi con dã nhân vừa đi, em trốn xuống bãi biển. Ba cái xác người chỉ còn xương khô. Em nghĩ đến sự sống mong manh của mình. Có bóng dáng một con tàu ở phía xa. Em bẻ một cành cây, đứng trên mỏm đá và ra dấu. (Quần áo của em đã mục hết. Lúc này em phải che thân bằng những chiếc lá kết lại). Tim em se thắt lại khi con tàu mỗi lúc một gần hơn. Con tàu dừng lại… Một chiếc canô tiến vào. Trên canô có hai người Mỹ. Có một người mang súng. Em chạy xuống mép nước và la lớn: “Help me!”. Và không đợi họ phản ứng gì, em lội ra chỗ chiếc canô. Một người nhảy xuống nước giúp đỡ em. Khi em vừa ngồi trên canô, con dã nhân đã đuổi theo tới mép nước. Người ngồi trên canô đưa súng lên. Những tiếng nổ khủng khiếp. Con dã nhân trúng đạn. Nó đứng đó, rú lên một hồi dài đầy bi thương và man rợ trước khi gục ngã. Em nghe tim nhói đau. Em thương con dã nhân. Tiếng thét của nó còn vang vọng trong em. Em cảm nhận trong tiếng thét đó nỗi đau tuyệt vọng và một chút tình thân. Ðôi khi, trong những giấc mơ hãi hùng, em còn nghe tiếng thét đó…

Sau đó, em được đưa vào bệnh viện ở Mỹ. Bác sĩ nói em đã có thai khoảng hai tháng rưỡi. Em nói đó là một cái thai của con dã nhân và yêu cầu họ nạo. Sau khi hội ý với nhau họ đề nghị em: “Vì tinh thần khoa học, vì sự tiến bộ của loài người. Chúng tôi đề nghị cô đừng phá. Chúng tôi cần cái thai này để nghiên cứu. Chúng tôi trả cho cô 10.000 USD. Ðó là tiền thù lao sự đóng góp của cô đối với công trình nghiên cứu này”. Coi như họ đã mua cái thai và danh dự của em bằng 10.000 đô. Từ ngày đó, em trở nên điên dại và được đưa vào bệnh viện tâm thần…

Em vừa ra viện cách đây một tuần. Cái bào thai lớn dần theo ngày tháng. Thần kinh em căng thẳng quá. Ở đây người ta chăm sóc em rất đặc biệt. Nhưng em có cảm tưởng họ đối với em như một con vật. Họ thiếu lòng nhân hay em đáng bị cư xử như vậy! Ði xa, em mới thấy không nơi nào giàu tình người như ở Việt Nam. Ở đây khoảng cách giữa những con người là tiền, là sự nỗ lực một cách quyết liệt. Người ta sòng phẳng đến khủng khiếp. Nhưng sự biểu hiện rất lịch thiệp, hào nhoáng và quyến rũ…

Có lời hát nào đó “quê hương đã chết…”. Không, mọi quê hương đều bất tử. Quê hương có thể điêu tàn hay khởi sắc tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử… bây giờ em thấy mỗi góc đời có một nét đẹp riêng, dù là nét đẹp đầy bi thương. Ở xa nhìn về quê hương em mới thấy Việt Nam đẹp lắm, nét đẹp vừa đau đớn vừa kiêu hùng. Em thương anh, cặm cụi một đời với những ý niệm cao siêu mà không lo nổi cho mẹ, không lo nổi cho em, không giữ nổi em…

Em gửi cho anh 5000 đô- số tiền của nửa cái bào thai đáng lẽ là của anh…

° ° °

Tôi lặng người. Tôi nhớ hình ảnh căn phòng chỉ có hai người và tiếng nhạc dập dìu. Thanh nói: “Em muốn có con với anh”. Tôi muốn lắm, nhưng tôi sợ Thanh khổ, sợ con mình lạc loài. Thanh đã quyết định vượt biên. Tôi đã ngăn bằng tất cả sức lực của mình. Nhưng Thanh cương quyết: “Thà anh giết em còn hơn…”. Thanh nhiều tham vọng. Nàng không chấp nhận một cuộc đời bình thường, ngày làm tám tiếng chỉ vừa đủ ăn. Thanh thường nói: “Em cảm tưởng em sống như con vật”. Thanh muốn tìm một thế giới khác để sống như một con người. Nhưng bây giờ Thanh viết: “không nơi nào giàu tình người như ở Việt Nam”. Ðồng lương giáo viên của tôi không đủ để nàng yên tâm làm người. Lúc nào nàng cũng nghĩ là nàng chưa sống như một con người. Tôi hiểu cái gọi là đúng nghĩa một con người của nàng chỉ là ảo tưởng. Nhưng tôi vẫn bị nàng thuyết phục một phần. Những điều nàng vẽ vời sao giống thiên đường. Dẫu biết thiên đường không có thật sao tôi vẫn thèm. Có lần tôi nói: “Tình yêu của anh không đủ giữ em ở lại sao?” Thanh đáp: “Tình yêu của anh chỉ là hư ảo, phù phiếm. Anh quá nặng về ý tưởng và linh hồn. Không có thân xác linh hồn lấy gì trú ngụ. Không có máu thịt làm sao anh rung động. Không có não tủy làm sao anh tư duy…”. Tôi giữ cho nàng sự trinh bạch để cuối cùng nó bị vùi dập bởi một con dã nhân xa lạ. Cái bào thai theo thư nàng tin là “của con dã nhân”:- nhưng liệu khoa học có chấp nhận thứ chuyện lạ chỉ có trong cổ tích đó không? Và các bác sỹ đã mua thứ chuyện lạ đó tới 10.000 đô đã kết luận như thế nào sau khi xét nghiệm. Dầu sao đối với tôi và đối với nàng, điều đó có gì khác nhau trong hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận mà không ai có thể làm chủ được bản thân? Mới gần đây tôi đã nếm trải lần đầu tiên với một thiếu phụ goá chồng. Tôi đã buông thả linh hồn trôi dạt trong biển cả hoang lạc của thân xác đầy bí ẩn, thâm sâu… Sự kết hợp khập khiễng vẫn đánh thức trong tôi vài điều gì đó. Tôi nhớ những lời nàng nói. Tôi nhớ cái nhìn vừa tha thiết, vừa mời gọi, vừa oán trách của nàng trong buổi chiều cuối cùng… Tôi nhớ đến một giấc mơ. Trong mơ tôi thấy mình đứng chơ vơ trền đồi thông. Một bên là vực sâu, một bên là gió lộng và phía chân trời là ánh nắng chói chang. Tôi thảng thốt kêu lên “Thanh ơi…”. Tôi không biết nàng trốn ở đâu? Dưới vực sâu hay trên đỉnh cây thông lấp loáng nắng…

Tôi tin Thanh sẽ trở về… không phải để tìm tôi mà để tìm gặp lại chính nàng thời thơ trẻ… Tìm lại phần đời mà nàng đã ngộ nhận…

1992