PDA

View Full Version : Hãy bóc trần sự tàn ác và phi lý của Trung Cộng



duyanh
01-02-2022, 02:41 PM
Hãy bóc trần sự tàn ác và phi lý của Trung Cộng





https://img.etviet.com/2022/01/1-1.jpeg (https://img.etviet.com/2022/01/1-1.jpeg)

Các nhà hoạt động, bao gồm các thành viên của cộng đồng người Hồng Kông, Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ tại địa phương, giương cao cờ hiệu và các biểu ngữ kêu gọi chính phủ Úc tẩy chay Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 vì hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, tại Melbourne, Úc, hôm 23/06/2021. (Ảnh: William West/AFP/Getty Images)

Tẩy chay các cuộc bầu cử ngụy tạo của Hồng Kông, Thế vận hội Diệt chủng, và Trả tự do cho cô Bành Soái.

Nghệ sĩ bất đồng chính kiến người Hoa đang lưu vong Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) đã viết trong cuốn hồi ký mới của mình rằng, “Đừng bao giờ quên rằng, dưới một hệ thống toàn trị, sự tàn ác và phi lý luôn song hành cùng nhau”.

Ông ấy hoàn toàn đúng.

Trong tuần lễ từ ngày 29/11 đến ngày 05/12, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đã bắt đầu đàm luận về dân chủ. Trên thực tế, Hội đồng Nhà nước của Đảng này đã công bố một bạch thư khẳng định mình là một “nền dân chủ toàn diện”.

Liệu có nhầm lẫn gì không vậy? Cách nói này về mặt đạo đức mà xét thì là tàn nhẫn — mang tính xúc phạm — còn xét về mặt trí tuệ thì quả là phi lý.

Nếu không phải là vì những bằng hữu của tôi đang bị tù đày ở Hồng Kông hoặc đang chịu đựng thống khổ trong các trại tập trung ở Tân Cương, nếu không phải là vì các mục sư Cơ Đốc Giáo người Trung Quốc bị bỏ tù vì đức tin của họ, các học viên Pháp Luân Công bị tra tấn và thu hoạch nội tạng cưỡng bức, các Phật tử Tây Tạng bị bắt hoàn tục và bị đàn áp, hay các nhà hoạt động xã hội dân sự và các ký giả công dân bị truy lùng do đã tiết lộ sự thật về những thất bại và sự suy đồi của chính quyền Trung Quốc, tôi sẽ chỉ biết cười mà thôi. Đây giống như một câu chuyện khôi hài vậy. Nhưng bởi vì những hậu quả này là từ các chính sách của một trong những chế độ toàn trị tàn bạo nhất, tàn nhẫn nhất, giả dối nhất, tà ác nhất, và có tính đàn áp nhất trên thế giới, cho nên tôi không thể nào cười được. Bởi đó là một trò đùa bệnh hoạn.

Trước tiên, hãy bóc tách những tuyên bố nực cười của Bắc Kinh về nền dân chủ, đồng thời đặt ra một số câu hỏi và trả lời cho những câu hỏi này.
Liệu có các cuộc bầu cử tự do, công bằng, đa đảng ở Trung Quốc không? Xin thưa là không.
Liệu có các cuộc thăm dò ý kiến đích thực, độc lập hay không? Xin thưa là không.
Liệu mọi người có thể tự do bày tỏ một quan điểm mà không lo sợ bị bắt giữ, tra tấn, và mất tích hay không? Xin thưa là không.
Liệu rằng có tồn tại một nền tư pháp độc lập cho rằng nghi phạm vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, rồi sau đó được xét xử công bằng, không ai được phép đứng trên luật pháp hay không? Xin thưa là không.
Liệu có một kênh truyền thông độc lập nào có thể giám sát, đưa tin, và bày tỏ các quan điểm một cách tự do hay không? Xin thưa là không.
Liệu có tồn tại một xã hội dân sự tự do, trong đó các nhà hoạt động có thể buộc chính phủ phải chịu trách nhiệm hay không? Xin thưa là không.
Liệu có tồn tại sự tra tấn trên diện rộng, một cách có hệ thống, và tàn ác hay không? Xin thưa là có.

Liệu có các trại giam giữ với lao động cưỡng bức, bạo lực tình dục, và những điều kiện [sống] kinh khủng trong các trại cải tạo lao động kiểu ngục tù Gulag hay không? Xin thưa là có.

Liệu các địa điểm thờ phượng có bị chính quyền phá hủy hoặc bôi nhọ trên một quy mô lớn hay không? Xin thưa là có.
Có phải nhiều người đã mất tích hoặc đã tử vong trong tù chỉ vì bày tỏ một quan điểm hay tiết lộ một số sự thật hoặc các cáo buộc mà nhà cầm quyền này cảm thấy khó chịu hay không? Xin thưa là có.

Quý vị chỉ cần nhìn vào trường hợp của ngôi sao quần vợt Trung Quốc, cô Bành Soái mà thôi. Sau khi cáo buộc một lãnh đạo cao cấp của Trung Cộng đã lạm dụng tình dục mình, cô đã bặt vô âm tín. Thay vì kẻ bạo hành cô phải chịu trách nhiệm, thì chính cô Bành lại bị buộc phải thú nhận trước công chúng, bị bắt ép rút lại cáo buộc của mình, và buộc phải xuất hiện trước công chúng trong các kịch bản video được dàn dựng — trong một bữa ăn tối với huấn luyện viên của cô, trên sân quần vợt trong một trận đấu, và trong một buổi tiếp kiến với chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), ông Thomas Bach.

Hiển nhiên mọi người đều hiểu một điều rằng những lần xuất hiện này không hề tự nhiên và không được tự do — và thật không may, ông Peter Dahlin đã mô tả đúng, ông Bach — dù hữu ý hay vô ý — chính là một tòng phạm. Bất chấp những lần xuất hiện được dàn dựng của cô ấy, cô Bành không hề có sự tự do. Chúng ta không ngừng kêu gọi mỗi ngày với hashtag #WhereIsPengShuai (#BànhSoáiỞđâu) và yêu cầu #FreePengShuai (#TrảTựdochoBànhSoái).

https://img.etviet.com/2022/01/2-1.jpeg (https://img.etviet.com/2022/01/2-1.jpeg)

Bức ảnh ghép cho thấy tay vợt Bành Soái của Trung Quốc trong trận đấu vòng một đơn nữ tại giải quần vợt Úc Mở rộng ở Melbourne vào ngày 16/01/2017; và Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ trong một chuyến thăm Nga tại Diễn đàn Đầu tư Quốc tế Saint Petersburg ở Saint Petersburg hôm 18/06/2015. (Ảnh: Paul Crock và Alexander Zemlianichenko/AFP/Getty Images)

Sau đó là Hồng Kông, nơi mà quyền tự do đã bị hủy hoại ngay trước mắt mọi người. Thành phố này hiện đang phải đối mặt với cái gọi là một cuộc bầu cử mới — một cuộc bầu cử phá bỏ quy định [vốn có của một cuộc bầu cử] và nên được diễn đạt lại là “tuyển trạch” — vào ngày 19/12, cho cơ quan lập pháp tay sai, hủ bại, và bù nhìn của thành phố này.

Kể từ khi Hồng Kông được trao trả vào năm 1997, Bắc Kinh vốn luôn chiếm đa số ghế cố định trong cơ quan lập pháp dân chủ một phần của Hồng Kông. Tuy nhiên chiến thắng của phe ủng hộ dân chủ trong các cuộc bầu cử hội đồng cấp quận cách đây hai năm, đã khiến ông Tập Cận Bình lo sợ đến nỗi các nhà lập pháp thân Bắc Kinh đã quyết định loại trừ và trục xuất toàn bộ các nhà lập pháp ủng hộ phe dân chủ hồi năm ngoái, đồng thời đưa ra một hệ thống bầu cử mới có thể biến Hội đồng Lập pháp của Hồng Kông thành một nhánh địa phương của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc.

Nói cách khác, hệ thống này gian lận đến mức một phiếu bầu đích thực lại không có giá trị gì cả. Kết quả của cuộc bầu cử hôm 19/12 đã được định trước. Kết quả duy nhất được chờ đợi là liệu có phải đa số ghế chiếm tỷ lệ 90%, 95%, hay 99.9% sẽ dành cho Trung Cộng và phe cánh của họ hay không.

Tệ hơn nữa, có những gợi ý cho rằng việc bỏ phiếu trắng có thể bị coi là phạm tội theo Luật An ninh Quốc gia hà khắc và mơ hồ một cách phi lý của nhà cầm quyền này, do Bắc Kinh áp đặt vào ngày 01/07/2020. Vì thế, người dân Hồng Kông không thể bỏ phiếu cho các ứng cử viên đối lập, và đối mặt với nguy cơ ngồi tù nếu họ làm hỏng các phiếu bầu của mình. Thường thì tôi không kêu gọi mọi người tránh xa thùng phiếu, nhưng nhân dịp này, tôi đồng ý với ông bạn của tôi là anh La Quán Thông (Nathan Law), người đã đứng ra kêu gọi người dân Hồng Kông hãy ở nhà. Anh ấy đã đúng. Tại sao phải mạo hiểm để hợp pháp hóa một quy trình không có bất kỳ sự tín nhiệm nào và điều đó có thể khiến quý vị phải ngồi tù nếu bỏ phiếu sai cách? Thay vào đó, hãy đi xem một bộ phim.

Mới đây, một tòa án luận tội độc lập do Ngài Geoffrey Nice QC làm chủ tọa, một luật sư người Anh, người đã truy tố cựu Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic, sẽ đưa ra phán quyết về việc liệu những hành động tàn bạo gây ra đối với người Duy Ngô Nhĩ (https://etviet.com/tag/duy-ngo-nhi) có cấu thành tội diệt chủng (https://etviet.com/tag/toi-diet-chung) hay không. Đây là một phán quyết mà tất cả chúng ta đều mong đợi, bởi vì phán quyết này sẽ là ý kiến bán tư pháp đầu tiên.

Các nghị viện từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm Canada, Hà Lan, Bỉ, Cộng hòa Séc, Anh Quốc, và Hoa Kỳ — kể cả cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Ngoại trưởng đương nhiệm Anthony Blinken — đều đã tuyên bố đây là một tội ác diệt chủng. Nhưng có một số người lập luận rằng không có một tòa án nào công nhận điều này. Vấn đề là không có tòa án quốc tế nào theo hệ thống hiện tại có thể làm như vậy, vì vậy cần có một tòa án nhân dân độc lập.

Hãy xem họ đã kết luận những gì. Sự sáng suốt của một quy trình do vị công tố viên từng chủ trì vụ truy tố ông Milosevic dẫn đầu — người có kinh nghiệm và thông thạo về luật pháp quốc tế — cần phải được xem xét một cách nghiêm túc.

https://img.etviet.com/2022/01/3.jpeg (https://img.etviet.com/2022/01/3.jpeg)

Ngài Geoffrey Nice QC, chủ tọa Tòa án Luận tội Trung Quốc về thu hoạch nội tạng cưỡng bức vào ngày đầu tiên của các phiên điều trần công khai ở London hôm 08/12/2018. (Ảnh: Justin Palmer)

Cuối cùng là câu hỏi về Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, chưa đầy hai tháng nữa là khai mạc.

Cá nhân tôi nghĩ rằng thật đáng xấu hổ khi IOC đã cho phép Thế vận hội này diễn ra. Việc phá hủy nền dân chủ ở Hồng Kông trong hai năm qua, các báo cáo về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức trong nhiều năm, các cáo buộc ngày càng nhiều về tội ác diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, đàn áp diễn ra hàng thập niên qua ở Tây Tạng, cuộc bức hại tiếp diễn và ngày càng gia tăng đối với các tín đồ Cơ đốc giáo, cuộc thanh trừng giới truyền thông, các luật sư, những người bất đồng chính kiến, và xã hội dân sự, cũng như sự biến mất của các nhân vật của công chúng, khi những sự việc này được liên kết với nhau, sẽ dẫn đến một quyết định chuyển việc đăng cai Thế vận hội này cho một nước chủ nhà khác. Sự biến mất của luật sư Cao Trí Thịnh, vụ bắt cóc công dân Thụy Điển gốc Hoa Quế Mẫn Hải ở Thái Lan, nữ diễn viên Triệu Vy, và tỷ phú Jack Ma, trong số nhiều người khác, lẽ ra đã phải khiến cộng đồng quốc tế phải dừng lại để suy ngẫm.

Nếu không có dũng khí bộc phát của IOC vào phút cuối, thì rõ ràng là bất kỳ đại diện nào của thế giới tự do, dân chủ đều không nên tham gia vào Thế vận hội này dưới mọi hình thức — không một đại diện từ chính phủ nào, không có sự góp mặt của bất cứ hoàng gia nào dù chỉ là một vương quốc nhỏ bé, hay bất cứ một nhà ngoại giao nào, dù là người có cấp bậc thấp nhất. Xin thưa là không.

Nhưng đó là ở mức tối thiểu. Không một người tiêu dùng, hay không một khán giả nào nên tham gia vào các Thế vận hội Diệt chủng này. Người hâm mộ nên tẩy chay các nhãn hàng tài trợ. Và giới truyền thông nên nhân cơ hội này để nói về những tội ác của Trung Cộng, nhà cầm quyền đăng cai Thế vận hội này, thay vì — hoặc ít ra là vậy — [nói về] chính các môn thể thao đó. Chúng ta phải bảo đảm rằng các phân cảnh trên màn ảnh truyền hình của chúng ta không bị tẩy trắng bằng các môn thể thao trên tuyết, nhưng lại bị nhuốm máu bởi các hành động tàn bạo của nhà cầm quyền nước chủ nhà.

Trong những tháng tới, chúng ta còn nhiều việc phải làm. Nếu chúng ta tin vào tự do và nhân quyền, thì chúng ta không được coi sự tuyên truyền và những lời xảo ngôn của Bắc Kinh, các cuộc bầu cử ngụy tạo ở Hồng Kông, hay Thế vận hội Mùa đông nực cười như một sự đã rồi. Thật vậy, trận chiến này chỉ mới bắt đầu.
Bây giờ hoặc không bao giờ (‘carpe diem time’). Hãy phơi bày cho cả thế giới biết sự thật về sự tàn ác và phi lý của Trung Cộng.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.


https://fedsoc-cms-public.s3.amazonaws.com/headshots/IOJLdV3Irag9W7Lp7YD0kzlyjUVbuAe5bcfhjgit.jpeg (https://fedsoc-cms-public.s3.amazonaws.com/headshots/IOJLdV3Irag9W7Lp7YD0kzlyjUVbuAe5bcfhjgit.jpeg)

Ông Benedict Rogers là một nhà hoạt động nhân quyền và là một nhà văn. Ông là người đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của tổ chức bất vụ lợi Hồng Kông Watch, nhà phân tích cao cấp về Đông Á tại tổ chức nhân quyền quốc tế CSW, là người đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh Quốc, và là thành viên của nhóm cố vấn Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC), Liên minh Quốc tế Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc và Chiến dịch Chấm dứt Diệt chủng Người Duy Ngô Nhĩ.


Benedict Rogers
Biên dịch : Doanh Doanh