PDA

View Full Version : Lục quân Hoa Kỳ tuyển quân liên tục bất chấp đại dịch, lệnh chích ngừa, các lo ngại về chính trị



duyanh
12-10-2021, 01:33 PM
Lục quân Hoa Kỳ tuyển quân liên tục bất chấp đại dịch, lệnh chích ngừa, các lo ngại về chính trị





https://img.etviet.com/2021/12/1-15.jpg (https://img.etviet.com/2021/12/1-15.jpg)

Các binh sĩ của Lực lượng Vệ binh Quốc gia đi ngang qua một mẩu tin tuyển quân cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia tại Hoa Thịnh Đốn, hôm 19/01/2021. (Ảnh: Nathan Howard/Getty Images)

Các nhà tuyển quân của Lục quân Hoa Kỳ đã thích ứng hoàn toàn với hoạt động tiếp cận trực tuyến trong đại dịch, nhưng hãy còn quá sớm để biết được liệu lệnh chích ngừa bắt buộc và cuộc rút lui thất bại khỏi Afghanistan có ảnh hưởng đến việc tuyển quân trong tương lai hay không.

Khi lực lượng Lục quân Hoa Kỳ tuyển quân, họ đã xoay sở để vượt quá các chỉ tiêu tuyển quân trong năm nay bất chấp đại dịch, các lo ngại về việc chính trị hóa, và lệnh bắt buộc chích ngừa COVID-19.
Dẫu cho đại dịch này buộc các nhà tuyển quân của quân chủng lớn nhất quốc gia này phải thích ứng, các vấn đề khác không mấy ảnh hưởng đến công việc của họ — ít nhất là chưa, theo The Epoch Times được biết từ các cuộc phỏng vấn với các cựu sĩ quan, cũng như các sĩ quan đang tại ngũ hoặc các sĩ quan Lục quân tương lai.
Đại dịch này đã làm gián đoạn nghiêm trọng việc tuyển quân, đặc biệt là ở những khu vực có nhiều hạn chế nghiêm ngặt hơn.
“Chúng tôi đã phải hủy bỏ rất nhiều buổi tuyển quân trực tiếp, chúng tôi đã phải hủy bỏ các chương trình tiếp cận cộng đồng và những công việc khác mà chúng tôi từng làm và đã phải thực hiện rất nhiều nỗ lực trong việc tuyển quân trực tuyến,” Tướng John Cushing, phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Tuyển dụng Lục quân Hoa Kỳ (USAREC) cho biết.
Đây là một nhiệm vụ khó khăn vì Lục quân luôn chủ yếu dựa vào việc gặp gỡ trực tiếp để thu hút nhân tài.
“Tuyển dụng hiệu quả nhất là khi mặt đối mặt trực tiếp và quý vị có thể cảm nhận được đối phương cũng như về những người mà quý vị đang tuyển dụng,” Trung tá Brandon Oliveira, chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm tại Tiểu đoàn Tuyển dụng Lục quân Phoenix ở Arizona cho biết.

Ông đã đảm nhận vai trò này từ khoảng cuối tháng 06/2020, “đúng vào thời kỳ đỉnh điểm khi mọi nơi đều đã phong tỏa hoàn toàn,” ông bày tỏ với The Epoch Times.

Ông cho biết “Mọi thứ rất bí bách,” nhưng điều đó đã thúc đẩy sự đổi mới.

Lục quân Hoa Kỳ nhận thấy rằng khoảng 90% quy trình tuyển quân của họ có thể được hoàn thành trực tuyến. Các nhà tuyển quân tập trung vào việc gọi điện thoại, gọi video, và thu hút ứng viên trên mạng xã hội, ông Cushing nói với The Epoch Times.

Các trụ sở tuyển quân đã đầu tư những nguồn lực đáng kể để tìm ra cách Thế hệ Z (những người chào đời trong khoảng thời gian từ giữa thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010) hoạt động trên mạng xã hội và cách tốt nhất để tiếp cận với họ. Họ đã phát triển một khóa đào tạo truyền thông xã hội kéo dài 50 giờ cho các nhà tuyển quân, những người đã thiết lập tài khoản trên Instagram và Snapchat, cũng như bắt đầu thử nghiệm việc lan truyền thông tin cho nhiều người.

Nỗ lực này do Bộ phận Tuyển quân Trực tuyến tại trụ sở chính dẫn đầu, họ đã làm việc với các Trạm Tuyển quân Trực tuyến cấp tiểu đoàn, mỗi trạm gồm một số người chỉ hoạt động tương tác trên các kênh truyền thông xã hội. Sau khi có được ứng viên quan tâm đến việc nhập ngũ, họ sẽ chuyển ứng viên này đến trạm tuyển quân gần nhất.

Trên thực tế, đó không phải là điều dễ dàng.


https://img.etviet.com/2021/12/2-15.jpg (https://img.etviet.com/2021/12/2-15.jpg)

Trung sĩ Andy Sosa tại Trạm Tuyển quân của Lục quân Hoa Kỳ ở Washington Heights, Thành phố New York, hôm 19/11/2021. (Ảnh: Petr Svab/The Epoch Times)

Thế hệ Z

Tất cả các nhà tuyển quân đều là hạ sĩ quan (NCO) — và mang quân hàm trung sĩ nhất trở lên. Ông Oliveira cho biết cần có thời gian để vươn lên những cấp bậc đó và vì thế thường có sự cách biệt về thế hệ.

“Các sĩ quan đều thuộc Thế hệ Millennials hoặc Thế hệ X, nghĩa là chúng tôi không phải là người am hiểu mạng xã hội, vì vậy, chúng tôi đã phải học hỏi rất nhiều và chúng tôi đang gặp khó khăn với điều này.”

Mục tiêu là tạo ra các video “rất đáng để xem nhưng cũng mang tính giáo dục. Và đó không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng nhất để thực hiện,” ông cho biết.

Theo ông Cushing, một thách thức khác là giới trẻ ngày nay không thực hiện các cam kết lâu dài một cách chóng vánh.

“Họ là một thế hệ biết chờ đợi,” nhưng “họ không nghĩ xa hơn khoảng thời gian vài năm,” ông nói.
Các sĩ quan đã nhiều lần nhấn mạnh về vấn đề giáo dục.
“Trình độ học vấn, mức độ hiểu biết, và sự minh bạch về mọi thứ mà Lục quân cung cấp chắc chắn đã bị giảm sút,” ông Cushing cho biết, lưu ý rằng khoảng một nửa số đối tượng mục tiêu được tuyển chọn có “rất ít kiến thức về Lục quân.”
Ông Oliveira không thấy có xu hướng như thế, nhưng thừa nhận “rằng rất nhiều điều về Lục quân mà các ứng viên chưa biết trước khi tiếp xúc với một NCO tuyển quân.”

Đây có thể là một trong những nguyên nhân vì sao các cuộc thăm dò của Lục quân và những nguồn khác chỉ cho thấy có khoảng 10% giới trẻ cảm thấy bản thân có khả năng sẽ nhập ngũ vào một thời điểm nào đó. Năm duy nhất được ghi nhận có khuynh hướng nhập ngũ tệ hơn mức đó là năm 2007, với con số này ở mức 9%, nữ phát ngôn viên Kelli Bland của Bộ Tư lệnh Tuyển dụng Lục quân viết trong một email gửi tới The Epoch Times.

Ông Cushing cho biết, cũng có thể tồn tại các yếu tố khác.


https://img.etviet.com/2021/12/3-7.jpg (https://img.etviet.com/2021/12/3-7.jpg)

Một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ chích vaccine Moderna ngừa COVID-19 tại Doanh trại Foster ở Ginowan, Nhật Bản, hôm 28/04/2021. (Ảnh: Carl Court/Getty Images)

Vaccine và chính trị

“Quý vị không thể bỏ qua tất cả những điều đã xảy ra ở đất nước chúng ta trong suốt một năm qua, cho dù đó là một số vấn đề về COVID hay tình hình bất ổn xã hội hoặc một số phong trào xung quanh cuộc rút lui khỏi Afghanistan,” ông Cushing cho biết.
Sau sự cố tại Điện Capitol hôm 06/01, một số viên chỉ huy quân sự hàng đầu đã khởi xướng một chiến dịch trấn áp “chủ nghĩa da trắng thượng đẳng” trong quân ngũ, làm dấy lên các lo ngại về một nỗ lực của các cấp cao hơn nhằm thanh trừng những người bất đồng chính kiến trong quân đội bằng cách gán cho họ là “những người theo chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng.”
Một số người đã coi lệnh bắt buộc chích ngừa COVID-19 cho các quân nhân là nhằm để phục vụ cho một mục đích tương tự, vì sự phản đối các loại vaccine mới là phổ biến hơn ở những người có khuynh hướng bảo tồn truyền thống.
Một số cựu binh nói với The Epoch Times rằng, họ không khuyến nghị nhập ngũ vào thời điểm này. Trước đây, một sĩ quan Lục quân đã nói với The Epoch Times rằng tư duy chính trị [thức tỉnh] đang ngấm vào các cấp chỉ huy thấp hơn, những người đã từng giữ vững sự trung lập về chính trị.
Tuy nhiên, các chỉ huy và sĩ quan tuyển quân từng tiếp nhận phỏng vấn với The Epoch Times cho biết, họ không coi đây là rào cản lớn cho việc nhập ngũ.
“Chúng tôi thực sự không nói về những chủ đề đó,” ông Cushing nói.
Một số NCO tuyển quân tại một trạm tuyển quân ở Washington Heights của Manhattan cho biết, họ chưa gặp phải những vấn đề như vậy.
“Những người nộp đơn chủ yếu thường hỏi rằng: Họ có bị bắt buộc chích ngừa hay không? Và câu trả lời là có,” Trung tá Harold Morris, người đứng đầu Tiểu đoàn Tuyển quân Thành phố New York cho biết.
Ông Oliveira, người làm việc trong một khu vực bảo thủ hơn, thừa nhận có một số người phản đối.
“Chúng tôi đã có những người trẻ quyết định không gia nhập quân đội vì họ không chắc về vaccine,” ông nói, mặc dù ông lưu ý rằng ông “chỉ nghe nói về một số ít trường hợp.”
Ông nói: “Nếu quý vị nhìn vào sứ mệnh tuyển quân trung bình khoảng 200 người mỗi tháng của chúng tôi, thì quý vị chỉ thấy khoảng từ 1 đến 2 trường hợp như vậy.”
“Điều này có gây ảnh hưởng, nhưng không ở mức độ tàn phá.” Những lo ngại về môi trường chính trị trong quân đội cũng đã xuất hiện.
“Tất nhiên, chúng tôi đã trải nghiệm điều đó. Chúng tôi đã có những người nói rằng họ sẽ không gia nhập quân đội tại thời điểm này vì chính trị,” ông Oliveira cho biết.
Tuy nhiên, chủ yếu là các thế hệ lớn hơn đưa ra chủ đề này.
“Họ như thể mở lòng hơn và thú thật rằng, ‘Cảm ơn vì những gì bạn đang làm. Tôi không biết làm thế nào bạn có thể thực hiện những việc đang làm với tất cả tình trạng hỗn loạn tại vào lúc này,’” ông cho biết.
Ông Oliveira nói rằng chính trị vẫn cần phải bị phớt lờ khi phục vụ [trong quân đội].
“Chúng tôi nhập ngũ vì một công việc và chúng tôi đang thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất có thể. Đối với hầu hết các vấn đề, chúng tôi điều chỉnh chúng khi đang phục vụ trong lực lượng. Chúng tôi không tham gia vào chính trị.”

Nhiều sĩ quan cho biết các tân binh thường hỏi về những vấn đề thực tế như mức lương, phúc lợi, nhà ở, và ngày nghỉ.

Ông Oliveira chia các tân binh thành hai nhóm lớn. Một nhóm là những người xuất thân từ gia đình quân nhân. Họ nhận thấy ảnh hưởng tích cực của quân đội đối với người thân của mình và quyết định cũng tham gia.

Nhóm còn lại là những người “tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ từ trải nghiệm này,” ông cho biết.

“Họ muốn phiêu lưu, họ muốn thay đổi nhịp sống, họ muốn rời khỏi quê hương của mình, hoặc họ muốn kiếm tiền để học đại học.”

‘Tôi vẫn có thể làm được’

Anh Eddie Tabar, một huấn luyện viên thể hình cá nhân (PT) ở Washington Heights, gần đây đã nộp đơn ứng tuyển của mình. Anh đã hai lần đi nghĩa vụ quân sự từ năm 2007 đến năm 2011, và hiện tại, với một đứa con sắp chào đời, anh muốn được nhận lại mức lương trong Quân đội mà mình đã đạt được.

“Tôi muốn có thể dành những điều tốt nhất cho con mình,” anh bày tỏ với The Epoch Times.
https://img.etviet.com/2021/12/4-6-e1639032929532.jpg (https://img.etviet.com/2021/12/4-6-e1639032929532.jpg)

Anh Eddie Tabar, một cựu binh Lục quân Hoa Kỳ, người gần đây đã quyết định tái nhập ngũ, tại Trạm Tuyển quân của Lục quân Hoa Kỳ ở Washington Heights, Thành phố New York, hôm 19/11/2021. (Ảnh: Petr Svab/The Epoch Times)

Khi chuẩn bị nhập ngũ lần đầu, anh có rất nhiều lý do.

“Tôi không biết phải học gì ở trường đại học,” anh cho biết.

Nhưng đó cũng là “truyền thống gia đình”, vì anh trai và cha của anh cũng từng phục vụ trong quân đội. Anh đã trở thành một đầu bếp trong Lục quân — một công việc khó khăn đáng ngạc nhiên với rất ít thời gian nghỉ, vì mọi người luôn đói.

Một trong những điều anh trân trọng nhất khi phục vụ trong quân đội là tình bằng hữu mà anh đã có được.
Anh nhớ lại một lần vào năm 2009 ở Iraq, khi anh và một người lính khác bị lạc trong một cơn bão cát bất ngờ.
“Bạn không nhận được cảnh báo. Đôi khi, nó đến rất nhanh,” anh nhấn mạnh.

Đây là “bước ngoặt” của anh, anh nói, khi anh nhận ra [việc gia nhập] quân đội đã cho phép anh tìm thấy những người mà anh có thể trông cậy. “Chúng tôi đã tin tưởng lẫn nhau, chúng tôi đã cố gắng tìm đường về, chúng tôi không ngồi đó và phàn nàn, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua hoạn nạn.”
Tuy vậy vẫn tồn tại một số nhược điểm.

Văn hóa của Lục quân khiến mọi thứ đến giới hạn tối đa của một người. Sau khi trở lại cuộc sống bình thường, anh Tabar phải học cách giảm bớt cường độ đó. “Nó quá căng thẳng,” anh cho biết.

Việc phục vụ trong quân đội cũng đã để lại một biến chứng cho sức khỏe của anh. “Tôi bị mất ngủ.”
Anh đã phải học cách để giải quyết tình trạng này và nhìn chung trải nghiệm trong Lục quân của anh vẫn rất tích cực. Hiện tại, anh đang nghĩ đến [việc phục vụ] ít nhất 4 năm nữa, có lẽ là trong lĩnh vực hậu cần cung ứng.

“Tôi cảm thấy tôi vẫn có thể làm được,” anh cho biết.

Đánh trúng mục tiêu

Một số sĩ quan thừa nhận rằng những người với các mối lo ngại về chính trị và các lệnh chích ngừa bắt buộc có thể sẽ không tiếp xúc với các nhà tuyển quân ngay từ đầu. Nếu đúng như vậy, thì điều này vẫn chưa phải là một hiện tượng đủ lớn để ảnh hưởng đến hạn ngạch của họ.

“Quân số của chúng tôi, về xu hướng nhập ngũ của các ứng viên, chúng tôi không thấy có sự thay đổi đáng kể, vì vậy nếu có những người không nhập ngũ vì họ lo lắng về vaccine, ước tính của chúng tôi cho thấy những con số đó rất nhỏ,” ông Morris nói với The Epoch Times.
Lục quân đã vượt qua chỉ tiêu năm 2021 một chút — với hơn 57,000 binh sĩ tại ngũ — thấp hơn khoảng 5% so với chỉ tiêu của năm trước, do việc duy trì [quân số] được chú trọng hơn trong đại dịch. Việc tuyển quân ở các tiểu bang nghiêng về Đảng Cộng Hòa không giảm sút nhiều, dựa trên dữ liệu do phát ngôn viên Bland cung cấp.

Lục quân duy trì quân số từ tháng Chín năm này đến tháng Chín năm sau. Phần lớn tranh cãi về chính trị hóa quân đội chỉ nổ ra sau khi chính phủ Tổng thống Biden lên nắm quyền kể từ tháng Một. Cuộc rút quân khỏi Afghanistan diễn ra hồi tháng Tám, cùng thời điểm với thông báo về lệnh chích ngừa bắt buộc. Do đó, có thể còn quá sớm để đánh giá tác động của những sự kiện này đối với việc tuyển quân.

Việc đạt được mục tiêu cho thấy những nỗ lực [tuyển quân] của Lục quân cuối cùng đã có tác dụng.

Thông qua quá trình thực hành và gặp phải sự cố, các NCO cuối cùng đã phát hiện ra nội dung nào hiệu quả và nội dung nào không.
Ông Oliveira cho biết: “Chúng tôi đã có một số nội dung thực sự trở thành xu hướng và thu hút người nộp đơn.”
Nhiều sĩ quan đã nhắc đến các video về thi chống đẩy trong số các video thành công.

“Thành thật mà nói, theo cách thức cũ của Lục quân, chúng tôi đã tìm ra một cách để tiếp tục sứ mệnh của mình và đã làm khá tốt, và theo nhiều cách, [chúng tôi] đã học hỏi được rất nhiều điều về bản thân và đạt được một số hiệu quả về sự hiện diện trực tuyến cũng như sự hiện diện trên mạng xã hội của mình, và những điều tương tự như vậy,” ông Cushing cho biết.
Ra đường lần nữa

Khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng, Lục quân đã dần quay lại phương thức tuyển dụng tiêu chuẩn của mình. Một số sĩ quan vui mừng với việc được ra đường lần nữa. Tuy nhiên, những người khác có thể cần có động lực để bước ra khỏi nhà, ông Cushing nhấn mạnh.
“Chúng tôi phải quay trở lại và đào tạo, huấn luyện các NCO của chúng tôi để ra ngoài và không ngại ra ngoài để thực hiện các hoạt động sàng lọc cũng như tuyển dụng trực tiếp và quay trở lại đường phố.”

Các NCO của Phoenix hiện đã có thể trở lại các trường học và “điều này đang tạo ra sự khác biệt,” ông Oliveira cho biết.
“Đó không phải là một mối lợi trước mắt nếu chúng tôi tham dự một sự kiện thể thao hoặc một sự kiện của trường trung học địa phương. Nhưng chúng tôi đang xây dựng lại mối liên kết đó để có thể chiêu mộ học sinh cho quân đội khi các em bắt đầu bước vào năm cuối trung học hoặc đại học,” ông cho biết. “Sẽ chỉ mất một chút thời gian để thực sự trở lại 100%.”

Bên cạnh những hạn chế của riêng mình, Lục quân vẫn cần tuân thủ các hạn chế COVID-19 của địa phương. Đặc biệt, các quy định bắt buộc về việc đeo khẩu trang đã khiến công việc tuyển dụng trở nên khó khăn hơn.

Ông Oliveira bày tỏ: “Chúng tôi đang làm việc trong lĩnh vực quan hệ và thật khó để tạo mối liên kết với ai đó khi quý vị chưa bao giờ gặp họ và quý vị bị che mất một nửa khuôn mặt.”

Tuy nhiên, việc tuyển quân trên các phương tiện truyền thông xã hội vẫn sẽ được duy trì.
Ông cho biết, “Các phương tiện truyền thông xã hội có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội như Instagram và TikTok và các nền tảng khác, tất cả đều ở đây để tồn tại lâu dài và những NCO tuyển quân tốt nhất của chúng tôi, họ biết cách tận dụng điều đó và thu hút những người trẻ, cả nam và nữ, thông qua các nền tảng đó.”


Petr Svab - Doanh Doanh