PDA

View Full Version : Bà Merkel thừa nhận Đức có thể đã quá ngây thơ trước Trung Quốc



duyanh
11-18-2021, 02:17 PM
Bà Merkel thừa nhận Đức có thể đã quá ngây thơ trước Trung Quốc




https://img.ntdvn.net/2021/11/ntdvn_merkel.jpg

Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Chip Somodevilla/Getty Images)

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận rằng, thời đầu, Đức có thể đã quá ngây thơ khi hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, bà khẳng định rằng không nên vì để ứng phó với tình hình ngày một căng thẳng hiện nay mà cắt đứt mọi quan hệ.

Vào ngày 17/11, bà Merkel đã nêu quan điểm về chính sách Trung Quốc của mình trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters. "Có lẽ, ban đầu chúng tôi đã quá ngây thơ trong cách tiếp cận đối với một số quan hệ đối tác hợp tác", bà nói.

Bà còn cho biết: "Những ngày này chúng tôi đã xem xét kỹ hơn, và đúng là như vậy".

Trong 16 năm làm thủ tướng, bà Merkel luôn tuân thủ chính sách thân Trung Quốc, chính sách này cũng khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức, đồng thời cũng ảnh hưởng đến chính sách Trung Quốc của Châu Âu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nước Châu Âu bắt đầu có nhiều bất mãn với Trung Quốc về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hoạt động gián điệp. Xu hướng chung hiện nay của quốc tế và Châu Âu dường như cũng ảnh hưởng đến Đức.

Vào tháng 8 năm nay, khi hơn một chục quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Canada và Úc… tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung gần Biển Đông và eo biển Đài Loan, đồng thời đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ tới Bắc Kinh, lần đầu tiên Đức cũng gửi một tàu chiến tới Biển Đông sau gần 20 năm. Điều này cho thấy, chính phủ bà Merkel đã nhận ra rằng Trung Quốc là một mối đe dọa đối với thế giới, bao gồm cả nước Đức.

Nước Đức cũng bị chỉ trích vì quá phụ thuộc vào Trung Quốc, do đó đã im lặng trước những vi phạm nhân quyền của chế độ Bắc Kinh. Chính phủ bà Merkel cho biết, nữ thủ tướng luôn giải quyết các vấn đề nhân quyền trong các chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh, và không dưới 12 lần.

Đức cũng không hoàn toàn vắng bóng trong các hành động tập thể của Châu Âu. Ví dụ, vào tháng 3 năm nay, Liên minh Châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hành vi bức hại tại các trại tập trung Tân Cương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cách đây vài tháng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhiều lần tuyên bố rằng họ coi ĐCSTQ là mối đe dọa. Đức cũng là thành viên của EU và NATO.

Mặc dù lần này bà Merkel đưa ra thừa nhận trên, nhưng bà nói rằng Đức và EU vẫn nên tiếp tục hợp tác với Trung Quốc và học hỏi lẫn nhau. Bà nói, "Việc tách rời hoàn toàn có thể không đúng và sẽ gây hại cho chúng ta”.

Nhà bình luận thời sự người Hoa, ông Tần Bằng (Qin Peng) cho biết trên kênh cá nhân rằng: “Điều này có nghĩa là Đức và Trung Quốc sẽ tách rời một phần. Đức vẫn có thể có lựa chọn khi đối đầu với ĐCSTQ. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây không nhất định hoàn toàn là quan điểm của chính phủ mới, bởi vì chính phủ của bà Merkel hiện là chính phủ chuyển tiếp, và bà ấy vẫn đang bày tỏ ý kiến ​​của mình”.

Bà Merkel đã không tái tranh cử vào tháng 9 năm ngoái. Trước khi thành lập chính phủ liên minh mới, nội các của bà hoạt động như một chính phủ chuyển tiếp. Và một số thành viên tiềm năng của chính phủ mới sắp tới chủ trương thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

Vào tháng 8 năm nay, tạp chí Chính trị Quốc tế (Internationale Politik) của Đức đã ủy thác cho cơ quan nghiên cứu dư luận Forsa thực hiện một cuộc khảo sát về Trung Quốc. Kết quả, 75% người dân Đức cho rằng chính phủ liên bang nên có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và bảo vệ lợi ích của chính mình một cách tích cực hơn. Có thể thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến đảng của bà Merkel về vị trí thứ 2 trong cuộc bầu cử hôm 26/9 là vì người dân cho rằng đảng của bà yếu thế trước ĐCSTQ.

Đông Phương
Theo Epoch Times tiếng Trung