PDA

View Full Version : Tình hình COVID-19: Indonesia dự báo đại dịch sẽ kéo dài 5-10 năm



giavui
10-07-2021, 10:08 PM
Tình hình COVID-19: Indonesia dự báo đại dịch sẽ kéo dài 5-10 năm



Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 6/10, thế giới ghi nhận thêm khoảng 376.304 ca mắc COVID-19 mới và 6.359 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 226.627.407 ca, trong đó có khoảng 4.578.680 người thiệt mạng.


https://trithucvn.org/wp-content/uploads/2021/06/IFRC-Dich-benh-COVID-19-o-Indonesia-dang-den-gan-bo-vuc-tham-hoa-1.jpg

(Ảnh minh họa: Par Debora Himawan/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 6/10, thế giới có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 105 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.


Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước bị ảnh hưởng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ (44.838.447 ca) tương đương 1/5 số ca nhiễm thế giới, trong khi số ca tử vong (726.034 ca) tương đương hơn 1/6 số ca tử vong trên thế giới. Ấn Độ hiện đứng thứ 2 về số ca nhiễm (hơn 33,8 triệu ca), Brazil đứng thứ 2 về số ca tử vong (hơn 598.000 ca).

Nga ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục

Nga ghi nhận 929 ca tử vong, số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số người không qua khỏi ở nước này lên hơn 212.000 ca. Số ca mắc mới tiếp tục tăng trong ngày thứ 5 liên tiếp với hơn 25.000 ca, đưa tổng số ca nhiễm của nước này lên trên 7,6 triệu ca. Đặc biệt, thủ đô Moskva có gần 3.600 ca mới, thành phố St. Peterburg có hơn 2.100 ca mới.

Indonesia dự báo đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài 5-10 năm

Ngày 6/10, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ còn kéo dài ngắn nhất là 5 năm, trung bình là 10 năm, thậm chí cả hàng trăm năm.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến, Bộ trưởng Budi cho biết hầu hết đại dịch có đặc điểm chung là kéo dài, ngắn nhất là 5 năm, thông thường là trên 10 năm, thậm chí hàng trăm năm như bệnh đậu mùa và bại liệt. Tuy nhiên, ông Budi dự báo rằng vẫn có khả năng đại dịch COVID-19 sẽ trở thành một loại bệnh đặc hữu nếu chính phủ và người dân hợp tác thực hiện một số chiến lược như tăng cường xét nghiệm, truy vết và điều trị (3T).

Cùng với việc tăng tốc tiêm vắc-xin cho 70% dân số, người dân cần duy trì kỷ luật trong việc thực hiện quy định y tế 3M (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và duy trì khoảng cách). Ông Budi khẳng định rằng đại dịch COVID-19 tại Indonesia có thể trở thành bệnh đặc hữu vào năm 2022 nếu người dân và chính phủ có thể ứng phó với đợt bùng phát tiềm ẩn sau kỳ nghỉ lể Giáng sinh và năm mới sắp tới.

Tính đến ngày 6/10, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 4.221.610 ca mắc COVID-19, trong đó 142.338 ca tử vong và 29.823 bệnh nhân hiện đang điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly tại nhà. Theo Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia, số ca mắc mới đã giảm mạnh trong 11 tuần qua. Một số bệnh viện địa phương tuyên bố hiện không còn bệnh nhân COVID-19.

Nhiều quốc gia đặt mua thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19

Ngày 6/10, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết nước này đã đạt thỏa thuận mua 20.000 liệu trình thuốc viên Molnupiravir do hãng Merck & Co bào chế để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Cùng ngày 6/10, Merck & Co thông báo đã ký thỏa thuận với Singapore về việc cung cấp thuốc Molnupiravir, sau Úc. Trong khi đó, Thái Lan, Đài Loan và Malaysia cho biết đang đàm phán để mua loại thuốc này. Merck & Co cho biết hãng này có kế hoạch đặt mức giá phù hợp với mức thu nhập của mỗi quốc gia.

Hiện Chính phủ Mỹ đã đặt mua 1,7 triệu liệu trình với giá 700 USD cho một liệu trình điều trị bệnh COVID-19.

Trong khi đó, tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết nước này sẽ thảo luận về việc có cần mua số lượng lớn thuốc Molnupiravir hay không. Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh Đức luôn đảm bảo việc tiếp cận các liệu pháp điều trị COVID-19 hiệu quả.

Thuốc Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck & Co của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức cùng phối hợp nghiên cứu phát triển. Đây là một thuốc kháng virus sử dụng qua đường uống và được phát triển để điều trị cúm. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tăng cường đặt mua Molnupiravir sau khi đại diện của Merck & Co ngày 1/10 thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 với 775 bệnh nhân, theo đó, thuốc có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và tử vong.


Ngoài ra, thuốc cũng có hiệu quả với các biến thể của virus corona như Gamma, Delta và Mu. Hiện Merck & Co và đối tác đang xúc tiến nộp đơn lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này, và nhiều khả năng Molnupiravir sẽ là loại thuốc viên kháng virus đầu tiên được dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19. Merck đặt mục tiêu tới cuối năm nay sẽ sản xuất được 10 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir.

Phan Anh (tổng hợp)