PDA

View Full Version : Khủng hoảng ngoại giao Pháp - Mỹ : Thế cô lập của Paris



duyanh
09-21-2021, 12:38 PM
Khủng hoảng ngoại giao Pháp - Mỹ : Thế cô lập của Paris






https://s.rfi.fr/media/display/4c878c32-18c1-11ec-afc0-005056bfb2b6/w:1280/p:16x9/phpad7pXr.webp (https://s.rfi.fr/media/display/4c878c32-18c1-11ec-afc0-005056bfb2b6/w:1280/p:16x9/phpad7pXr.webp)

Tổng thống Pháp Macron (T) và đồng nhiệm Mỹ Biden trước cuộc họp của NATO, Bruxelles, ngày 14/06/2021. © BRENDAN SMIALOWSKI / AFP

Paris có thể trông cậy vào những đối tác nào để vượt qua « cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng giữa Pháp và các nước đồng minh truyền thống » Anh, Mỹ và Úc ? Sau khi Paris triệu hồi đại sứ tại Washington và Canberra để phán đối việc Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp, rồi hủy cuộc họp với bộ trưởng Quốc Phòng Anh, giới phân tích nói đến « thế cô lập » của Paris trên bàn cờ quan hệ quốc tế.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ không đến New York tham dự cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày mai 21/09/2021, mà chỉ cử ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đại diện, trong bối cảnh căng thẳng giữa Pháp và các đồng minh truyền thống phương Tây, sau quyết định Anh, Mỹ và Úc thành lập liên minh quân sự trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương (AUKUS) và Canberra hủy hợp đồng mùa tàu ngầm của Pháp. Hiện giờ ngoại trưởng Pháp không dự trù các buổi làm việc bên lề khóa họp của Liên Hiệp Quốc lần này với các đồng sự trong liên minh AUKUS.

Trả lời AFP, Bertrand Badie, giáo sư quan hệ quốc tế trường Khoa Học Chính Trị Paris Sciences Po, lưu ý Pháp cần phải « tìm ra một lối thoát », bởi vì sau quyết định triệu hồi đại sứ tại Canberra và Washington, sớm muộn gì các vị đại sứ này cũng phải quay lại nhiệm sở. Cái khó ở đây, theo giáo sư Badie, là làm thế nào hàn gắn sự đổ vỡ mà « tránh tạo cảm tưởng là Pháp phải nhượng bộ và tránh để bị mất mặt ». Do vậy, thái độ cứng rắn của Paris hiện nay với Washington bị xem là một nước cờ « đầy rủi ro ».

Ngoại trưởng Le Drian mạnh mẽ chỉ trích các đồng minh « dối trá », xem thường Paris và nhất là đã ngấm ngầm đàm phán về một quyết định chiến lược trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương … Nhưng các đối tác thân thiết nhất của Pháp trong Liên Âu đã hoàn toàn im lặng. Một tuần lễ trước ngày bầu cử Quốc Hội, chuẩn bị sang trang 16 năm dưới thời thủ tướng Merkel, Đức đã kiệm lời với tuyên bố tối thiểu là « ghi nhận » khủng hoảng Pháp-Mỹ.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế Célia Belin, Viện nghiên cứu Brookings Institutions, trụ sở tại Washington, phân tích : Trong một cuộc khủng hoảng với tầm mức nghiêm trọng như lần này, hơn bao giờ hết « Pháp cần tập trung vào châu Âu, cần bảo đảm là được các nước trong Liên Âu yểm trợ ». Vấn đề là « Liên Hiệp Châu Âu đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết trong chính sách đối ngoại », đặc biệt là đối với Hoa Kỳ, như đánh giá của giáo sư trường Khoa Học Chính Trị Paris Bertrand Badie.

Hợp đồng tàu ngầm Pháp - Úc không liên quan đến các thành viên khác trong Liên Âu và trong khối này, Pháp là quốc gia duy nhất có quyền lợi và trọng lượng trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Trong khi đó, như giáo sư Badie ghi nhận, các nước Đông Âu cần dựa vào Mỹ trước mối đe dọa tiềm tàng là Nga. Bản thân nước Đức cũng không muốn làm phật lòng Hoa Kỳ. Tất cả những điều đó đi ngược lại với tham vọng của Pháp : Liên Âu tự chủ về chiến lược.

Bài toán càng thêm nan giải vào lúc Paris chuẩn bị giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu kể từ đầu tháng Giêng 2022 và tổng thống Emmanuel Macron chuẩn bị tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ.





RFI