PDA

View Full Version : Afghanistan: Mỹ lo ngại IS tấn công sân bay Kabul



giavui
08-23-2021, 09:38 PM
Afghanistan: Mỹ lo ngại IS tấn công sân bay Kabul





https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/10EBE/production/_120201396_tv069635033.jpg (https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/10EBE/production/_120201396_tv069635033.jpg)

Quân Mỹ hiện đang kiểm soát sân bay quốc tế ở Kabul

Mỹ cảnh báo công dân tránh xa sân bay Kabul giữa lúc có các lo ngại về khả năng chi nhánh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan thực hiện tấn công.

Một cảnh báo an ninh hôm thứ Bảy đã kêu gọi công dân Hoa Kỳ tránh xa nơi này do có thể có "các mối đe dọa an ninh phía bên ngoài cổng".
Theo cảnh báo, chỉ những người được đại diện của chính phủ Hoa Kỳ chỉ định thực hiện chuyến hành trình mới nên đến đây.

Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết đang theo dõi diễn biến và xem xét các tuyến đường thay thế.

Không có thêm chi tiết nào được đưa ra liên quan đến mối đe dọa tiềm tàng về một cuộc tấn công của IS và nhóm này cũng không công khai đe dọa tấn công ở Kabul.
Khuyến cáo của Mỹ hôm thứ Bảy được đưa ra trong bối cảnh hỗn loạn tiếp diễn bên ngoài nhà ga sân bay và có thông tin về việc một số người đã bị nghiền nát giữa lúc hàng nghìn người cố gắng trốn khỏi Afghanistan sau khi Taliban tiếp quản.
Nhóm chiến binh này đã càn quét khắp đất nước và chiếm được thủ đô Kabul cách đây một tuần.

Đám đông đã tụ tập hàng ngày với hy vọng được phép lên các chuyến bay. Những người từng làm việc cho Mỹ và đồng minh của Mỹ, cũng như những người đã vận động về các vấn đề như nhân quyền, lo ngại có thể đối mặt với việc Taliban trả đũa nếu họ không thể rời đi.
Hiện vẫn chưa rõ chính xác những gì đã xảy ra tại các cổng sân bay vào thứ Bảy.

Tuy nhiên, phóng viên trưởng Stuart Ramsay của Sky News cho biết có một số người khi đứng trước đám đông hàng nghìn người đã bị "đè chết" và binh lính Anh đã kéo những người gặp nguy hiểm ra khỏi đám đông.
Ông mô tả đó là "ngày tồi tệ nhất cho đến nay" và cho rằng có người đã chết tại hiện trường.

Trong cuộc họp giao ban hôm thứ Bảy, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết 17.000 người đã được máy bay chở khỏi sân bay, trong đó có khoảng 2.500 công dân Mỹ.

Một quan chức cho biết "một số ít" người Mỹ và Afghanistan mà Mỹ muốn sơ tán đã bị sách nhiễu. Trong một số trường hợp, họ đã bị hành hung trên đường đến sân bay.

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sau đó nói với BBC rằng họ đã ban hành hướng dẫn để tránh việc tập trung đông người bên ngoài cổng sân bay.

Điều này cũng xuất phát từ thực tế là hiện cơ quan ngoại giao Mỹ đã có khả năng giao tiếp với công dân Hoa Kỳ "theo từng cá nhân" để cung cấp cho họ "hướng dẫn phù hợp cho mỗi người" về cách đi lại, người phát ngôn này cho biết.
Các quốc gia khác cũng đã cảnh báo về tình hình trên thực địa.

Chính phủ Đức ra thông báo cho biết sân bay này vẫn "cực kỳ nguy hiểm và thường không thể tiếp cận được", trong khi Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ thông báo tình hình an ninh đã "xấu đi đáng kể trong vài giờ qua" và hoãn một chuyến bay sơ tán từ Kabul.

Lực lượng Mỹ hiện đang kiểm soát sân bay quốc tế. Họ đang giúp sơ tán công dân của họ và của các quốc gia khác, bao gồm cả những người Afghanistan đã làm việc cho các lực lượng phương Tây và lo sợ cho sự an toàn của bản thân dưới thời Taliban.
Nhưng Mỹ đã ấn định ngày rút quân là 31/8 và không rõ điều gì sẽ xảy ra sau ngày này.


https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1C2A/production/_120201270_hi069650662.jpg (https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1C2A/production/_120201270_hi069650662.jpg)

Lực lượng an ninh tìm cách ngăn chặn đám đông tràn vào sân bay Kabul


Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết một số quốc gia thuộc liên minh này đã đề xuất rằng sân bay Kabul vẫn mở cửa cho các cuộc sơ tán sau ngày 31/8 để cho phép họ đưa thêm người ra ngoài.

BBC hiểu rằng Vương quốc Anh là một trong những quốc gia này và đang yêu cầu gia hạn thêm vài ngày.

Một số quốc gia lo ngại sẽ không thể sơ tán tất cả công dân của họ, hoặc tất cả những người Afghanistan mà họ tin là đang gặp nguy hiểm, trong khi họ phải vật lộn để xử lý tất cả những người xếp hàng tại sân bay và tăng số lượng các chuyến bay sơ tán.
Josep Borrell, người đứng đầu cơ quan chính sách đối ngoại của EU, nói với hãng tin AFP rằng các phép tính toán cho thấy việc Mỹ sơ tán tất cả người Afghanistan có giấy phép ra đi trước ngày 31/8 là "không thể".
Phía EU đã "phàn nàn" với Mỹ rằng lực lượng an ninh của Mỹ quá khắt khe và đang ngăn những người Afghanistan làm việc cho châu Âu vào sân bay, ông nói.

Phát biểu tại một cuộc mít tinh ở bang Alabama tại Mỹ hôm thứ Bảy, cựu Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Joe Biden xử lý "vụng về" việc trong việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, mô tả đây là "màn trình diễn đáng kinh ngạc nhất về sự kém cỏi của một nhà lãnh đạo quốc gia".

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố "bất kỳ người Mỹ nào muốn trở về nhà, chúng tôi sẽ đưa bạn về nhà". Nhưng ông thừa nhận cuộc sơ tán "không phải là không có nguy cơ mất mát" khi nói rằng đây là "một trong những cuộc di tản lớn nhất, khó khăn nhất trong lịch sử". Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair - người đã đưa quân đội Anh vào Afghanistan cách đây 20 năm - mô tả quyết định rút khỏi Afghanistan của ông Biden là "vô nghĩa... bi thảm, nguy hiểm và không cần thiết".

Trong bình luận công khai đầu tiên kể từ khi Taliban chiếm Kabul vào Chủ nhật tuần trước được công bố trên website cơ quan của ông Blair, ông nói rằng Vương quốc Anh có "nghĩa vụ đạo đức" ở lại đất nước này cho đến khi "tất cả những người cần sơ tán được sơ tán hết".
Giữa lúc đó, Taliban đang cố gắng củng cố quyền kiểm soát tại Afghanistan.

Mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập tổ chức này, hiện đã đến Kabul và chuẩn bị tham gia các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới.

Ông này hiện là thủ lĩnh Taliban cao cấp nhất ở nước này và có khả năng trở thành nhân vật hàng đầu trong bất kỳ chính phủ nào do Taliban lãnh đạo.
Một quan chức Taliban nói với hãng tin Reuters rằng họ hy vọng sẽ có một mô hình quản lý Afghanistan trong vòng vài tuần tới.
Đó sẽ không phải là một nền dân chủ như ở phương Tây nhưng sẽ "bảo vệ quyền của mọi người", ông ta nói với hãng tin.
Ông Baradar đã ký một thỏa thuận với Mỹ vào năm 2020, trong đó Mỹ đồng ý rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan.


BBC