PDA

View Full Version : Thông điệp đằng sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Anh



giavui
07-24-2021, 11:12 PM
Thông điệp đằng sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Anh




https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/message-behind-the-visit-of-uk-defense-minister-07242021074234.html/@@images/3f8cc257-4c6c-4aa1-97c0-dbdd4fcb39ca.jpeg (https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/message-behind-the-visit-of-uk-defense-minister-07242021074234.html/@@images/3f8cc257-4c6c-4aa1-97c0-dbdd4fcb39ca.jpeg)

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và Bộ trưởng Quốc phòng VN Phan Văn Giang duyệt đội danh dự hôm 22/7/2021 tại Hà Nội - Quân Đội Nhân Dân

Anh thể hiện vai trò tích cực ở biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace đã có chuyến viếng thăm Hà Nội hôm 22/7, bày tỏ hy vọng thắt chặt hợp tác với Việt Nam trong tương lai. Trong bài phát biểu của mình tại đây, ông ta nhấn mạnh: “Chuyến thăm này là cơ hội tuyệt vời để thảo luận về những thách thức an ninh chung với Việt Nam, đồng thời thắt chặt hợp tác quốc phòng.”

Chuyến thăm Việt Nam là chặng cuối trong chuyến công du châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Wallace, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Thông báo của Đại sứ quán Anh viết: “Chuyến thăm đã khẳng định chiến lược hướng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Vương quốc Anh và cam kết của Anh trong việc mở rộng quan hệ quốc phòng với những đối tác quan trọng trong khu vực nhằm giải quyết các mối đe dọa chung.”

Trước đó, Anh cũng đã triển khai hai tàu chiến tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Kế hoạch đã được Anh và Nhật Bản tiết lộ trong một thông báo chung khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace gặp người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi tại Tokyo hôm 20/7. Thông báo này được đưa ra trong khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh và các tàu hộ tống dự kiến sẽ đến Nhật Bản vào tháng 9 tới sau khi đi qua Biển Hoa Đông và Biển Đông - nơi Trung Quốc đang phô trương sức mạnh cạnh tranh ảnh hưởng với Nhật Bản và Mỹ.
Theo Đại sứ quán Anh tại Tokyo, tàu chiến của Anh sẽ không có một căn cứ thường trực, nhưng tàu sân bay này – vốn đang chở theo các tiêm kích tàng hình F-35B trong chuyến hải trình đầu tiên của mình - sẽ cập cảng Yokosuka - nơi có Bộ chỉ huy hạm đội Nhật Bản và tàu sân bay USS Ronald Reagan.


https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/2021-07-01t112555z_225686907_rc2mbo9jch5j_rtrmadp_3_britai n-cyprus-navy.jpg/@@images/7913c311-da3c-4c7f-826c-48d09eaca9f8.jpeg (https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/2021-07-01t112555z_225686907_rc2mbo9jch5j_rtrmadp_3_britai n-cyprus-navy.jpg/@@images/7913c311-da3c-4c7f-826c-48d09eaca9f8.jpeg)

Máy bay chiến đấu F-35B trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh ở cảng Limassol, Cyprus hôm 1/7/2021. Reuters


Tìm lại quá khứ ở Đông Nam Á

Từng ở vị thế thống trị trên toàn châu Á, đến nay, vai trò của các cường quốc châu Âu tại khu vực này ngày càng trở nên mờ nhạt hơn trước. Mối quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á với các nước châu Âu từng đô hộ họ, chẳng hạn như Philippines và Việt Nam với Tây Ban Nha và Pháp, Anh với Singapore, Malaysia hiện đang bị lu mờ trước các diễn viên khác trên sân khấu chính trị thế giới như Mỹ và Trung Quốc.

Đầu thế kỷ 21, trọng tâm chính trị thế giới đã dịch chuyển về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này bao gồm những “người khổng lồ đang thức dậy” như Trung Quốc, Ấn Độ, ngoài ra còn sự xuất hiện đầy ấn tượng của các quốc gia Đông Nam Á.

Vào tháng 3/2021, Chính phủ Anh đã công bố một bản tóm tắt chính sách rộng rãi nhưng không quá chi tiết mang tên "Nước Anh toàn cầu trong thời đại cạnh tranh", trong đó phác thảo nơi bắt đầu tái định hướng quốc tế của Anh. Trong khi bản tóm tắt dành một vài đoạn văn cho châu Âu và Mỹ, toàn bộ phần còn lại phác thảo khuôn khổ cho một “góc nghiêng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, để triển khai chiến lược hướng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đồng thời, gần đây, Anh đã đăng ký làm Đối tác đối thoại của ASEAN, thúc đẩy đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Sự quan tâm đặc biệt này đối với khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có nhiều lý do. Lý do thứ nhất là liên quan đến việc Anh đang tìm cách tiếp cận với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao của khu vực này. Di sản của Đế chế Anh là vai trò nổi bật của nước này trong các tổ chức quốc tế hùng mạnh như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Mỹ.

Từ vị thế có sức mạnh tương đối đó, Chính phủ của Thủ tướng Johnson đang tìm cách lấy lại một số ảnh hưởng của Vương quốc Anh với tư cách là một cường quốc toàn cầu và là người bảo đảm trật tự quốc tế.

Lý do thứ hai tác động rất lớn đến sự quan tâm của nước Anh và cũng của châu Âu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là việc Trung Quốc đang phô trương sức mạnh nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với phần lớn biển Biển Đông, thách thức luật pháp quốc tế.

Mặc dù châu Âu xa cách về mặt địa lý, nhưng việc giữ cho biển Đông không xảy ra khủng hoảng hay xung đột chắc chắn có lợi cho họ. Theo ước tính, có tới 40% hoạt động thương mại bên ngoài của châu Âu đi qua khu vực này, khiến các tuyến thông tin liên lạc biển tự do và an toàn trở thành yếu tố không thể thiếu đối với kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, ngoài những mối quan ngại về duy trì các tuyến thương mại biển, việc tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì trật tự dựa trên quy tắc là những trụ cột căn bản đối với hệ thống quản trị cũng như với khuôn khổ và hình thức can dự bên ngoài của châu Âu.
Tại Hội nghị bộ trưởng ASEAN-EU tháng 9/2020, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nhấn mạnh: “Chúng ta không thể cho phép các quốc gia đơn phương làm suy yếu luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải ở biển Đông, qua đó đe dọa nghiêm trọng tới sự phát triển hòa bình của khu vực”. Tuyên bố này phù hợp với lập trường nhất quán của châu Âu về tranh chấp biển Đông, kêu gọi một giải pháp hòa bình và lên tiếng chỉ trích những hành động và yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Những gì bộ ba của châu Âu gồm Pháp, Đức và Anh đã làm là kiềm chế Trung Quốc bằng cách nhắc lại tầm quan trọng trên hết của luật pháp quốc tế. Trong một hành động chưa từng có tiền lệ, ba nước trên đã gửi công hàm chung tới Liên hợp quốc vào tháng 9/2020, nhấn mạnh tầm quan trọng của một trật tự tự do và rộng mở ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Anh là một trong năm cường quốc trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vì vậy, điều đó có nghĩa là hai thành viên của Hội đồng Bảo an đang cùng nhau chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy, và thực tế này có thể sẽ làm suy giảm nghiêm trọng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh trong cộng đồng quốc tế.


https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/2021-07-20t063410z_850927910_rc25oo9esy4l_rtrmadp_3_japan-britain.jpg/@@images/0a37c64d-9199-43cf-8b32-04718c1b21e4.jpeg (https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/2021-07-20t063410z_850927910_rc25oo9esy4l_rtrmadp_3_japan-britain.jpg/@@images/0a37c64d-9199-43cf-8b32-04718c1b21e4.jpeg)

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga ở Tokyo, Nhật Bản hôm 20/7/2021. Reuters


Việt Nam và các nước Đông Nam Á cần làm gì?

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Anh đã cho thấy vai trò nổi bật của Việt Nam cùng khu vực Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cũng cho biết rằng: “Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam- Đại tướng Phan Văn Giang, hai bên đã thảo luận về quan hệ quốc phòng song phương, bao gồm an ninh hàng hải. Bộ trưởng Wallace khẳng định mối quan hệ song phương giữa Vương quốc Anh và Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ dưới Hiệp định mới về đối tác chiến lược mà trong đó, quốc phòng và an ninh là một trong những trọng tâm”.

Còn trong cuộc gặp với Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, hai bên đã thảo luận về các cơ hội tăng cường quan hệ song phương. Bộ trưởng Quốc phòng Anh hoan nghênh sự hỗ trợ của Việt Nam để Anh trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN. Điều này sẽ mở ra cơ hội để thắt chặt hơn nữa hợp tác quốc phòng của Anh với khu vực Đông Nam Á.

Như vậy, cho đến nay, sự can dự ngày càng mạnh mẽ cho thấy việc Anh và các nước châu Âu khác đang tích cực tham gia các vấn đề an ninh của Đông Nam Á đã khiến Trung Quốc khó có thể thúc đẩy lập luận rằng các tranh chấp trên biển trong khu vực chỉ là vấn đề song phương giữa nước này với các quốc gia Đông Nam Á khác, và các quốc gia bên ngoài khu vực nên đứng ngoài. Điều quan trọng là Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác liên quan đến vấn đề biển Đông cần tận dụng các lợi thế này, thúc đẩy các sáng kiến về biển Đông để có thể cùng với nhiều cường quốc tạo ra một áp lực khiến Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tham gia đàm phán một cách thiện chí để có thể đi tới một COC thực chất và hiệu quả, giảm thiểu các hành động hung hăng và khả năng đối đầu trên biển Đông.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.