PDA

View Full Version : Vì sao kinh tế thị trường là một đầu tàu không biết ngừng lại?



Vô Niệm
10-05-2010, 09:32 PM
Vì sao kinh tế thị trường là một đầu tàu không biết ngừng lại?


Nguyễn Hoài Vân

Vấn đề của kinh tế thị trường là nó luôn phải gia tăng sản xuất. Lý do như sau : Khi một xí nghiệp sản xuất một món hàng, thì giá trị của món hàng ấy được coi như tương ứng với số lượng thời gian làm việc để tạo ra nó. Khi xí nghiệp này đầu tư vào việc gia tăng năng xuất để làm ra 110 thay vì 100 món hàng với một số lượng thời gian làm việc nhất định, thì giá trị của mỗi món hàng bị giảm đi. Giá bán của nó cũng giảm. Số tiền thu được cho mỗi món hàng giảm đi, khiến cho xí nghiệp có thể không đủ thu hoạch để bù lại cho việc đầu tư vào sự gia tăng năng xuất. Giải pháp cho tình trạng này là lại cố tăng thêm năng xuất để hy vọng với số hàng sản xuất nhiều hơn nữa, với cùng số lượng thời gian làm việc, sẽ giúp cho nhà đầu tư gia tăng thu nhập để bù lại số vốn đầu tư, cộng thêm lợi nhuận. Sự gia tăng năng xuất mới này khiến giá trị của mỗi món hàng lại giảm thêm đi, giá bán của nó sụt thêm xuống, cùng với số tiền nó đem lại cho nhà đầu tư. Kết quả là lại phải tiếp tục nâng cao năng xuất, tìm lợi nhuận trên số nhiều, tạo nên một vòng luẩn quẩn . Vì thế chúng ta có một đầu tàu không ngừng lao tới, mà không có khả năng ngừng lại. Thật vậy, một xí nghiệp giảm sản xuất là một xí nghiệp đang hấp hối.

Việc chạy đua sản xuất như thế khiến kinh tế thị trường luôn phải mở rộng tầm ảnh hưởng của nó, để tiêu thụ tất cả hàng hóa nó sản xuất ra. Sự bắt buộc mở rộng tầm ảnh hưởng của mình mang ý nghĩa một cuộc chiến sống còn với tất cả những gì có thể cản trở sự bành trướng ấy. Xí nghiệp trong cuộc chạy đua này phải chiến đấu không những với các xí nghiệp cạnh tranh, mà cả với những cấu trúc xã hội, nghiệp đoàn, chính quyền, luật pháp, và nhất là thiên nhiên, vì những yếu tố này đều có thể cản trở nó. Đó là tình trạng chiến tranh của tất cả chống lại tất cả.

Nhu cầu gia tăng năng xuất cũng khiến cho các xí nghiệp không ngừng đầu tư vào những phương tiện kỹ thuật. Máy móc, kỹ thuật, càng làm thêm được nhiều công việc thì xí nghiệp càng bớt cần đến việc làm của nhân công. Hậu quả rất dễ nhận ra là nạn thất nghiệp. Giải pháp là tạo công việc trong lãnh vực dịch vụ, nhưng giải pháp này có những giới hạn của nó. Mặt khác, sự tăng trưởng của phú hữu qua máy móc, kỹ thuật, có nghĩa là sự gia tăng giàu có ấy chỉ dành cho những người có vốn, có khả năng đầu tư vào máy móc, kỹ thuật. Người làm công chỉ có phú hữu đặt trên căn bản sức làm việc của mình, nên chỉ tham gia vào sự gia tăng giàu có này một cách tương đối khiêm nhượng, qua tiết kiệm. Đó là một trong những lý do khiến cho phú hữu càng ngày càng tập trung vào tay những người có nhiều vốn.

Thật ra, hiểm nguy rõ rệt nhất cho cái đầu tàu chỉ biết lao tới này là khánh tận tài nguyên thiên nhiên và tạo ô nhiễm, tàn phá môi sinh. Cứ lao tới, đến một lúc nào đó sẽ không còn nguyên liệu nữa, và môi trường sống của con người sẽ ô nhiễm đến mức không còn chịu đựng nổi Ngay cả đến lúc ấy, con tàu của chúng ta cũng sẽ không ngừng lại được, vì bản chất của nó là luôn lao tới trước mặt. Cái thắng duy nhất có thể quan niệm được là quyền lực chính trị đến từ các chính quyền và từ xã hội công dân. Tuy nhiên, ai cản trở nổi kinh tế thị trường khi nó chính là động cơ đem cơm áo đến cho đa số con người trên thế giới? Một số ít người giàu sẽ mơ tưởng đến việc bảo vệ môi sinh. Nhưng trước mặt họ sẽ là vô số người thiếu thốn, sẵn sàng làm bất cứ gì để ra khỏi vũng lầy nghèo khó, dù cho có phải sát hại Mẹ Thiên Nhiên của mình!

Diễn Đàn Thế Kỷ