PDA

View Full Version : Vì sao Covid-19 bùng phát ở Đài Loan?



giahamdzui
05-27-2021, 11:45 PM
Vì sao Covid-19 bùng phát ở Đài Loan?




http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2021/05/taiwan-covid-outbreak-astrazeneca-vaccine-line-1024x683.jpeg (http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2021/05/taiwan-covid-outbreak-astrazeneca-vaccine-line-1024x683.jpeg)

Mọi người chờ đợi để chích vắc-xin AstraZeneca COVID-19 trong một bệnh viện ở Đài Bắc. (Ritchie B. Tongo—EPA-EFE/Shutterstock)

Sau gần 18 tháng thành công gần như hoàn hảo, ngăn chặn đại dịch corona, cả chuỗi ngày dài nhất thế giới không có ca bệnh mới; Đài Loan hiện đang loay hoay đối phó với đợt tăng vọt đầu tiên về Covid-19.

Tổng số ca ở dưới 1.300 từ đầu đại dịch, đã tăng lên hơn 3.100 trong vòng một tuần. Nhiều doanh nghiệp đã cho nhân viên ở nhà, các đường phố ở thủ đô Đài Bắc đã dọn dẹp sạch sẽ và chính quyền đang tìm cách có thêm vắc xin để cải thiện tỷ lệ tiêm chủng đang ở mức tồi tệ nếu so với các nước phát triển khác.

Lúc đầu, nhà chức trách tưởng sự bùng phát là do phi hành đoàn thuộc các máy bay chở hàng từ nước ngoài; nhưng sau đó, họ đã truy được hai nguồn: một buổi tụ họp của Hội Lions và các phòng trà ở khu đèn đỏ Vạn Hoa của Đài Bắc.

Hai nguồn này ban đầu tưởng là không liên quan với nhau – cho đến khi một cựu chủ tịch của Hội Lions tiết lộ rằng ông có ghé vui chơi tại một quán trà của khu này. Khi điều tra về vị cựu lãnh đạo 60 tuổi có biệt danh “Vua sư tử”, người ta biết được ông đã tiếp xúc với ít nhất 115 người.

Lơ là, mất cảnh giác

Sau khi nhanh chóng áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hàng đầu thế giới, Đài Loan dần dần bắt đầu mất cảnh giác. Hàng nghìn người đã vô tư quay lại các buổi hòa nhạc, các trận đấu bóng chày và các lễ hội tôn giáo. Các bữa ăn lớn và các cuộc họp mặt gia đình ngày càng trở nên phổ biến, và khẩu trang ít được sử dụng hơn vì nhiều tháng trôi qua mà không thấy lây nhiễm xung quanh.
Freddy Lim, một đại biểu quốc hội của Đài Loan, cho biết: “Năm ngoái, chúng tôi bắt đầu vui chơi ngoài trời, nhưng vui chơi một cách thận trọng. Nhưng năm nay, chúng tôi đã quên mất phần thận trọng.”

Sự bùng phát của Đài Loan hiện nay có thể là một tấm gương để những nước nào đang tự hào về tỷ lệ lây nhiễm thấp có thể rút kinh nghiệm.

Cuộc chiến chống Covid-19 của Đài Loan bắt đầu vào ngày 31 tháng 12 năm 2019 — ngày có những thông tin đầu tiên về bệnh viêm phổi do vi-rút bí ẩn ở Vũ Hán. Đến ngày 2 tháng 1 năm 2020, các quan chức y tế bắt đầu kiểm tra những người đến từ đại lục. Nhà chức trách lập ra các chốt kiểm tra thân nhiệt và kiểm soát biên giới mạnh mẽ hơn trong những tuần tiếp theo — thậm chí còn trước khi Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận vi-rút đã lây lan từ người sang người.

Hòn đảo tự trị với 23 triệu dân thực hiện các biện pháp kiểm soát lây nhiễm nghiêm ngặt tại các bệnh viện, là một trong những nơi đầu tiên đóng cửa biên giới đối với gần như tất cả những người không phải là thường trú nhân và cách ly nghiêm ngặt đối với bất kỳ ai nhập cảnh. Khẩu trang đã được phân phát cho người dân và bắt buộc phải sử dụng ở những nơi công cộng vào tháng Ba. Các biện pháp giám sát được áp dụng chặt chẽ để phát hiện và truy tìm thành phần F0 và F1 để cách ly và chữa trị.

Kết quả là vào giữa tháng 4 năm 2020, Đài Loan chỉ có khoảng 400 trường hợp được xác nhận; trong lúc Hoa Kỳ báo cáo hơn 30.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Tiến sĩ Trần Kiến Nhân, cựu Bộ trưởng Y tế và cũng là cựu Phó tổng thống Đài Loan cho biết thành công này là nhờ cách nay 17 năm đã có kinh nghiệm với đợt bùng phát dịch SARS, cũng bắt nguồn từ Trung Quốc đại lục và giết chết hàng chục người Đài Loan.

Tiến sĩ Trần, đồng thời là một nhà dịch tễ học, đã giúp thiết kế và chỉ đạo các biện pháp kiểm soát COVID-19 của Đài Loan. Vậy thì tại sao những biện pháp đó lại thất bại sau khi cầm cự thành công qua giai đoạn hung hăng nhất của đại dịch?

Ông trả lời báo Time: “Cuộc sống luôn biến hóa. Vi-rút sẽ luôn cố gắng tái tạo, đột biến và ngày càng lây nhiễm nhiều hơn.”

Phần lớn các trường hợp COVID-19 được báo cáo gần đây ở Đài Loan là biến thể của vi-rút lần đầu tiên được tìm thấy ở Vương quốc Anh, mà các nhà khoa học tin rằng nó dễ lây truyền hơn. Loại này khá phức tạp vì nhiều bệnh nhân chỉ có ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng nào và họ cũng không biết họ đang lây sang người khác cho đến khi quá muộn.

Kết luận này có vẻ đúng với trường hợp ông “Vua sư tử” ở quán trà thuộc khu đèn đỏ. Hàng chục người bị ông này lây là những người tin rằng cứ tụ tập với nhau đi, không sao đâu mà.

Khách hàng các quán trà này đa số là giới cao tuổi, họ đến đó để la cà tán gẫu với mấy cô tiếp viên cũng không còn trẻ lắm. Tuy nhiên, một số quán nghe nói chỉ bán trà bên ngoài, bên trong có những căn phòng đèn mờ, có tiếp viên trẻ tuổi, ăn mặc mát mẻ sẵn sàng chiều khách, trong số này có nhiều cô nhập cảnh lậu.

Hồi tháng tư, nhiều chuyến bay chở hàng đáp xuống phi trường quốc tế Đào Viên của Đài Bắc và theo thường lệ, phi hành đoàn nghỉ qua đêm tại khách sạn Novotel. Trên nguyên tắc, họ sẽ phải cách ly 5 ngày nhưng khách sạn tự động giảm xuống 4 ngày; chẳng những thế, còn xếp phòng của họ cạnh phòng của những khách không bị cách ly. Kết quả có ít nhất 29 người dương tính, trong đó có cả nhân viên khách sạn.

Thiếu vắc-xin

Một lý do chính khác khiến COVID-19 tăng vọt nhanh chóng ở Đài Loan là do rất ít người bị dính cho nên rất ít người có kháng thể. Nhu cầu tiêm chủng của Đài Loan hầu như không cần thiết.

Hầu hết người dân Đài Loan không thấy tiêm phòng là chuyện cấp bách. Các phản ứng xấu sau khi chích, kể cả cả phản ứng cục máu đông rất hiếm xảy ra khi dùng vắc xin AstraZeneca, đã được báo chí Đài Loan tô đậm và nói nhiều. Một cuộc khảo sát vào đầu tháng 5 cho thấy chỉ 40% người Đài Loan cho biết họ sẵn sàng tiêm vắc-xin — thấp thứ hai trong số 21 địa điểm được thăm dò ý kiến trên khắp thế giới.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhu cầu sử dụng vắc xin lại tăng đột biến.

Tiến sĩ Trần Kiến Nhân cho biết, Đài Loan đã chờ đợi cho đến khi vắc-xin COVID-19 được các cơ quan quản lý các nước khác cho phép mới bắt đầu đi mua. Khi đó, hầu hết các lô vắc-xin đầu tiên đã được các chính phủ khác đặt mua từ lâu – trong số đó có những nước đã tài trợ để các công ty dược phẩm chế ra vắc-xin. Vì vậy, dù Đài Loan đã đặt cọc để mua khoảng 20 triệu liều vắc xin từ nhiều nguồn khác nhau, họ vẫn phải xếp hàng sau hầu hết các nền kinh tế phát triển.

Chính quyền ở Bắc Kinh đã đề nghị cung cấp vắc-xin, nhưng các quan chức Đài Loan đã khoác tay, cáo buộc đại lục định tuyên truyền và gây mất đoàn kết nội bộ Đài Loan. Hoa Kỳ đã cam kết giúp đỡ một khi họ giải tỏa kho dự trữ hàng triệu liều AstraZeneca. Trong tuần qua, 400.000 liều thuộc chương trình COVAX của Liên Hiệp Quốc đã đến Đài Loan.

Hai loại vắc-xin được chế trong nước sẽ lấp đầy chỗ thiếu hụt. Chính phủ đã hứa tung ra vào tháng 7 sau khi hoàn thành các thử nghiệm an toàn Giai đoạn 2, có trên 4.000 đối tượng thử nghiệm cho mỗi loại. Tiến sĩ Trần nói rằng các nghiên cứu chưa được công bố cho thấy hai loại vắc-xin này có kết quả tương tự như các loại vắc-xin đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại COVID-19, cho nên chính phủ có kế hoạch cấp phép sử dụng chúng trước khi hoàn thành Giai đoạn 3.

Học hỏi kinh nghiệm nước khác

Chính phủ Đài Loan đã phản ứng nhanh chóng trước sự bùng phát: Họ đã mở các trung tâm xét nghiệm tại các điểm nóng, hạn chế số người tụ tập, bắt buộc mang khẩu trang với mức phạt nặng, đóng cửa trường học và kêu gọi người dân ở nhà.

Nhưng vũ khí hiệu quả nhất của Đài Loan là người dân của họ. Trong khi hầu hết các đợt tăng mới trên khắp thế giới đều gặp sự mệt mỏi, chán nản gia tăng và mức độ tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội ngày càng thấp, hầu hết người dân Đài Loan thậm chí còn thận trọng hơn cả chính quyền.


http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2021/05/taiwan-covid-outbreak-may-empty-shelves-630x420.jpeg (http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2021/05/taiwan-covid-outbreak-may-empty-shelves-630x420.jpeg)

Khách hàng trước quày thịt hầu như trống trơn trong một siêu thị ở Đài Bắc. (Ritchie B. Tongo—EPA-EFE/Shutterstock)


Khi các ca bệnh bắt đầu tăng đột biến, mọi người đổ xô vào các siêu thị, dọn sạch các kệ thực phẩm và, đúng vậy, giấy vệ sinh. Các con phố thường đông đúc của Đài Bắc đều vắng bóng người vì hầu hết mọi người chọn thái độ ở nhà. Nhiều nhà hàng đã tự nguyện đóng cửa hoặc không phục vụ bên trong, nhà hàng nào còn phục vụ bên trong giờ đây hầu như vắng tanh.

Đánh bại làn sóng COVID-19 này đã trở thành một mục tiêu phấn đấu của người dân. Sau khi chính phủ áp đặt các hạn chế ở Cấp 3 — dưới lockdown 100% một cấp — các lời hô hào bắt đầu lan truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội, hạ quyết tâm dập tắt đợt bùng phát trong thời gian ngắn. “Thế giới hãy xem đây, Đài Loan sẽ chỉ cho các bạn cách loại bỏ cảnh báo Cấp 3 trong hai tuần,” một lời hô hào đã khẳng định.

(Theo TIME)

---------------
Tổng thống Thái Anh Văn lên án Bắc Kinh ngăn Đài Loan mua vaccine BioNTech

https://img.ntdvn.com/2021/03/ntdvn_gettyimages-469766250.jpg (https://img.ntdvn.com/2021/03/ntdvn_gettyimages-469766250.jpg)

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. (SAM YEH/AFP / Getty Images)


Trước tình hình dịch bệnh Đài Loan nóng lên, vấn đề vaccine cũng trở thành tâm điểm chú ý. Hôm 26/5, lần đầu tiên Tổng thống Thái Anh Văn trực tiếp lên án Trung Quốc vì chặn Đài Loan mua vaccine từ công ty BioNTech SE của Đức.

Theo Reuters, Đài Loan đã đặt mua hàng triệu liều vaccine AstraZeneca và Moderna, nhưng cho đến nay họ mới chỉ nhận được hơn 700.000 liều một chút, tức là chỉ có thể cung cấp vaccine cho khoảng 1% dân số của nước này.

Đầu tháng 2 năm nay, ông Trần Thời Trung, Bộ trưởng Y tế, Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy Dịch tễ Trung ương (CECC) của Đài Loan, đã tiết lộ rằng Đài Loan ban đầu có kế hoạch mua 5 triệu liều vaccine từ công ty BioNTech của Đức. Hợp đồng vốn đã định ngày ký kết, "Thông cáo báo chí cũng đã viết xong", nhưng lại xảy ra biến cố. Mặc dù ông Trần không trực tiếp tuyên bố rằng Trung Quốc đứng sau chuyện này, nhưng ông ám chỉ có nguyên nhân chính trị đằng sau đó.

Bắc Kinh thường xuyên gây áp lực lên các quốc gia và công ty khác để cắt giảm các giao dịch của họ với Đài Loan.

Tổng thống Thái Anh Văn đã có bài phát biểu tại cuộc họp của Đảng Dân Tiến hôm thứ Tư (26/5), bà nói rằng các đơn đặt hàng vaccine AstraZeneca và Modena đã “thuận lợi” đặt xong.

"Về vaccine của công ty BioNTech của Đức, chúng tôi đã gần hoàn thành hợp đồng với nhà máy gốc của Đức, nhưng do sự can thiệp của Trung Quốc nên đến nay chúng tôi vẫn chưa thể hoàn thành", bà Thái nói. Đây là lần đầu tiên chính quyền Đài Bắc công khai xác nhận rằng Bắc Kinh đã can thiệp vào việc Đài Loan mua vaccine của BioNTech.

Reuters cho biết BioNTech từ chối bình luận về nhận xét của bà Thái Anh Văn, nhưng nói thêm rằng "chúng tôi hỗ trợ cung cấp vaccine cho toàn cầu".

Chính quyền Trung Quốc thì phủ nhận việc cố gắng ngăn cản các công ty nước ngoài cung cấp vaccine cho Đài Loan và đề nghị được cung cấp vaccine cho Đài Loan. Công ty Dược phẩm Phúc Tinh (Fosun Pharma) Thượng Hải cho biết hôm 22/5 rằng, họ sẵn sàng cung cấp cho Đài Loan vaccine COVID-19 của BioNTech. Fosun Pharma và BioNTech đã ký thỏa thuận độc quyền phát triển và bán các sản phẩm vaccine COVID-19 được phát triển bằng công nghệ mRNA của BioNTech cho Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan.
Tuy nhiên, bà Thái Anh Văn nói rằng Đài Loan sẽ chỉ mua trực tiếp từ nhà sản xuất vaccine gốc hoặc đàm phán với nhà sản xuất gốc thông qua chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.

Bà Thái nói: "Chỉ có đàm phán với nhà sản xuất gốc thì mới có thể nhận được sự đảm bảo trực tiếp và trách nhiệm về chất lượng và độ an toàn từ nhà sản xuất gốc, từ đó tránh được các rủi ro pháp lý và chính trị".

Văn phòng các vấn đề Đài Loan (Taiwan Affairs Office) của Trung Quốc tuyên bố rằng nếu không có những trở ngại chính trị do con người tạo ra, việc Trung Quốc viện trợ vaccine cho Đài Loan sẽ không thành vấn đề. Đáp lại, hôm 26/5, Bộ trưởng Y tế Đài Loan - ông Trần Thời Trung nói rằng: “[Loại vaccine] mà họ đang tiêm, chúng tôi không dám sử dụng”.

Bà Thái Anh Văn cho biết vào tối ngày 25/5 rằng, dự kiến 2 triệu liều vaccine mua từ nước ngoài sẽ cập cảng Đài Loan trong tháng 6. Cùng với vaccine được sản xuất tại Đài Loan, mục tiêu là Đài Loan sẽ đạt 10 triệu liều vào cuối tháng 8, và tiếp theo sẽ còn nữa.
Bà Thái Anh Văn đăng trên Facebook vào ngày 25/5 rằng, lô vaccine cập cảng tuần trước sẽ bắt đầu được tiêm ngay trong tuần này.


Đông Phương
Theo Epoch Times tiếng Trung