PDA

View Full Version : Ông Putin có nhiều lý do để lạnh lùng trước xung đột Israel-Palestine hiện nay



sophienguyen
05-18-2021, 10:32 PM
Ông Putin có nhiều lý do để lạnh lùng trước xung đột Israel-Palestine hiện nay



https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/3525/production/_118550631_015157981-1.jpg (https://ichef.bbci.co.uk/news/624/cpsprodpb/3525/production/_118550631_015157981-1.jpg)

Tổng thống Putin và Tổng thống Israel Shimon Peres trong một buổi lễ ở Israel tháng 6/2015

Trong xung đột mới nhất giữa Israel và phái Hamas của người Palestine ở Gaza, Nga không muốn dính líu sâu vì các thay đổi cơ bản trong cách nhìn của Kremlin về Palestine.

Xung đột bùng lên lần này giữa Nhà nước Do Thái và phe Hamas của người Palestine ở Gaza không phải là xung đột đầu tiên mà người Nga chứng kiến và có thể chọn thái độ can dự.

Liên Xô, các nước Ả Rập và PLO

Vấn đề của người Palestine ban đầu không có vai trò gì trong đánh giá của Liên Xô về Thế giới Ả Rập nhưng về sau lại trở thành chủ đề trọng tâm của quan hệ Liên Xô-Israel.

Nhắc lại lịch sử, Liên Xô, quốc gia tiền thân của Liên bang Nga đã theo sát cuộc chiến giành đất và chống lại người Ả Rập của cộng đồng Do Thái diễn ra trong và sau Thế Chiến 2 .

Điện Kremlin đã chọn ủng hộ Israel rất sớm.

Năm 1947, Liên Xô ủng hộ nghị quyết LHQ để chia Palestine ra làm vùng của người Ả Rập và Do Thái.
Năm 1948, Liên Xô đi đầu trong các nước châu Âu khi tuyên bố công nhận Nhà nước Israel và nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao.
Tuy thế, dần dần Liên Xô nhận thấy Israel muốn đứng về Phương Tây và ngay từ ngày lập quốc đã có quan hệ thân thiết với Hoa Kỳ.
Chủ nghĩa bài Do Thái vốn luôn có sức sống ở Nga từ xa xưa, cũng là yếu tố tác động mạnh đến chính trị Liên Xô: nhiều đối thủ của Joseph Stalin bị tiêu diệt vì có gốc Do Thái.
Ngay cả sau khi Stalin qua đời, đến những năm 1960, 70, các phong trào bài Do Thái được chính trị hóa ở cả Liên Xô và Đông Âu thời XHCN.
Người ta chỉ chỉnh sửa nó đôi chút, với khẩu hiệu "không chống người Do Thái mà chống chủ nghĩa Zionist", tư tưởng lập quốc của Israel.
Một mặt, tiếng Nga và văn hóa Nga có ảnh hưởng lớn tới thế hệ lập quốc ở Israel: 1,5 triệu công dân Israel có gốc Do Thái từ Nga hoặc Liên Xô.
Mặt khác, vì họ hoặc bị đuổi đi, hoặc tự nguyện ra đi khỏi nước Nga Sa hoàng và Liên Xô, đa số không mặn mà gì với người Nga, nhất là những chính trị gia luôn có đầu óc Đại Slavơ và chủ nghĩa cộng sản.

Nhưng Liên Xô đã thay đổi 180 độ với Israel bằng việc chọn hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của người Palestine trong chiến lược chung về Trung Đông là ủng hộ các nhà nước Ả Rập thiên tả.

Theo Uri Bar-Noi, người khai thác các tài liệu Ba Lan trong Chiến tranh Lạnh thì Cuộc chiến Sáu Ngày (06/1967) là bước ngoặt trong chính sách của Liên Xô với Israel.

Trước cuộc chiến, các lãnh đạo Syria và Ai Cập, gồm cả ông Gamal Abdel Nasser, 'người hùng' của Thế giới Ả Rập khi đó, đã thăm Moscow.
Liên Xô chỉ đạo cho Tiệp Khắc hỗ trợ vũ khí cho các nước Ả Rập và tin tưởng rằng sức mạnh tác chiến của Syria và Ai Cập sẽ "đánh tan lực lượng yếu kém của Israel".

Trong nghiên cứu "The Soviet Union And The Six-Day War: Revelations From The Polish Archives" Uri Bar-Noi đánh giá sau cuộc chiến này, Liên Xô thay đổi cách nhìn về Trung Đông.
Và dù được Moscow hố trợ, thực tế chiến trường đã diễn ra khác hẳn: phe Ả Rập đã thua đậm, mất đất.


https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/B0B9/production/_96314254_israel-before-after-v18.png (https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/B0B9/production/_96314254_israel-before-after-v18.png)

Cuộc chiến Sáu Ngày tháng 6/1967 đem lại thắng lợi toàn diện cho Israel, cả về đất đai và uy thế quân sự


https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/FED9/production/_96314256_4e30e54e-9d5f-4e87-a4b2-9c23a68b1fa3.jpg (https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/FED9/production/_96314256_4e30e54e-9d5f-4e87-a4b2-9c23a68b1fa3.jpg)

Quân Israel nhanh chóng chiếm Đông Jerusalem và Núi Đền linh thiêng mà người Ả Rập gọi là Haram al-Sharif ngày 7/06/1967
Liên Xô triệu tập một hội nghị của khối XHCN lên án "cuộc xâm lăng do Israel gây ra" và cùng các nước Tiệp Khắc, Ba Lan...cắt quan hệ ngoại giao với Israel.

Năm sau, năm 1968 ở Ba Lan đột nhiên bùng lên phong trào 'Chống Chủ nghĩa Zionism', và rất nhiều trí thức gốc Do Thái bị khai trừ Đảng, bị trục xuất.

Kể từ đó, các nước Ả Rập, vùng Bắc VN, Cuba, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tính toán của Liên Xô về địa chính trị thế giới mà mục tiêu đầu tiên là dùng các nhóm nước này để chống lại Hoa Kỳ.

Tuy thế, phải đến 1978 Liên Xô mới chính thức công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là "đại diện duy nhất của nhân dân Palestine".

Trước đó, trong nhiều năm, Liên Xô chỉ coi vấn đề "giải phóng dân tộc của nhân dân Palestine" như một việc nhỏ.
Theo Galia Golan trong bài trên tạp chí The Middle East Journal (số 2, 1986) thì Liên Xô tiến dần đến chỗ coi việc vấn đề Palestine là trung tâm của xung đột Israel-Ả Rập, và dùng chủ đề PLO để "chặn Hoa Kỳ" tại Trung Đông.
Tuy thế, khác với các nước Iraq, Syria, Ai Cập đều từng có lúc đề cao ý thức hệ Xã hội chủ nghĩa pha trộn với đường lối dân tộc Ả Rập, PLO chưa bao giờ đóng vai trò gì đáng kể về ý thức hệ.
Với Moscow, hỗ trợ PLO chỉ là chuyện tranh giành ảnh hưởng với Hoa Kỳ trong vùng.

Nước Nga tính toán gì ngày nay?

Sau Chiến tranh Lạnh, Nga là thành viên Bộ tứ: Hoa Kỳ, Nga, EU và Liên Hiệp Quốc về Trung Đông (Middle East Quartet - sáng kiến từ thời TT Bill Clinton) và vẫn có thể có tiếng nói mạnh ủng hộ người Palestine.

Tuy thế, năm 2020, giới quan sát rất ngạc nhiên khi Nga ủng hộ Sáng kiến Hòa bình của Jared Kushner, con rể Tổng thống Mỹ Donald Trump về vấn đề Palestine.

Một nhà bình luận Nga, Vladimir Frolov đã viết đầu năm 2020 trên trang The Moscow Times rằng bằng hành động này, Nga bỏ luôn vấn đề của người Palestine.
Bài "Tạm biệt Palestine" (Goodbye, Palestine! Why Trump's 'Peace Deal' Is Good for Moscow) cho rằng Điện Kremlin đã quá mệt mỏi với các vụ dính líu tìm giải pháp cho xung đột dai dẳng.


https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0E15/production/_118550630_7.gettyimages-2666773.jpg (https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/0E15/production/_118550630_7.gettyimages-2666773.jpg)

Yitzhak Rabin bắt tay Yasser Arafat trước sự chứng kiến của Bill Clinton


Từ lâu này, Nga "quan tâm nhiều hơn đến quan hệ với Israel và các vị vua Ả Rập trong vùng Vịnh Ba Tư hơn là tình đoàn kết biểu tượng với người Palestine."

Quả vậy, nhìn vào kế hoạch của Mỹ cho người Palestine, ai cũng dễ thấy lãnh thổ của họ bị chia ra nhiều khúc, bao quanh bởi trạm gác của Israel.

Trên thực tế, kế hoạch Kushner công nhận luôn mọi mảnh đất mà Israel trong nhiều năm lấn vào vùng truyền thống của dân Palestine qua chiến lược xây các khu định cư Do Thái.

Ông Putin có vẻ "chọn phe của kẻ mạnh" như cách hợp thức hóa việc sáp nhập Crimea năm 2014.

Kế hoạch mà biên tập viên Jeremy Bowen của BBC viết là "thỏa thuận thế kỷ của Mỹ khiến Israel thích thú, nhưng người Palestine thì thấy rằng đây là sự đầu hàng" đã thất bại.

Nhưng lần này, trước các cuộc bắn hỏa tiễn của Hamas vào Israel và đòn giáng trả của Israel nhắm vào Gaza, Nga lại tiếp tục im lặng vì một số lý do.

Ekaterina Zolotova viết trên trang Geopolitical Futures (17/05/2021) rằng đường lối của Nga đã thay đổi và Nga chỉ mong "đứng ngoài cuộc xung đột" (stay out of it).

Nga công nhận quyền của nhà nước Palestine tương lai có thủ đô ở Đông Jerusalem, nhưng cũng coi Tây Jerusalem là thủ đô của Israel.
Nga lại khác Hoa Kỳ và EU ở chỗ không coi Hamas là "tổ chức khủng bố".
Về tính toán chính trị tức thời, xung đột có thể đẩy giá dầu lên cao, và đó là điều có lợi cho Nga, theo bà Zolotova.

Ngoài ra, Nga không muốn tăng độ nóng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, cường quốc khu vực có vai trò ở Syria.

Nhưng vấn đề lớn hơn cả là Nga phải lo cho vùng Caucasus và Trung Á tức "biên giới gần", vốn đang tiềm tàng nhiều căng thẳng.
Bất cứ lời nói nào của ông Putin làm vừa lòng Israel sẽ ngay lập tức có thể khiến người Hồi giáo ở Nga bực bội, bà Zolotova viết.

Chechnya, Ingushetia, Dagestan, Kabardino-Balkaria, Karachay-Cherkessia, Bashkortostan và Tatarstan đều là các nước Hồi giáo, và người dân sẵn sàng xuống đường bày tỏ sự ủng hộ cho anh em đồng đạo Palestine của họ.

Năm 2017 đã có biểu tình ở Grozny, Makhachkala và Bắc Caucasus ủng hộ người Rohingya ở Myanmar và Nga cần phải thận trọng lần này.

Trước mắt, vì những lý do kể trên, người ta sẽ chỉ thấy Nga kêu gọi "giảm căng thẳng" một cách chung chung và sẽ hành động qua Bộ tứ và Hội đồng Bảo an LHQ để không phải chịu gánh nặng cho vấn đề xem ra đã kéo dài rất nhiều năm mà khó có giải pháp ổn thoả.