PDA

View Full Version : Cuộc chiến 'tin giả' về xung đột Israel-Palestine đang xảy ra thế nào?



giahamdzui
05-17-2021, 11:33 PM
Cuộc chiến 'tin giả' về xung đột Israel-Palestine đang xảy ra thế nào?


Vào lúc cuộc xung đột giữa Israel và người Palestine leo thang, những nội dung chứa các thông tin gây hiểu lầm hoặc sai đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng trong những ngày gần đây.

BBC xem xét một số trường hợp thông tin sai được đưa ra từ cả hai phía, nhằm gây thêm căng thẳng cho các cuộc tranh cãi trên mạng xã hội.

Video phóng tên lửa là cảnh ở Syria, không phải ở Gaza


https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/AFEA/production/_118543054_mediaitem118543053.jpg (https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/AFEA/production/_118543054_mediaitem118543053.jpg)

Đoạn ghi hình này thực ra là cảnh video về cuộc giao tranh tại Syria


Ofir Gendelman, phát ngôn viên của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, chia sẻ một đoạn video trên Twitter, trong đó ông nói rằng video cho thấy nhóm vũ trang Hamas đã nã rocket vào Israel "từ một khu vực đông dân".

"1/3 trong số hơn 250 trái rocket này đã rơi xuống ngay bên trong Dải Gaza, giết chết người dân Palestine," Ofir Gendelman viết trên Twitter.
Tuy nhiên, đây là đoạn video cũ, và hình ảnh ghi được là ở Syria, không phải ở Gaza.

Video được quay trong chiến dịch của chính phủ Syria chống lại các nhóm phiến quân ở thành phố Deraa hồi năm 2018.

Twitter đã gắn nhãn cho tin tweet này là "truyền thông bị thao túng" (manipulated media) và bổ sung các đường dẫn giúp kiểm chứng thông tin, theo đó xác nhận được rằng đoạn clip được ghi trong thời gian cuộc chiến Syria.

Sau khi bị chỉ trích, ông Gendelman đã xóa tweet này.

Tweet 'do các lực lượng Israel đăng lên' và được chia sẻ rộng rãi là tin giả

Một số người dùng Twitter đã chia sẻ rộng rãi điều mà họ nói là ảnh chụp màn hình các tin đăng từ tài khoản Twitter chính thức của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), với nội dung "chúng tôi chỉ thích giết chóc" và "hãy ném bom vào mấy đứa oắt con".

Những ảnh chụp màn hình này là giả và có thể chế ra một cách dễ dàng nhờ các công cụ trực tuyến miễn phí.

IDF không đưa ra những tuyên bố như vậy trên tài khoản Twitter chính thức của mình hay ở bất kỳ nơi nào khác.

Tài khoản đưa ra những tin tweet giả này hiển nhiên là nhằm tỏ thái độ ủng hộ Palestine mạnh mẽ, chống lại Israel.

Tính không xác thực của video 'đám tang giả' ở Gaza


https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1251A/production/_118543057_3637df74-720f-49c6-ae08-18ccaf44f42b.jpg (https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1251A/production/_118543057_3637df74-720f-49c6-ae08-18ccaf44f42b.jpg)

Đoạn video được lan truyền rộng rãi với nội dung khiến người xem hiểu lầm là đám tang ở Gaza thật ra là cảnh ghi được ở Jordan


Một số người Israel có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội chia sẻ một video, theo đó nói người Palestine đã làm giả đám tang một người, được cho là thiệt mạng do các cuộc không kích của Israel nhắm vào Dải Gaza, nhằm thu hút sự cảm thông quốc tế.

Trong video, vốn cũng được chia sẻ bởi một cố vấn của Bộ Ngoại giao Israel, cho thấy nhóm các thanh thiếu niên khiêng trên vai một vật thể trông có vẻ như là là thi thể được phủ vải liệm.

Nhưng ngay khi nghe thấy âm thanh còi hụ, họ bỏ lại 'xác chết' trên nền đất rồi bỏ chạy. Bị vứt lại một mình, 'xác chết' cũng nhỏm dậy rồi chạy biến đi.

Chúng tôi tìm thấy video tương tự được đăng tải hồi tháng 3/2020, với các tường thuật tại thời điểm đó cho thấy video này là cảnh một nhóm các thanh thiếu niên tại Jorrdan tìm cách tránh né các lệnh phòng chống Covid-19 bằng cách giả vờ làm đám tang.

Clip này đã được chia sẻ kèm theo hashtag "Palywood" [Hollywood kiểu Palestine] hàng trăm lần bởi những người ủng hộ Israel trên các mạng xã hội lớn.

Tính không xác thực của video 'thánh đường al-Aqsa' bốc cháy


https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1792/production/_118543060_0f524f95-e096-460d-92e0-ba3df2f4b249.jpg (https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/1792/production/_118543060_0f524f95-e096-460d-92e0-ba3df2f4b249.jpg)

Các tin tweet đăng với nội dung gây hiểu lầm là thánh đường al-Aqsa bị bốc cháy


Một số người ủng hộ dân Palestine chia sẻ một đoạn video mà họ nói là cảnh thánh đường Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem bốc hỏa, và cáo buộc Israel đã "để mặc cho thánh đường Hồi giáo al-Aqsa bốc cháy".

Đây là đoạn video thật, nhưng hình ảnh quay từ những góc khác cho thấy rõ ràng là có một cái cây ở gần thánh đường Hồi giáo này đã bị cháy chứ không phải là chính bản thân thánh đường..

Khu vực thánh đường ở nơi Thành Cổ của Jerusalem là một trong những địa điểm thiêng liêng nhất của người Hồi Giáo, cũng là thánh địa thiêng liêng nhất đối với người Do Thái giáo, nơi được biết đến với tên gọi Temple Mount (Núi Đền).

Trong video này, một đám đông nam thanh niên Israel theo Do Thái giáo hát vang bài hát chống người Palestine ở phía sau Bức tường Than Khóc (Wailing Wall, tức Western Wall), với lửa cháy bùng ở hậu cảnh.


https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9FCE/production/_118501904_00000.jpg (https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9FCE/production/_118501904_00000.jpg)

... thật ra là một cái cây ở cạnh thánh đường bốc cháy
Lý do gây ra vụ cháy vẫn đang còn là điều gây tranh cãi.

Cảnh sát Israel ra tuyên bố nói người Palestine tới làm lễ ném pháo bông, gây cháy, nhưng người Palestine nói vụ cháy là do cảnh sát Israel ném ra lựu đạn gây choáng.

Theo hãng tin Reuters, cái cây bốc cháy nằm cách Thánh đường chỉ 10m. Lửa sau đó đã được dập tắt và thánh đường không hề bị 'bà hỏa' gây hư hại gì.

Tính không xác thực của đoạn băng hình cũ 'tên lửa trên đường phố Gaza'


https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/B04E/production/_118543154_mediaitem118543153.jpg (https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/B04E/production/_118543154_mediaitem118543153.jpg)

Hình ảnh các hỏa tiễn nghi là 'giả' này không phải được ghi trong vùng lãnh thổ do Hamas kiểm soát


Một tin tweet được chia sẻ rộng rãi có nội dung là video cho thấy cảnh nhóm các tay súng Hamas của người Palestine di chuyển các hỏa tiễn phóng đi từ xe tải trên đường phố Gaza. Người ta cũng nghe thấy tiếng trẻ em trong đoạn video này.

Tin được đăng từ một tài khoản đặt tại Mỹ, ủng hộ Israel.

Tin này viết rằng: "Lại một lần nữa, chúng ta chứng kiến cảnh Hamas lấy dân thường làm lá chắn để giết hại người Do Thái giáo, và họ biết rằng... Israel sẽ không trả đũa do sợ gây hại tới người vô tội."

Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện ra rằng đoạn video này đã được tải lên Facebook vào ngày 25/11/2018, với nội dung miêu tả rõ rằng nó được ghi ở thị trấn Abu Snan, Galilee, Israel.

Tài khoản Twitter đăng đoạn video này sau đó đã xóa nó đi và xin lỗi về việc đăng "thông tin không chính xác".

Nội dung tường thuật bởi Alistair Coleman, Shayan Sardarizadeh, Christopher Giles và Nader Ibrahim.

BBC