PDA

View Full Version : Quân đội Myanmar nhắm mục tiêu vào các nhà báo nhằm dập tắt dư luận



duyanh
04-02-2021, 01:22 PM
Quân đội Myanmar nhắm mục tiêu vào các nhà báo nhằm dập tắt dư luận




Lực lượng an ninh Myanmar đã bắt giữ ít nhất 56 phóng viên, tuyên bố các cơ quan cung cấp tin tức trực tuyến nằm ngoài vòng pháp luật và hiện đang cố gắng làm tê liệt thông tin liên lạc bằng cách cắt Internet.


https://media.gettyimages.com/photos/police-arrest-myanmar-now-journalist-kay-zon-nwe-in-yangon-on-27-as-picture-id1231405539?s=2048x2048

(Ảnh: Cảnh sát bắt giữ 1 nhà báo của Myanmar Now hôm 27/2)

Mười ngày sau khi nắm quyền ở Myanmar, các tướng lĩnh đã ban hành mệnh lệnh đầu tiên cho các nhà báo: Ngừng sử dụng các từ “đảo chính”, “chế độ” và “quân đội” (junta) để mô tả việc quân đội tiếp quản chính phủ. Tuy vậy, rất ít phóng viên tuân theo chỉ thị này, và chính quyền quân sự đã bắt đầu hướng về một mục tiêu mới: dập tắt mọi tiếng nói tự do.

Kể từ đó, chế độ này đã bắt giữ ít nhất 56 nhà báo, tuyên bố các kênh tin tức trực tuyến vi phạm pháp luật và cố gắng làm tê liệt liên lạc bằng cách cắt dịch vụ dữ liệu di động, theo New York Times. Ba phóng viên ảnh đã bị bắn và bị thương khi chụp ảnh các cuộc biểu tình chống đảo chính.

Khi áp lực lên các nhà báo chuyên nghiệp gia tăng, nhiều thanh niên Myanmar đã ngay lập tức tham gia vào cuộc chiến, tự xưng là các nhà báo công dân (citizen journalist, hay CJ) và liều mạng ghi lại các thước phim, hình ảnh và tường thuật để cho thế giới thấy rõ tình cảnh bên trong đất nước. Họ chụp ảnh và quay video bằng điện thoại và chia sẻ trực tuyến khi họ có quyền truy cập mạng.

Ma Thuzar Myat, một trong những nhà báo công dân, nói với New York Times rằng: “Chính quyền đang nhắm vào các nhà báo chuyên nghiệp, nên đất nước chúng tôi cần nhiều CJ hơn. “Tôi biết một lúc nào đó mình có thể bị giết vì quay video những gì đang xảy ra. Nhưng tôi sẽ không lùi bước”.

Cô Thuzar Myat, 21 tuổi, lưu ý rằng rất ít người có thể ghi lại các cuộc biểu tình vào năm 1988, khi quân đội – hay còn được gọi là Tatmadaw, đã đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ bằng cách thảm sát khoảng 3.000 người. Cô nói rằng cô có nghĩa vụ phải giúp thu thập bằng chứng về các vụ trấn áp ngày nay, mặc dù đã nhận được lời đe dọa giết hại.

Mục tiêu rõ ràng của chế độ hiện tại là quay ngược đồng hồ về thời kỳ khi quân đội cai trị đất nước, nắm các phương tiện truyền thông trong tay và chỉ những người giàu có nhất mới có quyền truy cập vào điện thoại di động hay Internet. Nhưng thế hệ thanh niên lớn lên cùng với Internet nói rằng họ sẽ không từ bỏ quyền tự do của mình cho dù phải đấu tranh.

“Những gì chúng ta đang chứng kiến ​​là một cuộc tấn công toàn diện vào trung tâm của dân chủ và tự do,” U Swe Win, đồng sáng lập và tổng biên tập của tờ Myanmar Now, một trong những hãng tin bị cấm, cho biết. “Chúng tôi rất lo ngại rằng Myanmar sẽ trở thành Triều Tiên. Họ sẽ bóp chết mọi hình thức thu thập và chia sẻ thông tin”.

Tatmadaw có bề dày lịch sử trong việc đàn áp phe đối lập. Kể từ khi giành quyền kiểm soát vào năm 1962, quân đội đã trị vì gần nửa thế kỷ trước khi quyết định chia sẻ quyền lực với các nhà lãnh đạo dân sự được bầu chọn và mở cửa đất nước với thế giới bên ngoài.

Vào năm 2012, dưới một chính phủ dân sự mới, điện thoại di động rẻ tiền bắt đầu tràn vào và Facebook trở thành diễn đàn trực tuyến hàng đầu của đất nước. Các phương tiện truyền thông trực tuyến mọc lên sôi động, và sạp báo tràn ngập các tờ báo tìm cách cạnh tranh nhau.

Kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, trong khi quân đội sử dụng các phương tiện truyền thông nhà nước để tuyên truyền và đưa ra các cảnh báo, các cuộc tấn công và bắt giữ nhằm vào các nhà báo đã gia tăng mạnh mẽ trong những tuần gần đây.

Để tránh bị nhắm mục tiêu, các nhà báo đã ngừng đội mũ bảo hiểm hoặc mặc áo vest có in chữ “BÁO CHÍ” và cố gắng hòa lẫn với những người biểu tình. Nhiều người cũng cố gắng ẩn mình bằng cách tránh đưa tên lên các bài báo xuất bản của họ, cũng như tránh ngủ trong nhà riêng. Mặc dù vậy, các máy ảnh chuyên nghiệp có thể làm lộ thân phận họ.

Binh lính và cảnh sát Myanmar cũng thường xuyên lục soát điện thoại của dân thường để tìm ảnh hoặc video biểu tình.

U Myint Kyaw, thư ký của Hội đồng Báo chí Myanmar, một tổ chức vận động độc lập cho các phương tiện truyền thông tin tức, cho biết: “Nếu bạn bị bắt vì video clip, bạn có thể phải vào tù.”

Nhà báo tự do Ko Htet Myat Thu, 24 tuổi, khi đang chụp ảnh các cuộc biểu tình hôm thứ Bảy ở Kyaikto, một thị trấn ở miền nam Myanmar, đã bị một người lính bắn vào chân. Một đoạn video về vụ bắt giữ anh Myat Thu được một nhà báo công dân quay từ một tòa nhà gần đó cho thấy những người lính đã đánh anh ấy và dẫn anh đi.

Một phóng viên ảnh khác đã bị bắn vào ngày hôm đó. U Si Thu, 36 tuổi, bị bắn trúng tay trái khi anh đang giơ máy ảnh lên định chụp ảnh những người lính ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của đất nước. Anh Si Thu nói anh tin rằng quân lính đã nhắm bắn vào đầu anh.

“Tôi có hai máy ảnh,” anh nói, “vì vậy rõ ràng tôi là một phóng viên ảnh mặc dù tôi không có mũ bảo hiểm hay áo vest.”

“Tôi chắc chắn rằng quân đội đang nhắm mục tiêu vào các nhà báo vì họ biết rằng chúng tôi đang cho thế giới thấy thực tế trên hiện trường và họ muốn ngăn chặn chúng tôi bằng cách bắt giữ hoặc giết chúng tôi,” anh nói thêm.

Trong số 56 nhà báo bị bắt, một nửa đã được trả tự do, theo một nhóm đang theo dõi các vụ bắt giữ. Trong số những người được trả tự do có các phóng viên của Associated Press và BBC.

Nhưng 28 người vẫn bị giam giữ, trong đó có ít nhất 15 người phải đối mặt với án tù lên đến 3 năm theo một đạo luật bất thường, trong đó cấm phổ biến thông tin có thể khiến các sĩ quan quân đội lơ là hoặc không thực hiện nhiệm vụ của họ.

Ma Kay Zon Nway, 27 tuổi, một phóng viên của Myanmar Now, đã phát trực tiếp vụ bắt giữ của chính mình vào cuối tháng 2 khi cô đang chạy trốn khỏi cảnh sát ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar. Đoạn video của cô cho thấy cảnh sát nổ súng trên không khi những người biểu tình bỏ chạy. Có thể nghe thấy tiếng thở gấp gáp khi cảnh sát đuổi kịp và đưa cô đi.

Cô Nway nằm trong số những người đã bị buộc tội. Cô chỉ được phép gặp trực tiếp một lần với luật sư của mình.

Ông Swe Win, biên tập viên của Myanmar Now, đã phải ngồi tù 7 năm vì phản đối quân đội vào năm 1998. “Tất cả những thủ tục ra tòa này đang được thực hiện vì hình thức,” ông nói và cho biết thêm, “Chúng tôi không thể mong đợi bất kỳ sự đối xử công bằng nào.”

Ông Myint Kyaw, cựu thư ký hội đồng báo chí, cho biết khi liên lạc di động bị chặn, Facebook bị cấm và Internet bị tắt hàng đêm, các phương tiện truyền thông chính thống của Myanmar đã phải dựa vào các nhà báo công dân để cung cấp video và các bản tin tức.

Một trong số các nhà bào công dân, Ko Aung Aung Kyaw, 26 tuổi, đang quay video cảnh cảnh sát bắt giữ những người trong khu phố ở Yangon thì bị một cảnh sát phát hiện. Đoạn video của ông Aung Aung Kyaw cho thấy cảnh sát đã chửi thề, nhắm súng trường và bắn.

Viên đạn găm vào một bức tường trước mặt anh Kyaw.

“Tôi biết rằng việc ghi lại những thứ như thế này là rất rủi ro và tôi có thể bị bắn chết hoặc bị bắt,” anh nói. “Nhưng tôi tin rằng tôi cần phải tiếp tục làm điều đó vì lợi ích của việc ghi lại bằng chứng để trừng phạt họ.”

Kể từ cuộc đảo chính ngày 1/2, các cuộc biểu tình đã nổ ra gần như hàng ngày, cùng với phong trào bất tuân dân sự trên diện rộng đã khiến nền kinh tế bị đình trệ. Đáp lại, binh lính và cảnh sát đã giết chết ít nhất 536 người, theo AAPP.

Tại Liên Hợp Quốc hôm thứ Tư, đặc phái viên về Myanmar, Christine Schraner Burgener, đã cảnh báo rằng “một cuộc tắm máu sắp xảy ra.” Chế độ đã bắt giữ hàng nghìn người, bao gồm cả nhà lãnh đạo dân sự của đất nước, bà Daw Aung San Suu Kyi. Hôm thứ Năm, một trong những luật sư của bà cho biết bà đã bị buộc thêm tội vi phạm đạo luật bí mật của đất nước.

Trong một tuyên bố đưa ra vào tối thứ Năm, Hội đồng Bảo an đã “bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình xấu đi nhanh chóng [ở Myanmar] và lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa, gây ra cái chết của hàng trăm thường dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em”. Tuy vậy, Hội đồng Bảo an đã không có biện pháp chế tài hay trừng phạt nào với quân đội Myanmar do sự phản đối từ các nước tiêu biểu như Trung Quốc và Nga.


Lê Xuân (theo NYT)