PDA

View Full Version : Tập đoàn Điện lực: Điện gió sẽ bị cắt giảm công suất mức cao vì nguy cơ thừa điện



duyanh
03-26-2021, 01:58 PM
Tập đoàn Điện lực: Điện gió sẽ bị cắt giảm công suất mức cao vì nguy cơ thừa điện




https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2021/03/anh-chup-man-hinh-2021-03-26-luc-121326-700x366.png

Ảnh chụp màn hình Tinnhanhchungkhoan.

EVN cho biết, thời gian tới điện gió (năng lượng tái tạo) có thể bị cắt giảm công suất ở mức cao vì sản xuất ra nhưng không bán được, gây thừa điện.

Cụ thể, nguồn tin trên báo VietNamNet cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam.

Đến thời điểm hiện nay, EVN đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió với tổng công suất là 6.038MW.

Đánh giá tình hình cắt giảm năng lượng tái tạo, theo EVN, trong thời gian tới, theo yêu cầu cắt điện đường dây 500KV Nho Quan – Hà Tĩnh, để đấu nối nhà máy điện Nghi Sơn 2 và tiếp tục cắt điện đường dây 500kV, 220kV nằm trong tổng thể cắt điện đấu nối mạch 3 đường dây 500kV, sẽ tiếp tục phải thực hiện tiết giảm các nguồn năng lượng tái tạo.

Về tổng quan, giai đoạn mùa lũ và cuối năm 2021, hiện tượng thừa nguồn sẽ tiếp tục xuất hiện khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Từ tháng 10-12/2021, khi các nguồn điện gió vào vận hành đủ, đồng thời với giai đoạn mùa lũ miền Trung – Nam, lượng công suất thừa có thể lớn hơn với thời gian dài hơn.

Giai đoạn tháng 7-9/2021, EVN đánh giá “đây là thời kỳ lũ chính vụ miền Bắc, thực hiện khai thác cao thủy điện và tối thiếu nhiệt điện than theo điều kiện kỹ thuật, hệ thống điện miền Bắc có thể cân đối được nguồn, truyền tải Trung – Bắc duy trì ở mức thấp.

Điều này làm cho nguy cơ thừa nguồn toàn hệ thống trở nên trầm trọng hơn. Mức cắt giảm năng lượng tái tạo có thể lên tới 3000/6500MW vào thời điểm thấp điểm trưa của ngày thường hoặc cuối tuần. Sản lượng năng lượng tái tạo cắt dự kiến trong mỗi tháng là hơn 180 triệu kWh.

Giai đoạn tháng 10-12/2021, EVN cho biết, đây là thời kỳ mùa lũ chính vụ miền Trung và Nam, khai thác cao thủy điện nên mức cắt giảm năng lượng tái tạo do quá giới hạn truyền tải 500kV cùng với thừa nguồn điện trên hệ thống trong ngày thường hoặc chủ nhật có thể đạt 6.800MW/10.800MW. Sản lượng năng lượng tái tạo cắt dự kiến trong mỗi tháng là 350-400 triệu kWh.

“Trường hợp có thêm nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành sớm hơn so với tiến độ dự kiến, hoặc các thủy điện đồng loạt xả, lượng năng lượng tái tạo bị cắt giảm còn có thể cao hơn”, EVN lưu ý.

Năng lượng tái tạo tăng “chóng mặt” nhưng thiếu tích điện gây lãng phí

Với tỉ lệ năng lượng tái tạo chiếm tỉ lệ lớn tăng “chóng mặt”, việc yêu cầu phải có pin năng lượng tích trữ là cần thiết. Dù vậy, các chính sách đi kèm chậm ban hành, còn thiếu đồng bộ, gây nhiều lo ngại trong phát triển bền vững điện tái tạo.

Trên báo Tuổi Trẻ, TS. Nguyễn Mạnh Hiến – nguyên viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, nhiều tài liệu của thế giới chỉ ra phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời (ĐMT), nếu dưới 20% tổng công suất của toàn hệ thống thì chưa cần đến các bộ tích điện, nhưng vượt quá 20% thì phải có bộ tích điện. Bởi nếu không có bộ tích điện thì sẽ gây ra tình trạng mất ổn định cho hệ thống, tức là khi không có gió hay mặt trời thì hệ thống sẽ mất một lượng điện quá lớn và sẽ không bảo đảm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Ninh, giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho rằng hệ thống điện Việt Nam là hệ thống độc lập, với cơ chế bắt buộc phải mua hết nguồn năng lượng tái tạo phát ra, tỉ trọng nguồn này trên hệ thống ngày càng tăng, có thời điểm lên tới 30-40%.

“Tuy vậy, sự phát triển của năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện áp mái, ngày càng lớn nhưng chính sách lại không đồng bộ như giải pháp kỹ thuật, lưu trữ điện được ban hành chậm” – ông Ninh đánh giá.

Liên quan đến câu hỏi vì sao sự phát triển nguồn điện tái tạo tăng mạnh nhưng hệ thống lưu trữ điện, tích điện chưa đồng bộ, đại diện Bộ Công thương cho biết, thời gian qua đã nhận được hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB, Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ – USTDA) để nghiên cứu về hệ thống tích trữ năng lượng tại VN.

Bộ này nhìn nhận hệ thống lưu trữ có thể giải quyết việc quá tải lưới điện, ổn định tần số, điện áp… song giá thành còn cao. Vì vậy, Bộ Công thương cho hay đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khả năng áp dụng với từng trường hợp cụ thể để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.



DKN