PDA

View Full Version : Người Già Là Trẻ Cô Đơn



sophienguyen
03-12-2021, 12:05 AM
Người Già Là Trẻ Cô Đơn

https://saigonecho.com/images/gia_va_tre.jpg


Âm thanh kính coong thong thả, đều đặn lan truyền khắp nội thất siêu thị vắng lặng, đúng mười hai tiếng thì ngưng bặt.
Tiếng chuông cuối cùng vừa dứt, lũ búp bê bắt đầu cử động.

Chúng từ các quầy, kệ ngồi dậy, đứng lên, chạy ra ngoài, đến các gian hàng bán đồ chơi trẻ em.
Đứa leo lên xe hơi, đứa cỡi ngựa, đứa đến ngồi trên xích đu, chúng chơi vui vẻ, nói cười huyên náo.
Chơi chán, lũ búp bê chạy ùa lên các lầu trên.

Từ phòng bảo vệ ở tầng hai, ông lão cầm đèn pin, bước ra. Ông muốn đi một vòng các tầng lầu trong siêu thị.
Tầng bốn là nơi dành cho nhà hàng và sân khấu ca nhạc.
Ông lão đi vào nhà hàng. Ở đó, không thấy có gì đáng ngờ, ông đi sang sân khấu.

Vạch tấm màn rộng và nặng, ông bước vào, ngạc nhiên thấy đèn sáng trưng. Trên sân khấu, ông lão nhìn thấy rất nhiều búp bê.
Chúng bất động trong tư thế đàn hát, nhảy múa, đánh trống…

Ông lão nhìn lũ búp bê, lên tiếng:
– Sao? Tụi bây không chơi nữa à? Tụi bây lộng hành quá há? Ai đem tụi bây lên đây?
Rồi ông lão hạ giọng:
– Mà các cháu ở đâu ra vậy? … À… à ông nhớ rồi: dưới đất, tất nhiên là dưới đất… Nhưng làm thế nào các cháu lên trên này được? Những bốn tầng lầu, ông đi muốn hụt hơi!

Chợt nghĩ mình hoa mắt, ông lão đi trở xuống.
Ở cầu thang tầng ba, ông lão bắt gặp một búp bê ngồi bẹp trên bậc tam cấp, bất động.
Ông lão, đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng mắt còn sáng tỏ, cúi xuống, nhặt búp bê lên, hỏi:
– Còn mày nữa? Mày ở đâu ra vậy?
Ông lão mang búp bê đi trở xuống.

Bỗng một tiếng nói vang lên:
– Ông đừng mang cháu trở lại nhà kho, cháu sợ lắm!
Ông lão dừng lại, nhíu mày. Có phải ông vừa nghe tiếng ai đó, giọng trong trẻo, thánh thót của con trẻ?
Giọng nói vang lên lần nữa, lớn hơn, hoảng hốt, sợ hãi:
– Xin ông đừng mang cháu trở lại nhà kho, cháu sợ lắm!
Lần này, ông lão nhận ra tiếng của con búp bê trên tay mình.

Với cử chỉ dịu dàng tựa như đang nâng đứa cháu bé bỏng, ông bảo vệ già đưa búp bê lên ngang mặt bằng cả hai bàn tay to lớn chai sần của mình, cất giọng trầm trầm nhưng khoẻ khoắn:
– Mày biết nói ?
– Dạ… thưa ông, tên cháu là Lọ Lem.
Ông lão không tỏ vẻ ngạc nhiên, tự giới thiệu:
– Còn ông, tất nhiên là ông Ba. Tại sao cháu không muốn trở lại dưới đó?
– Dạ, anh bảo vệ đã vất cháu vào nhà kho. Ở đấy có nhiều chuột lắm ạ.
Ông lão nhìn mặt mày, quần áo Lọ Lem, chợt hiểu. Ông gật gù:
– Phải! Ngay cả các bà các cô người lớn cũng sợ, huống hồ gì cháu. Mà này, cháu nhìn thấy chuột thật à?
Lọ Lem gật đầu, ra dấu:
– Dạ, cháu nhìn thấy hai con bự thế này ông ạ.
– Tệ thật! Ông giám đốc mà biết chuyện này… Cháu biết không, một cặp vợ chồng chuột có thể sinh ra ba trăm con chuột con mỗi năm.
– Eo ơi!… Vậy phải làm sao hở ông ?
– Để lũ chuột đấy cho ông. Tất nhiên là ông biết cách trị chúng.
Ông lão bảo vệ đặt Lọ Lem xuống.
Thoáng chốc, Lọ Lem mất hút trong bóng tối cầu thang.

Ông lão bước từng bậc thang một.
Bóng ông hắt lên tường thành một vệt đen hình người bị kéo dài, dị dạng, tựa bóng ma trong một lâu đài cổ.
Vài ngọn đèn rải rác không soi sáng hết không gian mênh mông của siêu thị.
Nhiều góc khuất, nhiều gian hàng chìm vào bóng tối im lìm lặng lẽ, có vẻ như ẩn chứa những bất trắc, những bí mật ma quái của đêm khuya .
Khi ông lão bảo vệ đến nơi, Lọ Lem đã chờ sẵn từ bao giờ.
Thấy ông lão thở mệt nhọc, Lọ Lem hỏi:
– Sao ông không đi thang máy hở ông ?
Ông lão kêu lên trong khi thở mạnh:
– Sao? Có thang máy à? Ừ, tất nhiên có thang máy.
Rồi ông lão hạ giọng nói tiếp:
– Ông già rồi nên hay quên cháu ạ.
Lọ lem chỉ vào trong nhà hàng:
– Mình đến kia ngồi nghỉ một lát đi ông!.
Họ ngồi ở bàn sát cửa kính.
Lọ Lem leo lên tay vịn của chiếc ghế.
Cả hai nhìn ra ngoài.
Bên ngoài, phía dưới những mái nhà im lìm ngủ;
bên trên, chi chít sao lấp lánh giữa biển trời đêm, bao la và thăm thẳm.

– Ngồi vào đây, cháu, ngồi vào đây, giữa lòng ông.
Lọ Lem ngoan ngoãn trèo qua tay vịn, bước vào lòng ông lão. Ông lão ôm Lọ Lem, hỏi:
– Cháu có lạnh không?
– Dạ không ạ.
Lọ Lem trả lời, rồi đứng lên trên đùi ông lão, quay lại, nắm hai đầu khăn quàng ở cổ ông lão, xếp chéo lên nhau, hỏi:
– Ông lạnh hở ông ?
– Ừ.
Im lặng một lát, ông lão nói:
– Nào, cháu hãy kể đi.
– Ông muốn cháu kể chuyện gì ạ?
– Tất nhiên chuyện gì cũng được.

Ông lão muốn lên sân khấu, hỏi cho ra lẽ các búp bê ở đấy; tuy nhiên, ông đã quên việc ấy.
Lọ Lem kể về sinh hoạt của lũ búp bê ở siêu thị, rồi nói:
– Chúng cháu ở đây và chờ một người bạn đến mang đi… Mà ông ơi, người ta bảo các ông bà lão có nhiều chuyện cổ tích hay lắm phải không ạ?
– Tất nhiên rồi.
Ông lão im lặng nhìn bầu trời đêm.
Một lát, ông lão đưa tay chỉ một ngôi sao xa tít:
– Cháu có trông thấy ngôi sao kia không?
– Có. Nó thật nhỏ bé. Có phải nó là một ngôi sao con không ông?
– Không phải cháu ạ. Trông nó nhỏ bé vì nó ở xa. Ta đã từng ở hướng đó. Tít nơi xa đó là Châu Phi, có sa mạc Sa-ha-ra. Chắc cháu biết ở đó chỉ có cát?
Lọ Lem chưa từng đi khỏi siêu thị. Nó chưa kịp trả lời; ông lão đổi giọng:
– Cát biển kể cho ta nghe về đại dương, nơi khơi nguồn sự sống và còn mơ trở về biển, còn cát sa mạc chỉ kể về sự huỷ diệt mà thôi. Chúng chẳng thể là bạn của ta…
Ngưng một lát, ông lão kể tiếp:
– Ở sa mạc, một hôm ta gặp một con gấu đen.
– Cháu chẳng hiểu sao nó lại ở đó?
– Nó ở đó vì rừng của nó không còn nữa .
– Tại sao thế ông?
– Cây rừng đã bị con người đốn và đốt cháy.
– Thế con gấu chắc là đói lắm?
– Đúng thế. Và ta cũng vậy.
– Ông và gấu đã đánh nhau phải không ạ?
– Phải. Chúng ta đã đánh nhau để tồn tại. Khi ấy ta to và khoẻ không thua gấu.
– Cuối cùng ông đã giết được gấu hở ông?

– Không. Tất nhiên cuộc đấu tranh sinh tồn rất quyết liệt. Nhưng cháu biết không, cuối cùng cả ông và gấu đều nhận ra có một điều hệ trọng hơn sự sinh tồn. Đó là nỗi cô đơn.
Phải, nếu một trong hai mà chết, kẻ còn lại phải sống một mình và sống cô đơn. Kẻ ấy ngày này qua ngày khác sẽ phải nghe cát sa mạc kể về sự huỷ diệt, về nỗi tuyệt vọng.
– Ông đang ở đây với cháu. Còn con gấu?
– Nó vẫn sống. Tất nhiên nó ở đâu đó.
– May thật, ông nhỉ?
– Ừ, tất nhiên là may.

Cả hai im lặng một lúc lâu; rồi Lọ Lem lên tiếng:
– Trong siêu thị có phải ông không có bạn? Tất cả nhân viên siêu thị không ai muốn nói chuyện với ông, hở ông?
– Ừ, họ cho là ông lẩm cẩm; nhưng không sao, ông vẫn có nhiều cháu đấy thôi. Đó là bọn trẻ con theo cha mẹ đi mua sắm.
– Nhưng chúng đến rồi về.
– Có hề gì. Chúng lại đến. Vả lại, ở đây có các cháu, có Bạch Tuyết, có ba chàng ngự lâm quân, có nàng tiên cá, có gia súc và muôn thú.
– Ông không bao giờ thấy cô đơn hở ông ?
– Không, vì ông không bao giờ xây những bức tường.
– Cháu không hiểu.
– Cháu biết không, người ta nói “con người trở nên cô đơn trong cuộc đời, bởi thay vì xây những chiếc cầu, người ta lại đi xây những bức tường. ”
– Cháu cũng như ông, cháu chỉ xây cầu thôi chứ không xây những bức tường… Ông ơi, có phải khi nhìn thấy một ngôi sao sa, ta ước điều gì thì sẽ được điều ấy, phải không ông?
Ông lão vuốt tóc Lọ Lem:
– Phải, cháu ạ.
Lọ Lem nói với giọng buồn bã:
-Từ đầu hôm đến giờ không có một ngôi sao nào sa xuống cả.
– Sẽ có. Nhất định sẽ có cháu ạ.
– Ông cũng có lời ước phải không ông?
– Ừ, ông cũng có một ước mơ.
Im lặng một lát, Lọ Lem nói:
– Ông ơi, nếu có một ngôi sao sa nào, chúng ta cùng ước ông nhé?
– Ừ, chúng ta sẽ cùng ước.

Vào khuya, trời thêm lạnh, những ngôi sao thêm sáng.
Ông lão ôm Lọ Lem vào lòng.
Họ kiên nhẫn ngồi chờ.
Rồi thì cũng có một vệt sáng dài vạch từ trên cao xuống.
– Kìa, một ánh sao rơi, cháu ước đi .
– Ông cũng ước nhé.
– Ừ, ta cùng ước.
Họ nói nhanh rồi im lặng, cùng hướng về phía ánh sao sa.
Lọ Lem nói to:
– Cháu là Lọ Lem, cháu ước cháu sẽ có một người bạn tốt.

Một lát.Ông lão đứng lên, nắm lấy Lọ Lem đặt lên lưng mình, vòng tay qua vai nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của Lọ Lem:
– Khuya quá rồi, ta đi ngủ thôi, cháu.
Cả hai rời nhà hàng.
Từ bóng tối ở cầu thang vang ra tiếng họ:
– Ông ơi, ban nãy ông ước gì hả ông?
– Ông cũng ước có một người bạn…


Thu Phong