PDA

View Full Version : TP. HCM đề xuất tháo dỡ chung cư cũ khi 50% cư dân đồng ý



giahamdzui
01-12-2021, 05:59 PM
TP. HCM đề xuất tháo dỡ chung cư cũ khi 50% cư dân đồng ý





https://img.ntdvn.com/2021/01/ntdvn_befunky-collage-2-3.jpg

Kiến nghị tháo dỡ chung cư cũ khi có 50% cư dân đồng ý. (Ảnh tổng hợp)


Thay vì phải 100% như quy định, nhà chức trách được tháo dỡ những chung cư cũ để cải tạo, xây mới khi có từ 50% cư dân đồng ý.

Đây là đề xuất của UBND TP. HCM vừa được gửi Bộ Xây dựng bổ sung dự thảo Nghị định số 101/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ .

VnExpress đưa tin, thành phố cũng kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung quy định về tỉ lệ đồng thuận của các chủ sở hữu tại hội nghị nhà chung cư để lựa chọn chủ đầu tư đối với chung cư có kết luận kiểm định cấp C (cấp nguy hiểm cục bộ) là 80%. Đây là tỉ lệ đồng thuận để chọn chủ đầu tư, chứ không phải để tháo dỡ chung cư.

Theo quy định hiện nay, việc tháo dỡ, xây dựng mới chung cư cũ phải được sự đồng thuận của 100% các chủ sở hữu nhà chung cư.

Về điều này, các chuyên gia về lĩnh vực bất động sản cho rằng rất khó có sự đồng thuận từ tất cả các chủ sở hữu những căn hộ chung cư cũ. Do đó hiện nay, việc cải tạo chung cư cũ ở nhiều nơi gặp vướng mắc, làm tiến độ cải tạo trở nên bế tắc.

Hiện, TP. HCM có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975, trong đó, nhiều tòa nhà hư hỏng nặng, xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cư dân.

Theo Thanh Niên, trong số này có thể kể đến một số chung cư như: chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3), cư xá Vĩnh Hội (Q.4), chung cư Viễn Đông (Q.5), chung cư Ngô Gia Tự, Ấn Quang (Q.10), chung cư Tân Phước (Q.11); chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh)...

Hồi tháng 11/2020, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM Huỳnh Thanh Khiết cho biết, từ năm 2016 đến 2020, thành phố chỉ xây mới được 2 chung cư cũ, trong số 237 chung cư theo kế hoạch.

Bổ sung phương án bồi thường
Tại Khoản 5, 6 Điều 7 Nghị định số 101/2015 quy định: “Thời hạn để cộng đồng chủ sở hữu nhà chung cư được toàn quyền quyết định lựa chọn nhà đầu tư và quyết định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cụ thể là 3 tháng đối với chung cư nguy hiểm và 12 tháng đối với chung cư hư hỏng nặng. Quá thời gian nêu trên mà chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được nhà đầu tư thì nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện phá dỡ và lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng mới chung cư”.

Tuy nhiên trên thực tế, khi hết thời gian cho phép, người dân vẫn không thỏa thuận được phương thức bồi thường với nhà đầu tư.

Ngoài ra, chủ sở hữu nhà chung cư khó thống nhất về phương thức bồi thường cũng như giá trị bồi thường hoặc nếu có đồng thuận thì sau đó có trường hợp lại đề nghị thay đổi phương thức từ việc nhận tiền sang nhận nhà hoặc ngược lại, nên kéo dài thời gian thực hiện.

Tại dự thảo Nghị định số 101, UBND TP. HCM kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung phương án bồi thường đối với trường hợp xây chung cư hư hỏng nặng do nhà nước đầu tư.

Theo đó, việc bồi thường vẫn thực hiện bằng tiền hoặc căn hộ, nhưng bổ sung quy định nhà nước sẽ cưỡng chế khi có từ 50% cư dân đồng thuận phương án. Chủ sở hữu căn hộ khi bị cưỡng chế được bồi thường bằng tiền với mức giá trung bình của các chủ căn hộ đã chấp thuận.

NTD