PDA

View Full Version : Lũ có thể không về miền Tây, nông dân lo hạn mặn sớm



duyanh
09-16-2020, 01:24 PM
Lũ có thể không về miền Tây, nông dân lo hạn mặn sớm



Theo quy luật đã sắp hết Tháng Bảy Âm Lịch, lẽ ra “nước nhảy khỏi bờ” nhưng hiện nay những cánh đồng, con sông ở vùng đầu nguồn Đồng Bằng Sông Cửu Long vẫn “khát nước” giữa mùa lũ.

Báo Lao Động cho hay dù đang vào mùa lũ nhưng ở An Giang, tỉnh đầu nguồn đón lũ vẫn trong cơn “khát nước.” Huyện An Phú, nơi lẽ ra đón nhận lượng nước đầu tiên từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, song đến giờ mực nước vẫn rất thấp so với trung bình cùng kỳ nhiều năm.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/09/vn-lu-an-giang-1.jpg

Cuối Tháng Bảy Âm Lịch nhưng đồng ruộng ở huyện đầu nguồn huyện An Phú, tỉnh An Giang vẫn “khát nước.” (Hình: Lục Tùng/Lao Động)

Hiện, lượng nước trên các cánh đồng lẫn dưới sông đều ở mức thấp hơn nhiều so với mức báo động cấp 1 (gây tác hại đến các khu vực sản xuất nông nghiệp ở vùng trũng, thấp) thay vì phải là mức báo động cấp 2 hoặc 3.

Theo số liệu của Đài Khí Tượng Thủy Văn tỉnh An Giang, trên hai nhánh sông chính của đầu nguồn sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu nước lũ cũng ở mức thấp, lưu tốc không mạnh.

Tính đến ngày 14 Tháng Chín, mực nước cao nhất trên sông Tiền và sông Hậu đều ở mức dưới báo động cấp 1. Cụ thể, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu là 1.64 mét (quy định 3.5 mét). Tương tự trên sông Hậu, tại Châu Đốc là 1.71 mét (quy định 3 mét).

Người dân vùng lũ này cho biết đây là điều bất thường, bởi lâu nay, mỗi khi bước vào mùa lũ, những đồng đất ở xã Nhơn Hội, huyện An Phú, bị nước từ thượng nguồn đổ về nhấn chìm và biến những cánh đồng lúa thành biển nước. Giờ thì bờ ruộng vẫn còn khô ráo, người dân vẫn tự do đào bới bắt chuột.

Điều này không chỉ khiến nước lũ không đủ lực để đưa cá tôm mùa lũ về ruộng đồng cũng như việc cung cấp phù sa, vệ sinh đồng ruộng mà còn gây khó khăn trong việc đi lại.

Do đinh ninh “đến hẹn lại lên,” nên trước đó nhiều nông dân đã đầu tư chuẩn bị sẵn các dụng cụ đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên đến nay, nhiều nơi mực nước vẫn chưa đủ ngập nên nhiều khả năng thua lỗ.

Ông Trần Văn Lạc (58 tuổi, ở xã Quốc Thái, huyện An Phú) cho biết ông làm nghề giăng lưới gần 40 năm, nhưng chưa năm nào con nước lũ về trễ như năm nay.

“Nếu so với năm 2019 thì con nước lũ năm nay lên trễ hơn nửa tháng. Còn so với trung bình nhiều năm trước chắc trễ hơn một tháng. Năm rồi tôi và con trai giăng lưới trên sông cũng kiếm vài trăm ngàn đồng/ngày, còn năm nay không có cá nên tôi phải đi bán vé số dạo,” ông Lạc nói với báo Tuổi Trẻ.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/09/vn-lu-an-giang-2.jpg

Nhiều nông dân đã mua sắm dụng cụ đánh bắt thủy sản mùa lũ, song có nhiều khả năng thua lỗ. (Hình: Lục Tùng/Lao Động)

Theo dự báo của Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia, số liệu quan trắc cho thấy mùa lũ về Đồng Bằng Sông Cửu Long năm nay muộn gần hai tháng so với những năm trước. Khả năng đỉnh lũ năm 2020 sẽ xuất hiện vào cuối Tháng Chín, và mực nước cao nhất năm trên sông Tiền và sông Hậu có thể thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0.2 đến 0.4 mét.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc miền Tây “có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt. Lũ về muộn và mực nước thấp còn khiến cho Đồng Bằng Sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn tại các địa phương ven biển khi triều cường.” (Tr.N)