PDA

View Full Version : Giả cán bộ Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an, đi xe biển xanh, trang bị súng vào nhà dân đọc lệnh bắt



duyanh
08-30-2020, 12:10 PM
Giả cán bộ Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an, đi xe biển xanh, trang bị súng vào nhà dân đọc lệnh bắt người



‘Tôi chặn họ lại và yêu cầu để tôi thay bộ đồ khác nhưng họ vẫn nằng nặc đi theo. Tôi hô hoán lên là các anh định hiếp dâm tôi à. Lúc này họ mới chịu để tôi đi’, nạn nhân kể.

Ngày 30/8, Công an quận 11, TP.HCM, đang tạm giữ, lấy lời khai Trần Hữu Sơn (41 tuổi, ngụ quận 7) và Trần Hồng Thái (37 tuổi, quê Hưng Yên) về hành vi Cưỡng đoạt tài sản. Sơn và Thái là 2 nghi phạm giả cảnh sát vào nhà dân ở quận 11 đọc lệnh bắt người và đòi khám xét nhà.


https://tambao.info/wp-content/uploads/2020/08/83285c5f6ebc94c03c92f2234b5107f4.jpg

Chiếc ôtô biển số xanh giả và khẩu súng tang vật. Ảnh: Lê Trai.

Gần 2 ngày sau vụ việc, bà T. (ngụ phường 7, quận 11) cho biết bà vẫn chưa hết sợ hãi khi nhớ lại cảnh 2 người đàn ông giả cảnh sát vào nhà đòi khám xét, bắt người.

Bà T. kinh doanh đá hoa cương, sống một mình ở căn nhà trong con hẻm trên đường Nhật Tảo, phường 7, quận 11. Khoảng 22h ngày 28/8, bà T. đi làm từ thiện ở Cần Thơ về tới nhà. Tắm rửa xong, người phụ nữ lên giường nằm ngủ thì bất ngờ có người đập cửa.

Cánh cửa sắt vừa hé ra, bà T. thấy 2 người đàn ông mặc sắc phục công an đứng trước nhà, một người tự xưng tên Thắng đến từ Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an). Khi bà T. chưa kịp hiểu chuyện gì họ đã kéo toang cửa, xông vào và quát tháo, yêu cầu khám xét, bắt bà.

“Tôi chặn họ lại và yêu cầu để tôi thay bộ đồ khác nhưng họ vẫn nằng nặc đi theo. Tôi hô hoán lên là các anh định hiếp dâm tôi à. Lúc này họ mới chịu để tôi đi thay đồ”, bà T. nhớ lại.

Thừa cơ hội này, bà T. chạy lên lầu gọi điện thoại cho em trai đến hỗ trợ. Người dân xung quanh thấy sự việc nghi vấn cũng gọi báo Công an phường 7.

“Họ đọc lệnh bắt tôi về tội Tổ chức đánh bạc và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Họ đọc đúng tên tuổi nhưng tôi không dính líu đến vấn nạn này nên nghĩ là họ nhầm”, bà T. kể và cho biết thêm một lúc sau bà hoảng loạn, tăng huyết áp, gần như ngất xỉu.

May mắn, lúc đó Công an phường 7 có mặt kịp thời. “Tôi thấy mình may mắn vì công an đến rất nhanh. Kẻ giả danh cảnh sát chuẩn bị chu đáo như thế thì tôi nghĩ bọn họ không rời đi với tay trắng đâu”, bà T. nói.

Lật mặt 2 tên cảnh sát giả

Một cán bộ Công an phường 7, quận 11, cho biết khi lực lượng chức năng đến hiện trường, 2 cảnh sát “dỏm” vẫn tỏ ra bình tĩnh, đối đáp một cách rõ ràng.

“Khi tôi hỏi sao mấy anh khám xét nhà mà không thông qua địa phương thì họ nói đã gửi thông báo nhiều lần rồi. Tuy nhiên, qua kiểm tra thẻ ngành và hỏi vài câu liên quan nghiệp vụ, 2 gã này lòi đuôi ‘cáo’. Tổ công tác liền xin ý kiến chỉ huy đưa 2 người và phương tiện về trụ sở làm việc”, cán bộ này nói.


https://tambao.info/wp-content/uploads/2020/08/bb8e0f5066fe99ce977eefc706771c88.jpg

Cảnh sát lấy lời khai Thái (trái) và Sơn để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Ảnh: Lê Trai.

Khi bị điều tra, họ thú nhận chỉ là cảnh sát “dỏm”, đến nhà này với mục đích chiếm đoạt tiền. Tất cả quân phục, biển số xe, súng ngắn được mua trên mạng. Trong đó, chiếc ôtô được 2 người này thuê và gắn biển số xanh giả vào sử dụng.

Theo cảnh sát, 2 nghi phạm trang bị rất kỹ và rất khôn ngoan. Việc lật mặt được nhóm này nhờ sự cảnh giác cao của quần chúng.

“Trong mỗi cuộc họp khu phố, chúng tôi thường tuyên truyền để người dân nắm được thủ đoạn của các băng nhóm lừa đảo. Khi người dân thấy sự việc có biểu hiện khả nghi thì phải nhanh chóng báo cho công an khu vực”, cán bộ này nói.

Ngoài ra, theo nhà chức trách, việc khám xét, bắt giữ người vi phạm pháp luật phải có nhiều lực lượng tham gia như cảnh sát, viện kiểm sát nhân dân và sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Nếu thiếu một trong các lực lượng trên thì người dân cần cảnh giác.

Zing News