PDA

View Full Version : Pháp-Bỉ thắt chặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng



duyanh
07-18-2020, 12:03 PM
Pháp-Bỉ thắt chặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng




https://s.rfi.fr/media/display/1de4763e-c8c6-11ea-829b-005056a964fe/w:980/p:16x9/2020-07-17T155046Z_1861833523_RC23VH98HPJI_RTRMADP_3_HEALT H-CORONAVIRUS-FRANCE-MASKS.webp

Thông báo bắt buộc đeo khẩu trang trên cửa kính một cửa hiệu tại Vincennes, sát Paris (Pháp) ngày 17/07/2020. REUTERS - CHARLES PLATIAU

Trong tuần qua, đại địch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng, vượt tầm kiểm soát ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở Hoa Kỳ và châu Mỹ Latinh. Tạp chí Thế Giới Đó Đây của RFI Việt ngữ tuần này xin tiếp tục được tập trung những đề tài xoay quanh dịch bệnh Covid-19.

Pháp - Bỉ thắt chặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nhiều nơi công cộng

Tại châu Âu, nơi từng là tâm dịch Covid-19 của thế giới sau khi virus corona tàn phá Trung Quốc, người dân vốn thích đi du lịch mùa hè, nên chính quyền nhiều nước lo ngại dịch bệnh sẽ lây lan mạnh trở lại. Nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ hai vào mùa thu cũng đã được nhiều chuyên gia dịch tễ cảnh báo. Để chặn đà lây lan của dịch bệnh, tại một số nước châu Âu, chính quyền quyết định thắt chặt quy định về việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Tại Pháp, nước nằm trong tốp đầu thế giới về số ca tử vong vì virus corona, hôm thứ Bảy 11/07, trên diễn đàn của báo của Parisien, 14 bác sĩ danh tiếng đã kêu gọi chính quyền ra quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở những nơi công cộng khép kín. Trong ngày Quốc Khánh Pháp 14/07, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, tổng thống Emmanuel Macron nói đến khả năng biện pháp trên sẽ được áp dụng từ ngày 01/08. Tuy nhiên, lần này chính phủ Pháp tỏ ra nhanh nhạy hơn. Hôm 16/07, tân thủ tướng Jean Castex thông báo trước Thượng Viện là quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng nhưng có không gian kín sẽ chính thức có hiệu lực ngay từ thứ Hai tuần tới 20/07.

Nhìn sang nước láng giềng Bỉ, quốc gia có tỉ lệ tử vong vì virus corona thuộc hàng cao nhất thế giới nếu tính theo quy mô dân số, thời gian qua số ca nhiễm mới không tiếp tục giảm mà chững lại trong nhiều ngày và ngày càng có nhiều người trẻ tuổi nhiễm virus. Vì thế, sau 2 tháng ra quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, chính phủ liên bang hôm thứ Bảy 11/07 ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở hầu hết mọi nơi công cộng như tòa án, ngân hàng, trung tâm thương mại, nơi thờ phụng tôn giáo, sòng bạc, rạp phim … Chính quyền Bỉ tỏ ra rất nghiêm khắc khi thông báo những cơ sở để khách vi phạm nhiều lần có thể sẽ bị đóng cửa.


https://images2.zemanta.com/p/srv/sha/fb/d2/50/94d27aa125b0208fcd17cd66a8efe7f57b.jpg?w=600&h=315&fit=crop&crop=center&fm=jpg

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet gửi về bài phóng sự :

« Tôi bắt đầu đeo khẩu trang ngay từ đầu mùa dịch. Bất kể lúc nào, kể cả khi ở ngoài trời. Vì thế, tôi thấy quy định này không gây phiền phức gì cho tôi cả. Tôi chỉ thấy là lẽ ra chính quyền phải làm như vậy ngay từ đầu mùa dịch, nếu làm như thế có lẽ đại dịch đã bớt nghiêm trọng hơn ». Bà Gina Gilbert lấy làm tiếc. Theo bà, ở chỗ nào thì cũng cần phải đeo khẩu trang. Chính phủ đã thông báo là tất cả những ai không tuân thủ quy định mới đều sẽ bị « xử lý hình sự », trừ trẻ em dưới 12 tuổi.

Tại Bruxelles, ngay cả trước khi chính quyền ra quyết định nói trên, một số chủ cửa hàng cửa hiệu đã khuyên khách nên đeo khẩu trang. Ông Yves Manet, một chủ cửa hàng hoa tươi giải thích : « Đeo khẩu trang thật không dễ chịu chút nào, rất phức tạp. Nhưng điều này là bắt buộc. Nếu chúng ta không muốn có làn sóng dịch bệnh thứ hai thì chúng ta bắt buộc phải làm như thế. Nhiều người phản đối việc đeo khẩu trang, vì thế cần ra quy định để buộc mọi người phải tuân thủ ».

Một người đàn ông tên là Bernard khẳng định là ông sống ở Bruxelles từ 79 năm qua và thấy là ở thủ đô mọi người chú ý đến các vấn đề vệ sinh y tế hơn là ở nông thôn. Ông chia sẻ : « Tôi đã mua một ngôi nhà ở làng quê và khi ở đó, tôi đeo khẩu trang lúc đi mua sắm. Tất cả mọi người đều cười nhạo tôi. Nhưng tôi thấy đeo khẩu trang chả phiền phức gì ». Rồi ông cười to và hài hước nói : « Thi thoảng tôi còn thấy hay là đằng khác, nhất là khi tôi chưa kịp cạo râu. »

Đối với các cửa hàng, bảo tàng, quyết định bắt buộc đeo khẩu trang khá được lòng mọi người, nhưng ở những nơi như trong khán phòng xem biểu diễn, hay trong phòng chiếu phim ở rạp thì có lẽ không mấy người thích quy định này. »

Mỹ: Thành phố Phoenix triển khai trạm xét nghiệm tầm soát lưu động miễn phí

Nhìn sang nước Mỹ, tâm dịch Covid-19 lớn nhất thế giới cả về số người nhiễm bệnh và số ca tử vong, trong số những bang bị dịch bệnh gây tác hại nặng nề nhất, ngoài Florida, Texas, California, phải kể đến bang Arizona, nhất là thành phố Phoenix. Tỉ lệ người Mỹ gốc Mêhicô nhiễm virus ở thành phố này rất cao. Vì thế, nhiều hiệp hội đã tổ chức xét nghiệm tầm soát miễn phí ở các trạm xét nghiệm drive-in.

Từ Phoenix, đặc phái viên RFI Éric de Salve gửi về bài phóng sự :

« Hãy thư giãn, đừng căng thẳng … việc này không dễ chịu lắm nhưng cũng sẽ không làm cô đau lắm đâu … Một nữ y tá đeo khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, mặc bộ đồ bảo hộ, nói với cô Patricia, một người đến để được xét nghiệm tầm soát virus corona, rồi dùng que thử ngoáy sâu vào trong mũi cô. Cô Patricia kêu lên : « Ôi lạy Chúa, đau quá ! » rồi cô giải thích : « Tôi đã tiếp xúc với một người nhiễm virus, nên tốt hơn hết là thận trọng và làm xét nghiệm tầm soát ».

Chúng tôi đang ở trong bãi đậu xe của một trường trung học vốn được biến thành một trạm xét nghiệm tầm soát di động rất lớn và miễn phí từ suốt 3 tuần nay. Công tác xét nghiệm do các hiệp hội khu vực nam Phoenix thực hiện. Đó là khu vực nghèo nhất và có nhiều người nhiễm bệnh nhất của thành phố. Một tín hiệu báo động khẩn cấp ! Mới có gần 8h sáng mà đã có một loạt xe hơi nối đuôi nhau xếp hàng dài nhiều cây số. Anh Raul, 34 tuổi, kiên nhẫn chờ suốt hai giờ đồng hồ. Người công nhân xây dựng người Mỹ gốc Mêhicô cần có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona để có thể được làm việc trở lại.

Anh Raul giải thích : « Một đồng nghiệp của tôi đã được xét nghiệm với kết quả dương tính. Vì thế họ đã yêu cầu tôi làm xét nghiệm trước khi cho phép tôi quay trở lại làm việc. Đó là để đảm bảo an toàn cho các đồng nghiệp. Chúng tôi chỉ cần chú ý một chút. Chúng tôi muốn tránh để dịch bệnh lây lan. Chúng tôi đều lo sợ cho sự an toàn của gia đình mình ».

Virus corona đã lây lan vượt tầm kiểm soát từ một tháng rưỡi nay ở bang Arizona. Những người Mỹ gốc Mêhicô như anh Raul hay cô Patricia là những người dễ bị nhiễm bệnh nhất. Ở thành phố Phoenix, họ chiếm 40% dân số nhưng lại chiếm tới 50% số người nhiễm Covid-19 ».

Indonesia : Nguy cơ bùng nổ dân số vào cuối năm 2020

Tại Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, chính quyền đang lo ngại nguy cơ dân số bùng nổ vào cuối năm 2020 trong khi nền kinh tế đang suy thoái nặng nề. Từ vài tháng nay, cơ quan kế hoạch hóa gia đình của Indonesia tìm đủ cách để hạn chế đà tăng dân số, kể cả dùng loa phát thanh kêu gọi các cặp vợ chồng kiềm chế, đừng để có có thai.

Từ Kuala Lumpur, thông tín viên RFI Gabrielle Maréchaux gửi về bài phóng sự :

“Các bà, các cô, đừng để có thai ! Còn các ông thì hãy kiềm chế ! » Đó là những câu nói được phát trên loa phóng thanh ở các vùng nông thôn Indonesia. Không thể nói rõ ràng hơn thế được nữa ! Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và tình hình ngày khó khăn do virus corona gây ra, giờ không phải là thời điểm thích hợp để có con.

Tuy nhiên, cơ quan kế hoạch hóa gia đình cho rằng đến cuối năm nay sẽ có thêm gần 500.000 em bé được sinh ra. Bà Dwi Listyawardani, giám đốc bộ phận quản lý sinh đẻ của cơ quan kế hoạch hóa gia đình giải thích : « Sự bùng nổ dân số - baby boom - sẽ ảnh hưởng đến khắp mọi vùng của Indonesia, từ đô thị đến nông thôn. Ở đâu chúng tôi cũng có mối lo về việc cung cấp các biện pháp ngừa thai. Ở khắp mọi nơi, trong giai đoạn đại dịch hoành hành, nhân viên chăm sóc y tế đều phải ưu tiên chăm sóc người nhiễm Covid-19. Hơn nữa, trên khắp cả nước, người dân nhận được lệnh không đến bệnh viện hoặc các phòng khám tư để khám và điều trị những bệnh không phải là cấp bách.

Và vì chính phủ đã yêu cầu người dân ở yên trong nhà và làm việc từ nhà, nên các cặp vợ chồng tiếp xúc, gần gũi với nhau lâu hơn, vì thế rất nhiều phụ nữ có thai. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nào, khi Indonesia là đất nước mà con cái vẫn thường được coi là phúc lành ?

Cơ quan kế hoạch hóa gia đình làm sáng tỏ vấn đề qua những đoạn băng vidéo trong đó có liệt kê tất cả những nguy cơ có thể xảy ra : Trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ bị sinh non, đứa bé sau này sẽ không được hưởng nhiều tình yêu thương, tỉ lệ tử vong cao ở những phụ nữ phá thai chui. Ở Indonesia, việc nạo phá thai chỉ được phép trong trường hợp người phụ nữ có thai sau khi bị cưỡng hiếp, hay mang thai có thể gây nguy hiểm cho bà mẹ. Vì thế, việc nạo phá thai chui có thể dẫn đến kết cục bị thảm cho người phụ nữ. »

Lời khẩn cầu tăng thuế của nhóm "các triệu phú vì nhân loại"

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng vì dịch bệnh, có 83 triệu phú trên thế giới đã có một hành động gây sửng sốt khi gửi một bức thư ngỏ cho các nhà hoạch định chính sách để đề nghị được đóng thuế cao hơn. Bức thư được công bố vài ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh bộ trưởng Tài Chính nhóm G20.

« Xin hãy đánh thuế chúng tôi, Xin hãy đánh thuế chúng tôi, Xin hãy đánh thuế chúng tôi. Đó là một lựa chọn tốt, sự lựa chọn duy nhất ! » Lời khẩn cầu nói trên thật là khác thường, nhất là vì đó là lời khẩn cầu của một nhóm gồm 83 triệu phú có tên gọi « những triệu phú vì nhân loại ». Đa số các triệu phú này là người Mỹ, chẳng hạn Jerry Greenfield, đồng sáng lập hãng kem nổi tiếng Ben & Jerry's, hay Tim và Abigail, những người thừa kế đế chế Disney.

Vì không thể trực tiếp chăm sóc, cứu chữa những người ốm đau hay gửi thực phẩm đến tận nhà cho những người khốn khó …, nhóm « những triệu phú vì nhân loại » muốn đóng góp thông qua việc đóng nhiều thuế hơn, vì thế họ yêu cầu có những cải cách tăng thuế ngay lập tức và kéo dài. Theo họ, khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ có những hệ quả nặng nề trong suốt vài thập niên và đẩy vài trăm triệu người vào cảnh bần cùng.




RFI