PDA

View Full Version : 31 triệu dân Việt bị ảnh hưởng bởi Covid19, đói mờ mắt vẫn cố kiếm tiền xây tượng đài tiền tỷ?



duyanh
07-10-2020, 12:37 PM
31 triệu dân Việt bị ảnh hưởng bởi Covid19, đói mờ mắt vẫn cố kiếm tiền xây tượng đài tiền tỷ?


Sau đại dịch Covid19, cả nước thống kê có tới 7,8 triệu lao động bị mất việc, gần 31 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch, tức gần 1/3 dân số đang gặp khó khăn về kinh tế. Mất việc là mất khả năng chi trả, trong khi đó hàng tháng tiền điện, tiền ăn, tiền nước vẫn phải chi không sót một đồng nào. Ấy vậy mà có một thứ tiền phi lý, vô bổ, dân không xài cũng chả được hưởng vẫn bị đè đầu để gánh: tiền tỷ xây tượng đài và tiền xây cổng chào. Giá mà ngắm tượng đài, cổng chào mà no cái bụng, dân cũng cam lòng. Đằng này…


https://tambao.net/wp-content/uploads/2020/07/c3c8477959896db180fc56b912cf6107.jpg

Chúng ta vừa rất thành công trong chống dịch. Cả thế giới khen ngợi khi chúng ta ở gần tâm dịch, lại không bị bùng phát Covid-19 như Mỹ, Anh, Nhật, châu Âu. Nhưng giống như toàn cầu, sự phát triển kinh tế cũng bị khựng lại. Có tới 12 tỉnh, thành tính đến nay đã tăng trưởng kinh tế âm và 1/3 dân số bị ảnh hưởng, nhưng có lẽ con số đó chẳng khiến những người ra quyết định xây tượng đài cảm thấy nao lòng.

Vĩnh Thạnh, một trong 4 huyện miền núi nghèo của Bình Định, đang khẩn trương hoàn thành tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh với vốn đầu tư hơn 48 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và còn 30% được giải thích “do nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đóng góp”. 30% tức dân của huyện phải góp tới 14,4 tỷ, một con số không hề nhỏ giữa một huyện nhỏ, lại nghèo và đang khó khăn như thế này.

Tỉnh giải thích, tượng đài này xây để “tái hiện” lại cuộc khởi nghĩa của đồng bào Ba Na. Một cuộc khởi nghĩa đã diễn ra từ rất lâu, tại sao không chọn một thời điểm khác để xây mà ngay vào lúc dân đang vật lộn với miếng cơm manh áo?

Đáng chú ý, nghệ nhân Yang Danh, người Ba Na nói về tượng đài: “Người Ba Na chúng tôi cầm giáo, mác khi tham gia cuộc khởi nghĩa nhưng trên tượng đài lại cầm… búa. Người Ba Na mặc váy hở chứ không phải váy kín như đồng bằng, hoa văn cũng không phải của người Ba Na. Dáng đứng cũng không phải của người Ba Na mà là dáng đứng bắn súng”. Đã ngốn số tiền lớn, nhưng các chi tiết điêu khắc của tượng đài không đúng với giá trị văn hóa, lịch sử vậy bức tượng này có ý nghĩa gì, có để lại niềm tự hào cho dân tộc hay chỉ cho thấy một sự đầu tư “cẩu thả, làm cho có”?


https://tambao.net/wp-content/uploads/2020/07/a64d7796ac34ca551f544b733f7d8134.jpg

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng tiết lộ: “Nhiều người bên ngành xây dựng từng nói với tôi rằng, khi xây dựng công trình phải “cắt” cho chủ đầu tư 10%. Và như vậy nếu làm công trình 100 tỷ đồng thì họ nghiễm nhiên có 10 tỷ đồng. Nói một cách ngắn gọn, công trình dự án càng to thì số tiền chảy vào túi cá nhân càng nhiều theo tỷ lệ thuận”. Đó là lý do mà từ tỉnh, đến huyện, đến xã chạy đua phong trào tượng đài càng to càng tốt để có được tỷ lệ % ấy? Bởi vậy, có những nơi đang nợ như “chúa chổm” như huyện Yên Định, Thanh Hóa chỉ vì số % đó mà dù huyện đang nợ tới 50 tỷ đồng vẫn muốn xây tượng đài với kinh phí 20 tỷ đồng.

Trong khi Thủ tướng kêu gọi “phải nóng ruột lên”,”xắn tay áo lên” để tiếp tục vừa chống dịch, vừa đẩy nhanh các mặt phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; ngân sách quốc gia phải căng kéo rất nhiều vì tăng bội chi và sức ép tìm kiếm thêm các nguồn lực; Chính phủ đang kêu gọi cắt giảm các khoản chi không quan trọng để dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách: chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp; thì xây tượng đài chính là cách các địa phương tích cực “phục hồi nền kinh tế”?


https://tambao.net/wp-content/uploads/2020/07/f5613af4a4a34fad971324e121732655-1024x576.jpg

Họ vịn lý do là một phần nguồn tiền lấy từ xã hội hóa nên không ngốn tiền ngân sách. Xin thưa, tiền nào chả là tiền, doanh nghiệp cũng phải mồ hôi nước mắt mới có tiền. Các doanh nghiệp đang vật lộn với Covid19 nhưng vẫn phải “chắt chiu” để đóng góp cho “xã hội hóa tượng đài, cổng chào” vì sợ bị o ép, bị ức hiếp, như vậy có quá đáng lắm không? Cũng có thể trong mối thân quen nào đó, và 1 lợi ích to lớn khiến 1 doanh nghiệp sốt sắng ủng hộ 1 cổng chào thì có nghĩa trong thương vụ này, sẽ có những doanh nghiệp chân chính khác mất đi 1 cơ hội nào đó?

Còn 14,4 tỷ tiền đóng góp của dân là con số không hề nhỏ lúc này. Chẳng ai biết rằng liệu có chuyện dân tự nguyện đóng góp thật, hay huyện làm sẵn “đơn tự nguyện đóng góp” rồi bắt dân ký giống chuyện từng xảy ra xã làm sẵn đơn dân tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ Covid19? Chưa kể xây tượng đài cho người Ba Na mà người ba Na lại chẳng thấy mình ở trong đó, liệu người dân có muốn xây thật hay không?

Trong hoàn cảnh hiện tại mong mọi người đừng quên Người xưa từng dạy “Liệu cơm gắp mắm” và lời dạy của Bác “Cần-Kiệm” để dân tộc mình đồng hành vượt qua khó khăn!

H. M.