PDA

View Full Version : Bình Dương: “Hành trình” lòng vòng của khối tài sản công rơi vào tay tư nhân



duyanh
06-30-2020, 12:34 PM
Bình Dương: “Hành trình” lòng vòng của khối tài sản công rơi vào tay tư nhân



Công trình Nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương là tài sản công do Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương quản lý đã được điều chuyển đến tay một doanh nghiệp thuộc cơ quan Đảng, sau đó nhanh chóng lọt vào tay doanh nghiệp ngoài nhà nước .

Lòng vòng điểu chuyển tài sản công

Nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương là cơ sở của Tỉnh ủy Bình Dương, có vị trí đắc địa, trải dài trên tuyến đường Bạch Đằng thuộc phường Phú Cường, một trong những tuyến phố cũ và đẹp đẽ nhất của Tp Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Khối công trình đồ sộ này tọa lạc trên mặt bằng có diện tích 3.490,8m2, vào thời điểm cách đây vài năm, được coi là hạng sang so với các hạng mục công trình cùng loại ở Tp Thủ Dầu Một và là niềm mơ ước của nhiều doanh nghiệp muốn khai thác khối tài sản này.

Quản lý trực tiếp Nhà khách là Văn Phòng Tỉnh ủy Bình Dương để phục vụ khách đến công tác với Tỉnh ủy. Việc đầu tư xây dựng nhà khách phục vụ khách đến công tác thì ở địa phương nào cũng có, tuy nhiên chưa rõ mức nhu cầu nào để Tỉnh ủy Bình Dương đầu tư xây dựng công trình nhà khách đồ sộ đến như vậy. Đến ngày 27/10/2016, khối tài sản công này bắt đầu hành trình gần 10 tháng điều chuyển qua tay 2 ông chủ mới để trở thành Khách sạn Bcons Bình Dương (Bcons Binh Duong Hotel) do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons quản lý sử dụng với đầy đủ dịch vụ lưu trú, ăn uống, cùng với sự hoành tráng ở vị trí “vàng”, đã tạo sức hút đối với khách hàng đến đây để sử dụng dịch vụ. Vấn đề đặt ra, bằng cách nào khối “vàng” này của nhà nước đã để rơi vào tay Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons (một doanh nghiệp ngoài nhà nước- PV)?

https://tambao.net/wp-content/uploads/2020/06/61d030ff65c48e83b2872f4ada65ff76.jpg

Theo tài liệu PV có được, ngày 25/08/2016 Tỉnh ủy Bình Dương có Thông báo số 105-TB/TU về việc thông báo ý kiến kết luận và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc điều chuyển tài sản là Nhà khách Tỉnh ủy về cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý Dự án Bình Dương (gọi tắt là Công ty Bình Dương- PV) quản lý sử dụng với mục đích kinh doanh dịch vụ. Công ty Bình Dương đã tiếp nhận, đổi tên Nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương thành Khách sạn Bình Dương.

Chỉ hơn 2 tháng đưa vào khai thác kinh doanh, ngày 11/01/2017, Công ty Bình Dương có tờ trình số 06/TTr-HĐTV gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương báo cáo lỗ và xin được tìm đối tác để cho thuê lại Khách sạn Bình Dương. Được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, ngày 07/08/2017 Công ty Bình Dương đã ký kết Hợp đồng số 11/2017/HĐKT với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons về việc Công ty Bình Dương cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons thuê Khách sạn Bình Dương 20 năm, với giá 200 triệu đồng/tháng. Rất nhanh chóng, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons đã đưa Khách sạn Bình Dương vào khai thác kinh doanh theo tên gọi mới là Bcons Binh Duong Hotel, với công năng là nhà hàng, café Bar, dịch vụ lưu trú, trở thành điểm thu hút số lượng lớn người địa phương, người nơi khác đến công tác, du lịch ở Thủ Dầu Một.

Vấn đề đặt ra, vì sao Tỉnh ủy Bình Dương lại cho điều chuyển quản lý Nhà khách từ Văn phòng Tỉnh ủy sang Công ty Bình Dương rồi mới đến tay doanh nghiệp ngoài nhà nước? Có 2 cách để lý giải “động tác” này của Tỉnh ủy Bình Dương. Thứ nhất, theo quy định của Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước,Tỉnh ủy Bình Dương không thể cho thuê Nhà khách Bình Dương khi khối tài sản này đang do Văn phòng Tỉnh ủy quản lý vì đây là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ về tài chính, muốn cho thuê được thì tài sản phải thuộc đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ về tài chính như Công ty Bình Dương mới phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 43 của Nghị định này. Có thể vì thế nên Công ty Bình Dương mới “cầm” nhà khách Bình Dương được hơn 2 tháng đã báo lỗ xin được tìm đối tác để cho thuê? Thứ hai, đơn vị được tiếp nhận công trình đồ sộ này để đưa vào kinh doanh là Công ty Bình Dương, là một trong những doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy Bình Dương. Cũng cần nói thêm, vào thời kỳ này Công ty Bình Dương được Tỉnh ủy giao 100 khu đất, trong đó nhiều khu đất rộng vài chục héc ta, cho thấy Công ty Bình Dương là đơn vị có năng lực hoạt động tốt, có uy tín mới được cơ quan chủ quản chọn lựa để giao. Là đơn vị “hoành tráng” như vậy, nhưng mới đưa Nhà khách vào kinh doanh hơn 2 tháng đã báo lỗ xin tìm đối tác để cho thuê, hay đây là “chiêu” để tài sản công vào tay tư nhân?


https://tambao.net/wp-content/uploads/2020/06/580c6931e1829e644595015d7e01b5a4.jpg

Nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương đã vào tay doanh nghiệp ngoài nhà nước

Không đấu giá và dùng đối tác ảo, ai bị thiệt?

Dư luận còn quan tâm đặc biệt đến hàng loạt vấn đề như: vì sao việc cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons được thuê Khách sạn Bình Dương không qua đấu giá theo quy định tại Khoản 4 Điều 43 Nghị định 52/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 25 Thông tư 245/2009/BTC của Bộ Tài chính? Không qua đấu giá thì căn cứ nào để áp giá cho thuê phù hợp với thực tế?

Ngoài ra, theo tài liệu PV có được, sau khi nhận được Thông báo số 255- TB/TU ngày 10/02/2017 của Tỉnh ủy Bình Dương về việc Thường trực Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương cho thuê Khách sạn Bình Dương hoặc tìm đối tác để liên kết khai thác kinh doanh, Công ty Bình Dương đã tìm đối tác để đàm phán. Sau quá trình tìm kiếm đối tác, Công ty Bình Dương đã báo cáo Tỉnh ủy về việc đã tiến hành đàm phán với 2 đối tác là Công ty TNHH Nam Long và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons, đồng thời đề nghị Tỉnh ủy chấp thuận phương án cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons thuê Khách sạn Bình Dương. Tuy nhiên, xác minh theo địa chỉ 132 Hà Huy Tập, phường Tân Phong, Quận 7, TPHCM thỉ nơi này không có Công ty TNHH Nam Long, chỉ có Công ty TNHH Cao su Nam Long do bà Đặng Thị Hồng là người đại diện theo pháp luật đang hoạt động ở đây và công ty này cũng không có chức năng kinh doanh dịch vụ ăn uống và dịch vụ lưu trú(?). Phóng viên được một phụ nữ làm việc tại đây dẫn vào gặp bà Hồng- Giám đốc, nhưng khi gặp bà Hồng lại không thừa nhận là Giám đốc, bà chỉ là chủ nhà cho công ty này thuê nhà làm trụ sở. Bà Hồng cho biết, Công ty này vài năm nay làm ăn thua lỗ, không bán được hàng, nên đang dọn đi thuê nơi khác rẻ hơn để hoạt động. Vậy nội dung Công ty Bình Dương báo cáo Tỉnh ủy đã tiến hành đàm phán với Công ty TNHH Nam Long là có thật, hay đây là chiêu sử dụng đối tác “ảo” nhằm so sánh với kết quả đàm phán với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bcons?

Nếu việc không qua đấu giá và dùng đối tác “ảo” nêu trên gây thiệt hại thì người bị thiệt hại không ai khác chính là nhà nước, gây thất thu ngân sách do Khách sạn Bình Dương không được cho thuê dúng với giá thật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.