View Full Version : Sòng Bạc
giavui
05-26-2020, 03:52 PM
Sòng Bạc
Tác giả :Paul Loup Sulitzer
https://www.vinabook.com/images/thumbnails/product/240x/11607_p17969.jpg
MỞ ĐẦU
Vào quãng giữa tháng 7 năm 1976, ngày 18, cách đây hơn ba tháng tôi đã lao vào việc mua và xây dựng một khách sạn - sòng bạc khổng lồ trên đất Mỹ. Một sòng bạc đáng gọi là một sòng bạc: Sau khi xây dựng xong, nó sẽ có thể tiếp đón được trong cùng một lúc từ 29 đến 30 ngàn khách chơi. Không phải là nhỏ rồi! Dù sao nó cũng đủ để cạnh tranh với những sòng bạc Caesars hay Saudz của Las Vegas. Quy mô thì y chang như nhau hay cũng gần như thế. Nhưng về tầm quan trọng của công chuyện kinh doanh mà tôi đã dấn thân vào thì chỉ cần ba con số là đủ để biểu hiện nó: Tổng số vốn đầu tư là năm trăm triệu dolars, nếu không có gì bất thường thì số vốn này sẽ được khấu hao xong trong ba năm rưỡi, lãi đồng niên trông thấy được sẽ là một trăm triệu dolars nghĩa là 500 triệu francs mỗi tháng 1 . Trừ tiền thuế và các lệ phí.
Ngày 18 tháng 7 năm 1976, một chiếc taxi đưa tôi đến một cao ốc ở Phố 65 Đông, tại Manhattan, New York, lúc đó là tám giờ tối, hơn kém khoảng một hay hai phút gì đó.
- Tôi tên là Franz Cimballi. Ông Olliphan chờ tôi.
Người bảo vệ có mang súng, tra một bảng danh sách để trên bàn làm việc nhìn chòng chọc vào mặt tôi, rồi gật đầu. Tôi đi về phía thang máy, anh ta gọi giật tôi lại, nói:
- Tầng lầu của ông Olliphan có thang máy riêng.
Anh ta đến gần tôi, đưa tôi đến trước mặt cái cửa bằng gỗ sồi đánh si, kỳ lạ là không có một quả đấm cửa hay bất cứ một thiết bị mở nào.
- Xin mời ông nhìn vào chiếc camera này.
Tôi phải ngẩng đầu và con mắt độc nhỡn của chiếc ống kính nhìn xuống tôi. Tôi gửi cho nó một nụ cười quyến rũ mà tôi có bí quyết. Mười giây, cái cửa không có khóa lặng lẽ quay, mở vào một thứ phòng khách của phụ nữ, căng bằng lụa mộc, có kê ở hai bên một chiếc tủ đứng kiểu Louis XVI, hai chiếc ghế fauteuil kiểu Adam, lưng ghế có phù hiệu. Tôi bước vào, cánh cửa đóng lại sau lưng tôi. Tôi không hề cảm thấy chiếc cabin khởi động, và cũng chẳng cảm thấy chấn động nhẹ nào báo hiệu đã lên đến nơi. Một cánh cửa mở ra, gác lầu thứ 64 trên cao, một người quản gia người Porto Rico thản nhiên đỡ chiếc áo choàng của tôi.
- Xin mời ông đi lối này, thưa ông Cimballi.
Nếu cứ xét theo cái thang, bằng gỗ mun rất hẹp đưa tôi lên một căn phòng có lẽ là căn gác cuối cùng của cao ốc này, thì tầng lầu này phải là song lập. Người mời tôi dùng bữa tối đang chờ tôi ở đầu một dãy hành lang hoàn toàn ốp gỗ, dẫn vào một phòng đọc sách cũng hoàn toàn ốp gỗ như vậy. Khi tôi bước vào, ông cất chiếc vĩ cầm vào hộp, và tôi có thể đoán chắc rằng chỉ riêng một cây đàn này thôi, ít nhất cũng bằng giá của cả tầng lầu song lập này và những gì nó chứa bên trong. Đó là một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, cao lớn, mảnh mai, rất đẹp, rất lịch sự! Hai thái dương tóc điểm bạc, da mặt rám nắng, đôi mắt xanh cháy bỏng thông minh. Tên ông ta là James Montague Olliphan. Chính ông là người đứng làm trung gian để bán cho tôi khách sạn “Con Voi Trắng”.
- Ông dùng một chút rượu thưa ông Cimballi?
- Không, xin cảm ơn ông.
Đôi mắt xanh của ông ta thăm dò tôi. Ông nói nhẹ nhàng:
- Tôi có được biết ông Scarlett.
John Carradine, tức Scarlett. Luật sư kinh doanh, đã chết (ông ta tự tử bằng lửa để chấm dứt một căn bệnh kinh khủng). Nhưng ngay trước khi chết, ông ta đã giúp tôi, để tôi có thể chỉ bằng một đòn duy nhất, vừa hoàn thành được một việc trả thù, vừa đạt được giàu có. Tôi nhìn chăm chú Olliphan, và bỗng có một cảm giác kỳ lạ làm cho tính đa nghi của tôi trỗi dậy.
- Ông có vẻ biết về tôi nhiều lắm!
- Tên ông là Franz Cimballi. Nhìn ông, người ta sẽ cho là ông không quá 20 hay 22 tuổi. Thực ra ông nhiều tuổi hơn thế một chút, nhưng cũng không nhiều lắm đâu. Nhưng ông đã thắng được mấy cú xuất sắc về mặt tài chính. Và về gia sản của ông, nói chung... ông có đồng ý chúng ta vào bàn ăn không? Ông đã thấy đói chưa?
- Lúc nào tôi cũng đói, nhất là giữa hai bữa ăn.
Cảm giác kỳ lạ của tôi khi ngắm Olliphan là thấy ông ta hình như đang trong một trạng thái bị kích động cực độ, gần như tuyệt vọng, nhưng vẫn hoàn toàn tự chủ được, ông ta tiếp câu nói đó:
- Về phần gia sản của ông, tôi nói rằng có thể vượt quá tám mươi triệu dolars...
Tôi đi theo, trong lúc ông ta vừa đi vừa nói. Chúng tôi bước vào một phòng ăn. Cảnh tượng ở đó đập ngay vào mắt, làm tôi đứng sững như trời trồng đến vài giây: Đó là một người đàn bà, hay có thể đã là một người đàn bà nhiều năm trước đây, bây giờ là một quái vật, một đống to tướng thịt mỡ, bóng nhẫy, phì nộn. Bà ta đầm mình chứ không phải ngồi ở đầu chiếc bàn dài, bất động nhưng mà sống hẳn hoi. Một đôi mắt đen, biểu lộ một sự hung dữ lạnh lùng đến làm ngạt thở, đã xoáy vào tôi như vào một đường ngắm bắn, ngay khi tôi mới bước chân vào, và đôi mắt ấy không rời tôi ra nữa.
- Em yêu - Olliphan nói bằng một giọng hết sức êm dịu - Anh có thể giới thiệu với em một người bạn của anh, ông Franz Cimballi. Nhà tôi, thưa ông Cimballi, Angelina.
Tôi chìa tay ra, nhưng con quái vật ấy không làm một cử chỉ nhỏ nào để cầm lấy nó. Bà ta đang ăn, hay đúng hơn là đang ngốn, đưa cả hai tay ra bốc bẳi các đĩa ăn xếp quanh mình - Muốn mửa được - Nhưng cái ghê gớm hơn nữa, có lẽ là thái độ của Olliphan, ông ta đối xử với người đàn bà, vợ ông ta ấy, như là một người phụ nữ đẹp chưa từng có dưới ánh sáng mặt trời. Ông ta luôn luôn, trong suốt bữa ăn, nói chuyện với bà ta, lấy bà ta làm chứng cho những lời ông ta nói với tôi, hay những lời tôi đáp lại ông ta, nhưng cái con bạch tuộc ấy chỉ mở cái miệng nhỏ xíu phàm ăn kia ra để nhét vào đó từng nắm mì sợi hay những con cá, sốt cà chua chảy nhễ nhãi. Và mỗi lần ông ta nói với bà, một cách hoàn toàn tự nhiên, giọng nói của ông lại thắm đượm âu yếm.
- Ông dùng cà phê, ông Cimballi?
Chúng tôi đã xong bữa tối. Không, tôi không muốn cà phê và cũng không muốn rượu mùi. Thực ra tôi chỉ có một ý muốn là chuồn khỏi nơi đây, chuồn khỏi căn phòng này, và cả tòa nhà này nữa. Nhưng ông Olliphan đã bảo với tôi:
- Tôi muốn cho ông thấy một cái này.
Ông ta đi trước tôi lên cầu thang hẹp. Mà tại sao lại hẹp thế kia chứ? Để ngăn không cho cái bà Olliphan kinh khủng kia lên chăng? Chúng tôi bước vào thềm nghỉ của cầu thang.
- Lúc nãy, tôi có lầm không, khi ước lượng gia tài của ông?
Không. Có điều ông ta đã quên không trừ đi số tiền 25 triệu dolars mà tôi đã phải bỏ ra để tậu khách sạn “Con Voi Trắng”. Olliphan đẩy một cánh cửa. Đột nhiên nhiệt độ tăng lên đến mấy độ, chúng tôi bước vào một nhà kính trồng cây, không khí ở đây ẩm và nóng, ngào ngạt mùi hương của những thảo mộc nhiệt đới bao quanh một cái bể hình bầu dục dài khoảng tám đến mười thước, một bể bơi thực sự.
- Ông có thích không, ông Cimballi?
- Có, thưa Bwana 2 .
Tôi ngẩng đầu lên: Tất cả đều bằng kính, nhìn qua thấy cả bầu trời nửa mây, nửa sao của Manhattan. Tôi hỏi Olliphan:
- Ông có biết Martin Yahl không?
- Tôi chưa gặp ông ta bao giờ.
Câu hỏi đột ngột của tôi chắc không làm ông ta ngạc nhiên, dường như ông đã chờ đợi nó. Ông ta cười khúc khích, trong bóng tối mờ mờ, đôi tròng mắt của ông ta có vẻ nhạt màu hơn. Trong khi chúng tôi bước theo những lối đi của khu vườn nhiệt đới kỳ lạ nằm vắt vẻo ở tầng gác thứ sáu mươi lăm trên công viên Central Park, ông ta nói:
- Tôi biết Martin Yahl là một chủ ngân hàng Thụy Sĩ. Tôi biết ông ta căm thù ông, và về phần ông, ông cũng căm thù ông ta. Tôi biết rằng hai ông đã có đánh nhau và ông đã thắng cả hai keo. Xin ông theo tôi, tôi còn có cái khác muốn để ông thấy...
Ông ta kéo một chiếc cửa kính sang bên, ở phía bên kia là một cái sân thượng choán hết cả phần mái nhà mà vườn kính còn để lại. Giữa cái ngột ngạt của khu vườn và không khí của đêm New York, sự cách biệt về nhiệt độ ít nhất cũng phải đến hai mươi độ.
Olliphan đi thẳng ra phía trước trong bóng tối. Ông ta đi cách tôi đến ba hay bốn thước, và tôi chỉ còn lờ mờ thấy ông. Ông ta nói:
- Ông không bắt buộc phải theo tôi.
Nhưng tôi vẫn cứ đi sâu vào bóng tối đến với ông ta. Bóng tối dần dần sáng ra khi mắt tôi thích nghi được hơn: Tôi đi trên một cái nền đen kịt, dường như được trát bằng một thứ nhựa đường đục. Tôi ngồi xổm xuống và lấy tay sờ: Đúng là nhựa đường. Olliphan vẫn tiếp tục tiến lên. Chung quanh ống khói được chiếu sáng bởi những ánh đèn của cao ốc Empire State.
- Ông có làm việc cho Yahl không, ông Olliphan?
Một tiếng cười nhỏ trong đêm.
- Không.
- Trước đây ông đã có làm việc cho hắn, hay với hắn phải không?
- Không.
- Có mối liên hệ nào giữa Yahl với Con Voi Trắng không?
- Tôi không thấy có.
Tôi lại nghe thấy ông ta cười. Tôi đi thêm vài bước nữa để lên đến ngang tầm của ông ta, và lúc đó thì chuyện ấy xảy ra: Dưới chân tôi, mặt sàn đang hoàn toàn nằm ngang bỗng dốc xuống. Tôi ngừng lại ngay tức khắc, bụng xoắn lại vì một nỗi sợ thực sự. Chúng tôi đang chơi cái trò quỷ quái gì đây? Tôi nhìn ra phía trước: Chẳng có gì cả.
Trong vài giây đồng hồ, tôi tưởng mình bị ảo giác. Nhưng không, không thể nghi ngờ gì được nữa: Đằng phía trước mặt tôi, không còn nghi ngờ gì. Hàng lan can bao quanh sân thượng thiếu hẳn đi ít nhất là trên mười thước. Nhịp tim tôi nhanh hẳn lên một cách dữ dội. Olliphan nói:
- Ông hãy nhìn xuống chân mình.
Tôi cúi xuống và đọc thấy một chữ số “Năm" sơn trắng bằng khuôn trổ lên màu nhựa đường đen. Olliphan nói tiếp, tiếng ông ta hơi xa hơn, và có vẻ thích thú:
- Tôi đã lưỡng lự. Nên chia độ theo đơn vị yards hay đơn vị mét, cuối cùng tôi chọn lựa hệ thập phân vì hệ này trước sau gì cũng sẽ trở thành phổ thông. Độ chia, đi từ một đến hai mươi, cho đến năm thì độ dốc hầu như không cảm thấy được. Rồi nó tăng dần lên từ năm đến mười độ thì độ dốc sẽ lên đến năm phần trăm. Từ mười đến mười lăm thì lên đến mười phần trăm. Từ mười lăm đến hai mươi thì lên đến hai mươi phần trăm. Tất nhiên, quá hai mươi, thì không có gì nữa ngoài khoảng không của sáu mươi nhăm tầng gác. Có phải đó là một ý kiến ngộ nghĩnh không?
Tôi nuốt nước miếng:
- Phải hét lên vì cười mất. Ý kiến ấy là của ông à?
Ông ta mỉm cười gật đầu. Trong bóng tối, đôi mẳt Ireland của ông ta càng bạc màu đi hơn nữa.
- Riêng cá nhân tôi, tôi đã đi đến mười bảy.
- Kỷ lục thế giới, tôi đoán thế?
- Đúng, đến hôm nay, vì còn phải chú ý đến gió nữa. Và tất nhiên, nếu ướt thì còn trơn nữa, Nhưng kỷ lục sinh ra là để được phá đi.
Tôi cười gằn. Thằng cha này điên rồi.
- Ít nhất, ông cũng hãy tiến đến mười, ông Cimballi. Ở đó gần như không có gì đáng ngại cả.
Cái câu “gần như” này làm tôi lo ngại. Nhưng tôi cũng cứ đi lên hai, ba bước, rồi ba, bốn bước khác nữa. Tôi đã ở “Chín". Và tôi nghĩ “Cimballi, mày còn điên hơn nó nữa. Mày làm gì thế hở, đồ đần độn?”. Tôi lê một gót giầy thận trọng nữa, và tôi đạt tới cái vòng trắng của “Mười". Quá nữa, tôi cảm thấy rõ là độ dốc càng tăng lên. Còn Olliphan, hắn đã tới “Mười Bốn", hai tay đút trong túi áo, tóc phất phơ bay trong gió:
- Ông thật không muốn đến chỗ tôi ư?
- Không, nếu không có dù.
- Thế mà tôi vẫn tưởng rằng ông là người biết mạo hiểm.
Trong đầu tôi, tín hiệu báo động bắt đầu nhấp nháy, tôi trả lời.
- Không phải thứ mạo hiểm này.
Bây giờ nhìn khá rõ rồi. Tôi nhận thấy chữ số “Hai Mươi" ra sát đến khoảng không, chỉ cách có vài phân thôi. Olliphan quay lưng lại tôi, hai tay vẫn đút trong túi, hắn tiến thêm lên một thước nữa.
- Mua một cái sòng bạc là một sự mạo hiểm đấy, ông Cimballi...
Rồi! Olliphan lại vượt lên một thước nữa.
- Tôi nói rằng nó giống như đi đến tận mức mười tám, một ngày gió to, dưới cơn mưa tầm tã...
Im lặng. Cuối cùng tôi nói:
- Cái gì thế? Một sự cảnh cáo chăng?
Ông ta dừng lại một lát, nhưng rồi lại tiếp tục đi, vẫn cứ tiến thẳng về phía trước, hai tay vẫn thọc trong túi.
- Ông Olliphan, tôi hỏi ông mà.
Ông ta lắc đầu. Và lại tiến lên nữa. Tôi đã nghĩ đến việc rồi đây sẽ phải giải thích làm sao, là sau một trò chơi ngu xuẩn, ông chủ nhà của tôi đã thực hiện một cuộc bay lượn trên cao hai trăm thước, trước khi nằm nát nhừ trên bờ hè.
- Còn gì nữa không, ông Olliphan?
- Tôi rất có cảm tình với ông.
Thôi, đủ rồi! Tôi quay lại, và rất thận trọng rút lui, cho đến khi tìm lại được ở dưới chân một cái sàn bằng phẳng và hoàn toàn nằm ngang. Tôi nhìn lại sau lưng: Olliphan vẫn tiếp tục tiến lên, cố ghìm mình bằng gót giầy, cuối cùng ông ta ngừng lại:
- Mười tám rưỡi. Kỷ lục đã bị phá.
- Trong cái vụ sòng bạc này, có cái bẫy nào không?
- Tôi không thấy có...
Tôi không nhìn thấy mặt ông ta, nhưng tôi nghe tiếng ông ta cười:
- Chính tôi là người làm trung gian giữa các thân chủ của tôi và ông trong việc mua bán này! Thế ông thực tình trông đợi tôi sẽ nói với ông rằng vụ mua bán này là không lành mạnh à?
Tôi ngồi sụp xuống, vì thấy hơi chóng mặt. Tôi đứng thẳng lên:
- Tôi đi đây, ông Olliphan. Cảm ơn về bữa ăn tối nay. Và chúc ông ngủ ngon.
- Chúc ngủ ngon.
Ở tầng gác dưới, người quản gia đã hiện ra ngay khi tôi vừa đi xuống chiếc cầu thang hẹp. Anh ta đưa cho tôi chiếc áo choàng của tôi. Tôi theo anh ta đi qua một dãy buồng. Buồng ăn bây giờ đã trống trơn, nhưng phòng khách - hay một trong những phòng khách thì không - Bà ta đang ở đó, đích thị bà Olliphan, trôi dạt trong một chiếc fauteuil mà bà ta đè bẹp xuống dưới sức nặng của bà. Bà ta có thể cân nặng được bao nhiêu nhỉ? Một trăm ba mươi ký? Và bà ta nhìn tôi, tay thì đào vào trong hộp sôcôla.
- Xin chào bà!
Không trả lời.
Thế là, tôi chạy trốn thực sự.
Nhưng mà này, từ từ thôi, Cimballi. Đừng có lồng lộn lên như thế! Nào chúng ta hãy bắt đầu từ chỗ bắt đầu.
CHƯƠNG 1
Sau này tôi đã suy nghĩ nhiều. Tất cả đều do lỗi của Sarah cả (cô ta không đồng ý với tôi như thế). Dù sao, cái ý kiến mua một khách sạn, hay còn hơn thế nữa, mua cả một chuỗi khách sạn, cái ý kiến ấy là của cô ta.
Vào mùa Xuân của cái năm 76 này, nghĩa là hàng tháng trước khi tôi nghe nói đến Con Voi Trắng của Olliphan, và nghe nói đến Henry Chance, cùng các ông nội khác, thì một hôm Sarah bảo tôi rằng:
- Anh đang dậm cẳng như một con ngựa bất kham ấy, anh Franz ạ.
Tôi nhìn cô ta, ngạc nhiên: Vào đúng lúc đó, tôi đang nằm trên một chiếc võng ở một bãi biển của Montego Bay tại Jamaique, cùng với thằng con trai trần truồng của tôi đang chụm cả hai chân để nhảy lên bụng tôi.
- Anh sao kia?
- Anh dậm cẳng.
- Trông anh có cái dáng ấy thật à?
- Thêm nữa, anh lại còn mập ra
Ý kiến của cô ta là đã đến lúc tôi phải ra khỏi giấc ngủ ly bì của tôi rồi. Cô ta nói nhìn thấy rõ là tôi đã bắt đầu chán, và cô ấy hiểu điều đó: Dù sao tôi cũng chỉ mới có 26 tuổi, và bản chất của tôi là chạy rông ở khắp thế giới. “Tóm lại, là em đã chán thấy mặt anh rồi, phải không?” Không phải thế đâu, nhưng theo cô ta, thì tôi phải nhổ rễ ra khỏi cái vũng ấy và đi làm một cái gì đi. Ý kiến của cô ta về cái gì này là: Một chuỗi khách sạn.
- Mà em sẽ là giám đốc.
- Chắc chắn là không rồi! Nếu ở trên thế giới này có một người em không muốn làm chủ của em, thì người đó chính là anh đấy, ông nội ạ! Thà về làm nội trợ còn hơn.
Vì cái lý do tối hậu và bất khả cãi là cô ta muốn giữ sự độc lập của mình trên hết, hơn là bất cứ chuyện gì khác. Đã hai lần rồi, tôi đề nghị với cô ta lấy tôi. Nhét 3 . “Thế tại sao không? Sẽ nói chuyện sau, khi nào cậu lớn đã”. Chính trong những lúc này là cô ấy làm tôi khó chịu nhất. Chắc chắn cô ấy là người duy nhất trên thế giới này không coi tôi: Cimballi là quan trọng. Người duy nhất cùng với tôi, Cimballi.
Có một điều chắc chắn: Tôi không cảm thấy chút phấn khởi nào đối với việc mua lại hay xây dựng một chuỗi khách sạn. Trước hết là vì với tám mươi triệu dolars thì không thể làm cái gì lớn được. Rồi sau nữa chơi cái trò bầy hàng với hàng ngàn phòng khách sạn, là điều không làm tôi say mê lắm. Tôi cứ tưởng tượng ra mình sẽ phải chạy từ khách sạn này sang khách sạn khác để kiểm tra xem những ông tướng quản lý có ăn cắp những muỗng bằng bạc của tôi không.
Nhưng dù sao cũng phải làm ra bộ, để vui lòng cô gái Ireland yêu quý của tôi. Tôi đã yêu cầu Marc Laveter gửi từ Paris sang cho tôi một bản nghiên cứu về khách sạn trên thế giới.
Một tháng sau tôi nhận được trả lời dưới hình thức một tập hồ sơ dầy bốn hay năm trăm trang gì đó, mà tôi không hề muốn đọc. Tập hồ sơ mô tả chi tiết cơ cấu tổ chức và những số liệu kinh doanh của các chuỗi Hilton Sheraton, Holiday Ima, Hyatt.v.v... Đọc cũng hấp dẫn như đọc một cuốn danh bạ điện thoại vậy!
Nhưng một trong những người phụ tá của Marc đã nghĩ rằng có lẽ tốt nhất là gạch đít bằng mực đỏ một câu. Một câu duy nhất thôi, nhưng nói lên tất cả: “Sáu mươi phần trăm tiền lãi thu được bởi toàn bộ những cơ sở của chuỗi Hilton ở khắp thế giới là chỉ do một mình Las Vegas International Hilton cung cấp”, và người phụ tá này đã viết một câu bên lề tờ giấy để giải thích hiện tượng này: “Nhờ vào sòng bạc của Hilton ở Vegas”.
Thế là tất cả mọi chuyện bắt đầu. Và tôi lên đường đi chiến đấu.
° ° °
- Một sòng bạc à?
Lúc đó phải vào khoảng giữa tháng sáu. Có thể là vào ngày 14. Hôm đó ở New York trời đẹp tuyệt vời. Philip Vandenbergh ngồi trước mặt tôi. Anh ta nhìn tôi như thể tôi vừa rủ rê anh ta đi buôn lậu ma túy hay đem tất cả những nữ sinh của một trường trung học đi làm gái điếm vậy. Sự hằn thù của chúng tôi đối với nhau một cách rất lộ liễu, có nhiều phần là một trò chơi, gần như là một sự đồng lõa với nhau. Trong năm năm trời, anh ta chưa cười với tôi một lần nào, chúng tôi chưa ăn sáng hay ăn tối với nhau bao giờ, anh ta nhất định từ chối không gọi tôi bằng tên tục, và khi chúng tôi cùng trong một căn phòng, bao giờ anh ta cũng thu xếp để ngồi thế nào xa tôi nhất. Nhưng cũng lại chính cái gã Philip Vandenberg này đã từng chạy đôn chạy đáo, thậm chí đến cầu cứu cả chính gia đình gã can thiệp vào để tìm được cho tôi cái số hơn 30 triệu dolars đã cứu tôi thời đó. Về phần tôi tuy không bao giờ ngừng biểu lộ ác cảm của tôi đối với gã, nhưng thế mà đã năm năm nay, tôi vẫn cứ xin và trả bằng giá đắt như vàng những ý kiến cố vấn của gã. Tôi nói:
- Một sòng bạc. Tôi muốn hoặc tậu một cái hoặc cho xây một cái.
Gã ngã người trong ghế fauteuil, dựa gáy vào thành ghế, chụm thật đứng những đầu ngón tay vào với nhau.
- Ông có ý kiến gì về số vốn đầu tư vào đó không?
- Tôi muốn một cái bự kia.
- Thế thì ông phải tính đến hàng trăm triệu dolars đấy.
- Tôi sẽ đập cái ống tiền của tôi ra.
- Ông biết gì về công nghiệp sòng bạc?
- Hoàn toàn không biết gì cả.
Đó là một sự thật tồi tệ nhất: Đến chơi giurummy mà tôi còn bị Sarah luôn luôn đánh cho thua liểng xiểng, chơi cờ trận, mà tôi còn bị thằng con trai bốn tuổi của tôi đánh ngã. Và lần cuối cùng đi qua Vegas tôi đã thua bạc mất hai dolars rưỡi.
- Ông có nghe nói đến một cái giống gì gọi là Mafia chưa?
- Tôi đã có xem phim “Bố Già” hai lần.
- Vui thật! - Vandenberg nói - Hài hước hết sức.
Anh ta có một nụ cười lạnh lẽo. Tôi làm cho anh ta thương hại, rõ ràng là thế, không biết rằng tôi có biết Mafia từ thuở nào đến giờ và ngay bây giờ vẫn còn chú ý đến các sòng bạc dù ở Vegas, ở Atlantic City, San Juan bên Porto Rico, ở Bahama hay ở bất cứ nước nào tại châu Mỹ La Tinh. Liệu tôi có ngờ rằng, trong cái môi trường ấy, tôi không thể bước đi một bước nhỏ nào mà không chạm trán với một Gia Đình?
Vandenberg còn nói thêm:
- Ở Vegas, trong những năm 50, tất cả hay gần như tất cả, đều nằm trong tay của các “mobs”, nghĩa là bọn Gangster. Chuyện bây giờ cũng có hơi khác đi một chút, sau một số vụ việc. Thí dụ như vụ ở sòng Silver Sliper chẳng hạn, ở đó người ta đã phát hiện ra những gian trá có quy mô công nghiệp để làm sạch những món tiền rất lớn do buôn lậu ma túy đưa đến. Bang Nevada đã dùng Ủy Ban Cờ Bạc để chỉnh đốn lại trật tự, ủy ban này có khả năng làm được việc đó bằng cách cấp các giấy phép hoặc thu hồi giấy phép. Họ đã dùng cái quyền ấy, và kết quả là phần đông các Gia Đình phải nhường chỗ cho những người đầu tư ở nơi khác đến: Đó là các công ty dầu mỏ, công ty điện ảnh, các chuỗi khách sạn, hay những tỷ phủ loại như Howard Hughes đi tìm các nơi đầu tư mới. Trong tất cả mọi trường hợp, đứng về mặt tài chánh, đó toàn là những con quái vật cả.
Ý nói bóng gió một cách hoàn toàn dễ hiểu: Với tám mươi triệu dolars khốn khổ tôi sẽ đến đó làm gì giữa một bên là những người khổng lồ và một bên là bọn cướp lớn? Tôi sẽ nhanh chóng bị nghiền ra như bột thôi.
- Thế ở nơi khác Vegas thì sao?
Philip Vandenberg nhìn tôi một cách thương hại:
- Ông hãy từ bỏ cái ý kiến ấy đi. Đúng là người ta mới vừa cho phép mở sòng bạc ở Atlantic City thật, nhưng tất cả mọi cái đều cho thấy rằng tình trạng ở đó rồi cũng lại như ở Vegas trong những năm 50 mà thôi. Có thể còn tồi tệ hơn nữa: Thế giới trộm cướp
New York được tổ chức tốt hơn của Nevada rất nhiều, và về mặt địa dư cũng gần hơn nữa. Thôi bỏ đi ông! Ông không sống sót mà ra khỏi chuyện đó đâu. Mà tôi không chỉ nói chuyện tiền bạc thôi đâu.
Chính cái câu nói cuối cùng này đã gây ra tất cả mọi chuyện. Tôi coi đó là một chuyện thách thức, nhất là từ mồm Vandenberg tung ra. Sarah có lý: Mấy tháng nay tôi như người ngủ vùi, khoan khoái, thụ động. Thế mà bây giờ có cái gì bắt đầu ngọ nguậy ở đâu đó trong tôi. Mẹ kiếp! Dù sao tôi cũng mới chỉ có 26 tuổi thôi, mà tôi đã chịu về hưu rồi kia à?
Tôi không đánh giá thấp lời cảnh cáo của Vandenberg. Tôi đã đi gặp anh ta, trước Lupino, trước Rosen, trước cả Lavater nữa, không phải vì một mối cảm tình nào đối với anh ta. Tôi đã biết coi rất trọng những kết luận của cái máy tính là bộ óc của anh. Tôi biết anh ta nói đúng, nghĩa là gần hoàn toàn đúng. Nhưng tôi cũng biết rằng tôi đã kiếm được ra tiền là nhờ tin vào bản năng của tôi hơn là vào tất cả những lời khuyên của người ta cho tôi. Tôi cười với Vandenberg:
- Hãy cứ cho là tôi bỏ qua những lời cảnh cáo của ông đi.
Anh ta nhún vai:
- Ông muốn thực hiện cái vụ này ở Mỹ à?
Vandenberg, cái máy tính làm người đó, bắt đầu mở máy:
- Trong trường hợp đó, ông phải hội tụ được đầy đủ ba điều kiện cơ bản.
Anh ta giơ ngón tay cái lên:
- Một: Ngay khi ông định tính đến một dịch vụ quan trọng, ông cần phải có vài trăm triệu dolars đã. Hãy nói: Năm trăm đi. Như thế nghĩa là hai mươi phần trăm vốn tự có, do cá nhân bỏ ra: Một trăm triệu. Ông không có số tiền đó, ông phải có những người hợp tác có tất cả các bảo đảm về mọi mặt. Ông chưa đến được chỗ đó, một công ty dầu mỏ, hay bất cứ một ông khổng lồ nào khác sẽ từ chối cộng tác với ông, bởi vì họ không cần đến ông. Những nhà tài chính cổ điển thì sẽ từ chối đầu tư vào kinh doanh sòng bạc. Còn tất cả những người cộng tác khác đều đáng ngờ hết.
Lại giơ ngón trỏ lên:
- Hai: Giấy phép. Ông không phải là công dân Mỹ, và sẽ không có một ủy ban Cờ Bạc nào cấp cho ông. Những giấy phép này là cấp cho đích danh một cá nhân, người ta chỉ cấp cho một cá nhân chứ chưa bao giờ cấp cho một hội. Vậy ông phải đi tuyển mộ đâu được một người có quốc tịch Mỹ, chưa từng bao giờ bị lôi thôi gì với pháp luật, có một kiến thức rất sâu về cờ bạc và quản lý một sòng bạc, chưa hề bao giờ có một sự tiếp xúc khả nghi nào, dù là gần hay xa, lại hoàn toàn lương thiện mà ông có thể tin cậy được. Nếu như ông đã có lúc tin cậy một người, và cuối cùng là người ấy hiện nay đang rảnh rỗi và bằng lòng làm việc với ông.
Hình như anh ta đang vẽ cho tôi chân dung của một ông Giêsu nhỏ nếu như tôi không nhầm. Anh ta làm tôi nổi sùng lên, tôi nói:
- Trò trẻ con mà.
Vandenberg giơ ngón tay giữa lên:
- Ba: Đất, đã có xây rồi hay chưa. Đây là tôi nói về miếng đất mà ông sẽ xây dựng sòng bạc của ông trên đó. Mua lại một cơ sở đã hoàn chỉnh và sẵn sàng hoạt động sẽ đắt ghê gớm, năm trăm triệu không đủ đâu, ông phải tính gấp đôi thế kia. Ở địa vị ông, và cứ cho rằng tôi đủ điên đến mức là dấn thân vào một việc như vậy, thì tôi sẽ chọn lựa là xây mới hay tân trang một cái cũ. Cái miếng đất mà ông đi tìm sẽ phải nằm hoặc ở Vegas, hoặc ở Atlantic City. Nó phải nằm trong một chu vi nhất định, nghĩa là nếu là Vegas, thì phải ở trên đại lộ Strip 4 không xa đấy lắm. Nếu là Atlantic City thì phải ở trên đường Boardwalk hay không xa. Những địa điểm như vậy rất hiếm, người ta tranh chấp nhau, và giá thì cứ mỗi ngày mỗi lên, đến thách thức mọi sự tưởng tượng.
Nụ cười lạnh lẽo của Vandenberg trở thành hoàn toàn độc ác.
- Ba điều kiện, thưa ông Cimballi. Ông có nghĩ rằng ông có thể thỏa mãn được đầy đủ cả không?
Và, tất nhiên, tôi trả lời:
- Chúng ta đánh cuộc với nhau cái gì nào?
--------------------------------
1 Tất cả những số tiền trong này là tính theo tỉ lệ hối đoái 1 dolars ăn 5,00 Francs Pháp.
2 Bwana: Ông, theo ngôn ngữ Swahili.
3 Nhét (Нет), phiên âm tiếng Nga: Không.
4 Strip: Đại lộ chính của Vegas nơi có các sòng bạc lớn nhất thế giới.
giavui
05-26-2020, 03:52 PM
CHƯƠNG 2
Tôi cũng đến thăm Rosen và Lupino như tôi đã thăm Vandenberg và cũng nói cho hai người biết dự định của tôi - Cả hai đều có một phản ứng giống nhau với mức độ khác nhau, họ đều cho tôi là hâm hâm. Jimmy Rosen xé một tờ giấy ở lịch bàn ra và làm vài con tính.
- Franz, chuyện ấy ít ra đi nữa cũng phải đầu tư từ bốn đến sáu trăm triệu dolars.
- Mình có thể giải quyết được với ít hơn thế.
- Mình sẽ hết sức ngạc nhiên.
Cậu ta có vẻ hơi cau có, vì rất ghét cái việc người ta nghi ngờ những tính toán của cậu.
- Jimmy, chúng mình cứ thử xem sao.
- Cậu thường hay có những ý kiến kỳ quặc, những ý kiến này thì tồi tệ hơn xa những cái khác.
Nhưng vì tôi cứ giữ cái ý ấy, thì đồng ý thôi, cậu ta sẽ đi tìm.
Y chang với Lupino. Có cái khác là mới nghe tôi nói mấy câu đầu cậu ta đã ôm bụng cười ngặt nghẹo.
- Và thế là lại bắt đầu đấy hả? Mình cũng vậy, lấy làm lạ là thấy cậu ngủ trưa ngoài nắng suốt từng ấy tháng trời. Cậu muốn nó bự bằng bao nhiêu, cái sòng bạc của cậu ấy? Và ở đâu?
Kỳ lạ nhất là tôi cũng chẳng có một ý kiến nào về cái ấy nữa. Tám hay mười ngày trôi qua đi. Những êkíp của ba luật sư cố vấn của tôi bắt tay vào việc, bổ đi tìm một cái gì có thể mua lại hoặc xây dựng lại mà hội tụ được ba điều kiện do Vandenberg đề ra - Cả ba điều kiện này, tôi thấy đều thực sự là cần thiết và đầy đủ. Mà điều kiện nào cũng khó thực hiện kinh khủng. Tôi còn nhớ rất rõ trạng thái tinh thần của tôi vào cái tháng 6 năm 76 ấy, khi mà nước Mỹ đang kỷ niệm lần thứ hai trăm ngày sinh của mình: Một sự hoang mang cực độ, và tùy từng ngày, có hôm thì muốn ngưng tất cả mọi việc lại, có hôm thì ngược lại - Cứ điên lên muốn xông vào làm ngay.
Đến mức là vào khoảng ngày 28 tháng sáu, khi Marc Lavater gọi điện thoại cho tôi, tôi không nói gì với anh ta cả. Anh hỏi tôi lập hồ sơ về công nghiệp khách sạn mà anh gửi cho tôi có giúp ích gì không. Tôi đánh trống lảng và trả lời là tôi yêu cầu tập hồ sơ ấy cũng chỉ vì tò mò thôi, và tôi chưa quyết định gì cả.
Điều đó thì đúng vào ngày 25 hay 26 và còn đúng hai ngày sau nữa, cho đến khi Lupino kêu điện thoại cho tôi. Anh ta gọi tôi ở khách sạn Pierre, lúc tôi vừa trở về sau một chuyến đi rất nhanh đến Québec. Tôi tới đó để xem qua cái công trường xây dựng khổng lồ ở vịnh James. Để đài thọ kinh phí, chính quyền Québec có phát hành những trái phiếu mà tôi muốn mua đề đầu tư vốn.
- Franz, mình tin là đã tìm được cho cậu một cái gì rồi đó.
- Ở Vegas à?
- Ở Atlantic City.
Ngay lúc đó, thấy như thất vọng. Tôi không biết Atlantic City. Tôi chỉ biết đó là một loại thành phố chết, một ghosttown 1 , một thành phố ma.
- Có đáng gì không?
Giọng nói vui vẻ của cái gã cà chớn Lupino này:
- Nó đáng vào khoảng ba mươi triệu đô đấy, bồ ơi.
Mới đầu tôi tưởng gã nói giỡn. Khác hẳn với Rosen và Vandenberg lúc nào cũng vui vẻ như một cái nhà mồ, Lupino có một khiếu hài hước đến làm thủng cửa nhà người ta được. Gã nói thêm:
- Franz, đáng đồng tiền bát gạo đấy! Cậu phải đến xem đi.
Chẳng có một tý phấn khởi nào trong tôi. Mơ ước của tôi, mặc dầu là mơ hồ, nhưng tôi muốn một cái sòng bạc có kèm theo nắng, sa mạc và cái không khí rất đặc biệt của Las Vegas kia. Thế mà người ta lại định đưa cho tôi sương mù Đại Tây Dương ở một cái thành phố nhỏ mà hình như tương lai là ở sau lưng nó kia.
- Franz, phải lẹ lên mới được. Chúng ta không phải là những người duy nhất ở trong công việc này đâu.
- Ngày mai.
° ° °
Chúng tôi hợp đồng với nhau ngày hôm sau đi bằng xe hơi vào lúc một giờ trưa. Jo Lupino nói qua cho tôi biết về “cái món hời” này: Một khách sạn khoảng 400 buồng, xây dựng từ đầu thế kỷ, cũng khá xuống cấp, nhưng có những phòng tiếp khách rộng mênh mông, ở bờ biển, ngay giữa thành phố, có đường đi ra biển và một cầu tầu riêng. Thêm 5 acres đất, tức là khoảng hai hecta nữa. Trang bị phải làm mới tất. Thêm một cái khó nữa: Căn nhà được xếp vào loại landmark 2 , nghĩa là một công trình lịch sử, theo danh từ Pháp.
- Thế mình phải trả ba mươi triệu đô để chuộc lấy cái của nợ ấy à.
- Vẫn có thể mặc cả được - Nhưng theo bọn nhóc trong êkíp của mình, thì đáng giá đấy!
Tôi không tin. Đi xem cái đó thì chả thà đi treo cổ mình lên còn thú vị hơn đấy. Nhưng rồi cuối cùng.
- Đồng ý, Jo. Ngày mai, một giờ.
Tôi vẫn thường nhận xét: Một sự kiện không bao giờ đến một mình. Chắc phải có một cái loại quy luật nào đó làm cho “tất cả bao giờ cũng đến cùng một lúc”. Chứng cớ: Ngay chiều hôm cùng ngày, tôi tới ăn tối với gia đình Rosen. Đứa con trai cả của Jimmy sắp đi sang Âu Châu, nhất là tới Paris, là nơi nó sẽ ở lại một năm trước khi vào đại học. Jimmy hơi lo lắng về sự cô đơn sẽ chờ đợi con anh ta ở bờ bên kia Đại Tây Dương, nhất là ở Pháp, là cái nước “sa đọa hết biết”.
Tôi đề nghị sự giám hộ của gia đình Lavater, Marc và Frangoise.
- Ngày mai mình sẽ kêu điện thoại để báo trước cho họ.
Và tôi kêu điện thoại. Chỉ nghe cái tiếng thốt ra của cô thư ký người Paris của Marc cũng đủ biết có cái gì quan trọng nữa xảy ra. Cô ta la lên:
- Sao lại có sự ngẫu nhiên thế, ông Cimballi! Em đang sắp sửa quay số của ông ở New York thì chuông điện thoại của em reo, ông Lavater có một tin quan trọng muốn báo với ông...
Và quả nhiên, ngay sau đó là tiếng nói của Marc làn đầu tiên tôi thấy xúc động như vậy:
- Franz phải không? Vấn đề Hassan Fezzali đấy, ông ta vừa tái xuất hiện.
--------------------------------
1 Bằng tiếng Anh trong nguyên bản.
2 Bằng tiếng Anh trong nguyên bản.
giavui
05-26-2020, 03:53 PM
CHƯƠNG 3
Ông ta là bạn của bố tôi, trước khi là bạn của tôi. Hassan Fezzali, dưới cái mã được ngụy trang một cách hết sức cẩn thận như một ông già bán thảm len, thực ra, trước khi ông bị mất tích, là người quản lý cái gia sản phi thường của một ông hoàng người xứ Saoudie, tỷ phú về dolars dầu mỏ. Đến nay đã một năm rưỡi, ông ta bị mất tích - Hết sức đột ngột - Hôm đó, ông ta rời khỏi phòng làm việc ở Caire ra phi trường đáp một chuyến máy bay. Ông ta không đến phi trường, và từ đó đến nay không ai thấy mặt ông ta nữa. Tôi tưởng ông đã chết.
Marc Lavater nói trong điện thoại từ Paris.
- Ông ta còn sống, không còn nghi ngờ gì nữa. Tôi có bằng chứng.
Và, ngoài tình bạn và sự tò mò muốn biết việc gì đã xảy ra cho ông ấy, tôi còn một lý do nữa để đón nhận với một niềm vui sướng lớn cái tin trở về của ông ta: Trước khi ông bị mất tích không lâu, chúng tôi cùng Hassan có chung vốn với nhau trong một vụ đầu cơ về dầu mỏ. Những chi tiết về vụ này không quan trọng, cái điều cần biết là chúng tôi đã có góp vào: Fezzali, mười chín triệu dolars, tôi mười, Lavater một, để trong một trương mục của ngân hàng ở Liechtenstein. Có một điều khoản đặc biệt quy định trước là không một đồng dolars nào của số tiền này có thể đem ra sử dụng nếu không được sự đồng ý của cả ba người hoặc của những đại diện được ủy quyền trong trường hợp có người đã chết. Hassan không thể được coi như chính thức đã chết, nên số vốn này bị phong tỏa lại. Tìm lại được cái ông Ả Rập du cư của lòng tôi này, có nghĩa là tôi lại sắp có thể sử dụng được mười triệu dolars của tôi - để nằm im vô ích từ mười tám tháng nay.
Thế thì cũng đáng để làm một cuộc du hành New York - Paris lắm chứ. Và tôi đã làm cuộc du hành đó. Tôi kêu điện thoại cho Lupino để hoãn việc đi thăm Atlantic City lại, mặc cho anh ta cự nự. Và tôi nhảy lên chiếc máy bay đầu tiên.
- Cái thư đã đến Vaduz hai ngày trước đây. Bản photocopy đây.
Tôi cầm lấy tờ giấy Marc Lavater trao cho tôi. Nội dung trong tờ giấy ngắn thôi, vài dòng viết tay, viết bằng tiếng Anh: “Please transfer spot value on next 29th June 61.551,86 US to account 1543 ZSM Weiner Bank Zurich attention Mr. Gunthardt”. Nghĩa là: Xin chuyển bằng tiền mặt ngày 29 tháng sáu sắp tới, giá trị 61.551 dolars US và 86 xu vào trương mục 1543 SM ở Weiner Bank Zurich cho ông Gunthardt. Không có gì khác nữa ngoài mã số tiếp xúc bí mật (ngoài chủ ngân hàng chỉ có Hassan, Marc và tôi biết) và chữ ký. Tóm lại chỉ là một lệnh chuyển tiền bình thường gửi cho những chủ ngân hàng ở Liechtenstein mà thôi.
Lavater nói với tôi.
- Franz, cậu cũng biết rõ như tôi rằng cái ngân hàng ở Vaduz không thể thực hiện được lệnh này vì cái điều khoản bắt buộc phải có sự đồng ý thống nhất của ba cổ đông của hội: Hassan, cậu và tôi. Điều này, Hassan cũng biết.
Vậy thì Fezzali đã gửi cái thư này với mục đích duy nhất là để đánh động cho chúng tôi biết.
- Đó là cách giải thích duy nhất. Ông ta chắc chắn là người chủ ngân hàng ở Vaduz phải báo cho chúng ta biết ngay. Và quả nhiên, người này đã làm thế thật.
Tôi ngắm bản photocopy: Chữ viết có hơi run thật, nhưng rõ ràng là rất quen thuộc với tôi.
- Anh đã cho giám định chưa? Đúng là của Hassan chứ?
- Không còn nghi ngờ gì nữa. Vả lại, đừng quên là có cả mã số tiếp xúc bí mật nữa.
- Thế tại sao lại có cái số tiền tức cười ấy: Sáu mươi mốt ngàn, năm trăm năm mươi mốt dolars và tám mươi sáu xu?
- Chịu! Không biết.
Tại sao Hassan không gửi số tròn, 62 ngàn dolars chẳng hạn. Tôi biết ông ta rất ky bo nhưng mà đâu có đến nỗi thế.
- Marc, Hassan muốn nói với chúng ta một cái gì đấy. Có chặt tay mình đi mình vẫn tin chắc như vậy.
Nhưng cái gì nào? Tôi điên người lên vì không hiểu được. Không còn nghi ngờ gì nữa cái việc chuyển tiền này là một lời kêu cứu đây. Và không thể nào không đáp lại lời kêu cứu đó. Vả lại, trước khi tới Paris, tôi đã cho khởi động một biện pháp rồi: Không thể để cơ quan của nhà nước chính thức can thiệp vào việc này, tôi đã báo cho một hãng thám tử tư tôi đã có dịp sử dụng nhiều lần trước đây. Đứng đầu hãng này là một người tôi vẫn gọi bằng bí danh Người Anglais. Anh ta lúc nào cũng tóc vàng, cũng phớt tỉnh, và ăn mặc rất chững chạc. Anh ta nói với tôi: “Tất cả mọi cái đều đã được bố trí. Tôi đã làm mọi chuyện cần thiết ngay sau khi ông gọi điện cho tôi từ phi trường Kennedy. Tôi có một êkíp ở Vaduz, một êkíp ở Zurich, quanh ngân hàng Weiner. Một êkíp thứ ba sẵn sàng để ứng phó với mọi sự cố. Hễ khi nào việc chuyển tiền được thực hiện xong giữa Liechtenstein và Thụy Sĩ, chúng tôi sẽ theo dõi ngay. Tất nhiên với điều kiện là các ông bạn Thụy Sĩ của chúng ta đồng ý. Họ có những ý kiến rất khó lay chuyển về vấn đề bí mật ngân hàng."
Và anh ta nhìn tôi một cách tỉnh bơ như là vừa tiết lộ với tôi một việc trọng đại lắm.
° ° °
Chắc mọi người còn nhớ: Muốn cho việc chuyển tiền có thể thực hiện được, nhất thiết phải có sự đồng ý của hai cổ đông kia, nghĩa là của Marc và của tôi. Chúng tôi tiếp ký ngay vào bản photocopy. Và để cho chắc ăn hơn, tôi tức khắc đi Vaduz. Cái thư của Hassan đến vào ngày 25, tôi thì đổ bộ xuống Paris vào buổi trưa ngày 27, và vào buổi tối cùng ngày tôi đã ở Liechtenstein. Tôi phải làm thế nào để cho việc chuyển tiền được thực hiện vào ngày 29.
Và trong thời gian đó, tôi miệt mài suy nghĩ về bài toán hóc búa 61.551,86. Tôi đã thử hết mọi cách ghép các chữ số với nhau. Cũng có thể là một số điện thoại cũng nên, tuy rằng như thế thì thô kệch quá, nhưng biết đâu đấy. Dù sao đi nữa, đẩy dấu chấm và dấu phẩy đi sẽ có: 615.51.86. Ở Paris với những phí tổn đắt như vàng, Lavater cũng đã cho nhân viên của anh lên đường đi tìm và lại thuê thêm một hãng điều tra tư nhân nữa. Kết quả không phải chờ đợi lâu. Các bạn có biết trên thế giới này có bao nhiêu số điện thoại bẩy số không? Nhân dịp này mà tôi được biết: Một triệu sáu trăm hai mươi tám ngàn, không kể những cái lẻ đấy. Nhưng những thám tử đại tài của chúng tôi cũng đã tìm ra rằng tính tất tần tật cả cũng chỉ có bốn mươi chín người có thuê bao con số 615.51.86 mà thôi. Người thứ nhất của tôi là một bà già tàn tật ở California, người thứ hai là một nhà giặt ủi ở Rio, người thứ ba ở Châu Úc... Và tất cả đều lãng xẹt như thế.
Tôi bỏ rơi các số điện thoại. Tôi lại thử các mã số bưu điện. Xin không đi vào chi tiết, vì sẽ điên người lên mất. Nếu muốn đi vào kiểm tra các số này thì phải mất hàng tháng là ít. Tôi cũng lại bỏ luôn. Marc gọi điện gợi ý cho tôi: “Có thể đây là tiền thanh toán một cái gì chăng? Chắc chắn Hassan là tù nhân của một người nào đó, và người này buộc ông ta phải trả tiền... cái gì đó, tôi không biết nữa... Trả tiền điện, nước chăng?".
Tôi cười gằn, nhưng cười gằn một cách vàng vọt. Tôi nổi sùng lên trước cái bí mật mà tôi không sao khám phá ra được. Nhưng dù sao có hai điểm mà tôi tin chắc: Lệnh chuyển tiền này có chứa đựng một thông điệp, và thông điệp này là gửi cho đích thân tôi. Thế mà tôi lại không hiểu thông điệp nói gì!
Thời gian gấp lắm rồi. Nếu tôi không làm gì trước khi tiền chuyển đến Zurich, thì cái số sáu mươi mốt ngàn hơn dolars này sẽ mất hút vào trong các chu trình ngân hàng và cũng mất tiêu luôn cả các dấu vết điều tra nữa. Sáng ngày 28, tôi ở Zurich, và phải gần như phá cửa của cái ông Gunthardt mà tên có ghi trên lệnh chuyển tiền. Đó là một ông chủ ngân hàng rất tầm thường, và với một thái độ hết sức lễ phép. Ông ta làm ra bộ hoàn toàn ngớ ngẩn:
- Thưa ngài nói tên gì kia ạ?
- Fezzali, Hassan Fezzali.
Tôi lao vào một cuộc giải thích: Sự mất tích đột ngột của Hassan, việc thành lập một cái hội của chúng tôi ở Liechtenstein, chuyện các trương mục của chúng tôi bị phong tỏa, bức thông điệp v.v..
Gunthardt nhìn chằm chằm vào tôi, nét mặt rất khó hiểu.
- Ông Cimballi, ông chắc phải biết những luật pháp chi phối sự bí mật ngân hàng ở nước tôi?
- Nhưng đây là vấn đề tính mạng của một con người!
Một bức tường. Tôi không thể moi được gì của hắn. Cái thằng quỷ này sẵn sàng chịu chết tại chỗ chứ nhất định không hé môi. Tôi đi ra gặp Người Anglais. Anh ta đã theo tôi sang Thụy Sĩ và đang ngồi đợi tôi ở Paradeplatz. Anh nói:
- Chỉ có cảnh sát Thụy Sĩ là có thể làm được cái gì thôi.
Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó. Nhưng tôi cũng biết trước câu trả lời của chính quyền Thụy Sĩ: Tôi có chứng cớ gì không? Không, chỉ có mội giải pháp. Giải pháp duy nhất. Ba giờ tiếp theo sau đó, tưởng phát điên lên được. Tôi đã dùng ba giờ đó để đi tìm một chiếc máy bay có thể cất cánh ngay tức khắc và vượt một hơi bốn nghìn cây số, bởi vì nếu đi trên những chuyến bay bình thường thì mất nhiều thời gian quá.
Cuối cùng, vào quãng sau ba giờ chiều một chút ngày 28, giờ Zurich, tôi rời đường băng. Và khi hạ cánh ở Riad, tại xứ Ả Rập Saudi thì trời hãy còn sáng. Tôi cũng không có thời giờ để cảm thấy cái nóng nữa, vì người ta đã đưa tôi vào ngồi trong một chiếc Rolls có điều hòa nhiệt độ.
- Ông đến nước chúng tôi lần đầu tiên ạ?
Tôi nói phải. Tôi hơi mệt. Chiếc Rolls bóp còi inh ỏi để lấy đường đi.
- Hoàng thân Aziz đang chờ ông, thưa ông Cimballi. Ngài rất yêu mến Ngài Hassan Fezzali.
- Tôi cũng vậy.
Hoàng thân Aziz cùng tuổi với tôi. Tôi chỉ mới gặp ông ta có một lần, cách đây bao nhiêu năm rồi. Bây giờ ông ta ngồi nghe tôi kể tất cả câu chuyện của chúng tôi. Tôi kết luận:
- Tôi chắc chắn là ông Hassan hãy còn sống. Hay là ít ra cũng còn sống cách đây ba, bốn ngày.
Im lặng. Bỗng nhiên tôi có cái cảm giác rất khó chịu là người đối thoại với tôi, chẳng những đã biết trước những gì tôi vừa nói, mà lại còn biết nhiều hơn tôi nữa kia. Vả lại, ông ta nói:
- Tôi cứ nghĩ là ông đã biết, ông Hassan đã mất tích từ tháng Giêng năm ngoái. Bắt đầu từ tháng hai sau đó, cứ mỗi ba mươi ngày, tôi lại phải đóng số tiền là hai trăm ngàn dolars để giữ cho ông ta còn sống.
Ông hoàng ra một dấu hiệu. Người ta bèn mang đến những bức ảnh, đằng sau có ghi từng tháng một từ tháng hai năm 75 đến tháng sáu năm 76. Ảnh nào cũng giống nhau, trừ một vài chi tiết. Tất cả đều có hình Fezzali ngồi hay đứng, giơ lên một tờ báo mà những tiêu đề cho thấy thời điểm của ngày hôm chụp hình. Tôi hỏi:
- Ông ta bị giữ ở đâu?
- Tất nhiên là chúng tôi không biết.
Phông cảnh đằng sau lưng Hassan trong những bức ảnh không cung cấp được một chỉ dẫn nào. Đó là một tấm vải trắng, có lẽ căng lên một bức tường. Còn về những tờ báo, thì đủ mọi loại báo trên thế giới.
- Ai giam giữ ông ta?
- Chúng tôi cũng không biết nốt.
Tôi nhìn sâu vào đôi mắt đen của ông hoàng Saudi. Tôi không hiểu được. Với những phương tiện khổng lồ mà ông ta có, sao ông ta không thể làm gì à? Tôi cũng không cần phải đặt ra câu hỏi nữa, ông ta đã đoán được nó, và giải thích như thế này:
- Số tiền chuộc phải đóng mỗi đầu tháng vào một trương mục có số ở Thụy Sĩ. Lần đầu tiên chúng tôi đã thử theo dõi dấu vết của số tiền này...
Ông ta ngừng lại, và chỉ cho tôi tập ảnh:
- Ông hãy nhìn kỹ tấm hình đằng sau lưng có ghi “tháng tư”...
Tôi làm theo. Lúc đầu tôi chẳng nhận thấy gì cả. Ông Aziz nói:
- Bàn tay trái...
Tôi giật thót mình: Hassan chỉ còn có bốn ngón ở bàn tay trái.
Aziz nói tiếp:
- Hai tháng sau, chứng tôi lại thử một lần nữa, lần này hết sức cẩn thận. Ông hãy xem bức ảnh số sáu, có ghi “tháng bảy”...
Lần này thì tôi phát run lên vì kinh hãi: Sau ngón tay út, người ta đã chặt thêm hai đốt đầu của ngón đeo nhẫn và ngón giữa,
- Và người ta đã báo cho chúng tôi biết rằng, lần sau thì sẽ không còn cả bàn tay...
Ông ta mỉm cười, không có một tý gì là vui vẻ:
- Ông Cimballi, đối với Hassan tôi có một tình bạn và cả một sự quý mến đặc biệt. Tôi không muốn người ta cắt ông ta ra từng mảnh một như vậy. Tôi đã đề nghị một số tiền rất lớn để xin trả tự do cho ông ta. Người ta cũng không thèm trả lời tôi nữa. Tôi không biết ai giam giữ ông ta, tôi không biết vì sao, tôi không biết trong bao nhiêu lâu nữa. Nhưng tôi thiết tha muốn giữ được mạng sống của ông ta. Và tôi báo trước cho ông biết: Nếu ông làm một cái gì, bất cứ một cái gì, mà làm nguy đến tính mạng của ông ta, thì mối cảm tình của tôi đối với ông không còn lý do tồn tại nữa.
Ông ta nhìn tôi chòng chọc, và tôi chợt nhớ rằng tôi hiện đang ở trong một kinh đô nằm biệt lập ở tận cùng sa mạc và ở đó công lý được thực hiện một cách dễ dàng bằng những nhát búa tầm sét.
Tuy vậy tôi cũng cố gắng một lần cuối cùng nữa. Tôi chắc chắn một điều: Tôi chắc chắn là bằng cách này hay cách khác, Hassan đã muốn dùng cái thư gửi đến Vaduz này để báo tin cho chúng tôi một hướng điều tra mới, khác với hướng của Aziz. Rõ ràng là cái số sáu mươi mốt ngàn dolars kia không có dính dáng gì đến cái số hai trăm ngàn dolars tiền chuộc đóng mỗi tháng. Đó là hai việc khác hẳn nhau.
- Hassan đã cài được một cái bẫy cho những kẻ bắt cóc ông ta. Chúng ta đều biết ông ấy ranh mãnh như thế nào. Nếu không đáp lại lời kêu gọi của ông ta, thì có nghĩa là chúng ta sẽ vĩnh viễn mất ông ấy. Và một mình, thì tôi không thể nào mở được cái chốt của Thụy Sĩ. Nhưng nếu ngài, một hoàng thân Saudi, có khả năng yêu cầu chính phủ ở Riad can thiệp với chính quyền Thụy Sĩ, bằng con đường ngoại giao, thì lúc đó người Thụy Sĩ...
- Vô ích. - Aziz đứng lên. - Ông mất thì giờ của ông, ông Cimballi.
Tôi đánh lá bài cuối cùng:
- Thế nếu tôi giải mã được bức thông điệp của Hassan? Nếu tôi hiểu được ông ta muốn nói gì với chúng ta?
- Tôi đã đọc cái thư mà ông đưa tôi xem. Tôi không tin là nó chứa đựng một cái gì ngoài một cái lệnh chuyển tiền.
° ° °
Tôi đã có thể rời khỏi Riad ngay. Nhưng tôi vẫn bám lấy nơi này, không chấp nhận một sự thất bại. Những thư ký của hoàng thân đã tìm cho tôi một dãy buồng ở khách sạn Riad Intercontinental. Tôi gọi điện cho Marc ở Pari.
Trong suốt thời gian tôi gọi điện thoại, từ cú điện cho Marc đến cú điện này, bản photocopy của lệnh chuyển tiền vẫn ở trước mặt tôi. Thế rồi bỗng nhiên, một chữ, một chữ thôi như nhẩy lên đập vào mắt tôi, sáng chói như mặt trời. Ôi! Trời đất quỷ thần!
- Jo, cậu lao vào việc đi. Ngày mai mình sẽ gọi lại.
Tôi đặt máy xuống ngay, không để cho cậu ta có thì giờ cự nự thêm nữa. Trong những phút sau đó - phòng tiếp nhận của khách sạn Intercontinental đã chuyển lên cho tôi những bản thông tin mà tôi yêu cầu. Làm vài con tính trên cái máy tính bỏ túi của tôi thế là xong, và tôi lại chạy ào ra máy điện thoại.Tôi bị kích thích như một con rận vậy, tôi không đứng yên tại chỗ được nữa. Lại cả mười lăm phút nữa tranh cãi, van vỉ, thậm chí hù dọa: “Không, Hoàng thân không có nhà. Hoàng thân đang dự một buổi tiếp tân ở cung điện Al Ma’ather, và Hoàng thân đang..."
Rồi nghe tiếng của Aziz.
- Ông Cimballi, tôi hy vọng rằng ông không quấy rầy tôi để...
Tôi ngắt lời ông ta một cách hết sức vô lễ.
- Tôi tìm thấy rồi - Tôi biết ông Hasan hiện đang ở đâu...
° ° °
Spot! Chữ này có nghĩa là “trả tiền mặt” thế thôi không có gì khác. Nhưng cũng không phải đơn giản thế đâu. Bởi vì một ông chủ ngân hàng hay một nhà tài chính bình thường, như ông hay tôi, khi viết một lệnh chuyển tiền, trong thực tế không dùng đến chữ này bao giờ. Người ta sẽ viết, hoặc đánh telex bằng tiếng Anh “Pleasa transfer" (hay forward immediately). Hay là cùng lắm, nếu là một người quá ưa sự chính xác, thì người đó sẽ dùng chữ Cash, cũng có nghĩa là trả tiền mặt.
Spot là danh từ thường dùng của những người buôn bán ngoại tệ, những chuyên gia mà năm này tháng khác nhận được những lệnh chuyển từ một thứ tiền tệ này sang một thứ khác, từ đồng dolars sang đồng francs Thụy Sĩ, từ đồng florin Hà Lan sang đồng tugrik Mông Cổ (hiếm đấy!). Tôi cũng đã có làm cái loại dịch vụ này, nhưng không thể so sánh với Hassan Fezzali được, vì ông ta là một “tay tổ” trong nghề đổi tiền. Aziz nhìn chòng chọc vào mặt tôi.
- Ông đã làm tôi phải bỏ buổi tiếp tân để mách cho tôi điều ấy à?
Tôi đưa cho ông ta xem một bản thông tin mà phòng tiếp nhận của khách sạn Intercontinental đã chuyển cho tôi. Ở đó có tất cả các loại tiền tệ hiện đang lưu hành trên thế giới, xếp theo thứ tự abc của những nước phát hành. Tôi giải thích.
- Ông Hassan đã viết chữ Spot trong lệnh chuyển của ông, mà lẽ ra ông không cần hoặc có thể dùng một chữ khác. Thế là rõ: Ông ta muốn chúng ta phải nghĩ đến một dịch vụ đổi tiền. Bây giờ, Ngài hãy xem con số 61.551.86. Không phải là một số tròn, điều ấy thì ai cũng thấy rồi. Tôi đã lấy cái bản thông tin này và tìm xem: Đồng tiền nào trên thế giới, duy nhất, mà vào ngày 29 tháng 6 khi mở cửa phòng chứng khoán, thì 61.551 dolars và 86 xu, sau khi đổi sẽ thành một số tròn. Tôi đã làm các phép tính. Chỉ có một loại tiền thôi. Thưa Hoàng Thân, chỉ có một loại tiền thôi: Đồng riyal hay Yri của Cộng Hòa Ả Rập Yémen. Ông Hassan đang bị cầm tù đâu đó ở Bắc Yémen.
Thế là vào ngày 29 tháng sáu, khoảng hai giờ trưa, nghĩa là vào giữa trưa ở Thụy Sĩ, Người Anglais gọi điện cho tôi từ Zurich và tỉnh bơ, báo cho tôi biết rằng:
- Có hướng điều tra rồi. Nghĩa là bắt đầu của hướng đó. Người mở trương mục có số ở Zurich tên là Belkacem. Hắn có cho một địa chỉ ở Luân Đôn. Chúng tôi đã kiểm tra: Địa chỉ dỏm.
- Thế có thế biết được cái số sáu mươi mốt ngàn dolars ấy sẽ đi đâu không.
- Ngay hôm nay nó sẽ được chuyển đi Luxemboung, cảnh sát Thụy Sĩ đã được ủy thác, chúng ta có thể theo dõi được bất cứ số tiền này chuyển đi đâu.
- Chúng ta sẽ xét sau.
Và cũng vào cùng ngày 29 tháng 6 này, Người Anglais bằng những lời lẽ rất kín đáo đã cho tôi biết anh ta đang ở đâu.
- Số tiền không ở Luxemboung đến quá một tiếng đồng hồ. Một lệnh chuyển ngân vừa đưa nó sang La Mã rồi…
... Vào một ngân hàng mà Người Anglais đã tức khắc cho theo dõi ngay cùng với sự cộng tác của đội cảnh sát tài chính Ý.
Cuối cùng vào ngày 2 tháng 7, đã thấy có chuyển động ở La Mã. Người Anglais báo tin:
- Có lệnh chuyển ngân mới vừa gửi đến. Địa chỉ mới: Beyrouth.
- Lệnh từ đâu tới.
- Một ngân hàng ở Luân Đôn, nhưng nó chỉ là trạm trung chuyển thôi. Nguồn gốc thực sự là Le Caire. Một êkíp của tôi vừa đi đến đấy.
Và không trệch được: Ngày 3 tháng 7, quả nhiên ngân hàng ở Beyrouth, mở một trương mục cho ngân hàng Maha và Moore của Le Caire. Trái với những gì anh ta đã làm trước đây ở Vaduz, Zurich, Luxemboung, Rome và Beyrouth, Người Anglais không tiếp xúc với ban giám đốc của ngân hàng, và cũng chẳng tiếp xúc với cảnh sát ở Le Caire. Anh ta nói rằng, sẽ dựa vào linh tính của mình và muốn từ nay trở đi chỉ làm việc một mình cùng với những người riêng của anh ta, không nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền nữa. Anh ta đi Le Caire và vào sáng ngày mùng 4, từ đó gọi điện cho tôi:
- Người mà chúng ta đang tìm hiện ở đây.
° ° °
Ba tiếng đồng hồ sau, sau một cuộc tranh cãi khá gay gắt với Aziz trách tôi sao quá kín đáo đối với ông, ông đồng ý để cho tôi rời khỏi Ả Rập Saudi, mà không cắt tôi ra thành từng lát mỏng, và tôi lên một chiếc phi cơ để bay đến thủ đô của Ai Cập.
- Hắn đấy.
Qua tấm kính hậu của xe hơi, tôi nhìn thấy một người trẻ tuổi, cỡ hăm nhăm trở lại, mặc âu phục. Anh ta thấp người, da ngăm ngăm đen, và có một bộ ria mép ngắn. Trông rõ ràng không phải là một thiên tài về trí thông minh.
- Tại sao là hắn? Tại sao đặc biệt là hắn?
- Trước hết bởi vì hắn làm việc ở ngân hàng Maha và Moore - làm văn thư. Sau nữa bởi vì chúng tôi căn cứ vào giả thuyết khởi đầu của ông: Bức thông điệp bí mật được biến thành một dịch vụ đổi tiền. Anh đã đoán trúng một trăm phần trăm: Hắn người xứ Yémen. Hắn sinh ở một vùng hẻo lánh trong cái xứ bây giờ gọi là Bắc Yémen. Cách nay năm tuần lễ hắn đã nghỉ phép hàng năm, và làm một tua về nhà thăm gia đình. Chuyện bình thường. Nhưng cái điều ít bình thường hơn, là hắn chỉ có mặt ở trong làng có sáu ngày thôi và trở về Le Caire ngay. Cái ông tướng đã cho cái số sáu mươi ngàn dolars đi ngao du, chính là hắn đó.
- Thế tên hắn là gì.
Người Anglais chịu cất điếu thuốc Craven A ở trên môi xuống một lát.
- Yousouf con khỉ, con tườu gì đó.
- Thế hắn có dính dáng gì vào vụ bắt cóc Fezzali không?
- Không. - Người Anglais có một cái thuyết cũng khá gần thuyết của tôi - Yousouf, về làng nghênh ngáo không biết bằng cách nào đó biết được sự giam cầm Fezzalivà đã lừa ông này để lấy sáu mươi ngàn dolars. Có lẽ đã hứa với ông ta là sẽ chuyển một lời kêu cứu của ông ta. Và Hassan lại còn ranh mãnh hơn hắn nữa. Nhưng như thế có nghĩa là ông ta đang ở gần cái làng nói trên.
- Đúng thế.
- Hãy đến đó mà dòm ngó một chút để cố gắng tìm ra Hassan. Có lẽ nói thì dễ hơn làm đấy. Những gì tôi biết về xứ Yémen có lẽ chỉ đủ để viết trên một cái tem thư được thôi, nhưng tôi không tin là người ta có thể đi sang đó, như sang Thụy Sĩ được. Vắng vẻ và hoang vu lắm, chắc thế! - Người Anglais nói.
- Còn tồi tệ hơn thế nữa kia. Cái vùng ấy gọi là Rub al Khali. Chính quyền của Sana - thủ đô của nó - chỉ có quyền hành tượng trưng ở đó thôi: Những vị thổ dân vẫn mang võ khí từ đầu xuống đến chân, còn chúng ta mà đến đó thì cũng vô hình như một ông chủ ngân hàng Luân Đôn mặc quần có kẻ sọc lạc vào trong một câu lạc bộ những người khỏa thân vậy.
Anh ta mỉm cười với tôi, rất thích thú với câu pha trò ấy.
Còn việc tính đến chuyện mộ một bọn biệt kích đánh thuê, lựa trong số những tay thiện xạ như kiểu Hollywood - dù Aziz hay tôi có đài thọ tiền phí tổn đi nữa - thì tốt hơn hết là không nên nghĩ đến. Cả Người Anglais và tôi đều nhất trí vậy, tuy rằng cái ý này cũng vẫn làm tôi thích thú trong mấy tiếng đồng hồ. Nhưng, ngoài cái việc là tôi không có một mảy may kinh nghiệm nào trong lĩnh vực này, tôi còn sợ nếu dùng vũ lực để giải thoát cho Fezzali thì sẽ làm nguy ngay đến tính mạng của ông ta. Sự mạo hiểm này tôi hoàn toàn không thể chấp nhận được. Với lại, làm sao việc đi mộ một bọn biệt kích như vậy mà lại không làm tung tóe cả tin tức ra ngoài. Cái ngày hôm mồng 4 tháng bẩy ấy, tôi chưa nói gì với Aziz cả, và ông ta hoàn toàn không biết một tý gì về những phát hiện của chúng tôi. Bởi vì, khi suy nghĩ kỹ, tôi thấy có một vài điều nghi ngờ: Tôi thấy rất có thể ngay trong đám thân cận trực tiếp với hoàng thân, có ai hay những ai đó sẽ rất thoải mái dễ chịu về sự vắng mặt của Fezzali, và lại càng thoải mái dễ chịu hơn nữa, nếu ông này vĩnh viễn biến đi, để lại một chỗ trống. Có trời mà biết được. Không, suy tính cho kỹ, tôi sẽ hành động một mình thôi.
Nhất là tôi lại tin rằng tôi có trong tay hai con chủ bài cho phép tôi hành động theo cách của tôi, không dùng đến vũ lực. Trước hết, Người Anglais đã tìm thấy một người có biết một người, người này lại có biết một người có biết rất rõ sa mạc Rab al khali, và cả hai xứ Yémen, Nam và Bắc.
Sau nữa, tôi có một ý kiến. Một ý kiến kỳ cục, ngông cuồng, thậm chí mê sảng nữa, ai muốn cho là thế nào cũng được, nhưng một ý kiến mà tôi thích thú vô cùng.
giavui
05-26-2020, 03:53 PM
CHƯƠNG 4
Adriano Létta là một trong những người cộng tác mà tôi tin cậy nhất ở Âu Châu. Tôi giải thích cho anh ta tôi muốn anh ta làm gì cho tôi, và phải làm như thế nào. Anh ta không tỏ ra mảy may ngạc nhiên, chỉ hỏi tôi anh ta có được bao nhiêu thời gian để làm việc ấy. Tôi nói “Càng sớm càng tốt”. Anh ta nói đồng ý, để anh ta lo. Đó là một trong những ưu điểm của Adriano mà tôi thích nhất. Người Anglais theo dõi cuộc nói chuyện ấy, thì trái lại, lần này lại mất hẳn cái tính phớt cố hữu, nhìn tôi bằng cặp mắt kinh ngạc và nói.
- Ông định làm cái việc ấy thật à?
- Tôi cũng cần phải cho Hassan biết rằng tôi đã nhận được bức thông điệp của ông ta, tôi đã hiểu ông ta muốn nói gì, và tôi đang lo công việc của ông ấy chứ.
Người Anglais trở lại phớt tỉnh như cũ, chỉ nói gọn thon lỏn:
- Miễn bình luận.
Rồi anh ta đưa nhà chuyên gia về Yémen và chỉ riêng một mình ông ta cũng đáng để làm một cuộc du lịch sang cái xứ ấy rồi. Bản thân tôi không phải là một người khổng lồ về vóc dáng, và để nhìn vào tận mắt nhiều những người đối thoại với tôi, tôi đã phải ngả đầu ra đằng sau. Thế mà, lần này, lại trái ngược hẳn lại. Gã đàn ông mà Người Anglais mới đưa vào, chỉ cao nhiều lắm là khoảng một thước năm mươi, và anh ta to rộng bằng chiều cao, đầu đội một cái mũ Cologne kiểu Kitchener. Và anh ta nhìn tôi bằng con mắt đầy căm thù. Tôi phát hiện rất nhanh rằng anh ta nhìn cả thế giới này cũng bằng con mắt căm thù ấy, vì lý do là anh ta căm thù cả thế giới này, không trừ một cái gì. Những điều tôi biết về anh ta có thể tóm tắt trong vài câu: Anh ta nguyên là một hạ sĩ trong quân đội Anh, đã đóng quân ở Aden và các vùng chung quanh vào cái thời còn mồ ma Đế Quốc Anh, đã mê say đến điên cuồng cái xứ Yémen này, đã ở lại đó sau khi quân đội của Đức Hoàng Đế rút đi, và đã định mưu đồ thống nhất hai xứ Yémen lại. Không có kết quả gì. Cuối cùng người ta đã phải trục xuất gã ra ngoài. Tóm lại, đó là một thứ Laurence của xứ Ả Rập, nhưng không gặp thời.
Gã nói với tôi một cách căm thù:
- Thế ông tưởng có thể dễ dàng chiếm lại một tù nhân của Al Chaafi à? Ông tưởng thế thật à?
Tôi kinh ngạc:
- Cái tay Al quái quỷ nào đó mà tôi chưa hề bao giờ nghe nói đến?
Gã cười gằn khinh bỉ:
- Al Chaafi chắc chắn là người đang giam giữ Hassan Fezzali trong lâu đài của hắn.
- Chỉ có thể là nó thôi, cái đồ rác rưởi ấy. Cái làng của cái tên Youssouf của các ông, chính là do Al Chaafi cai trị đấy.
Gã nhổ toẹt xuống cái thảm len của khách sạn Hilton, nhưng cũng sẵn lòng giải thích cho tôi hiểu rằng cái tên Al Chaafi ấy là một thứ cường hào địa phương, ngự trị như một ông vua nhỏ trong một cái làng đã được biến thành pháo đài ở giữa vùng núi non của xứ Yémen, trên bờ sa mạc Rub Al Khali, là một sa mạc hoàn toàn kinh khủng. Và hắn sẵn sàng làm tất cả mọi việc vì tiền.
Tôi với Người Anglais đưa mắt nhìn nhau: Thế là những điều ngờ vực của tôi đã được xác minh. Người ta không phải bắt cóc Fezzali chỉ là để lấy tiền chuộc thôi. Có một kẻ nào đó trong giới thân cận với Aziz đã nhúng tay vào việc này. Có thể là vì ghen tức, mà cũng có thể là do sự xúi giục của một tên Martin Yahl. Tóm lại tôi đã làm đúng khi không cho Aziz biết một tý gì về những hành động của tôi bây giờ và sau này.
° ° °
Chúng tôi cất cánh từ Dgibouti vào lúc tám giờ sáng ngày 7 tháng bẩy. Chúng tôi, nghĩa là Adriano Letta, thêm Người Anglais, thêm Laurence II, thêm một chuyên gia về thả dù, và thêm tôi. Ngồi cầm lái, là người phi công yêu mến của tôi, anh Flint - đã từ Florida đặc biệt sang đây. Phi cơ là một chiếc DC.3 thuê ở Addis Abbeba, một cách không phải không chật vật.
Sáu chiếc Container có trang bị dù được xếp ở gần cửa là nơi chúng tôi sẽ thẩy chúng xuống. Mỗi cái, cả vỏ lẫn thức đựng ở trong phải nặng ít nhất là từ một trăm năm mươi đến một trăm tám mươi ký. Nếu nói đây là một ý kiến điên rồ, thì đúng là một ý kiến điên rồ thật. Tại sao tôi lại ở đây để chơi cái trò mạo hiểm tuồng chèo này, trong khi lẽ ra bây giờ tôi đang phải ở Paris, New York, Saint Tropez hay Atlantic City để xem xét một cái khách sạn cổ đã làm tôi mất hai trăm năm mươi ngàn dolars. Hay tốt hơn nữa là lẽ ra đang phải ở Jamaique với con trai tôi và Sarah?
- Đến gần rồi đó.
Chúng tôi bay qua Taix và những cao nguyên với những thửa ruộng xếp như bàn cờ. Ở đây đúng là xứ Ả Rập Hạnh Phúc của những Cố Nhân, nhưng mầu sắc nổi bật bây giờ là mầu nâu già của một giải đất, cứ mỗi thế kỷ qua đi, thì lại khô cằn hơn. Flint nghiêng cánh chiếc DC.3 về phía trái, thế là dưới mắt chúng tôi lại hiện ra một vùng núi non thực sự, khô trụi một cách kinh khủng. Đây đó, đội lên những mỏm núi dựng đứng lại hiện ra một cái làng pháo đài, mà những dốc đi lên được bao quanh bởi những thửa ruộng hình chữ nhật bé tý hon. Chỉ thấy lác đác một vài đàn dê. Không có đường sá gì cả. Đúng là thời Trung Cổ, như lời của Laurence II đã nói.
Bây giờ chúng tôi bay theo hướng Bắc - Đông Bắc. Phong cảnh lại càng hoang vu hơn, khô cằn đến mức con người không còn có thể tưởng tượng được nữa. Biên giới với Nam Yémen cũng không xa, trong khi ở bên phải và trước mắt chúng tôi bắt đầu ngả dài sa mạc khủng khiếp Rub Al Khali, một trong những sa mạc, sa mạc nhất trên thế giới.
- Nó đây kìa!
Laurence II ngả người về phía trước, run lên vì kích động, và có lẽ cũng vì những cảm xúc nhớ nhung nữa. Nếu tin vào tiểu sử của gã thì gã đã sống ba mươi năm của cuộc đời gã trong cái xứ man rợ này. Gã chỉ cho thấy một cái làng pháo đài ở cao ngất nghểu trên núi.
Flint cho hạ thấp độ cao. Vị chuyên gia về thả dù mở cửa máy bay và hét lên:
- Nào, làm đi.
Flint lại lên cao. Hai phút sau, chiếc dù trắng của Container thứ nhất xòe rộng ra trên bầu trời Yémen. Nó được theo sau rất nhanh bởi năm chiếc khác. Chúng tôi không phải nhấc các Container lên, chỉ việc đẩy chúng qua cửa máy bay thôi.
- Chuồn thôi.
Ở bên dưới, sáu chiếc Container đã tới đất. Tôi có thể nhìn thấy những người đàn ông đang tiến lại gần một cách thận trọng. Rồi đây họ sẽ mở chúng ra. Lúc đó họ sẽ thấy trong đó chẳng những yêu cầu thương lượng của tôi mà cả sáu trăm lít kem sữa. Không phải bất cứ thứ kem ba vạ nào đâu nhé: Kem mứt, có trộn vani hạt điều, hạt thông, các trái cây ướp khô cùng những cái kẹo rất xinh xẻo bằng sôcôla. Thứ kem mứt ưa thích của Hassan Fezzali. Tôi còn quá cẩn thận đến mức là đặt làm đặc biệt ở cái hãng kem tại Milan mà Hassan có một lần bảo tôi rằng ông ta coi nó như khá nhất trên thế giới.
Bây giờ chỉ còn có chờ đợi nữa thôi.
° ° °
Tôi để Adriano Letta ở lại Sana để chờ một lời phúc đáp nếu có của Al Chaafi đối với yêu cầu thương lượng của tôi. Còn tôi, tôi về thẳng Paris, không qua cả điểm xuất phát của bàn cờ, nghĩa là Le Caire. Tôi đến sân bay Roissy vào sáng ngày 9 tháng 7. Khi được biết về cái vụ lêu lổng mới này của tôi, Marc Lavater giơ cả hai tay lên trời:
- Trước hết là một cái sòng bạc, và bây giờ là kem mứt ở Yémen. Franz, có lẽ cậu phải đi cho một bác sĩ tâm thần khám bệnh thôi.
Chính trong bữa ăn này, trong khi tôi ngốn những tảng thịt còn đỏ lòm (thời gian ở xứ Ả Rập vừa qua đã làm tôi thiếu ăn) thì Marc nói với tôi về Jersey và về những hòn đảo của Anh và Normandie nói chung. Anh ta đã đi nghỉ cuối tuần ở đó, và phong cảnh đã làm anh ta say mê. Vào lúc này thì chuyện ấy làm tôi quan tâm cũng bằng một vụ bệnh dịch, mụn nhọt ở xứ Sénégan, nhưng rồi nghe Lavater nói lải nhải mãi, và cũng để làm vui lòng anh ta, tôi bỗng thốt ra không kìm lại được:
- Ờ thì tại sao không?
Marc nhướn lông mày lên.
- Tại sao không cái gì kia?
- Nếu tôi mua một sòng bạc, một đống sòng bạc, một cái khách sạn, một đống khách sạn, rồi cho chúng lấy nhau và chúng sẽ đẻ ra những đống to lớn nữa các sòng bạc, khách sạn, thì tôi phải cần đến một cái hội để quản lý tất cả. Thì tại sao lại không phải là ở trên những hòn đảo Anh - Normandie?
Đứng về mặt chiến lược, thì địa điểm ấy là hoàn hảo. Và nếu Marc không lầm, mà anh ta không bao giờ lầm trong những lĩnh vực như vậy, nếu cắm được một cái hội ở đó, thì sẽ lợi không biết thế nào mà nói được, về mặt thuế má chẳng hạn. Ở Jersey, thuế lợi tức tối đa chỉ có hai mươi phần trăm một bảng Anh. Chỉ riêng điều đó đã làm phải nghĩ ngợi. Nhưng còn hơn thế nữa kia. Trong số các hòn đảo ở đó, có một hòn được hưởng một chế độ thực sự đặc biệt. Đảo Sark. Nếu anh ở đó, anh được chọn lựa giữa hai dạng thuế: Một là nộp mười phần trăm thu hoạch nếu anh là nhà nông, và hai là, nếu anh không phải là chủ nông, thì mỗi năm đóng góp hai ngày lao động vào những việc làm thích thú như sửa đường chẳng hạn. Và nếu anh không thích bị bận rộn, thì anh lại có thể khước từ cả cái việc làm có vẻ ấy bằng cách nộp ba mươi Shillings, nghĩa là vào khoảng 15 đồng francs Pháp.
- Thế người ta đi đến đó bằng gì, đến Jersey ấy?
Cũng như mọi người thôi, bằng máy bay. Và Marc Lavater đã có lý ít ra là trên một điểm: Thật tuyệt đẹp. Phong cảnh rất nhiều mầu sắc, lại yên tĩnh, lại đầy những khách sạn nhỏ rất ưa nhìn, và những quán rượu Anh tuyệt vời. Chúng tôi về nghỉ ở khách sạn Longueville Mano ở Saint Saviour. Sau khi để thời gian chén một bữa xả láng tôm hùm, một chiếc máy bay nhỏ, trong mười lăm phút đã đưa chúng tôi đến đảo Sark.
Một tiếng sét ái tình. Bởi vì làm sao mà không cảm thấy thế được khi đứng trước, cái ngôi vườn thực sự đặt trên bề mặt này. Ở đó không có một chiếc xe nào đi lại (trừ một vài máy kéo), không có tội phạm bởi vì khoảng năm trăm người dân ở đây cứ thay nhau lần lượt làm cảnh sát, và chỉ có một sự cấm đoán đối với những con chó cái, bởi vì cách đây hơn hai trăm năm mươi năm, một con chó cái đã cắn vào tay của một cô cháu gái cưng của vị Chúa Đảo.
Tôi đã được gặp ông ta, vị Chúa Đảo hiện nay. Nếu nói rằng ông ta nghe tôi nói, thì ông có nghe thật. Thực ra, trong suốt chuyến đi từ Paris đến Jersey, tôi đã có thêm nhiều ý kiến. Tại sao lại không khai thác cho hết mọi khả năng của đảo Sark, về mặt pháp lý?
Quy chế đặc biệt ở đây, cũng như ở tất cả các đảo Anh - Normandie, là do một sự quên sót sinh ra: Trong bản hiệp ước năm 1958 thừa nhận việc các vị vua Anh phải từ bỏ mọi quyền lợi đối với vùng đất công Normandie của Guillaume Nhà Chinh Phục. Do sai lầm, Jersey và Guernesey đã bị bỏ sót không được kể đến. Kết quả là từ thời Trung Cổ đến nay: Các đảo này không thuộc nước Anh nữa, không có đại diện trong Quốc Hội ở Luân Đôn, tự cai trị lấy bởi các pháp quan, và đối với Sark, bởi một vị Chúa Đảo. Bộ dân luật ở đây được sản sinh ra từ những phong tục tập quán của xứ Normandie cũ, có thay đổi chút ít bởi luật pháp Anh: Không có quyền thừa kế, không có thuế phụ thu không có hải quan. Như thế đem lại biết bao nhiêu là khả năng, phải không nào? Người ta có thể thành lập ở đây hoặc là một ngân hàng, hoặc một vùng miễn thuế, hay là cả hai.
Vị Chúa Đảo vẫn nghe tôi nói với một thái độ cực kỳ lịch sự. Chúng tôi đang cùng nhau đi bộ quanh đảo, từ bến cảng nhỏ Maseline đến ngôi làng.
- Muốn thành lập một vùng miễn thuế thì phải cần những gì? Một văn phòng đơn giản là đủ rồi để giữ một cuốn sổ thôi. Người ta sẽ đăng ký các tầu bè, như ở Panama vậy.
- Cho thuê cờ phải không?
- Đúng thế. Và cũng không có gì ngăn cản mỗi người dân của Ngài có thể đứng đầu một trăm hay hai trăm hội. Như vậy mỗi tuần lễ họ chỉ phải bận rộn mất khoảng mười lăm phút đồng hồ thôi.
- Thế có lương thiện không, cái việc làm ấy?
- Tất nhiên rồi, - tôi nói - Và khách hàng sẽ không thiếu đâu, đến mức rồi có thể sẽ rất nhanh chóng giải quyết hết mọi vấn đề về tài chính mà đảo có thể có. Nếu đảo có những vấn đề đó.
- Ai mà không có những vấn đề ấy. Và rồi ông sẽ lo việc tìm kiếm hàng nghìn những ông khách hàng ấy chứ?
Chắc chắn là như thế. Bằng cách mở những văn phòng giao dịch ở Genève, Hong Kong, Oulan Bator hoặc ở bất cứ đâu. Với một số hoa hồng vừa phải, dĩ nhiên rồi. Người ta cũng có thể cho phép thành lập những hội vô danh theo cái kiểu Panama, Curacao hay Lichtenstein. Về mặt pháp lý là có thể được. Vị Chúa Đảo có cái quyền ấy. Và người ta còn có thể mở một vùng miễn thuế, tổ chức còn tốt hơn vùng ở Jersey nữa...
... Tôi nói, nếu tôi không thuyết phục được một vị Chúa Đảo lịch sự một cách rất điềm tĩnh thì ít ra trong vài tiếng đồng hồ, tôi cũng đã quên đi được những lo lắng riêng của tôi. Cứ đi bộ mãi với người đối thoại với tôi, rồi chúng tôi lại trở về điểm xuất phát là dinh thự của vị Chúa Đảo, một tu viện cổ của thế kỷ thứ VI được bảo trì rất tốt. Khi chúng tôi về đến nhà, thì Marc vừa ở trong đó đi ra. Anh đã điện về cho văn phòng ở Paris những chỉ thị cần thiết và cho biết địa chỉ của chúng tôi hiện nay. Một việc làm không vô ích.
- Franz, có điện gọi cậu từ Yémen. Adriano yêu cầu cậu đến gấp.
Hết giờ nghỉ. Tôi đi ngay tức khắc.
giavui
05-26-2020, 03:53 PM
CHƯƠNG 5
Adriano Letta chờ tôi ở phi trường tại Sana. Ngay sau khi chúng tôi vừa đi ra ngoài tầm nghe của những cái tai hay thóc mách, thì những lời nói đầu tiên của anh ta là:
- Họ đã tiếp xúc rồi, ông Cimballi.
Chỉ mới chưa đầy bốn mươi tiếng đồng hồ trước đây thôi. Trong bức thơ gởi cho Al Chaafi, kèm theo với sáu trăm lít kem mứt, tôi có ghi rõ tên của Adriano và địa chỉ của anh ta ở khách sạn Sana gần cửa Babel, Yémen. Chúng tôi nghĩ rằng sự việc chắc sẽ phải kéo dài một chút. Việc thả dù xuống cái làng pháo đài ấy là vào ngày 7 tháng 7, chúng tôi cho rằng ít ra cũng phải chờ từ tám đến mười ngày mới có thể ghi nhận được một phản ứng nào đó. Thế mà chỉ mới có năm ngày thì đã...
- Hôm ấy tôi đang ra ngoài phố, tôi vừa ở trong khách sạn đi ra. Chúng có ba người, tất cả đều võ trang. Chúng vây quanh tôi, và không nói một lờí nào đẩy tôi dần dần vào trong một ngôi nhà. Chúng nói: “Cimballi, người ta muốn nói chuyện với hắn kia “.
Cuối cùng Adriano phải hẹn một cuộc gặp gỡ cho tôi. Nhưng anh ta nói là rất lo ngại. Anh ta đã thuê một số bảo vệ...
- Nguy hiểm, ông Cimballi ạ. Thực sự nguy hiểm. Chúng không muốn hẹn gặp trong thành phố. Mà nếu đi ra khỏi Sana, thì mọi sự đều có thể xảy đến cho ông.
- Thế nghĩa là hẹn gặp ở ngoài thành phố à?
Lại còn gay go hơn thế nữa kia: Tôi phải gặp những người đến thương thuyết ở Marib Fata.
- Chưa nghe nói đến cái tên này bao giờ.
Adriano giải thích cho tôi:
- Đó là đất nước của Nữ Hoàng Saba.
° ° °
Một phong cảnh ở mặt trăng, một vùng đồng bằng mầu nâu già, nứt nẻ, xói rãnh, đây đó cắm một ngọn núi tí hon, trông mênh mông đến tận chân trời, chỉ thấy những tảng đá cũng mầu nâu hay mầu đen, tưởng như vừa bắn ra một vụ nổ nào, ánh nắng chiều làm cho nổi bật lên và như đang sống dậy. Bây giờ, khi mà các động cơ đã câm tiếng, sự im lặng càng đè nặng nề đến ngộp thở, và làm hai tai tôi ù lên.
Marib Fata, một thành phố ma, đất nước của Nữ Hoàng Saba đang ở trước mặt tôi, cách khoảng bảy, tám trăm mét với những ngôi nhà hình chữ nhật trên những mỏm đồi đen nối tiếp nhau. Có những nhà có lẽ ở cao đến hơn năm mươi thước, Tôi nhìn rõ thấy mạng lưới những viên gạch đất sét, những cửa sổ lỗ châu mai, khung cửa viền trắng theo kiểu địa phương.
- Đến giờ rồi đấy. Xin chúc ông may mắn!
Tại sao anh ta cần phải thì thầm như vậy nhỉ? Anh ta làm tôi rợn tóc gáy lên. Tôi đi bộ vài bước để tới cái nhà nhỏ, và mỗi bước đi lại làm tăng thêm trong tôi sự chắc chắn là tôi đã xử sự như một con lừa. Nhất là ở trước mặt tôi, trong cái thành phố hoang vắng, không thấy có gì động đậy, không thấy có xảy ra cái gì, không nghe một tiếng động nào. Trong trường hợp tốt nhất là người ta chỉ định đánh lừa tôi và không đến nơi hẹn mà thôi... Đây, bây giờ, tôi đã đến căn nhà đó rồi. Tôi đi quanh nhà một cách không phải không ngần ngại, và lúc nào cũng chờ đợi để nghe tiếng rít lên của cây mã tấu chặt đầu tôi. Tôi ghé mắt nhìn vào trong nhà: Hôi rình mùi dê đực. Nhưng ngoài ra, nhà rỗng không như một cái đầu trọc vậy.
Ngay trong giây phút tôi từ trong nhà bước ra ngoài, thì tiếng động vang đến. Không còn nghi ngờ gì nữa: “Người ta" đến. Và đến từ thành phố của Nữ hoàng Saba.
Ba chiếc môtô: Chiếc thứ nhất là một loại hay thấy ở Florida có tay lái, trông hết sức quấy. Lái chiếc xe này là một người trẻ vào cỡ tuổi tôi, tóc tai lởm chởm, cả cái mặt gần như bị ăn hết bởi một cặp kính đen bự hết cỡ có gọng mầu hồng. Anh ta mặc một cái quần lụa vàng, một cái blouson bằng da đen có hình một con ó ở lưng và những băng bằng lông tổng hợp mầu xanh cổ vịt rực rỡ ở chân, những đôi dép bằng da nâu. Ở ghế sau, ngồi vắt vẻo một người mà tôi đoán là bồ của anh ta, có điều là không nhìn thấy gì nhiều ở cô ta: Ngoài một cái áo khoác bằng nhung đen che kín cổ xuống đến chân, cô còn đeo một cái mạng mầu hồng chỉ cho thấy thấp thoáng một đôi mắt bôi phấn quá quắt.
Chiếc môtô dừng lại cách tôi hai thước. Gã con trai cười:
- Người ta đến đúng giờ đấy chứ, phải không?
- Anh không phải là Al Chaafi.
- Con ông ta.
Tôi nhìn những người lái hai chiếc môtô kia. Họ cũng không nhiều tuổi hơn là người đối thoại với tôi. Cả hai đều được võ trang bằng các súng tự động Tầu và Liên Xô, nhưng đeo ở lưng một cách vô tâm. Tuy vậy có một cái gì đó cho tôi thấy rằng không cần phải mất nhiều thời gian lắm để họ biến được ngay thành những tay thiện xạ cừ khôi.
- Hassan Fezzali đâu?
Một cử chỉ mơ hồ.
- Đức Allah biết.
Gã trẻ tuổì này muốn chọc quê tôi đây. Tôi nói:
- Trước tất cả mọi chuyện, tôi muốn có bằng chứng là ông ta còn sống.
Bàn tay đeo găng da thọc vào túi áo blouson rút ra những tấm ảnh mầu Polaroid. Tôi cầm xem và phải khó khăn lắm mới kìm được không cười: Trong ảnh thấy rõ Hassan đang ngốn món kem mứt của tôi.
- Các anh được thuê bao nhiêu tiền để canh giữ ông ta.
Lưỡng lự một chút.
- Năm nghìn rial.
- Mỗi tháng?
- Phải.
Nghĩa là hơn năm mươi ngàn francs Pháp một chút. Với một dolars ăn bốn, năm mươi thì là mười một ngàn dolars. Hoàng thân Aziz phải đóng mỗi tháng hai trăm ngàn đô.
- Những người giao cho các anh canh giữ Fezzali đã bóc lột các anh đấy. Họ được lĩnh tiền gấp ba lần hơn các anh kia mà.
Tôi cố ý rút bớt những con số đi. Trước hết là để xác định cái mức độ chính xác của sự liên hệ giữa bọn bẳt cóc Hassan và bọn canh giữ anh ta, sau nữa là để lúc trả giá khỏi bị nâng lên một cách vô ích. Sự lập luận của tôi rất đơn giản: Nếu gã con trai này không biết chính xác số tiền chuộc thì có nghĩa là giả thuyết xuất phát của tôi là đúng: Al Chaafi và dân làng của hắn chỉ đóng những vai trò phụ thôi. Và tôi có thể thương thuyết dễ dàng hơn.
Gã con trai chau mày và chỉ nói:
- Ba lần hơn à?
- Ba lần. Chúng ăn cắp của các anh đấy. Thế mà chính các anh lại phải lãnh tất cả mọi nguy hiểm. Nhất là bây giờ chúng tôi đã biết Fezzali bị giam giữ ở đâu và ai giam giữ.
- Làm sao anh biết được?
- Tôi đi hỏi một cô thầy bói.
Gã ngồi xe môtô nói:
- Mười triệu dolars.
Tôi cười gằn. Sau đó là một tiếng rưỡi đồng hồ tranh cãi làm cho tôi được biết thêm là bố Al Chaafi đã chết từ ba năm nay rồi. Như vậy có nghĩa là những nguồn tin của Laurence II đã hơi “quá đát” mất rồi.
- Tôi trả cho anh một năm tiền trọ của ông Hassan, thế thôi, không hơn không kém.
- Năm triệu.
- Ông Hassan Fezzali không còn trẻ trung gì nữa. Việc giam giữ ông ta lâu ngày như thế...
- Ông ta rất khỏe
- Nếu không kể đến những ngón tay mà các người đã cắt mất của ông ta.
- Không phải tôi cắt, mà là cậu tôi. Và ông cậu ấy cũng đã chết cách nay bảy, tám tháng rồi. Ba triệu.
- Ông Fezzali đã già lại bệnh nữa. Nếu ông chết, thì các anh chẳng được gì hết. Ngoài cái việc là quân đội Saudi sẽ đến đây để chặt các anh ra thành từng lát mỏng.
- Năm trăm ngàn.
Cuối cùng chúng tôi đi đến chỗ thỏa thuận là bốn trăm năm mươi ngàn dolars, bằng tiền mặt. Tôi tưởng cuộc trả giá thế là đã xong...
- Chưa phải là tất cả, ông Cimbaili.
Và anh ta giáng xuống đầu tôi điều kiện cuối cùng. Tôi nhìn anh ta kinh ngạc: Cái thằng cha này có ăn nói đứng đắn hay không đây?
- Tùy ông ưng hay không ưng! Tiền là của tôi. Còn cái kia là cho dân làng. Nếu không thế thì không bao giờ họ chịu thả ông bạn của ông ra đâu.
Tôi nói đồng ý. Chúng tôi bắt tay nhau. Hắn và các bạn của hắn lên xe. Họ biến vào trong nơi ở cũ của Nữ hoàng Saba. Tôi trở về với Adriano Letta. Trông cái vẻ mặt lo lắng của anh ta, tôi không sao nhịn được, phải cười lăn cười bò ra.
- Một cái gì kia? - Marc Lavater hỏi tôi.
- Một nhà máy làm kem mứt. Đó là điều kiện Sine quanon (tiên quyết). Mà họ muốn là làm ngay trong làng họ và chỉ để sử dụng riêng cho họ thôi. Họ rất mê cái món kem mứt ấy của tôi. Trừ những hạt điều. Họ không thích hạt điều. Họ thích hạt hạnh nhân kia.
° ° °
Chúng tôi không để chậm trễ một giây đồng hồ nào. Từ Sana, Adriano đã lao thẳng về Milan để đi săn lùng. Vào cuối buổi sáng ngày 16 tháng bẩy anh gọi điện, cho tôi. Xong rồi, anh ta đã tìm thấy những trang thiết bị cần thiết, kế cả một cái máy phát điện chạy bằng dầu lửa nữa cũng cần không kém. Một chiếc máy bay vận tải ngay chiều hôm đó sẽ chở tất cả sang Yémen.
Trong suốt ngày 19, chiếc máy bay lên thẳng mà tôi bắt buộc phải thuê đã bay đi bay lại không ngừng. Đến giữa buổi chiều cùng ngày, thì “nhà máy“ - thực ra tất cả thiết bị chỉ nằm gọn trong một gian phòng - được lắp đặt xong. Hai tiếng đồng hồ sau, thì những chiếc kem mứt đầu tiên được xuất xưởng. Adriano và người thợ lắp máy tức khắc rút lui ngay và báo tin cho tôi biết bằng radio. Chính tôi cũng đang ở cách đó năm mươi cây số về phía đông bắc Sana, cùng với đội quân bảo vệ của tôi, người nào người nấy phịa ra vì nhai lá “qat”. Họ đến bằng xe tải. Riêng phần tôi, tôi dùng thêm một chiếc máy bay lên thẳng thứ hai nữa, trên đó tôi để số tiền bốn trăm năm mươi ngàn dolars để Marc và Người Anglais canh giữ.
Hai mươi phút sau, ba chiếc môtô xuất hiện ở phía chân trời. Và lần này, ở đệm sau của chiếc môtô đi đầu, không phải là một phụ nữ Yémen nữa, mà là Hassan Fezzali.
Thế là được rồi.
Và những lời đầu tiên của anh bạn Bédouim của lòng tôi, mặc dù lúc đó đã quá mệt mỏi là:
- Mình không ngạc nhiên gì điều đó ở cậu. Cậu đã nhầm phố ở Milan, cái nhà làm kem mứt ngon nhất ở khu Crescenzago kia!
° ° °
Ở Le Caire, vào ngày 20, chúng tôi nhảy từ một máy bay này sang máy bay khác. Chúng tôi lao về Luân Đôn để đi tiếp đến Jersey. Tôi đã cho giữ hai dãy buồng ở khách sạn Longueville Manor.
- Tại sao lại đi Jersey?
Hassan hỏi thế, nhưng thực ra anh ta phải chịu để kéo đi vì không còn đủ sức để cự nự được nữa. Hỏi thế rồi ngủ luôn. Không còn cố gắng được nữa. Anh ta gầy rộc đi kinh khủng, và chẳng còn chịu đựng được bao lâu nữa. Những bác sĩ, theo yêu cầu của tôi, đã thăm khám cho anh ta ngay tại sân bay Heathrow ở Luân Đôn, nói cho tôi yên tâm rằng anh ta cần nhất là được nghỉ ngơi. Trong điều kiện ấy thì tại sao lại không đi Jersey. Với lại, tôi chưa báo tin cho Aziz biết. Để chính Hassan sẽ làm việc ấy. Tôi nghĩ rằng thế nào cũng có một vài món nợ nghiêm trọng phải thanh toán ở Riad hay ở đâu đó, và tôi không muốn dính líu một tí nào vào đấy. Một lần nữa, việc quyết định phải xử sự thế nào là thuộc về chính bản thân Fezzali phải định đoạt sau khi anh ta đã phục hồi sức khỏe.
Còn tôi, tôi không chậm trễ được. Tôi không còn thì giờ nữa. Sự chọn lựa cái khách sạn ở Atlantic City vừa hết hạn vào ngày 21 tháng 7. Và cũng đúng trong ngày 21 tháng 7 vào 9 giờ 15 phút sáng, giờ địa phương, tôi hạ cánh xuống New York. Khá mệt, nhưng nói chung tự thấy rất bằng lòng mình. Sarah muốn tôi ra khỏi giấc ngủ li bì ở Jamaique phải không. Thì đó, ra rồi đấy. Thêm nữa, ngoài sự thành thật vui thích đã giúp đỡ được một người bạn già, từ nay tôi còn có thêm cái khả năng là thu hồi lại được số tiền mười triệu của tôi bị chết cứng ở Vaduz từ mười tám tháng hay về những phí tổn khá bộn của tôi trong mấy tuần lễ nay, tôi không phải lo. Hassan sẽ hoàn lại cho tôi. Anh ta có khả năng, và nếu cần, thì đã có Aziz can thiệp vào.
Một việc đã kết thúc, một việc khác bắt đầu. Mà nếu vào đúng giai đoạn lịch sử này, có ai hỏi tôi giữa hai việc ấy có thể có mối liên hệ nào không, thì chắc chắn tôi sẽ trả lời rằng: “Không có“.
giavui
05-26-2020, 03:53 PM
CHƯƠNG 6
Nhưng chúng ta hãy trở lại việc cơ bản đã.
Đến hôm nay là đúng hai mươi bảy ngày, Jo Lupino gọi điện báo cho tôi biết, theo cách nói của anh ta là anh đã “tìm được cho tôi một cái gì đó”, tức là một chỗ để có thể xây dựng mới hay sửa sang lại một sòng bạc cũ. Tôi hỏi anh ta “ở Vegas à?” Anh trả lời “Không, ở Atlantic City”. Lúc đó tôi hơi thất vọng. Tôi giống như người chờ đợi thử rượu ngon Dom Périquon, lại được đề nghị cho uống Coca Cola thay vào đấy. Nói cách khác, là tôi không cảm thấy đối với cái khách sạn cổ ở bờ bể đó một chút phấn khởi mê say nào.
- Thế bây giờ cậu nghĩ thế nào?
- Úi!
Lupino bật cười.
- Dù sao, cậu cũng phải có một quyết định sớm đi. Những người bán chờ chúng ta vào năm giờ chiều hôm nay. Cậu có thể trả lời họ đồng ý hay không đồng ý, nhưng cậu bắt buộc phải trả lời.
Anh ta đến đón tôi ở phi trường Kennedy, Cả Philip Vandenbergh và Jimmy Rosen cũng chờ tôi ở đó. Một chiếc máy bay du lịch đã đưa chúng tôi lượn trên vịnh New York và Sandy Hook, rồi đi dọc theo bờ biển New Jersey. Lúc đó chưa đến mười giờ rưỡi sáng, chúng tôi đã từ sân bay Pomona của Atlantic City lên đường. Bây giờ chúng tôi đang đi vào thành phố.
Một người Pháp hay một người Anh thì tưởng đây là Deauville, vì những khách sạn lớn ở dọc theo bờ biển, vì những tấm ván ở trên con đường đi dạo chơi mà người ta gọi là Boardwalk, rộng mười tám thước và trải dài trên gần mười lăm cây số. Nhưng sự so sánh không đi xa hơn nữa. Atlantic City đã có cái thời vinh quang của nó vào đầu thế kỷ này và trong những năm 20 hay 30. Sau đó, thời gian đã trôi qua đi, và cả thị hiếu nữa. Cái thành phố nhỏ khoảng năm mươi ngàn dân này lại chìm vào trong giấc ngủ li bì và sự hoang vắng. Có lẽ cũng gần ba năm nay tôi nhớ đã có lần nói về Atlantic City với Jimmy Rosen. Lúc đó, tôi chưa bị ngập vào trong cái dịch vụ lớn về cà phê suýt nữa thì làm tôi phải trả giá đắt. Tôi đang đi tìm chỗ đầu tư vốn - Có người trong một chuyến máy bay đã - theo lời anh ta - chuồn cho tôi một ống tuyau: “Người ta sắp cho phép mở cờ bạc ở Atlantic City, và khi nào chuyện đó xảy ra, thì bất cứ một cái lều đổ nát nào, chỉ ngày trước ngày sau, giá sẽ đắt gấp một nghìn lần hơn”. Tôi có nói lại câu chuyện này với Rosen. Anh ta nhún vai, và với cái dáng điệu buồn bã cố hữu của anh bảo tôi: “Franz, cờ bạc ở City là câu chuyện Cô Gái Arlésienne đấy”. Anh ta nói tiếng Pháp tồi tệ một cách kinh khủng nhưng lại chịu khó đọc, và anh ta giải thích cho tôi hiểu câu ví von của anh: “Gia tài của anh, gia tài của Bang Nevada, từ gần một nửa thế kỷ nay, là trông vào hai công nghiệp chính: Trước hết là các vụ ly hôn (Chính ở Nevada người ta đã ranh mãnh sáng chế ra cái lý do “độc ác tinh thần” để biện bạch cho các vụ từ hôn). Và sau nữa nhất là cờ bạc - Cờ bạc được phép mở ở Nevada vào năm 1931 - Từ ngày đó đến giờ không có một bang nào khác ở Mỹ noi theo gương của Nevada. Có nghĩa là Ủy Ban Cờ Bạc đã chiếm giữ, trên một đất nước hai trăm ba mươi triệu dân, những đặc quyền đặc lợi quá trời. “Bây giờ cậu muốn người ta chia sẻ đi những quyền lợi ấy à? Cái bọn cờ bạc ở Nevada ấy mạnh thế lắm, họ lại không thiếu tiền bạc, họ sẽ làm tất cả mọi chuyện đế giữ độc quyền". Đã từ lâu người ta nói đến việc cho phép mở sòng bạc ở Atlantic City, người ta nói từ trước khi tôi đẻ kia, cũng như người ta nói đến Miami, hay Poconno Moutains cách một trăm cây số về phía đông New York. Cứ nói thế thôi, nhưng chẳng có cóc khô gì cả, giống như Cô Gái Arlésienne ấy. Và chuyện này rồi sẽ còn kéo dài cả trăm năm nữa.
Rosen không phải là người hay lầm lẫn. Theo chỗ tôi biết, thì đây là lần duy nhất anh ta lầm lẫn. Thực ra anh ta đã đánh giá thấp một yếu tố cơ bản - Sự sa sút của thành phố New York, và kéo theo là sự sa sút của Bang New Jersey - và vì thế rất cần phải có những nguồn thu nhập ngoài ngân sách
Sự kiện đã xảy ra khi tôi còn đang ngập đến cổ trong cái vụ cà phê của tôi làm tôi không chú ý đến lắm. Người ta đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu mới ở New Jersey về việc có cho phép mở cờ bạc không. Tất nhiên, những người tán thành việc không cho phép đã thắng thế, nhưng chỉ hơn một hay hai phiếu thôi. Thế là cái bọn Ủy Ban Cờ Bạc ở Nevada đã nhộn nhạo hẳn lên, họ lập tức thay đổi thế trận, nhưng cũng đành phải chấp nhận sự tất yếu không thể tránh được, những nhân vật của Vegas và Reno đã vội vã đáp máy bay sang bờ bể Đại Tây Dương.
Hậu quả lôgích là một sự lên giá đột ngột dễ sợ về nhà cửa, làm cho người ta đòi tôi đến ba mươi triệu một cái khách sạn, mà ba năm trước tôi có thể mua với cái giá rẻ hơn gấp cả trăm lần. Tôi chỉ có thể trách chính tôi mà thôi. Thực ra, bốn hay năm năm trước đây, khi tôi thực hiện vụ đầu cơ mà lúc đó tôi gọi là “Vành Đai Nắng”, tôi cũng không làm gì khác hơn là những người bán cho tôi bây giờ. Lúc đó tôi cũng mua rẻ thối ra cả hàng dãy phố một, để chỉ sau đó ít lâu bán với giá rất cao, khi thị trường nhà cửa ở Mỹ phục hồi được sức khỏe. Vì vậy tôi không thể trách ai khác được, vả lại tôi cũng không nghĩ đến việc oán trách đó.
- Hãy nói cho mình biết về những người bán đi Jo.
—Tôi vừa nói với cậu rồi: Cuộc hẹn là vào chiều nay, lúc năm giờ. Chắc là cậu sẽ phải đối đầu với một tên Schimmel nào đó và một hay hai cố vấn của hắn.
Trước đó, tôi đã dùng điện thoại ở Riad trong xứ Ả Rập Saudi để yêu cầu không những Jo Lupino mà cả Rosen và Vandenberg nữa làm cho tôi một hồ sơ về cái khách sạn mà người ta định bán cho tôi. Mười lăm ngày sau, tôi đã nhận được cả ba tập hồ sơ. Tôi cũng đã có đọc qua nhưng không tập trung tư tưởng lắm: Lúc đó tôi đang phải lo về món kem mứt.
° ° °
Trên máy bay giữa Jersey, Luân Đôn và New York, tôi có đọc lại tất cả. Cả ba cố vấn của tôi tuy rằng làm việc riêng rẽ nhau, nhưng cũng đều đi đến hai kết luận chung: Áp phe này tốt, dù phải trả đến ba mươi triệu. Cái gã Schimmel nào đó chỉ là một người cho mượn tên của một Gia Đình ở New York mà tôi có thể chỉ đích danh ở đây là bọn Caltani.
- Bọn Caltani có dự cuộc họp mặt chiều nay không?
- Chẳc chắn là không.
Trong chiếc xe hơi mà anh ta cầm lái, Lupino đã hãm máy điều hòa nhiệt độ lại và hạ kính xuống, làm không khí ấm áp từ ngoài tràn vào có mùi vị của muối bể.
- Cái tên Schimmel này và đằng sau hắn - bọn Caltani - có biết tôi mua cái khách sạn ấy để làm gì không?
- Có, chắc chắn, là chúng có biết anh định làm gì. Vào thời điểm này, ai mua một cái gì ở City cũng là dự định để làm sòng bạc, to hay nhỏ.
- Thế tại sao một áp phe tốt như vậy mà họ lại không giữ lấy mà làm? Tại sao họ lại không mở sòng bạc?
Rosen, ngồi ở ghế sau trả lời lên cho tôi
- Vì họ cần tiền. Họ, đây là tôi nói bọn Caltani ấy, chứ không phải nói về cái thằng hình nhân của họ, cũng đang xây dựng một sòng bạc rồi. Họ đã đầu tư vào đấy hay là sắp sửa đầu tư gần một trăm triệu dolars, kèm theo một số vay ngân hàng nữa. Họ không có khả năng tiến hành trong cùng một lúc cả hai áp phe, nhất là với quy mô ấy. Mặc dầu là hai ngôi nhà, cái mà họ định bán cho anh, và cái mà họ đang tân trang lại, nằm sát cạnh nhau. Có lẽ lúc đầu họ cũng tính đến chuyện làm đồng thời cả hai vụ hợp nhất thành một sòng bạc thôi. Nhưng miếng mồi to quá họ không thể nuốt hết được đành phải khạc ra một phần.
Trong cái kính chiếu hậu ở đằng trước mặt tôi, tôi tìm đôi mắt của Vandenberg. Anh ta đồng ý và nói:
- Tôi cũng trả lời thế.
Từ khi rời khỏi phi trường Kennedy đến giờ anh ta không nói một câu nào. Có lẽ anh cảm thấy bị chạm tự ái khi biết rằng viêc nghiên cứu vụ mua bán không phải tôi chỉ yêu cầu có một mình anh, mà cả hai luật sư kia nữa, mà không nói gì cho anh hay.
- Thế còn Jo?
Lupino cười:
- Tôi cũng không nói gì hay hơn.
Anh cho xe đi chậm lại. Đã từ mấy phút rồi, chúng tôi đi dọc theo một đại lộ dài, được bao bên trái bởi những khách sạn mà mặt tiền mở ra phía biển, và bên phải bởi chính thành phố, hay là cái gì giống như một thành phố nghĩa là một sự nối tiếp nhau của những bãi đất hoang và những nhà cửa rất cọc cạch, cảm giác chung là của một công trường mở ra tứ phía, nhưng không có một quy hoạch chủ đạo nào. Chỗ này là một khách sạn hay một hàng ăn đang được sửa chữa lại với một đám thợ đông như kiến, chỗ kia là một cái quán cóc bán dồi nóng và bánh sandwich. Cứ đều đều nghe những tiếng nổ báo hiệu sự giết chết một tòa nhà đã bị kết án, và đập nát đi để giải phóng đất. Lupino đánh xe vào một bãi đậu được bao bởi một hàng rào sắt gỉ, ở cửa ra vào có một lão da đen già ngồi vừa gẩy cây đàn banjo vừa canh gác một cách uể oải.
- Và chúng ta đến rồi đó. Franz, cái ở đằng sau cậu, là “Con Voi Trắng” của cậu đấy.
Ở Mỹ người ta gọi là White Elephant 1 Con Voi Trắng, những khách sạn xây dựng vào cái thời từ những năm cuối của thế kỷ trước đến cuộc đại khủng hoảng năm 29. Tất cả đều là những nhà cửa khổng lồ, thường thường có đến hàng trăm buồng với những hành lang và những phòng khách đủ rộng rãi để có thể tổ chức những cuộc đua ôtô lấy giải ở đấy mà không có vấn đề gì. Sự diễn biến của những tập quán du lịch đã làm cho chúng trở thành những nhà mồ mênh mông, với một lãi suất buồn cười, nếu không muốn nói là hằng số không. Cũng không phải chuyện này chỉ xảy ra ở Mỹ thôi. Tôi đã thấy ở Âu Châu và ở nhiều nơi khác nữa những loại khách sạn như thế. Trong vòng mười lăm năm qua một số đã được san bằng một cách không thương tiếc đế lấy chỗ cho những khách sạn hiện đại hơn, bố trí tốt hơn. Nhưng không phải bao giờ cũng dễ dàng như thế. Ở trên chính quyền thượng cấp, người ta lại có khi nghĩ rằng: Những con quái vật khổng lồ, có cái mặt tiền dị dạng, một kiến trúc hao hao giống của thời kỳ Nữ Hoàng Victoria và trông như một cái bánh cưới ấy, là thuộc về di sản của nền kiến trúc Mỹ, chúng được xếp vào loại Landmark, có nghĩa là muốn cải tạo nó, thì phải nhất thiết tôn trọng kiến thức nguyên thủy và nhất là không được thay đổi một tý gì ở mặt tiền.
- Thế cái của nợ này cũng ở vào trường hợp ấy chứ?
- Thực tế là như thế.
Bây giờ chúng tôi đang đứng trên con đường dạo chơi lát ván nổi tiếng, và tất nhiên là lớn hơn ở Deauville. Đại Tây Dương ở sau lưng chúng tôi đang trải dài những ngọn sóng mầu xám xịt, và bầu trời trên đầu chúng tôi, cũng không có một màu sắc nào sáng sủa hơn: Nó đang cau mặt và vần vũ nhưng đám mây thấp lè tè. Thêm nữa, một làn gió lành lạnh thỉnh thoảng lại thổi qua, nhưng cũng không làm nản lòng những người đang tắm trên một bãi bể được ngăn ra từng quãng bởi những con đê chắn sóng. Đúng là không thể nào so sánh với Las Vegas được: Cái không khí nóng và khô ở đó, sự có mặt của sa mạc bao quanh thành phố có một sức quyến rũ kỳ lạ. Còn ở đây, không khí cũng nhẹ nhõm vui vẻ như sân một nhà tù Pháp, một buổi sáng có máy chém. Tôi biết rằng nói thế cũng có cường điệu thật, nhưng bởi vì tôi quá thấm mệt bởi chuyến đi bằng máy bay vừa qua đã đưa tôi từ Yemen đến đây, gần như không có một phút nghỉ ngơi nào.
Tôi ngắm cái khách sạn “của tôi”. Không phải là một tiếng sét ái tình tồi. Nếu gọi nó là một Con Voi Trắng, thì đúng là một con voi trắng thật.
- Bao nhiêu buồng?
- Ngót nghét bốn trăm năm mươi.
- Thế còn tổng diện tích.
- Vào khoảng năm acres Anh.
Nghĩa là độ hai hecta. Dù sao cũng là quá to rồi. Căn nhà không chiếm hết mảnh đất: Nó được xây theo hình chữ u, mở ra phía biển. Dãy nhà ở cuối, đáy của chữ u thì hình chữ nhật, với 12 tầng lầu, và khá trơ trụi. Ngược lại, ở hai cánh hai bên, thì các kiến trúc sư đã để cho trí tưởng tượng của họ tha hồ hoạt động: Trông nó giông giống như những cánh cửa viện bảo tàng Le louvre ở Paris nhìn từ khải hoàn môn Caroussel, nhưng tất nhiên cũng còn khác xa và như nhìn trong một ngày sương mù dầy đặc vậy. Khác ở chỗ người ta lại còn nối dài nó ra bởi những căn nhà thấp lè tè, chỉ có hai tầng lầu, mái bằng, các cửa kính lớn thì trang trí bằng những dây hoa kết, ngày xưa có lẽ sơn mầu xanh thẫm, nhưng bây giờ đã bị gió bể làm cho phai đi. Ở sân trong, hình chữ nhật, giữa lòng chữ u có một cái bể bơi.
Jo Lupino nói rõ thêm:
- Ở trên mái, dưới vòm kính còn một cái bể bơi thứ hai nữa.
- Tiếc rằng mình lại không mang quần áo tắm đi theo.
- Cậu mà nhảy xuống đó thì sẽ vỡ đầu: Không có nước.
Lupino vẫn cứ tiếp tục tỏ ra vui vẻ một cách làm tôi muốn điên người lên được. Tôi lùi lại một chút để tiến lên chiếc cầu đi vào khách sạn. Ở đây tôi nhìn rõ hơn được toàn cảnh. Thế tôi sẽ phải mua cái đồ bỏ này với giá ba mươi triệu dolars ư?
- Thế còn cái khách sạn kia đâu? Cái mà Schimmel và bọn Caltani giữ lại cho chúng ấy?
- Cái ở bên phải.
Tôi ngắm nó: Nó giống như một người anh em của cái này. Có bé hơn một chút thật, nhưng cũng trong một tình trạng buồn bã không kém. Việc cải tạo mấy cái di tích đổ nát này cho thành những sòng bạc hiện đại như ở Las Vegas, chắc chắn sẽ ngốn vào đây hàng trăm triệu dolars là ít. Tôi đào đâu ra số tiền ấy? Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi đang dấn thân - Nếu tôi định như thế - Vào một công việc quá bự ở đây.
- Thế còn cái bên trái kia là của ai?
Jimmy Rosen cho tôi biết tên của một công ty điện ảnh, nhiều năm trước đây đã đầu tư vào một trong những khách sạn - sòng bạc lớn nhất ở Vegas, và đã thu được những số lãi có thể bít được cả những lỗ hổng thất thu của các cuốn phim. Rồi trên đà ấy, Rosen còn kể cho tôi nghe một loạt tên của những công ty đang chiếm giữ vị trí ở City: Những Caesars, Hilton, M.G.M, Playboy, Saud và nhiều tên khác nữa. Có nghĩa là tất cả Vegas, không bỏ Nevada nhưng đang chạy đua đi chiếm đất trên Boardwalk. Mà nếu tất cả những cỡ bự đó mà đã quyết định đến cắm ở đây, thì không phải là không có lý do. Suy cho cùng, tôi sẽ không phải đơn độc. Mặc dầu có cái bầu trời xám xịt, cái bể xám xịt, cái gió lạnh lẽo ấy, mặc dù cảnh trí khác hẳn cái mà tôi mơ ước, nhưng lần đầu tiên, tôi cảm thấy một cơn sốt, cơn sốt thực sự vẫn chiếm cứ lấy tôi vào những dịp làm ăn lớn. Tôi cười với Lupino:
- Cái đồ mỳ ống thối này, đúng là cậu đã mò được cho mình một cái gì đáng giá đấy.
Tôi đưa mắt nhìn lên những cây số của con đường dạo chơi, theo dõi mấy cái xe ghế mây có bánh đẩy hay gắn máy đang đi lại trên những tấm ván. Nếu có thêm được một chút nắng nữa, thì thật cũng không đến nỗi nào.
Có lẽ đúng vào lúc đó, tuy chính tôi còn chưa biết, tôi đã quyết định mua Con Voi Trắng. Và cũng xin nói rằng tôi cũng đã quyết định giữ nguyên cái tên này cho nó.
--------------------------------
1 Bằng tiếng Anh trong nguyên bản.
giavui
05-26-2020, 03:54 PM
CHƯƠNG 7
Lịch sử của khách sạn mà tôi sắp mua, do Rosen kể lại cũng không có gì đặc biệt. Để không đi ngược lên quá xa, chỉ cần biết là từ 1964, nó là của một người tên là Marc Atcer, tay này bị lỗ mất khá nhiều tiền nên vào năm 64 đã bán lại cho một tay khác tên là Raumer, làm nghề buôn bán xúc xích ở New York. Lão này thạo về nghề khách sạn có lẽ cũng gần bằng tôi thạo về tuồng cổ Nhật Bản, nhưng lão là một gã hâm hâm hiền lành, không chạy theo lỗ lãi, chỉ thích có một việc là thỉnh thoảng lại tổ chức ở khách sạn những cuộc liên hoan để khoản đãi những bồ bịch già của lão từ Manhattan tới uống bia. Lão cầm cự như thế được vài năm. Cố gắng thăng bằng thu chi, lấy số tiền lãi ở các quán bia nhỏ của lão ở New York để bù vào số lỗ ở Atlantic City. Thế rồi lão bỗng bị quỷ ám, xà ngay vào tay một con yêu tinh có vẻ âu yếm lắm thu hút hết hồn vía: Lão tung hê tất cả mọi chuyện và đi theo nó ra nghỉ mát tắm nắng ở Vịnh Con Heo, quên luôn cả nộp trả góp cho ngân hàng số tiền lão vay để mua khách sạn. Lão bị ngân hàng nhắc nhở mấy lần, nhưng rồi đến tháng Giêng năm 75 thì lão im re luôn không trả lời. Lý do: Lão đã chết. Thế là nhóm Schimmel - Caltani mua lại tất cả vào mùa xuân năm 1975, tức là một năm trước khi có việc bỏ phiếu cho phép tổ chức cờ bạc ở New Jersey.
- Franz, rõ ràng là bọn Caltani đã mua cái khách sạn đó, bởi vì biết là sớm hay muộn gì thì rồi cờ bạc cũng sẽ được chấp nhận ở đây. Cũng không thể trách họ được, và anh chắc cũng sẽ làm như họ nếu anh có thể làm được. Tất nhiên là khá bực mình khi nghĩ rằng bọn này sắp bán cho chúng ta ba mươi triệu dolars một cái mà mới cách đây có mười bốn tháng họ chỉ phải trả chừng sáu đến tám trăm ngàn dolars là hết mức. Nhưng đó là luật chơi.
Lúc đó là vào năm giờ rưỡi chiều ngày 21 tháng 7. Schimmel ngồi trước mặt tôi. Tất nhiên là tôi đã có quyết định, nghĩa là tôi sẵn sàng xác nhận việc tôi muốn mua cái khách sạn đó. Nhưng tôi yêu cầu gia hạn thêm một thời gian nữa, lần này là một tháng, dù có phải cược thêm hai trăm năm mươi hay ba trăm ngàn dolars nữa. Lý do mà tôi nại ra là: Những người bán cho tôi lại ở ngay sát cạnh tôi, vậy sẽ là những người cạnh tranh với tôi.
Nhưng qua những phút đầu trao đổi, thì lại chính là phía bên kia đã cung cấp cho tôi lý do để làm chậm việc mua bán lại: Schimmel vừa đề ra hai điều kiện:
- Chúng tôi muốn ông chấp nhận cho chúng tôi một hợp đồng thuê lâu dài trong thời gian chín mươi chín năm dải đất hẹp...
Chúng tôi cùng cúi xuống tấm bản đồ. Dải đất đó nằm ở ngay biên giới giữa hai sòng bạc tương lai. Được quyền sử dụng dải đất này sẽ cho phép Schimmel, nghĩa là bọn Caltani (nhưng cái tên này không bao giờ được nêu trong suốt cuộc trao đổi), thỏa mãn được những tiêu chuẩn về an toàn do thành phố Atlantic City đề ra, nhất là việc để cho lính cứu hỏa có thể vào được dễ dàng khi xẩy ra cháy.
- Việc ấy phải thương lượng, tôi nói.
Theo nguyên tắc, thì tôi phải bàn bạc chủ yếu là với Schimmel. Thế nhưng hắn ngồi im re, và cuộc mặc cả là do một luật sư tiến hành. Gã này có đôi mắt rất trong, và theo cái thói quen rất ít tính chất Mỹ của tôi, tôi đã quên khuấy mất tên ngay sau lúc người ta giới thiệu. Gã mỉm cười với tôi:
- Chúng tôi sẽ thương lượng. Nhưng đây chỉ là một dải đất có sáu thước bề rộng và hai mươi thước bề dài.
- Việc ấy phải thương lượng.
Điều kiện thứ hai do những người đối thoại của tôi đề ra: Trả tiền, một phần chính thức ở Mỹ, một phần nữa kín đáo hơn - trả vào trương mục của một hội vô danh ở Curacao.
- Ông sẽ không có gì phải lo ngại, ông Cimballi, vì không phải là công dân Mỹ, không có gì ngăn cản ông chuyền tiền vào một trương mục như vậy.
- Tôi sẽ suy nghĩ về tất cả các điều này.
Người ta nói rõ các con số: Mười triệu trả vào trương mục của một hội có trụ sở ở Trenton bang New Jersey, và mười lăm triệu kia trả ở Curacao. Thế là tôi đã lợi dụng tình hình làm giảm giá bán được năm triệu, và tôi chỉ còn phải mất có hai mươi lăm triệu để tậu “Con Voi Trắng”. Nhưng tôi nói “tậu Con Voi Trắng” là không đúng, vì theo sự trao đổi, thì không phải tôi chỉ có mua một khách sạn và những nhà phụ của nó. Thực ra, tôi đã mua cả một cái hội, mà vốn cơ bản là cái khách sạn ở Atlantic City, nhưng cũng gồm thêm cả một cái quán bán dồi nóng ở Greenwich Village tại Manhattan, một căn nhà nhỏ có đồ đạc ở phố số 8 phía Tây Manhattan, và cái này mới thú vị: Hai hay ba chiếc ôtô chở khách đã lão hóa, cái mới nhất, compteur cũng đã chỉ một cách kiêu hãnh một trăm ngàn dặm, thêm nữa một cánh rừng nhỏ để khai thác gỗ ở nước Áo có kèm theo một cái trại. Gã luật sư cười mỉm, nói như để thanh minh xin lỗi:
- Đó là gia tài của một cái hội mà ông Baumer đã quá cố, chủ nhân của khách sạn đã bán lại cho những thân chủ của tôi.
Được thôi, đến lúc nào đó, tôi sẽ nhờ Marc hay Rosen bán lại tất cả cái mớ lộn xộn ấy. Dù sao tôi cũng sẽ kiếm được một ít đủ để trả tiền đi uống nước của tôi ở các quán rượu. Chúng tôi bắt đầu cuộc trao đổi vào lúc năm giờ đúng trong một buồng của khách sạn Dennis. Chín giờ rưỡi mới xong việc. Nhờ những điều kiện mà chính người bán đề ra như đã nói ở trên, tôi lại hoãn được việc mua lại một tháng nữa với số tiền cược là ba trăm ngàn dolars. Tôi có đủ các lý do để thấy thỏa mãn.
Gã luật sư có đôi mắt sáng rõ ràng là đang tìm cách đến bên cạnh tôi, khi chúng tôi cùng đi ra khỏi buồng khách của khách sạn.
- Ông Jo Lupino mới cho tôi biết là ông vừa đi thẳng từ Yémen về đây có phải không?
- Vâng, tôi đi giao một ít kem mứt. Rất tiếc là tôi không nắm rõ được tên ông.
- Olliphan, James Montague Olliphan.
Gã cười với tôi một cách không phải là không có duyên.
- Liệu tôi có thể hy vọng là sẽ được mời ông dùng một bữa tối, vào một ngày nào đó, ngay sau khi việc này kết thúc xong.
- Tại sao không?
Xin ghi nhận là thực sự hôm đó là lần đầu tiên tôi gặp Olliphan, một người sẽ giữ một vai trò cơ bản trong tất cả cái vụ Con Voi Trắng này. Lúc đó là vào tháng bảy.
Cả cái tháng sau buổi trao đổi - từ ngày 21 tháng 7 là ngày là đầu tiên tôi nhìn thấy cái khách sạn đến ngày 21 tháng 8 là ngày quyết định việc ký các giấy tờ mua bán - Cả cái tháng đó là một sự chạy chọt đôn đáo dữ dội. Chúng tôi không nghỉ một lúc nào. Chúng tôi đây là cả ba êkíp Mỹ của tôi, thêm Marc Lavater mà tất nhiên là tôi đã yêu cầu sang tiếp tay cho tôi. Tất cả những gì có thể làm được để chuẩn bị cho việc mua bán một khách sạn lớn rồi biến nó ngay thành một Sòng Bạc - Khách Sạn, và cố gắng ước lượng lãi suất tương lai của nó, chúng tôi đều đã làm.
Về mặt những nghiên cứu tài chính, thì một phần công việc đã được làm rồi, vì Rosen, Lupino và Vandenberg hoạt động riêng rẽ mỗi người một phía, đã khai phá được kha khá vấn đề và gửi cho tôi những tập hồ sơ mà tôi đã nhận được trong khi tôi đang lêu lổng trên bán đảo Ả Rập, chơi trò “thả dù kem mứt". Chúng tôi làm lại từ đầu với sự tham gia của Lavater là người rất đắc lực trong những vụ việc này, nhất là vì bản tính anh ta lúc nào cũng chìm đắm trong một niềm bi quan thật đen tối: Đối với anh ta, thì theo lý thuyết, tất cả những kinh doanh nào mới là cũng lẽ không tránh khỏi thất bại.
Việc nghiên cứu về mặt tài chính này còn kèm theo những mặt khác nữa. Mua Con Voi Trắng là một chuyện, nhưng biến nó thành một sòng bạc lại là một chuyện khác. Sẽ tốn kém bao nhiêu? Ngay buổi sáng ngày 22 tháng bảy, tức là ngày hôm sau buổi họp ở khách sạn Dennis, tôi đã khởi động bốn êkíp kiến trúc sư, trong số này có hai êkíp đã được thử thách trong việc tân trang sửa chữa để xây dựng những sòng bạc tại Vegas. Tôi cho họ đến ngày 15 tháng 8 phải trình bày cho tôi những bản đồ án có thể đứng vững được - Họ đã giữ đúng cam kết chỉ chênh lệch nhau có 24 giờ đồng hồ.
Cũng trong thời gian này, tôi cho tiến hành đồng thời mấy cuộc điều tra. Về Schimmel, tất nhiên rồi - và cả bọn Caltani nữa - về hoàn cảnh tài chính của bọn họ liên can đến việc họ dự định làm một sòng bạc bên cạnh cái của tôi. Về những lý do thăm kín nào đó nếu có, khi họ yêu cầu ký một hợp đồng lâu dài về giải đất nhỏ ở giữa hai miếng đất. Về việc họ bắt buộc phải trả tiền theo hai giai đoạn khác nhau, và những nguy hiểm tôi có thể gặp phải vì việc này.
Nhưng cũng điều tra cả về Olliphan nữa. Vì lý do là con người này làm tôi ngạc nhiên, một phần vì vẻ hào hoa phong nhã của hắn không phù hợp lắm với vai trò làm cố vấn cho một Gia Đình Mafia, và một phần vì sự chú ý của hắn đối với tôi lộ liễu tới mức là mời tôi tới nhà ăn tối.
Theo thói quen của tôi, tôi ngăn cách những việc này ra một cách rất cẩn thận không cho dính líu đến nhau. Tôi áp dụng nguyên tắc những vách ngăn không rò rỉ mà lính thủy và những tay gián điệp rất coi trọng. Rosen không biết Vandenberg làm gì, và anh này cũng không biết tôi giao cho Lupino nhiệm vụ gì. Cả ba người đều không biết tính chất của những việc mà họ không trực tiếp chịu trách nhiệm. Và ngay cả cuộc điều tra về Olliphan là ít quan trọng nhất, mà tôi cũng nhân đôi những giây chằng lên bằng cách mướn hai êkíp thám tử khác nhau, hoạt động riêng rẽ với nhau. Ngoài tôi ra, chỉ có một người là có một cái nhìn toàn diện về tất cả cuộc chuẩn bị này, và tất nhiên người đó là Marc Lavater. Nếu tôi không thể tin được vào anh ta - sau sáu năm cộng tác - thì có nghĩa là lòng tin không có trên cõi đời này. Nhưng tôi phải nói ngay: Tôi không bao giờ phải hối tiếc vì đã đặt lòng tin vào anh ta.
21 tháng 7 đến 21 tháng 8: Những kết quả mà tôi đang chờ đợi đã lần lượt đến tay tôi. Và cả cái công việc khổ sai đó đã có những thành quả. Chỉ trước vài ngày cuộc gặp mặt thứ hai của tôi với Schimmel và Olliphan, tôi đã có thể nhận định được rõ ràng tình hình:
Bốn bản đồ án mà các kiến trúc sư trao cho tôi sẽ kéo theo một sự đầu tư (kể cả tiền mua đất), tùy theo sự lựa chọn, giao động từ bốn trăm năm mươi đến sáu trăm triệu dolars. Riêng phần tôi, tôi ưng nhất là đề án của phòng kiến trúc sư ở California, xoay quanh một cái vốn đầu tư khoảng năm trăm triệu. Mồ hôi lạnh vã ra ở lưng tôi, còn Marc thì xuýt ngất xỉu.
Nhưng tất cả những công trình nghiên cứu tinh vi nhất về mặt tài chính cho phép chờ đợi với một cơ sở vào cái cỡ mà tôi dự định, một lãi suất đồng niên từ tám mươi đến một trăm triệu dolars. Tất nhiên là sau khi trả hết tiền cho ngân hàng vì nhất thiết thế nào cũng phải vay vốn rồi.
Về tên Schimmel: Đó chỉ là một hình nộm bằng rơm, không có một ý nghĩa gì. Những người bán cho tôi đúng là tên Caltani chính cống. Và các vị đáng kính này là hai anh em ruột: Jos và Larry. Họ là đại diện của thế hệ thứ ba của Gia Đình. Thế hệ thứ nhất là ông nội đã bắt đầu lập nghiệp ở New York vào những năm 30 bên cạnh những nhân vật đáng quý như Longy Zwillman, Dutch Schulz, Albert Anastasia, và một loạt các Luciano khác nữa. Toàn là những nhân vật khét tiếng cả. Về mặt chính thức, thì hai ngài Jos và Larry có một tư cách hoàn toàn đáng kính. Họ hiếm có khi phải dính líu đến cảnh sát Quốc Gia hay Liên Bang, và mỗi lần đều thoát ra được một cách dễ dàng. Về mặt tài chính họ hoàn toàn thoải mái và ngự trị trên một vương quốc nhỏ bao gồm một chuỗi cửa hàng ăn và quán nhậu, cộng với - theo lời đồn - những cổ phần trong một sòng bạc ở Vegas cùng chung với một Gia Đình ở Chicago. Họ cũng có góp vốn trong một vài dịch vụ xuất nhập khẩu, nhất là về dầu ôliu. Ở Atlantic City họ sắp đầu tư tám mươi lăm triệu dolars vào sòng bạc của họ, cùng với một khoản ba trăm hai mươi triệu nữa mà họ vay của ngân hàng một cách hoàn toàn hợp pháp.
Không có điều gì nghi ngờ trong việc hỏi thuê lâu dài dải đất: Đúng là bọn Caltani có khó khăn trong việc đi vào sòng bạc của họ do yêu cầu của chính quyền thành phố rất cảnh giác đối với vấn đề an toàn khi có cháy.
Tôi sẽ không bị nguy hiểm gì khi đồng ý trả tiền làm hai giai đoạn.
Sự gần nhau giữa hai sòng bạc tương lai, cái của bọn Caltani và cái của tôi, không có gì là đặc biệt cả. Tất cả những sòng bạc đã xây dựng, đang xây dựng hay sẽ xây dựng ở Atlantic City đều trong trường hợp tương tự như thế cả. Ở đây không phải như ở Vegas, mà các sòng thường ở cách xa nhau.
Cuối cùng về Olliphan: Sự tinh thông về nghiệp vụ của gã là không có gì phải nghi ngờ. Gã đã học hành rất xuất sắc ở Harvard. Lẽ ra gã có thể lựa chọn việc xây dựng được một sự nghiệp trong ngành âm nhạc, vì gã là một nhạc sĩ vĩ cầm đại tài. Người ta đánh giá gã là một người có trình độ văn hóa rất cao và rất tế nhị nữa. Nói thế và để nói rằng không còn nghi ngờ gì nữa gã là một cố vấn chính cống về luật pháp của bọn Caltani, và là số một của bọn họ trong lĩnh vực này. Bọn Caltani không làm bất cứ một cái gì mà không hỏi ý kiến gã. Gã đại diện cho bọn họ trong tất cả mọi chuyện. Mà điều này không phải là vô cớ: Từ hai mươi hai năm nay, gã đã lấy Angelina Caltani. Cô em gái duy nhất của Jos và Larry, vì thế gã là em rể của hai vị này.
° ° °
21 tháng tám, hồi 10 giờ sáng. Trong buồng làm việc của Jimmy Rosen, Olliphan cười với tôi một cách có cảm tình.
- Ông sẵn sàng để ký lần này chứ?
- Hoàn toàn sẵn sàng.
Cũng sẵn sàng như những giấy tờ mà trong mấy ngày vừa qua tôi và những cố vấn của tôi đã lấy kính hiển vi ra soi từng dấu phẩy một. Đến trưa, thì mọi việc xong hết. Olliphan lại trở lại tấn công tôi về cái bữa ăn tối mà gã muốn mời tôi.
- Ngày nào tiện cho ông thì cũng là ngày của tôi, thưa ông Cimballi.
- Xin ông cho tôi một hay hai tuần lễ nữa và tôi sẽ gọi điện thoại lại cho ông.
Với sự pha trộn kỳ lạ vừa buồn rầu vừa mỉa mai ngạo nghễ, đặc trưng của gã, gã trả lời tôi:
- Xin vâng, như thế là tôi đã nhận cho ông một thời gian lựa chọn thứ ba nữa đấy: Về cái bữa ăn tối.
Ngay chiều hôm đó, tôi rời khỏi New York. Ngoài hai ngày nghỉ cuối tuần thảm hại mà tôi đã cướp được của chương trình làm việc cực kỳ nặng nề trong mấy tuần lễ vừa qua, tôi hầu như không gặp mặt con trai tôi và Sarah từ khi khởi động chiến dịch Fezzali. Đối với Marc Andréa (đứa con trai tôi mang tên tục của cha tôi và tên tục của Marc Lavater, là cha đỡ đầu của nó) tôi có một cái gì còn hơn là tình yêu nữa. Tôi mê say nó. Tôi phải kìm mình lại, để khỏi đưa nó đến New York, và dám là tôi sẽ giữ nó ở lại đó. Sở dĩ tôi không đưa nó đi theo tôi chỉ vì cái lý do duy nhất là như thế sẽ bắt buộc nó phải sống trong một phòng khách sạn và thậm chí nhảy từ một chiếc máy bay này sang chiếc khác. Thế mà chính cái cuộc sống điên khùng của tôi hiện nay, tôi đã có một ý định cương quyết là sẽ từ bỏ nó, ý tôi muốn nói là sẽ thay đổi nó một cách hoàn toàn.
- Sarah, anh rất nghiêm trang. Anh cho lên đường cái sòng bạc này xong rồi anh sẽ dừng lại. Tất cả những gì chúng ta phải làm trong tương lai chỉ là mỗi tháng đi Atlantic City một lần với một cái valy thật bự để hốt tiền lãi về. Mỗi tháng anh sẽ cấp cho em năm dolars để đi đánh bạc trên những bàn bạc của anh, và dù em có được bạc đến mức làm vỡ cả sòng, trong khi anh đang bận bàn luận với những người kế toán thì chúng ta cũng vẫn rời khỏi Atlantic City ngay trong ngày hôm đó. Xin thề.
Bất cứ ai ở vào địa vị của Sarah Kyle khi nghe tôi nói thế thì cũng sẽ tỏ ra hoài nghi, nói một câu gì nữa mỉa mai hoặc làm bất cứ một cái gì ngông cuồng như òa lên khóc chẳng hạn hay nốc rượu champagne để ăn mừng cái tin ấy. Nhưng Sarah Kyle thì không. Cô gái Ireland cưng của tôi chỉ nhìn chăm chú vào mặt tôi với cái cách rất độc đáo riêng biệt của cô bằng một cặp mắt xanh thẳm trong vắt, đầu hơi ngửa ra đằng sau, không có một lời bình luận nào. Cô ta có một nghệ thuật không thể so sánh được mà cũng không thể giải thích là luôn luôn giữ được mức độ đúng đắn cho mọi sự việc. Cô ta làm cho tôi dịu đi. Tôi thật chịu không thể nào định nghĩa được tính chất của những tình cảm giữa hai chúng tôi, từ những giây phút đầu, sáu năm trước đây, khi chúng tôi gặp nhau ở Kenya, rồi sau đó, khi chúng tôi tìm lại nhau ở Hong Kong và ở Jamaique. Đó là một tình cảm đã sống qua cả cuộc hôn nhân và cuộc ly dị của tôi. Ít nhất thì cũng là một thứ đồng tình, thầm lặng, bằng một khóe mắt. Có lúc tôi có cảm giác là đầu óc tôi trong suốt đối với cô ta, và chắc chắn, cô ta là người duy nhất ở trên đời này mà tôi cảm thấy - có trời biết tại sao - bắt buộc phải báo cáo về mọi hành vi của tôi. Tôi hỏi:
- Em không nói với anh là em chống lại cái ý kiến mở sòng bạc của anh à?
- Anh biết rất rõ em nghĩ gì về chuyện ấy rồi, anh ngốc ạ.
- Ít nhất thì em cũng nên đến xem nó một lần.
Hứa sẽ đến. Khi nào mà ba hay bốn cái khách sạn cô ta đang quản lý để cho cô ta có chút thời giờ. Và cũng nhân dịp đó, cô ta sẽ đem cả Marc Andréa lên cho tôi.
Tôi ở lại Montego Bay khoảng 12 ngày, quá số ngày, tôi dự định, vì mỗi lần rời con trai tôi, tôi lại càng thấy khó khăn hơn. Mãi đến ngày mồng 3 tháng 9 tôi mới rứt ra đi được. Hướng về phía Jersey là nơi Hassan Fezzalli vẫn ở nghỉ ngơi. Đứa Con Của Sa Mạc này đã thấy đã có da có thịt hơn, ông ta cảm thấy khỏe mạnh rồi, ngoài cái chuyện thỉnh thoảng lại bị một cơn loạn nhịp tim. Nằm trong chiếc ghế dài, ông ta cười gằn:
- Bây giờ người ta lại đi săn voi nữa cơ đấy?
Như thế có nghĩa là, không rời khỏi khách sạn Longueville Manor mà ông ta cũng đã biết hết những dự định của tôi ở Atlantic City rồi. Và vì chắc chắn là không phải Marc đã báo tin cho ông, thì nguồn tin này chỉ có thể là từ Aziz đến thôi. Từ đó tôi suy ra rằng, Hoàng Thân đã có đến Saint Hélier... và vài cái đầu chẳc đang run sợ ở phía Riad hay Le Caire gì đấy, khi người ta bắt đâu săn sóc đến việc tìm xem ai là những người phải chịu trách nhiệm về vụ bắt cóc Hassan.
- Thế các ông đã nói với nhau những chuyện gì, Hoàng Thân và Ông?
- Nói về một cái tên Cimballi nào đó. Một cái loại nhà tài chính quốc tế khố rách áo ôm, thỉnh thoảng lại có những ý nghĩ thật ngông cuồng. Ấy thế mà chỉ Đức Allah biết tại sao Hoàng Thân lại nghĩ tốt về cái tên ấy kia chứ!
Cũng nhân đó, Hassan hỏi tôi một bản kê khai thật đầy đủ về tất cả những phí tổn của tôi trong cái vụ kem mứt ấy.
- Một đồng xu nhỏ cũng phải khai ra nhé, cậu thanh niên Franz ạ. Cậu không được tốn một đồng nào của cậu đấy. Hãy vui lòng gửi hóa đơn đến cho tôi.
- Vâng, tôi sẽ gửi.
- Chúng tôi sẽ giận lắm nếu cậu không gửi đấy.
Hôm ấy ở Jersey, thật đẹp trời. Những ông Anglais đi diễu nghễu nghện ngoài phố cái mặt đỏ hồng vì phơi nắng. Một chuyến tầu nhỏ chở khách của hãng Sealink vừa đi vào trong vịnh Saint Aubin và che khuất mất lâu đài Elizabeth trong suốt cuộc Thế Chiến Thứ Hai, hai mươi ngàn lính Đức đã chiếm các hòn đảo Anh - Normand và chỉ có một người chết trong suốt giai đoạn chiếm đóng đó: Đó là một gã người Pháp vừa trốn khỏi nước Pháp và tưởng đổ bộ lên một đất Anh tự do. Hassan và tôi ngồi im lặng. Tôi có một vài điều muốn hỏi: Ông ta đã bị bắt cóc thế nào? Ai bắt? Tại sao bắt? Người ta đã phát hiện ra những kẻ chủ mưu chưa? Giả thuyết của tôi về những kẻ này ở ngay chung quanh Aziz có căn cứ không? Vai trò chính xác của Martin Yahl trong vụ này là thế nào? Và những kẻ tội phạm bây giờ ra sao rồi?
Nhiều câu hỏi quá. Mà tôi biết rõ cái ông già Bédouin này của tôi lắm: Nếu ông ta muốn cho tôi được biết những câu trả lời, thì tự mồm ông ta sẽ nói ra thôi.
Ông đưa mấy ngón tay ra, sờ vào cánh tay tôi:
- Cảm ơn Franz. Cảm ơn về tất cả. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ chết trong những ngày sắp tới đâu. Và nếu một ngày nào đó...
Tôi đứng dậy. Tôi phải trở về New York, ở đó đang có hàng mớ công việc chờ tôi.
- Lạy đức Allah, Hassan. Hay là chào “Mektoub” như ông ưng thế.
Bàn tay to tướng xương xẩu của ông bóp gần nát bàn tay mũm mĩm trẻ thơ của tôi. Tôi ra đi. Tôi về đến New York vào ngày 6 tháng 9, trong mật khí hậu nóng bức ẩm ướt - đặc sản của cái thành phố này - rất khó chịu, mặc dầu là tôi vẫn thích những khí hậu 35 độ trong râm. Những ngày sau đó như một cơn sốt. Bởi vì vấn đề mua tuy đã được giải quyết xong, nhưng nhiều vấn đề khác lại hiện ra.
Vấn đề vốn đầu tư chẳng hạn.
Vấn đề này rất đơn giản. Đặt ra thì thế, nhưng giải quyết nó mới là việc trần ai. Giữa bốn đề án, tôi đã chọn cái của êkíp kiến trúc sư ở California, nghĩa là tôi đã chọn một tổng đầu tư là năm trăm triệu. Sau khi Vandenbergh làm việc xong, một ngân hàng ở Philadelphie đã tuyên bố sẵn sàng vào ngày 14 tháng 9, sẽ chấp thuận cho tôi vay bốn trăm triệu. Với hai điều kiện: Một là tôi phải mang lại chứng cứ không thể phản bác được là tôi có trong tay cái số mà người ta gọi là vốn riêng, phải là phần tài sản của cá nhân tôi, tức là một trăm triệu. Và hai là, phải xác định được rõ ràng là một hoặc nhiều người hùn vốn với tôi, nếu tôi có, thì những người này phải không được có một sự liên hệ nào xa hay gần với những người, mà các ông chủ ngân hàng của tôi gọi một cách kín đáo là những “nhân vật khả nghi”.
Tôi đã bỏ ra hai mươi nhăm triệu. Tôi tính chi ra bằng ngần ấy nữa. Nhưng không một đồng xu nào thêm. Đem đặt cọc tới năm mươi triệu trên số tiền chín mươi triệu mà tôi có, tôi thấy là quá đáng rồi.
Chưa bao giờ trong đời tôi, tôi lại đánh bạc to đến thế. Sẽ không có vấn đề là đi xa hơn nữa. Vì vậy, tôi phải tìm cho ra một hay hai người hùn hạp. Các quý nhân mà tôi chưa biết tên tuổi đó phải có một số đặc điểm như sau: Họ phải tin là sòng bạc có lãi. Họ không có một sự ác cảm không thể nén được đối với cờ bạc nói chung. Không sợ, chẳng hạn những người kế thừa của Bố Già và nhất là chính họ không phải là những Bố Già, các con của Bố Già, cháu chắt hay anh em họ của Bố Già dù là họ hàng rất xa. Ngoài những chuyện ấy ra, họ còn phải có trong mình năm mươi triệu dolars để nộp ngay tức khắc.
Có lẽ người ta khó lòng mà tin tôi được khi tôi nói rằng những vị quý nhân như nói trên không phải cứ ra đường là bắt gặp được ngay đâu. Tôi còn đang ở trong giai đoạn suy nghĩ đen tối này, thì ngày 15 tháng 9, Olliphan xuất hiện ở điện thoại. Tôi cũng đã định tiếp xúc với gã ta ngay từ khi tôi ở Jersey về, nhưng văn phòng của gã cho biết là gã đang đi nghỉ và vắng mặt ở New York. Gã nói với tôi:
- Lời mời của tôi hôm trước vẫn còn có giá trị.
Chúng tôi thỏa thuận với nhau là vào tối hôm 18 tháng 9. Và thế là cái vòng được khép kín lại.
Vì quả có thế, tối ngày 18, tôi đến ăn ở nhà gã. Sau khi thang máy riêng đưa tôi lên lầu, tôi thấy gã vừa đặt chiếc đàn vĩ cầm xuống. Tôi ăn tối với gã dưới con mắt lờ đờ khủng khiếp của một bà Olliphan, nhũ danh Caltani, một con quỷ tôi chưa từng được thấy bao giờ đã làm tôi muốn ói mửa. Tôi lại muốn ói mửa nữa khi nhảy lò cò một cách hoảng sợ trên cái sân thượng điên khùng của gã. Và tôi đã từ biệt hắn mà không đánh tan được một chút xíu nào sự bí mật bao quanh con người gã, một con người mà không cần gì nhiều lắm cũng có thể làm cho tôi có cảm tình, thậm chí cả tình bạn nữa.
Ngày hôm sau tất nhiên là ngày 19 tháng 9. Từ chín giờ sáng, căn phòng của tôi ở khách sạn Pierre bị xâm nhập bởi cái đám những kiến trúc sư, trang trí nội thất và thầu khoán đủ cỡ đủ loại mà tôi đã triệu tập đến. Cả ba luật sư cố vấn của tôi cũng mò đến: Marc Lavater, Jimmy Rosen và Philip Vandenbergh.
Tôi kể lại cho Marc nghe cái bữa ăn tối với Olliphan ngày hôm qua. Anh ta nhún vai:
- Thì tại cậu cứ thích mua một cái sòng bạc kia mà. Ai bảo?
- Thôi xin ông, đừng có lại bắt đầu cãi vã nhau mãi về chuyện ấy.
Chúng tôi đã làm cái việc cãi vã ấy khá nhiều rồi. Đối với Lavater, tất cả mọi cái đều đơn giản thôi: Khi người ta có chín mươi triệu dolars thì người ta ngồi yên một chỗ, chứ không chạy đi phiêu lưu mạo hiểm như vậy. Thực ra mỗi lần tôi báo cho anh ta biết về một dự định của tôi, thì bao giờ anh ta cũng bắt đầu bằng việc giơ cả hai tay lên trời để giải thích cho tôi hiểu rằng tôi là thằng khùng. Anh nói thêm.
- Đồng ý là ta đã có về cái gã Olliphan này những tài liệu mà cậu muốn có. Gã là một thằng độc đáo kỳ quặc, điều ấy không có gì đáng ngờ nữa. Cái gác thượng của hắn có nhiều người biết. Nhưng về mặt nghề nghiệp thì không thể chê gã vào chỗ nào được. Gã không giống như những thân chủ của gã đâu.
Về chuyện này cũng vậy, chúng tôi cũng đã bàn luận với nhau không phải ít. Không phải chỉ có Marc với tôi, mà cả Vandenbergh và Rosen nữa trong những tuần lễ trước khi ký kết việc mua Con Voi Trắng. Mỗi người đều có ý kiến riêng của mình, nhưng đều cùng nghĩ rằng cái bọn bán cho tôi không phải là những người bình thường. Thực chất, nấp đằng sau cái bình phong của những tội thuộc loại thông thường, đây là một Gia Đình ở New York - Nói gọn hơn, đây là Mafia - Mà như ai cũng biết, làm gì có Mafia! Tôi đã trả lời: “Ờ, thế thì sao? Muốn mua thì phải có người bán chứ? Các cậu có biết một người bán nào khác không? Và việc mua bán có đúng luật lệ không nào?”
- Marc, đừng lại bắt đầu cãi vã nhau nữa.
Anh ta lại giơ cả hai tay lên trời, nhưng lần này là để làm dấu hiệu đầu hàng: “Đồng ý thôi” xếp việc lại. Tôi làm việc với những kiến trúc sư và những nhà trang trí nội thất. Tôi dự định sẽ làm việc với họ suốt cả ngày hôm nay. Họ đã mang đến đủ loại bản đồ, bản vẽ, thậm chí cả những market nữa. Đủ để đùa dỡn như những thằng điên trong hàng tiếng đồng hồ. Và quả nhiên là mất hàng tiếng đồng hồ thật, vừa bàn cãi vừa ngốn những thức ăn nhẹ mà tôi cho gọi mang lên.
Đến cuối buối chiều thì xảy ra sự kiện thứ hai. Chính sự kiện này đối với tôi mới là mở đầu lịch sử của Con Voi Trắng. Người ta đã gõ ở cửa cầu thang nhưng tôi chẳng nghe thấy gì cả vì đang bận trình bày một ý kiến, mà với sự khiêm tốn cố hữu của tôi, tôi cho rằng chỉ có thể là một ý kiến thiên tài mà thôi. Marc ra mở cửa, khi anh ta trở vào, thì trong mắt anh ta có một cái ánh rất kỳ quặc.
- Người ta hỏi cậu đấy, Franz.
- Không có thì giờ. Mặc xác ai hỏi, cứ viết cho họ một ngân phiếu.
Thực ra lúc đó tôi đang vui vẻ phấn chấn lắm. Cái chuyện Olliphan đã xa rồi, và cuộc bàn cãi của tôi với những kiến trúc sư hết sức thú vị. Marc lắc đầu.
- Phải chính cậu ra kia.
Không có gì là thảm kịch trong giọng nói của anh ta. Có lẽ như anh ta đang nghĩ rằng cái gì đang xảy ra đó là ngộ nghĩnh lắm. Tôi bỏ những ông kiến trúc sư, trang trí nội thất, thầu khoán lại đó với những giấy tờ mà họ trải ra kín khắp cả giường nằm của tôi. Tôi đi ngang qua phòng tiếp khách lớn của tôi, là nơi mà Jimmy Rosen đang kiểm tra lại một số giấy tờ. Bên ngoài là một cái sảnh ra vào.
Ở đó có một em bé gái đang đứng đợi. Lối chín hay mười tuổi, tóc vàng với những bím dài vàng dượi, một đôi mắt xanh mênh mông, mình bận một bộ quần áo mà tôi nghĩ là của vùng Tyrol. Xinh xẻo không có lời nào tả được. Trên ngực áo em đeo một cái biển bằng nhựa trắng, dành cho những trẻ em đi máy bay một mình. Tôi chưa thấy em bao giờ.
- Gì thế cháu?
Không có trả lời. Con bé thản nhiên nhìn tôi chòng chọc.
- Cháu đi một mình à?
Lại càng im re.
- Cháu muốn gặp tôi à?
Cô bé chỉ một ngón tay hách dịch vào tấm biển. Tôi đọc bằng tiếng Anh thấy: “Nhờ đưa đến ông Franz Cimballi, khách sạn Pierre, New York City, New York, Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ”, không có thêm một một lời nào nữa. Tôi cảm thấy đằng sau tôi có người: Có nhiều người. Họ đến hơn một chục đang đứng ngắm cái quanh cảnh này. Trong đó có Marc, Anh ta thấy buồn cười thực sự. Anh nói:
- Thế đấy! Người ta chơi cái trò Sở Khanh, giải con ra khắp nơi, rồi vào một ngày tốt đẹp nào đó, prứp! Đứa bé đổ bộ vào đời anh.
- Ngộ nhỉ.
Tôi nhún vai. Nếu ở trên đời này có một điều mà tôi chắc chắn, thì đó là cái sinh vật tóc vàng nhỏ bé này dứt khoát không phải của tôi. Nhất định thế. Tôi quay lại đối mặt với con bé.
- Thế tên cháu là gì?
Im lặng. Và đôi mắt xanh to tướng kia vẫn như đóng đinh vào đôi mắt tôi.
Sau tiếng Anh, tôi thử dùng tiếng Đức, vì trông bộ quần áo xứ Tyrol kia, trúng phóc. Cô bé nói và trả lời:
- Heidi.
- Heidi gì kia?
Cô bé cau mày, nghiêng đầu xinh như mộng và đến lượt cô hỏi:
- Bác có đúng là ông Franz Cimballi không?
- Ya ohl (đúng) - Chính tôi đây.
”Ba um"! Tôi không kịp làm một cử chỉ nào để đề phòng. Cô bé mang một đôi guốc rất đẹp, không còn nghi ngờ gì nữa, một đôi guốc với đầy những cái hoa nhỏ mầu hồng và xanh chạm vào gỗ, nhưng mà nhọn và cứng quá sức tưởng tượng. Và cái mũi nhọn của chiếc guốc phải đã đập vào xương chầy ống chân trái của tôi với một sức mạnh quá trời. Tôi bắt đầu khiêu vũ trên một chân. Bằng một bước nhảy của con Kangaroo, tôi tránh được chiếc guốc trái nhằm vào ống chân phải của tôi.
Cái lão Marc đần độn cười đến chảy nước mắt ra. Đứng ra xa khỏi địa bàn nguy hiểm, tôi hỏi Heidi:
- Trời đất quỷ thần! Tại sao cháu lại đá tôi.
- Bởi vì đấy là chuyên khoa của cháu - Cô bé trả lời với sự vui thích của một người đã hoàn thành nhiệm vụ của mình - Và cũng bởi vì cả bốn chị em cháu đã bị sạt nghiệp vì bác, thằng ăn cắp!
giavui
05-26-2020, 03:55 PM
CHƯƠNG 9
... Jimmy Rosen chờ tôi ở khách sạn Pierre. Anh ta đã được Lupino nói cho biết về câu trả lời không của Lý và Lưu.
- Franz, anh sẽ không tìm được một người hùn hạp từ nay đến thứ năm đâu.
- Anh hãy gọi cho ngân hàng Philadelphie vào ngay sáng thứ hai đi. Nếu cần, anh hãy cùng với Vandenbenrg xuống đấy và yêu cầu họ hoãn cho tôi thêm vài ngày nữa.
- Họ không nghe đâu, và anh cũng biết đấy. Họ đã không mặn mà lắm về cái việc bỏ tiền ra để sa vào một sòng bạc rồi.
- Dù sao các anh cũng cứ thử xem sao.
Sự thật là tôi đã quyết định phải làm tất cả những gì có thể làm được. Tôi sẽ đi gặp Hassan Fazzali mặc dù có tất cả những lý do đúng đắn là tôi không nên làm như thế. Tôi chẳng thích thú gì việc này.
- Thế còn nó?
Jimmy hất cằm chỉ về phía con bé Tyrol lúc đó đang lao vào một cuộc đối thoại sôi nổi với một trong những người phục vụ của khách sạn biết tiếng Đức. Một con bé có thể chất bình thường thì đã phải nằm bẹp từ lâu rồi, sau một ngày di chuyển như vậy. Nó thì không. Rõ ràng là nó đang sung sức.
Jimmy hỏi:
- Marc đã gọi về chưa? Vẫn chưa.
Và tôi không thể mang Heidi theo được, nhất là nếu tôi phải đi gặp hoàng thân Aziz ở Riad. Còn như để nó ở lại một mình, dù là ở với bà Nữ Thần Chiến Tranh này ở khách sạn Pierre đi nữa thì cuộc chạy trốn của nó sáng nay cũng đủ làm tôi phải thay đổi ý kiến.
- Franz, tôi có thể săn sóc nó trong khi anh vắng mặt để chờ đợi Marc hay anh tìm ra những lý do sự có mặt của nó ở đây. Nó sẽ đến sống với chúng tôi...
Jimmy Rosen có năm đứa con và ở New Rochelle, một ngoại ô lớn của New York, giàu có quá mức. Tôi có đến nhiều lần, lại có cả đến nghỉ cuối tuần cùng Với Sarah và Marc Andréa mấy tháng trước đây. Tôi chắc chắn là Heidi về đấy sẽ tốt, hai trong số ba con gái của Jimmy cũng sấp xỉ bằng tuổi của nó. Đấy là điều mà tôi phải giải thích cho nó trong những phút sau đó. Không dễ dàng lắm. Bỗng nhiên, nó òa lên khóc nức nở ngay ở buồng sảnh.
- Cháu không muốn rời bác, bác Cimballi.
Và lúc đó, tôi cũng mới đo lường được tôi đã gắn bó với con bé này đến mức nào. Một con bé mà tôi không biết một tý gì hay gần như thế về nó, và có thể mang lại cho tôi những chuyện rắc rối lôi thôi nhất. Cuối cùng, Jimmy cũng mang nó đi được. Tôi ở lại một mình buồn bã. Cái triển vọng đi đến gặp Hassan Fezzali để yêu cầu 50 triệu dolars - Nhưng ông ta đã đứng ngoài mọi việc kinh doanh trong một năm rưỡi nay rồi, và tôi phải đối đầu với Aziz kia - Cái triển vọng ấy không làm tôi có gì là thích thú. Tôi quyết định ngay sáng mai, chủ nhật, sẽ đi Luân Đôn. Tôi đi nằm, và vừa chợp ngủ đi được vào lúc một giờ sáng thì...
Marc ở đầu giây:
- Franz, chính cậu phải để tai nghe mình nói mới phải, ở đây bây giờ là bảy giờ sáng, và mình đã mất cả tối hôm qua, cả đêm hôm qua, để chạy từ một làng này sang làng khác, từ một ngôi nhà gỗ này sang ngôi nhà gỗ khác. Thế thì cái người lẽ ra phải rất bực mình, là mình chứ không phải là cậu.
Có, anh ta đã tìm thấy Anna Moser. Thậm chí cô ta đang ở trước mặt anh ta nữa, trong khi anh đang nói chuyện với tôi. Không, anh ta không thể để tôi nói chuyện với cô ta được. Không, cô ấy không câm. Nhưng cô ta không muốn nói chuyện với tôi, có thế thôi. Tôi muốn nghẹn lên đến cổ:
- Thế nghĩa là thế nào?
- Thế có nghĩa là cậu muốn có một sự giải thích, thì cậu cũng phải làm một chuyến mạo hiểm sang cái vùng Tyrol này như mình vậy. Cô ta chỉ muốn nói chuyện với một mình cậu, chứ không nói với ai khác. Mà nói ở nhà cô ta kia.
- Marc, anh đã nhậu xỉn rồi hay sao thế? Nhưng trước hết, bây giờ anh đang ở đâu thế?
- Gasthof Post ở Kocsen, vùng Tyrol thuộc Áo, và cậu không có chọn lựa nào khác đâu, theo lời của cái cô Anna xinh đẹp này: Hoặc là cậu đến tận đây mà tìm lấy lời giải thích của cậu, hay là cả hai chúng ta đều sẽ phải chết vì bệnh điên khùng. Tùy cậu đồng ý hay không đấy, Franz.
- Mẹ kiếp, nhưng chính cô ta đã phái em cô ta đến với tôi kia mà?
- Đúng.
- Nhưng tại sao?
- Cô ta cương quyết từ chối trả lời. Trừ ra nếu...
Nếu tôi đi sang vùng Tyrol để nghe. Ít nhất bây giờ đối với tôi có một điều đã rất rõ ràng: Nếu Heidi bản thân nó đã là một thí dụ về một kẻ quấy rầy khá xuất sắc rồi (đáng yêu nhưng quấy rầy), thì chị nó phá tất cả mọi kỷ lục.
- Cô ta có phải đúng là người đỡ đầu hợp pháp của Heidi không?
- Đúng.
Hãy cứ được việc ấy đã: Tôi sẽ không bị bắt bỏ tù vì tôi bắt cóc và bắt giữ gái vị thành niên.
- Thế đấy là tất cả những gì anh thu thập được hả Marc.
Marc bắt đầu kể lại một cách cay chua về cuộc Tyrol du ký của anh ta. Tôi cắt ngang:
- Marc, trong trường hợp tốt nhất, tôi cũng chỉ có thể đến cái vùng mắc dịch ấy vào thứ ba sau thôi. Và hơn nữa: Với điều kiện là cuộc đàm thoại của tôi với Hassan ở Jersey đủ để tìm được cho tôi một người hùn vốn. Bởi vì nếu tôi phải chạy mãi xuống tận xứ Ả Rập Saudi thì... Tôi cúp máy...
... Và tôi lại phải cầm máy lên: Lý hay Lưu ở đầu dây.
- Franz, bọn mình đã hối hận. Đúng là chúng tôi đã có hứa với anh, là sẽ cùng đi với anh vào công việc kinh doanh đầu tiên nào mà anh cho gọi chúng tôi. Chúng tôi thấy rõ là đã làm cho anh bị khó khăn. Thế là chúng tôi đã suy nghĩ, đã điện đi khắp nơi, và có lẽ đã tìm được cho anh một giải pháp. Người hùn hạp lý tưởng, người mà anh mơ ước: Sẵn sàng đầu tư gần như bất cứ số tiền nào, không hề có dính một đồng xèng nào với Mafia, đáng yêu, lương thiện, mắt đẹp, hơi thở tươi mát...
Nếu ở ai khác, thì tôi đã tin rằng đây là mấy thằng khùng. Nhưng đây là cách ăn nói thường xuyên của mấy người bạn Tầu của tôi, mà đã nhiều lần chứng tỏ rằng về mặt tài chính, mặc dầu bề ngoài có vẻ gàn dở hài hước nhưng thực chất bên trong nghiêm chỉnh hơn một người Thụy Sĩ nói tiếng Đức. Vả lại lần này họ cũng không đùa nghịch quá:
- Nói thế rồi, Franz, đây không phải là một người hùn hạp dễ chịu đâu. Đó là nếu cậu đi được đến chỗ thuyết phục nỗi người đó. Cậu có biết cái cú “mắc áo” không?
Tôi biết. Hiểu theo cái nghĩa ấy, thì một cái “mắc áo" nghĩa là một con dao lớn rất nhọn mà người ta cắm vào lưng anh một cách bất ngờ nếu anh không giữ đúng những cam kết. Tôi hỏi thêm:
- Thế liệu tôi có thể thuyết phục được cái người đó của các anh, trong ít thời gian thế không?
- Nếu do chúng tôi giới thiệu, thì anh có hy vọng đấy. Nhưng phải lẹ lên mới được.
Tôi không để mất thời gian. Tôi gọi điện xóa bỏ đăng ký vé đi Luân Đôn và Jersey. Và ngay sáng hôm sau, chủ nhật 21 tháng 9, tôi bay đi Macao.
giavui
05-26-2020, 03:55 PM
CHƯƠNG 10
Một gói hàng. Từ nay trở đi tôi biết cảm giác làm một gói hàng (xa sỉ phẩm) là như thế nào. Tôi cũng chẳng cần phải nói một lời nào ngoài câu trả lời “phải” khi người ta hỏi tôi có phải đúng là ông Franz Cimballi de Saint Tropezt 1 không. Từ đó trở đi, người ta im lặng săn sóc tôi. Chiếc Rolls đã đến đón tôi ở ngay dưới chân cầu thang dành riêng cho một mình tôi. Người ta đưa tôi lên xe, gần như bế tôi vào ghế sau. Người ta cho xe chạy khoảng hai trăm thước. Đến cửa một chiếc máy bay lên thẳng, mà nếu không nhầm, là một chiếc Kawasaki, made in Nhật Bản. Bây giờ tôi đang ở trong máy bay: “Ông dùng champagne ạ, ông De Saint Tropez?” Tôi chưa kịp trả lời, người ta đã đặt vào tay tôi một cái ly cao cổ bằng pha lê chính hiệu. “Ngài hầu tước, ngài dùng một chút trứng cá ạ?”. Người ta ngồi bên phải và bên trái tôi. Người ta kiểm tra lại cho chắc chắn xem tôi đã thoải mái chưa. Người ta xoa bóp, chấm mồ hôi, người ta nâng niu nuông chiều tôi bằng đủ mọi cách.
Và tôi, cảm thấy khá bằng lòng là người ta ngồi sát vào tôi đến thế, bởi vì “Người Ta” đây là bốn cô Tầu đẹp cực kỳ, đẹp đến mức tôi tưởng không thể nào lại có người đẹp đến thế được.
Chúng tôi bay qua sông Ngọc.
Tôi đã có đến Macao một lần, cách nay năm năm. Tất cả tôi chỉ ở đó một ngày, nên chẳng còn nhớ gì được nữa. Hồi đó, Sarah đi cùng với tôi, đã ghét cái thành phố này ngay từ khi cô mới nhìn thấy nó và chúng tôi cùng đồng ý với nhau là không đặt chân đến đó nữa, trong suốt thời gian chúng tôi ở Hong Kong.
Chiếc trực thăng của tôi hạ cánh xuống thẳng bán đảo, đến nỗi trong vài giây đồng hồ, tôi tưởng là người phi công đã phát điên và đang có tham vọng muốn cắm máy bay vào một chiếc thu lôi. Nhưng đến phút cuối cùng, thấy hiện ra một khoảng đất bằng phẳng bên cạnh sòng bạc Jai Alai. Người ta đưa tôi xuống với cả nghìn sự thận trọng đối với tấm thân quý tộc của tôi. Một chiếc Roll khác, xe lăn bánh. Tôi nhận ra một số công trình kiến trúc trong đó có cái khách sạn khổng lồ, kỳ quái Lisboa, và nhà thờ Saint Paul chỉ còn lại cái mặt tiền với phong cảnh hoa mỹ kỳ cục in bóng sừng sững trên nền trời cao mầu xanh gắt, trên đỉnh một cầu thang bằng đá hoa cương. Xe vẫn chạy. Tôi hoàn toàn không hiểu người ta đưa tôi đi đâu, và mỗi lần tôi mở mồm ra để hỏi thì người ta lại hôn chùn chụt lên môi tôi để làm cho tôi im đi.
Việc tiếp theo cũng diễn ra như thế: Bí mật và hơi đáng lo ngại nhưng không thấy có gì là khó chịu. Chiếc Rolls đỗ ở sân trong của một tư thất. Trong một cảnh vườn cực kỳ mỹ lệ, còn thấy vết tích những bức tường cũ của thị trấn - là tôi nghĩ như thế. Người ta đưa tôi vào, gần như bế ẵm tôi, để tránh cho tôi mọi cử động.
Rồi “Nàng" đi vào.
Nàng khoảng từ hai nhăm đến ba nhăm tuổi, và nếu chỉ riêng những thiếu nữ đến đón tôi ở sân bay Kaitak - Hong Kong đã đáng để làm một cuộc du lịch như thế này rồi, thì còn nói gì được về cái người phụ nữ này nữa.
- Ngài tắm xong đã thấy hết mệt rồi chứ ạ, thưa Ngài Cimballi de Saint Tropez.
- Tên tôi là Cimballi. Chỉ đơn giản là Cimballi thôi, chứ không có gì khác. Và tôi không phải là một hầu tước.
Tôi chắc tôi được cái danh hiệu quý phái này là do một sự bỡn cợt của Lý và Lưu đây.
- Tôi đến đây là vì có một cái hẹn về công việc với một ông Đeng.
- Là tôi đây - Cô ta trả lời.
- Bà không thể là ông Đeng được.
Rõ ràng là như thế. Chỉ cần nhìn chiếc áo dài bằng lụa đen mặc rất sát người kia đến nỗi tưởng như đã được vẽ lên người cô ta.
- Nhưng chính tôi là Đeng đây - Cô ta lại nói - Và chính tôi là người mà ông sẽ phải thuyết phục đây. Xin mời ông qua lối này, thưa ông Cimballi.
Cô ta đi trước dẫn tôi qua một loạt buồng, đến một phòng làm việc. Trên mặt bàn ở đây có để hai gói giấy bạc.
- Khi nào thì ông cần đến cái số năm mươi triệu dolars ấy, ông Cimballi?
- Ngày thứ năm 25, vào mười giờ rưỡi sáng, giờ địa phương ở Philadelphie. Liệu bà có thể cho tôi một câu trả lời nhanh chóng được không?
Cô ta cười.
- Các ông Lý và Lưu đã khen ông rất nhiều với tôi.
- Tôi cũng khen các ông ấy như thế.
- Ông sẽ có câu trả lời vào tối nay. - Cô ta chỉ cho tôi đống tiền để trên bàn. - Vì vậy chúng ta sẽ không nên để mất thời gian. Chắc ông hiểu rằng, muốn quyết định được trong một thời hạn ngắn ngủi như thế, tôi cần phải có một vài thử nghiệm. Thử nghiệm thứ nhất ngay bây giờ. Đây là một triệu dolars Hong Kong 2 . Bây giờ là hai giờ trưa, tôi cho ông đến hai mươi giờ... -Một nụ cười rộng - Để đánh thua hết trong sòng bạc của tôi.
Mỗi ngày có từ mười đến hai ngàn con bạc từ Hong Kong đi những chiếc tầu nhẹ lướt sóng đổ bộ xuống đây. Thêm vào đó là những dân bản xứ của Macao - Centre và từ những đảo Taipa và Coloan đến. Thế cho nên vào giây khắc tôi bước vào cái phòng rộng - hai tầng lầu của sòng bạc - thì tôi không phải là người duy nhất. Thực ra tôi lập tức bị cuốn hút, xô đẩy, chìm vào một đám đông sôi sục nóng nảy, mà từ người cu ly khố rách áo ôm đến nhà kinh doanh đại phú, tất cả các loại, nam nữ đều trộn lẫn vào nhau. Tất cả mọi việc đều diễn ra rất nhanh, với sự hữu hiệu lạnh lùng nhưng lúc nào cũng tươi cười mà người ta bao quanh tôi, từ khi tôi đến Hong Kong và Macao. Những thiếu nữ đi hộ vệ tôi đưa tôi đến cửa sòng bạc để tôi ở đấy, với một cử chỉ cuối cùng mời tôi đi vào đánh bạc.
Đánh bạc với nghĩa đen của chữ này.
Và với nhiệm vụ là phải thua trên những bàn bạc này một số tiền tương đương với hai trăm ba mươi ngàn dolars. Rõ ràng đây là một cuộc thử nghiệm mà người ta áp đặt cho tôi, và cũng không tốn kém gì vì cái người đẹp Đeng gì gì ấy, đã đưa tôi vào đánh bạc ngay trong cái sòng của chính bà ta, và tay này vung tiền ra, thì tay kia sẽ thu hồi lại. Nhưng bài toán không phải là ở chỗ đó, mà là tìm hiểu xem thực sự người ta chờ đợi gì ở tôi, và cố gắng dựng lại sự lập luận của những người hùn hạp Tầu tương lai của tôi để xem họ nghĩ gì không phải là dễ. Ngoài cái việc là nhảy cao được ba thước năm mươi, tôi không biết một cái gì lại hắc búa hơn là đoán ý nghĩ của một người Tầu khi họ định mánh mung một chuyện gì.
Thực ra, tôi đã nhanh chóng lựa chọn: Tôi sẽ là tôi, Cimballi. Và nếu để biết cá nhân cái tên Cimballi này thì tôi xin nói rằng tôi là một người rất ghét việc phải thua một cái gì. Cho nên ở đây tôi sẽ cố gắng được bạc, để rồi xem ra sao.
Tôi trèo lên lầu. Đám con bạc ở trên này đông cũng không kém gì bên dưới, thậm chí có cả những tay chơi, ngả người một cách nguy hiểm trên những bao lơn, để ném tiền xuống bàn bạc cách xa bốn thước ở bên dưới và không làm cho ai phải ngạc nhiên cả. Tiếng ồn ào thật đinh tai nhức óc, một bản hòa tấu ríu rít mà cả những người cầm cái cũng tham gia vào, gọi hối con bạc, hét lên những câu pha trò từ bàn này qua bàn khác, người này đang nhồm nhoàm nhai kẹo cao su trong khi một đồng ngiệp khác của anh ta dùng cây cào đập một cách hách dịch vào một tay chơi chậm đặt tiền quá, theo anh ta. Và không cần phải nói đến chuyện pourboire “cho nhân viên”: Người được bạc tự động bị trừ tiền ngay, bị móc túi ngay, mà không ai dám kêu ca gì cả. Giữa cái hỗn loạn Viễn Đông này, với cái không khí êm dịu của Vegas, và của các sòng bạc ở Âu Châu, có sự cách biệt giữa một buổi hòa nhạc rock với một buổi lễ misa âm u ở Nhà Thờ Vezelay.
Từ trên cao, tôi đã quan sát hết một tua các loại cờ bạc: Tất cả khoảng hơn mười loại, không kể những máy xu mà ở đây người ta gọi là những “con hổ đói”. Những cái máy này không làm tôi chú ý, vì tiền đánh bạc thu được không mấy cao. Tôi là Cimballi, tôi đến đây để đi kiếm năm mươi triệu dolars, chứ không phải đến để kiếm đủ tiền mua một cái bánh rán.
Cũng trong ý nghĩ đó, tôi quyết định bỏ qua không ngó ngàng tới bàn chơi Fan Tan. Người ta dốc một cái bát đựng đầy những khuy trai xuống một cái thảm, rồi đếm bốn cái một với bốn khả năng sau này: Sẽ còn dư lại một, hai, ba hay bốn khuy, thế là có bốn cửa để đặt tiền. Phải là người Tầu thì mới có thể thích cái trò chơi này được, và tiền đặt cửa bắt đầu không quá đến một dolars Hong Kong.
Tôi cũng bỏ qua trò Sikpo (đặt tiền về những con súc sắc ném từ một cái ống xuống) và trò Keno. Trò này cũng có ở Vegas, và là một thứ xổ số lôtô, cứ hai giờ xổ một lần, với những con số vẽ trên những trái bóng bàn,
Trò Paiko làm tôi lưu ý hơn. Chơi bằng những con bài donmino, nhưng trên có những chữ Tầu. Nhưng chỉ vài phút quan sát thôi, mặc dầu đã được một cô chiêu đãi viên giải thích cặn kẽ cũng đủ thuyết phục tôi rằng: Tôi không bao giờ có thể hiểu nổi được cái trò chơi này, dù tôi có để vào đó cả mười năm của cuộc đời tôi. Vả lại với cái bộ mặt Châu Âu của tôi đứng đó, người ta đã bắt đầu nhìn tôi bằng những khóe mắt sắc như dao. Bỏ rơi cái trò này thôi.
Và đi sang những trò nào nghiêm chỉnh hơn. Liếc mắt nhìn đồng hồ đeo tay: Tôi chỉ còn có năm tiếng đồng hồ và mười lăm phút nữa thôi. Tôi phải chọn lựa giữa trò Baccara (ở đây không đánh trong những phòng kín), trò Craps, trò Blackjack (còn được gọi ở đây là Pontoon), rồi Roulette, quả cầu và trò xe lửa. Roulette và quả cầu là những trò chơi quá thụ động. Tôi chọn trò Blackjack.
Những điều tôi biết về trò chơi này không làm tôi phải rối trí: Chỉ có việc làm sao cho tổng số những quân bài người ta chia cho anh lên đến con số hai mươi mốt. Trong vòng hai mươi lăm phút, mỗi lần đặt tiền cao nhất là năm trăm dolars Hong Kong, tôi thua một số tiền không đáng kể là mười bốn ngàn đô. Tôi đổi sang bàn khác. Cũng không hên gì hơn: Số tiền thua lên đến gần hai mươi bảy ngàn. Nhưng tôi đã bắt đầu hiểu được một vài quy luật đơn giản, mà một anh lính mới tò te như tôi trước đây hoàn toàn không biết. Đại loại là nghệ thuật phải biết “trụ lại” trên những cây bài mà người cầm cái chia cho. Lại chuyển sang một bàn khác để thử nghiệm những kiến thức mới toanh của tôi: Tiền thua trở về dưới hai mươi ba ngàn. Khá hơn rồi, tôi quyết định chơi mười lăm ván nữa. Tiền thua lùi về còn không đến mười bẩy nghìn. Một cái hất hàm của người cầm cái báo động cho tôi biết: Có vẻ tôi đã trở thành nguy hiểm, vì tôi đã bắt đầu được nhiều quá. Chúng tôi đang ở Macao đây, và tôi biết chuyện gì sẽ xẩy ra cho những kẻ nào cứ ngoan cố hốt tiền của sòng bạc: Đến một lúc nào đó, người ta sẽ tùy tiện kéo tay anh ra một cách đơn giản thôi, dù điều đó có làm anh vui lòng hay không. Và tốt hơn hết là anh không nên cự nự lại.
... Trừ phi là, từ trên những thượng tầng thần thánh của ban quản trị, có người quyết định khác đi… Và dường như chuyện đó đã xảy ra cho tôi. Bởi vì một cô chiêu đãi viên, mặc quần áo màu hồng từ đầu xuống đến chân đã hiện ra. Cô ta tiểu chú vài lời vào tai người cầm cái. Anh này tức khắc dịu ngay đi, cười với tôi, và làm hiệu cho tôi tiếp tục đánh. Với kết quả là bốn mươi phút sau, chẳng những tôi đã thu hồi lại được số tiền đặt trước, mà tôi còn lãi thêm được khoảng mười lăm ngàn dolars.
Một tờ giấy nhỏ đến tôi bằng một bàn tay vô danh, tôi vừa quay lại, thì người đưa thư đã tan biến vào trong đám đông đang bao quanh cái bàn tôi đang ngồi. Tôi mở tờ giấy ra: You Must Lose 3 (ông phải thua đi). Đến lượt tôi viết: I am not a loser 4 (Tôi không phải là người chịu thua). Không cần quay lại, tôi cứ cầm mảnh giấy đã gấp đôi giơ đại ra đằng sau. Một bàn tay vô danh đã cầm lấy ngay. Một giờ đồng hồ sau, tôi đã ở mức được bẩy mươi lăm ngàn dolars. Tôi không bao giờ biết được là tôi có nhiều may mắn hay có ai đó đã giúp cho sự may mắn này.
... Bảy mươi lăm ngàn đô mà tôi thua mất một phần lớn ở trò Baccara.
... Và lại được lại một phần quan trọng ở trò Craps...
... Rồi lại thua ngay ở trò Xe Hỏa, sau hơn một giờ chơi.
Nhưng không có lúc nào tôi cảm thấy cơn sốt say mê mà người ta nói cờ bạc thường tạo ra. Có lẽ về mặt tâm lý tôi không thể có cơn sốt này được. Hay là vì chơi bằng một số tiền không phải của tôi. Tôi xem đồng hồ đều đều, và cũng rất ngạc nhiên thấy thì giờ sao đi nhanh quá thế. Còn năm mươi phút nữa đến tám giờ tối, thì tôi trở lại mối tình lúc đầu của tôi, nghĩa là trò Blackjack. Và ở đó, hoặc do sự may mắn hỗn xược của tôi, hoặc do một vài động tác khéo léo nào đó của những người trong sòng bạc, mà tôi được tất cả mọi ván bài. Đến tám giờ kém ba phút, tôi có ngoài một triệu lúc bắt đầu, thêm một trăm chín mươi lăm ngàn dolars nữa. Tôi liếc mắt nhìn thấy những người bảo vệ đã trở lại tìm tôi. Tôi phát ra một câu như sấm vang bằng tiếng Pháp: “Cho nhân viên”, rồi để lại toàn bộ số tiền tôi được bạc trước mặt người cầm cái vô cùng sửng sốt.
Rồi những cô bảo vệ kéo tôi đi một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết.
- Tôi đã yêu cầu ông phải đánh thua số tiền này.
- Tôi không thể thua được. Điều ấy quá sức tôi.
Bà ta yên lặng và bình thản nghiên cứu tôi một lát.
Hai hay ba cô gái đang lăng xăng dọn một bàn ăn tối cho hai người. Cái bàn được kê thế nào để khi ngồi vào thì mụ Đeng và tôi đều quay mặt ra một cửa sổ rộng có kính che. Sau tấm kính là biển Trung Hoa, lác đác có vài chiếc thuyền buồm lẫn với một chiếc tàu chở hàng mà cờ hiệu xa lạ với tôi, nhưng chắc phải từ Quảng Đông tới. Đêm ập xuống, và nói cho ngay, chính bản thân tôi cũng đã muốn ngã gục. Trong ba mươi tiếng đồng hồ vừa qua, tôi chưa được ngủ một phút nào, người tôi đau dần sau cuộc chạy lông nhông ở New York theo gót con bé Tyrol tý hon của tôi.
- Ông có đói không, ông Cimballi?
- Cực kỳ. Tôi phải gọi tên bà là gì? Bà Đeng nhé?
- Miranda.
Tôi kinh ngạc.
- Miranda?
- Xin mời ông ngồi xuống.
Chính tiếng động đã làm tôi phải chú ý: Một tấm màn sắt đang trượt theo rãnh trước tấm kính cửa sổ, biển Trung Hoa bị xóa đi. Đèn trong buồng tắt từng cái một. Trước mặt tôi bây giờ là một màn ảnh chiếu bóng.
- Xin mời ông vừa xem vừa ăn, ông Cimballi.
Hình ảnh đầu tiên đã mang một bức thông điệp. Cuốn phim cỡ siêu tám, đen trắng, có lúc hơi rung, với một sự định hình khủng khiếp, sự thản nhiên câm lặng của những tài liệu lưu trữ, của sự sống bị đánh cắp chứ không phải tái tạo lại. Một cái mặt người hiện ra trong một cận cảnh rất lớn. Đó là một người Tàu. Mồm mở rộng ngoác, người ấy đang thét lên sự sợ hãi hay sự đau đớn trong một im lặng dày đặc. Tôi đã sắp đưa lên mồm tôi một lát thịt vịt quay, tôi phải ngừng lại.
- Ông hãy nhìn xem, ông Cimballi. Tên của người này không quan trọng. Cứ tạm cho đây là một người đã đánh bạc rất nhiều ở Macao, trong một sòng bạc nào đó không rõ. Và đã thua bạc, quá cái số tiền mà người ấy có thể có.
Hình ảnh không di động. Máy quay phim đứng nguyên. Nhưng người đàn ông đó thì động đậy: Người đó lắc đầu, khóc, hai mắt mở to như lồi ra.
- Anh ta đã thua quá nhiều, ông Cimballi. Và ban bảo vệ của sòng bạc nói trên, đã đến thăm anh ta, yêu cầu anh ta trả nợ. Anh ta đã giải thích là không thể trả được. Thậm chí anh ta còn viện ra nhiều lý do chính đáng.
Người đàn ông câm lặng bỗng giật nảy người một cách dữ dội. Và biến khỏi khuôn hình. Nhưng lại trở lại ngay, bị đẩy tới bởi một bàn tay đeo găng, chắc chắn không phải là tay anh ta. Bàn tay giữ chặt cho anh ta phải quay mặt vào ống kính.
- Dĩ nhiên, đây không phải là một thằng cu ly. Được phép chơi chịu trong một sòng bạc đòi hỏi phải trình bày được một số bảo đảm. Chính phận sự người giám đốc sòng bạc, người chịu trách nhiệm về sòng này - tôi muốn nói là chịu trách nhiệm trước những cổ đông, - là phải quyết định xem ai có thể chơi chịu và ai không được chơi chịu. Và tốt nhất cho những người có trách nhiệm này là anh ta đừng có nhầm lẫn nhiều quá trong lĩnh vực đó.
Bây giờ chúng tôi đang ngồi một mình, mụ Tầu Miranda, bởi vì có Miranda thật và tôi. Mụ vừa bình luận cuốn phim vừa ăn, với một giọng thản nhiên, cũng không nhìn lên màn ảnh nữa, như một người đã xem quá nhiều lần rồi và không chú ý đến nữa.
- Thế mà, bất cứ sòng bạc nào thì tự nhiên cũng có lúc đồng ý cho một số những con bạc lớn có khả năng được chơi chịu. Đó là kinh doanh mà.
Ống kính cuối cùng cũng di động đi. Quay xuống từ từ rất từ từ. Hiện ra cái cổ, đôi vai, thân mình ở trần. Lúc đó tôi mới nhận xét thấy người đàn ông như bị hoàn toàn đóng đinh câu rút: Cổ tay và cẳng tay bị những dây thép trói chặt vào một tấm gỗ sù sì.
- Vấn đề những người chơi chịu là phổ biến đối với tất cả các sòng bạc trên thế giới, ông Cimballi.
Ống kính lại di động, thay đổi tiêu cự rất nhanh, để đưa thành cận cảnh một mảng da ngực của người bị hành tội: Tôi thấy một chữ Tầu, kèm theo một cái gì có lẽ là bởi dịch ra tiếng Anh: Cheat (cờ bạc gian). Những chữ có thể đã được viết lên da bằng một bút dạ đỏ, nhưng rõ ràng là người ta đã dùng một mũi dao. Và người ta không hà tiện việc ấn sâu mũi dao xuống. Những cái ghê gớm hơn nữa bây giờ mới tới...
- Ông Cimballi, đó là một vấn đề không có giải pháp hợp pháp. Thế thì phải làm thế nào bây giờ? Bài toán ấy rất quan trọng.
Cái ghê gớm ấy cho tới khi ống kính đi xuống và cho thấy trong một khuôn hình rộng, một cái bụng bị bổ dọc ra, và trong kẽ hở đang òng ọc sủi bọt ấy, một bàn tay đeo găng...
Tôi nhắm mắt lại, rồi quay đầu đi, muốn ói mửa, hai thái dương đánh trống, mình vã mồ hôi.
- Ông có muốn xem thêm nữa không, ông Cimballi?
- Không. Tôi đã nhận được bức thông điệp.
Phải cố gắng một chút nên tôi đã ăn xong nổi được bữa tối đó. Thực ra màn ảnh đã lại nhường chỗ cho phong cảnh biển Trung Hoa. Chúng tôi đã bàn công việc một cách bình tĩnh lịch sự. Chúng tôi đã nói về những con số. Về cái điểm tại sao những người Tầu ở Macao, có gắn bó chặt chẽ với Bắc Kinh, lại sẵn sàng tham gia vào một việc làm ăn trên đất Mỹ, thì Lý và Lưu đã có giảng giải rõ cho tôi hiểu: Những tiền lãi từ các sòng bạc của Macao, từ sự khai thác các khách sạn, các phương tiện giao thông giữa Macao và Hong Kong, thậm chí các xí nghiệp dệt và các xí nghiệp khác trên mảnh đất chính thức là một thuộc địa của Bồ Đào Nha này. Nhưng vai trò của chính quyền Lisbonne ở đây chỉ hạn chế trong việc bảo dưỡng một đội cảnh sát không mấy nhiệt tình, và đài thọ một cách khiêm tốn cho vài tổ chức Tin Lành. Số tiền lãi ấy lên đến và rất có thể vượt quá ba tỷ francs Pháp, dĩ nhiên là đồng francs mới. Mỗi năm Bắc Kinh khấu một phần lớn, cả chính quyền địa phương nữa. Nhưng phần còn lại cũng khá bộn. Đem đầu tư số tiền đó ở Macao thì vô lý, vì ở đây thiếu chỗ. Còn Hong Kong thì đã tự đầy đủ cho mình rồi! Lý và Lưu nói rất khẳng định: “Franz, cậu đến rất đúng lúc. Họ đã đi tìm các thị trường khác. Nếu cậu có thể thuyết phục được họ việc kinh doanh của cậu là tốt, và họ có thể tương đối tin tưởng được ở cậu, thì họ sẽ quyết định rất nhanh”
Miranda nói:
- Tôi đã hứa với ông là sẽ có trả lời vào tối nay.
Mấy cô gái tới dọn bàn ăn đi.
- Trong một tiếng đồng hồ nữa, ông Cimballi, ông sẽ có trả lời. Dù sao tôi cũng phải tham khảo ý kiến của những người hùn hạp của tôi đã.
° ° °
- Tôi có câu trả lời cho ông rồi đây. Ông thấy không, cũng không đến một tiếng đồng hồ nữa.
- Cũng không có gì vội lắm - Tôi nói.
Thực ra tôi đang có một ý nghĩ thầm kín ở đằng sau đầu.
- Ông đặt tên cho cái sòng bạc của ông là gì?
- Con Voi Trắng.
- Ở Á Châu, những con voi trắng là thiêng liêng đấy,
- Có thành vấn đề đối với bà không? Chúng tôi vẫn có thể lấy một cái tên khác.
- Không có vấn đề gì. Cái tên ấy đẹp đấy.
Bà ta đứng cạnh tôi hai thước, hoàn toàn bất động, hai tay buông thõng. Tôi thì ngồi trên giường. Từ khi người ta đổ bộ tôi xuống đây, tôi cảm nhận thấy là đã phải chịu hai cuộc thử nghiệm: Cuộc thử nghiệm về một triệu đồng phải thua hay được, và cuộc thử nghiệm về cuốn phim. Tôi hiểu rằng có lẽ đây sắp sửa là cuộc thử nghiệm thứ ba đây... Về chính thân thể tôi.
Bà ta nói rất bình tĩnh:
- Có một điều vẫn làm chúng tôi băn khoăn, mặc dầu ông đã có giải thích.
- Điều gì vậy?
- Cái người mà sau này sẽ làm quản lý của sòng Con Voi Trắng. Ông chưa tìm thấy người ấy, và...
- Tôi đã giải thích để bà rõ là tôi sẽ mộ được người đó.
- Hãy cứ cho là thế. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó: Chúng ta sẽ không bình đẳng giữa ông và chúng tôi. Không thật sự bình đẳng: Đúng là ông sẽ được chia một nửa phần như chúng tôi, nhưng lại chính ông tuyển lựa người quản lý. Sự thương lượng thế là không bình đẳng.
- Thế bà gợi ý thế nào để lập lại cái thế quân bình ấy?
- Một người phó quản lý. Do chúng tôi chỉ định.
- Thế ai sẽ là người phó quản lý đó? Bà ư?
- Không phải tôi.
- Thật đáng tiếc.
- Người phó quản lý do chúng tôi chọn lựa tên là Caliban. Ông sẽ có một sự bất ngờ đấy. Ông sẽ rất ngạc nhiên đấy, ông Cimballi...
Cuối cùng bà ta nói trong một hơi thở:
- Câu trả lời là đồng ý đối với cái số năm mươi triệu.
- Thật là một sự ngạc nhiên. Nhưng tôi phải có cái số đó vào ngày thứ ba này.
- Mười giờ rưỡi. Tôi đã ghi rồi.
--------------------------------
1 Cimballi de Saint Tropez: Tên gọi theo kiểu một nhà quý tộc.
2 1 dolars Hong Kong bằng 1,07 franc Pháp.
3 Bằng tiếng Anh trong nguyên bản.
4 Bằng tiếng Anh trong nguyên bản.
giavui
05-26-2020, 03:55 PM
CHƯƠNG 11
Marc Lavater đến đón tôi ở Munich. Tôi báo tin cho anh ta biết rằng tôi đã tìm được người hùn vốn, và tôi sẽ có một phó giám đốc tên là Caliban.
- Cái tên kỳ cục! Có phải ở đâu đó trong những vở kịch của Shakespeare không?
- Vở “Bão Tố”.
Marc nhận xét:
- Mình không ngờ là cậu lại cừ về văn học đến thế.
- Tôi đã mua một bộ sách giáo khoa toàn thư mà.
Chúng tôi dông xe đi giữa thiên nhiên trên xa lộ Munich - Salzbourg - Vienne. Thời điểm hôm đó là ngày thứ ba 23 tháng 9, và lúc đó, ở phần này của thế giới là năm giờ rưỡi chiều. Trong người tôi hơi lơ lửng: Máy bay lên thẳng từ Macao đi Hong Kong đi Tokyo, rồi từ Tokyo đi Amsterdam - Chỉ có chuyến này là giờ giấc hợp với tôi - rồi từ Amsterdam đi Munich. Và bây giờ thêm một tiếng rưỡi đồng hồ ô tô nữa. Marc nói:
- Anna không phải chỉ ở một mình. Cậu phải đối đầu cả với ba cô em nữa đấy.
- Cái ấy, kịch của Tchekhov (tôi nửa thức nửa ngủ).
- Cái gì?
- Vở kịch “Ba Chị Em”.
Anh ta nhìn tôi với một con mắt lo lắng, nhưng nói tiếp về những tin tức mới, hay ít nhất thì cũng là mới biết: Đúng là có bốn chị em Moser thật. Anna đúng là chị cả và là người đỡ đầu, ba má Moser đều đã chết cả... Và Karl Gustave Baumer là một người em của mẹ mấy chị em. Như vậy ông ta là cậu của cô bé Heidi.
- Thế có đúng là có một sự liên quan giữa Heidi và Con Voi Trắng không?
- Khẳng định có.
- Thế vì sao tôi đã làm sạt nghiệp mấy cô bé ấy?
- Từ nhiều năm nay, họ thu lợi nhuận của việc khai thác mảnh rừng hay ít ra họ tưởng như thế. Thực ra, từ thời tám kiếp nào đến giờ cái mảnh rừng ấy có đem lại một đồng xu nhỏ nào nữa đâu, và chính lão Karl Gustave đã bỏ tiền túi ra cái số tương đương với mười ngàn dolars mỗi năm.
- Baumer chết bao giờ?
- Tháng Giêng 75. Nhưng chắc lão đã có xếp đặt trước, nên cái số tô tức hàng năm mười ngàn dolars ấy vẫn được trả bình thường cho những năm 75 và 76.
- Thế thì vấn đề là ở đâu?
- Walcher. Ernest Walcher.
- Không biết.
- Hắn là chủ sự bộ phận cho vay trong một ngân hàng ở Bronx, New York. Nghe đâu như hắn là bạn chí thiết của Baumer và vì lẽ: Cả hai đều quê ở vùng Tyrol, tuy rằng đến Mỹ vào hai thời điểm khác nhau. Walcher là người thực hiện di chúc của Karl Gustave.
- Tôi vẫn chưa thấy thế thì tôi làm cái thá gì trong câu chuyện này.
- Chờ một chút! Cách đây ba tuần lễ, vào đầu tháng 9 này, Ernest Walcher đã viết thư cho mấy chị em, mà theo lời lão ta, bây giờ lão mới được biết. Lão báo tin cho mấy chị em biết về cái chết của Karl Gustave, và cũng báo rằng hắn đã thanh lý hết phần gia tài của người chết. Đồng thời, lão cũng gửi cho chị em tất cả những gì mà hắn cứu lại được trong cơn thảm họa này: Mười hai ngàn dolars. Anna Moser là người có thần kinh cứng rắn: Phúc đáp thư, cô ta nói lo lắng về tô tức hàng năm, mà không thấy Walcher đả động gì đến. Trả lời của Walcher: Lão không biết gì về cái tô tức đồng niên ấy, và theo lão, bởi vì số tô tức ấy là do khai thác mảnh rừng mà có, thì chắc chắn là kể từ nay, số đó sẽ không được trả nữa, chiếu theo là mảnh rừng, cũng như tất cả những đất đai cũ của người quá cố đã được bán lại cho một nhà Siêu Đại Tư Bản Quốc Tế Cimballi Franz. Chúng ta đến nơi rồi đây.
Một tấm bảng, chỉ Kossen. Phong cảnh rất mỹ lệ, rất Tyrol, nhỏ xíu. Marc cho xe đi vào phía một cái trại đứng trơ trọi.
- Và đây, cô Anna Moser.
Cô ta nói:
- Tôi xin giới thiệu với các ông em tôi Christel. Và em kia là Erika.
Ở cả ba chị em, màu mắt và tóc của Heidi. Nhưng Marc nói đúng: Nếu cả ba cô gái Tyrol này không phải là không ưa nhìn, nhưng chắc chắn Heidi sẽ là hoa khôi của gia đình. Tôi nói:
- Về phần Heidi, trong trường hợp các cô lo lắng về nó thì xin nói rằng nó rất khỏe mạnh.
- Nhưng chúng tôi có lo lắng gì đâu. Tất nhiên là cả hai ông ở lại dùng bữa tối...
Một thứ bình tĩnh của Tiên Phật. Cô ta đã làm tôi chạy mửa mật nửa quả địa cầu trong vài giờ, nhưng rõ ràng, chả có gì vội vàng phải đề cập đến vấn đề cuộc thăm viếng của tôi. Cả các em cô ta cũng thế: Một chút tò mò, cả thích thú nữa, trong những khóe mắt thỉnh thoảng liếc nhìn tôi. Thế thôi, không có gì hơn. Tất cả mọi chuyện diễn ra cứ y như tôi là một người hàng xóm buổi tối sang chơi. Tôi có đưa ra cái tên Walcher. Anna vỗ vỗ vào tay tôi với một nụ cười đôn hậu: Chốc nữa. Tôi kể lại chuyện nghịch ngợm của Heidi đã làm tôi phải chạy đuổi tìm nó khắp cả New York. Cả ba đều cùng gật gật đầu: “Đúng, em nó rất thích làm những trò đùa. Nó học cái này ở ba tôi”. Và kể lại tất cả những trò đùa bỡn mà cái tay tổ khôi hài Ba Moser này đã làm ở khắp xứ Tyrol. Khi tôi nhìn vào mắt của Marc, thì anh ta nhún vai và nhún lông mày lên, như để nói rằng: “Cậu muốn mình làm gì được bây giờ?”.
Bữa ăn tối rất thịnh soạn: Súp ragu thịt bò kiểu Bulgaria, cá lát chiên với ớt cựa gà, thịt heo nấu với cải thơm, hàng tấn khoai tây đi theo với bánh rán mỡ, bánh kẹp phó mát trắng, sau đó sang đến phần bánh ngọt: Bánh kem mứt vùng Ischl, bánh apfeldstrudel, bánh questsches... ấy là tôi còn chưa kể hết.
- Không phải ngày nào các cô cũng ăn thế này chứ!
Nụ cười rất bình tĩnh của Anna. Chắc chắn cô ta không phải là một người ngớ ngẩn khờ dại đi gửi một đứa em gái mới bảy tuổi rưỡi của mình cho một người không quen biết ở mãi tận New York. Cô ta giải thích cho tôi:
- Chúng em biết là hôm nay các ông sẽ đến đây. Và Goni có nói với em, là các ông ăn nhiều lắm.
Goni! Tôi giữ lấy cái cửa mở ấy và lao vào:
- Goni là ai vậy?
- Gunther Kraus, chồng chưa cưới của em.
Tại sao trước đây tôi lại không nghĩ đến điều đó nhỉ! Chắc chắn là tôi có biết Gunther rồi! Đó là một huấn luyện viên về trượt tuyết ở Aspen, Colorado mà tôi đã kết làm bạn, thân đến mức là đã hai lần anh ta theo Sarah, Marc Andréa và tôi, khi chúng tôi đi trượt tuyết ở Chili, rồi ở những dãy núi ở Canada, dùng trực thăng để đưa lên đầu dốc mà trượt xuống.
- Tôi tưởng Gunther đang ở Colorado.
Anh ta đang ở đó thật. Nhưng không phải lúc nào cũng ở đó, có khi anh ta cũng về Áo, về làng cũ để âu yếm cô vợ chưa cưới. Và đúng lúc anh ta đang ở đây, những huấn luyện viên trượt tuyết thường nghỉ vào mùa hè, thì Anna nhận được bức thư thứ hai của Walcher. Cái thư có nói đến một cái tên Cimballi nào đó... Thế là mọi chuyện đã được giải thích rõ ràng. Hay là cũng gần như thế.
- Goni có bảo đảm với em rằng Heidi sẽ được an toàn khi ở với ông, rằng ông yêu trẻ em lắm.
Anna cười với tôi một cách rất bình thản.
- Chúng em gần như đã hết cả tiền, ông Cimballi. Cái trại mà chúng em đang ở đây, là của cậu em, và ông đã bán đi rồi. Cuối tháng này chúng em sẽ phải ra đi, nghĩa là tuần lễ sau đây thôi. Chính vì thế mà em đã gửi Heidi đến chỗ ông.
- Thế Goni, tôi muốn nói là anh Gunther ấy cũng đồng ý à?
- Không. Goni không biết việc này.
- Gửi Heidi đến chỗ ông là ý kiến của em, ông Cimballi ạ. Chắc chắn là anh Goni sẽ không đồng ý rồi.
Nhưng, trời đất quỷ thần, tại sao cô ta lại làm thế?
- Để ông quan tâm đến nó, và đến chúng em. Và nhất là đến những gì đã xảy ra cho cậu Karl Gustave. Có nghĩa là có chuyện gì đặc biệt đã xảy ra cho cậu Karl Gustave? Ngoài việc cậu ấy đã chết, tất nhiên rồi!
Cô ta không biết. Nhưng theo cô ta, không phải bình thường, khi một người giàu có như cậu ấy...
- Ông Cimballi, ở Mỹ, cậu em có mấy cửa hàng ăn, và một khách sạn rất lớn. Cậu em giàu có. Lần duy nhất mà cậu về thăm chúng em, cách nay hai năm, cậu có cho chúng em xem những ảnh chụp. Cậu có nói rằng sẽ cho tất cả chúng em sang ở với cậu trong cái khách sạn ấy. Cậu về Mỹ, và ba tháng sau thì chết. Và người ta báo cho chúng em cái gì? Là cậu chỉ để lại cho chúng em có mười hai ngàn dolars. Và chúng em chỉ biết tin về cái chết của cậu một năm rưỡi sau. Chẳng có ai nói gì với chúng em cả. Điều ấy thật không bình thường. Em, thì em nói rằng đã có cái gì xảy đến cho cậu đấy. Nhưng em có thể làm gì được bây giờ? Đi sang Mỹ à? Ông thì ông có thể, ông rất giàu, một nghìn lần giàu hơn là những gì cậu Karl Gustave nói. Ông có thể làm được một cái gì đó. Và vì thế, em đã gửi Heidi đến chỗ ông. Nó thông minh lắm. Em có nói với nó là phải làm sao cho ông yêu mến nó, và quan tâm đến nó. Và em nó đã thành công, bởi vì ông đã đến tận Kossen này.
Tôi không nói được một điều gì cả. Và cái đáng kinh ngạc hơn hết là sự hoàn toàn thanh thản của Anna khi cô kể cho tôi nghe câu chuyện của cô. Dường như là tất cả những cái đó là bình thường thôi. Thậm chí tôi còn có cảm giác là nói chung, Anna rất bằng lòng về mình.
Cô ta còn nói:
- Em biết là em đòi hỏi ở ông quá nhiều, ông Cimballi. Nhưng nếu ông có thể giữ Heidi được thêm một chút thời gian nữa, và đồng thời, xem hộ chúng em chuyện gì đã xảy ra cho cậu chúng em, thì đó thật là lòng tốt của ông. Chúng em sắp phải rời bỏ cái trại này, em và mấy em của em. Em đã tìm được một công việc làm ở Imsbruck và Christel cũng thế. Đến mùa xuân sang năm, Goni sẽ trở về, chúng em sẽ làm lễ cưới, rồi với số tiền còn lại và những gì mà Goni đã tiết kiệm được, chúng em sẽ mua một cái khách sạn ở Sanlt Joham. Ông có thể giữ Heidi đến lúc đó được không? Em xin ông, ông Cimballi.
Cô ta có đôi mắt của Heidi, và cũng cái cách nghiêng đầu của nó khi cầu xin năn nỉ một cái gì.
- Em xin ông, ông Cimballi...
° ° °
Cái thằng Cimballi này mới dần độn làm sao chứ! Tất cả rập gẫy, tôi chỉ ở lại Áo có khoảng mười lăm tiếng đồng hồ. Ngày hôm sau, thứ tư ngày 24, tôi đã ra đi từ trước buổi trưa, Munich - New York thẳng một mạch. Marc đi theo tôi. Chúng tôi đã định trước với nhau là anh ta sẽ tiến hành một cuộc điều tra về Walcher và về người đã chết Karl Gustave Baumer. Còn tôi, tôi phải nghĩ trước tiên đến buổi hẹn gặp ngày mai, thứ năm ngày 25, với những chủ ngân hàng ở Philadelphie. Vả lại Philip Vandenberg đã đến đợi tôi về việc này ở phi trường Kennedy: Anh ta xác nhận với tôi là như đã thỏa thuận với Miranda, những nhà kinh doanh Tàu từ Macao đã đến, mang đầy đủ những giấy tờ ủy quyền cần thiết.
Từ phi trường New York, tôi gọi điện cho Rosen: Heidi rất khỏe mạnh.
- Chỉ có điều là nó luôn luôn đòi về với cậu, Franz. Cậu đã gặp mấy bà chị nó chưa?
Tôi tóm tắt lại cuộc gặp gỡ của tôi với Anna cho anh ta nghe. Anh ta ngạc nhiên: Chỉ có thế thôi ư? Thế mà Anna Moser bắt tôi phải chạy sang tận Áo chỉ vì thế thôi à? Và trước hết, “có cái gì không bình thường đã xảy đến cho Baumer” là nghĩa lý gì. Anh ta muốn làm một cuộc điều tra về cái chuyện này, nhưng tôi cảm ơn, nói Marc đang làm rồi.
- Và hôn Heidi cho mình nhé, Jimmy.
Vandenberg và tôi, đến khách sạn Marriott ở Philadelphie vào lúc tám giờ tối. Đối với một người vừa ở Âu Châu tới như tôi thì là hai giờ sáng. Số đại diện của Macao là ba người, trong đó có một luật sư người Mỹ gốc Hoa ở California, có quen lớn với Lý và Lưu và đã có lần làm việc cho Lý và Lưu. Họ nói, với đầy đủ giấy tờ chứng minh là, cái số năm mươi triệu dolars, phần hùn vốn của Miranda đã được chuyển ngay trong ngày hôm nay từ ngân hàng Hong Kong and Shanghai Bank sang Philadelphie. Về phía tôi, tôi cũng xuất trình những giấy tờ nhận thức quyền sở hữu khách sạn ở Atlantic City của tôi và giấy chứng nhận sự chuyển từ Nasan đến một số tiền phụ nữa là hai mươi lăm triệu. Vậy thì tất cả mọi chuyện đã sẵn sàng. Nhưng cuộc bàn cãi về việc làm tờ hợp đồng thành lập hội kéo dài quá xá và đi vào những chuyện mà cả vụn vặt một cách rất Tàu, đến nỗi tôi phải để cho Vandenberg ở lại làm nốt với họ về những chi tiết, còn mình thì trở về đi ngủ vì mệt gần chết. Khi nhìn lại thời khóa biểu của tôi, trong những ngày vừa qua, tôi thấy đến chóng mặt lên được. Thứ sáu tuần trước, Heidi xuất hiện trong đời tôi, thứ bảy, tôi chạy đuổi theo nó trong New York, chủ nhật tôi đi Macao, vừa vật lộn với Miranda, thứ ba tôi đã ở Tyrol, và tôi vừa khép kín một vòng bốn mươi mốt ngàn cây số quanh trái đất. Như thế tôi có lý để được nói rằng đang bở hơi tai ra.
Và tối hôm đó, trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi nhớ rằng ý nghĩ minh mẫn cuối cùng của tôi vẫn là kinh ngạc về sự dễ dàng lạ lùng cái con quỷ cái Anna Moser, cứ phớt tỉnh như không ấy mà làm tôi phải chấp nhận việc săn sóc Heidi. Ồ, tôi không phải là người dễ bị lừa. Với một chút óc tưởng tượng, người ta vẫn có thể tự tìm cho mình cả đống những lý do vững chãi nhất để làm những cái gì mà người ta muốn làm. Trong trường hợp hiện nay, tôi đã tự cho tôi lý lẽ để giữ Heidi lại trước hết là vì con bé, sau nữa là vì Marc Andréa. Tôi có ý định là sẽ đem con tôi lên ở với tôi, khi nào mọi việc hơi ổn ổn một chút: Có Heidi ở bên cạnh, nó sẽ không cảm thấy bị cô đơn giữa những người lớn như mọi lần nó lên đây.
Vả lại ngay sáng hôm sau, Sarah đã ở đầu dây nói. Chuyện kỳ lạ: Cô ta gần như không gây một tí khó dễ nào mà chấp nhận ngay việc tạm dẹp công chuyện những khách sạn của cô ta lại trong ít lâu. Cô ta có hứa với tôi là sẽ suy nghĩ, thì cô ta đã suy nghĩ rồi. Cô ta sẽ nghỉ một mạch sáu tháng liền và chúng tôi sẽ dọn đến ở trong một ngôi nhà mà tôi sẽ đi thuê. “Với điều kiện là để em chọn lấy ngôi nhà ấy kia”, cô ta nói. Tôi hứa chịu tất cả những gì mà cô ta muốn. Chuyện cơ bản là, lần đầu tiên trong đời tôi, tôi sẽ được sống một cuộc sống bình thường: Một người vợ và những đứa con trong nhà với cái công việc nhàn nhã coi sóc sự xây dựng sòng bạc của tôi. Vì, dĩ nhiên là tôi đã báo cho Sarah biết cái tin về Heidi. Cô ta cười lớn: “Em có cảm giác là cái con bé Anna nào đó đã nắm được gáy anh rồi”. Cô ta gợi ý là chúng tôi sẽ đi nghỉ lễ Giáng Sinh ở Colorado là nơi chúng tôi sẽ gặp lại Gunther, nghĩa là Goni. Thậm chí chúng tôi còn có thể mời Anna và tất cả mấy chị em Misen tới dù có vì thế mà làm giảm dân số của cái vùng Tyrol ấy đi. Ừ, mà tại sao lại không nhỉ?
Nửa giờ sau, tôi lại đến với mấy ông chủ ngân hàng. Chúng tôi ký giấy tờ đến mỏi tay. Tất cả đều đã đâu vào đấy: Bốn trăm triệu tiền vay sẽ được nhanh chóng chi ra ngay, và những công việc sửa sang Con Voi Trắng có thể bắt đầu tức khắc. Với cái sự gần như chắc chắn là có thể chính thức khai trương sòng bạc vào mùa xuân 1977, tháng Tư chẳng hạn.
° ° °
Tôi còn có một việc nữa phải hoàn thành.
Hơn giữa tháng sáu, khi tôi đến tham khảo ý kiến của Vandenberg về dự định của tôi, anh ta đã chứng minh cho tôi là phải hội tụ được ba điều kiện cần thiết. Tôi phải tìm được một mảnh đất để xây dựng, hoặc một tòa nhà để sửa sang lại (đã xong), tôi phải tìm được những người cùng hùn hạp (vừa xong) và cuối cùng tôi phải tuyển mộ đâu cho được một giám đốc, một người quản lý sòng bạc, có giấy phép cần thiết do Ủy Ban Cờ Bạc cấp cho đúng tên tuổi, và có những đức tính có một không hai trên đời này. Bây giờ đã đến lúc tôi phải lo về cái điều kiện thứ ba này đây.
Cũng trong ngày thứ năm 25 này, ngay sau khi xong việc với các chủ ngân hàng, tôi đã bay đi Las Vegas. Người mà tôi đang cần ở đó, mà không phải một mình anh ta - Những người đại diện cho Miranda đã nhắc cho tôi nhớ nếu tôi có ý quên - Cái người sẽ là phó giám đốc của Con Voi Trắng, với nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ những quyền lợi của người hùn hạp với tôi. Cái bà Tàu núi lửa ở Macao đã báo trước với tôi là tôi “sẽ được dành một món quà bất ngờ khi trông thấy hắn”.
Ngay cái tên của anh ta cũng đủ để phải kinh ngạc rồi: Caliban.
giavui
05-26-2020, 03:56 PM
CHƯƠNG 12
Suýt nữa thì tôi không nhìn thấy anh ta. Tôi đi cách anh ta có hai bước chân mà không nhận ra anh ta đứng đằng sau một cái túi golf. Một cái bấm nhẹ vào tay tôi.
- Ông Cimballi có phải không? Hoan nghênh đến Las Vegas. Ông đi đường có tốt không, ông đồng nghiệp?
Ngạc nhiên. Chữ này nhẹ quá. Trước hết có cái gì đó là anh ta nói với tôi bằng tiếng Pháp, mà không pha bất cứ cái thứ tiếng Pháp nào đâu: Mặc dầu anh ta có một đôi mất rõ ràng là xếch hẳn lên và một vẻ gì rất Á Đông trên nét mặt, anh ta nói tiếng Pháp với một giọng Miền Nam cực hay, người ta tưởng như nghe một dân chài lưới ở Saint Tropez vậy. Ngoài cái việc ấy ra, anh ta cao lắm là chỉ đến thước mốt thôi.
- Một thước bảy phân đúng, ông đồng nghiệp à.
Từ trên cao chót vót một trăm bảy mươi phân của tôi, tôi ngắm anh ta
- Ông Caliban?
- Chính tôi đây, Trông ông còn trẻ hơn là trong tấm hình. Xin mời ông đi. Một chiếc xe đang chờ chúng ta
Tôi lấy lại được bình tĩnh.
- Chắc ông sinh ở Macao phải không?
- Rất đúng.
- Tại cái giọng nói của ông đấy, Không thể lẫn được Macao! Caliban có phải là tên thật của ông không?
Anh ta cười.
- Chắc chắn là không rồi. Đó là một chuyện đùa bỡn giữa tôi và một cô em họ của tôi. Hồi đó ở trường trung học cô ấy có đóng vai trong vở kịch Bão Tố, và cô ấy đã đặt cho tôi cái tên giễu ấy.
- Cô em họ của anh?
- Thì chính ông đã bàn bạc công việc với cô ta ở Macao đấy thôi. Chúng tôi là anh em họ với nhau. Bố tôi đã lấy một người chị họ của bố cô ta. Tên thật của tôi là Hervé Casalta. Người Corse ở Toulon về phía bố tôi, và người Tàu ở Macao về phía mẹ tôi. Cô em họ tôi gọi tôi là Caliban, còn tôi, tôi gọi cô ta là Miranda.
Một trong những người phụ nữ tóc vàng đẹp nhất mà tôi nhìn thấy từ trước đến nay, đang đi lại phía chúng tôi, mỉm một nụ cười rõ ràng là để gửi cho chúng tôi. Dáng dấp của một cô siêu mẫu áo, cao bằng tôi, thanh tú và rất lịch sự. Anh lùn bỏ tiếng Pháp và nói bằng một thứ tiếng Anh cũng rất chuẩn. Anh ta giới thiệu:
- Ông Franz Cimballi, vợ tôi, Patty, Patty làm một cô lái xe rất đáng yêu cho tôi, vì lái một chiếc xe thường đối với tôi khó khăn lắm. Chân tôi ngắn quá không tới được bàn đạp. Tôi phải đặt một chiếc xe riêng hợp với kích thước của tôi, nhưng vì hôm nay chúng tôi chỉ đi qua Vegas thôi...
Bao giờ người ta cũng cảm thấy ngượng ngùng, và có khi khó chịu nữa, khi đứng trước một người bị tật nguyền. Tôi cũng có cảm giác này trước Caliban, trong những giây phút đầu tiên. Nhưng bây giờ cảm giác ấy đã tan biến đi rồi: Anh ta nói về cái lùn của mình một cách tự nhiên đến nỗi làm cho tôi quên hẳn nó đi. Và tôi phát hiện ra một con người rất đáng chú ý. Chúng tôi lên xe, người thiếu phụ ngồi vào lái, chồng bà ta và tôi ngồi ở phía sau. Caliban nói chuyện. Có thể vì anh ta cho rằng chưa phải lúc đề cập đến những vấn đề quan trọng, hay là vì anh ta không muốn bàn bạc công việc trước một người thứ ba, dù rằng người đó là vợ anh, nên anh ta chỉ nói những chuyện tầm phào thôi. Tôi được biết rằng cặp vợ chồng này sống một nửa số thời gian ở California, một nửa ở Pháp, gia đình của họ tồn tại đến nay đã được năm năm, Caliban thì đã trên bốn mươi (còn Patty trông không quá hai mươi lăm tuổi).
Về Vegas, anh ta nói, tất nhiên là tôi biết rõ lắm. Tôi đã có làm việc ở đó hai lần, tất cả trong bốn năm. Loại công việc gì? Anh ta không nói. Chúng tôi đổ ra đại lộ Stri, vượt khỏi Dunes ở bên trái, và dừng lạí ở khách sạn Caesars Palace. Hai mươi phút sau Caliban và tôi, chúng tôi đã ngồi yên vị trong buồng khách của dãy phòng dành cho tôi. Người đẹp và duyên dáng Patty đã kín đáo lui ra, và lúc đi chỉ khẽ chạm vào tay chồng trong một giáng điệu chỉ rõ sự âu yếm giữa hai người.
- Tôi phải gọi ông bằng tên nào?
- Tên Caliban là được rồi. Tôi đã quen với cái tên ấy. Dù sao thì đối với gia đình tôi và những bạn người Tàu của tôi, cái tên ấy cũng dễ gọi hơn là Hervé.
Người phục vụ mang lên cho chúng tôi những cocktail trái cây và đã lui ra. Caliban nhìn chòng chọc vào tôi bằng một đôi mắt đen xếch rất đẹp:
- Tôi được biết là mọi việc đã ổn cả với những chủ ngân hàng ở Philadelphie. Thế người ta đã quyết định ngày mở cửa sòng bạc chưa?
- Tháng Tư.
Tôi giải thích đó là mùa cờ bạc náo nhiệt nhất ở Atlantic City. Dù sao thì Bang New Jersey cũng mới cho phép gần đây thôi, và nếu có một vài sòng đã có thể hoạt động được rồi, thì nhiều sòng khác cũng còn đang ở trong thời kỳ xây dựng. Con Voi Trắng sẽ vào tốp giữa.
- Tôi có thể gọi ông là Franz được không? Chúng ta có thể xưng hô anh, tôi với nhau bằng tiếng Pháp được không? Đồng ý nhé? Franz, anh có làm cái nghề cờ bạc này bao giờ chưa?
- Chưa bao giờ.
- Còn tôi thì có - anh ta nói - Năm nay tôi 42 tuổi, và tôi quay cái roulette đầu tiên cách nay đã bốn mươi năm ở Macao.
(Sau này tôi được biết thêm bố anh ta là người Corse ở Đông Dương, đã có thành tích cực hiếm là lấy được một phụ nữ Tàu thuộc một gia đình có những lợi tức rất bự ở Sài Gòn Chợ Lớn cũng như ở Singapore, Hong Kong và Macao). Anh ta nghiêng người về phía tôi:
- Trước hết chúng ta phải xác định với nhau về một vài việc lặt vặt đã, Franz. Sự ngẫu nhiên đã làm cho chúng ta sinh ra cùng trên một bờ bể, chỉ cách nhau có vài cây số. Điều ấy có thể tạo nên những sự ràng buộc giữa chúng ta. Thậm chí, có thể có cả tình bạn nữa...
—... Nhưng ở trong việc kinh doanh này là để bảo vệ những quyền lợi của gia đình bên Tàu của anh kia mà.
- Đúng thế! Và tôi sẽ làm cái việc bảo vệ ấy, dù có tình bạn hay không. Bất kể những hậu quả đối với anh. Rõ chứ?
Tôi hỏi:
- Thế những cái chuyện lặt vặt ấy là những chuyện gì?
Caliban cười, chụm vào nhau những đầu ngón tay của một đôi bàn tay nhỏ bé nhưng có vẻ mạnh lắm.
- Chỉ có một chuyện. Tôi là chuyên gia giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực giám sát các trò cờ bạc, ở sòng bạc cũng như ở bất cứ nơi nào khác. Tôi không tự khoe khoang đâu, Franz. Cái người cầm cái hay con bạc có thể đánh gian lận được trước mắt tôi mà tôi không phát hiện ra được ngay, cái người đó chưa đẻ đâu. Anh tin lời tôi hay không tin lời tôi, điều đó hoàn toàn không có một chút quan trọng nào.
- Tôi tin anh.
- Cái người mà anh đến tìm ở Vegas này, để đưa lên làm quản lý Con Voi Trắng tên là gì?
- Chance. Henry Chance.
° ° °
Người ta đã cho tôi cái tên này cách nay hơn hai tháng, vào đầu tháng bảy. Nguồn gốc của thông tin là anh bạn Paul Hazzard của tôi ở San Antonio, Texas, đã có làm với tôi một vài việc trong chuyện đi tìm các mỏ dầu lửa. Phản ứng đầu tiên và ngay tức khắc của Paul khi tôi báo với anh về dự định của tôi là:
“Franz, bỏ đi. Cái môi trường cờ bạc còn xấu gấp cả trăm lần môi trường dầu lửa. Và nói thế là đủ rồi, ở đấy cậu sẽ phải đối đầu với hai loại địch thủ: Hoặc là những con quái vật có thể đặt lên bàn bạc một hay hai tỷ dolars mà không đụng đậy một cái lông nheo mắt, hay là những bọn khác, cái bọn mà tên được tận cùng bằng một nguyên âm. Trong cả hai trường hợp, ván bạc cũng sẽ quá lớn”.
Tôi cố nài nỉ. Cuối cùng anh ta chỉ cho tôi cái tên Chance: “Nhưng hắn không chịu đâu. Mình biết mà. Đã có lần mình định cùng hắn làm ăn, hắn không chịu. Hắn không chịu, sau những ngày bọn nó đã làm đối với hắn”. Và tất nhiên, tôi muốn biết xem bọn nó đã “làm gì” đối với Henry Chance...
Câu chuyện đi ngược lên đến những năm 60, có lẽ còn ngược lên xa hơn thế nữa nhiều lắm nếu người ta biết rằng tổ tiên của Chance đã hoạt động từ thế kỷ trước trong những sòng bạc nổi tiếng trên sông Mississipi. Trong giòng họ Chance, đây là một truyền thống gia đình: Không ai là con bạc, mà chỉ là những người tổ chức đánh bạc. Henry Chance đến Vegas vào năm 1945, ngay sau khi được giải ngũ.
Không có công ăn việc làm ở Vegas, anh ta đi Bahamas là nơi mà bọn cướp ở Cuba bị Castro đuổi phải đến trú ngụ. Anh ta ở đó hai năm, và xin từ chức vị “không hợp tính nết” theo lời giải thích của Callaway. Một thời gian, anh ta đến ở San Juan ở Porto Rico để làm việc trong một chương trình tạo dựng một khách sạn - sòng bạc. Lại từ chức lần nữa, cũng vẫn do anh ta, và lại cũng vì không hợp tính nết. Anh ta đi du lịch, và người ta tìm được vết tích của anh ở Âu Châu, ở Châu Mỹ La Tinh, ở Viễn Đông, ở tất cả những nơi nào có sòng bạc. Tóm lại, đây là một nạn nhân của nghề nghiệp hay của truyền thống gia đình.
Không ở đâu anh tìm thấy một công việc xứng đáng với tầm vóc của anh. Anh ta lúc đó đã mắc một sai lầm duy nhất trong cuộc đời anh: Trở lại làm việc ở Vegas, giữ chức quản lý sòng, không phải trong một cơ sở đã có “thanh trừng”, mà một trong những cơ sở khác hãy còn nằm trong tay bọn “mobs”. Năm tháng sau thì sự việc nổ ra và Chance là người đã gây ra việc đổ bể đó: Chính anh là người đã báo cho Cảnh Sát Liên Bang biết về những sự vi phạm pháp luật xẩy ra trong chính sòng của anh: Bàn bạc gian, và làm “sạch” những số tiền do việc buôn lậu ma túy đưa đến. Anh ra làm chứng khai trước tòa. Sự trừng phạt không chậm trễ: Người ta nghiến nát và cưa bàn tay phải của anh và vì anh cương quyết giữ vững những lời buộc tội của anh, nên một tai nạn xảy ra ngay. Trong khi anh đang cùng gia đình nghỉ mát ở trên bờ bể của Basse California, chiếc xe của anh bị nổ tan. Anh thoát chết, một trong những con gái của anh cũng vậy. Nhưng vợ anh và đứa con gái khác của anh thì bị thiêu sống.
Bình luận của Callaway: “Khả năng đối tượng còn giữ những liên hệ tình cảm bạn bè với giới trộm cướp là hết sức yếu”. Tôi cũng đồng ý với nhận định này: Bị đối xử như thế thì ít ra, cũng phải giận dỗi chứ.
Sau tấn bi kịch này, Henry Chance rời bỏ nước Mỹ. Anh sang sống ở Âu Châu tại Monte Carlo với người con gái còn sống sót của anh - Cô này lấy chồng - Còn lại một mình, anh trở về Vegas sau nhiều năm vắng mặt và trú ngụ tại đó. “Đối tượng không đi đâu nữa. Anh ta sống một mình với một bà quản gia. Không bao giờ anh ta đánh bạc. Mặc dầu vậy, mỗi ngày anh ta ở trong các sòng bạc từ mười lăm đến mười sáu tiếng đồng hồ, đi từ sòng này sang sòng kia”’.
Năm 1976 Chance đã sáu mươi mốt tuổi. Cũng vẫn theo Callaway, tuy không giàu có, nhưng ông có đủ để sống rộng rãi được. Cái trại nhỏ nơi ông ở tại cuối đại lộ Charleston, trên đường đi Boulder City là sở hữu của ông. Tôi chỉ được thấy ba hay bốn cái hình của ông, kèm theo với tập hồ sơ.
Ngày 26 tháng chín, hôm sau ngày tôi đến Vegas và gặp gỡ với Caliban, vào lúc chín giờ kém vài phút sáng, Henry Chance đã ngồi trước mặt tôi.
giavui
05-26-2020, 03:56 PM
CHƯƠNG 13
Trước mặt chúng tôi mới đúng: Vì Caliban đi theo tôi. Chance nhìn chòng chọc vào chúng tôi, từ người này qua người kia. Ông ta hoàn toàn bình thản. Ông nói:
- Tôi đang chuẩn bị đi...
Tôi lấy ở túi ra một trong những tấm phích mà Callaway trao cho tôi. Tôi đọc cao giọng:
- Đối tượng sống một mình, không tiếp một người khách nào trong thời gian sáu mươi ba ngày vừa qua. Việc trông nom một căn nhà sáu buồng được bảo đảm bởi một người nữ lao công tên là Ruth Martinez, năm mươi chín tuổi. Mỗi buổi sáng đối tượng trở dậy vào lúc tám giờ mười lăm. Anh ta ra khỏi nhà vào lúc chín giờ. Hành trình của anh ta không thay đổi trong sáu mươi ba ngày quan sát vừa qua. Bắt đầu anh ta đi xe hơi đến Sahara Hotel và để xe ở đó. Anh ta ở trong khách sạn này khoảng bốn mươi phút, ăn sáng ở đấy mất khoảng mười phút, rồi đi sang phòng đánh bạc. Ở Sahara ra, anh ta đi đến một loạt các khách sạn - sòng bạc chính trên đại lộ Strip, ở trong mỗi sòng khoảng gần một tiếng đồng hồ. Bao giờ cũng đi theo một thứ tự không thay đổi như sau: Sòng Thunderbird, rồi Circus Circus, Riviera, Stardust, Royal Las Vegas, Silver Slipper, Frontier, Desert Lunch. Ăn trưa: Thịt nướng và sa lát hoặc ở Desert Lunch, hoặc ở Frontier, ít khi hơn ở Royal Las Vegas. Rồi taxi, bao giờ cũng đi chiếc do Harry Martinez, con trai của Ruth Martinez lái, đưa đối tượng từ Desert Lunch đến Castaways. Lại tiếp tục đi dạo. Theo thứ tự: Le Sands, rồi Holidays Lunch, Caesars, Flarmingo, Dunes, Bonanza và Aladin. Thường ăn bữa tối ở Caesars. Hiếm thấy hơn: Kết thúc buổi tối ở Hilton bao giờ cũng một mình. Trong mọi trường hợp, dùng chiếc taxi của Martinez để trở về xe riêng của mình vào khoảng giữa một giờ rưỡi đến hai giờ sáng, và trở về nhà.
Tôi ngửng đầu lên:
- Tôi có phải tiếp tục đọc nữa không?
Im lặng. Henry Chance cao hơn tôi, người mảnh khảnh, mặc một bộ quần áo mầu tro rất chỉnh tề. Từ người ông ta toát ra một sự bình tĩnh và tự chủ gây ấn tượng rất mạnh, tưởng đâu như ông ta là một nhà quan sát đang ở trên mặt trăng vậy. Tóc ông ta còn hơn là bạc nữa: Mầu của tuyết. Mắt sáng, nhưng không có sự trống rỗng mơ màng thường biểu hiện ở những cặp mắt xanh hay xám. Ở ông ta, cái nhìn rất nặng nề, đậm đặc, sắc nhọn một cách kỳ lạ, làm cho người khác thấy gần như khó chịu: Đó là đôi mắt của một người đi săn đang rình mồi. Nhất là trong lúc này, khi ông đang đánh giá tôi. Có nghĩa là tôi đã bị theo dõi từ sáu mươi ba ngày nay?
- Hơn thế một chút: Cuộc điều tra mà tôi cho tiến hành về ông đã khởi động tư đầu tháng chín kia. Nhưng chỉ mới trong vòng hai tháng nay thì những người đi điều tra của tôi mới làm cái việc mà họ gọi là một sự theo dõi gần.
Chance cười (chỉ bằng môi thôi, còn đôi mắt vẫn lạnh lẽo).
- Trong trường hợp ấy, tôi chắc phải già đi mất rồi. Tôi chỉ mới phát hiện thấy những người của ông từ sáu mươi mốt ngày nay thôi. Bốn người đàn ông và hai người đàn bà thay nhau. Họ đều ở tất cả tại Showboat Hotel trên phố Fremont. Họ làm việc cho hãng Callaway ở Los Angeles. Những con nhà nghề xuất sắc.
Tôi phá lên cười.
- Nhưng chưa đến mức lừa được ông.
Lại mỉm cười, cũng băng giá như nụ cười đầu tiên:
- Tôi là một người khó lừa được, ông Cimballi. Và vì đang nghĩ về chuyện này, tôi xin nói với ông rằng tôi khá thích cái tên mà ông đã chọn cho sòng bạc tương lai của ông. Tôi đoán rằng ông sẽ dùng con voi làm chủ đề cho chiến dịch quảng cáo của ông chứ?
Điều này bắt đầu đi hơi nhanh đối với tôi. Tôi liếc mắt nhìn về phía Caliban. Nhưng đôi mắt đen của anh ta không để lộ ra một cái gì và không rời khỏi Chance. Hôm qua, anh lùn và tôi đã cùng đi chơi một buổi tối với nhau. Chúng tôi có ba người tất cả, vì nàng Patty kiều diễm cũng cùng đi với chúng tôi. Anh tỏ ra là một người vui tính kỳ lạ, đến mức đánh bạt hẳn anh hề nhà nghề trên sân khấu. Bây giờ thì lại là một Caliban khác trước mắt tôi: Căng thẳng, cảnh giác đến làm ớn sống lưng người đối thoại. Một ý tưởng in chắc vào trong đầu óc tôi: Một êkíp gồm có Chance và Caliban sẽ là êkíp lý tưởng. Nhất là nếu Chance chỉ cần thông minh, tinh quái, hoài nghi và có tài quan sát bằng một nửa những gì mà ông ta đã cho thấy thôi. Tôi hỏi ông:
- Đồng ý là ông đã phát hiện ra được những gã làm việc cho Callaway, nhưng làm sao ông lại biết là họ làm việc cho tôi?
- Tôi đã sống hai phần ba cuộc đời của tôi ở đây, ông Cimballi. Tôi quen biết chín phần mười những người cầm cái, tất cả nhân viên của các khách sạn, quán rượu, hàng ăn và các sòng bạc. Tôi biết từng người cảnh sát một, công cũng như là tư. Trong nhiều năm với cương vị là quản lý sòng bạc, tôi đã dựng lên và kiểm soát một mạng lưới theo dõi cực lớn. Nghề của tôi là phải thu hút những con bạc vào sòng của tôi...
... Và người ta có nhiều hy vọng tìm thấy những con mòng béo trong các dẫy buồng lịch sự của những khách sạn Caesars, M. G.M hay Hilton hơn là ở trong những quán trọ dọc đường cho những tay đi tìm vàng không may mắn ngoài ngoại ô Vegas. Và ông ta đã sử dụng những tình bạn và những quan hệ quen thuộc cũ. Và khi một trong những người của Callaway, tối qua đến tìm tôi ở Caesars để nộp cho tôi bản báo cáo...
- Cimballi. Tên của ông tôi đã có nghe nói. Nhưng ông không phải là một người cờ bạc.
- Hoàn toàn không.
- Nếu ông chỉ thua bạc một ngàn dolars thôi trong vòng từ mười lăm đến hai mươi năm gần đây, ở bất cứ sòng bạc chính thức nào ở Vegas, Nassan, San Juan hay Macao, thì tên ông đã nằm trong các phiếu theo dõi của tôi rồi. Thế mà tôi không thấy có. Tối qua, tôi đã gọi vài cú điện thoại. Cái tên Cimballi cho người theo dõi tôi từ hai tháng nay là ai thế?
- Con Voi Trắng.
Ông ta gật đầu, nhặt từ một cái bàn thấp lên một hộp đựng xì gà rất đẹp bằng vàng khối nạm bảy hạt xoàn. Ông mở ra và xếp vào đó năm điếu havana dấu hiệu xa xỉ ở Mỹ, nơi mà sự nhập khẩu những xì gà từ La Havana vào bị cấm. Ông vừa cười, vừa nói:
- Khẩu phần hàng ngày của tôi đây.
Ông ta chỉ dùng có một bàn tay trái. Bàn tay kia nằm trong một chiếc găng da có màu đúng hệt màu của bộ quần áo. Nhưng trong những gì ông ta vừa nói, có một chữ đập mạnh vào trí óc tôi: Phiếu theo dõi. Ông có những phiếu theo dõi về những tay cờ bạc lớn, được giữ cập nhật “từ mười lăm hay hai mươi năm nay” và chắc chắn là xa hơn nữa. Đó là một dấu hiệu rõ ràng. Không phải ngẫu nhiên mà ông ta nói đến những phiếu ấy. Nói cách khác là ông đã biết tại sao tôi đến thăm ông ta, tôi muốn yêu cầu ông ta cái gì, và ông ta sẽ trả lời tôi ra sao. Vả lại, chính tôi cũng biết những điều ấy nữa.
° ° °
Tôi ở Vegas trong năm ngày. Đó là cách tôi đi học để làm một người chủ tương lai của sòng bạc. Và tôi có ở bên tôi hai chuyên gia xuất sắc nhất có thể có được. Khó lòng mà tưởng tượng ra được hai người khác nhau hơn là Chance và Caliban - Trước hết là về chiều cao và dáng dấp bên ngoài. Nhưng cái đó không phải là cơ bản: Một người lẫn vào nội tâm bao nhiêu thì người kia cởi mở và dễ bộc lộ tâm tình bấy nhiêu.
Nhưng dù sao có một điểm trên đó họ gặp nhau: Sự hiểu biết kỳ lạ về một sòng bạc. Đi thăm Vegas với họ, là đứng từ trong hậu trường để xem một vở diễn trên sân khấu: Mặt trái của bối cảnh.
Ngày đầu, giữa họ, không khí không có gì ngoài sự lạnh lẽo. Cho đến cùng, thì lại ngộ nghĩnh nữa. Họ đã lao vào một cuộc thi đấu thực sự xem ai phát hiện ra trước một sự bất thường nhỏ nhất nào trong những sòng bạc mà chúng tôi lướt qua thăm. Nhưng rồi rất nhanh, giữa một người Tàu - Corse của Macao và một người Anglais - Saxon của Mississipi đã nẩy nở một sự kính trọng lẫn nhau. Sự đồng tình không còn xa nữa. Cái cơ bản là sự đồng tình ấy không phải được xây dựng trên lưng tôi.
Về Caliban, Chance nói với tôi:
- Cái tên lùn ấy là người giám sát các phòng chơi xuất sắc nhất mà tôi biết. Một thí dụ: Khi người ta chia bài, có thể xảy ra, và đã xảy ra rồi, là người đó chia quân ở dưới thay vì chia quân ở trên. Nếu người chơi gian ấy khéo tay một chút, thì ông sẽ không nhìn thấy gì cả. Nhưng có thể là ông sẽ nghe thấy. Bởi vì lúc đó sẽ có một tiếng đen đét rất nhỏ. Những người có thể nghe được cái tiếng đét đó là cực hiếm. Trong sự ồn ào của một sòng bạc, nghe được như thế phải gọi là kỳ diệu. Thế mà, cái tên Caliban của ông ấy, hắn có thể nghe được đấy. Và thậm chí, hắn lại không cần phải ở gần cái bàn chơi nữa. Xin ông đừng hỏi tôi làm thế nào hắn có thể đến được trình độ đó. Tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi. Nhưng hắn làm được việc ấy đấy. Một thí dụ khác nhé: Hắn là chuyên gia về đếm ngược khủng khiếp nhất mà tôi đã được gặp. Và xin ông tin tôi, những chuyên gia về đếm ngược tôi đã được gặp không phải là ít, nhưng hắn là khủng khiếp nhất.
Tất nhiên, tôi hoàn toàn không hiểu đếm ngược là thể nào. Giải thích thì đơn giản thôi. Anh ngồi vào một bàn đánh bài Baccara, lúc bắt đầu ván bài, khi người ta vừa đưa một cỗ bài mới vào trong con quay. Anh phải nhồi vào trong trí nhớ của anh tất cả những con bài nào đã được phát ra, để đến khi con quay dừng lại thì anh có thể nói được là còn những con bài nào chưa ra. Đơn giản thế thôi!
Còn về phía Caliban, thì anh ta nói về Chance như thế này: Franz, trước đây tôi mới chỉ được nghe tên con người này thôi. Những tài liệu của anh về người này là chính xác đấy, và tôi sẽ báo tin cho Miranda biết là anh đã làm đầy đủ phần của anh. Cái lão ấy sinh ra là để chỉ huy một cái sòng bạc, cũng như Nourelev sinh ra là để nhẩy múa vậy.
Và anh ta kể ra cho tôi nghe tất cả những lý do làm cho anh ta tin tưởng ở Chance. Thôi, thế thì càng hay. Đối với tôi, tôi đã học tập được trong năm ngày ấy nhiều hơn là nếu tôi có ở đây trong mười năm...
° ° °
Dĩ nhiên là Henry Chance đã nói với tôi “đồng ý”. Thực ra tôi đã chiếm được sự đồng ý của ông một cách ít khó khăn đến nỗi tôi phải ngạc nhiên.
- Người ta có nói với tôi là ông sẽ không nhận.
- “Người ta" đây là ai?
- Paul Hazzard ở San Antonio. Anh ta cũng có đề nghị ông hợp tác với anh ta, nhưng ông đã từ chối.
- Tôi không muốn có một sự hợp tác. Như vậy là đánh bạc với tiền của chính tôi, và ông đã biết đấy, tôi không bao giờ đánh bạc.
- Và đó là lý do duy nhất hay sao?
- Paul Hazzard không làm sao gom đủ được năm trăm triệu dolars.
Nhưng tôi vẫn có cảm giác là hình như còn có một cái gì khác nữa đây. Chắc chắn là Chance thành thực khi khẳng định rằng ông ta đã từ chối chỉ vì lý do là không muốn đem tiền của ông ta đi đầu tư. Tôi cho rằng tôi đã tìm ra những lý do thực sự của sự việc từ chối của ông. Ông ta thuộc vào cái loại người rất hiếm biết rõ giới hạn những khả năng của chính mình. Đánh bạc cho mình sẽ dẫn ông ta đến chỗ phải đầu tư cả bản thân mình nữa. Có thể là trong công việc đó, vì một tính dễ xúc cảm mà ông ta đã che dấu đi một cách kỹ lưỡng đến thế, ông ta sẽ mất hết phần lớn những khả năng của ông. Nhưng trái lại, nếu hoạt động cho người khác, thì ông vẫn sẽ giữ được mình là một cái máy gần như hoàn toàn hoàn chỉnh.
Tôi bật lên cười to:
- Đồng ý, tôi xin mời ông nhận một công việc làm, chứ không mời ông hợp tác. Và tôi đã gom được đủ năm trăm triệu dolars. Nhưng còn một điều khác nữa...
Ông ta mỉm cười. Mỉm cười thật sự, lần đầu tiên, từ khi tôi quen biết ông ta. Tôi đọc thấy một sự vui vẻ trong đôi mắt xám nhạt và sắc nhọn của ông. Ông nói:
- Duke Thibodeaux. Chắc ông còn nhớ đến ông ta.
- Ông ấy thuộc vào loại người người ta không thể quên được.
Quên làm sao được. Tôi hãy còn giữ trong cổ họng cái vị khủng khiếp của thứ rượu đế của Duke, sản xuất tại nhà, ở Louisiane. Duke Thibodeaux đối với tôi còn hơn là một người bạn già nữa. Trong một thời điểm thực sự hết sức đen tối, tôi đã để mình buông trôi đến nỗi gục vào cái vai già của ông mà khóc nức nở. Ngoài cái việc cho một tên dân Tropez là tôi mượn cái vai để gục vào đó mà tự thương thân, ông ta còn là một người đi tìm mỏ dầu lửa, và một người nấu rượu lậu chính thức và có môn bài.
- Thế ông cũng biết ông Duke à?
Ông Chance cười.
- Chúng tôi là anh em họ với nhau. Ôi! Trời đất quỷ thần! Tôi phải nhớ đến việc khen ngợi cái thằng quỷ Callaway này về sự chính xác của những thông tin của hắn mới được.
Ngày mồng một tháng mười, tôi ở New York. Theo thứ tự giảm dần về chiều cao, chờ đón tôi với cùng một nụ cười ở phi trường Kennedy: Nữ Thần Chiến Tranh, Marc Lavater, Sarah, Heidi và Marc Andréa. Cộng thêm với một cái gì có vẻ là một con chó, dài khoảng bốn mét, đen tuyền, lưỡi đỏ và hay liếm đến trở thành đần độn, được đặt tên là Satan. Gia đình tôi trong một hoàn cảnh đầy đủ nhất.
giavui
05-26-2020, 03:57 PM
CHƯƠNG 14
- Con bé sẽ ở đây đến bao giờ, anh Franz?
Tôi vừa giải thích xong cho Sarah về tình trạng đặc biệt của Heidi. Đây là lần thứ hai, lần trước tôi đã phải làm một cuộc nói chuyện năm mươi lăm phút bằng điện thoại giữa Las Vegas, Nevada và Montego Bay Jamaique.
- Để đến đầu tháng giêng rồi xem sao.
- Tại sao lại đầu tháng giêng?
- Hay trong những ngày lễ cuối năm. Anna và tất cả mấy chị em Moser sẽ từ Áo tới Colorado. Và cả chúng ta nữa. Chính theo ý kiến của em mà anh mời họ. Và ở Colorado, còn có cả Gunther mà em đã biết.
- Em biết. Anh ấy đẹp trai, lại không cười gằn một cách đần độn khi em trượt tuyết trên hai mông đít. Khác với những người khác, mà em cũng biết. Nhưng, anh chưa trả lời vào câu hỏi của em.
- Anh biết! Anh chưa trả lời vào câu hỏi của em.
- Bây giờ, em có một câu hỏi khác.
Tôi biết Sarah đang sắp nói gì với tôi. Không phải là hỏi nữa, mà là nói. Cô ta nói với tôi thế này:
- Anh Franz, không phải là chuyện mới hôm qua đâu. Đối với trẻ em, thì anh bao giờ cũng trở nên hoàn toàn lẩm cẩm. Em còn nhớ cái lần ở Marrakech, cái người đàn bà Đức ấy đã báo cho cảnh sát là có một thằng điên loạn dâm bắt cóc mất bằng máy bay lên thẳng những đứa trẻ khủng khiếp của bà ta. Thằng điên loạn dâm ấy là anh, và anh đã nhồi nhét cho những đứa trẻ tội nghiệp ăn không biết bao nhiêu kẹo “rahat loukoum", đến nỗi sau cảnh sát, lính cứu hỏa, không quân, cảnh vệ, người ta còn phải triệu tập thêm cả một bác sĩ nội khoa nữa. Lẩm cẩm thật sự rồi.
Một lát.
- Nhưng bây giờ thì còn tệ hơn nữa.
Marc Andréa và Heidi đã nhập vào với một nhóm trẻ con khác, và chúng đang tổ chức một cuộc biểu tình chính trị. Có một mình, thì con trai tôi không bao giờ dám đến chơi với trẻ con khác, nhưng với Heidi, thì nó như nổ trời. Chưa bao giờ tôi thấy nó hạnh phúc như thế. Gần như tôi muốn ghen với nó.
- Anh Franz, anh có thể chọn lựa. Anh có thể chờ mười hay mười hai năm nữa rồi lấy nó làm vợ.
- Em thông minh đấy.
- Anh có thể, tất cả chúng ta có thể sang trú ngụ ở Áo, tại Sankt Joham trước mặt cái khách sạn mà Anna và anh chồng chưa cưới rám nắng đẹp trai của cô ta sắp mua, hay sắp xây, em cũng không biết nữa...
- Mua! Cái khách sạn ấy đã có rồi.
- Hoặc là, anh có thể nhận nó làm con nuôi.
Im lặng. Bỗng tự nhiên tôi cảm thấy mệt mỏi muốn chết được. Đã quá sức chịu đựng. Kể từ giữa tháng sáu, khi tôi đổ bộ xuống New York để báo cho Philip Vandenberg biết ý định của tôi muốn mua một cái sòng bạc, cho đến nay, tôi không ngừng chạy đôn, chạy đáo. Nhưng thôi hết rồi, hết trong một thời gian dài, có thể là rất dài nữa. Tôi có đằng trước mặt mình cả một giai đoạn dài yên tĩnh. Henry Chance và Caliban còn ở lại Vegas. Sự có mặt của họ ở Atlantic City lúc này chưa cần thiết. Họ sẽ đến xem qua cái khách sạn và những bản thiết kế tân trang của các kiến trúc sư, rồi họ lại trở về Nevada và ở đấy họ sẽ làm việc tuyển mộ nhân sự rất lớn, những người chuyên môn cao cần thiết cho chúng tôi vào mùa xuân sang năm. Đối với tôi, tóm lại là chỉ còn có trông nom công việc xây dựng. Đến tại chỗ, tôi muốn nói là đến Atlantic City mỗi tuần một lần, và có lẽ cũng không cần đến thế. Là quá đủ rồi. Tôi cười với Sarah. Tôi kéo cô ta lại với tôi:
- Anh đánh cuộc rằng em đã biết từ nay đến mùa xuân, chúng ta sẽ đi đến đâu để ở rồi.
Cô ta liếc nhìn tôi bằng cặp mắt xanh mọi khi, lắc đầu và đáp lại nụ cười của tôi. Cô khoác tay tôi, và chúng tôi cùng đi như một cặp vợ chồng già mà con cái đang chơi trong một công viên vào một buổi sáng mùa thu dịu hiền, thơ mộng ở New York, trong cái rực rỡ của cây cối vùng Nouvelle Angleterre. Cô nói:
- Long Island, anh ạ.
Một con tính nhanh, gần như là tự nhiên: Từ đó đến Manhattan, tôi chỉ mất nhiều lắm là bốn mươi nhăm phút. Long Island được lắm.
- Em đã tìm được một cái gì ở đấy chưa?
Cô ta đã đi xem cả nhà nữa rồi, trong khi tôi còn bận ngắm những người đẹp ở Vegas. Đó là một căn nhà kín một phần lớn, không quá mười hay mười lăm buồng, kiểu nông thôn ở Anh, có cây dây leo thường xuân phủ, có hành lang, vườn rộng và bãi cỏ trải dài xuống một cái hồ nhỏ có bến thuyền bằng ván. Có cả nhà để một chiếc tàu con.
- Và anh thử đoán xem chúng ta sẽ có ai làm hàng xóm nào?
Tôi nói lên một cái tên cầu âu nào đó, cái tên đầu tiên đến trong óc tôi:
- John Lennon và bà Nhật Bản của anh ta.
- Cái anh này! Bởi vì đúng là họ thật.
Và thế là được xả hơi. Bởi vì chúng tôi đến ở Long Island thật, cùng với hai đứa trẻ, hợp với nhau còn hơn là chị em ruột thịt. Chúng đã thiết lập được quan hệ ngoại giao với cậu con trai rất trẻ của ông hàng xóm, cựu Beatle của chúng tôi, nhưng ông con trai Lennon Junior này mới nhiều lắm là lên ba, nên sự trao đổi quốc tế này mới ở giai đoạn viếng thăm theo nghi lễ thôi. Vả lại Heidi còn phải đi học, theo ý kiến của Sarah. Và khi Sarah đã chắc chắn là mình đúng về một cái gì đó thì tranh cãi với cô ấy cũng cầm bằng như thuyết phục sông Nile là phải chảy ngược dòng lên đầu nguồn. Vì vậy cô ta đăng ký cho cô bé Tyrol của chúng tôi vào một trường học ở gần đó, không thèm đếm xỉa gì đến đề nghị của tôi là thuê một gia sư về nhà dạy, vì cơ bản là cô ta không thích cái kiểu ấy.
- Thế rồi mỗi buổi sáng ai sẽ đưa nó đến cái trường thổ tả ấy?
- Anh chứ ai nữa, ông nội - Cô ta nói - Đừng tìm kiếm gì nữa, em đã thấy rồi.
Và nhìn tôi với một vẻ vui thích mỉa mai châm chọc:
- Ai muốn có một cuộc sống gia đình bình thường nào? Anh muốn phải không? Thế thì anh đã có đấy.
Vả lại, cô ta nói đúng. Về phía cô, cô cũng đã cố gắng lắm, và từ khi tôi biết cô đến nay, đây là lần đầu tiên cô chấp nhận việc đặt những lo lắng về nghiệp vụ của cô - Nghĩa là quản lý các khách sạn - Xuống hàng thứ hai. Cô đã nghỉ sáu tháng theo chế độ đi nghiên cứu. Với Heidi, giữa phụ nữ với nhau, và trong một thời gian cực kỳ ngắn, cô đã xây dựng được một sự đồng tình thực sự, và thường thường là trên lưng tôi. Con bé Tyrol đã chinh phục được cô ta, và ngược lại cũng có. Còn tôi thì là một thứ bung xung. Tuyệt vời!
Căn nhà không bao giờ vắng người, một phần do lỗi của Sarah: Cô ta có cái tài tổ chức đời sống xã hội rất hữu hiệu của người Anglais - Saxon. Có những ngày chủ nhật hay ngày nghỉ học, cả đến buồng làm việc của tôi cũng không tránh khỏi biến thành chi nhánh của một trường mẫu giáo. Trong những trường hợp ấy tôi phải bơi xuồng ra giữa hồ để trốn. Ở đó may ra thì không có người đến đòi tôi chữa một cái đồ chơi, cắt một cái bánh ngọt, hay tệ hại nhất là hát một bài nào đó.
Có lẽ vào khoảng cuối tháng mười, khi Marc Lavater đến nghỉ cuối tuần, anh cũng đã phải cùng bơi xuồng với tôi ra giữa hồ.
Anh nói:
- Về vấn đề của Karl Gustave Baumer đấy! Trời đất, ở đâu ra hàng triệu đứa trẻ con trong nhà cậu thế này? Cậu định làm kinh doanh chăn nuôi trẻ con hay sao đây?
- Bồ của Heidi đấy mà. Nó mời cả lớp đến ăn bánh, rồi lại có cả những bồ của bồ nó nữa.
- Anh Marc này?
- Cái gì?
- Xin anh đừng hỏi tôi về vấn đề có giữ Heidi lại với chúng tôi không và trong bao nhiêu lâu nữa.
Anh cười đồng ý.
- Nhưng anh có thể nói với tôi về ông cậu Karl Gustave, hay gọi theo tên mật mã K.G.
- K.G. đến nước Mỹ vào mùa thu năm 1941. Lúc đó anh ta mới có 23 tuổi, gần 24. Cũng phải dẫm chân tại chỗ một thời gian rồi mới lọt qua được Sở Di Cư của Mỹ. Theo anh ta, thì sở dĩ phải rời bỏ nước Áo là do sự bất hòa với một cái tên Adolf Hitler nào đó từ năm 38 đến 41...
Hai tháng sau khi anh ta vào nước Mỹ, thì cái nước Mỹ này cũng bước vào chiến tranh. K.G. đầu quân đi Thái Bình Dương.
- Và từ đó trở về, ngực đeo đầy mề đay?
- Khi trở về cậu ta có đầy đủ quyền lợi: Có quốc tịch Mỹ, mua lại một cái quán bán dồi nóng bằng số tiền phụ cấp giải ngũ. Đọc chưa thông viết chưa thạo, nhưng bán dồi nóng thì hết xẩy. Mua được một cửa hiệu đầu tiên ở Bronx, rồi một cái thứ hai ở Manhattan. Năm 53, mua một quán bia đầu tiên. Không phải cái loại xa xỉ phẩm đâu: Một loại quán mà khách hàng có thể vừa uống bia, vừa ngốn một vài thứ đặc sản Áo và Đức.
- Và anh ta làm giàu.
- Cũng không hẳn thế. Khách hàng lúc đó chỉ gồm những người làm công cỡ nhỏ.
- Đại loại các tài xế xe taxi chẳng hạn. Không phải bọn bụi đời, nhưng cũng không xa thế lắm, trong một số trường hợp K.G. sẵn sàng cho họ ăn chịu, khi họ không có tiền để trả. Phần đông cũng là những dân di cư mới đến như cậu ta. Có thể nói cả Âu Châu đến cái quán đó, nói tiếng Anh còn chưa sõi nữa kia. Baumer ngự trị trên cái thế giới ấy. Cậu ta là một người tốt bụng, bị móc túi luôn nhưng cũng cóc cần. Tuy vậy vẫn tích trữ được khá nhiều dolars, có lẽ bởi vì cậu ta gần như không tiêu pha một đồng nào cho chính mình cả. Bất động sản duy nhất của cậu ta ngoài cái quán bia ấy, là một căn nhà một phòng ở Greenwich Village. Và cậu ta đã ở đấy cho đến cuối cùng.
- Không trở về Áo à?
- Lúc đó thì chưa. Người ta không biết tại sao cuối cùng cậu ta lại biết rằng có một người chị ruột còn sống và lấy một người tên là Moser. Lúc đó là vào năm 56. Baumer về Áo một lần đầu tiên.
- Heidi chưa đẻ.
- Nhưng Anna thì rồi, cô bé mới lên một. Chính trong chuyến đi này, Baumer đã mua cánh rừng và cái trại, mà anh ta tặng cho, hay nói đúng hơn là tặng số tiền khai thác được cho người chị và người anh rể. Và khi cái xưởng cưa xẻ không còn làm ra được một tý tiền nào nữa thì Baumer kín đáo thay thế vào đó. Tôi đã nói: Đây là một gã tốt bụng mà.
Trong khi Marc nói, tôi phải bơi xuồng cho khỏi bị lạnh buốt.
- Baumer trở về Mỹ. Từ 56 đến 72, công việc làm ăn của anh ta vẫn phát đạt một cách khiêm tốn. Đến mức anh ta bỗng có một ý nghĩ hơi điên rồ: Tậu một cái khách sạn. Không phải để đầu tư vốn hay làm giàu. Mà chỉ để vui chơi với bồ bịch thôi. Có lẽ cũng còn vì cậu ta từ thuở nào đến giờ vẫn mơ ước có được một cái khách sạn của riêng mình. Như thế để sau khi cho bạn hữu ăn uống thì có thể cho họ cả chỗ trú ngụ nữa. Một người lãng mạn dưới cái bề ngoài của một anh bán xúc xích. Cái kiểu nhớ nhung những đêm vui chơi múa hát ở Vienne ấy mà, cậu biết đấy. Trong số những bạn già của Baumer, có người đã được biết Atlantic City vào cái thời huy hoàng của nó. Có lẽ những người này đã nói chuyện với K.G, nên lão chỉ muốn mua ở City chứ không ở đâu khác nữa.
Tôi vẫn tiếp tục chèo xuồng, hai chân giá buốt. Những chuyện trôi nổi của Karl Gustave không có gì làm tôi say mê lắm. Tôi giơ một ngón tay trỏ lên:
- Có thể ngắt lời anh được không?
- Ngắt đi.
- Cái tay viết thư cho Anna Moser ấy...
- Lão Walcher.
- Đúng, Walcher. Lão ta đi vào câu chuyện này vào lúc nào?
- Từ đầu. Khi Baumer mua cái tiệm xúc xích đầu tiên, hắn đã vay tiền ở một ngân hàng gần đấy tại Bronx. Và chính Walcher ngồi ở quầy của ngân hàng. Hai người quen biết nhau ít nhất cũng là từ 1945, cả hai đều quê ở cùng một vùng của Tyrol, nhưng Walcher hơi già hơn một chút và đã di cư sang Mỹ từ năm 1933...
- Cái năm tốt lành.
- Walcher sẽ giữ vai trò làm kế toán cho Baumer. Và khi tay này có trong đầu cái ý định tậu một khách sạn, thì tự nhiên là đến tìm Walcher, lúc đó đã thăng chức ở ngân hàng, để hỏi vay bốn trăm ngàn dolars. Khách sạn ở Atlantic City được đặt giá là năm trăm ngàn.
John Lennon đang chơi ở trên bãi cỏ với con trai của anh ta, anh ta vẫy tay làm hiệu cho tôi. Tôi giơ một mái chèo lên. Marc vẫn tiếp tục lải nhải.
- Walcher giải thích cho Karl Gustave là anh ta “tob cái con tườu” gì đó...
- Tobsuchtig: Nghĩa là điên.
—... Nhưng cuối cùng vẫn cho vay tiền. K.G mừng lắm. Hội hè liên miên trong cái đồ chơi mới ấy của anh ta với những bồ bịch mà anh ta chở đến City trên những chiếc xe ca cũ kỹ. Anh ta mất tiền vào đó, nhưng thăng bằng được ít nhiều thu chi bằng tiền lãi của các quán bia. Anh ta góa vợ, không có con, và rõ ràng là đã mất hết liên hệ với gia đình ở Áo. Nhưng khi được tin - tôi không biết do đâu - là anh có bốn đứa cháu gái mồ côi, thì anh ta đấm ngực và vội vã làm chuyến thứ hai chạy sang Áo.
- Cái chuyến đi mà Anna đã nói chuyện với chúng ta ấy phải không?
- Đó là chuyến duy nhất mà cô ta nhớ được, vào năm 1956 thì cô ta còn bé quá. Khi Baumer trở về theo Walcher thì...
- Anh có gặp cái tay ấy không, cái cha Walcher ấy?
- Có. Hắn cho tôi một cảm giác không sầu lắm. Khoảng sáu mươi chẵn, kín đáo, không có bề thế gì lắm. Điển hình của một công chức kiểu mẫu. Chắc chắn là hắn rất yêu mến Baumer.
Tôi bắt đầu thấy ớn sống lưng về cái việc cứ chèo mãi thế này. Nhất là cứ quay vòng tròn trong hồ.
- Ở Áo trở về, Baumer cảm thấy rất ân hận. Anh ta muốn làm hàng đống việc cho mấy cô cháu gái, nhưng hoàn cảnh không được tốt lắm: Anh ta mất khá bộn tiền vào cái khách sạn. Cái đội quân nửa bụi đời mà anh ta mời đến, bây giờ ở lỳ ở đó, và xua đuổi những khách hàng thực sự có trả tiền. Và nhất là sau đó, Karl Gustave đã gặp được ái tình...
- Thế nào? Thế nào? Cậu có thể nhắc lại một tý?
- Ái tình. Lúc đó là vào năm 1974, nghĩa là lão đã năm mươi sáu tuổi. Con quỷ hồi xuân giáng xuống.
- Brun!
- Đúng thế! Brun! Người đẹp trẻ hơn ba mươi tuổi. Đó là một trong những cô hầu bàn cũ trong tiệm bia. K.G bị tiếng sét ái tình: Và anh mua cho em một cái măng tô em yêu, và đây, một cái vòng cổ, và hay là chúng ta đi nghỉ mát ở vùng nhiệt đới đó? Rồi đi thật. Walcher phải thuê một thám tử đi theo gót họ và chính đích thân anh ta cũng phải đi đến Nassan là nơi Baumer đang du dương để cố lôi kéo anh ta về với lý trí, nhưng vô hiệu. Karl Gustave vui chơi thích thú quá, không nghĩ đến chuyện về và những số tiền phải trả góp cho ngân hàng. Đây cậu xem này!
Marc đưa cho tôi một bức ảnh, cái kiểu chụp bằng flash trong các hộp đêm! Người ta thấy một lão già sáu mươi, mặt mũi đỏ gay như mặt trời mọc, mồm cười toe toét, đầu đội một cái mũ giấy làm hề, tay bám vào một mụ tóc vàng, trông cũng ỏng ẻng thôi, nhưng mà có da có thịt.
- Cái ảnh này chụp ở đâu và vào lúc nào?
- Acapulco, bên Mexique. Vào ngày 4 tháng giêng 1975. Ở một cái hộp đêm nổi tiếng, La Perla. Bốn ngày sau thì Karl Gustave chết. Nhồi máu cơ tim.
- Bị ám sát?
Marc lắc đầu:
- Không, Franz. Mình đã phái một người đến tại chỗ, cái chết rõ ràng là do nhồi máu cơ tim. Chứng cớ là báo cáo của một bác sĩ ở địa phương, và cả những nhận xét của một bác sĩ Mỹ đang nghỉ trong cùng một khách sạn với Baumer. Thêm nữa, Walcher đã yêu cầu mổ tử thi.
- Trời đất! Tại sao vậy.
- Walcher đã yêu cầu sau đó, khi bọn Caltani, hay đúng hơn Olliphan, đã thò mặt ra muốn mua lại cái khách sạn của Baumer. Walcher không phải là một thằng ngu hoàn toàn, nên thấy Baumer chết như thế, rồi Olliphan muốn mua khách sạn, hắn đã có nghi ngờ. Nhưng kết quả mổ tử thi cũng xác minh là nhồi máu cơ tim.
- Thế cái mụ kia có được để lại gia tài gì không?
- Không.
- Mụ ấy bây giờ còn không?
- Tôi mới gặp mụ ta cách đây ba ngày: Làm người bán hàng trong một cửa hàng lớn.
- Tại sao Walcher để chậm trễ đến thế rồi mới báo tin cho chị em Moser biết về cái chết của ông cậu họ.
- Trả lời, một cách ngốc nghếch thôi: Vì hắn không nghĩ đến làm cái việc đó. Hắn không chính thức là người thực hiện di chúc của Baumer. Thật ra, trước hết hắn là người đã đứng ra bảo lãnh cho Baumer vay bốn trăm ngàn ở ngân hàng nơi hắn làm việc, và khi Baumer bắt đầu làm một thằng khùng thì hắn bị lâm vào một hoàn cảnh không tốt đẹp gì lắm. Thêm nữa, chính hắn cũng có bỏ tiền túi ra cho lão K.G vay hai mươi lăm ngàn nữa. Tôi đã kiểm tra tất cả những giấy tờ của hắn: Nói chung, có thể thấy rằng hắn đã làm hết sức mình để thu xếp câu chuyện.
“Còn em, thì em thấy có cái gì không bình thường đã xảy đến cho cậu Karl Gustave...” Những câu nói này của Anna lại trở lại trong đầu tôi.
- Marc, anh không thấy có gì khả nghi chứ? Không thấy một chút xíu nào chứ?
- Không thấy một chút xíu nào.
- Walcher có quen biết Olliphan không?
- Chỉ mới biết vào năm 1975, khi Olliphan đến tìm hắn để nói rằng những thân chủ của anh ta, nhưng Walcher hiểu ngay những thân chủ ấy là bọn Caltani, chú ý đến cái khách sạn của Baumer. Đó là một giải pháp rất được việc cho Walcher: Hắn đang bị lao đao với ban giám đốc của ngân hàng đấm trên lưng hắn, thúc giục hắn phải thanh toán cái hồ sơ cho vay.
- Cái việc bán cho Olliphan, hay bọn Caltani, là vào lúc nào?
- Tháng 7 năm 1975.
- Bán bao nhiêu?
- Khoan, không phải đơn giản thế đâu. Bọn Caltani đã mua tất cả những gì thuộc về Baumer: Khách sạn, tiệm bia, căn nhà một phòng, mảnh rừng và cái trại ở Áo. Chúng mua lại hết. Mới nhìn, thì tưởng không phải chúng nó lợi trong việc mua này.
- Anh nói rằng, những quán bia chạy tốt kia mà?
- Chạy tốt trước tháng chín 1974. Nhưng để lấy tiền đi du hí ở Mexique, Baumer đã rút ở đây ra tất cả cái gì có thể rút được. Chẳng những lão ta đã ngừng trả tiền góp cho ngân hàng, mà lại còn trút hết tiền trong két ở các nơi và cầm cố hết các cơ sở. Bọn Caltani đã mua được cả khách sạn, quán bia, bằng cách trả hết các khoản nợ cho ngân hàng và cho các chủ nợ khác, trả cả lãi và tiền phạt chậm trễ.
- Marc, chúng đã trả tất cả là bao nhiêu?
- Trong khoảng tám trăm ngàn dolars.
Và tôi, tôi đã mua lại cái khách sạn thối ruỗng ấy với hai mươi lăm triệu dolars.
- Mẹ kiếp, Marc, anh thấy không: Nếu cái lão Walcher chờ tám hay mười tháng nữa hãy bán, thì có phải cái khách sạn ấy giá đã lên gấp mười không.
- Lão không thể chờ được, Franz. Lão bị ngay cái ngân hàng của lão thúc vào lưng, rồi còn mấy cái tiệm bia thì đều đã cầm cố hết, hàng đống người đến thúc ép, la hét như một đàn chó sói. Và bây giờ thì chúng ta cũng mới biết là cờ bạc được cho phép mở, chứ vào tháng bảy năm 75, thì làm sao Walcher biết được.
- Nếu bọn Caltani cho lão biết.
- Tại sao bọn chúng lại cho lão biết! Nếu chúng biết được cái tin ấy thì chúng dại gì mà đem la làng lên.
“Và em, thì em nói rằng có cái gì không bình thường đó...” Nhất định, tôi muốn biết cho rõ về chuyện này.
- Marc, tôi muốn yêu cầu Người Anglais đi một vòng xem sao?
- Và làm lại tất cả cuộc điều tra mà tôi vừa mới làm xong à?
- Anh đừng mếch lòng.
- Thế chưa đủ để mếch lòng à?
- Marc, mẹ kiếp! Tôi đã bỏ ra năm mươi cục gạch vào cái Con Voi thổ tả này rồi!
Im lặng. Marc cúi đầu, mặt khó đăm đăm. Anh lại ngẩng đầu lên.
- Đồng ý. Cậu có lý.
Anh ta còn cố cười được nữa, và chỉ ngón tay trỏ ra phía trước:
- Thằng con trai cậu có vẻ đang vui thích thật sự.
Tôi nhìn theo ngón tay của Marc và phát hiện ra Marc Andréa đang dẫn đầu Trung Đoàn 7 Kỵ Mã. Trước đây, mặc dù có Sarah và thỉnh thoảng hơn, cả tôi nữa đã hết sức cố gắng, nhưng nó vẫn là một đứa trẻ cô độc. Sự xâm nhập của Heidi vào cuộc đời của nó, vào cuộc đời của chúng tôi, đã thay đổi nó hoàn toàn.
- Marc, tôi không muốn dính dáng một tí gì với bọn Caltani.
- Việc mua bán giữa cậu và bọn chúng là hợp pháp. Cậu không bắt buộc phải mời chúng đến ăn tối.
- Nhưng chúng lại xây dựng sòng bạc ở bên cạnh cái của tôi.
- Có hàng đống người xây dựng sòng bạc ở bên cạnh cái của cậu. Vả lại, chính cậu muốn có một sòng bạc kia mà.
° ° °
Chiều tối hôm ấy, thì tôi liên lạc được với Người Anglais đang ở trong tòa lâu đài do tổ tiên của anh để lại. Đấy là lần thứ hai trong vòng ba tháng, tôi phải nhờ đến công việc của anh, giá đắt lòi mắt ra, nhưng hiệu quả, thì theo chỗ tôi biết, không nơi nào bằng được.
- Ernest Walcher, ghi nhận rồi - Anh nói.
- Tôi muốn biết tất cả về người này. Những sự di chuyển của anh ta từ hai năm nay. Muốn biết anh ta có lương thiện không, từ trước tới nay vẫn lương thiện, hay mới trở thành lương thiện, và có hy vọng giữ được sự lương thiện ấy không? Sự liên hệ của anh ta với James Montague Olliphan và gia đình Caltani thế nào?
- Nghĩa là tất cả?
- Tất cả. Nhất là xem hắn có cất giấu tiền ở đâu đó không?
- Anh cũng biết rõ rằng điều này là gần như không thể được rồi với sự bí mật của ngân hàng.
- Anh làm sao cho tốt thì làm. Chưa phải tất cả. Tôi muốn biết làm thế nào, bao giờ và tại sao, Karl Gustave Baumer tự dưng lại trở thành thằng khùng, chẳng hạn như không đóng những tiền góp cho ngân hàng để trả góp nợ vay mua cái khách sạn ở Atlantic City. Tôi muốn biết hoàn cảnh tài chính chính xác của anh ta trong năm trước khi anh chết và sau khi chết. Ngoài những điều khẳng định của Walcher.
- Còn gì nữa không?
- Còn. Cái mụ đàn bà ở với Baumer tại Acapulco bốn ngày trước khi hắn chết.
- Lý lịch toàn bộ. Và xem mụ ta có tiền tiết kiệm để ở đâu không. Và xem có kẻ nào đã đẩy mụ vào vòng tay của Baumer?
Một trong những ưu điểm của Người Anglais là anh ta hiểu rất nhanh.
giavui
05-26-2020, 03:57 PM
CHƯƠNG 15
Atlantic City cách lễ Giáng Sinh ba ngày. Trời rét một thứ rét Siberia. Mưa tuyết và gió từ Đại Đương thổi vào càng làm rét đậm hơn. Tôi như bị đóng băng tại chỗ, Henry Chance cũng vậy, tuy ông đã mặc trên mình khá nhiều áo lông để có thể đủ qua một mùa đông ở Bắc Cực. Đường nét trắng dài vô tận của bãi bể ở sau lưng chúng tôi. Trước mặt là mặt tiền của những khách sạn, nhà trưng bày nghệ thuật, tiệm cà phê, quán ăn, nhà hát. Bên phải và bên trái chúng tôi chạy đến tận chân trời là đại lộ Boardwalk.
Chiếc ghế mây hai người ngồi có gắn máy còn cách chúng tôi khoảng một trăm thước, nó đang mở hết tốc lực để tiến lại gần, nghĩa là cũng chỉ nhanh hơn người đi bộ một chút. Cái xe này không có gì là kỳ cục ở đây. Nó cũng bình thường như hàng trăm chiếc khác và làm thành một đặc điểm của Atlantic City. Chỉ có điều, trên xe là Caliban và Phu Nhân. Chúng tôi đang chờ họ, Chance và tôi, đã hơn mười phút rồi.
- Ông thấy thế nào?
Tất nhiên câu hỏi đó của tôi là cho ông quản lý sòng. Đây không phải là lần đầu tiên ông ta đến thăm Con Voi Trắng, cả ông ta và Caliban vẫn thường đều đều đến đây, nhất là trong những ngày đầu tháng mười, khoảng một tuần lễ sau cuộc gặp gỡ của chúng tôi ở Las Vegas. Vào lúc đó, những công trình sửa sang mới vừa bắt đầu thôi. Chance đã để ra hai ngày tròn để nghiên cứu những bản vẽ tân trang ngôi nhà của các kiến trúc sư. Nói chung ông tán thành tất cả, chỉ gợi ý một vài sửa đổi chi tiết. Với lại, nguyên tắc chung xây dựng một sòng bạc - khách sạn là đơn giản, đơn giản đến thô bạo: Phải làm sao cho cờ bạc có mặt ở khắp nơi, làm sao cho mỗi gian phòng, mỗi hành lang, mỗi nhà ăn, quầy rượu, thậm chí đến cả sân chơi tenis, bể bơi cũng phải là những cái bẫy tinh vi và thú vị căng chung quanh một con bạc tiềm tàng. Với cái điểm mà Chance nhấn mạnh nhiều lần, là phải làm sao cho có sự khác biệt cơ bản giữa một sòng bạc ở Vegas, và một sòng ở đây, bên bờ Đại Tây Dương, ở Vegas có cái nóng nặng nề của mùa hè, gió thổi suốt ngày trong mùa đông, còn sa mạc thì bao quanh nên có thể giam chân khách chơi vào trong cái khuôn viên dành cho họ và chỉ cho họ thỉnh thoảng lắm mới có lúc thoát ra được: Họ bị bắt buộc phải đánh bạc. Họ là tù binh của “vòng bao vây địch” (Chance dùng danh từ này bằng tiếng Pháp ngay trong khi ông nói tiếng Anh). Ở City không có “vòng bao vây địch”. Tất cả vấn đề là ở chỗ đó. Ông đã nói với tôi, ông còn nhắc đi nhắc lại với cái thói gàn gần như ám ảnh thích sự chính xác.
Và lại còn cái chuyện các sòng ở gần nhau quá. Chắc chắn là các con bạc sẽ luôn luôn chạy từ một sòng này sang sòng khác, trái với những gì diễn ra ở Nevada.
Tóm lại, là phải dự kiến Con Voi Trắng trên những đặc điểm của Atlantic City, nhằm vào hai loại khách: Loại do khách sạn cung cấp, và loại vãng lai có thể thay đổi sòng ba đến bốn lần trong khoảng thời gian một tiếng đồng hồ.
Vào thời của Baumer, Con Voi Trắng có hơn bốn trăm căn phòng. Sau khi sửa sang, dung lượng của nó sẽ là bảy trăm tám mươi phòng, thêm hai mươi bốn dãy phòng cực kỳ lộng lẫy nữa. Thế là đủ rồi, ông Cimballi. Giả thiết là tất cả các phòng đều có người ở, thì như thế cho là có một ngàn rưỡi khách, về mặt thống kê, như thế có nghĩa là sẽ có bảy trăm tám mươi người ở chung quanh các bàn bạc.
Êkíp của Lupino cũng đã làm một cuộc nghiên cứu về vấn đề này. Theo những kết luận của họ thì: Vào giờ cao điểm nhất của ngày nghỉ cuối tuần, “dân số trong các phòng đánh bạc” sẽ gồm có hai mươi mốt phần trăm do bộ phận khách sạn cung cấp, số còn lại là khách vãng lai. Nhưng số liệu của Lupino và của Chance phù hợp với nhau. Hệ quả là rõ ràng: Nếu bảy trăm người là thể hiện của một phần năm dân số trong các phòng, thì người ta có thể trông đợi có được từ ba nghìn đến ba nghìn năm trăm con bạc - Theo toán học thì con số người này, cứ năm tiếng đồng hồ thì lại thay mới một lần - Như thế nghĩa là ba nghìn hai trăm năm mươi nhân với năm: Mười sáu ngàn hai trăm năm mươi người đến chơi mỗi ngày.
Số người này nếu có cái lịch sự là để lại tiền cho chúng tôi theo như những tỷ lệ ở Vegas - Mà tại sao họ lại không làm thế nhỉ? - Nghĩa là hai trăm dolars bình quân mỗi đầu người, thì sẽ để lại ba triệu hai trăm năm mươi ngàn dolars. Với cái tỷ lệ, tỷ lệ thánh thiện và nổi tiếng hai mươi phần trăm trên “drop”, thì có thể nói như thế sẽ phải đưa lại sáu trăm năm mươi ngàn dolars tiền lãi mỗi ngày. Trừ hai mươi phần trăm tiền chi cho việc làm náo nhiệt phòng đánh bạc, còn lại năm trăm hai mươi ngàn, vẫn tính theo mỗi ngày.
Thế là Con Voi Trắng, cũng như những bạn hữu của nó ở City và Vegas (nhưng trái với ở Bahamas và Porto Rico, mỗi cửa có giờ) hoạt động hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn và ba trăm sáu mươi lăm ngày mỗi năm.
Vậy phải nhân năm trăm hai mươi ngàn với ba trăm sáu mươi nhăm: Một trăm tám mươi chín triệu tám trăm ngàn dolars mỗi năm. Khoảng bốn mươi triệu dolars đồng niên - Hai mươi triệu francs Pháp mới mỗi tháng. Trên số tiền đó, trước khi ghi nhận được số lãi thực sự đầu tiên, còn phải hoàn lại bốn trăm triệu cộng với tiền lãi, vay của ngân hàng ở Philadenphie.
Sẽ không phải là một sòng bạc giống như những sòng khác. Nó cũng có một vài thiết bị riêng chỉ nó có thật, nhưng cái độc đáo cơ bản, cái độc đáo to lớn của nó là nằm trong sự áp dụng một ý kiến của tôi, và ý kiến đó đã cơ bản được thực hiện vào cái thời điểm cuối tháng chạp này.
Nhưng dù sao, cũng giống như những sòng khác, Con Voi Trắng sẽ được tập trung vào một phòng chơi. Hơn là tập trung nữa kia: Thực ra quanh phòng này, trên phòng này, và để phục vụ nó mà đã dự kiến bố trí từng chi tiết nhỏ một. Phải làm sao để cho sự đi xuyên qua phòng này trở thành bắt buộc và sự có mặt của nó trở thành gần như một sự ám ảnh. Ngay từ cửa vào, ngay từ khi đến phòng tiếp đón, cả một hệ thống thang máy phục vụ các lầu là ở ngay gần các bàn đánh bạc.
Phòng chính trải dài trên hơn mười ngàn thước vuông. Nó được nối ra thêm bởi một dãy phòng khách để làm một khu vực “riêng” thứ nhất, cho những tay chơi chỉ muốn ngồi riêng với nhau thôi. Phòng chính tung các chân rết đi khắp các hướng, lên khắp các tầng lầu, và đến tất cả các phòng thể hiện bằng những khe bỏ tiền, những “máy xu” mà số tiền cao nhất thu được cũng lên đến cả triệu dolars. Cũng còn được thể hiện bởi những màn ảnh nhỏ video chỗ nào cũng có, đặt trước mặt người khách chơi, dù người đó đang ở nơi nào đó trong chín phòng ăn, tám quầy rượu... trên bờ những bể bơi, ở những sân thể thao hay ngay cả trong “Spa” là những phòng tắm bằng nước suối đặc biệt kiểu La Mã ngày xưa có thể nhiều người cùng vùng vẫy trong một bể chứa đầy nước jactizzi nóng sủi bọt. Nhờ những màn ảnh nhỏ đó, người khách có thể tùy ý mình theo dõi canh bạc ở bất cứ bàn nào mà người đó lựa chọn, và không chỉ bằng điện toán, thậm chí từ trong sự kín đáo của buồng tắm trong mỗi phòng ở, người ta vẫn có thể đặt tiền ở các bàn roulette, các cuộc xổ số, có cả loại xổ số Keno như tôi đã thấy ở Macao.
Phòng chính sẽ chứa đựng ba trăm năm mươi bàn bạc trong số đó sẽ có một trăm năm mươi bàn Blackjack và bốn mươi bàn roulette, những máy xu sẽ vào khoảng hơn sáu nghìn cái. Bảy trăm cô gái đẹp ăn mặc hở hang sẽ không có nhiệm vụ nào khác là lo săn sóc những vị mê say các máy này, sẵn sàng bất cứ lúc nào để phân phát những chiếc khăn ướp nước thơm dùng lau tay, vì việc vận hành những cái máy lỉnh kỉnh và nhấp nháy này là chúa làm đen tay, và nhất là lúc nào cũng tỉnh táo để luôn luôn đưa các thẻ tiền cho khách bỏ vào máy: Những cô gái sẽ mang giữa hai vú một cái ống đựng các thẻ này, và chỉ cần bóp vào một bên vú là sẽ có những thẻ tiền mà khách muốn.
Ngoài chín phòng ăn, tám quầy bạc, những bể bơi, phòng Spa, những phòng đánh cầu, phòng thể dục dụng cụ, những phòng xoa bóp, và hệ thống truyền hình nội bộ chỉ truyền đi những tin tốt lành, sẽ còn có ba sân khấu, một dãy cửa hàng, một ngân hàng, một phòng télex... Ấy là vội chưa kể hết đấy.
Ảnh hưởng của Henry Chance là đặc biệt mạnh mẽ đối với vấn đề an ninh. Những đòi hỏi của ông ta về vấn đề này rất lớn, ông ta nài nỉ phải có cho được một sự bố trí còn nghiêm khắc hơn là ở trong những sòng lớn của Vegas, vì lý do ông tin chắc rằng các bài toán về an ninh ở đây còn lớn hơn rất nhiều so với ở Vegas. Vẫn cái thuyết “Vành Đai Chống Địch” của ông. Và cũng vì lý do cảnh sát của Atlantic City nói riêng và của New Jersey nói chung không được dạy dỗ kỹ như ở Nevada, ở đó, ăn cắp những thẻ chơi của một sòng bạc, bất luận bằng cách nào đi nữa cũng được coi như một tội trạng còn nghiêm trọng hơn rất nhiều là ám sát năm mươi người bằng một cái cưa máy. Henry Chance không tin rằng một thứ tâm địa lành mạnh như vậy lại có thể có được trên bờ Đại Tây Dương này. Theo ông, những cảnh sát địa phương, chưa hiểu và sợ rằng sẽ không hiểu nổi tất cả sự nghiêm trọng của vấn đề. Điều này làm ông lo lắng. Cũng như ông lo lắng là thế giới trộm cướp của New York có cơ cấu chặt chẽ hơn, đông đảo hơn, tàn bạo hơn, và về mặt chính trị cũng được bảo vệ hơn là bọn ở Nevada - lý tưởng đối với con mắt của ông - mà ông không nói dỡn đâu, là phải xây dựng một bức tường Berlin thực sự ở giữa Atlantic City để ngăn cách các sòng bạc với phần còn lại của thành phố, thậm chí với phần còn lại của cả nước Mỹ nữa kia.
Các kiến trúc sư đã nhất nhất theo sự gợi ý của ông: Một người khách vào Con Voi Trắng, đi đến phòng tiếp đón, rồi đi một thang máy lên lầu một. Người đó khi đến nơi, sẽ có cảm giác là mình đã lên đến đúng trên đầu phòng chơi chính, nhầm rồi. Thực ra giữa tầng lầu một chính thức và phòng chơi chính ở giữa còn có một tầng khác, diện tích của phòng chơi, đặt đúng trên phòng chơi, không có cửa sổ, hoàn toàn có điều hòa nhiệt độ, sự ra vào chỉ dành riêng cho “nhân viên được phép”, có bảo vệ ăn mặc thường phục canh gác bên ngoài, ở trong phòng này, mà người ta có thể gọi là một Đài Chỉ Huy, có cả một hệ thống kỳ lạ những máy móc kiểm tra mà tôi chưa từng thấy bao giờ, có thể làm cho những nhà chuyên môn của NASA cũng phải ghen tức. Một phòng chơi bao giờ cũng được gắn kính ở trên tường và trên trần, không phải là một sự ngẫu nhiên đâu. Vì phải bố trí những máy quay phim và những người canh gác thế nào cho khỏi lộ liễu, mỗi bàn chơi sẽ được theo dõi bởi hai, thậm chí ba máy quay phim video, quay liên tục, ghi lại tất cả trên băng từ. Như vậy hễ hơi có sự nghi ngờ về một bất thường nào đó - Mà Chance lại là người rất dễ nghi ngờ - thì người ta có thể không những theo dõi trực tiếp ván bạc nghi ngờ, mà còn có thể chiếu lên một màn ảnh khác những hình ảnh quay chậm để nghiên cứu, bất kể bao nhiêu lần nếu cần thiết.
Máy quay phim đặt ở tất cả mọi nơi, kể cả ngoài phòng chơi, ở tất cả nơi nào công cộng của khách sạn, chỉ có các buồng riêng là được miễn thôi. Và không nên nói khích Chance, chứ nếu không ông sẽ bắt canh gác cả những nhà vệ sinh nữa đấy! Máy quay phim quét cả ngoại vi bên ngoài của các ngôi nhà, toàn bộ bãi để xe lớn ở dưới hầm, tất cả mọi con đường đi vào sòng, kể cả trên mái nhà. Và kèm theo là các máy micro, có thể từ phòng kiểm tra, mở lúc nào cũng được. Như vậy một người canh gác có thể bất cứ lúc nào, ghé mắt nhìn vào bất cứ điểm nào trong Con Voi Trắng, bằng cách mở bất cứ một màn ảnh nào ở trong tay anh ta, và nếu cần thì ghi lại cảnh tượng đó cả hình lẫn tiếng - Thêm nữa một người làm nhiệm vụ canh gác, thì chính bản thân anh ta sẽ bị một người sếp canh gác theo dõi anh ta - và người sếp này thì sẽ bị một đội đặc biệt để ý tới, bản thân cái đội này sẽ được kiểm tra bởi những người phụ tá của Chance và đích thân Caliban. Tất cả cái thế giới đẹp đẽ này cuối cùng nằm dưới con mắt đa nghi Tào Tháo của Chance. Có thể phát điên lên được.
Muốn đánh bạc trong một sòng bạc, người ta cần phải có những cái thẻ thay tiền. Con Voi Trắng sẽ có những thẻ riêng của nó, mang biểu tượng của nó và do một nhà chuyên môn - mà không phải bất cứ nhà chuyên môn nào đâu - chế tạo ra. Tôi sẽ không theo như mọi người đi đặt làm những thẻ này ở Nevada, mà ở Pháp kia, do hãng Bourgogne và Grasset ở Beaume làm. Những thẻ ấy sẽ được chuyển sang đây từng ít một, do một đội chuyên chở được chọn lọc rất kỹ lưỡng. Những thẻ này có giá trị từ một đến một nghìn dolars. Tiền đặt tối đa được quyết định là hai nghìn dolars. Có thể đổi tiền để lấy những thẻ này hoặc trực tiếp ở ngay bàn chơi, hoặc ở két trung tâm (nơi này tất nhiên là một thành trì ghê gớm, bởi vì lúc nào nó cũng giữ thường trực từ hai đến ba triệu dolars tiền mặt cùng với mười hai triệu dolars bằng thẻ). Trong trường hợp đòi tiền trực tiếp ở bàn, thì người trưởng bàn phải nhét ngay tiền mặt nhận được vào trong một cái khe được bố trí vào việc này, cái khe ấy được một ống hút thông với két trung tâm đưa tiền đến đó, không phải qua tay người. Một hệ thống máy điện toán kiểm tra liên tục sự lưu thông của các thẻ, hoạt động của mỗi bàn đến đâu sẽ được kết toán đến đó, từng giờ một. Thêm nữa, mỗi ngày bốn lần, mà không phải vào những giờ cố định, toàn bộ số thẻ sẽ được đếm lại. Tất cả những sự bất thường nào cũng sẽ được báo cáo ngay tức khắc. Tất nhiên, không ai cấm được một người khách mua một trăm ngàn dolars thẻ, rồi đem những thẻ này nhét vào một cái túi, và xách cái túi về chôn ở trong vườn của người đó: Chuyện khó xảy ra, nhưng có thể xảy ra được lắm. Thế thì sự biến mất này phải được ghi nhận ngay. Và nhất là, phải tức khắc phát hiện ra sự xuất hiện của những thẻ lạ, từ trước đến nay chưa được tài vụ tính tới. Sự đưa vào những thẻ dỏm, về mặt lý thuyết là có thể được, tuy rằng mỗi thẻ của Con Voi Trắng - cũng như của tất cả các sòng - đều có một thiết bị điện tử bí mật để người cầm cái có thể chỉ sờ tay vào là xác định được.
Sự kiểm tra chung này lại còn được tăng cường ở từng bàn một, bởi sự kiểm tra bí mật của những người được huấn luyện riêng. Đây là một trong những chức năng của Caliban, với chức vụ là phụ tá quản lý thứ nhất, đặc trách các phòng chơi, anh ta tỏ ra rất xuất sắc trong cái loại hoạt động này - Đi nhẩn nha dạo quanh một cái bàn nào đó, chỉ liếc mắt nhìn qua là anh đã có thể ghi nhận được số người chơi, số thẻ đặt trên bàn, số tiền của những tay chơi bỏ ra (gọi là drop), và suy ra tức khắc, ở cái bàn đó sòng đang được hay thua và thua được bao nhiêu.
Thế mà Caliban lại là một người lùn: Vóc người của anh ta không cho phép anh ta nhìn được mặt bàn, Ngay từ hồi ở Vegas, anh ta đã dùng những cà kheo bằng kim loại, và trông anh đi lại như vậy cũng không đến nỗi buồn lắm! Nhưng anh còn để dành một phương tiện tốt hơn thế nhiều: Anh đã cho gửi từ Macao đến - không phải một mà tới bốn bộ để đề phòng trục trặc - những dụng cụ thiệt kỳ quặc. Nói chung nó giống như những cái ghế của trọng tài sân quần vợt mà còn được nâng cao hơn nữa kia. Nhưng ở Wimbledon hay ở Roland Garos chưa bao giờ lại thấy một trọng tài ngồi trên cái ghế đó mà đi vòng quanh sân trên những bánh xe và đồng thời gọi điện thoại hay trao đổi với bạn bè và gia đình bằng radio. Caliban thì có thể làm được việc đó, thậm chí anh còn có thể, chỉ cần bấm một vài cái nút nào đó, kéo một cái cần nào đó ở tay ghế là có thể cho một màn ảnh ở phòng kiểm tra hoạt động và chiếu lên đấy hình ảnh của bàn chơi làm lưu ý đội theo dõi đến cái bàn này, mà không phải nói một tiếng nào cả. Cũng ngồi trên ghế đó, anh liên tục liên hệ với Henry Chance. Những bánh xe cao su của bộ máy của anh chạy không có một tiếng động, có thể tự quay ngang quay dọc đi về phía trước hay lùi về phía sau. Động cơ điện hoàn toàn im lặng. Và thật là một sự kinh ngạc rất khó chịu là hoàn toàn không nghe thấy gì cả nhưng bỗng nhiên cảm thấy có cái gì hay có ai đó ở sau lưng mình, quay lại xem thì bỗng đứng tim lại vì thấy một tên lùn cao hai mét rưỡi đang từ trên cao đó nhìn mình bằng môt cặp mắt đen, xếch, to tướng.
- Cậu chịu tớ chưa hả!
- Chắc là chịu rồi! Thế cậu định di dạo trong phòng chơi như vậy hay sao?
- Đúng thế, ông đồng nghiệp của tôi ạ. Và đó sẽ là một cách quảng cáo rất tốt. Anh ta nói không phải không có lý. Anh ta lại có cả ý định cải tiến cái xe máy ấy nữa, sẽ cho làm thêm một cái ghế phụ, thấp hơn cái ghế của anh và để Patty ngồi vào đó.
- Thế cậu có biết Patty sẽ làm gì trong khi minh đi lại ngang dọc giữa các bàn? Đan áo! Franz, cô ta rất thích đan lát.
Henry Chance thì hơi cằn nhằn, ông không mê gì cái kiểu lố lăng như vậy trong sòng của ông. Ở ông có sự tồn tại một cách kỳ lạ một bộ óc xảo quyệt và đa nghi nhất mà tôi chưa từng thấy, cùng với một thứ thanh khiết về đạo lý. Ông ta có cái gì của một ông thầy tu chiến sỹ. Chính đích thân ông đã đứng ra chọn lựa hàng nghìn nhân viên cho sòng. Ông biết rõ phần lớn bọn họ từ nhiều năm nay, thậm chí hàng chục năm nay nữa, nhưng ông vẫn nhìn tất cả như những người có thể gian lận. Nếu chưa bao giờ ông bắt được họ quả tang, thì không phải là vì họ lương thiện, nhưng chỉ đơn giản là vì những biện pháp phòng ngừa của ông hay của những quản lý sòng khác đã không để cho họ ăn cắp được. Ông ta đã kiểm tra cả những cái ghế lăn của Caliban, để xem có dấu diếm một thiết bị nào có thể, chẳng hạn, làm rối loạn sự vận hành của các roulette không. Tôi tỏ ra ngạc nhiên về sự cẩn thận ấy.
- Ông Henry. Caliban là đại diện cho những người cộng tác Tàu của tôi, hiện ông có tin rằng anh ta có thể phản bội lại những người chủ của anh ta không?
- Tôi phải chịu trách nhiệm trước những người Tàu cũng như trước ông, không thể tin ai được.
- Thế còn tôi, ông Henry, ít nhất ông cũng tin tôi chứ.
Đôi mắt ông ta nặng nề và lạnh lẽo:
—Tất nhiên là không.
Thế mà chính tôi là người thuê mướn ông ta! Nhưng phải thông cảm với ông ta mới được. Tất cả cái tổ chức khổng lồ này chỉ nằm trên một đôi vai của ông thôi. Tôi cũng không quên rằng giấy phép do Ủy Ban Cờ Bạc cấp mang tên ông, và chỉ một mình tên ông thôi. Pháp luật là khắc nghiệt: Chỉ cần một buổi tối nào đó, một tên khốn kiếp tuồn được lên bàn craps những con xúc xắc gian lận, ở đời bao giờ cũng có những thằng ngu, chỉ cần có một thằng ngu thôi để sự vi phạm pháp luật được một người đại diện vô danh của Ủy Ban xác nhận, thế là ngay trong giờ phút đó, giấy phép bị thu hồi, và sòng bạc bị đóng cửa tức khắc.
- Franz, chuyện đó đã xảy ra ở Vegas. Cái thằng tuồn được những con xúc xắc gian lên bàn bạc không phải là thằng ngu. Tất nhiên, nó đã lãnh đủ sáu tháng tù, nhưng ở tù ra nó đã nhận được một trăm ngàn dolars. Mà không phải là đắt giá đâu, vì tiền là do một sòng khác trả cho nó. Sòng này cạnh tranh với cái sòng bị vi phạm và đã làm cho sòng đó bị đóng cửa hàng bao nhiêu tuần lễ. Tôi không muốn việc đó lại xảy ra ở sòng của tôi.
Tôi cũng có một số ý kiến về Con Voi Trắng - có cái thì hoàn toàn ngu xuẩn, đến nỗi Chance và những người khác phải cực lực phản đối - nhưng Henry cũng đã chấp nhận một vài cái. Thí dụ: Để trong hai hòm kính vững chắc, ở ngay giữa phòng chính và giữa sảnh ra vào hai triệu dolars, một triệu bằng giấy bạc một dolars và một triệu bằng đồng tiền vàng. Trên mỗi hòm kính để một cái bảng mang dòng chữ: “Bạn có thể đoạt được ở đây triệu này”.
Trái lại, Chance đã cương quyết từ chối đề nghị của tôi cho những con voi non thực sự, có những cô quản tượng xinh đẹp ăn mặc không nhiều quần áo lắm chăn dắt đi lại trong phòng chính.
- Thế trong vườn thì sao?
- Cũng không được. Chúng ta sẽ bị tất cả những người bạn của súc vật trên Châu Mỹ này làm khó dễ ngay. Vả lại, tôi cũng không muốn chỉ huy cả một sở thú nữa.
Cuối cùng tôi đành phải bằng lòng với những giải pháp rút lui như vậy: Tất cả những ai thua ít nhất là một nghìn dolars sẽ được gắn tặng một con voi bằng ngà dài hai Centimetre. Con voi mini này sẽ bằng bạc nếu tiền thua lên quá mười ngàn dolars, và bằng vàng nếu quá một trăm ngàn. Và nếu ai có thể được bạc một trăm ngàn hay trên nữa thì sẽ được gắn tặng một con voi bằng thép. Sự trao tặng những chiến tích này - tôi trông đợi ở sự háo danh, người ta sẽ đánh nhau để được đeo những con voi này lên ve áo - sẽ được tổ chức ở một căn phòng đặc biệt, trong một buổi lễ càng huy hoàng bao nhiêu tùy theo số tiền thua bao nhiêu. Căn phòng này sẽ được gọi là Nghĩa Địa Của Những Con Voi.
Tôi cũng đã lôi kéo được Henry Chance phải chấp nhận thêm một con voi nữa: Con voi này sẽ an ủi tôi về tất cả những con voi khác mà tôi không đạt được ở đây: Nó sẽ bằng kim loại mạ vàng, cao mười chín thước, và muốn vào sòng bạc theo lối sau, đối diện với lối vào bằng cửa ở Boardwalk, thì người ta phải đi qua giữa các chân của nó, đi bằng xe hơi cũng được.
giavui
05-26-2020, 03:57 PM
CHƯƠNG 16
Sáng hôm sau chúng tôi đi Colorado. Chúng tôi đây nghĩa là Sarah, Marc Andréa, Heidi và tôi, thêm Nữ Thần Chiến Tranh làm công việc giữ trẻ. Đó là một người khổng lồ dịu dàng, đầy căng nội tiết tố, trong suốt tuổi thiếu nữ ở quê hương Đông Đức đã được nhồi không biết bao nhiêu chất gây đồng hóa. Cô ta chắc chắn là có thể cõng nổi cả bốn chúng tôi trên lưng, nhưng cũng chỉ cần một câu nói hơi quá là có thể oà lên khóc nức nở ngay.
Ở Aspen, chúng tôi gặp lại Gunther Krans tức Goni, chồng chưa cưới của Anna Moser. Tôi cảm ơn anh ta một cách mỉa mai nhất có thể được về món quà anh tặng tôi. Anh ta thấy ngượng ngùng, cái anh Goni đẹp trai ấy:
- Tôi không dính gì vào đấy đâu, Franz. Tôi chỉ có nói rằng anh rất tốt, nhất là đối với trẻ em. Anh biết không, Anna nhiều khi có những ý kiến rất kỳ cục.
Đúng là anh ta muốn mua cái khách sạn ở Sankt Joham thật để cưới cái cô Anna của anh ta. Gunther là một huấn luyện viên về trượt tuyết như các bà thường mơ ước: Đẹp trai, rám nắng, vui tính, dễ dãi. Tất nhiên tất cả đều cho phép đoán trước được rằng trong gia đình tương lai của họ, thì Anna sẽ là người sỏ mũi chồng. Còn cái giả thuyết có một âm mưu chống tôi, với Heidi làm ngòi nổ và sự đồng lõa của Gunther, thì cái giả thuyết ấy không thể đứng vững được. Tôi biết anh ta đã bốn năm nay và đã cùng trượt tuyết với nhau nhiều lần, vì trượt tuyết là môn thể thao duy nhất mà khi lối chơi gây ra tức khắc một sự phá lên cười của tất cả mọi người chung quanh.
Như đã dự định, ba chị em Moser đổ bộ xuống Aspen vào sáng ngày 24. Chúng tôi đã cùng nhau qua lễ Noel một cách rất thích thú. Nhưng Colorado không phải là nơi tốt nhất để có thể từ đó chỉ huy mọi chiến dịch trên các thị trường tài chính quốc tế và theo dõi sự xây dựng một cái sòng bạc trên bờ Đại Tây Dương. Ngoài những lý do đó, theo chỉ thị của Sarah thì thời gian nghỉ đông của Heidi đã hết và nó phải về đi học nên chúng tôi đã trở lại Long Island.
Trở về đến nhà, vừa gặp lại ông láng giềng John Lennon người Beatle Cơ Đốc thì chuông điện thoại đã réo lên như điên.
Trước hết là người Anglais, anh ta gọi điện cho tôi chủ yếu là để chúc tôi năm mới tốt lành và để nói với tôi rằng anh ta chẳng có gì để nói với tôi cả. Rồi đến Hassan Fezzali, chúc mừng năm mới. Còn ông ta, tốt, cảm ơn, tim ông đã trở lại những nhịp đập bình thường. Ông nói thêm kín đáo, ông hiện đang ở Rome sau khi đã “có ở Caine và Riad. Hoàng thân và tôi đã cố giải quyết một vài vấn đề còn tồn đọng”. Ông không nói dài hơn, nhưng tôi hiểu, những nợ nần đã được thanh toán và có ai đó, ở đâu đó tại Ả Rập Saudi, hay ở Ai Cập, hay ở bất cứ nơi nào khác, đã lãnh đủ sự trừng phạt của Allah vì trong mười tám tháng ròng, đã làm cho hoàng thân Aziz phải thiếu sự giúp đỡ của vị cố vấn xuất sắc nhất của Ngài. Hassan hỏi tôi đã nhận được chưa phiếu chuyển ngân để hoàn lại tôi tất cả những phí tổn mà tôi đã phải bỏ ra trong vụ “kem mứt".
- Tôi đã nhận được tờ phiếu ấy rồi và đã đem đóng khung để treo lên tường.
- Nhân danh Hoàng Thân, nhân danh cá nhân tôi, một lần nữa. Cảm ơn, cậu thanh niên Franz.
- Không lẽ cứ nói đến chuyện này mãi trong hàng năm nữa sao?
Sớm hay muộn ông cũng sẽ sang Hoa Kỳ. Dù là chỉ để ngắm cái đồ chơi mới của tôi, cái sòng bạc ấy. Tất nhiên là ông đã biết hết mọi chi tiết về công việc kinh doanh này. Biết, nhưng không phấn khởi lắm mà có lẽ lại còn hơi giận nữa là khác.
- Anh không nói một tí gì với tôi khi chúng ta gặp nhau ở Jersey.
- Ông lúc đó đã biết sự việc rồi, thậm chí ông còn nói một câu khôi hài nhạt nhẽo về việc đi săn voi nữa kia mà.
- Nhưng anh không đề nghị tôi góp phần vào.
- Không, vì lúc đó tôi đã quyết định hướng về phía những người Tàu. Liệu ông có chấp thuận không?
Ông ta cười. Rõ ràng là ông ta đã trở lại như cũ rồi, đôn hậu, nhưng bí mật như quỷ. Ông nói “Chỉ có Allah biết”. Tôi đã định tắt máy để sang hai đường dây khác, đang đổ chuông liên hồi.
- Franz này, coi chừng đấy.
- Cái gì kia?
- Không có gì chính xác.
- Martin Yahl, kẻ thù cũ của tôi lại lên đường chiến tranh hay sao?
- Tôi chưa thấy.
Vài giây im lặng. Thôi, tôi không moi được gì hơn nữa đâu. Hassan không phải là người đi quá những gì mà ông ta quyết định nói. Lần này thì tôi cúp máy thật sự và hơi bực mình.
Cú điện thoại tiếp theo là của tổng lãnh sự Áo ở New York. Có lẽ, hoặc vì sự cảnh cáo tôi vừa nhận được của Hassan, hoặc vì đã mấy tuần lễ nay, tôi vẫn có cái cảm giác mơ hồ nhưng dai dẳng là thực sự có “một cái gì không rõ ràng” trong tất cả câu chuyện: Baumer, Heidi, khách sạn, sòng bạc, Anna Moser, nên vừa nghe nói đến tổng lãnh sự là tôi đã gồng người lên ngay. Tiếng trong điện thoại giọng Đức, nhưng rất lịch sự.
- Thưa ông Cimballi, hiện nay ở nhà ông đang có một cháu nhỏ thuộc quốc tịch Áo, tên là Heidi Moser có phải không ạ?
Do bản năng, tôi đang lưỡng lự, nhưng sau lý trí đã thắng.
- Có, cháu bé ấy hiện đang ở nhà tôi.
Vậy một đại diện của Tổng lãnh sự quán liệu ngày mai có thế đến gặp tôi được không? Để trao đổi với tôi và trước mặt Heidi?
Ngay trong lúc nói chuyện điện thoại này, tôi có thể trông thấy Heidi và Marc Andréa đang chơi đùa với nhau. Tôi cảm thấy gần như hốt hoảng. Tôi trả lời:
- Thưa xin ông vui lòng cho, ngày mai không thể được. Mốt cũng vậy, vì tôi phải đi công chuyện vắng. Việc không đến nỗi cấp bách trong hai ngày chứ.
Tiếng nói vẫn bình tĩnh và lễ phép:
- Xin đồng ý, thưa ông Cimballi. Tôi cũng nghĩ rằng trong hai ngày cũng chẳng thay đổí được cái gì. Vậy xin ông thứ năm, mười giờ có được không ạ?
- Xin đến chiều tối, nó phải đến lớp học. Sáu giờ.
Cái người vô danh nào đó gọi tôi trên đường giây thứ ba cuối cùng đã ngã lòng và thôi luôn. Tôi gọi cho Rosen:
- Jimmy, tôi muốn biết là những người ở lãnh sự quán muốn gì ở tôi.
Bốn mươi phút sau thì anh gọi lại, trong lúc tôi đang còn lao vào một cuộc nói chuyện điện thoại khác, lần này là với Henry Chance đang có chuyện trục trặc với người thầu khoán và muốn tôi can thiệp. Tôi cắt những lời than phiền thật ra rất bình tĩnh của ông, và Rosen nói:
- Franz, lãnh sự quán đã nhận được một lá đơn của cơ quan Cứu Tế Xã Hội Áo gửi đến.
- Thế nghĩa là thế nào?
- Thế nghĩa là ở nơi nào đó bên nước Áo, một cơ quan Cứu Tế Xã Hội hay là một cái gì gần giống như thế cho rằng, một người dân Áo, lên tám tuổì là phải đi học ở một nhà trường bên nước Áo.
- Tất cả chỉ có thế thôi à?
Câu chuyện đối với tôi có vẻ đơn giản quá, nên tôi cảm thấy nhẹ nhõm cả người. Nhưng Rosen đã không để cho tôi được yên tâm.
- Franz, đừng coi nhẹ vấn đề như thế.
- Heidi đang đi học ở đây, Sarah trông nom việc này. Chỉ cần giải thích tất cả những gì đã xảy ra cho cái Cứu Tế Xã Hội mắc dịch ấy hiểu. Nếu cần thì tặng cho họ một chuyến đi khứ hồi Vienne - New York.
Tôi còn đang run cả người lên về tức giận, thì chuông điện thoại lại đổ, có lẽ liên tục đến lần thứ ba mươi hay bốn mươi gì đó.
- Ông Cimballi? James Olliphan. Bao giờ tôi có thể gặp ông được?
Thật kỳ lạ, từ ngày gặp nhau vào tháng chín năm ngoái đến giờ, không có tuần lễ nào là tôi không nghĩ đến con người này. Với sự linh cảm là sớm hay muộn gì anh ta cũng sẽ đứng chắn trên con đường tôi đi. Anh ta nói:
- Tôi có một việc riêng muốn nói chuyện với ông. Ngẫu nhiên tôi lại có mặt ngày hôm nay ngay ở Long Island, không xa nơi ông lắm. Tôi không phiền ông lâu đâu, tôi có thể đến được không?
Anh ta đến vào khoảng bốn giờ chiều. Sarah, Nữ Thần Chiến Tranh và hai đứa trẻ vừa đi khỏi, vì ngày mai Heidi mới tựu trường. Tôi ở nhà có một mình cùng với hai vợ chồng người Cuba làm các việc lặt vặt. Anh ta nói:
- Nhà đẹp lắm, chính tôi cũng thường nghĩ đến việc mua một cái gì đó ở miệt này.
Tôi chờ. Chúng tôi ngồi trong phòng làm việc của tôi, trên tường có treo mấy cái tranh vẽ Con Voi Trắng, như là nó sẽ xuất hiện trong ngày mở cửa sắp tới. Đôi mắt của Olliphan nhìn về hướng ấy, anh ta gật đầu
- Ông đã tiến hành việc này với một bàn tay bậc thầy. Tôi chắc chắn là sự thắng lợi sẽ ngang tầm với công sức của ông. Ông sẽ không có vấn đề gì phải lo về phía những người hàng xóm của ông.
Đôi mắt xanh của anh ta trở về tôi, vẫn biểu lộ một cái gì như sự mỉa mai cố hữu, dường như trong cuộc hội kiến mặt đối mặt này. Trong tất cả những sự liên hệ giữa anh ta và tôi từ trước đến nay, trong tất cả cái câu chuyện sòng bạc, có một cái gì rất hài hước mà chỉ có anh ta biết thôi. Đối với con người này, tôi cảm thấy một sự nghi ngờ khác thường, nhưng kỳ lạ hơn cả: Một mối cảm tình và phần nào cả sự thương hại nữa. Tôi nhớ đến cái ông phỗng khủng khiếp là vợ của anh ta, với đôi mắt lờ đờ và bất động như mắt ếch của bà ta.
- Tất nhiên là tôi nói về gia đình Caltani.
- Tôi đã hiểu.
- Họ sẽ để cho ông yên ổn đấy, ông Cimballi, hoàn toàn yên ổn. Họ sẵn sàng thiết lập những quan hệ láng giềng tốt với ông. Họ không thấy có gì trở ngại là Con Voi Trắng của ông sẽ là một sự thành công và trở thành sòng bạc được ưa chuộng nhất ở City. Sòng của họ với của ông gần như là sát vách nhau nên họ cho rằng sẽ đón được đủ một phần những người mà ông hấp dẫn đến đây, để cùng trở thành phồn thịnh được.
Nghe có vẻ có lý. Nhưng chắc chắn Olliphan đến gặp tôi hôm nay không phải chỉ là để báo cho tôi biết cái loại tin tức ấy. Tôi vẫn chờ, anh ta lại tiếp.
- Tất nhiên, tôi không đến đây với danh nghĩa là đại sứ của bọn Caltani. Thực ra...
Có tiếng xe hơi ở đằng sau nhà, Sarah với tụi trẻ vừa về.
- Thực ra, tôi đến đây với danh nghĩa cá nhân. Trái với những gì ông có thể nghĩ, bọn Caltani không phải là những khách hàng duy nhất ủy nhiệm cho tôi những quyền lợi của họ...
Những tiếng rú man rợ, Marc Andréa và Heidi ào vào trong buồng khách, nhảy lên bàn giấy của tôi, ôm lấy cổ tôi. Tôi hôn chúng, tống chúng ra ngoài và đóng cửa lại.
- Các con ông thật là đáng yêu.
- Cảm ơn.
Tôi đã bắt đầu sốt ruột, anh ta cũng cảm thấy thế, vì anh ta gật gật đầu với cái nụ cười nửa miệng kỳ lạ của anh ta.
- Tôi đã có nói với ông rằng tôi có một việc cá nhân muốn đề nghị với ông. Có thể tóm tắt trong một chữ thôi: Bophuthatswana.
Tôi tưởng anh ta hắt hơi, nếu anh ta muốn làm tôi phải ngỡ ngàng thì anh ta đã thành công. Anh nhắc lại:
- Bophuthatswana. Đó là một bautoustan.
Rồi lao vào giải thích: Một bautoustan là một vùng tự trị ở Nam Phi, có khoảng một chục vùng như thế, người da đen tập hợp ở đó, chỉ có riêng họ thôi, sự tự trị hiện nay của họ rồi sẽ đưa đến một nền độc lập, một thứ độc lập khá lý thuyết. Những vùng đất này nằm lọt vào giữa một Nam Phi Trắng, mà đây không phải là ngẫu nhiên, lọt đến nỗi mà sự độc lập của họ cũng có ý nghĩa như một tỉnh Clermont Ferrand độc lập ở giữa nước Pháp vậy.
- Tháng mười năm ngoái, ông Cimballi, cái bautoustan thứ nhất trở thành độc lập là Trauskei. Năm nay, vùng Bophuthatswana sẽ bắt chước nó.
Anh ta tuôn ra cho tôi nghe bài học lịch sử ấy với một sự trang nghiêm bình tĩnh. Là nói về bộ mặt thì có cái vẻ trang nghiêm ấy, nhưng đôi mắt thì vẫn tiếp tục biểu hiện sự mỉa mai, như muốn nói rằng: “Để xem mày chịu đựng được tao đến đâu nào?”. Anh ta muốn đi đến đâu đây?
- Tôi muốn đi đến cái dịch vụ mà tôi định đề nghị với ông cùng làm với tôi. Với tôi, và với một trong những người bạn Nam Phi của tôi là Henrik Korber. Có thể là ông đã có nghe nói về anh ta.
Tôi cũng không biết là anh ta có ý định dỡn mặt với tôi hay không đây? Tôi lắc đầu:
- Người đó hoàn toàn xa lạ đối với tôi, ít nhất cũng xa lạ như cái “Bop" cột kèo gì ấy của ông. Nghĩa là xa lạ đến cái mức...
Thôi nào, tốt hơn hết là coi đấy như một chuyện để cười...
- Ông Cimballi, ở trên thế giới, ít có một xứ sở nào mà ở đó người ta lại buồn chán như ở Nam Phi, theo lời anh bạn Korber của tôi. Trong cái thời còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha, thì người ta phải đi sang tận Mozambique để giải trí, nếu người ta là một người da trắng Nam Phi. Đến cái thời hết thuộc địa thì người ta đành phải trở về với cái mà ở đó người ta gọi là B.L.S - Botswana, Lesotho, Swaziland...
Cười. Anh ta có vẻ thích thú lắm.
- Nhưng đó là những vùng đất đai ở vào biên giới của Liên Hiệp khác với những bautoustan, các vùng đất này thì ở trong nội địa của nước Cộng Hòa, gần các trung tâm thành phố lớn và ở đó tập trung sức mua của dân da trắng. Henrik Korber đã có một ý kiến, ông Cimballi: Tại sao không sử dụng những quyền hạn đặc biệt về mặt pháp lý của những bautoustan, để tạo nên ở đó những Las Vegas mới chẳng hạn.
Cuối cùng anh ta cũng đã đi đến cái đích của anh ta. Tôi phá lên cười.
- Ông đến đề nghị với tôi xây dựng một sòng bạc cho những người Bautoustan phải không?
Càng điềm tĩnh hơn bao giờ hết, anh ta đáp:
- Chính thế, có điều không phải là một sòng bạc mà là nhiều sòng kia cộng thêm những khách sạn, những hàng ăn, tóm lại cả một thành phố thực sự cho việc nghỉ ngơi và vui chơi. Tất nhiên là sẽ thu hút được những khách hàng giàu có trong số da trắng Nam Phi. Bọn này buồn chán muốn chết được trong một xứ sở quá mộ giáo lý Calvin đến nỗi chỉ liếc nhìn hơi kỹ một phụ nữ da đen duyên đáng đã có thể dẫn anh thẳng vào nhà tù rồi. Còn trong các bautoustan thì... Henrik Korber đã phải nhận một sự từ chối của tân chính phủ ở Trauskei. Nhưng trái lại, anh ta tin chắc rằng dự kiến của anh ta sẽ được Lucas Maugrove chấp thuận.
- Là ai thế?
- Tổng thống tương lai của Bophuthatswana, mà nền độc lập sẽ được tuyên bố vào tháng chạp sắp tới. Thế mà Bophuthatswana chỉ ở cách Pretoria và Johannesburg không đến một hay hai giờ xe hơi.
Im lặng, tôi nhìn chăm chú Ollipihan. Có thể là anh ta đã hoàn toàn bị rối loạn tâm thần và thế thì khá phiền toái, trong hoàn cảnh là chính anh ta đã đứng ra bán cho tôi Con Voi Trắng. Hay là anh ta đang định mánh mung cái gì, để đưa tôi đến một chỗ nào đó. Nhưng có quỷ mà biết được anh ta định đưa tôi đi đến đâu. Hay là anh ta thực sự tin vào câu chuyện người Nautous này. Tôi rất phân vân. Nhưng chữ này yếu quá.
- Thế ông bạn Korber của ông cần đến tôi à?
- Tôi có nói chuyện với anh ta về ông, anh ta sẽ rất sung sướng nếu được gặp ông. Ông không phải là một người thường, ông Cimballi, mặc dầu là ông còn trẻ, mới hai mươi bẩy tuổi, có phải không ạ. Có phải chính ông là người đã có ý kiến xây dựng một cái thế giới Disney khác ở Florida mà ông gọi là Safari không? Cũng lại chính ông đã nghĩ ra trò “Đánh Quần Vợt Trên Trời" bằng cách sử dụng những mái của các gara và nhà cao tầng trong các trung tâm các thành phố để làm các sân quần vợt không? Hai dịch vụ mà bây giờ tỏ ra rất phồn thịnh. Bây giờ ông lại đang ở trong việc kinh doanh một cái sòng bạc, tất cả đều cho thấy đây cũng lại sẽ là một thành công tuyệt đẹp. Để dựng cái dịch vụ này lên, ông đã tìm được đến bốn trăm năm mươi triệu dolars trong một thời gian kỷ lục, ông không phải là một người vô danh đối với Rik, ông có thể là người hợp tác mà anh ta đang tìm kiếm. Ông bắt đầu có một số kinh nghiệm nhỏ về môi trường cờ bạc, ông đã có những tư liệu tham khảo về các hệ thống tổ chức các nơi nghỉ ngơi, về mặt tài chính mặc dù ông có những khả năng tương đối quan trọng, nhưng dù sao ông chưa có được cái sức mạnh uy hiếp của một công ty dầu lửa hay của một Howard Hughes. Cuối cùng - nụ cười của Olliphan nở rộng một cách ranh mãnh - cuối cùng mặc dầu cái tên của ông có những âm tiếng Ý đấy, nhưng ông không có một mối liên hệ nào với một Gia Đình nào đó chẳng hạn. Tất nhiên ngoài cái việc là ông có mua của một trong số họ, một cái khách sạn cũ kỹ. Nhưng địa vị tôi không cho phép tôi chê trách ông điều ấy.
Cái gã này quả là có một sự cả gan đến ma quái! Hắn đứng lên:
- Tôi hy vọng rằng đã không làm phí mất thì giờ của ông, ông Cimballi. Chắc chắn là tôi không thể chờ đợi ở ông một câu trả lời tức khắc. Tôi ngờ rằng thể nào ông cũng phải đi lấy tài liệu đã. Xin ông cứ làm cho thoải mái. Ông đã biết chỗ liên hệ với tôi.
Hắn đi, tôi còn trông thấy hắn lên một cách cực kỳ lịch sự vào đằng sau tay lái của chiếc Ferrari 3G8 màu xanh đậm, đi găng vào tay rồi mới lái xe. Giữ cho đến giây cuối cùng đôi mẳt màu lục của hắn cắm vào mắt tôi, mỉa mai ngạo nghễ như để nói rằng: “Mày chẳng hiểu một tí gì cả, có phải không, Cimballi?”.
Mọi chuyện xảy ra, hình như các sự kiện chỉ đợi tôi ở Colorado trở về để tăng tốc độ lên một cách kinh khủng. Nào cú điện thoại đầu tiên của Người Anglais, rồi của Fezzali, của Olliphan với sự đến thăm sau đó của hắn, bây giờ lại đến lượt người Anglais nữa, chưa quá ba mươi tiếng đồng hồ sau cú điện thứ nhất của anh ta.
- Tôi nghĩ rằng - anh ta nói với cái giọng Oxford và thái độ phớt bình thường của anh ta - Tôi nghĩ rằng, bây giờ chúng ta đã có thể điểm lại tình hình trong cuộc điều tra mà ông đã yêu cầu tôi tiến hành.
giavui
05-26-2020, 03:58 PM
CHƯƠNG 17
Tôi có đề nghị với anh ta là gặp nhau ở khách sạn Pierre, nhưng anh ta đã từ chối một cách rất lễ phép.
- Thế thì ở đâu?
- Nếu ông vui lòng, ông Cimballi, xin ông hãy làm theo thật đúng những gì tôi xin ông làm cho...
Tôi theo những lời chỉ dẫn của anh ta: Tôi đi ngược lên hết Long Island, tôi qua sông East River bằng cầu Throgs Neck, rồi xuyên suốt Bronx từ đầu này sang đầu kia đến tận con sông ở Harlem, và chỉ bắt đầu từ đó thôi, ngang với Phố 79, mới đi vào Manhattan, rồi đi dọc hết đại lộ Broadway mà vào công viên Central Park...
... Rồi đi cho đến Trung tâm Lincoln Center, và để xe lại ở đó.
- Xe để chỗ nào cũng được, Ông Cimballi. Ông xuống đi bộ.
- Đi bộ à?
- Vâng, đúng thế, ông đi bộ, ông Cimballi. Đi về phía nào cũng được...
Thế là hiện nay tôi đang đi bộ, từ Damrosch Park đến quảng trường trước mặt nhà hát Metropolitan Opera dưới một cơn mưa lạnh buốt. Cuối cùng người Anglais xuất hiện: Áo khoác kiểu Bogart, mũ dạ nhỏ có đính một cái lông gà rừng, dáng điệu có vẻ tự bằng lòng mình lắm.
- Rất tiếc là ông đã phải làm một cuộc hành trình như vừa rồi, nhưng chúng tôi muốn được bảo đảm là ông không bị theo dõi.
- Theo dõi?
- Nhưng ông không bị. Nghĩa là ngày hôm nay thì không.
- Bởi vì tôi đã bị theo dõi rồi à? Gần đây hay bao giờ?
- Rất có thể như thế. Ít nhất là một lần. Nếu không phải theo dõi thực sự thì cũng bị canh chừng.
Làm bộ trú mưa, chúng tôi bước vào một thư viện.
- Ai theo dõi tôi và bao giờ?
- Hôm kia, thứ hai, khi ông ở Aspen về. Có hai người đàn ông chờ ông ở phi trường, lúc ông đổ bộ xuống đấy cùng với cô Kyle, con trai ông, con bé người Áo ở nhà ông, và cái chị bảo mẫu khổng lồ ấy - Anh ta giơ một bàn tay lên đề ngăn câu hỏi của tôi rồi tiếp tục - Chính tôi cũng có mặt ở đó để chứng kiến lúc ông đến, theo một giả thuyết mà tôi tự đặt ra cho mình. Nhưng tôi chưa báo cho ông ngay, vì tôi chưa biết hai người đàn ông đó là ai, có thể là những người mà ông thuê để bảo vệ ông không biết chừng.
- Không, tôi chẳng thuê ai cả.
- Hôm nay thì tôi biết rồi.
Anh ta rút từ trong một cái túi của chiếc áo khoác đi mưa của anh ra một bức ảnh chụp hai người đàn ông lên một chiếc xe hơi.
- Chúng tôi đã nhận mặt được một người, và thế là đủ rồi: Frank Lippi, nghề chính thức: Kế toán phụ. Nhưng tất nhiên hắn làm việc cho bọn Caltani. Đã ở tù ba hay bốn năm gì đó.
Trong vài giây đồng hồ, tôi bỗng cảm thấy một nỗi sợ hãi đến thót ruột lại. Người Anglais nói:
- Tôi rất tiếc.
Nhưng anh ta còn nhiều điều nói cho tôi biết và chỉ cho tôi xem, nên anh ta không từ chối “a nice cup of tea” (một ly trà ngon). Chúng tôi đi tới khách sạn Algonquin mà anh ta quen thuộc. Một chiếc xe đến đón chúng tôi, do một người đàn ông lái, mà Người Anglais cũng chẳng buồn giới thiệu với tôi nữa.
Trong buồng của anh, Người Anglais trải lên bàn một số bức hình. Và trong hai tiếng đồng hồ tiếp theo sau, anh còn làm lại cái cử chỉ này nhiều lần.
- Ông có biết một trong số những người này không?
Tôi xem kỹ từng chiếc ảnh một. Tất cả khoảng hơn ba mươi người khác nhau, chỉ có một điểm chung là tuổi đều đã ngoài bốn mươi cả, trừ hai người, và không một người nào có bộ mặt đủ lương thiện để có thể giao cho làm tổng giám đốc hãng New York Stock Exchange được! Nhưng không có một bộ mặt nào gợi cho tôi nhớ một cái gì cả.
- Tuổi tác của họ không phải là điểm chung duy nhất. Tất cả, theo các mức độ thân sơ, đều là những bạn hữu lâu năm của Karl Gustave Baumer. Ông yêu cầu tôi điều tra về người này và đặc biệt là về thời gian trước khi người đó chết. Cách tốt nhất là điểm lại những thân cận với người đó.
- Ngoài Walcher?
- Không, lão này không biết gì về cuộc điều tra của chúng tôi, nếu đó là điều ông định hỏi tôi. Thậm chí, chúng tôi còn hết sức giữ gìn để cho lão không biết kia. Tuy rằng không bao giờ người ta có thể chắc chắn được về những điều này.
Tôi vẫn ngắm nghía các bức ảnh.
- Tại sao lại chỉ đặc biệt có hơn ba mươi ông nội này thôi, trong khi Baumer, giữa những quán bia và cái khách sạn ông ta phải biết đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người ấy chứ?
- Bởi vì những người trong ảnh có một đặc điểm đáng lưu ý: Hoặc ở các quán bia tại New York, hoặc ở khách sạn tại City, họ - có cả phụ nữ trong số này - đã gặp Baumer trong khoảng thời gian hai tuần lễ trước ngày 21 tháng chín 1974. Gần một nửa trong số họ...
- Cái ngày 21 tháng chín 1974 ấy là ngày gì vậy?
- Đó là ngày mà Baumer gặp lại Maggie Keller, người hầu bàn cũ của ông ta. Ngày mà ông ta bắt đầu yêu chết mê chết mệt cô hầu bàn này, đến mức, chỉ trong một thời gian rất ngắn, đã tự làm đảo lộn cả cuộc đời mình, bỏ đi với cô ta đến vùng nhiệt đới rồi ở lỳ đó cho đến khi chết vào tháng Giêng năm 75. Chúng tôi phải khởi động ở đâu đó để tiến hành cuộc điều tra này, nên chúng tôi đã chọn cái thời điểm đó để bắt đầu. Trong giả thuyết là sự xuất hiện của Maggie Keller vào ngày hôm đó không phải do một sự ngẫu nhiên.
Người Anglais lại trải ảnh ra, và chọn lấy vài cái có hình của những bồ bịch thân của Karl Gustave.
- Chúng ta hãy trở về với những ông bà này. Gần một nửa trong số họ đã được Baumer nuôi không hay cũng gần như thế trong khách sạn của lão ở Atlantic City. Năm người đã ở liên tục tại đấy từ đầu tháng 9 cho đến ngày 21 cùng tháng. Vào dạo ấy, mùa hè chưa qua hẳn, Baumer ở ngoài bãi biển nhiều thời gian hơn là ở trong cái quán bia. Vả lại những quán này vẫn cứ chạy đều mà không cần đến lão. Trong số năm người này, thì hai đã chết, và hai đã rời khỏi vùng New York. Chúng tôi đã phải công phu mới tìm lại được họ. Họ đã biến mất, không để lại một dấu vết gì cả. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng phát hiện ra được. Một người hiện ở Florida và đã tìm được một chân bảo vệ trong một cơ ngơi thuộc quyền sở hữu của một người tên là Bert Sussman.
- Không biết.
Nụ cười của người Anglais.
- Người này có những quyền lợi, nhất là trong một dịch vụ xuất nhập khẩu chủ yếu về dầu ôliu, cùng hùn vốn phân nửa với bọn Caltani. Thế còn người bạn thứ hai của Baumer, anh này lại còn được may mắn hơn nữa: Hiện nay đang sống những ngày rất ung dung ở San Juan của Porto Rico trong chức vụ gác đêm của một nhà nghỉ sang trọng...
- Thuộc quyền sở hữu của bọn Caltani.
- Không. Chúng tôi không thấy điều này. Nhưng Caltani bố, bây giờ chết rồi, ngày trước cũng có nhiều quyền lợi lớn ở La Havane. Khi Castro lên cầm quyền, ông ta rút hết về Porto Rico, là nơi có nhiều bạn cũ của ông ta cũng đến trú ngụ. Sở hữu chủ của nhà nghỉ ấy là bố đỡ đầu của Jos Caltani thằng anh cả.
- Thế còn hai người đã chết?
- Ma túy quá liều đối với một người, tai nạn trong khi say rượu đối với người kia. Ông Cimballi, tôi sẽ không đi vào chi tiết. Tôi chỉ giải thích tại sao chúng tôi lại đi đến chỗ là phải chú ý đến những gì xảy ra ở khách sạn tại Atlantic City trong thời gian trước ngày 21 tháng chín, năm 74. Chúng tôi đã tìm lại được năm chứng nhân có mặt ở đấy vào thời điểm này, và chúng tôi nhận thấy hai trong số này đã rời khỏi New York, cả hai đều có dính líu đến bọn Caltani, hai đã chết trong những hoàn cảnh có thể coi như họ bị ám sát, còn người thứ năm thì là một con sâu rượu đã quên cả đến tên mình. Tất cả những khám phá ấy không phải là không có ích, nhưng cũng không phải là cơ bản. Điều cơ bản là sự nhận xét rằng, nếu người ta đã phải mất công để loại bỏ bằng nhiều cách những chứng nhân ấy, thì có nghĩa là những người này chắc đã có thấy, có nghe một cái gì đó mà lẽ ra họ không được thấy và được nghe. Tôi nói có rõ không?
- Rõ.
- Thế là chúng tôi tự hỏi cái ấy là cái gì? Cực chẳng đã, chúng tôi phải lấy những bức hình của Olliphan, và đi chỗ này chỗ kia ở Atlantic City, giơ ra cho mọi người xem. Người ta không nhận ra người trong hình, nhưng nhận ra chiếc xe của anh ta vào tháng chín năm 74, anh ta có một chiếc Ferrari trắng. Chiếc xe ấy thì dễ thấy quá. Lần theo đường dây, đem hình của Olliphan và Walcher để cạnh nhau, cuối cùng chúng tôi đã tìm được một người nhớ rằng có trông thấy hai người này ngồi với nhau. Chừng vào ngày 5 hay 6 gì đó tháng chín năm 74...
- Walcher khẳng định rằng đã gặp Olliphan lần đầu tiên vào tháng sáu năm 75, sau khi Baumer chết, và khi Olliphan thay mặt bọn Caltani đến đề nghị về cái khách sạn.
- Thế thì có thể là lão nói dối đấy. Và nói dối trên hai điểm: Trước hết lão đã biết Olliphan sớm hơn thế nhiều, và sau nữa đề nghị của bọn Caltani muốn mua khách sạn không phải vào tháng sáu năm 75, nhưng đúng hơn vào tháng chín năm 74 kia.
- Anh có bằng chứng về những điều này không?
- Hầu như không có gì cả - Người Anglais vừa nói vừa cười - Nhưng nếu tôi phải đánh cuộc... Không, ông Cimballi, tôi không có một chứng cớ nào cả. Người ta chỉ thuật lại cho tôi một cuộc nói chuyện giữa Baumer và Walcher vào quãng mùng sáu tháng chín mà thôi. Dường như Walcher lúc đó có nói rằng: “Karl một triệu, đấy là một cái giá ghê gớm” và lão ta có vẻ giận dữ. Thì Baumer vừa cười vừa trả lời, theo cái kiểu nói bình thường của lão là đừng coi vấn đề tiền bạc là quan trọng: “Thế đấy, người ta không mang được tiền theo vào quan tài đâu".
Người Anglais thu lại đám hình như là thu những quân bài, xếp vào một phong bì, và lại lấy một phong bì khác ra:
- Ông Cimballi, khô có chứng cớ. Chỉ có những suy đoán, những lời xì xào, đồn đại mà thôi. Chỉ cần Olliphan và Walcher chối là chưa bao giờ gặp nhau trước tháng sáu năm 75, là chúng ta chịu không thể tọng những lời nói dối ấy vào họng họ được.
Anh ta lại bày ra những tấm hình khác, và tôi mang máng nhận ra một phụ nữ trẻ tuổi.
- Chúng tôi đã đi theo đến tận cùng giả thuyết đặt ra lúc đầu. Chúng tôi thấy có hai thời điểm có vẻ quan trọng: Ngày mồng 5 tháng 9, Olliphan đến trả giá cho Baumer một triệu dolars để mua cái khách sạn. Và Baumer từ chối mặc dù Walcher đã hết sức vật nài, trách móc. Mười sáu ngày sau đó, ngày 21, Baumer được một chị hầu bàn cũ đến thăm, và như các ông vẫn thường nói trong tiếng Pháp: “Lão bèn lập tức làm tang". Từ đó đến chỗ chúng tôi phải chú ý đến Maggie Keller chỉ có một bước thôi, và chúng tôi đã vượt qua cái bước ấy.
° ° °
Năm 1974, cô ta hai mươi sáu tuổi. Đẻ ở New York. Làm việc hai năm, từ 1968 đến 1970, trong quán bia của Baumer, ở phố 44 Tây, cạnh Times Squares.
Không có một chứng cớ nào chính xác là giữa Baumer và cô ta có những mối liên quan nào khác là giữa chủ với một người làm công. Nhưng Baumer là một người rất tốt bụng lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ. Cho nên khi Maggie lấy chồng và trở thành Maggie Keller, rồi đi California với chồng thì Baumer có ứng cho cặp vợ chồng trẻ này một ít tiền để làm vốn mà lập nghiệp. Bốn năm trôi qua đi... và ngày 21 tháng chín, vào chiều tối Maggie lại xuất hiện ở quán bia và muốn gặp Baumer. Cô ta có vẻ mệt mỏi, chán nản, có người còn nói là có vẻ sợ hãi nữa. Nhà Mạnh Thường Quân vội từ Atlantic City trở về, và đưa người phụ nữ trẻ ấy vào trong phòng làm việc của mình. Người ta không biết Maggie đã nói những gì, nhưng từ lúc đó trở đi, Baumer tự nhiên ăn ở khác hẳn một cách kỳ lạ. Trước hết, lão đi biệt tăm đâu hẳn hai ngày tròn, đến nỗi những người chung quanh đã thấy lo ngại. Ngày 23 vào buổi chiều, lão lại trở về, có vẻ bận rộn, bí mật, nhưng theo tất cả mọi người chung quanh, thì hình như rất vui vẻ. Lão làm việc rút tiền một lần thứ nhất khoảng mười ngàn dolars, lấy vào trương mục của quán bia ở Phố 44. Rồi lão lại đi, nói là sẽ vắng mặt trong vài ngày. Và thế là hết, không ai được gặp mặt lão nữa. Tất nhiên người ta có nhận được tin tức của lão, nhưng chỉ bằng những tấm bưu thiếp thôi...
Người Anglais cũng đã tìm lại được cả một vài tấm bưu thiếp này. Anh ta đưa tôi coi. Đều là “gửi cho tất cả các bồ” hoặc là gửi cho “êkíp của Quán Bia”, hoặc cho tên của một trong những người quản lý, hay tên của một người bạn lâu năm nào đó. Còn nội dung thì rất ngắn, đại loại “Mọi sự đều tốt lành, mình đang đi nghỉ” hay “Đáng tiền lắm”. Không có một chỉ dẫn nào về lão đang làm gì và ai đi với lão. Những bưu thiếp được gửi trong khoảng thời gian giữa ngày 30 tháng 9 và ngày 15 tháng chạp năm 74, từ nhiều nơi đến: Nouvelle Orleans, Bahamas, Đảo Vieges, Jamaique, Mexique. Từ 15 tháng chạp trở đi, im lặng. Một sự im lặng kéo dài cho đến ngày có tin về cái chết của lão xảy ra vào ngày 8 tháng giêng 75 ở Acapulco, nước Mexique.
Chúng tôi đã thử soát xét lại xem thời gian của lão ra sao. Về cái lỗ trống đầu tiên giữa ngày 21 và chiều ngày 23 tháng chín, thì đơn giản thôi: Lão đưa Maggie về nhà lão, một căn nhà nhỏ ở Greenwich, mà lão ở một mình từ khi góa vợ vào năm 51. Có kẻ nói, vị Mạnh Thường Quân tốt bụng này đã phải lòng người mà ông bảo trợ, vừa đưa người đó lên giường của mình. Baumer thật ra không phải loại người như thế, nhưng mà đó là những chuyện có thể xảy ra được lắm.
Ngày 23, sau khi đi rút tiền một lần nữa, lão đi California cùng với Maggie.
Tại sao chúng tôi lại đi tìm ở California? Chỉ đơn giản là vì Maggie từ đó đến. Chúng tôi giả thuyết rằng cô ta có những chuyện khó khăn gì ở đó nên đã chạy lên cầu cứu ông chủ cũ. Giả thuyết này hóa ra đúng: Maggie có một quán trọ dọc đường ở cách San Diego về phía bắc khoảng sáu mươi cây số, tại một nơi gọi là Ramona. Chúng tôi có chứng cớ là Baumer đã có qua đây, vì lão đã có viết một ngân phiếu hai mươi bảy ngàn dolars để thanh toán hết các nợ nần của cặp vợ chồng Maggie. Người chồng này đã bỏ vợ hai năm trước đó, để lại cho vợ một đứa con.
Sau đó, lẽ ra trở về New York thì Baumer biến luôn, lại một lỗ hổng mười ngày nữa trong thời gian này.
Tôi hỏi:
- Thế Maggie Keller nói sao?
- Chúng tôi không hỏi cô ta. Chúng tôi không thể và cũng không muốn. Lát nữa tôi sẽ nói tại sao. Cũng như chúng tôi đã không hỏi hai cái vị về hưu sang trọng, trước đây vẫn ăn nhờ ở đợ Baumer, bây giờ sang ở Florida và Porto Rico. Vậy thì Baumer biến đâu mất trong mười ngày. Và chỉ có những bưu thiếp gửi từ Nouvelle Orleans báo cho bạn bè ở New York biết lão vẫn còn sống. Nhưng ở Nouvelle Orleans mặc dầu đã hết sức tìm kiếm, chúng tôi cũng không thấy một dấu vết nào của Baumer, có hay không có Maggie đi kèm. Thực sự, lão lại nổi lên mặt nước vào ngày mười tháng mười, ở khách sạn Emerald Beach tại Nassan, lão ở đó với Maggie. Lão ở đó trong thời gian và đi thuê một chiếc tầu tên là Blue Cypress, với một thủy thủ đoàn bốn người. Ngay đây, cũng phải nói rằng để lấy tiền thuê chiếc tầu này, lão đã trút sạch két của tất cả các quán bia, và nạo vét tất cả những số tiền nào mà lão có thể tìm được. Điều đó giải thích vì sao sau này gia sản của lão lại lâm vào một tình trạng tai họa. Cặp Baumer - Maggie xuống tầu Blue Cypress, sau đó là hai tháng đi lông bông trên bể Caraibes, với những thời gian đỗ bến ngắn ngủi, để gửi những cái bưu thiếp kỳ cục kia.
- Walcher khẳng định là có đi Nassan để gặp Baumer và khuyên bảo lão. Hắn cũng khẳng định là có thuê cả một thám tử tư nữa.
- Cả hai việc đều đúng. Walcher có gặp Baumer vào buổi sáng ngày 11 tháng 10, ngay trước khi lão xuống tầu đi ngao du. Nhưng việc can thiệp của Walcher chẳng được việc gì cả. Baumer vẫn cứ đi phơi nắng, du dương với người tình. Cho đến ngày 14 tháng chạp, là ngày mà chiếc Blue Cypress đến thả neo ở Vera Cruz một bến tầu của Mexique Naumer và nàng tiên của lão đổ bộ xuống đó. Họ ở Mexique ngày 15, khách sạn Camino Real tại Chapultepec, thuê một chiếc xe hơi và nói là sẽ đi tham quan xứ Mexique. Lại một lỗ trống nữa trong thời gian này. Một êkíp của chúng tôi đã đi lục tìm khắp các khách sạn, quán trọ dọc đường trong nửa xứ Mexique. Không thấy một dấu vết nào, cũng như ở Louisiane vậy. Có thể là Baumer và cô gái đã vào ở một nhà tư nhân. Chúng tôi không biết gì hết. Lại phải đợi mãi đến đêm mùng 3 hay mùng 4 tháng giêng năm 75, khi cặp này đi bộ xuống khách sạn El Mtrador ở Acapulco mới lại thấy lão tái xuất hiện. Và chính ở đây, bốn ngày sau thì Baumer chết vì nhồi máu cơ tim, và căn bệnh này có vẻ là rất đúng.
Tôi nhìn chằm chằm vào Người Anglais:
- Tóm lại, là cho đến bây giờ anh ta chỉ mới làm cái việc là bổ sung thêm cho câu chuyện mà Marc Lavater đã kể với tôi.
Anh ta công nhận thế:
- Ông nói rất đúng. Nhưng đây chỉ là tiểu sử có thể nói là chính thức của Karl Gustav Baumer trong ba tháng trước khi lão chết. Tôi có một bản nữa hơi khác thế. Không được vui lắm, thưa ông Cimballi. Nhất là đối với ông.
Bởi vì những nhân viên điều tra của anh ta đã đi theo dõi lại từng bước chân một của Baumer ở tất cả các nơi. Từ California đến Nassan, rồi trong mỗi bến nơi chiếc Blue Cypress đỗ lại, rồi ở Vera Cruz, Mexique và cuối cùng ở Acapulco. Và bởi vì ở tất cả những nơi đó họ không tìm được bất cứ một người nào đã trông thấy Baumer ở trong tình trạng hoàn toàn say rượu hay đang ngủ vùi vì quá say.
Bởi vì chiếc Blue Cypress trước khi Baumer thuê, đã được một người mua đứt. Người này tên là Harrison Neame ở Springfield, Illinois, đã trả tiền mua từ một trương mục có đánh số ở một ngân hàng tại Nassan. Bởi vì cái tên Harrison Neame này là hoàn toàn xa lạ ở Springfield Illinois.
Bởi vì bốn người trong thủy thủ đoàn của chiếc Blue Cypress đã bí mật biến mất ở Vera Cruz, ngay buổi tối khi Baumer đổ bộ xuống đó. Và bởi vì chiếc Blue Cypress đã được bán lại ngay, mà bán lỗ chỉ vài ngày sau đó bởi một công ty dịch vụ Mexique, không nhìn thấy mặt của người chủ chiếc tầu bao giờ cả.
Bởi vì cái ngân hàng nhận hai mươi bẩy ngàn dolars của Baumer, do Maggie chuyển đến đã được cảnh sát liên bang phát hiện từ lâu là của một Gia Đình ở California, có dính líu với bọn Caltani.
Bởi vì Maggie Keller có một đứa con trai ba tuổi, và đứa trẻ này đã được gửi cho vú nuôi, ba ngày trước khi Maggie đổ bộ xuống New York để cầu cứu Baumer. Bởi vì ngày 24 tháng 9, đứa con này đã được chính Maggie đến lấy lại, và hôm đi lấy chẳng những có Baumer đi theo, mà còn có cả hai người đàn ông khác “trông giống như những cảnh sát... hay là những tên cướp”. Bởi vì hôm mùng 10 tháng mười khi Maggie đến Nassan với Baumer thì không thấy cô ta có đứa con nữa. Bởi vì từ ngày 24 tháng chín trở đi, không ai trông thấy đứa con trai của Maggie Keller đâu nữa.
- Và bây giờ, tôi muốn biết ý kiến cá nhân của anh về những chuyện gì đã thực sự xẩy ra cho Baumer.
- Ông Cimballi, rất nhiều suy đoán, nhưng không có một chứng cớ nào xác định. Nhưng tôi nghĩ rằng mọi việc đã xẩy ra như sau: Người ta đã lợi dụng Maggie Keller - gây sức ép bằng cách đe dọa tính mệnh của đứa con trai cô ta - để lôi kéo Karl Gustav Baumer đến California, và làm cho mọi người tin rằng đây là một cuộc du dương tình ái. Tôi tin rằng cái người phụ nữ trẻ xuất hiện ở Nassan dưới cái tên là Maggie Keller, và đi theo Baumer trong suốt cuộc ngao du trên biển, rồi còn ở với lão ở Acapulco ngày lão chết, chưa bao giờ là Maggie Keller. Tôi tin rằng cái cô Maggie Keller chính cống đã được người ta trả lại cho đứa con trai, hiện nay đang trốn ở đâu đó, có thể là ở ngoài nước Mỹ và đương rất sợ hãi. Chúng tôi đang đi tìm cô ta.
- Marc Lavater đã có gặp và nói chuyện với cô ta.
- Ông ấy đã gặp một người đàn bà tóc vàng, hơi lực lưỡng, đeo kính như trên những bức hình mà chúng tôi có. Người này đã nói với Lavater cô ta là Maggie Keller. Nhưng ngay hôm sau khi gặp Lavater, cô ta đã bỏ việc và biến mất. Từ đó đến nay không thể tìm ra cô ta được nữa. Tôi tin rằng cái lão Baumer đi chơi lông ngông trong hàng tháng đó là một con người đã bị nhồi ma túy và đẫm rượu, không còn ở trong tình trạng có thể phản ứng được nữa. Người ta đã bắt cóc lão, với mục đích duy nhất là để ngăn cản lão không lo công việc nhà của lão được nữa, và nhất là ngăn cản lão không trả được tiền nợ cho cái ngân hàng của Walcher. Tôi tin rằng người ta đã hành động như vậy là để có thể mua được cái khách sạn mà lão không muốn bán, và với cái giá chỉ bằng số tiền nợ của lão thôi. Tôi không tin rằng người ta định tìm cách giết lão. Cái chết của lão là chết tự nhiên.Tim lão đã suy sụp. Có lẽ người ta cũng có giúp cho nó một tý để nó sụp hẳn.
- Thế vai trò của Walcher?
- Lúc này chưa thể xác định được. Theo lời hắn kể với Lavater về cuộc gặp gỡ của hắn ở Nassau với Baumer, hắn khai là đã ngồi đối mặt với một con người rõ ràng là rất say, và khước từ không muốn nghe hắn nói. Có thể là hắn không nói dối. Và tình trạng say sưa của Baumer ở Nassan không phải là điều làm cho hắn phải ngạc nhiên. Baumer xưa nay vẫn là một tay bợm nhậu mà.
Người Anglais cất những bức ảnh vào phong bì.
- Còn một lời giải thích cuối cùng nữa, ông Cimballi. Chúng tôi đã tiến hành cuộc điều tra mà không hỏi Maggie, bây giờ ông hiểu tại sao rồi. Cũng không hỏi những vị về hưu sang trọng, không hỏi cả Walcher và lại càng không hỏi Olliphan nữa. Tôi có một lý do chính đáng về việc này. Tôi tin một cách vững chắc rằng nếu bọn Caltani biết ông đã - nói thế nào nhỉ - mở một cuộc điều tra về Baumer thì tính mạng của ông và của những người trong gia đình ông sẽ bị đe đọa.
- Có lẽ đã bị đe dọa rồi đấy.
- Không, tôi không nghĩ thế! Cuộc điều tra do Lavater tiến hành chắc đã làm cho bọn Caltani lo ngại. Nhưng thấy không xảy ra chuyện gì, chắc chúng đã bắt đầu yên tâm rồi. Là tôi hy vọng thế. Trừ ra những chuyện mà tôi không biết đã chọc tức chúng. Hiện nay thì chúng chỉ canh chừng ông thôi. Chứng cớ là hai cái người theo dõi ông ngày hôm kia ở phi trường đấy. Nhưng nếu ông không làm gì thì chúng cũng sẽ không làm gì. Sự im lặng của ông là cách bảo vệ tốt nhất cho ông. Và bây giờ thì ông hiểu tại sao tôi đã phải bố trí cẩn thận đến như vậy để gặp ông hôm nay.
° ° °
Tôi gọi điện ngay cho Marc Lavater. Sự im lặng mà anh ta đón nhận những thông tin của tôi, để cho tôi đánh giá được tính nghiêm trọng của tình thế. Cuối cùng anh mới nói:
- Thế mà tôi đã để lọt mất tất cả những điều đó...
Anh định nói về cuộc điều tra của anh mà Người Anglais vừa rồi đã vạch ra sự thiếu sót và những hạn chế.
- Marc, người nào việc ấy chứ.
- Thế anh định làm gì bây giờ?
- Không làm gì cả. Tuyệt đối không. Nếu có một giải pháp nào khác ngoài sự giả chết, thì tôi chưa nắm được...
- Có thể là Walcher biết sự thật.
Marc hãy còn bàng hoàng vì những phát hiện của người Anglais.
- Không có vấn đề đi tìm Walcher đâu!
Bình thường, Lavater vẫn rất nhanh trí. Hôm nay chắc anh đã bị một đòn đánh đến choáng váng đây, nên mới hỏi:
- Nhưng tại sao?
- Marc! Hoặc là Walcher cũng nằm trong cái mánh này, và đi tìm hắn thì khác gì báo động cho bọn Caltani. Hoặc Walcher là người lương thiện, thì việc làm đầu tiên của hắn là đi báo ngay cảnh sát là người ta đã giết mất người bạn già Baumer của hắn.
- Anh nói có lý! Thôi đừng nói thêm nữa.
Tôi nổ ra.
- Ồ! Sao lại không, tôi sẽ nói thêm nhiều nữa kia! Bởi vì không nói gì đến chuyện là bất cứ một cuộc điều tra nào của chính quyền về cái chết của Baumer sẽ có hậu quả là người ta sẽ thẩm tra lại việc bán Con Voi Trắng, và do đó năm mươi triệu mà tôi đã bỏ ra sẽ bị phong tỏa lại, ngoài ra, tôi sẽ còn bị tụi Tầu nắn lưng bóp cổ tôi nữa.
Chỉ có giả chết thôi.
Giả chết nhưng ở bề mặt thôi. Tất nhiên không có vấn đề là tôi sẽ cứ vĩnh viễn ở mãi trong một tình thế như vậy. Thật ra, tôi chỉ nhìn thấy có hai khả năng hoạt động: Thứ nhất là yêu cầu Người Anglais tiếp tục cuộc điều tra, tập trung vào Walcher và Olliphan, nhưng tiếp tục một cách tuyệt đối bí mật và thứ nhì là theo dõi các hướng mà chính tên Olliphan đã bí mật chỉ cho tôi: Nam Phi.
giavui
05-26-2020, 03:58 PM
CHƯƠNG 18
Tôi có yêu cầu Rosen tham dự vào cuộc hội kiến giữa tôi và những người đại diện của tổng lãnh sự quán Áo. Cuộc hội kiến diễn ra không đến nỗi tồi tệ quá. Bọn người Áo - trông cũng rất có cảm tình - đã đi xem xét rất kỹ lưỡng nhà cửa, hỏi Heidi vắng mặt tôi (làm tôi bực mình), rồi trước mặt tôi, họ hỏi tôi, hỏi Sarah và tranh luận với Jimmy. Cuối cùng rút lui. Về họ sẽ làm một bản báo cáo, và vai trò của họ đến đấy là ngưng. Thế còn sau thì thế nào? Họ cười, lúc nào cũng rất niềm nở: Sự quyết định không thuộc về họ. Họ vừa đi khỏi là tôi nhẩy kéo Rosen ngay:
- Jimmy, Heidi....
- Tôi biết, Franz! Chừng nào mà nó còn muốn thì nó vẫn ở đây được. Nhưng sự việc không thể đơn giản như thế đâu...
Cái câu nói muôn thuở của cái bọn luật gia lúc nào cũng chỉ muốn giải thích cho anh hiểu là anh không thể làm những gì mà anh muốn làm, dù rằng việc đó là lương thiện, là có đạo lý và gì gì nữa. Và chỉ có một việc mà tôi không thể làm được: Là đem Heidi ra khỏi nước Mỹ, là nơi nó còn phải ở đó chừng nào mà hoàn cảnh của nó chưa được giải quyết xong.
Thành thử ra, vì không có vấn đề chia rẽ Heidi với Marc Anđréa, và vì Sarah không muốn giao phó hai đứa trẻ cho sự coi sóc của một mình Nữ Thần Chiến Tranh, mà một lần nữa, vào ngày 10 tháng hai thì phải, tôi lại phải lên máy bay đi Paris một mình - Và tôi cũng chỉ đi qua Paris thôi - Nơi đến thực sự của tôi là Saint Tropez yêu mến của tôi kia. Và Henrik Korber đang đợi tôi ở đó.
Tôi nghĩ rằng chưa có một lúc nào, tôi lại có ý nghĩ là sẽ bị hấp dẫn lôi cuốn vào công việc mở một sòng bạc cho những người Bautous. Trong trường hợp tốt nhất thì điều ấy chỉ có thể làm cho tôi buồn cười mà thôi. Người Bautous lại còn thêm là ở trong cái xứ của chủ nghĩa apartheid nữa. Cuối cùng thì chuyện này có vẻ hài hước hơn hết cả - Tôi nghĩ rằng, cũng đã có những lần tôi xông vào những chuyện gần như ra ngoài giới hạn, thí dụ như chiến dịch “kem mứt" chẳng hạn - tuy rằng không đến nỗi tồi tệ lắm, nhưng cái gì cũng phải có giới hạn của nó chứ.
Marc Lavater nhún vai.
- Cậu sai rồi. Chuyện này không có gì là kỳ cục đâu. Korber là có thật, cả cái xứ Bop gì gì ấy cũng có thật - Nghĩa là vào cuối năm nay, nó sẽ có thật. Và rất có thể là ở đó sẽ có những sòng bạc. Và những khách sạn. Có những hợp đồng đã sẵn sàng để đưa vào ký kết. Tôi lại còn có thể nói với anh rằng cái tên Korber này không phải là người duy nhất trong công việc này. Chuỗi Holliday Inn, và nhiều hãng khác nữa cũng đã bắt đầu vào đấu trường.
Chiếc Ferrari của Olliphan vừa vượt qua rào sắt căn nhà của tôi ở Long Island là tôi đã gọi điện ngay cho Marc. Anh ta càu nhàu, vì đã bị lôi ra khỏi giường vào mười một giờ rưỡi đêm. Tôi kể cho anh ta nghe về cuộc thăm viếng kỳ lạ vừa qua của tên “tay chân” của bọn Caltani. Sự phân vân của anh cũng ngang với của tôi, cuối cùng anh nói:
- Nếu không có gì tốt hơn, thì chúng ta vẫn có thể tìm xem cái chuyện Korber này đứng vững được đến mức nào.
- Ý kiến rất hay! Anh lo cho việc ấy đi.
- Để đi sang Nam Phi à?
- Đúng thế. Hôn những người Bautous cho tôi.
Tôi hỏi Marc:
- Thế cuối cùng thực ra, anh có đi qua bên ấy không?
- Sang Nam Phi ấy à? Đừng hòng! Chính cậu mới thích đi đu lịch, chứ có phải là mình đâu.
Không, anh ta chỉ liên hệ với người bạn chung của chúng tôi, người Thổ Nhĩ Kỳ. Anh này, từ ngôi nhà riêng ở Hampstead, Luân Đôn, mà hầu như anh ta không hề bước chân ra ngoài, nhưng vẫn quen biết cả thế giới, đã chỉ cho Marc những tên người phải gọi điện hay đánh điện đến hỏi ở Pretoria, Johannesburg hay ở Cap.
- Đồng ý! Nói cho tôi nghe về Korber đi.
- Đẻ ở Nam Phi và mang hộ chiếu Nam Phi. Không có tiền án, tiền sự. Đã làm giàu lần đầu trong nghề bông vải sợi. Bị phá sản. Lại làm giàu lại trong lĩnh vực giao thông đường bộ, rồi đường hàng không. Có hẳn một công ty riêng, và có tậu một vài khách sạn trong số đó có một chuỗi nhỏ Miền Tây nước Mỹ và ở Mexique. Có lời xì xào là những cái đó không đủ để chứng minh gia sản của gã hiện nay, vượt quá trăm triệu đồng rand.
- Mỗi rand ăn bao nhiêu?
—Năm francs và hơn một ít. Hơn cả đồng dolars. Gã giàu hơn cả cậu, đáng tiếc.
- Anh muốn làm gì vậy? Định chọc tức tôi hay sao thế?
- Cũng vẫn theo những nguồn dư luận xì xào ấy, thì Ngài Korber còn làm cả chuyện Vàng nữa. Gửi đi Ấn Độ.
- Tôi biết. 1
Marc đón tôi ở sân bay Roissy, khi tôi từ New York đến. Chúng tôi cùng thay đổi phi trường và lên máy bay đi Nice, ở Nice đi xe thuê, Marc lái. Chúng tôi đi qua Saint Maxime. Marc nói:
- Nhưng không có ma túy, không buôn phụ nữ da trắng, không buôn vũ khí, không chôm chỉa. Tóm lại, một nhà tài chính cực kỳ đáng kính.
- Mỉa mai, hả! Thế còn những mối liên quan của hắn với Olliphan?
- Olliphan đã nói với anh sự thật: Korber đã dùng hắn làn cố vấn tư pháp khi tay này mua những khách sạn ở miền Viễn Tây nước Mỹ. Hai người này biết nhau ít ra cũng đã bẩy tám năm rồi. Olliphan đã có sang Nam Phi hai lần, lần nào cũng là để gặp Korber. Về việc này lại có một lời đồn đại nữa, còn dai dẳng hơn là lời trước. Olliphan còn hơn là một cố vấn nữa. Hắn cũng chia sẻ một số quyền lợi nào đó với Korber.
- Quyền lợi gì?
Tôi đang nghĩ đến một sự móc nối giữa Korber và bọn Caltani, qua trung gian của Olliphan. Nhưng Marc lắc đầu:
- Tôi không tin là thế. Dường như Olliphan làm riêng cho hắn thì phải hơn.
- Làm lén bọn Caltani à?
- Đúng thế. Tôi biết là việc này sẽ làm anh chú ý.
Một hình ảnh lại xuất hiện trong trí nhớ của tôi: Bóng dáng khủng khiếp của “nàng Olliphan” vợ hắn. Và đột nhiên mạch tôi đập nhanh hơn. Bởi vì, không còn nghi ngờ gì nữa, nếu tôi là Jammes Montague Olliphan, kết hôn với một mụ Caltani khủng khiếp như vậy, và bị cầm tù một cách không thể tưởng tượng được bởi cuộc hôn nhân này, thì tôi sẽ chỉ có một ý tưởng trong đầu: Chuồn đi nơi nào xa nhất có thể được, để rồi bỏ vợ và những người anh rể thân yêu đó. Mà Nam Phi thì khá xa đó.
- Marc, trời đất quỷ thần, anh có nhận thấy tầm quan trọng của những gì anh vừa nói không, nếu quả đó là sự thật?
- Nhận thấy chứ! Trước hết điều này giải thích thái độ của chính Olliphan đối với anh: Hắn đứng làm đại diện cho bọn Caltani bán cho anh Con Voi Trắng, thế mà ngay sau đó, lại mời anh đến ăn, làm cho anh phải đề phòng về việc mua bán đó. Và, bốn hay năm tháng sau, lại đến đề nghị với anh “một việc rất riêng”. Nếu hắn đang định qua mặt bọn Caltani, hay ít ra cũng đang tìm cách thoát ra khỏi bọn chúng, thì việc này là có thật đấy.
Tim tôi vẫn đập như trống trận. Có lẽ chúng tôi vừa để tay vào một điểm cơ bản đây.
- Và còn hơn thế nữa kia, Marc! Hơn thế nhiều!
Tôi gần như hét lên vì sự kích thích.
- Nếu thật đúng như người ta nghĩ là Olliphan đang tìm cách xoay xở rất kín đáo để gạt bỏ hai ông anh rể khủng khiếp và một bà vợ cũng khủng khiếp không kém, thì chỉ riêng cái việc biết được chuyện này, và mang được chứng cớ...
- Mà chúng ta không có.
- Đồng ý! Nhưng nếu có thì chỉ cần hù hắn: “Bạn Ollie thân mến, tôi sẽ nói hết với vợ anh, nếu anh không nói hết với tôi về Con Voi Trắng”.
- Và về Baumer.
- Và về Baumer, Heidi, Anna và vụ ám sát tổng thống Abraham Lincoln. Marc, phải cho thật chắc ăn về chuyện này đi.
Anh ta nói lời cuối cùng:
- Và ai sẽ là người đi sang Nam Phi để tìm xem cái tên quỷ quái Olliphan này có đang đầu tư vốn ở đó không?
Tôi cười với anh:
- Anh đã nói rồi đó: Tôi là người thích đi du lịch mà.
° ° °
Henri Korber đã đặt điều kiện là cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với anh ta phải bí mật, vì anh ta là một trong số những nhà kinh doanh chỉ đồng ý có sự quảng cáo sau khi đã ký các bản hợp đồng. Điều này không có gì là quá quắt. Anh ta từ Amsterdam hay Franefort đến, đang trên đường trở về Nam Phi, còn tôi thì từ New York sang. Anh ta đề nghị với tôi là gặp nhau ở Canne trên đường đi qua, và chính tôi đã chọn Saint Tropez - là nơi dù sao tôi cũng đã sinh ra ở đó - và tôi vẫn thường tự nghĩ rằng có lẽ tốt hơn cả là tôi nên ở yên tại chỗ ấy, chứ không chạy lông nhông làm một thằng đần độn đi xây những sòng bạc và mua hàng núi cà phê.
Theo lời khuyên của tôi, anh ta đã đến trọ ở một khách sạn nhỏ rất mỹ lệ tên là Mas de Chatelas trên đường đi cách Saint Tropez ba cây số, mà người ta đặc biệt mở cửa vào mùa này riêng cho chúng tôi (chủ nhân Dominique và Géard là những bạn của tôi). Korber là một người đàn ông khoảng bốn nhăm hay năm mươi tuổi, có cái dáng của một gã ăn chơi quốc tế, cao hơn tôi khoảng hai cái đầu. “Tôi sung sướng, rất sung sướng được làm quen với ông", anh ta nói và tôi trả lời “tôi cũng vậy và đã nóng lòng chờ đón lúc này". Anh ta nói với tôi cái nhận xét muôn thuở: “Ông thật có vẻ trẻ lắm”, và tôi cũng trả lời một cách không kém cổ điển: “Ông hãy yên tâm, cái ấy không lây đâu". Rồi chúng tôi trao đổi với nhau nụ cười rộng rãi và nồng nhiệt của một tình bạn vĩnh cửu được sinh ra trong một giây lát, giống như hai con chó sói độc ác lớn chợt bắt gặp nhau ở một góc rừng, mỗi con đều tự hỏi không biết làm thế quái nào bây giờ để có thể xé xác ra ăn sống nuốt tươi con kia.
Tôi không có một tý cảm tình nào đối với anh ta - Đó là một con cá mập - Điều ấy thấy rõ lắm, và có lẽ tôi sẽ không dám đưa cho anh ta giữ đến cả cái bàn chải của tôi nữa. Nhưng tôi làm bộ như là - và tôi nói cho anh ta hay nữa - là sau khi đã cho tiến hành nghiên cứu cái chuyện kinh doanh mà anh ta đề nghị với tôi qua trung gian của Olliphan, tôi sẵn sàng xét đến việc có thể có một sự hợp tác.
Tôi chỉ có một mục đích, một mục đích duy nhất trong tấn hài kịch này là kiểm tra lại giả thuyết của tôi về Olliphan, tìm lấy chứng cớ là hắn đang thực sự chơi cái trò riêng của hắn, bỏ mặc những quyền lợi của Gia Đình mà hắn là tay chân, và nhất là đang chuẩn bị để đoạt lại sự độc lập của hắn.
Nói thì dễ nhưng vào việc mới thấy khó. Trước hết bởi vì cho đến giờ phút này, hắn không thể bị liên lụy bởi việc hắn đến gặp tôi: Hắn vẫn có thể biện bạch rằng Korber là một trong những thân chủ của hắn - và chắc chắn là bọn Caltani phải biết điều này - hắn chỉ có làm cái việc bắt liên lạc giữa khách hàng của hắn với tôi, có thế thôi. Sau nữa bởi vì nếu như cũng cái tên Olliphan này mà có thực sự đầu tư của Nam Phi đi nữa, thì chắc chắn là hắn cũng đủ tinh khôn để không để lại một vết tích gì. Tôi lại chưa bao giờ gặp bọn Caltani, ngoài những bức ảnh của chúng (ngang đây phải nói đó là những cái đầu người Sicile rất đẹp), nhưng tôi sẽ hết sức ngạc nhiên nếu như chúng thưởng thức được cái chuyện điên rồ của người cố vấn đồng thời cũng là người em rể của chúng. Đã ngửi thấy có mùi chết đột ngột trong không khí rồi đấy!
...Và cuối cùng bởi vì cái tay Korber này, dưới cái dáng dấp của một tay ăn chơi niềm nở và thân ái, rất biết giữ mồm giữ miệng. Ồ! Thực ra hắn cũng có nói, với cái giọng lưỡi tán hươu tán vượn của một tên đi chào hàng, làm cho tôi nhớ lại một gã đi bỏ mối nhà cửa ở San Francisco, một tên Lam nào đó, mà vào cái thời ấy tôi đã làm cho vài việc điêu đứng để trị tội hắn đã tham gia vào một vụ tước đoạt gia tài (của tôi). Korber có nói, nhưng chỉ nói những gì hắn muốn nói mà thôi. Rõ ràng, là hắn cũng đã làm một cuộc điều tra về tôi, vào cái loại cũng giống như tôi đã làm về hắn. Điều này cũng không làm cho tôi ngạc nhiên, nếu ngược lại không làm thế thì tôi mới thấy lạ. Hắn cười với tôi:
- Tôi có thể nói thành thực với ông không?
Tôi đáp lại nụ cười của hắn:
- Xin ông đừng mất công như thế làm gì. Ông cứ nói như thói quen của ông thôi.
Hắn giáng vào lưng tôi một cái vỗ tưởng đến long phổi ra được: Tôi là một người bạn vui tính biết chừng nào.
- Tôi rất có cảm tình đối với anh, Franz. Tất nhiên, anh có thể gọi tôi là Rik. Nhưng có một điều làm tôi lo ngại: Tôi biết là anh đã dấn rất sâu vào trong cái việc ở Atlantic City và...
- Nếu tôi cam kết với anh, thì tôi có thể giữ được những lời cam kết đó.
Hắn cười với tôi một cách tế nhị:
- Có gì thì lại chạy đi cầu cứu những người bạn Ả Rập rất tốt của anh chứ gì... Có, tôi có biết. Bao giờ tôi cũng tìm hiểu về những người mà tôi định làm ăn với người ta.
Đây cũng là một cách mời chào có kém gì một cách khác. Tôi vội lao ngay vào, tôi nói:
- Chính thế. Trước khi đi xa hơn trong cuộc thảo luận của chúng ta, có hai điểm mà tôi muốn đề cập tới: Điểm thứ nhất là vấn đề những người hùn hạp với tôi, những người Tầu ở Macao cùng tham gia với tôi trong cái vụ sòng bạc ở Atlantic City. Bất kể kết quả cuộc thương lượng của chúng ta, giữa anh và tôi như thế nào đi nữa, tôi muốn là họ không biết một tý gì về những dự án này. Tôi trông vào sự kín đáo của anh.
Người ta sẽ ghi nhận rằng những lời tôi vừa tuyên bố, không có gì khác là một sự bịp thôi. Thực ra, tôi hoàn toàn không quan tâm đến việc nàng Miranda xinh đẹp ở Macao biết hay không biết về những “dự án” của tôi với Korber vì hai lẽ: Một mặt là tôi không có một tý xíu nào ý định thực hiện những dự án này, nhất là từ khi tôi đã đánh giá được Korber, mặt khác, việc đầu tiên của tôi sẽ là chính tôi báo cho Macao biết về đề nghị của người Nam Phi này và về câu trả lời không của tôi. Bao giờ cũng phải rất đứng đắn với những người hùn hạp với mình, nhất là khi họ là những người Tầu.
Không, thực ra, tôi chỉ muốn đơn giản thôi - nếu người ta có thể nói như thế - là làm cho Korber có cảm giác từ nay trở đi hắn đã nắm được gáy tôi, và như vậy, khi cần có thể dùng cái đó làm phương tiện để tống tiền hoặc gây sức ép của tôi. Điều đó có thể làm cho hắn ba hoa cởi mở hơn.
- Rik, vai trò thực sự của Olliphan trong việc kinh doanh này là thế nào?
- Tôi trả tiền cho anh ta để đại diện những quyền lợi của tôi ở Mỹ. Và tôi đã yêu cầu anh ta tìm cho tôi một người hợp tác. Anh ta đã làm xong công việc của mình.
- Không có gì khác nữa à?
Anh ta làm bộ hoàn toàn ngạc nhiên (đúng là làm bộ, tôi chắc nhất định là thế):
- Tại sao lại có những câu hỏi đó? Anh ta có nói với anh cái gì làm anh lo ngại hay sao?
- Bởi vì Olliphan có những mối liên quan mật thiết nhất với những người mà tôi chỉ muốn nhìn thấy trong ảnh mà thôi. Và cũng chưa chắc đã muốn nữa kia.
- Trong trường hợp này, tôi có thể làm cho anh an tâm tức khắc. Bản thân tôi không có một chút cảm tình nào đối với những người mà anh vừa nói. Anh biết không, ở Nam Phi, chúng tôi cũng có những tên gangster của chúng tôi rồi. Chúng tôi không muốn nhập cảng ở ngoài vào thêm nữa.
Hắn nói, nhưng không trả lời vào câu hỏi của tôi. Ít ra thì cũng không trả lời đầy đủ, và hắn sẽ không trả lời đâu, điều ấy thấy rõ ở giai đoạn này của cuộc thương lượng. Nói cách khác, là tôi phải đưa thêm chứng cớ khác về sự quan tâm của tôi đối với những sòng bạc ở xứ người Bautous.
Thế thì, nào ta đi. Dù sao thi tôi cũng chưa bao giờ đặt chân đến đất Nam Phi kia mà.
Hai ngày sau đó, chúng tôi đã ở Cap, sau một chặng dừng chân ngắn ở Le Caire, là nơi người ta đã nhẵn mặt tôi. Korber ở trong một cơ ngơi khá đặc biệt, có trồng những cây sồi ba trăm tuổi nhập từ Âu Châu sang, và cả những cây hoa hồng nữa. Vườn đầy những chim lạ nhưng không sợ người. Nơi ấy gọi là Landuno, ở phía nam dãy núi Cái Bàu, dưới chân cái mà ở đây người ta gọi là Mười Hai Tông Đồ. Bốn cửa sổ của buồng tôi, căn lầu của tôi thì đúng hơn, mở ra một quang cảnh kỳ lạ. Tôi không có thời gian để ngắm nó: Korber chôn tôi dưới một đống tài liệu, hắn tổ chức, móc nối các cuộc gặp gỡ với những chủ ngân hàng, kiến trúc sư, nhà báo, thậm chí cả một nhà nhân chủng học.
Korber huy động đội quân cận vệ của hắn thuyết phục tôi. Và anh ta suýt nữa thì thành công trong việc làm cho tôi tin rằng cái món kinh doanh mà anh ta đề nghị với tôi là ngon nhất mà một nhà tài chính có thể mơ ước:
- Franz, tôi đã dự kiến tất cả. Ngày mốt, hay là hôm sau nữa, chúng ta sẽ cùng đi Johannesburg, nhưng từ đó, đi bằng xe hơi đến Bophuthatswana không đến hai tiếng đồng hồ đường xe. Mà anh hiểu không, đấy chưa phải là tất cả đâu, vấn đề là phải xây dựng cả một vương quốc khách sạn và sòng bạc kia. Tất cả những vùng da đen này đều là những mỏ vàng - về nghĩa bóng - chúng ta sẽ không xây dựng một Las Vegas nhỏ, mà nhiều cái kia. Xứ Trauskei hiện nay không chấp nhận những đề nghị của tôi, nhưng sớm hay muộn, rồi họ cũng sẽ phải nhận thôi. Mà không phải chỉ có hai xứ Bophuthatswana và Trauskei thôi đâu, anh còn có những xứ Vendaland, Ciskei, Lebowa, Swaziland... ấy là tôi chưa kể hết đấy. Chưa độc lập, nhưng rồi sẽ độc lập một buổi sáng tốt đẹp nào đấy. Nghĩa là “độc lập”, anh hiểu tôi chứ... Bọn Kleurlinge không có chọn lựa nào khác: Chúng ta cấp cho chúng một thứ độc lập, nhưng không cười đâu, đấy là cách tốt nhất để tống khứ chúng đi, và để khỏi một ngày nào đó, phải cho chúng quyền bầu cử. Nhưng rồi chúng sẽ sống sót ra làm sao? Chắc anh cũng không nghĩ rằng chúng ta sẽ cho chúng những vùng đất tốt nhất chứ? Chúng không có chọn lựa, tôi đã nói với anh rồi: Hoặc là phải ra khỏi cái khu bảo tồn của chúng để đến làm việc cho chúng ta như công nhân ngoại quốc, hoặc là chấp thuận đề nghị của tôi.
Korber có một tính tốt mà tôi không thể không công nhận cho hắn: Sự thẳng thắn. Một sự thẳng thắn đã gần đến mức vô sỉ lạnh lùng nhất. Tôi ít thấy có người vô sỉ hơn hắn.
- Franz, anh có biết Nhà Thờ Cải Tổ Hà Lan không? Không ngộ lắm đâu, anh hãy tin tôi, và cũng không phải ngày mai mà cái nhà thờ này buông thả sự nắm giữ xứ này đâu. Càng tốt thôi, Franz. Bởi vì nhờ có nó, nhờ có cái đạo đức tệ hại của nó, mà chúng ta sẽ hốt được hàng núi tiền, anh với tôi. Những khách sạn, những sòng bạc, những gái da đen đẹp, loại những con điếm làm cho chín mươi lăm phần trăm dân da trắng Phi Châu trở thành những con heo ấy, như thế là gần ba trăm năm nay, chúng tôi không có quyền được mân mê một con da đen nữa ở cái xứ này. Anh đã thấy cái mõm của những bà vợ của chúng tôi chưa, sờ vào một cái mông đít đen ở đây được gọi là một Schandelijcke crime van hoerendom, 2 một “tội ác xấu hổ vì chơi điếm” và bị pháp luật trừng phạt. Mà người ta lại thèm khát cái tội ấy lắm kia, và cái bọn Bautous này sẽ làm cho sự ấy có thể thực hiện được, đồng thời chúng lại cho ta đặt những bàn đánh Baccara, đánh Craps hay Blackjack, cũng là những chuyện bị cấm đoán như đàn bà da đen vậy. Franz, tôi đánh cá với anh: Trong hai hay ba năm nữa, anh và tôi, chúng ta sẽ thực hiện được một doanh số chung quanh bốn trăm triệu dolars, và sẽ nhân gấp ba số này lên từ nay đến 1985. 3 Tất cả Phi Châu sẽ đổ đến, rồi anh xem, cả Phi Châu Trắng, lẫn Phi Châu Đen...
° ° °
Tôi đã không có cảm tình với Korber ngay từ phút đầu mới gặp, và ở lại Nam Phi cùng với hắn cũng không gây ra giữa chúng tôi một cuộc tình duyên mùi mẫn. Nhưng cái khổ nhất là tôi cứ phải làm giả bộ bị kích động như một con chấy rận bởi những dự án vĩ đại mà hắn trình bày. Đến mức phải mất đứt hai ngày tôi mới rứt ra khỏi được hắn và tiếp xúc được với cái người mà qua trung gian của Lavater - người Thổ Nhĩ Kỳ - đã cho tôi tên và địa chỉ.
Đó là một người lai da đen và Mã Lai, nghề nghiệp: Chủ ngân hàng, đã từng theo học ở Anh - anh ta kể với tôi với một niềm kiêu hãnh - gia đình đã có một tư thất ở đại lộ Hout Straat (bây giờ là ở giữa khu Da Trắng) từ thế kỷ thứ XVIII, trước khi sự phân biệt chủng tộc được thực thi. Anh ta đã mời tôi ăn bữa sáng với tôm hùm nướng ở Homestead, là một khách sạn hỗn hợp trong công viên quốc gia của Cap. Nếu có một người nào có thể cho tôi những tài liệu về các đầu tư của Olliphan ở Nam Phi thì chính là anh ta đấy. Tên thật của anh ta không quan trọng, ở đây tôi tạm gọi anh ta là Baltazar. Nhưng khi Lavater, qua điện thoại, có yêu cầu anh ta đi săn những tài liệu ấy đi, thì cũng chính cái anh Baltazar này đã thẳng thừng đập máy xuống gần như là vào mũi của Lavater.
Anh ta cười với tôi, trên những con tôm hùm nướng.
- Tôi không giải quyết những loại công việc như vậy bằng điện thoại.
- Cái chính là ông có ý định giải quyết. Tôi đã đến đây.
Chúng tôi nói chuyện với nhau một ít về anh bạn chung: Người Thổ Nhĩ Kỳ. Anh ta là... không có danh từ nào hay hơn để mô tả anh ta, là một “người cho vay có bảo lãnh cỡ quốc tế”, rất có thể ngay trong một tiếng đồng hồ ứng trước cho anh một triệu bảng Anh với điều kiện là anh thực chắc chắn là có thể hoàn lại được trong một thời gian định trước. Nếu không, anh sẽ phải chịu những sự rủi ro, mà những rủi ro này không nhất thiết là hợp pháp.
- Người Thổ Nhĩ Kỳ quý mến ông lắm! - Baltazar nói với tôi như vậy.
- Đối với ông ta tôi cũng thế. Ông có thể tìm cho tôi những tài liệu về Olliphan được không?
Ông ta sẽ xem, ông ta không hứa gì cả. Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, sớm nhất cũng không thể trước hai, ba tuần lễ nữa. Sẽ không phải là dễ dàng đâu, và thực sự là vì tôi có những lời bảo lãnh rất nhiệt tình của anh Thổ, nên ông mới chịu liên lụy như vậy. Thôi được, ta qua chuyện khác. Chúng tôi hợp đồng với nhau, là ông ta sẽ gửi một báo cáo bằng mật mã, nếu có, không phải cho tôi, mà cho Jimmy Rosen, ở nhà riêng của anh ta.
- Lý tưởng là ông thông báo cho chúng tôi biết con số vốn đầu tư nếu có của hắn.
- Tôi sẽ làm hết sức mình.
Ông ta có cái sự dè dặt cổ điển của những chủ ngân hàng. Tôi không biết nên nghĩ thế nào về ông ta và về sự tin cậy đối với ông. Nhưng có một điểm mà tôi chắc chắn: Nếu Olliphan có thực sự chuyển tiền đến cái phần đất này của thế giới, thì có nhiều khả năng là hắn đã múc ít nhiều gì đó trong két của Gia Đình sui gia của hắn. Giả thuyết này làm tôi nổi da gà ở lưng lên: Trong trường hợp này và chỉ cần hai ông anh rể có những đôi mắt như hai cục than hồng kia mà biết được, thì sẽ có một ngày hội Saint Valentin 4 trong không khí đấy! Và cái anh Cimballi xinh xắn đáng yêu ấy tốt hơn hết là nên có mặt ở nơi khác khi vụ nổ xẩy ra.
Thực ra sau hợp đồng của tôi, nhưng đây có phải là một hợp đồng không? với Baltazar, tôi không có gì phải làm ở Nam Phi nữa. Nhưng tôi không muốn gây ra sự bất trắc cắt đứt ngay với Korber mà tôi vẫn chưa xác định được những mối liên quan của hắn với Olliphan, cho nên tôi đành phải chịu trận cho đến phút chót. Cái tay Nam Phi này đã kéo tôi xuống tận Johannesburg, và từ đó, đi thẳng sang phía Tây đến tận cái xứ “Bop con tườu" gì đó mà tôi có cần biết làm gì. Sự an ủi duy nhất là: Cái xứ này đẹp một cách không thể tưởng tượng được. Và trong chiếc trực thăng to bự, trang trí lộng lẫy, mà hắn dùng làm tổng hành dinh, Korber rất thích thú đưa tôi đi lượn chơi trên xứ Trauzvaal, sang cả một phần của tỉnh Orange, đến tận đìa của sa mạc Kalehari. Cuối cùng rồi chúng tôi cũng rứt được nhau ra, và sau những phút biệt ly đứt ruột, và lời hứa trang nghiêm của tôi là tôi sẽ báo tin rất nhanh cho hắn (cứ đợi đấy), tôi lên máy bay ở Johannesburg đi Roma, động tác giả thôi, vì đáng lẽ trở về Mỹ thì trái lại, tôi lại bay đi Bombay ngày 21 tháng Hai. Ngày 22, tôi đã ở Macao, tôi gặp lại nàng Miranda tuyệt đẹp và kể lại chi tiết cuộc phiêu lưu sang Nam Phi của tôi, nhưng không nói rõ lý do. Tại sao lại đi nói với nàng về Olliphan và những mối nghi ngờ kỳ lạ của tôi đối với hắn, trong khi thực ra, tôi chưa có một chứng cớ nào cả? Không nên làm căng thẳng thần kinh của những người Tầu một cách vô ích về một cái gì có thể chỉ là một báo động giả. Tốt hơn cả là để biết thêm nhiều hơn đã. Chẳng hạn như khi Baltazar đã gửi cho tôi bản báo cáo.
Miranda ghi nhận sự việc là chắc chắn tôi sẽ không chấp nhận những đề nghị của Korber. Nàng tán thành tôi và đã cấp cho tôi một cái hôn rõ kêu để tỏ sự vừa lòng: Những tin tức mà nàng có được về Con Voi Trắng, qua Caliban là rất tốt.
- Tôi rất bằng lòng anh, đồng chí Cimballi.
Macao - Hong Kong - San Francisco - New York. Tôi hạ cánh xuống Long Island thứ sáu, ngày 25. Vừa đúng lúc để giữ trọn lời hứa của tôi với Marc Andréa và Heidi, khi ra đi, mười lăm ngày trước đây: Đưa hai đứa đi thăm Con Voi Trắng. Chuyện ấy xẩy ra vào chủ nhật ngày 27. Người ta không thể quên được những thời điểm như vậy.
--------------------------------
1 Xem tiểu thuyết Money của cùng tác giả.
2 Nguyên văn tiếng Hà Lan.
3 Doanh số của những sòng bạc ở Nam Phi trong năm 1981 là 350 triệu dolars.
4 Theo tập quán thì Saint Valentin là ngày hội của những lứa đôi yêu nhau, nhưng vào ngày hội Saint Valentin 14 tháng hai, năm 1929 đã xảy ra một tàn sát nổi danh trong lịch sử tội ác.
giavui
05-26-2020, 03:58 PM
CHƯƠNG 19
Heidi nói:
- Nếu đây mà là một con voi, thì con sẽ là một con cá sấu chắc.
Bên phải là Marc Andréa, bên trái là con bé Tyrol, ở giữa là Cimballi, mà hai hàng răng đánh vào nhau lập cập như gõ mõ (bốn mươi sáu độ chênh lệch, giữa Le Caire và Atlantic City) Sarah không muốn đi. Cô ta nói rằng những khách sạn thì cô đã thấy khá đủ rồi năm này qua năm khác, vả lại cô cũng còn phải đảo về Montego Bay một chút. Tuy chính thức là đang nghỉ đó, nhưng không dừng được, thể nào cô cũng phải thỉnh thoảng trở về để xem coi thế nào, Marc Lavater cũng đã bỏ lại chúng tôi, tụi trẻ con và tôi, nhưng anh ta mới chỉ đi khỏi trước vài phút thôi. Thực ra anh cũng như chúng tôi, đều đến Atlantic City, anh ở nhà Henry Chance, chỉ cách chúng tôi mấy cây số. Sự có mặt của anh ta ở đây sau này sẽ có một tầm quan trọng cơ bản.
Tôi ngắm cái giàn giáo khổng lồ bằng kim loại. Đúng là phải có không ít sức tưởng tượng mới có thể nhìn thấy trong cái mớ bòng bong này con vật da dầy tương lai. Lúc ấy là vào mười giờ rưỡi sáng, có thể hơn thế một chút. Tôi đi từ Long Island đến đây bằng xe hơi cùng với Marc Lavater. Đến đây anh mới đi việc của anh. Hôm qua tôi đã thuật lại chi tiết cho Lavater cuộc du lịch và sự gặp gỡ của tôi với Baltazar. Kết luận chung của chúng tôi là: Kết quả nghèo nàn và chúng tôi chưa thấy những kết quả này có gì để cải thiện được tình thế của tôi, mắc kẹt giữa một sự chắc chắn, một linh tính là tôi đã mua phải một cái khách sạn bị cướp không bởi một vụ bắt cóc, nếu không phải là bởi một vụ án mạng và sự bắt buộc đối với tôi là không được làm gì, nói gì cả. Tôi chỉ còn tìm thấy sự an ủi là ít ra thì về phía chúng, bọn Caltani cũng không dám động đậy gì. Tất cả đều chỉ ra rằng chúng đang bằng lòng về hoàn cảnh này. Tôi cũng bắt buộc phải làm như chúng thôi, với hy vọng là Người Anglais, tiếp tục cuộc điều tra một cách tuyệt đối bí mật, sẽ đem lại được những khám phá mới, hoặc Baltazar từ Cap sẽ gửi đến cho tôi những phát hiện nào đó. Thực ra, vào cái sáng ngày chủ nhật 27 tháng Ba năm 1977 này, tôi nhớ là tôi rất bình tĩnh và không có một linh cảm nào về những gì sẽ xảy ra: Sự vui sống của Heidi và Marc Andréa, Heidi lôi kéo Marc Andréa, đã lây sang tôi: Chúng tôi đã hát vang khi ngồi trên xe vượt qua New York Bay bằng cây cầu Verrazzauo. Chuyến đi bằng xe hơi đến Atlantic City này cũng cho tôi kiểm tra được sự gần cận của nơi tôi đầu tư vốn với New York. Công trường Con Voi Trắng vắng tanh, nếu người ta còn gọi đây là một công trường được. Nhìn từ bên ngoài, thì sòng bạc có vẻ đã hoàn thành rồi, trừ những khu vườn trang trí, những lối đi vào phía sau, hiện thời đất còn bỏ hoang và dùng làm nơi để các xe cộ máy móc, ở bên trong, trái lại, hầu như toàn bộ phần nội thất ở phần sòng bạc cũng như ở các tầng lầu của khách sạn là còn phải làm tiếp. Ngày mở cửa chính thức đã được định vào mùng 9 tháng tư trước ngày chủ nhật lễ Phục Sinh, mà ở đây người ta gọi là lễ Easter. Đã có lúc chúng tôi nghĩ đến việc cho mở cửa sớm hơn một tuần, những hãng quảng cáo phụ trách việc “lăng xê” sòng bạc đã chứng minh rằng như vậy sẽ làm đảo lộn tất cả kế hoạch của họ.
Một trong sáu người bảo vệ có võ trang và mặc đồng phục gắn huy hiệu Con Voi Trắng, kiểm tra việc vào cửa của chúng tôi ở ngoại vi của một hàng rào tạm thời. Anh ta nhận diện tôi rồi mở một cái cửa làm bằng mấy tấm ván và thép mạng cầu, cho xe tôi vào và lại đóng lại ngay. Anh ta bảo có cà phê nóng, nếu tôi muốn.
Chỉ một giây đồng hồ sau, anh ta nhảy lò cò trên một chân, vì chân kia vừa nhận được một cú đá truyền thống của Heidi. Tôi giải thích:
- Biết làm sao được, đấy là chuyên khoa của nó.
- Lẽ ra người ta phải mộ nó vào đội Cosmos mới phải. Để thay thế gã Pelé.
- Thế Sôcôla, có không chú? - Heidi hỏi.
Nhưng có lẽ hỏi thế cũng chỉ là để thanh minh cho cú đá vừa rồi thôi, vì không đợi trả lời, nó đã kéo thằng con trai tôi chạy ào về phía nhà cửa và không phải đợi lâu: Những căn phòng rộng lớn, vắng vẻ, đã vang lên những tiếng cười đùa: Chúng tổ chức ngay một cuộc chơi đi trốn tìm vĩ đại mà tất nhiên tôi phải là con mồi, còn chúng là người đi săn. Bảy trăm tám mươi phòng, hai tá dãy phòng, cộng với các phòng phục vụ, các phòng khách, nhà ăn, nhà biểu diễn, các quầy rượu, các phòng thể dục thể thao, cộng thêm phần chính của sòng bạc: Những chỗ để trốn quả là không thiếu. Bọn trẻ la hét quá trời, đến nỗi một người bảo vệ khác phải chạy vào: Anh ta tưởng đã xảy ra tai nạn gì rồi. Tôi nói cho anh ta an tâm, và anh ta đi ra. Sự canh gác của bảo vệ cốt nhất là ở ngoài. Theo lý thuyết họ không được ở trong nhà và chỉ được đi tuần qua thôi.
Cuối cùng tôi cũng thu hồi lại được hai con quái vật của tôi trong một dẫy buồng. Dẫy này đã gần hoàn thành rồi, chỉ còn thiếu có đồ đạc nữa thôi. Nhưng các thứ thảm len và thêu đã được trải dưới sàn và treo lên tường, hầu hết các phòng khác chưa được như thế. Có điện rồi, nhưng sân và tường còn để trơ, và khi định rửa tay, tôi mới biết là các ống nước chưa bắt. Gần như ở hành lang nào cũng ngổn ngang những cuộn thảm len, những đồ điện, những két, những hộp các tông đựng các thảm thêu và vải bọc tường.
Chúng tôi đã xuống hầm trú ẩn bằng con đường hầm gia cố, bắt đầu từ ngay bên dưới tầng trệt. Trong đường hầm này các cửa sắt đã được đưa đến nhưng còn chưa lắp vào. Chúng nằm ngay trên mặt sàn bê tông và chúng tôi phải trèo qua để đi. Hệ thống điều hòa nhiệt độ vẫn chưa chạy, nhưng việc thay đổi không khí không có vấn đề gì, vả lại tôi cũng không có ý định ở đây lâu, mặc dù Marc Andréa và Heidi cứ bám lấy cái bàn Craps.
Một cái mùi hắc làm cay mũi, rồi cay cả họng. Heidi và con tôi tung những con xúc xắc quá mạnh đến nỗi rớt ra cách bàn đến hai mươi lăm thước. Chúng dường như không hay biết gì cả. Chúng hơi chảy nước mắt một chút, nhưng lấy tay chùi đi ngay, và nhất định không để bị xao lãng, vẫn tiếp tục chơi, hai má đỏ hây lên vì thích thú.
- Mười một!
Tôi rời xa chiếc bàn. Từ hôm đến đây với Henry Chance, Caliban và Patty đến giờ, người ta đã xúc tiến công việc ở đây. Sơn phết đã xong, những đồ trang trí bằng gỗ sồi đã được lắp đặt. Tường cũng đã được ốp gỗ ở đằng cuối phòng, phía phải, người ta đã dựng những vách ngăn của những căn phòng riêng của tôi. Tất cả đều đã làm xong chỉ còn có cửa là chưa có.
Tôi đi xem. Chưa phải thực sự là lo sợ, mà chỉ thấy hơi tò mò và bực mình. Tôi nghĩ nhiều đến cái bao tử rỗng của tôi hơn. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa: Sau khi hít hết không khí, tôi nhận thấy cái mùi hắc là từ ở đường hầm bên trái bay ra, đường hầm mà chúng tôi đã dùng để đi xuống đây. Đường hầm này bắt đầu từ dưới phòng chơi, trước hệ thống thang máy. Đằng sau tôi:
- Mười một! Bác có chơi nữa hay không nào? Bác xẹp rồi hả?
Tôi trèo lên cái cửa bọc sắt đè nằm dưới sàn, cao hơn mặt đất sáu mươi phân. Tôi tiến thêm lên vài thước nữa. Cái mùi càng ngày càng khó chịu, mà không phải chỉ có mùi thôi: Không khí đã chở đến những hơi khói màu xanh nhạt làm tôi nghĩ giống như dầu mazut đổ trên mặt nước. Mắt tôi dàn dụa nước mắt và cay xè một cách rất khó chịu. Thôi... thế là đủ.
- Anda và Heidi! Lại đây!
Không thấy trả lời ngoài một tiếng hét đắc thắng: Mười một! Tôi đi rảo bước quay lại:
- Đi thôi, đi!
Marc Andréa vội vơ lấy mấy con xúc xắc bằng một giáng điệu nhanh nhẹn, đứng xa tôi ra rồi, vừa múa may, vừa hát theo cái giọng trẻ con muốn thách thức người lớn.
- Ba thua con rồi nhé! Ba thua con rồi nhé!
Nhưng Heidi đứng yên, chớp chớp mắt. Nó nhìn ra đường hầm, nhìn tôi:
- Có chuyện gì hở bác?
- Có! Phải ra khỏi nơi đây thôi. Cứ bình tĩnh.
- Cháu bình tĩnh - nó nói, rồi hét lên - Anda, thôi nào!
Và tức khắc con tôi nghe lời ngay. Có lẽ đây là lần đầu tiên đối với nó. Tôi nắm mỗi tay một đứa và kéo chúng ra phía đường hầm.Trong mấy giây vừa qua tình trạng ở đó đã đổi khác rồi: Những cuộn khói màu xanh tím, gần như trong suốt lúc nãy, bây giờ đã thành những giải khói dài đang uốn khúc tiến tới chầm chậm. Chúng tôi vượt qua buồng thông áp thứ nhất, sang đến buồng thứ hai. Ngay sau đó, đường hầm rộng ra một chút và hơi ngoặt về phía trái.
- Nhanh lên, các con!
Tôi bắt chúng phải chạy. Marc Andréa bỗng bị một cơn ho rũ rượi.Tôi hét lên: “Mặc áo khoác”. Nhưng chúng đã để những áo khoác trên bàn Craps: “Cởi các áo len ra, mau!” Và tôi bắt chúng lấy áo che lên mặt. Chúng tôi lại chạy. Ra khỏi chỗ quặt, tôi nhìn thấy trước mặt một đường hầm đầy khói. Hai mắt tôi cay xè và chan chứa nước mắt, chẳng còn thấy đường nữa. Đi thêm vài thước nữa, và trước khi đến ngưỡng cửa bọc sắt thứ ba, tôi mới thấy là tôi đang làm một việc điên dại. Không khí bây giờ hầu như không thể thở được nữa, Heidi và tôi bắt đầu ho. Nhưng Marc Andréa thì nặng hơn cả: Nó đã nằm lăn ra đất và cả người nó bị co giật. Tôi đã gần hoảng hốt. Tôi vừa ẵm nó lên vừa chạy, vào đúng lúc có một tiếng nổ ầm vang ở mười hay mười lăm thước trên cao, rồi một ánh lửa đỏ bùng lên qua bức tường khói. Không còn chỉ là chuyện khói xì ra ở đâu nữa như tôi tưởng lúc đầu, mà đúng là một ngọn lửa đang tấn công vào tất cả những bình vernis lớn và những chất lỏng dễ cháy khác mà tôi thấy chất đống ở căn phòng dưới phòng chơi.
- Heidi trở lại, lẹ lên!
Tôi lại chạy, tay bồng Marc Andréa. Chạy được bốn năm thước mới phát hiện ra con bé không theo tôi. Nó đang quỳ gối, vừa ho, vừa khóc.
- Heidi?
Tôi lại phải trở lại, xốc nó lên mà kéo đi. Chúng tôi chạy qua cửa trung gian. Heidi, mà tôi gần như ôm vào người đã quẫy ra và nói: “Cháu đỡ rồi, bác Cimballi”. Không khí lại trở lại gần bình thường, trừ có những hơi khói do các hóa chất cháy chậm gây ra. Chúng tôi lại đến cạnh cái bàn Craps.
- Heidi, cháu đứng đây với Anda, và cả hai đứa không được đi đâu nhé. Đồng ý không?
Nó gật đầu và còn cười với tôi nữa, bình tĩnh một cách lạ thường: “Đồng ý, bác Cimballi”. Sự tự chủ của nó lây cả sang tôi: Được, hãy suy nghĩ một chút xem sao Cimballi, chúng ta đang ở trong một cái hộp khổng lồ bằng bê tông, muốn xuống đây phải đi bằng các đường hầm, cũng để đi ra nữa và nếu một đường bị tắc... Tôi đi sang phía đường hầm bên phải và chui vào đấy, tôi không đi xa được: Nó bị bít kín bởi một đống những bao, những hòm đựng dụng cụ và những máy xu cũ mà tôi không biết tại sao lại ở đấy. Nhưng có một điều chắc chắn: Mở được một con đường qua cái đống ấy để lên nhà xe sẽ phải mất hàng giờ đồng hồ.
Không được hoảng hốt, vẫn còn những đường cấp cứu nữa. Một trong những đường này là ở trong phòng riêng của tôi. Tôi chạy xuyên qua căn hầm đến đó.
- Lại đây.
Khói tiến thêm, đã qua được buồng thông áp và bắt đầu len vào trong hầm rồi. Nhưng hậu quả của nó bớt hẳn khi chúng tôi vào trong dãy buồng riêng.
Tôi biết rất rõ sự bố trí của những buồng này, vì chính tôi đã vẽ bản thiết kế dưới con mắt mỉa mai của một kiến trúc sư. Buồng giấy riêng của tôi là ở cuối dẫy, ở đầu một hành lang, lối vào đường cấp cứu số một là ở đấy, có một cái cửa sắt đóng lại. Cửa này đã được lắp rồi. Tôi mở cửa không khó khăn gì, đằng sau cửa là một đường ống, đường kính một mét hai, thẳng tắp và hơi dốc lên. Nó gây một ấn tượng rất lớn khi nhìn thấy nó vút lên bé dần cho đến một cái lỗ nhỏ xíu ở cách xa một trăm thước. Tôi bật đèn và ánh sáng bừng lên trong lòng ống. Lúc đó tôi mới nhận thấy tất cả sự vô lý trong tình thế của tôi: Tôi và lũ trẻ đang ở trong một cái hầm chống nguyên tử, được thiết kế để có thể chịu đựng được bất cứ một tai biến nào, thế mà bây giờ chúng tôi đang bị đe dọa sẽ chết ngạt ở đấy chỉ vì lý do duy nhất là không đóng được cửa hầm. Thật là khôi hài nếu không phải là một bi kịch. Nhưng con đường ống mà tôi thấy trước mắt đã làm tôi hoàn toàn yên tâm. Tôi gom tụi trẻ lại, chỉ có đôi mắt đỏ của chúng là dấu vết duy nhất còn lại của những thử thách chúng vừa trải qua. “Chui vào cái ống này hở bác?” Điều ấy chẳng những không làm cho chúng sợ, mà chúng lại còn thích thú nữa kia. Chúng cho tôi là vô địch trong việc bày ra những trò chơi ngộ nghĩnh. Tôi đẩy chúng lên cái lỗ tròn và tiến lên. Đối với chúng thì không có vấn đề gì, vì đường ống vừa với vóc người của chúng. Tôi, trái lại, phải khom lưng mà đi, và chỉ sau năm mươi thước mới nhớ ra quên đóng cái cửa sắt ở sau lưng tôi. Thực ra cái cửa này chỉ có thể đóng được từ phía trong thôi, nhưng ít ra tôi cũng có thể kéo nó lại. Thôi mặc kệ, tôi cứ tiếp tục đi.
Đi một trăm mét nữa, lại có một cái cửa tròn, cũng bọc sắt, và cũng mở ra rất dễ vì chỉ mới đặt vào đó thôi: Tôi vừa đặt tay vào nó đã đổ kềnh xuống với một tiếng ầm kinh khủng. Cái của nợ này phải nặng ít nhất là môt trăm năm mươi ký! Phía bên kia cửa, đường ống ngừng lại và được thay thế bởi một cái buồng nhỏ xíu sẽ dùng để thanh trừng. Một cầu thang rất hẹp, chỉ độ sáu mươi phân là nhiều, dựng thẳng lên trên. Tôi biết cầu thang này đưa đến đâu: Nó sẽ mở vào giữa những cột ốp của đường hào ở góc tây bắc của Con Voi Trắng. Lẽ ra ở chân thang còn phải có một cái cửa bọc sắt thứ ba nữa, nhưng cánh cửa cũng chưa được lắp vào mà còn để dựng đứng vào tường ở bên cạnh, ở bên phải của chân thang, có một màn hình kiểm tra, có thể nhìn được ở bên ngoài. Tôi tự mắng mình là đã không nghĩ đến việc sử dụng những màn giống như thế, chắc chắn là sẽ có ở đầu mấy đường hầm, để xem bên kia bức tường khói, đường có thông được không? Có thể lúc đó chúng tôi chỉ cách cửa ra chừng vài ba chục thước thôi. Nhưng chậm quá mất rồi. Vả lại, việc gì tôi phải lo ngại nữa. Bây giờ, chỉ còn cách hai bước chân nữa là ra đến ngoài trời rồi. Tôi bẳt đầu trèo lên thang, bọn trẻ con đi liền theo gót tôi. Tôi đến trước cái cửa bọc sắt cuối cùng. Vị trí của những tay gạt cho biết là chốt cửa đã được đóng lại. Nhưng những bàn tay gạt vẫn hoạt động được. Tôi càng chắc chắn như thế, vì cách đây hai tháng tôi đã nghịch ngợm vận hành nó với Caliban. Tôi hạ các tay gạt xuống và quay liên tiếp, cánh cửa mở ra...
Nhưng không thực sự, nó quay độ ba hay bốn phân thôi. Bề dày của nó không cho phép mở hé được đủ để nhìn ra ngoài, thậm chí không cho cả không khí trong lành ở ngoài lọt vào được nữa. Có một cái gì đó đã chặn nó lại, tôi run cả người lên: Cái chuyện cứt chó gì thế này? Tôi đẩy mạnh hơn, dùng hết sức lực, gồng người lên. “Các con giúp ba!” Chúng tôi cùng đẩy: Không hơn được một phân nào, cái cửa sắt tròn khổng lồ không nhúc nhích.
Nếu chỉ có một mình tôi thôi, thì tôi cũng đã sợ rồi. Với con trai tôi và Heidi ở bên cạnh thì là một sự hoảng hốt thực sự. Tôi đấm vào bốn mươi phân thép, thật là nực cười. Tôi quay lại: Sau chúng tôi, nhìn thăm thẳm xuống là cây cầu thang hẹp, rồi cái phòng thanh trừng nhỏ xíu và nằm lăn lốc dưới đất là cánh cửa thứ hai đã đổ lộn nhào lúc nãy để lộ ra cái lỗ rộng ngoác vào cửa đường ống. Tôi chạy ào xuống chân cầu thang. Tôi liếc nhìn vào trong những đường ống: Không còn nghi ngờ gì nữa.Cách một trăm mét, ở đầu đằng kia của cái ống nhòm vĩ đại này, những hơi và khói độc đã bắt đầu tuôn vào và tiến về phía chúng tôi. Chỉ là chuyện một phút đồng hồ nữa là nhiều thôi, thế là chúng tôi bị dồn như những con chuột mắc bẫy vào trong một thiết bị khủng khiếp bằng thép và bê tông. Tôi luôn luôn cố gắng nâng cánh cửa sắt mà tôi đã làm đổ xuống để lắp lên cái lỗ tròn cho nó cô lập chúng tôi. Vô ích. Phải ba người mới nổi. Cơn hoảng hốt lại bùng lên, rồi lại tự chủ được. Chiếc camera và màn ảnh kiểm tra. Tôi bật sáng màn ảnh lên, thấy ngay hình của đường hào, ở bên ngoài. Ồ! không khí trong lành... và bộ mặt, bằng một cận ảnh rất lớn, một người bảo vệ của Con Voi Trắng đang nhìn thẳng vào ống kính. Người đó cười, chắc chắn là biết có chúng tôi đằng sau cánh cửa sắt. Hắn giơ một bàn tay, ngón trỏ chỉ vào một cái gì ở trước mặt gần dưới chân hắn. Tôi vận động ống kính kiểm tra cho quay xuống. Lúc đó tôi mời phát hiện ra một phiến gỗ đặt tréo để chặn cánh cửa không mở ra được. Người đàn ông ngồi xổm xuống, để cho hình toàn thân của hắn nằm vào trong ống kính. Hắn vẫn tiếp tục cười, một cách mỉa mai. Rồi, rất từ từ, tôi thấy hắn đặt tay lên phiến gỗ và không có một chút gì vội vàng, đập đập tay cho phiến gỗ dịch ra. Phiến gỗ dịch sang bên, rồi đổ xuống. Tay hắn lại ra hiệu: Bây giờ ông có thể đi được rồi. Người đàn ông cười một lần cuối cùng, rồi đi ra xa. Tôi chạy ào lên cầu thang nhảy vào xô cánh cửa và lần này nó mở thực sự, cắt ra một hình tròn sáng một cách kỳ lạ, trong ánh chói lòa của nắng và một bầu trời xanh. Tôi nâng Marc Andréa và Heidi cho qua lỗ cửa. Chúng nhảy xuống đất. Tôi cũng chui ra ngoài và không thể không nhìn lại một lần cuối cùng con đường ống bây giờ đã có những cuộn khói xanh xuất hiện. Tôi quay người lại và đối mặt ngay với Marc Lavater. Tôi không có thì giờ để định thần lại được, anh ta đứng trước tôi, nét mặt cau lại bởi sự giận dữ và lo sợ:
- Trời đất, Franz, chuyện gì đã xảy ra thế này?
Cơn giận trong tôi cũng bùng lên, tôi có thể đánh anh ta chỉ vì cái câu hỏi ngu xuẩn ấy. Tôi hét lên:
- Tên bảo vệ đâu rồi? Cái đứa đã đặt và cất phiến gỗ chặn cửa ấy?
Marc nhìn chòng chọc vào tôi, không hiểu. Rồi bỗng nhiên, anh ta làm một việc hoàn toàn có vẻ rối trí, anh ta lao xuống đường hào, chạy dọc theo nó và với một sự cuồng nhiệt thực sự, dập hai tấm gỗ khác chặn các cửa cấp cứu số hai và ba, rồi lao những tấm gỗ nặng này ra xa. Tôi tưởng ông ta đã phát điên. Tôi đến chỗ ông.
- Marc, anh đang làm việc xóa bỏ những chứng cớ của việc người ta tìm cách giết chúng tôi, tôi và lũ trẻ!
Ông gật đầu, bình tĩnh trở lại, vừa nói vừa thở:
- Chính thế, chính thế.
Ông nhìn qua vai tôi, cánh tay và ngón tay trỏ duỗi ra phía trước, ông muốn chỉ cho tôi cái gì đó. Tôi quay lại, cách chúng tôi một trăm thước, cả Con Voi Trắng đang bốc lửa. Một đám cháy vĩ đại.
giavui
05-26-2020, 03:59 PM
CHƯƠNG 20
- Franz, tôi van anh, anh hãy cứ tin tôi đi. Anh đừng nói gì cả. Anh không nhìn thấy gì, anh không biết việc gì đã xảy ra. Không có tên bảo vệ, không có những tấm gỗ, cái cửa lối đi cấp cứu không bị chặn...
Marc thầm thì, nói thật nhanh. Những cảnh sát và lính cứu hỏa đang tiến lại phía chúng tôi, do người bảo vệ đã mời chúng tôi cà phê và bị Heidi cho một cú đá dẫn đường. Tôi cũng trông thấy hai người quay phim của một êkíp phóng sự truyền hình của hãng C.B.S. Marc nắm tay tôi và xiết chặt.
- Đồng ý không, Franz? Cậu đã hiểu chưa?
Ông còn thì thầm:
- Tôi van cậu. Không có tấm gỗ, không có tên bảo vệ. Lối ra không bị chặn. Vụ cháy là một tai nạn. Franz! Tai nạn!
Cảnh sát và cứu hỏa đã đến trước mặt chúng tôi rồi đến một ký giả truyền hình, tay cầm micro. Người ta bao quanh tôi, hỏi tôi dồn dập, rồi quay phim tôi rất nhanh, quay phim chúng tôi, tôi và hai đứa trẻ. Tôi bắt buộc phải giơ hai bàn tay đầy vết bầm máu và quần áo rách, bẩn: “Không, tôi không biết chuyện gì xảy ra, tôi hoàn toàn không biết gì về nguyên nhân của vụ cháy".
Cứ luôn luôn những lúc có thể được, tôi lại tìm đôi mắt của Lavater. Cứ mỗi lần như thế thì bức thông điệp của đôi mắt này truyền cho tôi lại hết sức rõ ràng. Một chữ cứ quay lộn không ngừng trong đầu óc tôi: “Tai Nạn".
Dĩ nhiên tôi biết, tôi biết một cách tuyệt đối chắc chắn, là vụ cháy đã đươc gây ra, được chuẩn bị và rất tỉ mỉ, người ta đã dự kiến trước từng cử chỉ của tôi: Cái tên bảo vệ mà tôi thấy trên màn ảnh đã chờ tôi ở đằng sau cánh cửa trong đường hào. Hắn chắc chắn là tôi sẽ chạy trốn cùng với tụi trẻ trước làn khói và hơi độc và thế nào tôi cũng phải ra bằng đường đó. Rõ ràng cái thuyết “Tai Nạn" là một điều nói dối thuần túy. Nhưng tôi nhìn chòng chọc vào Marc, và trong những giây phút ấy tôi đánh bạc với tất cả những năm tháng Lavater đã luôn ở cạnh tôi, với một sự trung thành và độ tin cậy đáng làm gương được. Tôi đầu tư tất cả số vốn tin cậy mà anh đã đạt được.
- Không, tôi không có một lý do nào để nghĩ rằng những nguyên nhân của vụ cháy có gì khác là một tai nạn rủi ro.
Marc nhắm mắt lại, dáng điệu như người vừa trút được một gánh nặng, và tôi tiếp tục trả lời các câu hỏi mà người ta đặt ra cho tôi, dưới con mắt kính của một camera di động, và trong tiếng lách tách của máy ảnh: Đúng, tôi đang ở trong hầm chống nguyên tử, khi thấy khói xuất hiện. Không, chúng tôi, hai đứa trẻ và tôi, không hề thấy có gì nguy hiểm đe dọa. Bởi vì căn hầm có nhiều cửa ra khi cấp cứu. Vâng, tất nhiên, cũng có hơi bị kích động một chút, nhất là khi vội vã nôn nóng, tôi đã vận hành không đúng mấy cái tay gạt của cái cửa sắt cuối cùng, nhưng mọi việc lại nhanh chóng trở lại trật tự (Xin ghi nhận là Marc Andréa và Heidi không thể nhìn thấy tên bảo vệ với cây gỗ trên màn hình và Marc Lavater cũng không phát hiện ra hắn, nên tôi là người chứng duy nhất về sự có mặt của hắn).
Trong khi trả lời những câu hỏi trên, tôi đã do quán tính mà trở lại như cũ, nên có thêm thắt vào. Tôi lợi dụng dịp này để làm quảng cáo không mất tiền. Tôi ca ngợi những ưu điểm của Con Voi Trắng, ca ngợi cái sáng kiến thiên tài của tôi là xây dựng một sòng bạc chống nguyên tử, sòng bạc duy nhất vào loại này trên thế giới. Vâng, tôi tin chắc rằng Con Voi Trắng sẽ được nhanh chóng xây dựng lại, đẹp hơn nữa, và hàng triệu người đang sốt ruột chờ đón sự khai trương sắp tới của nó sẽ không bị thất vọng, nhiều lắm là họ chỉ phải chờ một hay hai tháng nữa thôi. “Vâng, Cậu bé đáng yêu không sợ sệt một chút nào này là con trai tôi, và cô bé đáng yêu này là một cô bạn của con trai tôi..."
Hai mươi phút sau, chúng tôi trốn vào một chiếc xe hơi đậu ở trước một cửa hàng cà phê, Heidi và Marc Andréa thì đang ăn ngấu ăn nghiến trong cửa hàng, còn Marc và tôi thì ngồi trên xe
- Franz, nhìn mắt cậu trong lúc người ta phỏng vấn mình biết là cậu đã hiểu...
- Tôi nghĩ rằng tôi đã hiểu: Vấn đề bảo hiểm.
- Bảo hiểm. Con Voi Trắng được bảo hiểm chống cháy. Nếu họ xác lập được cháy là do nguyên nhân hình sự thì theo một điều khoản của bản hợp đồng, nhà bảo hiểm sẽ không bồi thường. Thậm chí nếu anh có bị chết cháy ra than và mấy đứa nhóc cùng với anh, thì chuyện ấy cũng sẽ không thay đổi gì. Nhiều lắm nó chỉ chứng minh sự vô tội của anh hay sự vụng dại của bọn đốt nhà thôi, không có gì hơn. Bảo hiểm vẫn không chi tiền
- Marc, bằng cách vứt những tấm gỗ đi, loại bỏ những chứng cớ do nó tạo nên bằng cách thuyết phục tôi đừng nói gì về cái tên bảo vệ mà tôi đã trông thấy trong màn truyền hình, anh đã kéo tôi vào một vụ lừa đảo bảo hiểm.
- Anh không có chọn lựa nào khác. Tôi cũng không có hơn anh. Những tấm gỗ để như vậy là những chứng cớ nặng trĩu không thể chối cãi được, vả lại còn chuyện khác nữa.
Vào lúc mười một giờ bốn mươi, anh ta chắc chắn về thờỉ điểm này - Henry Chance lúc đó đang tiếp anh ở nhà cũng sẽ xác nhận - Lavater có nhận được một cú điện thoại.
- Người gọi điện cho tôi tự giới thiệu là trưởng toán bảo vệ của Con Voi Trắng. Hắn nói rằng, có một thông báo của anh gửi cho tôi. Tôi phải đến gặp anh ta trong trong thời gian sớm nhất ở cửa hàng cà phê chúng ta đang ngồi đây.Tôi đi ngay, tôi vừa vào ngồi trong cáỉ quầy rượu thì lại có một cú điện thoại nữa gọi tôi, cũng của người ấy. Hắn nói gần nguyên văn như sau: “Một vụ cháy vừa xảy ra ở Con Voi Trắng. Ông Cimballi và hai đứa trẻ hiện nay đang bị mắc kẹt ở góc tây bắc của khu vườn, trong một đường cấp cứu của hầm chống nguyên tử, đường số 1. Chúng tôi nghĩ có thể giải cứu ông ta được. Xin mời ông đến ngay”. Hắn dập máy xuống trước khi tôi nói được một lời nào. Tôi chạy đến ngay, tôi đã trông thấy trước hết là Marc Andréa và Heidi, rồi anh, vừa đúng lúc anh chui ra.
- Thế anh có thấy tên bảo vệ không? Cái thằng đã cất bỏ tấm gỗ, và chắc cũng chính nó đã chặn hết các cửa?
- Tôi không nhìn thấy gì cả.
- Marc, không thể như thế được! Từ lúc nó vừa đi khỏi, đến lúc tôi đứng trước mặt anh, chỉ khoảng mười lăm đến hai mươi giây đồng hồ là cùng.
- Trong hai mươi giây đồng hồ người ta có thể đi được bao nhiêu đường đất và có thể nó đã nấp vào sau một cái cột ốp của đường hào.
Tôi bực mình một cách yên lặng. Marc nói:
- Tại nó không định giết cậu, Franz. Tất cả đã được dự kiến trước, đến những chi tiết nhỏ nhất. Chúng đợi cho đến khi cậu và bọn trẻ con vào đến căn hầm dưới đất. Tôi chưa biết chúng làm cách nào để nhóm lửa lên...
- Có lẽ trong vài phút nữa người ta sẽ phát hiện ra rằng đáám cháy là do có người đốt. Và những lời nói dối của tôi sẽ vô ích.
- Để rồi xem. Không, tôi nghĩ rằng tụi nó chỉ tìm cách để cho anh hiểu một điều gì đó thôi.
- Thí dụ như: Tôi đừng có dí mũi vào cuộc đời của Baumer chẳng hạn.
- Đúng thế! Anh nghĩ coi, chúng còn cẩn thận đến mức làm cho tôi phải chạy đến tận nơi.
- Để ngăn không cho tôi kể với cảnh sát.
- Để ngăn không cho cậu làm một việc điên rồ. Tất cả đã diễn ra rất nhanh trong đầu óc tôi, ngay khi vừa nghe anh nói đến tên bảo vệ và những tấm gỗ. Tôi đã hành động theo một phản xạ. Tôi không hối tiếc gì cả. Nếu phải làm lại, thì tôi sẽ như thế. Vụ cháy này sẽ làm mất hàng chục triệu, thậm chí hơn thế nhiều nữa. Có thể là một trăm hay hai trăm triệu cũng nên. Không có sự bồi thường của bảo hiểm thì anh làm thế nào đế trả được. Bọn chủ ngân hàng ở Philadelphie sẽ làm thịt anh. Chúng ta có thể thuyết phục họ lùi kỳ hạn trả một hay hai tháng, nhưng họ sẽ không chấp nhận hơn nữa. Anh lại còn bọn Tầu nữa, họ sẽ đòi hỏi anh phải trả, có bảo hiểm hay không có, được bồi thường hay không, cũng mặc. Chính anh đã nói với tôi thế kia mà. Trong trường hợp tốt nhất thì anh chỉ chết về mặt kinh tế thôi. Anh chỉ có một hy vọng: Lại đưa Con Voi lên đường bằng mọi cách, kể cả cách lừa đảo về bảo hiểm. Tôi đã cân nhắc kỹ những lời nói của tôi. Trong cuộc đời tôi, tôi chưa bao giờ làm bất cứ một điều phạm pháp nhỏ nào
- Cả tôi cũng thế, mẹ kiếp!
- Thế thì đây là tội ác thứ nhất của chúng ta. Và nếu lương tâm của anh cũng cắn rứt anh như đang cắn rứt tôi, thì chẳng có gì ngăn cản anh là một ngày nào đó, anh sẽ đến tìm bọn bảo hiểm, nói cho họ rõ sự thật và bồi thường cho họ. Nhưng muốn thế thì anh cần phải có Con Voi Trắng. Anh cần phải có nó nguyên vẹn, được xây dựng lại để có thể cung cấp cho anh những phương tiện để cho anh được lương thiện. Đấy là hy vọng duy nhất của anh, Franz, hy vọng duy nhất. Nếu không thì anh tiêu rồi!
Không thể bắt một mình Marc Lavater phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Cái lời khai báo gian của tôi với cảnh sát là tội “không nhận thấy có gì bất thường", chắc chắn là Marc đã phải khổ tâm lắm mới làm cho tôi thốt ra được. Tôi vừa qua những giây phút rất khó khăn, tôi còn đang bàng hoàng tôi đã làm theo lệnh của anh ta là im lặng, trong lúc tôi chưa hiểu hết những động cơ của anh. Tôi đã theo anh ta trên danh nghĩa sự tín nhiệm mà tôi đặt vào.
Nhưng tôi vẫn có thể hủy bỏ lời nói dối đầu tiên này. Tôi có thể giải thích rằng lúc đó tôi bị choáng váng, tôi bị chấn thương, và gì gì nữa, và bây giờ tôi mới nhớ lại dần dần.
Tôi đã không làm thế, không làm trong những giờ sau đó, trong những ngày sau đó. Tôi vẫn tiếp tục nói dối và chuyện ấy dễ dàng một cách kỳ lạ, thật buồn cười. Tất cả đều tập trung đưa tôi đến chỗ củng cố lời nói dối của tôi. Trước hết là mức độ thiệt hại, ước lượng trong thời gian đầu là một trăm triệu dolars, con số này đã được nhanh chóng nâng lên một trăm năm mươi triệu. Tôi lấy đâu ra số tiền đó bây giờ? Sự có mặt của hai đứa trẻ ở cạnh tôi cũng có vai trò của nó. Có ai lại có thể tưởng tượng rằng trong đám cháy này tôi không phải là một nạn nhân vô tội?
Sau hết, điều duy nhất mà tôi phải làm là cứ kể lại câu chuyện như nó đã xảy ra, chỉ đơn giản bỏ đi cái đoạn trông thấy tên bảo vệ cười mỉa mai trên màn hình và quên hết câu chuyện những tấm gỗ. Heidi và con trai tôi không nhìn thấy gì cả, những lời chứng của hai đứa xác nhận lời chứng của tôi. Trước những ống kính truyền hình và như vậy là trước hàng chục triệu khán giả theo dõi - tờ báo truyền hình buổi tối - làm sao có thể nghi ngờ những lời khẳng định của tôi được? Thậm chí người ta còn tỏ ra có cảm tình với tôi, thương hại tôi, báo chí đã dành cho tôi nhiều trang in: Nào là ván bài xuất sắc của chúng tôi, rồi sự hoảng sợ, rồi cuộc chạy trốn trong cái đường ống dễ gây ấn tượng kia, những cuộn khói độc dày đặc đuổi theo chúng tôi trong khi chúng tôi lùi dần, lùi dần. Tất cả những cái đó làm cho bài viết hết sức “sống động”. Những đôi mắt ngây thơ của hai đứa trẻ, tài khôi hài và sự vui vẻ của Heidi, mà miệng lưỡi chưa bao giờ lại lanh lẹn như vậy đã bổ sung thêm cho hoàn chỉnh. Hãng quảng cáo phụ trách việc “lăng xê” Con Voi Trắng đã gọi điện thoại cho tôi để nói rằng những hậu quả của câu chuyện mạo hiểm này đối với quần chúng còn cao hơn bất cứ một chiến dịch tuyên truyền nào.
° ° °
Sarah đã từ Montego bay trở về ngay ngày thứ hai 28, hai ngày sớm hơn dự định. Lo sợ và điên lên vì tức giận. “Không phải vì anh đâu, Cimballi, mà vì chúng nó, hai đứa trẻ ấy. Anh, anh có thể bị nướng sống, điều ấy cũng không làm cho em thấy nóng lạnh gì".
- Câu ấy thật tuyệt vời, Sarah.
- Nhưng anh đã kéo cả Anda và con bé Heidi vào những chuyện lộn xộn ngu xuẩn của cái sòng bạc mắc dịch của anh, điều đó vượt quá sức chịu đựng của em!
Tiếp theo là một bài đả kích, một bài diễn văn kiểm thảo, tóm lại là một chuỗi “mắng mỏ” ngang tầm với nỗi lo sợ của cô ta. Cuối cùng đến lượt tôi cũng nổi quạu lên, nhưng không nói tất cả sự thật cho cô ta biết. Có lẽ cũng vì thế và nhất là vì Marc và tôi sợ rằng những địch thủ của chúng tôi sẽ không chỉ ngừng lại ở đây, nên đã quyết định là Sarah, Nữ thần Chiến Tranh và hai đứa trẻ sẽ đi San Francisco đến nghỉ chơi ở nhà Lý và Lưu như đã dự định từ lâu. Ngày mồng một tháng ba, Sarah mang cả cái thế giới nhỏ của cô ta đi và hợp đồng là tôi sẽ về với toán này khi nào có thể được.
Những sự việc móc nối với nhau một cách rất nhanh trong một gia tốc mới! Ngày mùng hai tháng ba, trước hết là một sự thăm viếng nữa của những đại diện tổng lãnh sự quán. Họ đã có xem truyền hình, họ đã có đọc báo chí, họ đã nhận ra người công dân của họ và họ lo lắng. Nhưng họ đến vào giữa lúc tôi đang bàn cãi với Caliban. Sau hàng giờ trao đổi với những kiến trúc sư và nhà thầu để xây dựng lại Con Voi Trắng. Một Caliban căng thẳng và lạnh lùng, đối với anh ta, tình thế đã rõ ràng. Đám cháy làm thiệt hại sòng bạc, sẽ làm chậm ngày khai trương lại ít nhất là hai tháng.
- Như thế là mất bộn tiền đấy, Franz. Miranda sẽ không bằng lòng tý nào đâu.
- Thế tôi thì vui vẻ lắm à?
- Theo những điều khoản trong tờ hợp đồng của chúng ta, thì anh phải chịu trách nhiệm về sự quản lý sòng bạc. Anh và những người phụ tá của anh, nghĩa là Henry Chance và số nhân viên của ông ta trong đó có những người bảo vệ đã không ngăn cản được xẩy ra đám cháy.
- Tôi không thể coi như phải chịu trách nhiệm về một tai nạn rủi ro
Đôi mắt xếch và sáng chói vằn không rời tôi:
- Nếu đúng là một tai nạn. Franz. Đó là điều tôi cầu chúc cho anh, trên tình bạn của tôi đối với anh. Bởi vì trong trường hợp trái lại, nếu Miranda bị mất tiền bạc vì lỗi của anh...
Chúng tôi còn đang nhìn như đóng đinh vào mặt nhau bằng những cặp mắt không được thân thiện lắm, khi bọn người Áo của lãnh sự quán đến xin gặp với một mớ những giấy tờ có trời biết là những thứ gì, Quá sức! Tôi dứt khoát tống cổ họ ra ngoài:
- Heidi Moser bây giờ ở đâu, ông Cimballi?
- Đó là chuyện của tôi!
Và tôi dập cửa lại.
Hôm sau, thứ năm mùng ba tháng ba, cả một ngày tròn tranh luận mệt nhoài, nhất là bực dọc với những người của hãng bảo hiểm Getchell and Harkin New Jersey Insurance Company. Tôi không làm cách nào khác được là phải lên mặt với họ, như là một người không có gì phải chê trách
- Bao giờ thì các ông trả tiền?
- Ngay khi nào những người đi điều tra của chúng tôi nộp các báo cáo.
Và cũng chính những người đi điều tra này, mà tôi đã gặp hai hôm trước đây, lại một lần nữa vặn vẹo tôi, tôi lại phải nhắc lại câu chuyện của tôi. Thêm vào những câu hỏi mới: Tôi có nhận được những lời đe dọa dưới bất cứ hình thức nào không? Tôi có hay không có những kẻ thù có thể gây ra vụ cháy với mục đích duy nhất là để làm hại tôi? Tôi có biết những người nào cạnh tranh với tôi và cái sòng bạc này làm cho họ khó chịu không? Vân vân và vân vân. Họ biết tất cả về những công việc kinh doanh cũ của tôi, về những thể thức khi mua Con Voi Trắng (trừ việc trả tiền làm hai lần, mà họ không biết lần trả thứ hai bằng mười lăm triệu chuyến đến Curacao). Phải mất từ năm đến sáu tiếng đồng hồ thẩm vấn chặt chẽ, rồi cuối cùng họ mới chịu nhả ra cái thông tin mà tôi cần. Từ những sự khám xét đầu tiên của họ, thì có thể là: Xin ông Cimballi chú ý cho, chúng tôi nói “có thể là”, vì đây chỉ mới là giả thuyết thôi. Vụ cháy chỉ do tai nạn rủi ro mà xảy ra thôi. Có nghĩa là họ chấp nhận sẽ bồi thường một trăm năm mươi triệu dolars, không phải cho tôi mà cho ngân hàng ở Philadephie đã cho tôi vay bốn trăm triệu. Họ còn đồng ý chỉ cho tôi biết cả nguyên nhân của vụ rủi ro, theo nhận định của họ: Một trong những máy xu cũ để ở dưới tầng trệt, không xa cửa vào đường hầm gia cố, đã được cắm vào ổ điện, ở chỗ không được cắm, có lẽ bởi một người thợ. Do đó quá tải, do đó cháy cầu chì. Một tia lửa bắn ra rơi vào một thảm len, lửa lan ra các buồng thang máy, những ống thông gió lớn, bắt vào những thùng vernis và các thứ keo tổng hợp...
- Trong trường hợp ấy, ông Cimballi, rất có thể và gần như chắc chắn nữa là vụ cháy đã bắt đầu mấy tiếng đồng hồ trước khi ông đến. Cháy âm ỷ.
- Bao giờ thì các ông trả tiền?
Trả lời mơ hồ, nhưng tôi không lạ gì những nhà bảo hiểm Mỹ. Trái ngược với một số đồng nghiệp của họ ở các nước khác, may mắn là họ đã quen trả những tiền nợ của họ một cách rất nhanh chóng. Họ trả với một sự lẹ làng kỳ diệu ngay sau khi họ chắc chắn là không thể làm gì khác được. Họ bắt tôi ký vào một tờ khai, họ bắt cả Marc ký vì anh ta cũng có mặt ở nơi xảy ra hỏa hoạn (anh giải thích với họ là đến tìm tôi để đi ăn sáng, nên ngẫu nhiên mà có mặt như vậy. Một lời nói dối dễ dàng được chấp nhận, vì khi anh vào đến chu vi của Con Voi Trắng thì những người cấp cứu đầu tiên cũng vừa xuất hiện cùng với cảnh sát, bảo vệ, cứu hỏa và những người tò mò, và trong sự hoảng hốt chung không ai để ý đến ông giữa đám đông).
Rồi họ đi, để lại tôi một mình với Lavater Rosen, Vandenberg và Lupino, thấm mệt nhưng lạc quan.
- Có thể coi như nằm trong túi rồi, - Marc nói và hai mắt ông nhìn vào mắt tôi.
Giữa lúc đó, thì chuyện tồi tệ nhất đã đến, vòng xiết cuối cùng. Cú điện thoại cũng ngày thứ năm mùng ba tháng ba ấy, vào buổi tối:
- Ông Cimballi? James Olliphan. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc rồi. Chúng tôi đợi ông ngày mai thứ sáu vào mười giờ sáng ở góc Đại lộ 5 và 54. Không... không ở trước Saint Régio, mà ở bờ hè bên kia, trước cửa vào của Gotham, ông hãy đến vào mười giờ đúng cho!
Hắn không xin một cuộc hẹn trước. Thực sự là hắn triệu tập tôi. Vả lại chỉ riêng cái câu “Tôi nghĩ đã đến lúc rồi” cũng đã đủ cho tôi hiểu tất cả. Tất cả, kể cả cái giọng điệu đặc biệt trong tiếng nói của hắn. Không phải hắn chỉ có một mình khi hắn quay số gọi tới. Tôi không có gì phải ngờ vực, không biết những ai đang ở đó với hắn?
giavui
05-26-2020, 03:59 PM
CHƯƠNG 21
Một chiếc xe đen dài, một người ngồi cạnh tài xế, một người khác ở đằng sau, mở cửa cho tôi lên ngồi vào giữa Olliphan và hắn. Chiếc xe lại đi. Tôi nói:
- Tôi đang tưởng tượng ra những “tít” ngày mai trên các báo New York Time, Var Mitin République, Nice Martin Le Meilleur: “Nhà tài chính lớn nhất của Saint Tropez bị bắt cóc ở Đại lộ số 5.”
- Và với sự đồng ý của ông ta - Olliphan cười mỉm nhận xét thêm.
Đôi mắt xanh của hắn rời khỏi tôi để nhìn chòng chọc vào người ngồi bên phải tôi, rồi vào người ngồi đằng trước, cạnh tài xế - người này cũng không thèm quay lại khi tôi bước lên xe, và từ đó đến giờ vẫn giữ một sự im lặng dầy đặc - Lời cảnh cáo của Olliphan gửi cho tôi là rất rõ: “Cẩn thận về những gì anh nói ra trước mặt hai tên này", và có lẽ cả điều này nữa: “Cimballi, chớ có đề cập đến những vấn đề gì khác ngoài nội dung của cuộc gặp gỡ hôm nay, chẳng hạn chớ có nêu tên của Korber lên hay đừng nói với tôi về chuyến đi của anh sang Nam Phi" (mà chắc hắn, Gia Đình phải biết qua tên Korber này). Nhưng có lẽ tôi có quá nhiều trí tưởng tượng chăng, nhất là bây giờ lại đến lượt tôi được hắn nhìn. Hắn tiếp tục cười với tôi:
- Bởi vì chính ông đã đồng ý, có phải không, ông Cimballi?
- Về cuộc đi dạo chơi này ấy à? Tôi mơ ước nó. Tôi có thể đi bằng đầu gối để đến đây kia.
Tôi mệt muốn chết. Trong đêm hôm qua tôi ngủ tất cả không đến một tiếng đồng hồ. Lúc Olliphan gọi điện đến tối qua thì Lavater và Rosen còn đang ngồi với tôi. Vandenbergh và Lupino thì vừa đi ra, tôi chỉ gọi được Vandenbergh và bảo anh trở lại. Và tất cả cùng nhau, chúng tôi đã nghiên cứu trong hàng giờ, hàng giờ những đặc điểm không lấy gì làm phấn khởởi lắm của tình hình: Cùng công nhận với nhau là cú điện thoại của Olliphan và lệnh triệu tập ấy là nằm trong diễn biến của sự việc. Đến nỗi gần như chúng tôi chờ đợi sự triệu tập ấy. Và tôi đã biết ngay từ bấy giờ là Olliphan (và bọn Caltani) sẽ nói gì với tôi. Nghĩa là tôi chờ đợi một tối hậu thư, mà tôi không thể nào vứt bỏ đi được.
Vì cái lý do đơn giản là tôi đã nói dối những người của hãng bảo hiểm, và cả Lavater nữa. Tôi lại ký cả vào một bản khai man, thì tất nhiên tôi đã đưa cho Olliphan cái thừng để treo cổ tôi. Đó là kết luận của Rosen và Vandenbergh, của Marc nữa, cả ba đều cùng lo sợ về hoàn cảnh này. Tôi đã trả lời họ là tôi chưa bị treo cổ. Và ngay cả sáng nay nữa, mặc dầu mệt đến muốn chết, tôi vẫn tiếp tục tin vào những hy vọng có thể thoát ra được.
Để rồi xem.
° ° °
Và người ta đã xem. Chiếc xe đi về hướng Bắc, ngược lên Manhattan, xuyên qua Bronx hướng về New Rochelle, đâm ra xa lộ Nouvelle Angleterre. Chúng tôi đã đi qua lối ra của New Rochelle, Larchmont và Mamaroneck, tôi nhớ đã có lần đến đây đi chơi thuyền buồm với gia đình Rosen. Ở bên trái tôi, Olliphan phá sự im lặng bằng cách nói một mình với cái giọng dễ nghe và có học thức của hắn. Hắn ta nói về mình, tất cả: Nào những kỷ niệm thời niên thiếu, tham vọng đầu tiên trở thành một nhạc sĩ vĩ cầm độc tấu, rồi phát hiện ra rằng mình không đủ tài năng, và sẽ chỉ được cầm đàn trong một dàn nhạc mà thôi. Rồi thì, thời gian trôi qua, và có lẽ để ngăn không cho tôi nói về tôi, hắn ta đi đến chỗ luận bàn về tên Cimballi, về những gì hắn đã đọc được trên các báo chí về cái nhân vật hay ho này từ cái khẩu hiệu đắc thắng I’m Happy (Tôi sung sướng) khi lần đầu tiên tôi đánh bại Martin Yahl về tài chính, cho đến những quảng cáo nổi tiếng trên các màn ảnh truyền hình Mỹ, vào cái thời chưa xa lắm, khi tôi còn đang bị ngập trong vụ kinh doanh cà phê.
- Ông quả là tất cả, chỉ trừ không phải là một nhà tài chính theo ước lệ mà thôi, ông Cimballi. Thực ra, ông có coi tài chính là một lĩnh vực quan trọng không?
- Cũng chỉ như ông thôi.
Anh ta phá lên cười.
- Nói thế là đủ tất cả rồi.
Sự căng thẳng dâng lên trong tôi. Lại căng thẳng hơn nữa, khi xe rời xa lộ vào quãng ngang cái thành phố nhỏ Harrison. Bây giờ chúng tôi đang đi vào một con đường nhánh khá đẹp hai bên san sát những biệt thự lộng lẫy. Chúng tôi đi vào trong một biệt thự này, căn nhà xây bằng đá chứ không phải bằng gỗ, đó là một điều không thông thường. Ở cuối một lối đi dài, sau một bức màn dầy đặc cây cối và bụi rậm, hai chiếc xe khác đã đến trước chúng tôi. Ba người đàn ông đang đi đi lại lại, chờ đợi, họ theo dõi chúng tôi bằng một con mắt bình thản.
- Xin mời đi lối này.
Ba chúng tôi cùng bước xuống, ba người ngồi ở ghế sau, nhưng chỉ có Olliphan và tôi là đi vào nhà. Cửa được mở ra bởi một người chắc chắn là sếp bảo vệ, hắn có một đôi mắt chuột cống, một bộ râu xanh, và những lông mày của một tên đảng viên đảng Carbonari ở Ý.
Tôi tặng hắn một nụ cười tươi. Giết mướn hay nghệ sỹ nhảy clacket đây?
Đôi mắt chuột cống lướt qua tôi dường như không nhìn thấy tôi, trong khi Olliphan mỉm cười trách tôi một cách thân thiện.
- Thôi nào, Ông Cimballi...
Chúng tôi bước vào một gian buồng khách rộng được trang hoàng bằng một lò sưởi nguy nga xây bằng đá bazan. Phần lớn các đồ đạc trong phòng đều được phủ vải che. Có hai người đàn ông chờ chúng tôi. Tôi chưa gặp họ bao giờ nhưng đã được xem các bức hình của họ và nhận ra họ ngay: Joseph tức Jos và Larry Caltani với những bộ mặt của người Sicile, và những bộ quần áo bằng len trải mà giá tiền bằng số cân nặng giấy bạc ngang với số cân của quần áo. Bọn Caltani tiếp đón tôi bằng một cái gật đầu đơn giản, người ta cảm thấy tất cả tình bạn mà tôi đã gây ra cho chúng. Chúng để tôi ngồi vào một chiếc ghế fauteuil trước một màn ảnh nhỏ di động của cinema nghiệp dư. Cũng gần giống như những gì đã xảy ra cho tôi ở Macao, nhưng về mặt hình thể, thì tôi thích nàng Miranda hơn.
Người ta kéo màn che các cửa trông ra vườn và bật một đèn chiếu lên. Hai anh em Caltani, và chỉ có chúng thôi, sẽ tiến hành cuộc bàn cãi, không có Olliphan tham gia vào. Anh ta sẽ chỉ dự như một khán giả, với đôi mắt xanh Ireland bao giờ cũng sáng rực lên trong bóng tối. Cũng thế đối với tên đảng viên Carbonari có đôi mắt chuột cống, người thứ năm ở trong phòng.
- Hãy nhìn đi, Cimballi.
Ngay từ những hình ảnh đầu tiên, tôi hiểu rằng người quay phim phải đứng ở một cửa sổ của một tòa nhà ở bên cạnh Con Voi Trắng (Nhưng không phải sòng bạc của bọn Caltani). Phim đã được quay bằng một ống kính tele từ xa và trên cao xuống: Toàn cảnh đường hào, với ba cửa cấp cứu của hầm chống nguyên tử. Rồi cận cảnh của mỗi cửa với tấm gỗ cắm xuống đất chặn cánh cửa.
- Hết cảnh thứ nhất, Cimballi. Đây là cảnh thứ hai.
Marc Lavater là diễn viên chính. Người ta thấy anh chạy vào vòng chu vi của Con Voi Trắng, ngược chiều với đám đông đã được hình thành gồm có những người bảo vệ mang võ khí, cảnh sát và những người tò mò lẫn lộn. Anh đi thẳng đến đường hào - anh nhấc tấm gỗ thứ nhất lên, kéo nó đi, cố sức nâng nó lên rồi ném ra xa - Lại chạy, và lại diễn lại cảnh đó với tấm gỗ thứ hai.
- Cảnh ba, Cimballi. Cảnh hay nhất.
Hình ảnh và những hình ảnh sau nữa, là cận cảnh của cửa cấp cứu số 1, mà tôi đã sử dụng. Người ta thấy cánh cửa bị tấm gỗ chặn lại, và sau đó tấm gỗ biến đi, cũng cánh cửa đó đang được mở ra. Trong khuôn hình thấy cả Lavater, nhìn đằng lưng, nhưng rất dễ nhận. Thấy hai tay tôi giúp Marc Andréa rồi Heidi nhảy xuống đất. Người ta nhận ra tôi khi tôi vừa chui ra, và bắt đầu nói với Lavater. Một nhà chuyên môn chắc có thể biết được những tiếng đầu tiên của cuộc nói chuyện bằng cách đọc trên môi của chúng.
Nhưng cuốn phim đã ngừng lại một cách đột ngột vào đúng giây phút tôi sắp nói với Marc về tên bảo vệ, tên này không lúc nào thấy xuất hiện trong phim. Cuốn phim được dựng như vậy đã cho thấy rõ là chỉ có một mình Lavater đã can thiệp vào, đã vứt bỏ mấy tấm gỗ và cứu mạng tôi và mấy đứa trẻ.
Tên Carbonari lại kéo màn che cửa và ánh sáng trở lại.
- Ông nghĩ thế nào, Cimballi?
Giọng nói của Jos Caltani rất dịu dàng, và rất dễ nghe. Tôi tìm đôi mắt của Olliphan, nhưng anh ta hoàn toàn thản nhiên. Tôi trả lời:
- Phim hay lắm! Tôi khen phục nhất là chất lượng dựng phim. Một nhà đạo diễn lớn trước hết là một nhà dựng phim lớn! Chính Hitchcock đã nói thế.
Nhưng tôi không thể nào làm trò hề mãi được. Tôi nhún vai:
- Cứ theo như các ông trình bày, thì những hình ảnh này chứng minh một cách không còn nghi ngờ gì nữa, là có người đã tìm cách định giết tôi cùng những đứa trẻ đi theo tôi. Và nếu không có sự can thiệp rất đúng lúc của Lavater, đã không quan tâm đến đám cháy mà đi thẳng đến cửa cấp cứu, thì cả ba chúng tội đã bị chết ngạt rồi.
- Nó cũng chứng minh một điều khác nữa.
Trông thái độ của Lavater không chú ý gì đến đám cháy, người ta có thể tường là Lavater đã biết trước có đám cháy này, và anh ta và tôi đồng lõa với nhau định thi lấy bằng chuyên môn đốt nhà. Cũng chưa phải là tất cả đâu. Tôi cố cười được, và đó không phải là một điều dễ dàng trong đời tôi.
- Nó còn chứng minh rằng tôi đã nói dối, cả Lavater nữa, nói dối cảnh sát, các nhà báo..
- Và hãng bảo hiểm.
Tôi gật đầu. Phút im lặng ngắn.
- Câu hỏi cuối cùng, Cimballi (Jos Caltani đọc tên tôi theo giọng Ý “Tchimbâlli” đó là điều mà không bao giờ tôi nghĩ tới). Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu hồ sơ này được đưa đến tay những người đi điều tra của hãng bảo hiểm?
- Tôi sẽ vui lòng dùng một chút cà phê - tôi nói - và không có sữa nhé. Sữa làm tôi mập ra.
Một cái gật đầu. Tên Carbonari đi về phía mà tôi cho là nhà bếp.
- Cimballi, nếu tài liệu này đến được hãng bảo hiểm, thì hy vọng được bồi thường một trăm năm mươi triệu tiền thiệt hại sẽ thành số không. Đồng ý không?
- Đồng ý.
- Thậm chí ông còn có thể vào tù nữa, ông với Lavater.
Mặc dù đã chuẩn bị kỹ cho cuộc hội kiến này, tôi vẫn thấy đây là một trong những lúc đau buồn nhất trong đời tôi. Viên thuốc đắng thật khó nuốt. Tôi cười:
- Đó là một giả thuyết rất gần sự thật.
Tên Carbonari vẫn với cái vẻ nhiệt tình và đáng yêu, đã trở lại cùng với cà phê. Tôi nếm một chút: Muốn mửa ra được. Đúng, hôm nay là ngày xấu đối với tôi. Tôi đặt cái ca bằng sành xuống:
- Thế tôi phải trả bao nhiêu tiền, tất cả những cái ấy?
- Năm mươi mốt phần trăm những cổ phần của Con Voi Trắng. Không hơn, không kém.
Kỳ lạ thật, tôi lại thấy gần như dễ thở rồi. Tôi đã chờ đợi những yêu sách quá quắt hơn thế nữa kia. Và cái tồi tệ nhất là mấy cha nội này có đủ phương tiện để đòi cho được những yêu sách đó.
Ngày chủ nhật 27 tháng Hai 1977, khi tôi cùng với Marc Andréa và Heidi đến Con Voi Trắng, tôi cho rằng không có lý do nào để sợ có một phản ứng bạo lực của bọn Caltani. Cuộc điều tra của Lavater về Baumer chắc đã làm cho chúng tức giận. Nhưng những kết quả do Marc thu được là khá nghèo nàn. Cái việc tôi không có hành động gì đủ chứng minh cho điều đó, nên cuối cùng cũng êm đi. Người Anglais nghĩ thế và tôi cũng đồng ý với anh ta. Mối nguy hiểm duy nhất cho tôi là việc điều tra mới của Người Anglais. Nhưng tôi tin vào sự giữ hoàn toàn bí mật của anh ta.
Thế mà bọn Caltani đã phản ứng lại, theo cách bạo hành của chúng. Chúng không tìm cách giết tôi, điều ấy là rõ ràng: Nếu cái tên bảo vệ (không ở trong kíp sáu người của Chance) đã đến giải cứu cho tôi sau khi chính hắn đã đặt những phiến gỗ thì chỉ có thể là do lệnh của bọn Caltani thôi. Kết luận: Người ta chỉ muốn làm chúng tôi phải sợ hãi, và vừa làm chậm ngày mở cửa cửa một sòng bạc cạnh tranh, người ta trước hết là muốn khiến chúng tôi làm công chuyện của mình và đừng có dính mũi vào chuyện của Baumer.
Đó là phân tích của Marc và của tôi vào tối hôm chủ nhật. Chúng tôi đã đào óc để cố gắng hiểu xem cái gì là nguyên nhân gây ra sự cảnh cáo bi thảm này - vô ích - Chúng tôi đã không nhìn thấy cái gì chọc vào mắt và chỉ mãi sau này tôi mới hiểu được. Chúng tôi lại có sai lầm là không nghiên cứu kỹ lý do của hai cú điện thoại đến Lavater. Tại sao trong một kế hoạch được chuẩn bị tỷ mỷ như vậy, người ta đã mất công làm cho Marc phải chạy đến nơi? Mà không phải đến bất cứ nơi nào đó: Đến rất đúng trước cửa số 1. Phải mất hai mươi bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi mới có lời giải đáp. Những phóng viên của hãng truyền hình C.B.S đã đến tại chỗ chỉ vài phút sau khi đám cháy bắt đầu (sự có mặt của họ ở Atlantic City là hoàn toàn ngẫu nhiên). Những người quay phim vớ được món bở đã quay lia lịa. Không phải ngày nào cũng có dịp tốt được in lên phim hình ảnh của một sòng bạc đang bốc cháy ngùn ngụt thế này. Nhưng vào ngày thứ hai thì tôi thấy ớn lạnh cả sống lưng: Thế ngộ, vì một sự xui xẻo cực đen đủi, họ cũng đã lấy vào phim được cả hình ảnh của Lavater đang vứt bỏ những tấm gỗ đi thì sao? Tôi đã được xem cuốn phim ở New York và tôi thấy yên tâm: Không chỗ nào thấy hình ảnh của Marc. Nhưng tôi bỗng có một ý nghĩ trực giác: “Marc, chắc người ta đã chụp được ảnh của anh đang vứt bỏ những tấm gỗ. Chính vì thế mà người ta đã kéo anh đến chỗ ấy!” Từ đó, tưởng tượng ra những gì sẽ xảy ra là một chuyện đơn giản: Olliphan hay bọn Caltani, sớm hay muộn sẽ gọi tôi, hẹn trước một cuộc gặp gỡ, để đọc cho tôi nghe những điều kiện của một cuộc đầu hàng hoàn toàn.
Nhưng hiểu được cơ cấu của một cái bẫy mà tôi đã sa vào là một chuyện, còn tìm được một cách chống lại, nhất là chống lại vĩnh viễn, lại là một chuyện khác. Trong lúc này, uống cái thứ cà phê không thể gọi tên là gì ấy, tôi chưa tìm ra được cách chống ấy. Tôi nói:
- Tôi không thể nào bán cho các ông năm mươi mốt phần trăm cổ phần của Con Voi Trắng được. Bản thân tôi cũng chỉ có năm mươi thôi.
- Việc thuyết phục những người Tầu hùn vốn là chuyện của ông.
Giọng nói của Jos Caltani vẫn bình tĩnh. Hắn không đe dọa, hắn bàn cãi công việc, hắn đưa cho tôi một đề nghị mà tôi không thể từ chối được. Olliphan đã đổi chỗ: Vừa nãy hắn ta ngồi ở bên phải tôi, tôi chỉ cần hơi quay đầu là nhìn thấy. Bây giờ hắn ta đến ngồi trong một chiếc ghế fauteuil ở đằng sau tôi. Đó là cách để cho tôi hiểu rằng: “Tôi hoàn toàn đứng ngoài câu chuyện này, vai trò của tôi chỉ giới hạn ở chỗ đưa ông đến đây thôi”.
- Hãy cứ cho là thế! - tôi nói với Jos Caltani - Hãy cứ cho là tôi chịu nhượng bộ trước sự đe dọa của ông.
- Ông không có chọn lựa nào khác.
- Nếu những bức ảnh này đến tay hãng bảo hiểm, chắc chắn là tôi sẽ có nhiều phiền toái. Nhưng không phải chỉ một mình tôi. Hãng bảo hiểm sẽ đưa hồ sơ cho cảnh sát. Và cảnh sát sẽ mở một cuộc điều tra. Cái thuyết về một vụ âm mưu gây hỏa hoạn sẽ được hoàn toàn công nhận. Thì chính các ông, Caltani, là những người đã chủ mưu đốt nhà. Tôi sẽ la hét điều này lên, sớm hay muộn rồi người ta cũng sẽ tìm ra chứng cớ.
Cả hai anh em nhìn tôi một cách thản nhiên. Lời hù dọa của tôi vẫn làm cho họ lạnh như tiền. Thực ra họ cũng cóc sợ. Tôi chắc những tên đốt nhà thực sự không phải là những thằng nghiệp dư. Thì đó, những người điều tra của hãng bảo hiểm hình như cũng đã bị lừa rồi đấy! Tôi tiếp tục.
- Thêm nữa...
Và tôi ngừng lại. Ngừng bặt như bị sét đánh. Tôi vừa định vung lên sự đe dọa là sẽ phanh phui hết mọi chuyện về Baumer, thế nhưng tôi nhớ lại là phải tuyệt đối không được đả động gì đến cuộc điều tra mà Người Anglais đã làm một lần, và tôi yêu cầu làm lại lần thứ hai, lần này tập trung vào Olliphan và Walcher, tôi có thể mất mạng như chơi. Nếu tôi có một hy vọng nào thoát ra khỏi được cái cạm bẫy này, thì hy vọng đó đã nằm ở hai yếu tố sau đây: Một mặt là những tìm tòi phát hiện của Người Anglais, và hai là có thể tôi sẽ hành động chống Olliphan bằng con đường Nam Phi. Trong cả hai trường hợp, tôi đều phải giữ miệng im lặng.
Hai anh em Caltani nhìn tôi chòng chọc, ngạc nhiên về sự im lặng đột ngột của tôi. Đằng sau lưng, tôi nghe thấy Olliphan đứng dậy đi lại trong phòng, hắn vào trong tầm nhìn của tôi, đi ra phía một cửa sổ, và mải mê ngắm cảnh khu vườn. Tôi tự hỏi không biết hắn có hiểu những gì đang xảy ra trong tôi không. Tôi có trực giác kỳ lạ và không thể giải thích được là: Có đấy.
- Thế nào, Cimballi?
Câu hỏi là của Jos Caltani. Tôi vẫn không thể nói được lời nào. Và có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi bị như vậy. Tôi biết cái quang cảnh của tôi lúc ấy như thế nào, mồm thì há hốc ra, người ngồi chết cứng trong chiếc ghế fauteuil, hai tay thì run lẩy bẩy. Để cố định thần lại, tôi cũng đứng dậy đi lại trong buồng như một người đang bị một cơn giận làm cho nghẹt thở và đang có những ý muốn giết người. Tôi đi qua đi lại trước mặt tên Carbonari có đôi mắt chuột, trong một sự im lặng hoàn toàn. Và bao giờ cũng thế, chính vào một lúc bất ngờ nhất một ý nghĩ trực giác bỗng vụt sáng lên. Trong một ván cờ ý nghĩ này cho thấy trước đến cả tám, chín nước đi. Nó chói lọi và thoáng qua ngay, đến nỗi sau đấy phải mất hàng giờ, hàng giờ mới lại tìm lại được đường dây của nó. Tôi đến phải kêu thét lên mất, vì tôi vừa cảm thấy nó, thì nó đã gần tuột đi và tôi phải đấu tranh kịch liệt để giữ được nó trên bề mặt tri giác của tôi.
Tôi đã gần tự chủ lại được. Tôi đối mặt với những người đang nhìn tôi. Tôi nói bằng một giọng âm thầm.
- Đồng ý! Tôi sẽ thử thuyết phục những người Tầu bán lại phần của họ cho tôi.
- Thử thì không đủ.
- Tôi phải có một ít thời gian. Tất nhiên là tôi sẽ phải đi Macao.
- Hai tuần lễ.
- Một tháng.
- Hôm nay là mùng 4 tháng Ba. Ông có đến ngày 20.
Đang xảy ra trong tôi một chuyện thật ngộ: Trong cùng một lúc tôi thương lượng ráo riết, thì cái mầm ý kiến vừa đột ngột hiện ra, vẫn tiếp tục quay cuồng trong đầu tôi, lúc thì hấp dẫn một cách kỳ lạ, lúc thì lại như một trò trẻ con.
- Một tháng. Cùng lắm, thì ngày 31 tháng Ba. Không thể trước được. Bởi vì tôi phải có thời gian để thuyết phục những người Tầu... (tôi bịa thêm ra) và cũng bởi vì tôi phải đợi những kết luận của hãng bảo hiểm. Nếu họ không chịu bồi thường các thiệt hại thì chẳng có gì để mua bán nữa. Con Voi Trắng sẽ chỉ hoạt động được với sự đầu tư bổ sung một trăm năm mươi triệu nữa. Mà tôi không có, và các ông cũng không có.
Lời khẳng định cuối cùng này cũng chỉ là một giả thuyết của tôi. Hồi đó tôi chỉ có được những thông tin không đầy đủ về khả năng tài chính thực sự của bọn Caltani - Tôi biết rằng đã đầu tư vào cái sòng của chúng, chúng cũng đã như tôi, phải vay ngân hàng hơn ba trăm triệu - Nhưng không phải vì thế mà chúng không có tiền. Jos Caltani đưa mắt thăm dò em hắn. Và chắc hẳn đã nhìn thấy cái gì làm cho hắn yên lòng nên hắn nói:
- Thôi được. Thứ tư 30 tháng Ba, mười hai giờ trưa...
- Với điều kiện là từ nay đến đó, hãng bảo hiểm chấp nhận nguyên tắc bồi thường.
- Đồng ý.
Lại im lặng. Olliphan vẫn ngắm cảnh vườn, ho khẽ. Có thể đây là một ám hiệu vì Jos Caltani nói tiếp:
- Chúng tôi đều là những nhà kinh doanh, Cimballi. Chúng tôi là những nhà kinh doanh đáng kính. Cái gì mà ông bán cho chúng tôi, thì chúng tôi sẽ trả tiền ông. Chúng tôi sẽ chịu cái phần nợ của ngân hàng ở Philadelphie, và chúng tôi sẽ trả cho ông năm mươi mốt triệu dolars về năm mươi mốt phần trăm mà ông bán cho chúng tôi…
Thật là quá đẹp để có thể là sự thực được. Tất nhiên không phải là sự thực được rồi. Quả nhiên hắn nói tiếp:
- Nghĩa là năm mươi mốt triệu dolars ấy chỉ là số tiền ghi trong giấy bán, về chúng tôi chỉ coi việc mua bán kết thúc là khi nào ông nộp trả lại cho chúng tôi ba mươi triệu vào một ngân hàng ở Panama, mà chúng tôi sẽ cho ông địa chỉ. Chúng tôi cũng phải có lãi chứ, ông Cimballi.
Tôi thế là đã được lên chức, và bây giờ trở thành “Ông Cimballi”. Nhưng việc thăng chức này vẫn không che đi một sự thực: Tất tần tật, cuối cùng tôi sẽ nhận được hai mươi mốt triệu dolars cho năm mươi mốt cổ phần của Con Voi Trắng. Và trước đó tôi lại còn phải làm sao để mua lại được của Miranda cái phần mà tôi không chắc là cô ta muốn nhả ra. Và nếu tôi không lãnh đủ một lưỡi dao dài một thước rưỡi cắm vào giữa hai vai, thì tôi sẽ có sự vui thích là được mất ba mươi triệu (và hơn nữa, vì tôi còn phải trả cho Macao nữa chứ). Công việc của tôi như thế là cứ mỗi phút lại khấm khá hơn lên. Tôi giơ tay lên.
- Tôi chấp nhận với ba điều kiện.
- Không có điều kiện nào cả.
Tôi làm bộ đứng dậy để đi ra khỏi nhà:
- Trong trường hợp ấy, ông có thể gửi cuốn phim cho bất cứ ai mà ông muốn. Tôi đành chịu ép, nhưng đến một giới hạn nào thôi, và giới hạn ấy đã đến.
Im lặng! Tôi không bịp đâu, tôi thực sự sẵn sàng phá vỡ cuộc thương lượng, nếu người ta có thể gọi đó là một cuộc thương lượng được. Larry Caltani, đứa thông minh nhất trong hai anh em, hình như thế, hỏi tôi bằng một giọng còn êm dịu và khàn khàn hơn là của anh nó.
- Những điều kiện ấy thế nào?
- Một: Giấy nhượng sẽ làm thành hai bản. Trong một thời điểm thứ nhất vào ngày 30 tháng Ba hay chậm nhất bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau khi hãng bảo hiểm đã cho ý kiến thuận, tôi sẽ nhượng cho các ông bốn mươi chín...
- Chúng tôi nói năm mươi mốt kia mà...
- Các ông cuối cùng sẽ có đủ. Tôi sẽ nhường cho các ông hai phần trăm bổ sung.
- Bao giờ?
- Ba tháng đúng, tính từng ngày sau khi Con Voi Trắng bước vào hoạt động.
- Một tháng.
- Hai.
- Đồng ý.
- Đấy là điều kiện thứ nhất của tôi. Tôi đã nói với các ông là có ba điều kiện. Điều kiện thứ hai là thế này: Tôi muốn cuốn phim này, và tất cả các bản sao, phải ngay từ hôm nay, để vào một két sắt trong một ngân hàng tùy các ông lựa chọn, nhưng phải là một ngân hàng thực sự. Cái két phải được khóa lại trước mặt tôi, và chỉ được mở ra với sự đồng hiện diện của chính tôi và của một trong hai ông hoặc của một người đại diện của các ông. Tất nhiên, bắt đầu từ giây phút tôi đang nói với các ông đây, chúng ta sẽ không rời nhau ra cho đến khi nào cuộn phim chưa được cất vào nơi an toàn.
Có tiếng nói của Olliphan, vẫn quay lưng lại chúng tôi:
- Cái loại két, mà mặc dầu muốn quyết định thế nào đi nữa, cũng có thể được mở ra bất cứ lúc nào bởi một lệnh ủy thác do một quan tòa phát ra.
- Tôi biết.
- Và có thể có những bản sao khác đã được dấu đi.
- Tôi liều mạo hiểm vậy. Tôi không tin rằng các ông đã mất công cho làm các bản sao khác. Thế các ông có làm không đấy?
- Lời đáp là không, trong tất cả các trường hợp - Larry Caltani dịu dàng nói lại.
Rồi Olliphan tiếp ngay, mặt vẫn quay ra nhìn cảnh tượng mùa đông ở ngoài vườn.
- Và chỉ cần các thân chủ của tôi đâm một lá đơn kiện ông, nhất là khi họ đã là những cổ đông của Con Voi Trắng là cái két ấy có thể được cảnh sát mở ra, và các tài liệu chứa trong đó, đưa nộp cho công lý.
Ôi! Trời đất quỷ thần, Olliphan đang tìm cách giúp đỡ cho tôi đây. Tôi chắc chắn là thế! Tôi nói:
- Vậy thì những thân chủ của ông có thể chấp nhận điều kiện của tôi mà không có gì phải lo ngại.
- Đúng thế.
Một lát, Larry Caltani nói:
- Nhưng tại sao lại phải để trong một cái két? Ông Cimballi, chỉ riêng một việc chúng tôi trở thành những người hợp tác với ông cũng bảo đảm cho ông là những tài liệu này sẽ không tái xuất hiện do chúng tôi.
- Tôi lại không muốn là cuốn phim này bị mất đi. Và tôi cũng muốn rằng cuốn phim ấy và tất cả các bản sao mà người ta có thể tìm được, được hủy đi trước mặt tôi, cái ngày mà tôi nhượng cho các ông thêm hai phần trăm bổ sung. Còn điều kiện thứ ba của tôi...
Hai bàn tay tôi ướt đẫm mồ hôi.
- Tôi muốn rằng giấy nhượng bốn mươi chín phần trăm đầu tiên, và giấy hứa sẽ nhượng hai phần trăm bổ sung mà tôi sẽ ký vào ngày 30 tháng Ba, tất cả các tài liệu đó sẽ lùi lại thời điểm và sẽ được ghi là ngày 25 tháng Hai năm 1977. Ngày 25, bởi vì ngày 24 và những ngày trước đó tôi không có mặt ở Hoa Kỳ.
- Ngày 25, tức là hai ngày trước khi xảy ra vụ cháy.
- Đúng thế. Như thế tôi sẽ chắc chắn là những cuốn phim, hay cuốn phim này nếu chỉ có một mình nó, sẽ không bao giờ tái xuất hiện, do các ông.
Im lặng. Tôi không dám nhìn về phía Olliphan, mặc dầu anh ta vẫn cứ tiếp tục quay lưng lại chúng tôi. Tôi đang tự hỏi không biết anh ta đoán được ý đồ của tôi đến mức độ nào. Tôi sẽ rất ngạc nhiên, vì chính tôi cũng chưa biết là rồi tôi định sẽ đi đến đâu. Tôi nói thêm:
- Các ông sợ gì? Các ông khẳng định với tôi là sẽ không sử dụng cuốn phim này, nếu tôi chịu theo những điều kiện của các ông, mặt khác các ông lại hầu như tuyệt đối chắc chắn là hãng bảo hiểm không bao giờ có thể phát hiện ra nguyên nhân hình sự của vụ cháy.
Lại im lặng. Tiếng nói của Olliphan:
- Tôi muốn trao đổi riêng với những thân chủ của tôi, ông Cimballi. Xa đôi tai của ông.
Mạch của tôi có lẽ phải lên đến gần một trăm bốn mươi, nhưng tôi vẫn phải hết sức cố gắng để làm ra vẻ vẫn tự chủ được.
- Tôi muốn người ta lấy cuộn phim ở trong máy chiếu ra...
Tên Carbonari thực hiện ngay sau một dấu hiệu của Joe Caltani, Gã cho cuộn phim vào trong một cái hộp đặt trên một cái bàn thấp. Tôi nói với Olliphan:
- Đồng ý để ông thảo luận với những thân chủ của ông. Với điều kiện là các ông đứng ở trong tầm nhìn của tôi và không được tiếp xúc với bất kỳ một ai khác. Các ông có thể chẳng hạn ra ngoài vườn, còn tôi ở trong căn buồng ấm này để nhìn các ông, dưới sự canh chừng của vị tráng niên này.
Tôi chỉ tay vào tên Carbonari. Olliphan và hai anh em Caltani ra vườn, phía đằng sau nhà, đi ra xa khoảng hai mươi thước và bắt đầu bàn cãi. Tất nhiên tôi không nghe thấy gì cả. Tôn trọng điều kiện tôi đề ra, không lúc nào họ làm lộ ra khỏi con đường đi và tôi trông thấy họ rất rõ. Họ cũng không tìm cách tiếp xúc với những người khác, bảo vệ và tài xế, vả lại bọn này đều ở tất cả đằng phía trước nhà. Đằng sau lưng tôi, không cần phải quay lại, tôi vẫn cảm thấy cái nhìn nặng nề của tên Carbonari, không phải là một cảm giác dễ chịu, và tôi tin rằng gã hoàn toàn có thể hạ tôi bằng một viên đạn vào gáy nếu tôi có ý định sờ vào cuốn phim.
Cứ mỗi phút trôi qua, mạch tôi lại chạy nhanh hơn và đã tiến đến một nhịp kỷ lục. Jos Caltani giơ chân múa tay và bàn cãi rất hăng, dù rằng tôi không nghe thấy một tiếng nào của hắn. Gần như hắn luôn luôn quay lưng lại tôi, nên tôi cũng không thể đọc được trên môi của hắn, vả lại tôi cũng hoàn toàn không có chuyên môn về cái phép này. Larry em hắn, can thiệp ít hơn vào cuộc bàn cãi. Olliphan thì nói nhiều hơn, nét mặt bình thản và nhìn nghiêng đối với tôi.
Tôi lo sợ.
Một trong những quân cờ đầu tiên mà tôi chơi là Olliphan, hay đúng hơn là thái độ của hắn trong lúc này. Những điều kiện mà tôi đề ra để chấp nhận tối hậu thư của bọn Caltani không che đậy một cạm bẫy nào. Trong lúc này. Chủ yếu là bởi vì tôi chưa đến lúc giương cái bẫy ra: Tôi cũng chưa tưởng tượng ra nó, chưa biết nó sẽ như thế nào, cũng không biết cả là nó có không nữa. Nhưng tôi biết rằng tôi sẽ không thể làm gì được nếu những địch thủ của tôi không chịu chấp nhận những lý lẽ của tôi. Và tôi cầu là Olliphan đừng có chống lại tôi.
Hai mươi đến ba mươi phút đã trôi qua. Cuối cùng ba người trở về. Tôi đã tự hứa với mình là không đi tìm đôi mắt xanh lục của người luật sư, nhưng thật quá sức tôi: Đúng lúc anh ta bước qua ngưỡng cửa từ ngoài vườn vào, những gì tôi nghĩ rằng đã đọc được trên mặt anh ta suýt nữa thì làm tôi mất hết cái phần bình tĩnh còn lại trong tôi...
Những câu nói đầu tiên của Jos Caltani đã xác nhận linh tính của tôi:
- Đồng ý, Cimballi. Chúng tôi chấp nhận.
Với một sự sửa đổi nhỏ, hay đúng hơn, thêm một chút thận trọng nữa về phía họ: Cuốn phim sẽ được để vào trong một cái hộp bằng các tông, cái hộp này sẽ thực sự được để trong một két sắt của ngân hàng. Két này chỉ được mở ra khi có sự hiện diện đồng thời của hai người: Người thứ nhất là tôi, nhưng người kia không phải là anh em Caltani cũng không phải là Olliphan: Bọn Caltani đã chọn một tên Kowals nào đó, Pete Kowalki. Tôi hiểu rõ mục đích của động tác này: Bọn Caltani hoàn toàn không ra mặt, nếu một ngày nào đó, vì bất cứ một lý do nào, cuốn phim phải tái xuất hiện ra giữa thanh thiên bạch nhật và đến tay cảnh sát, thì bọn Caltani có thể cãi rằng chúng chưa bao giờ biết đến nó, và như vậy về mặt pháp lý, chúng có thể quay lại chống tôi.
- Thế cái anh Kowalski này đâu?
- Chúng tôi sẽ gọi điện cho anh ta trước mặt ông, và ông sẽ cùng với anh ta đi đặt cái hộp này vào trong tủ sắt.
Tôi đồng ý. Tôi kiểm tra lại một lần nữa cuốn phim cho chắc chắn là đúng nó. Tự tay tôi cho vào hộp và bọc trong một băng dính. Olliphan nói:
- Ông có thế giữ cái hộp đó trên giường ông, ông Cimballi. Trong khi chờ đợi đi ra ngân hàng.
- Sự tin cậy của ông là một vinh dự cho tôi.
Nhưng cả bọn chúng không có ý định rời mắt khỏi tôi. Tôi tự hỏi không biết có hay không, một hay nhiều bản sao. Nếu ở địa vị của chúng, thì tôi đã cho làm bản sao rồi.
Về những điều kiện khác của tôi, chúng chấp nhận tất cả. Tôi không biết Olliphan có giữ vai trò nào không trong việc chấp nhận này. Nhưng tôi tin chắc rằng: Anh ta đã thúc đẩy bọn Caltami thuận cho tôi những gì mà tôi đòi hỏi, đúng như tôi hy vọng là anh ta sẽ làm thế. Quân cờ thứ nhất mà tôi đi, đã đem lại cho tôi tất cả sự thỏa mãn.
Tôi nhắc lại những điều kiện mà chúng đã chấp nhận: Ngày 30 tháng Ba sắp tới, nghĩa là trong hai mươi sáu ngày nữa, với điều kiện là hãng bảo hiểm bật đèn xanh cho sự bồi thường một trăm năm mươi triệu, tôi sẽ nhượng cho một “hội bình phong" bốn mươi chín phần trăm phần của tôi trong Con Voi Trắng. Trong thời gian đó, tôi phải chứng minh được là tôi đã mua lại được phần của những người Tầu ở Macao. Và cũng trong ngày 30 tháng Ba này, tôi sẽ ký một giấy hứa bất khả kháng nhượng thêm hai phần trăm bổ sung nữa, hai tháng, tính từng ngày một, sau ngày mở cửa hoạt động của Con Voi Trắng. Giấy nhượng và giấy hứa nhượng sẽ ghi ngày lùi lại: Chúng sẽ hoàn toàn có giá trị bắt đầu từ ngày 25 tháng Hai trước. Và cái ngày thực hiện lời hứa nhượng của tôi, cái hộp phim sẽ được lấy từ ngân hàng về và cuốn phim sẽ được hủy đi trước sự hiện diện của đích thân bọn Caltani và của tôi.
Thật rõ ràng: Dù rằng không thấy có một cạm bẫy nào lộ ra, nhưng rất có thể là bọn Caltani sẽ không chịu nhượng bộ, nếu vì một lý do nào đó mà tôi chưa biết, Olliphan không can thiệp vào nước đi của tôi.
° ° °
Tôi rất có thể, trong lúc còn chưa trễ, xây dựng một kế hoạch huyễn hoặc nào đó để thu hồi lại cuốn phim trước khi nó được cất vào ngân hàng (đã vào đấy rồi thì chịu, không thể một mình tôi lấy ra được nữa). Tôi có thể cho một đội biệt kích đánh thuê, một Đội Quân Cứu Thế, hay gì gì nữa đại khái cũng ngộ nghĩnh như thế, tấn công can thiệp vào. Người ta không cho tôi có thì giờ, vả lại có thể là có những bản sao. Và lúc đó thì tính mạng tôi chắc cân lên không nặng ký lắm đối với bọn Caltani!
Cũng có một lý do thứ ba nữa, và lý do này mới là thật: Tôi hoàn toàn cóc cần đến cuộn phim. Tất nhiên với điều kiện là nó đừng có đến tay hãng bảo hiểm!
Chiếc xe đã đưa tôi đến Harrison, lại đưa tôi trở về Manhattan. Olliphan không trở về cùng với tôi. Tôi chỉ có quyền được hưởng sự đưa đón của ba người, một tài xế, và hai người ngồi kèm hai bên tôi ở ghế sau. Một trong hai người đó là tên Carbonari.
Trên bờ hè, trước cửa phòng vào ngân hàng, có hai người đàn ông chờ chúng tôi. Một, tự giới thiệu “Pete Kowalski”. Hắn với tôi cùng vào ngân hàng. Theo sau là tên Carbonari, lúc nào cũng giữ một tay trong túi phải của chiếc áo khoác hắn mặc. Trong túi chắc không phải là cái ống điếu rồi.
Các thủ tục được làm rất nhanh, và mười phút sau, chúng tôi đã đi ra ngoài.
—Tạm biệt, ông Cimballi.
Vài giây đồng hồ sau, tôi đã đứng một mình. Cái quầy rượu đầu tiên là được việc rồi, tôi vào uống một ly rượu mạnh. Tôi không có thói quen ấy, nhưng tình thế không phải như bình thường. Ly rượu Whisky không làm yên những rạo rực trong bao tử của tôi. Thực ra lúc đó tôi như người sống trong một trạng thái xuất thần, kỳ lạ, do nhiều cảm xúc lẫn lộn tạo nên: Lo sợ, nhưng cũng có cả một sự phấn khởi lạ lùng, và một sự hung dữ hiếm có. Người ta vừa bắt tôi phải quy hàng, chịu nhận một cuộc tống tiền có tính toán nhất, và vô liêm sĩ một cách băng giá nhất. Cuộc tống tiền đã được dựng lên và thực hiện với gần đầy đủ lịch sự: “Chúng tôi là những nhà kinh doanh đáng kính, ông Cimballi”. Tên Jos Caltani đã nói với tôi như thế.
Đồng ý.
Người ta đã trấn lột tôi đến mức độ cuối cùng, không còn tiếng nói nào đúng hơn thế nữa. Nhưng trong vài giây đồng hồ, khi tôi ngồi chết dí, câm lặng, kẹt cứng dưới con mắt ngạc nhiên của “những nhà kinh doanh đáng kính”, thì một tia chớp chói lòa đã vụt qua trong những tế bào chất xám của tôi. Chưa phải là một sự chống đỡ, chưa phải là Cách Chống Đỡ. Chỉ mới là một mầm ý kiến thôi, mà bây giờ tôi phải làm cho chín, và theo đuổi nó đến tận cùng, nếu còn sống được.
Lúc đó sẽ thấy rõ ai trấn lột ai.
giavui
05-26-2020, 03:59 PM
CHƯƠNG 22
Trong tất cả các phim phiêu lưu mạo hiểm loại khá, vào những giây, những phút mà vai chính sẽ phải lao lên xung phong vào một pháo đài không thể đến gần và đặc biệt không thể hạ được, thì nhất định thể nào cũng phải có một cảnh người ta thấy vai nam chính, bình tĩnh và hiền hậu làm một pha du dương mơn trớn với vai nữ chính trên một nền sáng trăng hay mặt trời lặn.
Sarah cười gằn
- Và em là vai nữ chính phải không?
- Em, Marc Andréa và Heidi. Đây là một vai ba người đóng.
Tôi đã rời khỏi New York như một cơn gió bằng chiếc máy bay thứ nhất đi California vào tối hôm mùng ba tháng ba, mấy giờ sau cuộc họp thượng đỉnh của tôi với bọn Caltani. Ngoài các lý do khác ra, đây cũng là cách tốt nhất để tránh những cuộc bàn cãi không dứt với Lavater, Rosen, Lupino và Vandenbergh. Tôi chỉ dùng một cú điện thoại ngắn để báo tin cho họ là tôi chẳng có gì để báo cả. Họ không lấy gì làm thích thú về sự ngắn gọn của tôi và điều này còn làm cho họ lo ngại nữa. Tôi đã trả lời họ “Hãy cho tôi vài ngày nữa”!
Sarah nhìn tôi đăm đăm:
- Tình hình xấu đến thế kia à, anh Franz.
- Có thể còn xấu hơn thế nữa kia. Anh có thể bị ung thư lan toàn thân, Heidi có thể đá gẫy xương ống chân của ông tổng thống Mỹ, Marc Andréa có thể lên quai bị và em có thể muốn vào một nhà tu kín.
- Về chuyện nhà tu kín thì có thể chờ được. Nhưng bây giờ hãy đến hôn em đi, tốt cho anh đấy.
Tôi tuân lệnh, quả nhiên thấy thư dãn hẳn ra. Đến mức tôi lại tái diễn lại nhiều lần, cách nhau định kỳ, trong ba ngày sau đó. Và chỉ làm có một việc ấy là cùng đi dạo chơi ở San Francisco cùng với cô gái người Ireland của tôi và hai đứa trẻ. Lý và Lưu chứa chấp chúng tôi thì lại đi vắng. Họ sang Pháp, thực ra thì đi Monaco, để thử nghiệm phát minh cuối cùng của họ, một thứ xe đi khảo sát dưới mặt bể, một thứ máy móc kỳ lạ có thể đi mò những kim loại mà ai cũng biết là nằm chất đống cả dưới đáy các đại dương, chỉ chờ có họ.
- Franz, anh có biết là có bao nhiêu vàng ở bể không? Chỉ tính dưới dạng keo thôi, khoảng chín triệu tấn đấy.
- Mấy thằng Tầu khùng này, các cậu định đi lọc nước của tất cả các đại dương phỏng? Các cậu định làm giàu bằng cách ấy đấy à?
- Chúng tôi đã làm giàu rồi, thưa đồng chí, giàu đến mức không thể giàu hơn được nữa. Đây là chúng tôi chỉ muốn tiêu khiển môt tý thôi.
Họ trở về San Francisco vào ngày mùng 1 tháng ba. Đúng vào lúc tôi đã bắt đầu sốt ruột chờ họ. Đối với tôi, đi California ngoài cái việc là tìm về gia đình nhỏ của tôi, còn có cái lợi là làm cho tôi lùi vài bước để nhìn cho rõ. Tôi muốn được ở một mình để có thể ung dung nung nấu thêm cái mầm ý kiến của tôi. Trong những hoàn cảnh khác, thì có lẽ tôi đã trốn về Saint Tropez về căn nhà La Capilla, nơi tôi ra đời, nơi duy nhất trên thế giới này mà tôi cảm thấy thực sự là ở nhà mình. Tôi không về đấy được vì người ta đã cấm tôi không được ra khỏi biên giới cùng với Heidi, mà lúc này hơn bao giờ hết, tôi không muốn xa nó. Tôi đành phải bằng lòng ở San Francisco vậy và cố dùng thời gian này một cách có ích, xa những cố vấn của tôi, chắc chắn là sẽ không để cho tôi yên và sẽ bám riết tôi để kịch liệt chứng minh cho tôi biết tôi đã điên không thể chữa được nữa rồi. Tôi phát triển cái mầm ý kiến của tôi, tôi đã làm cho nó trở thành một cái gì mà nhìn từ xa, qua một màn sương dầy, gần giống như một chiêu võ chống lại vụ tống tiền mà tôi là nạn nhân. Lý và Lưu là những người đầu tiên được nghe tôi trình bày kế hoạch của tôi. Mà vì lẽ, tôi rất cần đến họ. Tôi giải thích cho họ những dự kiến của tôi.
Im lặng.
Họ không cười một tý nào.
Mới mấy phút trước, với một thứ hài hước mê sảng mà chỉ họ có, họ đã trình diễn cho tôi xem cái xe mắc dịch dùng để sàng cá voi của họ. Cái xe trông vừa giống một con châu chấu, vừa giống một chiếc xe hơi đời mới nhất mà người ta đã lấy máy ra và thay bằng những bàn đạp. Hai người cắt nghĩa cho tôi hiểu là chỉ riêng việc các sông ngòi chảy ra bể, mỗi năm đã có đến ba tỷ rưỡi các thứ kim loại tích tụ lại và cứ như thế từ khi trái đất là trái đất, nghĩa là cũng khá thời gian rồi. Họ còn giải thích thêm là chỉ cần nhiều lắm là sáu trăm triệu cái xe giống như cái của họ và độ sáu hay bảy tỷ năm nữa thì có thể trở thành những ông vua của các thứ kim loại hiện có, chưa nói đến những thứ kim loại mà người ta chưa biết.
Bây giờ họ không cười một tý nào nữa. Họ ngừng bặt ngay những trò hề của họ, trong một giây đồng hồ lại trở lại là những nhà kinh doanh lạnh lùng và có phương pháp khi hoàn cảnh bắt buộc (cả hai người cộng lại có gần ba trăm triệu dolars).
- Chuyện ấy không thành công đâu, Franz. Đó là cái đòn trấn lột gàn dở nhất mà... - Lắc đầu tiếp - Thực ra là quá gàn dở. Không thể thành công được đâu.
- Nhưng đó là hy vọng duy nhất của tôi, các anh có công nhận thế không?
- Thôi bỏ đi. Hãy bán năm mươi phần trăm của Con Voi Trắng cho bọn Caltani, cầm lấy hai mươi triệu mà chúng trả, rồi đi nơi khác đi.
- Thà chết còn hơn. Vả lại, bọn chó đẻ đó đòi năm mươi mốt chứ không phải năm mươi phần trăm. Chúng nó không ngu đâu. Chính tôi trục người Tầu ra trước đã, rồi chúng mới xông vào sau. Không, tôi không có chọn lựa nào khác. Các anh phải giúp tôi thuyết phục Miranda. Các anh quen cô ấy, cô ấy nghe các anh và có lẽ không cho người cắt tôi ra thành lát mỏng ngay tức khắc.
- Hay là cả ba chúng ta sẽ được bơi trong Biển Đông cùng với lũ cá mập. Franz, cứ giả thiết cho rằng Miranda chấp nhận đi, thì hễ có một sơ xuất nhỏ nào trong cái kế hoạch điên cuồng của cậu, là cậu sẽ ở trong vị trí thiểu số với Con Voi Trắng, vì cái bạn Caltani của cậu sẽ là những cổ đông đa số. Thêm nữa chúng lại sở hữu cả trăm phần trăm cái sòng bạc bên cạnh cái của cậu. Sẽ dễ dàng đoán ra được chúng sẽ làm gì. Chúng sẽ hợp hai sòng lại làm một và cậu chỉ còn không đến một phần tư số cổ phần nữa thôi. Từ đó trở đi, chúng sẽ thủ tiêu cậu một cách thật nhẹ nhàng. Giữa cái số tiền phải hoàn trả cho các ngân hàng và tiền đầu tư mới mà chúng đề ra, cậu sẽ không được sờ đến một xu lãi nào trong ba mươi năm. Thế là tiêu, Cimballi.
Họ tưởng dạy cho tôi được một cái gì mới chăng? Tôi hoàn toàn không có một ảo tưởng nhỏ nào về số phận mà các Nhà Kinh Doanh Đáng Kính dành cho tôi. Tôi nói:
- Thêm lý do ấy để phải thử làm một cái gì khác chứ. Những tên ấy đã trấn lột tôi, tôi muốn trấn lột lại chúng như chưa bao giờ chúng bị đến thế. Tôi nghĩ rằng đã tìm ra được cách.
Muốn hiểu được những lý do đã đưa Lý và Lưu tham gia vào cái trò nhào lộn của tôi thì phải biết rằng tôi quen hai ngưòi Tầu ở San Francisco này từ những ngày đầu của tôi và của họ. Vào thời ấy tôi đã giúp họ một việc suýt nữa làm tôi phải trả giá đắt. Họ đã thu hoạch được một phần lớn gia tài của họ hiện nay là nhờ vào cái số sáu mươi triệu dolars, mà do sự lương thiện cố hữu của tôi, tôi đã đưa trả họ như một mâm cỗ bày sẵn. Hai năm trước đây, khi tôi lâm vào một cuộc khủng hoảng họ không giúp tôi được vì họ bị kẹt bởi những cuộc đầu tư mới của. Nhưng ngày nay thì khác, họ có đầy đủ khả năng để cứu giúp được tôi. Không cần nói đến tình bạn chân thành gắn bó chúng tôi. Trong những rừng rậm của tài chính, tình bạn không có một giá trị thương mại nào cả, họ rất yêu mến tôi và cảm thấy có một thứ nợ đối với tôi. Nhưng biết rõ họ như tự biết chính tôi tôi lại tin là có lẽ cuối cùng, chính cái tính chất ngông cuồng nếu không nói là rồ dại, kế hoạch của tôi đã làm cho họ say mê.
Bởi vì họ gật những cái “đầu con trời” của họ và nói:
- Việc đầu tiên phải làm là nói chuyện với cái tên lùn, em họ của Miranda đó. Anh gọi tên hắn là gì nhỉ?
Caliban. Anh đã đến gặp chúng tôi ở San Francisco ngày mùng 8 tháng 3, tất nhiên là có kèm theo không thể nào thiếu được cả cái bà vợ tóc vàng của anh. Anh ta nôn nóng, nghi ngờ và cũng hơi lo sợ nữa. Trong những ngày gần đây, anh đã chứng kiến toán điều tra viên của hãng bảo hiểm sục sạo kiểm tra đến chân tơ kẽ tóc những gì còn lại của Con Voi Trắng. Khi tôi nói cho anh biết rằng vụ cháy là do sự cố tình gây ra, rằng tôi có chứng cớ chắc chắn, tiếc thay không phải chỉ một mình tôi có những chứng cớ đó, cuối cùng tôi đang ở trong một tình thế rất xấu, thì bộ mặt của anh ta vốn đã lầm lỳ bây giờ trở nên rõ ràng là dữ tợn. Anh ta nói:
- Tôi cũng đã ngờ là có một cái gì rồi. Mấy ngày gần đây, tôi thấy thái độ của anh không được bình thường. Tôi cũng đã có báo tin cho Miranda biết. Và cũng đã đến lúc anh phải nói hết với tôi và tôi đã bắt đầu thấy bực dọc rồi.
Thật không thể tưởng tượng được cái cảm giác nguy hiểm toát ra từ con người nhỏ bé này! Mẹ kiếp, tôi thực sự đang ở trong một tình trạng quá tồi tệ rồi, kẹt cứng ở giữa, một bên là Caliban và những người chủ Tầu của hắn, một bên là bọn giết người Caltani. Tôi chỉ mừng sinh nhật hai mươi sáu tuổi của tôi, trong sáu tháng nữa kia. Nếu đến ngày đó tôi hãy còn sống, nhưng rõ ràng là tôi luôn luôn lập được những kỷ lục về việc chui đầu vào vô số những nồi canh hẹ như thế này. Anh lùn lai Tầu và Corse nói thêm.
- Lẽ ra anh phải cho tôi biết ngay mới đúng. Tôi đại diện cho những người có một nửa phần vốn, tôi cũng có giá trị bằng anh
Tôi phải mất hai tiếng đồng hồ bàn cãi gay gắt mới làm dịu được cơn tức giận của anh ta. Đã hai lần suýt nữa thì đi đến chỗ tan vỡ hoàn toàn, nghĩa là anh ta sẽ đi Macao tức khắc để làm một cuộc tổng dấy quân chống tên Cimballi. Sự can thiệp của Lý và Lưu may thay, cứ mỗi lần như thế, lại kéo anh lùn và tôi trở lại bàn thương lượng, bằng những lý lẽ nói bằng tiếng Tầu mà tôi chẳng hiểu mô tê gì cả.
Tôi vẫn còn nhìn thấy Caliban ngồi trong một chiếc ghế fauteuil, đôi chân nhỏ xíu gập lại như anh vẫn thường làm. Anh ta gọi điện về Macao và nói thao thao bất tuyệt. Đằng sau anh ta, qua cửa kính lớn của căn phòng là cái bóng đỏ của chiếc Cầu Cổng Vàng chìm trong sương mù luôn luôn di động. Cuối cùng, sau khi đã hả hết cơn giận, Caliban đã yêu cầu tôi nhắc lại một lần nữa những chi tiết nhỏ nhất, những giai đoạn cần thiết của kế hoạch tấn công trong tương lai của tôi. Anh ta không ngắt lời tôi một lần nào, bộ mặt tuyệt đối thản nhiên, đôi mắt không rời tôi ra.
Tôi đã nói xong. Anh ta còn im lặng trong mấy chục giây đồng hồ nữa rồi cuối cùng, khi quyết định mở miệng ra là nói bằng tiếng Tầu. Lý và Lưu cũng trả lời bằng tiếng Tầu. Cuộc bàn cãi giữa họ với nhau kéo dài đến mức tôi phải nhận xét một cách mỉa mai: “Cùng lắm thì có thể không lồng tiếng vào phim, nhưng ít ra cũng phải có phụ đề bên dưới chứ!"
Lại đánh bài Blackjack với Miranda, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trước hết, vì đây là người đối thoại thứ ba của tôi, tôi phải trình bày chi tiết lại các giai đoạn chiến lược lần thứ nhất cho Lý và Lưu, lần thứ nhì cho Caliban nghe. Tôi đã bắt đầu thuộc bài bản, thêm thắt những chi tiết mới cho sáng tỏ, thậm chí có cả một vài chuyện tiếu lâm nữa. Miranda mặc quần áo đen tuyền (giống như là đã để tang tôi rồi vậy) ngồi nghe với một thái độ cực kỳ bình thản. Dù rằng Caliban, qua điện thoại chắc cũng đã có nói cho cô ta rõ đôi ba lời về tôi.
Lại đánh Blackjack, bởi vì sau khi tôi kết thúc bài thuyết trình, tôi cũng được quyền hưởng một cuộc bàn cãi vô tận bằng tiếng Tầu. Chỉ có cái khác là lần này họ là bốn người cùng trao đổi với nhau bằng tiếng Quảng Đông. Cái khác nữa là cuộc bàn cãi kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ chứ không phải vài phút như ở San Francisco. Cái khác nữa là nếu trước đây tôi chỉ ngài ngại thôi về những phản ứng có thể có của Caliban, thì bây giờ tôi cảm thấy lo lắng sâu sắc thực sự, trong khi chờ đợi những kết luận của Miranda.
Nói thật ra là tôi sợ hãi. Đây là một trong những lúc mà người ta linh cảm thấy rằng tất cả mọi sự sẽ được quyết định trong giây sắp tới. Có vẻ như họ đã quên đến cả sự tồn tại của tôi nữa. Ba đôi mắt xếch hướng về phía tôi và nhìn tôi không chớp. Vào đúng lúc đó, tôi thấy xuất hiện trong đôi mắt của Lý và Lưu một biểu hiện mà tôi biết rõ. Không lâu nữa đâu, họ sắp phá lên cười bây giờ. Cái điều đáng ngạc nhiên nữa là cả Caliban cũng bị lây bởi trận cười đó.
Họ cười đến chảy nước mắt ra. Nhưng Lý (hay là Lưu, có ai mà nhớ được cậu nào là Lý, cậu nào là Lưu). Cuối cùng giữa hai tiếng cười nấc cũng đã nói được:
- Cái ni, Đại Sempali tinh quái à! Nị có một cái óc ngoằn ngoèo và quỷ quyệt quá!
Nói cách khác, Franz thân mến, có lẽ cậu lại còn Tầu hơn tất cả tụi này nữa. Chúng tớ vừa biểu quyết xong. Chúng tớ quyết định sẽ gửi đơn về Bắc Kinh, để xin cho cậu vào quốc tịch Tầu đấy.
Ngày hôm sau, mùng 9 tháng 3, cách thời hạn mà tôi phải nhượng lại bốn mươi chín phần trăm của tôi cho bọn Caliban có hai mươi sáu ngày, tôi đáp máy bay đi Hong Kong. Tôi không đi một mình, cùng đi với tôi còn có hai người Tầu rưỡi nữa: Lý và Lưu cùng đi, còn Caliban thì không thể tính là một người Tầu đầy đủ được.
Cuối cùng nàng Miranda đứng lên:
- Xin mời ông vui lòng theo tôi, ông Cimballi.
Tôi cố tìm kiếm một cách tuyệt vọng xem có cái gì chỉ dẫn cho tôi biết chuyện gì đang chờ đợi tôi, nhưng những nét mặt của Lý và Lưu là hoàn toàn khép kín. Còn Caliban thì cười ruồi, đôi môi rất đỏ hé nở trên một bộ răng rất trắng của loài ăn thịt. Cái cười của hắn hoàn toàn không có một ý nghĩa gì. Một lần ở Atlantic City, tôi đã thấy hắn nổi giận đối với một người cầm cái, lúc tập luyện đã muốn biểu diễn nghệ thuật gieo những con xúc xắc của mình. Caliban bắt đầu cười, cũng cười như hắn đang cười hiện nay. Trước khi, bằng một động tác nhanh nhẹn không thể tưởng được, đã quật vào mặt người đó bằng những móng tay sắc như những lưỡi dao cạo. Phải cả ba người xúm lại mới kìm giữ nổi Caliban và sau đó phải đền bù một số tiền lớn để đuổi người cái ra cửa.
- Xin mời đi lối này.
Cửa được đóng lại ở căn buồng có ba người từ San Francisco cùng đến với tôi. Nhưng không vì thế mà tôi bị cô độc. Ngoài Miranda ra, còn có hai hay ba cô nữ bảo vệ đã xuất hiện và bao chặt quanh tôi. Đến một căn buồng, số bảo vệ lên đến năm người.
- Nào, bây giờ, - Miranda nói - tốt hơn hết là ta trở lại từ đầu. Ông sẽ giải thích một lần nữa cho tôi hiểu, không phải vì sao tôi phải bán cho ông những phần của tôi, mà ông định bồi thường cho tôi như thế nào, để tôi từ bỏ một việc kinh doanh, mà mặc dầu có vụ cháy ấy. Vậy là ông định mua lại những phần của tôi...
- Vâng, đúng thế
- Vào ngày nào?
- 23 tháng hai. Bởi vì giấy bán cho bọn Caltani sẽ đề lùi lại vào ngày 25.
- Thế ông trả các phần của tôi bao nhiều?
- Sáu mươi triệu.
- Nghĩa là tôi đã lãi mười triệu rồi phải không?
- Rất đúng. Ngoài ra, tôi sẽ còn nộp cho bà phần lãi của bà nếu có, về hai tháng hoạt động đầu tiên của Con Voi Trắng. Trừ số tiền góp ra trả nợ cho ngân hàng ở Philadelphie tính giải ra trong năm mươi tháng.
- Ông nghĩ rằng trong hai tháng đầu này sẽ có lãi à, ông Cimballi?
- Nói cho ngay ra, thì không.
- Thế là tôi chỉ được có mười triệu để từ bỏ một kinh doanh mà tôi đã góp phần dựng lên và hứa hẹn sẽ phồn thịnh à?
- Có cái phần thứ hai trong kế hoạch của tôi. Sẽ đem lại cho bà những số lãi lớn hơn gấp bội phần.
- Nếu cái phần thứ hai ấy có ngày nào ra đời được, và ông còn sống đến lúc ấy để thực hiện cái phần này.
- Tôi sẽ làm hết sức mình. Nhất là để sống đến lúc đó.
- Tôi sẽ chấp nhận, ông Cimballi. Từ chối sẽ buộc chính tôi phải đối đầu với cái bọn Caltani ấy. Tôi cũng sẽ làm cái việc đối đầu này vào một ngày nào đó, nhất là nếu bọn chúng thắng được ông trong keo này. Tôi sẽ chấp nhận vì cái lý do thứ nhất ấy, cũng vì các bạn ông ở San Francisco có vẻ cho rằng ông là người hoàn toàn có thể thành công được trong một kế hoạch ngông cuồng như vậy.
Một con dao cạo đã bí mật đến tay Miranda lúc nào không biết, cô để cái lưỡi dao lên cổ tôi.
- Ông hãy hôn tôi đi ông Cimballi. Không, tôi không có ý định bỏ lưỡi dao này ra đâu. Tôi rất muốn sử dụng nó, nếu không có những người bạn ở San Francisco của ông, thì bây giờ ông đã là một người chết rồi. Bây giờ ông hôn người cộng tác cũ của ông đi... Hôn tốt hơn thế kia, tốt hơn nữa kia... Đấy, ông thấy không, nếu ông muốn, là ông làm được mà.
° ° °
Đơn giản thôi, nghĩa là cũng gần như thế.
Bị bắt buộc phải chịu nhận cuộc tống tiền của bọn Caltani, tôi phải nhượng cho chúng năm mươi mốt phần trăm phần của tôi ở Con Voi Trắng để lấy hai mươi mốt triệu.
Muốn thế tôi phải mua lại những phần của Miranda, mà phải mua lại tất cả. Vì hai lý do: Một là vì bọn Caltani, đòi hỏi là bắt đầu từ ngày ba mươi tháng ba, chỉ còn một mình tôi ở lại trong việc kinh doanh này thôi, không có bất cứ một người hùn vốn nào khác nữa, vì sợ người này lại tỏ ra hơi quá tò mò và hai là (về lý do thứ hai này, tất nhiên bọn Caltani không thể biết được), tôi rất cần phải đối đầu một mình với bọn Caltani kể từ ngày mùng 4 tháng 8 trở đi, là thời điểm tôi phải thực hiện lời hứa của tôi nhượng lại cho chúng hai phần trăm cuối cùng, để hoàn thành nốt kế hoạch mà tôi đã nghĩ ra.
Muốn thuyết phục Miranda bán cái số năm mươi phần trăm của cô ta, tôi đã đề nghị mua lại với sáu mươi triệu, cái mà cô ta mua có năm mươi. Cô ta lãi: Mười triệu. Nhưng thế cũng chưa đủ làm cô ta bằng lòng đâu. Nhưng nếu kế hoạch của tôi thành công, thì cô ta sẽ được lãi bội phần. Hơn nữa, cô ta tin là thế nhưng cũng không tin hẳn. Nhưng cô ta cũng không có nhiều chọn lựa: Nếu từ chối không bán cho tôi, thì cô ta sẽ ngăn cản không cho tôi thỏa mãn những gì mà bọn Caltani đòi hỏi và như thế cô ta sẽ phải cùng với tôi đối đầu với hãng bảo hiểm. Cô sẽ mất hết, hay cũng gần như thế, không còn giải pháp nào khác là kiện tôi trước pháp luật. Sẽ mất hàng năm thì vụ kiện mới có kết quả, có thể sẽ không bao giờ có kết quả nếu trong thời gian đó bọn Caltani hay chính cô ta, nổi giận lên và thịt tôi trước.
Miranda đã đồng ý bán, thì còn lại một vấn đề lớn: Lấy tiền đâu để thực hiện phần đầu này của kế hoạch. Vào tháng sáu 1976 khi tôi bắt đầu câu chuyện kinh doanh sòng bạc này, thì tôi có vào khoảng hơn tám mươi triệu dolars, chính xác là tám mươi hai. Tôi thu hồi được thêm mười nữa ở Liechtestein sau khi giải cứu được Fezzali. Tôi lên đến chín mươi hai. Trên số này, tôi đã chia ra năm mươi để mua Con Voi Trắng và đặt làm vốn đầu tư ở ngân hàng. Còn lại bốn mươi hơn một ít (Tôi phải tiêu nhiều vào các phí tốn, thí dụ trả tiền Người Anglais chẳng hạn). Thế mà tôi lại vừa cam kết trả sáu mươi triệu cho Miranda, Lý và Lưu đã đồng ý cho tôí vay hai mươi triệu. Tôi sẽ hoàn lại họ vào ngày 30 tháng ba ngay khi bọn Caltani trả tôi hai mươi triệu để đổi lấy bốn mươi chín phần trăm mà tôi phải nhượng cho chúng vào ngày này.
Như người ta thấy đó, thật là Rất Đơn Giản.
° ° °
Ngày 14 tháng ba, cùng một chiếc máy bay đưa Lý, Lưu, Caliban và tôi trở lại Hoa Kỳ. Sự có mặt của Caliban là một yêu sách của Miranda.
- Ông Cimballi, tôi không biết rằng cái kế hoạch, ít nhất là độc đáo của ông có thành công hay không? Tôi có những mối nghi ngờ. Tôi có ý nghĩ là biết đâu ông lại không cùng với bọn Caltani đồng lõa với nhau để gạt bỏ những người Tầu ngu xuẩn ở Macao, với lại cái tình bạn xúc động gắn bó ông với Caliban, tôi sẽ tự trách mình nếu để cho nó tan vỡ. Caliban sẽ thường trực ở bên cạnh ông, và ông sẽ cho anh ta biết bất luận một hành động nào dù nhỏ của ông. Nếu anh ta nhận xét thấy ở ông một xu hướng muốn vượt qua đầu tôi, thì anh ta sẽ cắt đầu ông. Với lại, anh ta là một chuyên gia trong lĩnh vực sòng bạc, cái ông Henry Chance nào đó của ông cũng phải công nhận thế. Lợi ích của ông và của tôi, về tất cả những gì ông định làm, là phải làm sao cho Con Voi Trắng thịnh vượng nhất. Ông cứ vui chơi cho thoải mái nhé.
Thế là tôi được kèm cặp bởi một vệ sĩ kiêm gián điệp cao một thước bảy phân. Trước khi lao vào trận chiến đấu đang chờ tôi, tôi còn một bài toán nữa do Sarah và đám trẻ đặt ra. Họ càng xa bãi chiến trường bao nhiêu, thì càng tốt bấy nhiêu, Lý và Lưu nói:
- Anh sợ là bọn Caltani sẽ xâm phạm đến họ ư?
Làm sao lại không cố gắng đề phòng tất cả mọi chuyện khi có những kẻ thù vào cái cỡ ấy? Một tên Martin Yahl thì dù sao cũng không nuôi dưỡng cả một tiểu đoàn những tên giết mướn. Hắn cũng không chơi đùa với tính mạng của tôi và hai đứa trẻ bằng cách đốt sòng bạc hay đốt nhà nào khác. Không, nếu xét về những cái gì tôi đang chuẩn bị cho bọn Caltani, thì một mối nguy hiểm về tính mạng con người không phải là điều có thể gạt bỏ đi được.
Tôi còn muốn Sarah và hai đứa trẻ đi khỏi Châu Mỹ nữa kia. Cùng lắm là đi Jamaique hay tốt hơn nữa là sang Pháp và Saint Tropez. Nhưng tôi không thể cho Heidi ra khỏi bất cứ một biên giới nào. Đành phải để họ ở lại San Fransico, trong sự cảnh giác kín đáo của Lý và Lưu.
Đó là điều tôi cố hết sức thuyết phục Sarah ngay từ khi tôi ở Macao trở về. Không dễ dàng trong những trường hợp ấy, cái tính khí Ireland của cô ta nổ ra ngay?
- Anh muốn nói là em sẽ phải ở lại đây có lẽ đến hết năm chắc?
- Không có gì ngăn cản em đi Jamaique để trông nom những cái khách sạn mắc dịch của em.
- Để lại đằng sau em Marc Andréa và Heidi à?
Cô ta tức sôi người lên. Lạy Thánh Patrick, làm sao tôi lại không là một nhà kinh doanh bình thường như những người khác? với một nơi ở cố định, một bàn giấy, một cô nữ thư ký để léng phéng, có những giờ làm việc hẳn hoi và một cái thẻ câu lạc bộ ở địa phương? Tại sao tôi lại cứ luôn luôn lao vào những công việc ngu xuẩn, làm cho tôi bị những mối đe dọa vô nghĩa lý. Tại sao vậy? Tôi cũng đang tự hỏi chính tôi đây? Và tôi xoay xở thế nào để hôm nay thì trở nên một nhà tỷ phú và ngày mai thì lại phá sản đến không còn một đồng xu.
- Thêm nữa, bây giờ anh lại còn đến báo với em là tính mạng của con trai anh, của con bé người Áo, chưa nói đến cả của em nữa bây giờ đang bị đe dọa. Franz, có những ngày mà lẽ ra em đã phải chặt cổ anh đi rồi.
Cả cô ấy nữa. Đúng, tôi là một người đã gây cho phụ nữ những tình cảm thật nồng hậu, toàn những cắt cổ với chặt đầu. Cái tồi tệ nhất, cái làm Sarah tức giận nhất, là cô ấy bắt buộc phải nghe theo tôi, phải ở lại với đám trẻ, vì cái tình thương gần như mẫu tử của cô đối với con tôi và con bé Heidi. Biết chúng đang bị nguy hiểm mà lại bỏ chúng, làm sao cô ấy có thể chịu nổi cái điều đó. Có khi, cô ấy còn phải vĩnh viễn từ bỏ cả vị trí nghề nghiệp của cô ấy nữa cũng nên. Cô ấy đã xin và được chấp nhận một thời gian nghỉ để nghiên cứu là sáu tháng. Cô sắp phải xin kéo dài thêm sáu tháng nữa mà vẫn không biết rằng mọi chuyện rồi sẽ có thể kết thúc được vào tháng chín năm nay không? Tôi thấy xấu hổ về những gì tôi đã làm đối với cô, về hoàn cảnh mà tôi đã đưa cô vào.
Sáng hôm sau, 15 tháng ba, cô ấy đã trấn tĩnh được ít nhiều để đưa tiễn tôi ra phi trường.
- Lần này anh phải đối đầu với những người nào thế? Không phải là Martin Yahl nữa phải không?
Tôi thấy gần như tiếc là không phải lão.
- Không, không phải hắn
- Nhưng tồi tệ hơn phải không?
- Đúng.
Một đôi mắt liếc dưới đôi mi hơi hé mở trên một bộ mặt hơi ngả về đằng sau.
- Anh sẽ thắng chứ, Franz?
- Không còn nghi ngờ gì nữa.
- Thôi đi. Anh đang sợ hãi thắt ruột lại phải không?
Một chút xíu nữa thì tôi sụp đổ hẳn trong cái phòng đợi không lấy gì làm sạch sẽ cho lắm của cái ga hàng không già nua San Francisco này. Tôi bỗng cảm thấy thấm thía sức nặng của sự căng thẳng thần kinh không thể tưởng được, tích tụ trong mấy tuần lễ vừa qua. Cái triển vọng của những tuần lễ sắp tới với sự hoạt động cuồng loạn đang đợi tôi, cũng không có gì làm tôi phấn khởi. Tôi kéo Sarah vào sát tôi, giữ cô ta một lúc lâu. Đó là cách xin lỗi cô, có lẽ cũng để tìm kiếm thêm một chút can đảm.
- Sarah, sau chuyện này, anh sẽ ngừng lại. Dù có ra sao nữa.
Cô ta gật đầu, hai mắt đẫm lệ. Tôi trèo lên máy bay đi New York, lên đường đến cuộc chiến đấu.
giavui
05-26-2020, 04:00 PM
CHƯƠNG 23
30 tháng Ba 1977. Mười hai giờ trưa.
Ở một phía bàn: Vandenberg, Roser, Marc Lavater và tôi. Phía bên kia không phải hai anh em Caltani mà sự vắng mặt làm cho ai cũng ngạc nhiên và rõ ràng là chúng không muốn ra mặt một cách chính thức. Phía bên kia là Olliphan và hai người đàn ông nữa, mà một người là một luật sư kinh doanh Mỹ gốc Ý. Người thứ hai ngồi cạnh Olliphan, tạm gọi tên là Weisman. Và người này, trước khi cuộc họp chưa chính thức bắt đầu, do Olliphan đến chậm, Jimmy Roser đã vừa chuyến cho tôi một mảnh giấy gấp tư: "Weisman, hình nhân thế mạng của bọn Caltani trong nhiều vụ kinh doanh. Người cũ ở Vegas, đã làm quản lý sòng trong mười lăm năm. Đã bị rút giấy phép. Rất ghét Olliphan. Nguy hiểm". Cũng như mọi khi trong những trường hợp như vậy, tôi vò nát tờ giấy thông báo và đốt trong cái gạt tàn thuốc lá ngay dưới mắt của Weisman. Hắn đeo kính đen, nhưng cũng không làm bớt được những ánh sắc nhọn của đôi mắt hắn.
- Khi nào ông muốn, thưa ông Cimballi - Olliphan cười nói với tôi.
Philip Vandenberg rút từ trong cặp tài liệu ra những giấy tờ chứng nhận, là do sự nhượng lại của những người hợp tác cũ của tôi ở Macao, hiện nay tôi là chủ sở hữu duy nhất của Con Voi Trắng. Anh trải các giấy tờ ra trên mặt bàn rồi đẩy sang phía trận địa thù địch. Im lặng hoàn toàn, trong khi lần lượt theo thứ tự, Olliphan rồi người luật sư Mỹ gốc Ý, và cuối cùng Weisman xem xét các giấy tờ về cuộc thương lượng của tôi với Miranda. Olliphan là người đầu tiên phát triển ý kiến.
- Tôi rất vui mừng thấy rằng những người hợp tác Tàu cũ của ông đã chấp nhận đề nghị của ông muốn mua lại phần của họ.
- Vụ cháy này làm cho họ lo ngại. Việc này quá sức họ. Họ không thích những sòng bạc cứ bị cháy như thế.
- Nhưng ông đã nói với chúng tôi là hãng bảo hiểm đã kết luận vụ cháy là do rủi ro.
Đến lượt Jimmy Roser hoại động, và trình bày những bản photocopy báo cáo của những người điều tra của hãng bảo hiểm, cùng một bức thư mà tôi nhận được sáu ngày trước, vào ngày 24 tháng ba, của Jack Getchelle, tổng giám đốc hãng Getchelle and Harking New Jersey Insurance Company. Trong báo cáo, những người điều tra kết luận là tai nạn rủi ro (cháy cầu chì gây ra bởi một máy xu) không có trách nhiệm của ban bảo vệ sòng bạc. Trong bức thư, Getchelle báo cho tôi biết là ông ta sẽ - như đã ghi trong hợp đồng - tiến hành việc bồi thường tất cả các thiệt hại do lửa và sự can thiệp của lính cứu hỏa gây ra. Nhưng ông ta cũng nói rằng việc đánh giá những thiệt hại đó chưa hoàn tất, và tổng cộng số tiền bồi thường sẽ vào khoảng một trăm năm mươi triệu dolars. Trong khi chờ đợi ông ta đã chuyển cho ngân hàng ở Philadelphie một số tiền là bảy mươi lăm triệu, có giấy báo kèm theo thư, để nhờ đó mà chúng tôi có thể cho tiến hành ngay việc sửa chữa. Olliphan nói:
- Thân chủ của tôi, ông Weisman, ngày hôm qua còn lo ngại về chuyện giải quyết vấn đề bảo hiểm này. Tôi dám chắc, hôm nay ông ta đã được yên tâm rồi.
Tôi liếc nhìn Weisman. Anh ta có dáng hoàn toàn cóc cần gì đến cuộc trao đổi của chúng tôi. Mà thực sự chỉ thuần túy là một màn hài kịch. Olliphan và bọn Caltani là những người đầu tiên sau tôi được thông tin về ngọn đèn xanh đã được hãng bảo hiểm bật lên. Bởi vì ngọn đèn xanh ấy là điều kiện tiên quyết cho cuộc họp hôm nay. Nhưng cũng chỉ là để tôn trọng các hình thức thôi. Và nếu không một ai trong những người ngồi ở bàn này bị lừa bịp thì chúng tôi cũng vẫn cứ làm ra bộ tin đây là cuộc thương lượng bình thường.
Tiếp tục đi rất nhanh. Tôi ký tên dưới một giấy đề ngày 25 tháng Hai 1977, chứng nhận tôi bán cho Weisman bốn mươi chín cổ phần của Con Voi Trắng, Weisman cũng ký. Tôi nhận một ngân phiếu bốn mươi chín triệu dolars. Người ta làm các thủ tục. Mọi cái đều hợp lệ. Weisman và tôi bắt tay nhau.
Thế rồi, theo như đã hợp đồng, Vandenberg và Roser ra về trước. Tôi và Lavater ở lại ngồi đối mặt với ba người.
Trong giai đoạn thứ nhất, ngay sau khi biết quyết định chính thức của hãng bảohiểm, và định ngày cùng những thể thức của cuộc họp hôm nay, Olliphan đã chống lại sự có mặt của Lavater trong phần thứ hai của cuộc thương lượng. Tôi đã cương quyết từ chối không chịu bàn cãi nếu không có mặt của người cố vấn Pháp của tôi.
- Tôi không có một bí mật nào đối với ông ta. Ông ta biết hết về các công việc kinh doanh của tôi. Và nếu có chuyện gì xảy đến cho tôi...
- Trời đất, ông sợ chuyện gì sẽ xảy đến cho ông?
- Tôi có thể bị một tai nạn cũng rủi ro như vụ cháy Con Voi Trắng chẳng hạn. Ông Lavater sẽ đến họp.
Và anh đã đến, im lặng nhưng có mặt. Và sự có mặt của anh dường như đã làm cho người luật sư đồng nghiệp của Olliphan bực tức, đến nỗi hắn đã kéo riêng Olliphan ra một góc buồng và cả hai thì thào nói chuyện với nhau. Olliphan rất bình tĩnh và tươi cười, cuối cùng đã làm dịu được người đồng nghiệp của anh ta (quả là Olliphan có một khả năng thuyết phục cao hơn rất nhiều so với trung bình), cả hai lại trở lại bàn, là nơi mà Weisman không rời khỏi.
- Thôi chúng ta làm cho xong việc đi, ông Cimballi. Ông đã nhận được bốn mươi chín triệu dolars để đổi lấy bốn mươi chín phần trăm của Con Voi Trắng. Chúng ta còn hai việc nữa: Một là lời hứa không thể thay đổi được của ông, chuyển đến Panama, vào ngân hàng...
Tôi cố làm ra bộ giả đò không hiểu.
- Ba mươi à?
Olliphan cười:
- Bởi vì theo những điều khoản đã thỏa thuận của ông với... ai mà biết ông đấy.
- Bọn Caltani, để khỏi nêu tên họ ra.
Tôi nháy mắt cho Marc:
- Một cặp bài trùng lưu manh. Nói qua thế cho biết. Anh phải xem những cái bản mặt của chúng mới thấy.
- Đúng, hình như thế. - Marc trả lời, phớt như không - Người ta có nói với tôi về chúng còn tệ hơn là đáng treo cổ nữa kia.
Olliphan im re. Vẫn tươi cười hơn bao giờ hết. Tôi chắc chắn rằng chính anh ta cũng đang thích thú về những câu nói của chúng tôi. Nhưng rõ ràng là anh bạn luật sư thì không thấy thích gì cả. Anh ta sưng mặt lên, còn Weisman thì vẫn cứ xa vời:
- Không được nêu tên lên - Ông bạn luật sư nói.
Olliphan tiếp tục như không có gì xảy ra cả:
- Vậy thì theo các điều khoản đã thỏa thuận, là sau khi ký bản hợp đồng chính thức, ông sẽ hoàn lại cho người mua số tiền chênh lệch giữa giá chính thức và giá thực. Giá chính thức là năm mươi mốt, giá thực là hai mươi mốt. Chênh lệch: Ba mươi. Ông Cimballi, ông sẽ nhận được thực sự, chứ không phải là chính thức nữa: Mười chín triệu hôm nay, và hai triệu nữa ngày mùng 4 tháng tám, khi nào ông thực hiện lời hứa không thể thay đổi của ông là nhượng hai phần trăm cuối cùng để cho khách hàng của tôi, ông Weisman trở thành cổ đông đa số của sòng bạc có tên Con Voi Trắng đã nói ở trên.
Anh ta nói tất cả những điều đó với một tốc độ như điên. Đấy, thật rõ ràng nhé: Anh ta cũng vậy, đang thích thú như trong một trò chơi. Tôi nói một cách rất ngọt ngào:
- Tôi không hoàn toàn tán thành. Tôi muốn hai mươi triệu ngay bây giờ, thêm một triệu vào ngày 4 tháng tám.
Tôi có một lý do chính đáng để yêu cầu như vậy: Lý và Lưu là những người bạn, nhưng tôi không thể để cho họ phải chờ đợi về việc hoàn lại họ số tiền hai mươi triệu mà họ đã cho tôi vay để tôi có thể trả cho Miranda. Chỉ riêng cái việc họ không đòi tiền lãi đã là một cử chỉ hữu nghị rất lớn rồi (Tôi có đề nghị sẽ trả họ một triệu dolars tiền lãi vào ngày 4 tháng tám, nhưng họ đã từ chối không nhận).
Ông bạn luật sư của Olliphan khẳng định một cách mạnh mẽ:
- Không có vấn đề đó. Mười chín bây giờ, và hai vào ngày bốn tháng tám.
Tôi gật đầu về phía Marc. Ông mở cái cặp đựng tài liệu của ông và lấy ra mấy cặp bánh mỳ kẹp phó mát và dăm bông cùng một phích cà phê nóng. Tôi giải thích:
- Chúng tôi sẽ không rời khỏi nơi đây trước khi có số hai mươi triệu ấy. Và chúng tôi có đầy đủ thì giờ. Ông thích thứ nào, ông Olliphan, dăm bông hay phó mát?
Lần này, thì đến lượt Olliphan kéo anh bạn của anh ta vào góc phòng. Thì thào, rồi trở về bàn.
- Đồng ý hai mươi - Olliphan nói.
Nhưng tôi có cảm giác là cả anh ta cũng đã bắt đầu sốt ruột. Có lẽ tôi đã đi hơi xa mất một chút xíu rồi. Phần còn lại diễn ra không có sự cố gì khác. Tôi ký lời hứa bán hai phần trăm bổ sung vào ngày 4 tháng tám, kèm theo điều kiện là Con Voi Trắng sẽ mở cửa hoạt động vào ngày 4 tháng sáu như dự định. Tôi giải quyết với Olliphan những thủ tục về việc chuyển hai mươi chín triệu dolars vào một trương mục có đánh số của một ngân hàng ở Bahamas. Từ đó chắc tiền lại sẽ được chuyến đến Panama, hoặc đến một thiên đường về thuế má nào đó. Và thế là xong.
Chúng tôi ra về trước, Marc và tôi. Cuộc họp đã diễn ra trong một căn phòng thuê cả ngày của khách sạn Drake, ở góc Phố 56 và Park Avenue. Khách sạn Pierre cách đó không tới một cây số. Đi độ hai trăm bước, tôi hỏi Marc:
- Anh có hiểu tại sao tôi muốn anh có mặt ở đó không?
- Olliphan chứ gì?
- Đúng. Cảm tưởng của anh thế nào?
- Kỳ cục. Nói thế nào nhỉ? Ở anh ta có một cái gì buông thả, gần như là một thứ "ông cóc cần" khá lạ lùng đối với một người là cố vấn của một Gia Đình. Và hắn đã giúp đỡ cậu hai lần: Một lần thuyết phục tay luật sư kia để tôi ở lại dự, và nhất là trong cái chuyện hai mươi triệu chứ không phải mười chín. Không có hắn, thì cái trò bịp của cậu không thành công được. Kể cả có hay không có bánh mỳ và cà phê.
Và Olliphan cũng đã tiếp tay cho tôi trong cuộc họp ở Harrison, thuyết phục bọn Caltani không có gì phải lo ngại, là có thể nhận ba yêu sách của tôi. Marc nói tiếp giống như kiểu anh đang suy nghĩ ra lời vậy:
- Đó là cái kiểu "ông cóc cần" giống như của một người biết rằng mình sắp chết vì một ung thư hay vì bất cứ một bệnh nan y nào khác. Nếu không thì là anh ta đang chơi một cái trò kỳ lạ, không hiểu được. Và tôi không nhìn ra anh ta định đi đến đâu.
- Có thể là chuyện này có một mối liên quan nào đó với Korber và Nam Phi cũng nên.
Tôi nắm lấy tay Marc, để giữ anh lại:
- Marc, cái tay chủ ngân hàng lai da trắng ở Cap, Baltazar ấy. Bình thường ra, thì anh ta phải tiếp xúc với Roser, nếu anh ta tìm được cái gì đó về Olliphan...
Muốn đi bộ về khách sạn Pierre, chúng tôi đã đi một đoạn ngắn trên Madison Avenue, rồi quẹo trái. Tiffany’s ở phía trái chúng tôi, trên bờ hè bên kia đường. Tôi đứng dừng lại.
- Tôi đã yêu cầu Baltazar nói cho tôi hay là Olliphan có định di cư sang ở với bọn mọi Nam Phi không? Mang hết võ khí và hành lý đi, chỉ để lại bà vợ thân yêu mà tên thời con gái là Caltani, và có lẽ cũng sẽ cuỗm theo cả một ít tiền lẻ vay của hai ông anh vợ nữa. Thế mà không thấy Baltazar trả lời và việc này làm tôi khá phiền lòng.
- Thế cậu muốn mình sang mắc cổ cái tay chủ ngân hàng lai này à?
- Ừ. Nhưng trước hết anh hãy qua gặp Người Thổ Nhĩ Kỳ ở Luân Đôn đã. Anh biết hắn đấy. Hắn là một người bạn của tôi, nhưng đồng thời cũng là một thằng rác rưởi tồi tệ nhất có mặt ở trên cõi đời này. Nếu có một cái gì thối nát trong cái tên Baltazar và có thể bắt nó phải mở mồm ra nếu người ta đem khua khuấy trước mũi hắn, thì Người Thổ Nhĩ Kỳ chắc phải biết. Vậy anh đi gặp Người Thổ Nhĩ Kỳ ở Luân Đôn đi, và hỏi hắn xem làm cách nào để có thể ép buộc tên Baltazar phải nói. Sau đó, anh hãy lao sang Cap.
Tôi đi ngang qua Phố 57 Đông.
- Và anh nói với Người Thổ Nhĩ Kỳ là sang năm, tôi sẽ trả tiền cho hắn. Mười phần trăm của tất cả những số tiền mà tôi có chứng cớ là Olliphan đã chuyển từ Mỹ sang Nam Phi.
- Thế nếu Olliphan chuyển một tỷ đồng thì cậu tính thế nào?
- Olliphan không thể ăn cắp của bọn Caltani đến một tỷ đồng được. Mà đấy là nếu hắn có ăn cắp của bọn chúng kia.
Đến đây, tôi bước vào nhà hàng Tiffany’s. Tôi hỏi họ xem, may ra họ có trong cửa hàng một con voi bằng vàng khối không? Họ lạnh như tiền.
- Lớn bằng bao nhiêu thưa ông?
Tôi giang hết cỡ hai cánh tay ra như kiểu các anh lính thủy đánh tín hiệu từ một tàu này sang tàu khác. Rồi lại chập lại cho đến khi hai lòng bàn tay chạm nhau. Cuối cùng giữa ngón cái và ngón trỏ của một bàn tay, tôi chỉ cỡ lớn của con voi mà tôi muốn: Hai phân rưỡi.
- Ông có cái đó không?
- Có.
- Thế cũng như vậy mà bằng kim cương?
Họ có thể có trong bốn ngày nữa. Tôi để lại danh thiếp của tôi và một ngân phiếu một trăm ngàn dolars. Nghĩa là gần một phần năm tất cả những gì mà tôi còn. Chúng tôi đi ra bằng cửa mở ra Đại lộ 5. Marc hỏi tôi:
- Cậu quyết định đeo hoa tai đấy à?
- Con bằng vàng là để cho Ute Jenssen ở Luân Đôn. Cô ta sẽ thuyết phục thằng bồ của cô, nghĩa là tên Người Thổ Nhĩ Kỳ ấy, để hắn phải giúp tôi cái việc mà tôi yêu cầu hắn. Cùng lắm thì phải cho cái thằng mắc dịch ấy một trận. Còn con kia là để cho Sarah. Anh Marc?
- Ừ, cái gì?
- Anh có đi Cap thì phải coi chừng nhé. Chúng ta không biết cái thằng Olliphan này đang chơi cái trò gì. Tôi không thể đích thân sang Nam Phi được vì tôi sợ bọn Caltani cho người theo dõi tôi, cũng có thể theo dõi cả anh nữa.
- Đồng ý.
Chúng tôi gần đến khách sạn Pierre. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm cả người. Tôi muốn nhảy như cái tên tôi vậy.
- Anh Marc!
- Ừ, hừ...
- Tôi sắp thắng trận rồi.
giavui
05-26-2020, 04:00 PM
CHƯƠNG 24
Tháng Tư, tất cả tháng Năm và một phần lớn của tháng Sáu. Gần ba tháng tất cả đối với tôi là một thời kỳ suy nghĩ và chờ đợi. Mà tôi thỉnh thoảng lại cắt đứt bởi những cuộc thăm viếng ngắn Con Voi Trắng, và những ngày tới ở San Francisco. Lý và Lưu đã vượt qua cả sự thận trọng của tôi, và đã cho tổ chức chung quanh gia đình bé nhỏ của tôi, một sự bảo vệ quá thừa: Chỗ nào cũng nhìn thấy những cặp mắt xếch, tưởng chừng tất cả sáu chục ngàn người Tàu ở San Francisco đã được động viên đi chiến đấu.
Lý, Lưu và Caliban cùng với Lavater là những người duy nhất được biết và theo dõi những sự chuẩn bị của cái mà tôi gọi là một đòn trấn lột. Caliban thường hay đi theo tôi khi tôi đi San Francisco, trước hết bởi vì Miranda đã ra lệnh cho anh ta không được rời tôi ra nửa bước, và sau nữa là vì anh ta đã kết bạn với Lý và Lưu và muốn làm vài công việc làm ăn với họ, mà sau này có thực hiện thật.
Bởi vì giai đoạn từ tháng tư đến ngày 20 tháng sáu đối với tôi là thời gian chuẩn bị. Một cuộc chuẩn bị chậm rãi, có hệ thống và nhất là rất lén lút. Những cơ cấu phải hoàn chỉnh là rất nhiều và cực kỳ phức tạp. Và tất nhiên là đòi hỏi một sự bí mật tuyệt đối.
Cho nên có hai loại đi lại: Thứ nhất là những loại ai cũng có thể biết được kể cả Olliphan và bọn Caltani, và những loại đi khác. Về những loại sau này, tôi không dùng những phương tiện chuyên chở bình thường, để người ta có thể dễ dàng theo dõi dấu vết của tôi được. Tôi đã nhờ đến anh bạn cũ Flint của tôi, anh phi công tỷ phú ở Palin Beach, tỷ phú nhờ một phần lớn ở tôi đã tạo nên một vùng đi săn Safari trên một miếng đất trước đây là đầm lầy của anh ta ở Florida, và từ đó anh đã hốt được nhiều tiền như điên. Anh ta đã đưa chiếc phi cơ riêng và cả bản thân anh nữa cho tôi sử dụng.
Các buổi đi thăm Con Voi Trắng, những ngày ở San Francisco và chuẩn bị. Và để cho kín hết thời gian trong giai đoạn này: Những cuộc gặp gỡ.
Sau khi ký các giấy tờ ngày 30 tháng ba, có một thời gian, mười, mười hai ngày, không có gì khác xảy ra. Công việc xây dựng Con Voi Trắng lại được tiếp tục một cách nhộn nhịp. Dự kiến tối mùng 3 tháng sáu sẽ xong hoàn toàn để ngày hôm sau mở cửa chính thức. Vậy là mọi việc chạy tốt. Trừ ra đối với Henry Chance. Tối ngày 30 tháng ba, tôi có báo cho ông ta biết sự thay đổi người hợp tác. Ông phản ứng ngay tức khắc:
- Weisman à? Tôi có biết một tên Alie Weisman ở Vegas: Kính đen, năm mươi lăm tuổi, môi mỏng, không mở miệng nói bao giờ.
- Đúng hắn đấy.
- Trong trường hợp này, ông Cimballi, ông có thể coi như ông không có người quản lý sòng nữa... Tôi đi đây.
- Không có vấn đề ấy đâu.
- Weisman chỉ là một người cho mượn tên thôi.
- Tôi biết. Cũng như tôi biết ai đứng đằng sau hắn. Nhưng tôi cần có ông ở lại, ông Henry. Tôi cần một cách bức thiết.
- Rất tiếc.
Tôi phải biện luận thao thao bất tuyệt, nói để ông ta thấy rằng sẽ có một sự cải thiện nhanh chóng tình hình. Tôi không nói rõ là cải thiện như thế nào, và tất nhiên không nói một tý gì về những kế hoạch của tôi. Tôi nằn nì ông ta. Bởi vì thật ra, sự sống còn của tôi là trông vào việc Con Voi Trắng phải là một sự thành công, và về mặt này, thì Chance là cần thiết không thể thiếu được. Cuối cùng ông ta có nhượng bộ một chút.
- Ba tháng, ông Cimballi. Ba tháng sau khi mở cửa. Sau đó, tôi sẽ rời khỏi Atlantic City và trở về Vegas hay về Monte Carlo.
Tôi không đòi hỏi ông nhiều hơn thế. Ba tháng sau khi mở cửa là đến tháng chín rồi, à đến cái tháng chín ấy thì sẽ có một trong hai việc này: Hoặc là tôi thắng được Con Rồng Caltani, hoặc tôi sẽ hoàn toàn bị nghiền nát thành tro bụi.
° ° °
Một sự cố khó chịu nữa cũng xảy ra vào giai đoạn này. Dưới hình thức một bức thư đặc biệt chính thức, xuất phát từ không biết một bộ nào trong chính phủ Áo: Yêu cầu ông Franz Cimballi phải đưa trình diện thiếu niên Heidi Moser và trong thời hạn ngắn nhất. Tôi cười gằn thầm trong bụng: "Kệ cha nó!" và tôi quăng cái thư vào sọt rác. Tôi có những lo lắng khác trong đầu và lập trường của tôi đối với con bé xứ Tyrol vẫn không thay đổi, hay nói đúng hơn là đã thay đổi nhưng theo một hướng hoàn toàn trái ngược với những nhà đương sự ở Vienne: Tôi không muốn rời nó ra nữa. Và bởi vì Anna Moser, là người đỡ đầu, đã đồng ý trên mọi điểm.
Nhưng tôi đã không tính đến sự bướng bỉnh đáng kính của Chính Quyền. Mười ngày sau khi tôi nhận được bức thư, một người cảnh sát Mỹ đến khách sạn Pierre. Anh ta mặc một chiếc áo đi mưa cũ, đi một đôi giày của người đi cày, và luôn mồm mút mát một nửa điếu xì gà đã tắt:
- Về vấn đề con nhỏ người Áo. Ông phải, như người ta nói, là trả lại nó.
- Nó không ở đây.
- Thế nó ở đâu?
Như người ta nói: Vắng mặt. Nhưng nếu anh ta muốn khám các ngăn kéo... Anh ta đi một tua quanh trong nhà, nhìn cả xuống dưới gầm giường, trong các tủ áo, và các buồng tắm:
- Không có nó đây, hử?.
- Thì tôi vừa mới nói với ông như thế.
Lại mút cái mõm cụt xì gà, và một chút nicotine quyện vào với nước dãi chảy nhễ nhại ra ở hai phía mép. Buồn nôn lên được.
- Tôi, - anh ta nói - tôi hoàn toàn cóc cần đến cái con người Úc này...
- Người Áo...
- Thì như người ta nói cũng thế thôi. Nhưng luật pháp là luật pháp, ông đưa trả nó, cái con bé ấy, và ông không bị phiền toái. Như người ta nói, tôi được giao đi điều tra. Ông có thể vui lòng cho biết nó ở đâu không?
Nếu anh ta lịch sự như Robert Redfor thì tôi cũng đã từ chối rồi, Nhưng cái mã của anh cớm hạng tư này không thu xếp được việc gì cả. Tất cả câu chuyện này, tôi chỉ thấy nó lố bịch thôi. Vả lại cũng phải giải quyết một lần cho nó xong đi. Ngày hôm đó tôi đã có một quyết định xuất phát từ tình cảm của tôi đối với con bé.
- Jimmy, tôi muốn nhận Heidi làm con nuôi. Một cách chính thức. Anh lên đường ngay đi, xem có những thủ tục gì phải làm: Và “Xin Đừng Trả Lời Tôi" là: Không Phải Đơn Giản Thế Đâu.
- Lẽ ra anh không nên tống ra cửa những người của tổng lãnh sự quán. Hồ sơ của họ về anh không được ngon lành lắm đâu: Anh không có chỗ ở cố định, anh chưa lấy vợ, và anh quản lý một cái sòng bạc...
- Thế còn về việc buôn lậu ma túy của tôi, không thấy nói gì cả? Tôi là một tên mafia có phải không?
- Đối với một ông thẩm phán ở tận cuối cái xứ Tyrol, thì những tư liệu về anh, do những người mà anh đã tống cổ ra cửa cung cấp thì...
- Jimmy, tôi muốn nhận Heidi làm con nuôi. Từ lâu lắm tôi đã nghĩ đến việc này. Chúng ta lao vào thôi. Anna Moser chắc chắn sẽ đồng ý. Cả Heidi và Marc Andréa nữa. Tiến lên tấn công thôi.
Thôi cúp máy. Tôi đã mất quá nhiều thời gian về những thủ tục này rồi. Người Anglais đang đợi tôi. Ngày 16 tháng tư.
° ° °
Để cho những cuộc gặp gỡ của chúng tôi hoàn toàn kín đáo, anh ta đã làm cái việc đơn giản nhất là cũng đến ở ngay trong khách sạn Pierre, và chúng tôi cùng làm bộ như không quen biết nhau bao giờ. Quá cẩn thận, mà tôi thấy hơi lố lăng, nhưng anh ta nhất định muốn thế.
- Về vấn đề Walcher. Walcher là một bạn cũ của Karl Gustav Baumer....
- Tôi biết Walcher là ai rồi. Tôi chỉ muốn biết là liệu lão ta có đồng lõa trong việc bắt cóc Baumer không: Có hay không?
Anh ta do dự. Tôi cảm thấy là anh ta cũng lại sắp trả lời cho tôi: Không phải đơn giản thế đâu.
- Không đơn giản thế đâu - Anh trả lời - Chúng tôi đã theo dõi ông ta từng bước một đến nay là hai tháng rồi. Ông ta đi Hassan hai lần. Mỗi lần đều gặp một chủ ngân hàng, cùng một người ấy cả hai lần, và tên tay này là...
- Tôi cóc cần.
- Một trong những cuộc gặp ấy là ở trong một buồng khách sạn. Và có ai đấy đã có cái ý kiến rất tốt là đặt ở đó một hệ thống nghe trộm. Ghi lại toàn bộ câu chuyện...
- Đại khái nói gì?
- Walcher có hai triệu dolars trong một trương mục đánh số.
- Có thể là lão vừa nhận một gia tài hoặc đánh carrasta của người Rumani mà được bạc.
- Hoặc chôm chỉa trong những két sắt của ngân hàng lão. Nhưng lão không làm tất cả những chuyện ấy. Nếu ông chịu khó đọc lại bản ghi cuộc nói chuyện của hắn với tay chủ ngân hàng, thì ông sẽ thấy có lúc Walcher nói rằng: "Cái số tiền này nằm ngủ đã hai năm rưỡi rồi...". Và lão có ý định cho tiền của lão làm việc. Hai năm rưỡi, ông Cimballi. Ông cứ tính mà xem: Nó đưa ta trở lại thời điểm tháng 10 năm 74.
- Đúng điều đó có nhắc nhở cho tôi một cái gì đó.
Người Anglais cười.
- Cũng vào cái tháng 10 năm 74 này, Baumer biến mất và tái xuất hiện ở Hassan. Ngày 14 tháng 10 năm 74, Walcher đi Hassan, để theo lời lão, cố gắng kéo bồ Baumer của lão về một cuộc sống biết điều hơn. Tôi cho rằng lão đã lợi dụng chuyến đi này để mở một trương mục có đánh số. Walcher là một người làm ngân hàng. Không có một người làm ngân hàng nào lại để cho hai triệu dolars ngủ yên, mà không tìm cách làm cho nó sinh hoa kết trái. Trừ phi là có những lý do không thể cưỡng lại được.
- Cuộc nói chuyện giữa Walcher và tay chủ ngân hàng mà ông đã ghi lại được ấy là vào thời điểm nào?
- Mùng 2 tháng tư.
Nghĩa là ngày thứ bảy, ngày hôm sau khi tôi ký giấy nhượng bốn mươi chín phần trăm. Các sự trùng hợp bắt đầu trở nên quá lớn.
- Còn chuyện khác nữa - Người Anglais nói - Nhờ một sự ngẫu nhiên, điện thoại của Walcher đã được nối với một bàn nghe trộm. Tối hôm 30 tháng ba, Walcher đã nhận được một cú điện thoại hay hay. Ngắn thôi, nguyên văn thế này: "Ermie hả? Abie đây. Chỉ để nói cho bồ biết là mọi chuyện đã được giải quyết xong tất cả rồi. Sẽ sớm gặp lại nhau". Chúng tôi đã tìm xem cái tên Abie ít lời này là ai? Phải đi ngược lên hơn một tháng trước trong những phiếu theo dõi của chúng tôi: Ngày 12 tháng Hai, Walcher đã ăn tối với một tên Abie Weisman nào đó. Cái tên này có gợi cho ông một cái gì không, ông Cimballi?
Tôi gật đầu. Ồ, gợi quá đi chứ! Công việc của Người Anglais và êkíp của anh ta đã đem lại cho chúng tôi những suy đoán rất lớn. Đối với tôi bây giờ, mọi chuyện đã rõ ràng: Walcher là một đồng lõa của bọn Caltani trong vụ bắt cóc Karl Gustav Baumer. Và đấy không phải là kết luận duy nhất. Đang trả hai mươi nhăm triệu dolars cho bọn Caltani, tôi đã vô tình tước đoạt của những người thừa kế chính thức của ông cậu Baumer, là chị em Moser. Và bây giờ họ có đủ quyền để đâm đơn kiện chúng tôi.
° ° °
Quay phía nào thì tôi cũng ngồi trên một đống thuốc nổ. Thật rối như gà mắc tóc.
Sự vắng mặt của Lavater đã kéo dài tất cả hơn ba tuần lễ. Tất nhiên là anh có gọi điện cho tôi để giữ liên lạc. Trước hết là từ Luân Đôn, rồi từ Paris. Sau đó im lặng, như chúng tôi đã thỏa thuận với nhau vì thận trọng.
Anh trở về New York ngày 20 tháng tư. Chỉ cần nhìn nhau một cái là tôi đã hiểu: Anh đã thu được kết quả. Anh chờ đến khi chúng tôi ngồi một mình với nhau trong chiếc xe đưa chúng tôi từ phi trường Kennedy về nhà mới bắt đầu nói. Điều anh cần nói với tôi chỉ tóm gọn trong vài câu. Nhưng chính là tôi đang chờ những câu đó.
- Olliphan đã chuyển tiền sang Nam Phi từ nhiều năm nay rồi. Tổng số: Gần mười bốn triệu dolars. Chuyển bằng một con đường rất phức tạp để giữ cho được tuyệt đối bí mật. Franz, cậu đã cho mình có dịp làm quen với những cuộc nhào lộn trong việc chuyển vốn, và vào cái thời mình còn bảo vệ một cách anh dũng những lợi ích của Ngân khố Pháp mình cũng đã thấy khá nhiều vụ việc. Nhưng chưa bao giờ như lần này. Và nếu bây giờ muốn phân biệt ra trong cái số mười bốn triệu ấy, cái gì là thực sự của Olliphan, và cái gì hắn đã chôm chỉa trên lưng bọn Caltani, thì phải mất hàng năm. Và phải cần cả sự cộng tác của bọn Caltani nữa.
- Cái chính là tôi có một phương tiện để gây sức ép lên Olliphan.
- Thì cậu có rồi đấy. Tôi có mang về một vài tài liệu hoàn toàn không thể cãi được. Baltazar đã phải khạc ra tất cả những gì mà hắn biết. Từ nay trở đi, hắn căm thù tất cả chúng ta, anh, Người Thổ Nhĩ Kỳ và tôi.
- Thế còn vai trò của Korber?
- Chính hắn quản lý những lợi ích của Olliphan. Cả hai người hùn hạp với nhau trong khá nhiều kinh đoanh dưới cái tên chính thức của Korber. Franz, nếu cậu tiết lộ cho bọn Caltani chỉ một phần mười những gì mà tôi biết được, thì Olliphan sẽ là một người chết. Cậu nắm được gáy nó rồi đấy.
Tôi run người lên vì kích động đến mức là phải hãm xe lại và đánh xe vào lề đường. Trong trạng thái của tôi lúc đó, tôi có thể gây ra một tai nạn xe tông nhau. Mà tôi thì đã có quá đủ mọi thứ phiền toái rồi. Nhưng đây là một sự việc hiển nhiên. Một trong những cơ cấu quan trọng nhất trong cái bẫy của tôi vừa được lắp đặt xong.
- Thế còn cậu, về phía cậu thì đến đâu rồi, trong những cuộc chạy chọt của cậu?
Cái mà Lavater gọi là những cuộc chạy chọt. Còn tôi thì mệnh danh nó là một sự chuẩn bị. Hiện đang được tiến hành tốt. Tôi báo cáo lại cho anh rõ. Chúng tôi nhìn nhau, trong một chiếc xe bị rung lên bởi những chiếc khác vượt qua và tạo nên những luồng không khí quá mạnh.
Kỷ niệm về cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Lavater còn in rõ nét trong ký ức tôi. Lúc đó là vào giữa mùa hè, tháng 7 năm 70 thì phải, chưa thấy anh ta bao giờ nhưng tôi gọi điện hẹn gặp nhau tại quảng trường Trocadero ở Paris. Tôi thì vừa ở Kenya về, còn là một thằng nhóc hết sức kiêu hãnh về những thành công đầu tiên. Từ đó đến nay, Lavater đã tham dự vào tất cả những trận chiến đấu của tôi. Anh cười với tôi:
- Chúng ta đừng bắt đầu bằng cách chơi trò cựu chiến binh. Nếu tôi hiểu đúng, thì tất cả mọi người đã sẵn sàng rồi phải không. Nói ngay đi, trước đây mình không tin đâu. Nhưng bây giờ thì rồi. Bao giờ thì cậu tiếp xúc với Olliphan để giáng cho hắn cái đòn chí tử này.
- Tôi chờ đến phút cuối cùng. Tôi không muốn để cho hắn có thì giờ quay trở gì được nữa.
° ° °
Ngày 4 tháng sáu, Con Voi Trắng mở cửa khai trương. Ngay những ngày đầu, đã thành công như sấm vang. Thực ra tất cả mọi cái đều tham gia vào việc tạo ra sự thành công này: Từ vụ cháy, đến những tiết mục xuất hiện của tôi trên các màn ảnh truyền hình để kể lại những giây phút bi hùng mà tôi đã sống với Marc Andréa và Heidi.
Ngay từ ngày 15 tháng sáu, chính bản thân Henry Chance cũng phải công nhận rằng cái sòng mà ông quản lý đang trên đà đánh đổ hết các kỷ lục. Tổ chức mà ông đã dựng lên hoạt động một cách tuyệt vời: Chỉ riêng cái thành phố New York ông đã mở tới ba chân rết, mà thực sự vừa là những chi nhánh ngân hàng vừa là những hãng du lịch: Bất cứ người nào chỉ cần đóng vào đó một nghìn dolars (tức khắc được một đầu tận cùng của máy tính chuyển đi ngay) là người khách tương lai ấy đã có một số thẻ chơi tương đương ở Con Voi Trắng, có thể sẵn sàng đem vào sử dụng được ở Atlantic City. Lúc đó, tiền đi lại, ăn uống được sòng đài thọ hết. Đóng từ mười ngàn dolars trở lên, thì còn được ở khách sạn miễn phí nữa. Những chân rết như vậy đã được mở ra trong tất cả các thành phố lớn ở Mỹ, và cả ở Montreal, Canada, với dự kiến là sẽ được mở rộng bố trí trong tất cả các thủ đô trên thế giới.
Còn cái đống phiếu trứ danh của Chance, trong ấy ông đã ghi, có thể là từ hai mươi lăm năm nay, tên của những tay chơi lớn trong hai bán cầu của quả đất: "Ông Cimballi, tôi sẽ bảo đảm với ông sự thành công quyết định, khi nào tôi thấy những tay chơi lớn này bước vào sòng bạc của tôi". Đối với những khách chơi ngoại lệ này, ông đã dựng lên cả một kế hoạch đặc biệt: Họ có thể hoặc chiếm hẳn một trong những dãy buồng của Con Voi Trắng, hoặc ở New York trong bất cứ đại khách sạn năm sao nào của Manhattan, và trong trường hợp sau này, sẽ có những máy bay lên thẳng trang trí rất lộng lẫy làm con thoi đưa đón giữa Đại lộ 5 và Boardwalk. Ngon hơn nữa, một chiếc Boeing 747 của sòng thuê riêng và mang huy hiệu Con Voi Trắng sẽ để phục vụ những khách chơi của bờ biển Phía Tây, khởi hành từ Los Angeles.... có đỗ lại ở Vegas. Thật quá trời!
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng chuyên môn nghiệp vụ của Henry Chance, nhưng trái ngược với Caliban là ủng hộ ông hết mình, tôi đang tự hỏi không biết ông có phạm sai lầm là áp dụng cho City những kỹ thuật chỉ mới được thử thách ở Vegas thôi. Nhưng tôi sai. Tôi đã được chứng minh trong những ngày đầu của tháng Bảy. Máy bay của Flint đưa tôi từ một "Chuyến đi kín đáo để chuẩn bị lén lút" trở về, đã hạ cánh ở sân bay Newark trong sự bí mật gần như hoàn toàn. Sự vắng mặt của tôi lần này đã kéo dài hơn một tuần lễ (nhưng tôi đã xiết được chiếc đinh ốc cuối cùng của bộ máy trấn lột của tôi). Việc thứ nhất của tôi là gọi điện cho Chance hỏi xem tình hình làm ăn thế nào. Ông ta trả lời câu hỏi của tôi bằng một câu hỏi khác.
- Ông ước lượng tiền lãi đồng niên sau này của Con Voi Trắng là bao nhiêu?
- Vào khoảng tám mươi triệu dolars.
- Thế thì hãy tính thêm năm mươi phần trăm nữa đi. Họ đã đến đấy.
Họ, nghĩa là những tay chơi lớn. Lần đầu tiên từ khi đưa vào sử dụng chiếc 747 thuê, trong hai tuần lễ liền đã chở đầy nhóc khách đi ngang qua bầu trời nước Mỹ. Đã có cả những người Nhật. Những người Tầu Hong Kong, có thể để lại trên bàn bạc một triệu dolars trong ba ngày. Đó là chưa kể đến một vài vị hoàng thân của Trung Đông nữa.
Tôi quyết định tự cấp cho mình tám ngày nghỉ ở San Francisco, Tôi về đấy vì đã nhận được những tin tức của Jimmy Roser. Anh ta đã làm ngưng được vụ kiện của chính quyền Áo chống tôi, và xin được của một vị thẩm phán một án quyết cho tôi tạm thời được giữ Heidi. Thành thử ra tôi đã ở lại California nhiều thời gian hơn là định trước. Tôi trở về New York ngày 22 tháng bẩy. Chỉ còn cách có 13 ngày nữa thì sẽ đến cuộc họp của tôi với bọn Caltani, quyết định vào ngày 4 tháng tám. Trong cuộc họp này tôi phải giữ lời hứa là bán nốt cho chúng hai phần trăm bổ sung. Người Anglais đợi tôi ở khách sạn Pierre: Anh ta đã cho canh chừng Olliphan từ ba tháng nay, và xác nhận với tôi là tôi có thể tiếp xúc với hắn bất cứ lúc nào. Nhưng tôi chọn lựa là hãy đợi đã. Tôi nói với Người Anglais:
- Tốt nhất là tôi có thể gặp được Olliphan trong một nơi công cộng, để cuộc gặp hoàn toàn không ai để ý tới. Tôi không muốn cho tính mạng hắn bị đe dọa.
Nụ cười Oxford:
- Không có gì dễ hơn, ông Cimballi. Một sự ngẫu nhiên may mắn nữa của chúng tôi làm cho chúng tôi biết được thời khóa biểu của đối tượng khi hắn báo cho cô thư ký của hắn. Ông cần đặc biệt ngày nào?
- Ngày thứ hai mùng 1, thứ ba mùng 2, thứ tư mùng 3.
Nghĩa là ba, hai, một ngày trước khi tôi trở lại mặt đối mặt với bọn Caltani. Và vì chuyển biến của sự việc, ba, hai, một ngày, trước sự khởi động của một cái mà thật ra người ta có thể gọi được bằng nhiều tên: Hoặc gọi là sự kết thúc có tính cách rất cá nhân của tôi về một chiến dịch bắt đầu từ ngày 14 tháng sáu năm 1976, khi tôi tuyên bố với Philip Vandenberg là tôi muốn tặng cho tôi một sòng bạc hoặc gọi là cuộc tấn công của tôi, hoặc còn gọi là giai đoạn tối hậu của một vụ trấn lột mà tôi đã chuẩn bị đến nay là hai mươi lăm tuần lễ rồi.
14 tháng sáu năm 1976, mùng 4 tháng Tám 1977. Có thể lấy đó là những thời điểm ghi vào tấm bìa đặt trên mộ chí của tôi đắp theo hình một Con Voi Trắng, nếu có một sự trục trặc nhỏ nào trong kế hoạch phòng thủ của tôi. Tôi đã tính: Như thế là đến bốn trăm tám mươi sáu ngày. Sau khi đã xem lại sổ ghi chép, Người Anglais nói:
- Ngày thứ ba mùng 2 có vẻ hợp hơn cả. Olliphan, như ông đã biết, là một người say mê âm nhạc, nhưng anh ta cũng là một nhà sưu tầm hội họa Mỹ hiện đại. Ngày thứ hai mùng 1 tháng tám thì ở Bảo Tàng Nghệ Thuật Hiện Đại có khai trương một cuộc triển lãm, và theo “cuốn lịch ghi chép" của anh ta, thì anh ta dự định sẽ đến đó vào ngày hôm sau. Vào lối năm giờ chiều.
- Tôi cũng sẽ có mặt ở đó.
- Ông cần đứng một mình với hắn trong bao nhiêu lâu?
- Mười lăm phút là nhiều lắm.
° ° °
Nhưng việc ấy không kéo dài lâu đến thế. Lúc đó là vào gần năm giờ rưỡi chiều hôm thứ ba mùng 2 tháng Tám, khi được một phụ tá của Người Anglais dẫn đường, Olliphan đến gặp tôi ở tầng gác thứ tư của bảo tàng Moma. Khi thấy tôi, anh ta chỉ khẽ nhướn lông mày lên một cách thích thú. Đó là dấu hiệu duy nhất về sự ngạc nhiên của anh ta:
- Nhưng tôi không ngạc nhiên lắm, ông Cimballi. Tôi đã chờ đợi một cái gì vào loại này.
Hắn nghe tôi nói với cái nụ cười nửa miệng kỳ lạ của hắn, không ngắt lời tôi một lần nào. Trong bốn hay năm phút sau đó, tôi giải thích cho hắn nghe tất cả những gì tôi biết về hắn, và những gì tôi chờ đợi ở hắn để đổi lấy sự im lặng của tôi. Hắn vẫn tiếp tục im re ngay cả sau khi tôi đã nói xong. Cuối cùng hắn mới lắc lắc đầu:
- Tôi không biết ông đã chuẩn bị những gì cho bọn Caltani, nhưng chắc chắn là ông đã phải mạo hiểm rất dữ.
- Đó là việc của tôi.
Hắn hơi lưỡng lự một chút, hỏi:
- Và ông cũng muốn thanh toán cả với Ermie Walcher nữa chứ?
- Trong khi tôi còn tại trận. Và ông chỉ còn năm mươi giây đồng hồ nữa để quyết định.
Hắn bật lên cười, dường như đôi mắt quay vào nhìn bên trong nội tâm, dường như tự cười chính bản thân hắn và nực cười cho sự ngu xuẩn của nhân loại nói chung.
- Nhưng tôi đã quyết định rồi, ông Cimballi. Ông tưởng thế nào? Tôi đã báo cho ông biết là phải coi chừng ngay từ ngày 18 tháng 9, khi ông đến nhà tôi. Và cũng chính tôi đã nói với ông về Korber. Tôi đã đưa cho ông cái thừng treo cổ tôi và chờ đợi xem ông có đủ khôn ngoan để nắm lấy nó không. Có cần phải nói thêm gì nữa với ông không? Tôi không biết ông đã đến một mức căm thù bọn Caltani như thế nào, nhưng về mặt này ông không thể nào chấm gót tôi được đâu. Được, tôi chấp nhận hết các điều kiện của ông. Còn đối với Walcher thì sẽ rất đơn giản thôi: Tôi có thể cung cấp cho ông những chứng cớ mà ông còn thiếu. Về chuyện này cũng vậy, tôi không biết ông sẽ ăn thịt nó trong một thứ nước sốt nào, nhưng dù ông có làm gì đi nữa, thì cũng xứng đáng đối với nó thôi: Cái ý kiến bắt cóc Baumer là của nó đấy.
Bỗng nhiên hắn trở nên nói nhiều, và tôi cảm thấy là hắn sẵn sàng kể lại cho tôi nghe liên tục của toàn bộ câu chuyện. Nhưng đây không phải lúc và cũng không phải chỗ. Tôi ngắt lời hắn.. Chỉ chưa đầy bốn mươi tiếng đồng hồ nữa là đến cuộc họp quyết định của tôi với bọn Caltani, cái điều tệ hại nhất có thể xảy ra là chúng biết được cuộc trao đổi vừa qua của tôi với Olliphan. Chính Olliphan cũng công nhận thế. Hắn hỏi:
- Thế ông có dự định gì về cái mà chúng ta tạm gọi là “lời thú tội" của tôi không?
Ngay tối nay, hắn sẽ ghi vào một băng Cassette, rồi sáng mai, bốn giờ sáng, một người do Người Anglais phái đến sẽ mang băng Cassette này rồi giao cho một đội quân đánh máy để ghi lại trên giấy, Rosen và Vandenberg chín giờ rưỡi sáng mai, sẽ ở trong văn phòng của hắn, mang theo những bản sao băng Cassette và những bản đã đánh máy.
Cả ba sẽ nghe lại các băng, đọc lại các bản đánh máy, sửa chữa thêm bớt những gì mà các cố vấn của tôi thấy cần thiết. Hắn ta sẽ ký vào các bản đánh máy lấy lý do chính thức của sự có mặt của Rosen và Vandenberg trong văn phòng của hắn là: Hoàn chỉnh các tài liệu mà bọn Caltani và tôi sẽ ký ngày hôm sau mồng 4 tháng Tám...
Và ngay sau khi Rosen và Vandenberg, đã tiến hành mọi kiểm tra, nắm trong tay các bản tự thú có ký tên và báo cho tôi biết mọi việc đã hoàn thành, thì hắn, Olliphan, hắn sẽ được tự do rời khỏi Hoa Kỳ, muốn đi đâu thì đi, thí dụ sang Nam Phi để ở với ông bạn Korber của hắn chẳng hạn. Với hy vọng là bọn Caltani không tìm lại được hắn. Olliphan lại mỉm cười, gật gật đầu. Đúng là hắn có một cái gì Ireland trong mắt thật: Một thứ điên có vẻ thi vị và đầy một chất hài đến tận biên giới của sự man rợ.
- Thế tôi sẽ không dự cuộc họp ngày thứ năm này à? Không thể thế được. Trước hết bởi vì nếu Jos và Larry thấy tôi vắng mặt sẽ đâm nghi. Tôi đã lừa được họ từ mười lăm năm nay và hơn nữa, ông hãy tin ở kinh nghiệm của tôi. Và tôi có một lý do nữa để đến đấy: Tôi muốn biết ông đã chuẩn bị cho chúng những gì. Tôi bị tính tò mò cắn rứt. Trong một trò chơi hoàn toàn trí tuệ, tôi đã cố nghĩ xem có cách nào tôi có thể giúp được ông thoát ra khỏi cái bẫy không dung tha mà tôi cũng có tham gia nhốt ông vào. Tôi đã thử đứng vào địa vị của một Lavater, một Lupino, một Rosen hay một Vandenberg. Lúc đó tôi sẽ khuyên ông làm gì? Tôi không tìm được một giải pháp nào thỏa đáng. Thế mà, dường như ông đã phát minh ra được một cách nào đó. Thế mà tôi lại để lỡ mất một buổi biểu diễn như thế hay sao? Lỡ mất cái cảnh hiếm có: Hai tên đểu cáng bỉ ổi Jos và Larry, hai ông anh rể thân mến của tôi, ngã lộn cổ xuống à? Không thể nào, ông Cimballi. Thực ra, tôi cầu nguyện cho sự thành công của ông.
° ° °
Hôm sau, thứ tư mùng 3, trước mười hai giờ một tý, Vandenberg và Rosen lại gặp tôi ở khách sạn Pierre. Tất cả mọi chuyện đều đã diễn ra theo như dự định. Hai người có mang theo bản "tự thú" của Olliphan, ghi vào băng, đánh máy và ký tên. Họ còn để bản gốc vào một nơi chắc chắn và chỉ mang đi một bản sao thôi. Không còn thiếu gì nữa. Trong bản tự thú này lần đầu tiên tất cả lịch sử Con Voi Trắng đã được trình bày một cách xác thực: Từ đề nghị mua đầu tiên với cái giá một triệu dolars, do Olliphan nói với Baumer và bị lão cự tuyệt mạnh mẽ, cho đến sự can thiệp của Walcher, tiếp theo là vụ bắt cóc Baumer do một trong những tên tay chân của bọn Caltani mà tôi gọi là Carbonari thực hiện, rồi đến cái chết của Baumer (do tai nạn nhưng đã được chương trình hóa để sau này thực hiện) rồi đến việc bọn Caltani tậu khách sạn dưới danh nghĩa của một hội làm bình phong, và sau cùng là việc bán lại khách sạn này cho một tên Cimballi...
Rồi những lo ngại đầu tiên của bộ lạc Caltani và cả của Walcher nữa khi thấy sự có mặt của con nhỏ Heidi Moser ở cạnh tôi. Bởi vì chính sự xuất hiện của Heidi đã làm khởi động tất cả. Rosen nói:
- Franz, chính cuộc điều tra đầu tiên của anh, do Lavater tiến hành ấy, đã báo động cho Walcher. Hắn hoảng sợ, nhất là khi hắn nhận thấy anh giữ Heidi lại với anh, và khi hắn biết rằng anh có sang Áo để gặp ba chị em Moser. Walcher không biết Anna biết những gì. Cô này đã gặp Baumer một thời gian ngắn trước khi lão bị bắt cóc. Walcher và bọn Caltani cho rằng anh sắp đứng ra bảo vệ Heidi và các chị nó bằng cách tố giác với cảnh sát tất cả vụ mánh mung. Phải làm cho anh im mồm đi, nhưng thủ tiêu anh thì không có ích gì, vì dường như có quá nhiều người chung quanh anh đã biết hết chuyện. Không, cần phải làm sao cho anh trở thành đồng lõa trong vụ lừa đảo.
- Do đó có vụ cháy...
- Đã được chuẩn bị bởi một êkíp chuyên môn từ Chicago đến. Có hai người đàn ông mà chúng tôi chưa biết tên nhưng được Olliphan cho biết các tọa độ, thì cũng không phải khó khăn gì mà không tìm ra chúng. Vụ cháy đã được tính toán để không làm nguy hại đến thân thể anh. Người ta chỉ dồn anh vào một hoàn cảnh thế nào để anh không thể nói ra được sự thật mà chính bản thân anh không bị liên lụy nghiêm trọng. Và điều ấy cũng không ngăn cản người ta sẽ loại trừ anh, nếu anh tỏ ra cứng đầu.
Tôi đã nói: Có rất ít người biết được những thể thức của ”Vụ Trấn Lột Lớn" của tôi ngày mai mồng 4 tháng Tám. Rosen và Vandenberg cũng như Lupino đã không được biết bí mật này. Nếu biết chắc họ sẽ phản đối kịch liệt một chiến thuật điên khùng như vậy. Vả lại, tôi cũng không cần đến họ trong cuộc chuẩn bị của tôi.
Vì vậy, với danh nghĩa là những luật gia, và theo lôgích thuần túy, họ khăng khăng đòi phải đưa những lời thú tội của Olliphan cho cảnh sát. Trong khi họ vẫn công nhận là những lời nói dối to lớn của tôi và của Marc trước mặt những người đi điều tra của hãng bảo hiểm, có thể đặt ra một vài vấn đề khó dễ. Nhưng Vandenberg có một giải pháp.
- Hãng bảo hiểm mà có truy ép anh thì họ cũng chẳng được lợi gì. Tôi có thể đủ sức thuyết phục họ đi đến chỗ thương lượng. Họ và anh có thể khẳng định là đã cùng nhau thỏa thuận hành động như vậy, với mục đích duy nhất là để cài bẫy bọn Caltani. Với bản tự thú của Olliphan...
Và anh ta trình bày những lý lẽ của anh. Tôi chỉ nghe anh nửa tai thôi, gần như để cho khỏi vô lễ. Thực ra, cứ mỗi giờ qua đi, và sắp đến lúc gặp lại “Những Nhà Kinh Doanh Đáng Kính", tôi nóng ruột bồn chồn không thể tả được. Tôi chuẩn bị cuộc chiến đấu này đã hai mươi lăm tuẫn lễ rồi, không ai có thể làm tôi đi chệch hướng được nữa. Chậm quá mất rồi. Ngoài ra, tôi tin chắc rằng, giải pháp của tôi là hay hơn hẳn tất cả những gì mà người ta có thể đề nghị với tôi. Và sau cùng, mặc dù có vẻ là kỳ lạ, nhưng tôi không muốn ăn thịt tên Olliphan bất kể hắn đã đóng vai trò nào trong vụ này. Hắn đã tiếp tay cho tôi vì những lý do hoàn toàn cá nhân của hắn. Dù sao tôi vẫn có cảm tình với hắn, và lúc nào cũng có một cái gì như là sự thương hại. Tôi chỉ giữ trong tay bản tự thú của hắn, tôi sẽ chỉ dùng nó, nếu ngày mai, chuyện trở thành một thảm họa, thì tôi sẽ vô hiệu hóa để làm cho bọn Caltani mất một cố vấn xảo quyệt nhất và nguy hiểm nhất cho tôi.
Tôi trả lời đến lần thứ ba, thứ tư cho hai người cố vấn Mỹ của tôi là vẫn giữ quyết định ban đầu. Không có vấn đề đem bản tự thú của Olliphan ra sử dụng. Philip Vandenberg bỏ về trước nhất, che dấu sự giận dữ của anh dưới một thái độ lịch sự băng giá cố hữu. Jimmy Rosen cũng về nốt, và cho đến phút cuối cùng hai mắt anh vẫn không rời mắt tôi. Tuy anh không biết một tí gì về những dự định của tôi, nhưng anh biết rằng trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ nữa, tôi sẽ đánh ván bài lớn nhất và chắc chắn là điên khùng nhất trong đời tôi. Anh không giận tôi là đã để anh đứng ngoài. Anh bắt tay tôi và cười:
- Chúc anh may mắn, Franz. Hay tốt hơn, như các anh thường nói bằng tiếng Pháp: Mẹc (merdè: cứt đái).
Sau đó là gần giống như một đêm thức trước một trận đánh trên chiến trường vậy. Chỉ có Lavater và Caliban ở lại với tôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp và chưa bao giờ cảm thấy mình xa lạ với New York như vậy. Chúng tôi đi xem chiếu bóng, nhưng ngay đến bây giờ cả Marc và tôi đều không ai nhớ cái tên phim là gì? Như thế để nói rằng, tinh thần cả hai chúng tôi căng thẳng đến mức nào.
Cuộc gặp mặt với bọn Caltani đã được quyết định vào lúc mười một giờ bốn mươi lăm, trong một dãy phòng của khách sạn Plaza.
giavui
05-26-2020, 04:00 PM
CHƯƠNG 25
Một giờ trước đó, tôi đã đi đến ngân hàng ở đường Nassan Street để lấy cuốn phim về. Tất nhiên là tôi không đi một mình: Cùng đi, ngoài Lavater còn có cái tên Kowalski, và hai bảo vệ nữa. Chúng tôi đã ký vào giấy cho phép mở tủ sắt, và mọi chuyện đã diễn ra không có sự cố gì.
Cái hộp hiện nay được để trên một cái bàn thấp giữa bọn Caltani và tôi. Jos Caltani nhún vai và nhận xét bằng cái giọng khàn khàn của nó:
- Ông không sợ gì đâu Cimballi. Chúng tôi không có ý định sử dụng cuốn phim này đâu...
Thằng em Larry của hắn nhấn mạnh thêm:
- Trong bất cứ trường hợp nào. Ngay sau khi chúng tôi đã trở thành những người cùng hùn vốn...
Tóm lại, đối với chúng thì đây giống như một cuộc tự sát. Nghe chúng nói mà muốn mủi lòng, tôi nhún vai, bộ mặt làm ra vẻ nặng trĩu. Oán hờn. Cam chịu. Hy vọng, dẫu sao nữa... của một người phải nuốt một viên thuốc và thấy nó quả thật là quá đắng.
Tôi không thích người ta chĩa vào gáy tôi một khẩu súng đã lên đạn, mặc dù có nói rằng không sử dụng đến nó. Chúng tôi tất cả là sáu người. Có Marc và tôi, thêm bọn Caltani, Weisman và Olliphan. Kowalski đã biến mất. Nó chỉ là một con tốt, người ta đã đuối ra khỏi bàn cờ.
Còn tên Carbonari, tôi đã trông thấy nó khi tôi đến. Nó đang đứng gác ở phòng bên cạnh cùng với hai tên lính của nó, vì dường như chính nó là Bộ Trưởng Chiến Tranh của bộ lạc Caltani. Tôi nói:
- Thôi ta làm cho xong việc đi nào.
Căn phòng của khách sạn Plaza trông ra công viên Central Park. Ngay dưới cửa sổ, tôi trông thấy một hay hai chiếc xe ngựa đang đợi khách. Khí hậu ở New York là cực kỳ nóng và nặng nề, gần như có bão.
- Franz?
Đó là Lavater gọi tôi, anh đã mở cái hộp, lấy cuốn phim ra và đang xem xét. Và bộ mặt của anh càng lúc càng khép kín lại khi phát hiện ra mức độ của tai họa. Cuối cùng anh mới nhận xét một cách cay đắng:
- Tóm lại, tôi có thể là người thứ nhất sẽ đi tù.
Olliphan vừa cười vừa đáp lại rất nhã nhặn:
- Nhưng tất cả chúng ta đã đồng ý là hủy cuốn phim này đi kia mà.
Người ta đã tìm thấy ở đâu đấy một cái giỏ bằng kim loại. Marc và tôi dùng kéo cắt cuộn phim ra từng mảnh và vứt vào sọt. Một ve xăng nhỏ được dốc vào đó. Lửa bốc lên ngay, và trong suốt thời gian cuốn phim bị thiêu hủy, không ai nói một lời. Rồi chỉ còn lại một ít tro mà Marc cẩn thận nghiền cho nát ra.
- Nhưng không có gì chứng minh là không có những bản sao...
Jos Caltani phá lên cười.
- Thôi nào, thôi nào.
Weisman cầm cái giỏ lên, giơ đáy giỏ cho mọi người xem rồi vào phòng toilet để đổ tro đi. Trong những phút sau đó, chúng tôi chuyển sang cái việc là nội dung chính của buổi họp hôm nay. Nghĩa là tôi phải thực hiện lời hứa bán hai phần trăm bổ sung. Yêu sách cuối cùng của tôi nêu lên: Tôi đòi hỏi một giấy xác nhận hết trách nhiệm quản lý trong thời gian giữa ngày 25 tháng Hai (thời điểm ghi trên giấy ngày nhượng bốn mươi chín phần trăm, thật ra là nhượng vào ngày 30 tháng Ba) và ngày hôm nay. Giấy xác nhận này tôi được cấp ngay. Tôi ký vào giấy nhượng cho Weisman, nghĩa là cho bọn Caltani, để chúng trở thành những cổ đông đa số của Con Voi Trắng. Lúc đó vào khoảng hai giờ mười gì đó. Tôi đứng lên, với dáng điệu của một người vừa nuốt xong một liều thuốc tẩy. Jos Caltani ngăn tôi lại:
- Thế nào, bây giờ chúng ta đã giải quyết xong hết mọi việc thì tại sao không cố gắng đưa một ít tình người vào trong những quan hệ của chúng ta.
- Cimballi, bây giờ chúng ta đã là những người hợp tác với nhau, có đúng thế không nào? Vậy, phải ăn mừng việc này... Franz, anh cũng có giòng máu Ý trong người như chúng tôi, điều ấy tạo ra sự gắn bó giữa chúng ta. Vậy hãy gọi chúng tôi bằng những tên tục Jos, Larry, và Ollie. Chúng ta sẽ làm việc chung với nhau trong hàng năm nữa, trong sự tin tưởng lẫn nhau, có thể, có thể đấy...
Vả lại chính "Oillie", tất nhiên là Olliphan, đã có cái ý lớn: Tại sao tất cả chúng ta lại không cùng đi thăm Con Voi Trắng như những người chủ chính thức của nó. Ollie đã có chuẩn bị cho chúng tôi một bữa chén ở đó. Một trong những máy bay lên thẳng của Con Voi Trắng đã đợi chúng tôi ở sân bay trực thăng của phố Wall. Weisman và Lavater, mỗi người đi một ngả để cất vào nơi an toàn những giấy tờ mà chúng tôi vừa ký xong và sẽ đến sau. Cuối cùng tôi làm ra bộ cũng thuận theo, nhưng vẫn còn hơi có vẻ hờn dỗi, nhưng tất cả đều cho thấy tôi là một người đã phải chấp nhận hoàn cảnh của mình. Không, tôi không nói được tiếng Sicile, nhưng tiếng Ý thì có một ít thôi: Andiamo.
Và tất cả mọi việc diễn ra đúng như dự kiến trước. Vào lúc một giờ rưỡi thì chúng tôi hạ cánh xuống lưng của Con Voi Trắng, có Henry Chance đón tiếp với tư cách là một người quản lý sòng tiếp những người hùn vốn. Ông ta càng lạnh lẽo hơn mọi khi, và thỉnh thoảng đôi mắt ông tìm gặp mắt tôi, bí hiểm không sao hiểu nổi.
Champagne Pháp có niên hiệu, vì tôi là người Pháp và món ăn đặc sản Ý vì nhân danh giòng dõi Ý của chúng tôi. Tiệc linh đình. Weisman tái xuất hiện vào lúc ba giờ, và Lavater ba mươi phút sau đó. Đến bảy giờ hơn một chút thì chuông điện thoại kêu.
Chúng tôi ngồi trong những phòng khách của phần dành riêng cho tôi; ở cuối căn hầm chống nguyên tử. Phòng đánh bạc "riêng" chỉ hoạt động bắt đầu từ sáu giờ chiều trở đi, trừ trường hợp có những con bạc giàu sụ khẩn thiết yêu cầu. Henry Chance đang đọc thuộc lòng cho chúng tôi nghe bản báo cáo về Con Voi Trắng và những triển vọng kỳ diệu của nó mà mọi cái đều cho thấy có thể hy vọng được. Chính ông nhấc máy điện thoại lên. Trước đó, điện thoại đã đổ chuông mấy lần rồi, cho nên không có lý gì để nghĩ rằng lần này là quan trọng hơn các lần trước. Thế mà có đấy. Mà cực kỳ quan trọng nữa kia. Nét mặt của Chance, và một sự thay đổi gần như không nhận ra được trong giọng nói của ông, đã cho đoán ra điều đó. Chance nói với người đối thoại trong máy:
- Và họ biết là các ông Cimballi, Caltani và Weisman đang ở đây à?
Một lát rồi tiếp:
- Thôi được. Trong những điều kiện ấy, thì hãy để cho họ xuống.
Ông dập máy và giải thích, trong một sự im lặng như nhà mồ:
- Có ba người đàn ông tự giới thiệu là những phái viên của hãng bảo hiểm Getchell và Harkin. Họ khẳng định là họ biết chắc chắn các người chủ của Con Voi Trắng này đang tụ tập ở đây. Họ yêu cầu phải tiếp họ. Họ nói rằng họ đến là vì có những lý do đặc biệt nghiêm trọng.
Tôi phải xác minh ở đây ba điểm:
* Tôi chờ đợi một sự can thiệp của hãng Getchelle và Harkin thật, nhưng tôi hoàn toàn không biết nó sẽ xảy ra ở đâu, vào lúc nào và dưới hình thức nào.
* Ba người đàn ông xâm nhập một cách đột xuất và thô bạo vào cuộc liên hoan vui vẻ này, hoàn toàn không phải là những đồng lõa của tôi - đó là những thám tử tư chính cống - Họ không có bất cứ một lý do gì để làm quà cho tôi, và họ đã không làm thật. Đối với họ, ít nhất thì cũng giống như bọn Caltani, tôi phải chịu trách nhiệm về cuộc lừa đảo kinh khủng mà họ đã khám phá ra.
* Henry Chance không biết một tý gì về những việc sắp xảy ra. Nhưng, để dùng một câu nói mà chính ông ta đã dùng ở Vegas: Ông ta không phải là một người mà người ta có thể lừa dối được dễ dàng. Và tôi đã xin ông ta chờ ba tháng sau khi mở cửa Con Voi Trắng, rồi hãy thực hiện lời đe dọa từ chức của ông ta. Vậy thì, nếu quả ông ta không biết một tý gì về vở hài kịch sắp diễn, thì tôi đánh cuộc rằng vào giây phút này, ông cũng đoán ra được rằng tôi là kẻ chủ mưu. Chỉ cần xem mắt ông cũng rõ.
Cả ba người đều có cái dáng điệu tự tin băng giá, và sự bàng quan bình thản của những đao phủ đến để tiến hành một cuộc hành hình. Chỉ một trong ba người bắt đầu nói. Anh ta tự giới thiệu, tên anh ta là Yarrow. Anh đã có bốn mươi năm kinh nghiệm về điều tra các tai nạn, người mập ú, môi rất mỏng, cái mồm nhỏ xíu, mắt mang kính không có gọng. Trông anh ta giống một ông giáo dạy toán của tôi trước đây mà tôi vẫn căm thù. Anh nói:
- Cho đến hôm nay, chưa bao giờ tôi phải làm việc với một hồ sơ khó khăn hơn vụ này. Đồng thời cũng chưa bao giờ có một vụ lại sáng hơn.
Ngay sau khi mới vào, anh ta đã yêu cầu Chance ra khỏi phòng. Rồi anh đọc tên của tất cả chúng tôi: Franz Cimballi, Joseph và Larry Caltani, Marc Lavater, Abrahm Weisman.
- Chúng ta chưa gặp nhau bao giờ, các ông với tôi, nhưng tôi biết từng người một trong các ông.
Anh nói tiếp.
- Tôi được ủy nhiệm điều tra về vụ cháy Con Voi Trắng đến nay là ba tháng rồi. Vì vậy tôi tiếp tục công việc của những điều tra viên bình thường của hãng, đã kết luận vụ cháy là do tai nạn rủi ro. Kết luận sai lầm. Vụ cháy có một nguyên nhân hình sự. Và tôi có thể chứng minh được.
Những người phụ tá của anh ta bắt đầu hoạt động. Họ bố trí một đèn chiếu và một màn ảnh (Đây là lần thứ ba người ta cho tôi xem phim lịch sử của Con Voi Trắng). Ngay từ đầu, tôi đã nhận ra các hình ảnh: Đó là cuốn phim do êkíp phóng viên của hãng truyền hình C.B.S quay. Đúng y chang như thế. Nó đã được chiếu trên tất cả các màn ảnh Mỹ.
- Quả là do có hàng triệu người xem nó, thưa các ông. Chính bản thân tôi cũng đã phải nghiên cứu nó nhiều lần... trước khi phát hiện ra được một cái gì không bình thường.
Tôi nghĩ rằng có lẽ tôi sẽ phải đóng kịch một tý. Nhưng không cần, vì cảm thấy thật sự một luồng ớn lạnh, đang chạy trên sống lưng tôi. Và cứ xét cái thái độ đột nhiên căng thẳng của bọn Caltani ngồi cạnh tôi, tôi hiểu rằng chính bản thân chúng cũng vừa nhận được một đòn búa bổ lên đầu. Bởi vì cái nhân vật mà Yarrow vừa phân lập ra giữa đám đông những cảnh sát, lính cứu hỏa, và những kẻ tò mò đến xem Con Voi Trắng đang bốc cháy, nhân vật mà hình ảnh dừng lại chính là tên bảo vệ mà tôi đã nhìn thấy trên màn kiểm tra của lối ra cấp cứu, chính là tên đã đặt các phiến gỗ để chặn cửa, và đã cười một cách mỉa mai với tôi. Yarrow nói:
- Trong cái ngày 27 tháng hai này, ngày của vụ cháy, tất nhiên là Con Voi Trắng lúc đó còn trong thời kỳ xây dựng nên phải được canh gác. Sáu người bảo vệ tất cả. Người ta biết mặt, biết tên họ. Người ta đã ghi những lời khai của họ. Chúng tôi đã dựng lại những sự di chuyển của họ lúc xẩy ra vụ cháy. Người ta thấy tất cả bọn họ, hoặc lúc này hoặc lúc khác trên cuốn phim của hãng C.B.S. Thế mà, xin các ông hãy xem kỹ người này giữa đám đông: Anh ta mặc một bộ đồng phục của những người bảo vệ của Con Voi Trắng, và lẽ ra phải chú ý đến đám cháy, thì lại rất thản nhiên đi xa ra khỏi đám cháy.
Cuốn phim ngừng lại ở một hình ảnh, lại tiếp tục chạy...
- Xin các ông hãy nhận xét là hắn dường như muốn vội vã biến đi. Và đây là chứng cớ thứ nhất. Chính thức thì có sáu người bảo vệ phụ trách việc canh gác Con Voi Trắng. Thế còn người này? Hắn ở đâu ra? Ở đâu ra cái người bảo vệ thứ bảy này? Và vai trò của anh ta thế nào?
Cuốn phim được quay ngược lại, và lại ngừng lại trên mặt người lúc nẫy. Bỗng hình ảnh to hẳn ra.
- Thế hắn là ai? Chúng tôi đã mất hàng tuần lễ mới xác định được hắn. Bây giờ chúng tôi biết tên hắn: Franz Dindelli. Chính xác là Franz Bruno Dindelli. Hai lần bị kết án. Một lần vì hành hung, một lần vì tống tiền và ẩu đả. Nhưng chuyện đó cũng không ngăn trở hắn không tìm được việc. Tháng hai vừa qua, hắn còn làm chân lái xe giao hàng trong một hãng nhập khẩu dầu Oliu.
Hãng thuộc sở hữu của ai? Của Jos và Larry Caltani.
- Tất nhiên chúng tôi cũng muốn gặp cái ông nội Dindelli này để hỏi xem. Ông ta làm gì ở Atlantic City mà lại mặc một bộ quần áo đồng phục của bảo vệ mà ông ta không có quyền được mặc. Chúng tôi cũng đã tìm thấy ông ta. Nhưng không phải ở Mỹ. Hắn đã rời bỏ đất Mỹ để đi sang Sicile. Hiện nay hắn đang sống ở gần Taormina, rất thoải mái bằng lãi suất của một khách sạn và một cửa hàng ăn, mua lại, trả bảng tiền mặt. Thế còn cái ngày hắn trở về quê hương của tổ tiên hắn. Cũng không phải là không đáng chú ý, Dindelli đã rời New York đi Rome vào tối hôm chủ nhật 27 tháng Hai.
Lúc đó tôi nhìn bọn Caltani. Chúng ngồi im như trời trồng, nhưng phải là mù lòa mới không nhìn thấy sự bồn chồn lo lắng ngày càng tăng của chúng. Một niềm vui man rợ xâm chiếm lấy tôi. Thật đáng đời cho “Những Nhà Kinh Doanh Đáng Kính". Yarrow tiếp tục.
- Tất nhiên, chúng tôi đã tìm ra đưọc mối liên hệ giữa Franz Bruno Dindelli và ông, ông Joseph Caltani. Chúng tôi đã có những chứng cớ tài vụ về sự hào phóng của ông đối với Dindelli. Và ngang đây thì cũng xin nói rằng ông đã dùng một người cho mượn tên thường xuyên của ông là Weisman, cũng có mặt ở đây hôm nay. Nếu cần thiết thì chúng tôi có thể vạch rõ những mối liên quan giữa các ông với nhau, ông Caltani và ông Weisman. Nhưng chưa hết. Còn chuyện khác nữa và rõ ràng hơn nữa kia. Ở Dallas, lúc xẩy ra vụ ám sát tổng thống Kennedy, có nhiều nhà điện ảnh nghiệp dư đã quay phim được quang cảnh. Trong đám cháy Con Voi Trắng cũng thế, giữa mười một và mười ba giờ ngày chủ nhật 27 tháng Hai, chúng tôi đã tìm lại được đến bảy người bấm máy quay phim hôm đó. Chả là vào một ngày chủ nhật mà. Cho nên có nhiều nhà du lịch từ New York tới. Trong số những hình ảnh thu được ngẫu nhiên ấy, có một phim đã đặc biệt làm chúng tôi phải chú ý...
... Cái cảnh mà nhà điện ảnh nghiệp dư ghi lại được rất ngắn, nó chỉ dài độ bẩy đến tám giây đồng hồ thôi. Người quay đã lia máy từ từ quanh chu vi của Con Voi Trắng, có lẽ cũng không biết là mình quay cái gì nữa. Nhưng anh ta đã cố định được cho tương lai vĩnh cửu, sự có mặt cùng một lúc của năm người ở đường hào của cửa cấp cứu số 1.
- Ông có nhận ra ông không ông Cimballi? Ông có nhận ra hai đứa trẻ ở cạnh ông không? Còn cái người, ở cách ông mười hay mười hai mét, đang vần một tấm gỗ kia, thì không còn nghi ngờ gì nữa chính là người luật sư cố vấn pháp luật của ông, ông Lavater, cũng có mặt ở đây. Trong khi đó người bảo vệ mà người ta trông thấy ở bên trái đang đi ra xa, thì chắc ông cũng đồng ý là hoàn toàn có thể nhận ra hắn, mặc dầu nhìn đằng lưng: Đúng là Franz Bruno Dindelli.
Cuộc chiếu phim ngừng lại. Một người phụ tá bật đèn lên. Yarrow quay lại đối mặt với chúng tôi với một ánh chớp đắc thắng ở đáy cặp mắt cận thị của anh ta:
- Và tôi còn một chứng cớ thứ ba nữa, thưa các ông. Những chuyên gia có khả năng tổ chức được một đám cháy chính xác đến hàng giây đồng hồ vào một lúc cần thiết nào đó, như vụ cháy Con Voi Trắng chẳng hạn, đến nỗi những điều tra viên bình thường của một hãng bảo hiểm bị nhầm lẫn và kết luận là rủi ro. Những chuyên gia ấy không phải có nhiều lắm đâu.
Chúng không nhiều đến nỗi mà Yarrow khẳng định là đã tìm ra được chúng. Đó là hai người đàn ông từ Chicago đến để làm việc này. Yarrow có tên và có hình của chúng. Anh biết Jos Caltani và Abie Weisman đã tiếp xúc với chúng vào lúc nào, Jos Caltani đã trả chúng bao nhiêu tiền và bằng hình thức nào. Có chứng cớ của ngân hàng để làm cơ sở. Yarrow đã tích lũy được nhiều chứng cớ đến mức là đối với bọn Caltani và Weisman, chối trách nhiệm trong việc cố tình gây đám cháy và lừa đảo bảo hiểm sẽ trở thành một chuyện buồn cười.
... Cũng như đối với Lavater và tôi, không có điều gì nghi ngờ, và cũng không có một khả năng bảo vệ nào nữa. Tất cả đều có tội. Và đồng lõa. Thậm chí Yarrow còn dựng lên cả một giả thuyết có vẻ hợp lý lắm để giải thích sự thông đồng giữa chúng tôi: Jos và Larry Caltani, Abie Weisman, James Montague Olliphan, Marc Lavater và Franz Cimballi, đều là những kẻ cướp cả, đã cố tình nổi lửa đốt Con Voi Trắng để thuyết phục bọn Tầu ở Macao rút ra khỏi vụ kinh doanh.
Đối với Yarrow, điều ấy là không thể cãi được. Và anh ta có lý.
Và tôi lại trông thấy đôi mắt của Olliphan nhìn tôi chằm chằm trong yên lặng. Một đôi mắt, mà nếu tôi đọc được, đang đặt ra cho tôi một câu hỏi kép: "Mẹ kiếp, Cimballi, cậu đã làm thế quỷ nào thế?" Và nhất là “cậu muốn đi đến đâu đây?".
giavui
05-26-2020, 04:01 PM
CHƯƠNG 26
Đến đây, có vài điều cần phải nói rõ.
Ý kiến về một cuốn phim giống như là do một nhà điện ảnh nghiệp dư quay được, ý kiến ấy là của tôi. Thậm chí tôi còn hết sức kiêu hãnh về ý kiến đó nữa. Khi tôi trình bày với Lý và Lưu, nó đã làm hai người cười lăn cười bò ra. Trước đây ở Hong Kong họ đều là những chuyên gia về các cảnh hư cấu, đặc biệt trong các phim chưởng nhễ nhại những máu làm bằng huyết sắc tố, nên bây giờ đối với việc làm phim này họ rất thoải mái. Dựng lại "hiện trường" chính xác cũng đơn giản thôi: Chúng tôi đã chép lại gần như tuyệt đối đúng cảnh vật của buổi trưa ngày 27 tháng hai ấy. Về các diễn viên thì không có vấn đề gì: Marc, Andréa, Heidi và tôi đã đóng những vai của chính mình và chúng tôi đã đùa dỡn với nhau rất vui. Còn về tên Dindelli dỏm, người bảo vệ thứ bảy, mà tôi thú thật đã không phát hiện ra được trong cuốn phim của hãng C.B.S, thì do một diễn viên kịch ở Los Angeles thủ vai, và quay đằng lưng.
Chúng tôi đã xây dựng chứng cớ đầu tiên như vậy đó.
Còn về việc xác định những tên "chuyên gia đốt nhà của Chicago", thì chúng tôi đã sử dụng bản tự thú của Olliphan. Cái khó nhất là làm sao thông báo tên của chúng cho Yarrow mà Yarrow không thể biết được nguồn tin này ở đâu ra. Cực chẳng đã, cuối cùng chúng tôi đành phải dùng đến cái kiểu muôn thuở "Người chỉ điểm" do một diễn viên khác đóng và đã được Yarrow trả tiền.
Trái lại, tôi hoàn toàn không dính dáng một tý gì đến cái chứng cớ thứ ba của Yarrow giáng xuống: Việc phát hiện ra tên Dindelli trên cuốn phim của hãng C.B.S là công của hắn. Và mặc dầu tôi có giúp anh ta tý chút nhưng cả cuộc điều tra là do anh ta tiến hành một cách hoàn hảo. Nhờ thế mà ngày mồng 4 tháng tám này, anh ta có thể cho tất cả chúng tôi vào tù: Bọn Caltani, Weisman, Marc, Olliphan và tôi.
Tại sao tôi lại giúp anh ta?
Câu giải đáp là của chính Yarrow. Anh nói:
- Trước khi trình bầy sự việc, tôi đã yêu cầu Chance đi ra. Tôi cố ý như vậy, ông ta không dính dáng gì vào chuyện này, thanh danh của ông ta ở trên mọi sự nghi ngờ và cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy thanh danh này là xứng đáng. Nhưng có lẽ một vài người trong các ông đã hiểu tôi muốn đi đến đâu rồi (Tôi nhận xét một cách kiêu hãnh là trong khi nói, anh ta nhìn tôi, chắc là để ca ngợi sự thông minh khủng khiếp của tôi!). Hoàn cảnh là rất rõ ràng: Khi tập hồ sơ này đến tay cảnh sát, thì tôi sẽ có cái niềm vui lớn là được thấy tất cả các ông ở đằng sau những chấn song sắt của nhà tù. Thực ra, nếu những người thuê tôi, mà để cho tôi được tự do hành động, thì hôm nay tôi đã đến đây cùng với cảnh sát rồi. Và những lệnh truy nã nữa. Nhưng, tôi đã nhận được những chỉ thị khác, và tôi sẽ thi hành những chỉ thị này...
Một cách tiếc rẻ, rõ ràng là thế.
Và anh ta nói tiếp. Hãy bỏ qua các chi tiết như chính anh ta nói: Anh ta đề nghị với chúng tôi một cuộc thương lượng nhân danh hãng Getchell và Harkin, đã thuê anh ta. Và tùy chúng tôi có thể nhận hay không (Chúng tôi: Nghĩa là bọn Caltani và tôi) đã do lừa đảo mà nhận được một trăm năm mươi triệu dolars. Chúng tôi phải hoàn lại số tiền đó. Đó là chuyện tối thiếu phải làm. Nhưng chúng tôi còn phải trả cả lãi nữa. Mười phần trăm. Nghĩa là thêm mười lăm triệu nữa.
- Ngoài ra...
Đôi môi mỏng của Yarrow nở một nụ cười nửa miệng độc ác của ông giáo dạy toán ra cho một tên học trò lười thâm căn cố để một phương trình bậc ba:
- Ngoài ra, tất nhiên, một số tiền phạt quyết định là bẩy mươi lăm triệu dolars. Vậy tổng số là một trăm năm mươi cộng với mười lăm, cộng với bẩy mươi nhăm: Hai trăm ba mươi triệu dolars. Các ông chia nhau số tiền nợ này, tùy các ông.
Những người phụ tá của Yarrow đã thu xếp xong đồ lề của họ và đi ra. Yarrow cũng cầm cái cặp đựng tài liệu của anh ta lên:
- Hai trăm ba mươi triệu, thưa các ông. Hôm nay là mồng 4 tháng tám, tôi chờ các ông ở hãng của chúng tôi ở Newark thứ hai tuần sau, mồng 8 tháng tám, bắt đầu từ chín giờ bốn mươi lăm. Các ông có được đến mười giờ cùng ngày để hoặc cùng đến, hoặc một người trong các ông đến, đưa nộp một ngân phiếu có xác nhận, mang số tiền trên. Trong trường hợp chậm trễ, dù chỉ là một phút thôi, và bất kể lý do nào, tôi cũng sẽ không chờ. Tôi sẽ rời khỏi văn phòng tôi, và đơn kiện sẽ được đưa ngay lên chính quyền.
Anh ta bập mạnh cái khóa cặp tài liệu và đi ra. Một cảnh đi ra diễn xuất rất đẹp, phải công nhận thế. Có vẻ Shakespear lắm!
Vai trò của tôi là phải hét lên vì tức giận. Tôi đã hét lên. Tôi đã giải thích cho bọn Caltani hiểu tôi nghĩ về chúng như thế nào. Sao thế, chúng không tổ chức nổi đến cả một vụ đốt nhà mà không để lại dấu vết tội ác kinh khủng của chúng à? Thế ai đã dùng tên Dindelli? Ai đã đi tìm hai cái thằng chuyên gia dỏm ở Chicago ấy? Tôi à? Thế ai đã để vương vãi cái cuốn phim mà Yarrow cho xem một đoạn đó? Bởi vì chúng không có hy vọng bắt tôi phải nuốt cho trôi cái chuyện nhà điện ảnh nghiệp dư ấy à? Cuốn phim của Yarrow là đúng cái cuốn mà chúng đã cho tôi xem ở Harrison! Vậy, đúng y chang như vậy! Tôi không phải khó khăn gì để giả bộ làm rất tức giận: Vì thực sự tôi căm thù cái bọn cướp này, đã định trấn lột tôi, một chút xíu nữa thì chúng đã thành công, kéo tôi vào một cuộc mạo hiểm trong đó tôi còn có cả hy vọng vào ngồi tù nữa. Và mặc dầu Marc đã cố gắng trấn an tôi (đây là một vai trò đã định trước giữa chúng tôi), tôi vẫn mất hẳn bình tĩnh:
- Hãy nghe tôi đây, bọn Caltani các ông, và cả ông nữa, Olliphan. Sau khi các ông đã đưa tôi xem cái hồ sơ chống tôi, các ông tưởng tôi sẽ làm gì. Tưởng tôi sẽ ngồi yên để chờ ngày hành hình à? Tôi cũng phải tìm những cách tự vệ chứ. Và tôi đã tìm thấy. Có lẽ chưa đủ để buộc các ông phải để tôi yên, nhưng khá đủ để làm các ông phải chết chìm cùng với tôi khi nào thời cơ đến. Tôi cũng có lập một hồ sơ. Và tôi báo trước cho các ông biết các ông sẽ phải trả cái số hai trăm ba mươi triệu này cho Yarrow. Các ông sẽ phải trả đến đồng xèng cuối cùng, nếu không tôi sẽ cho nổ tung tất cả lên và tôi sẽ là người đầu tiên đi tìm bọn cớm. Và rồi tụi cớm sẽ đến nói chuyện với các ông không những về cái vụ đốt nhà có chủ mưu này, mà cả về việc các ông tống tiền tôi, cả về vụ Baumer, tất cả toàn bộ câu chuyện Baumer, chưa nói đến những chuyện trốn thuế trong các quán rượu bia của các ông. Bắt cóc người và trốn thuế, rồi các ông sẽ phải cõng trên lưng bọn cớm liên bang kia!
Đến lúc đó, vẫn theo một kịch bản đã được dàn dựng trước giữa Olliphan, ông ta năn nỉ tôi hãy bình tĩnh lại, cố gắng bàn một cách không nóng nẩy về tình hình hiện nay. Rất nghiêm trọng và ai cũng đang mong muốn tìm lại một giải pháp...
Hãy nói về chuyện tiền chẳng hạn. Yarrow đòi chúng tôi hai trăm ba mươi triệu. Olliphan đề nghị việc thanh toán số tiền này sẽ thực hiện theo tỷ lệ số cổ phần của chúng tôi trong Con Voi Trắng: Bọn Caltani phải trả năm mươi mốt phần trăm, tôi bốn mươi chín. Tức là: Một trăm mười sáu triệu một trăm năm mươi ngàn và một trăm mười ba triệu tám trăm năm mươi ngàn. Tôi lại hét lên vì tức giận: Ai châm lửa đốt, ai phải chịu trách nhiệm về cái đống cứt này. Bọn Caltani. Không, thế thì để cho chúng trả tiền thôi.
Bốn tiếng đồng hồ sau, nhờ sự can thiệp hòa giải tốt của Olliphan và Lavater, “những vị thánh tông đồ" ấy, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận làm tôi nghiến răng nghiến lợi một cách rất biểu diễn: Tôi sẽ phải trả một trăm triệu và bọn Caltani, một trăm ba mươi.
Tôi còn diễn được cả cảnh than vãn về sư sạt nghiệp vĩnh viễn của tôi và đưa được cả vài giọt nước mắt thật lên hai mắt.
Tại sao bọn Caltani lại phải chịu trả tiền?
Đây mới đúng là cái nút của tất cả câu chuyện, và cái phần trong kế hoạch của tôi mà trước hết là Marc, rồi sau đó là Lý và Lưu, và cuối cùng Miranda đều tỏ ra hết sức dè dặt không tin sẽ thành công được. Nhưng cuối cùng họ vẫn phải công nhận là tôi có lý.
Bọn Caltani sẽ phải trả tiền vì chúng không có chọn lựa nào khác. Câu nói công thức này trở thành truyền thống rồi. Muốn hiểu được điều này phải biết hoàn cảnh của chúng. Mà tôi thì biết: Từ tháng hai đến giờ, với một sự kiên nhẫn kinh khủng, Jimmy Rosen đã hết sức thu thập đến tối đa mọi thông tin về những địch thủ của tôi. Bọn Caltani, nếu chúng chưa có cả một vương quốc, thì cũng đã có không ít sở hữu trên trái đất này. Vào đầu tháng 8 năm 77, chúng nắm giữ được năm mươi mốt phần trăm "Con Voi Trắng của tôi ", cộng với một phần trăm sòng bạc bên cạnh, cộng với một chuỗi những quán bia và nhà hàng ăn ở New York, cộng với phần cổ phần trong ba hay bốn công ty xuất nhập khẩu (nhất là dầu ôliu), cộng với phần nửa vốn (cùng với một gia đình ở Chicago) hùn trong một sòng bạc ở Vegas và một sòng khác ở Bahamas.
Đối với chúng, không trả tiền Yarrow trước ngày mùng 8 tháng Tám vào lúc mười giờ sẽ là một cuộc tự sát, không thì ít ra cũng là một sự điên khùng.
Trước hết bởi vì chỉ đòi chúng tôi một số tiền phạt có bẩy mươi lăm triệu dolars, là hãng bảo hiếm đã tỏ ra biết điều lắm. Sự thật là trong giả thuyết hãng đi kiện, thì có thể chúng tôi sẽ bị kết án phải trả hơn thế nhiều lắm. Tiền phạt có thể do một quan tòa quyết định lên đến số tương đương với số tiền bị lừa đảo, nghĩa là một trăm năm mươi triệu. Chúng tôi khi đó sẽ phải nhả ra ba trăm triệu thay vì hai trăm ba mươi.
Sau đó ít nhất là một trong hai tên Caltani, nếu không phải là cả hai đứa sẽ đi tù. Tất nhiên là cùng đi với tôi, nhưng tôi không thấy có lý do gì là như thế chúng sẽ được an ủi hơn, mặc dầu tôi là một người vui nhộn rất đáng yêu!
Hậu quả thứ ba ít nhất cũng quan trọng không kém: Chúng sẽ bị cấm không được tham gia dưới bất cứ hình thức nào, về việc quản lý một sòng bạc. Như thế chúng sẽ bắt buộc phải rút khỏi không những Atlantic City, mà cả Vegas và Nassau. Vĩnh viễn không có khả năng trở lại nữa.
Hù dọa của tôi về sự can thiệp của bọn cớm liên bang là một điều bịp. Tôi chẳng có một chứng cớ nào, cả về vụ bắt cóc Baumer, lẫn những gì dính dáng đến việc lậu thuế trong các quán bia của chúng. Nhưng tôi biết trong cả hai việc này, chúng đều có một cái gì đó phải lo ngại. Bọn Caltani không biết tôi đã có được thông tin đến mức nào, và chúng hoàn toàn không muốn cảnh sát liên bang chú ý quá gần đến chúng.
Và cuối cùng, dù có phải trả tiền. Trong những điều kiện bi thảm mà chúng không thể tránh được. Thì chúng cũng còn cứu vớt được “cái chính” của chúng, Olliphan sẽ dùng hết mình để thuyết phục chúng, và Olliphan chính là người cố vấn tốt nhất của chúng. "Cái chính" đây là khả năng có thể phục hồi lại được. Như người ta nói, chúng phải cắt một cánh tay để cứu lấy cái đầu.
Chúng không có chọn lựa nào khác.
Chúng sẽ trả tiền như thế nào?
Tối hậu thư của Yarrow là vào ngày thứ năm mùng 4 tháng Tám lúc cuối buổi chiều, cho là sáu giờ tối đi. Việc trả hai trăm ba mươi triệu phải được thực hiện theo mệnh lệnh vào thứ hai tuần tới, trước mười giờ sáng. Kỳ hạn là tám mươi tám tiếng đồng hồ. Trong đó đã mất bốn mươi tám tiếng nghỉ cuối tuần là lúc chắc chắn, không dễ dàng gì để tìm ra được những số tiền mặt.
Bọn Caltani lại không có một trăm ba mươi triệu trong két. Vả lại, ai lại có thể có một số tiền mặt như thế? Theo những ước lượng tế nhị nhất của Rosen và Vandenbeng, thì trong một thời gian ngắn như vậy, chúng chỉ có thể huy động được từ mười đến mười hai triệu cũng đã nhiều lắm rồi. Đấy là hết mức.
Còn thiếu một trăm hai mươi triệu nữa.
Có ngân hàng nào có thể cho chúng vay được? Bởi vì trước hết phải giải thích cho chủ ngân hàng “Tại Sao" lại cần vội một số tiền lớn thế, mà trong ba ngày, kể cả ngày nghỉ cuối tuần? Không thể được, vay của những người cùng hùn vốn với chúng ở Nassau và Vegas chăng? Giả thiết rằng những người này có sẵn ngay một số tiền mặt như vậy đi nữa, thì liều thuốc có lẽ còn tệ hại hơn là căn bệnh. Thực ra giữa những nhà tài chính, không ai làm quà cho nhau cái gì bao giờ. Nhưng giữa các Gia Đình với nhau thì sự việc này lại dứt khoát là một thế cân bằng trong sự khủng bố! Phơi bày sự yếu kém của mình ra tức là tự kết án mình phải diệt vong.
Không, bọn Caltani chỉ còn một khả năng. Một khả năng duy nhất. Nhóm Thụy Sĩ.
Tôi biết tất cả về nhóm Thụy Sĩ. Và bởi vì chính tôi là cha đẻ ra nó. Hãy gọi tôi là papa đi.
Nhóm Thụy Sĩ mới xuất hiện trên thị trường vào tháng Tư vừa qua. Đây là một trong những cơ cấu đầu tiên mà tôi đã dựng lên trong việc chuẩn bị đòn trấn lột chúng - Caltani của tôi. Nhóm Thụy Sĩ ở tại Zurich, nó đại diện cho những quyền lợi về tài chính rất lớn, và đã chính thức ủy quyền cho hai người, một là Paul Hazzard 1 , quốc tịch Mỹ, và một tên là Adriano Letta, người Ý. Hazzard và Letta, theo lời họ, là đang giữ những số vốn rất lớn muốn đem đầu tư vào thị trường Bắc Mỹ. Qua trung gian môi giới của Olliphan, họ hẹn gặp Jos Caltani, và đề nghị mua lại cái sòng bạc của hắn, ở bên cạnh Con Voi Trắng. Caltani từ chối - Cũng đã dự kiến thế. Và điều này không làm nản lòng “những đại sứ" của nền tài chính Thụy Sĩ. Họ trở đi trở lại đôi ba lần. Adriano Letta nói một thứ tiếng Anh dở đến phát khóc được, nhưng anh ta lại nói được tiếng Ý, thậm chí cả thổ ngữ vùng Sicile nữa. Anh ta làm tất cả để móc nối sợi dây liên lạc cá nhân với bọn Caltani và đã thành công trong việc này: Thậm chí người ta đã mời anh về ăn uống trong Gia Đình. Anh đã cùng với họ chia sẻ những sợi mì của tình hữu nghị vĩnh cửu và sau đó lại trở về Rome. Chuyện này xảy ra vào khoảng 20 tháng Bảy, nhưng một lần nữa vẫn tiếc là anh em Caltani đã khước từ những đề nghị của các thân chủ của anh, và xác định thêm rằng biết đâu đấy, nếu có một ngày nào đó...
Lúc đó cái bẫy đã được giăng ra.
Và bọn Caltani không thể làm gì khác được là đâm đầu vào đó thôi. Bị thời gian thôi thúc, và nhất là bị xô đẩy bởi một Olliphan hung dữ, chúng gọi điện cho Letta ở Rome. Lúc đó là mười giờ đêm ở New York ngày thứ năm mùng 4, nghĩa là bốn giờ sáng ngày thứ sáu mùng 5 ở Rome. Chúng báo cho Adriano biết là chúng đã quyết định chấp nhận đề nghị của anh ta, nhưng mà, theo lời chúng, việc cực kỳ cấp bách. Liệu anh ta có thẩm quyền bàn bạc giải quyết ngay được không? Liệu anh ta có thể bay ngay sang Mỹ được không? Cũng như mọi khi, Adriano làm theo rất chu đáo mọi chỉ thị của tôi: Anh ta làm ra khó khăn, lấy cớ là hầu như không thể nào ký kết được một việc quan trọng như vậy trong một thời gian ngắn ngủi tức cười như thế, cuối cùng rồi cũng chịu nhượng bộ trước những lời năn nỉ gần như hoảng hốt của bọn Caltani. Vào lúc sáu giờ năm mươi sáng ở Rome, anh ta trèo lên một chiếc máy bay đưa anh ta đến Paris vừa kịp để nhảy lên một chiếc Concorde của hãng Air France. Anh ta đến New York vào lúc sáu giờ ba mươi phút sáng (giờ của bờ biển phía Đông nước Mỹ). Và cuộc bàn cãi được tiến hành ngay tức khắc...
... Cuộc bàn cãi trong đó bọn Caltani đi đến mức là đề nghị biếu Adriano một triệu dolars hối lộ để anh thuyết phục những thân chủ của anh là ký kết việc mua bán, và ký kết ngay trong ngày hôm đó. Adriano nhận hối lộ (anh đã đưa lại cho tôi toàn bộ số tiền và tôi bỏ cho anh phần hoa hồng bình thường là mười phần trăm. Nhưng đây chỉ là một câu chuyện ngoài lề thôi) và anh đã thực sự làm cái việc thuyết phục những "thân chủ Thụy Sĩ" của anh. Anh gọi điện và nói chuyện rất lâu với Zurich, đưa hết lý lẽ này đến lý lẽ kia, trước mặt bọn Caltani ngồi cắn móng tay, bụng như lửa đốt.
Cuối cùng Adriano dập máy và cười với bọn Caltani: "Được rồi! Họ đồng ý". Lúc đó là mười giờ thiếu mười lăm sáng ở New York, tức là mười lăm giờ bốn mươi lăm ở Âu Châu. Letta xác định với bọn Caltani những điều kiện của việc mua bán: Nhóm Thụy Sĩ mua lại với giá bốn mươi triệu dolars những phần của bọn Caltani trong Con Voi Trắng, và với giá tám mươi triệu các phần ở sòng bạc bên cạnh. Một trăm hai mươi triệu tất cả. Ngoài ra nhóm Thụy Sĩ cũng sẽ lấy lại hai quyền cầm cố trên cả hai sòng bạc (năm mươi mốt phần trăm trong trường hợp của Con Voi Trắng). Số một trăm hai mươi triệu dolars này sẽ được trả dưới hình thức một ngân phiếu có chứng nhận vào sáng thứ hai mùng 8 tháng Tám lúc chín giờ ba mươi sáng. "Tôi không thể nào làm hơn được nữa - Adriano giải thích - Chúng ta sẽ ký các giấy tờ vào lúc đó". Lại phải qua một cuộc bàn cãi mới hết sức gay go với bọn Caltani mới lại xin được Adriano cho việc ký kết và giao tấm ngân phiếu sớm hơn một tiếng đồng hồ. Người ta có thể hiểu được cơn sốt của bọn Caltani, nếu nhớ rằng chúng phải có mặt trước Yarrow ở Newark, bờ phía bên kia vịnh Hudson trước mười giờ, không được sai một giây. (Thực ra ngày thứ hai, Adriano đã cố tình kéo dài sự việc đến mức đưa Jos Caltani đến bờ của sự điên loạn, và buộc hắn phải đi xuyên qua vịnh Hudson với một tốc độ sao băng, trong cơn hoảng hốt sợ đến chậm trước mặt Yarrow). Thôi thì báo thù được đến đâu thì cứ báo cái đã.
Bọn Caltani đã phải bán những gì để móc cho được cái số một trăm hai mươi triệu ấy?
Trước hết, chính cái sòng bạc của chúng. Chúng đã đầu tư vào đó tám mươi triệu và đã vay ba trăm hai mươi triệu - Nhóm Thụy Sĩ trả tám mươi và lấy lại quyền cầm cố. Bọn Caltani thiệt mất: Năm triệu (cộng thêm với một triệu hối lộ). Nhưng trong thực tế chúng mất hơn thế nhiều vì chúng đã phải bán lại dưới cái giá đúng của nó, một cơ sở kinh doanh do chúng tạo lập nên, và trong bốn tháng hoạt động (sòng của bọn Caltani mở cửa hai tháng trước Con Voi Trắng) đã tỏ ra có lãi suất lớn. Thật ra cơ sở này đáng giá hai mươi phần trăm hơn số vốn đầu tư khởi thủy. Vậy có thể ước lượng chúng đã mất hai mươi phần trăm của bốn trăm năm mươi triệu, tức là gần chín mươi triệu.
Bọn Caltani lại còn phải nhượng lại cả cái số năm mươi mốt phần trăm của chúng ở Con Voi Trắng nữa. Chúng lĩnh được bốn mươi, chỉ trả tôi có hai mươi mốt, chúng được mười chín.
Điểm cuối cùng này đã làm tôi tức điên người lên. Tôi đã làm đi làm lại hàng triệu lần những con tính, nhưng không làm gì khác được. Cái số mười chín triệu này là cái mồi của tôi dùng để che dấu lưỡi câu khổng lồ.
Thế còn tôi, Franz Cimballi ở Saint Tropez?
Bởi vì có một việc chắc chắn. Để khỏi gây ra một nghi ngờ nhỏ nào cho bọn Caltani, nhất định tôi cũng phải trả phần của tôi. Mà trả thật sự kia, chứ không thể trả bằng giấy tờ được. Bởi vì, một mặt bọn Caltani có thể thừa sức kiểm tra những thao tác của tôi, mặt khác tôi phải đối đầu với một tên Yarrow không phải là một bù nhìn.
Vậy tôi cũng phải sùy ra một trăm triệu dolars. Và trong tám mươi tám tiếng đồng hồ (nhưng với một lợi thế to lớn hơn các địch thủ của tôi là tôi chờ đợi sự cố ấy, và từ hai mươi hay hai mươi lăm tuần lễ nay rồi).
Sáu mươi lăm triệu dolars là từ người Thổ Nhĩ Kỳ đưa đến. Anh ta đã mua lại những phần của tôi ở Con Voi Trắng một cách rất chính thức. Chỉ bằng một cú điện thoại và trên danh nghĩa tình bạn lâu đời của chúng tôi (A! Ha! Ha!). Vả lại sáu mươi lăm triệu dolars là cái giá thật vào tháng 8 năm 77 của bốn mươi chín phần trăm những cổ phần của một sòng bạc sau hai tháng hoạt động với những kết quả quá mỹ mãn.
Ba mươi lăm triệu nữa, cũng rất chính thức, là từ chỗ tôi bán cho Lý và Lưu những quyền lợi của tôi trong hai kinh doanh mà tôi đã tạo lập ra cùng với họ: Safari, và Quần Vợt Trên Trời. Thực ra, đã từ đời tám kiếp nào tôi không còn một tý quyền lợi nào trong cả hai kinh doanh đó nữa. Nhưng nào ai biết được ngoài hai ông con trời của tôi và tôi ra. Cũng như từ thuở nào đến giờ trong những trường hợp như vậy, trong cơ cấu tài chính của cả hai kinh doanh, người ta đã sử dụng rộng rãi những hội bình phong. Tìm lại được dấu vết của tôi trong một cái rừng hội vô danh lại có cả người nước ngoài tham gia như vậy thì ít nhất cũng phải mất hàng năm nữa. Tôi dám đánh cuộc mà không sợ thua, là trong lúc này bọn Caltani còn có những chuyện khác trong đầu hơn là đi tìm hiểu xem làm cách nào mà tôi lại trả nổi được cái phần của tôi.
Ngày thứ hai mùng 8 tháng tám 1977, vào lúc chín giờ bốn mươi tư phút, tôi đã có mặt trước Yarrow với hai ngân phiếu có chứng nhận, một của người Thổ Nhĩ Kỳ, và cái kia của Lý và Lưu. Bọn Caltani cũng đã ở đó, giơ lên một ngân phiếu có chứng nhận của những thân chủ của Letta, cộng thêm với mười triệu tiền túi nữa của chúng. Và tôi phải công nhận là lúc đó chúng tôi trông thật giống những thằng ngốc trứ danh: Y hệt như những đứa trẻ bị bắt quả tang ăn trộm táo và buộc phải đến nhận tội. Yarrow xem xét các ngân phiếu: Đủ số. Hai trăm ba mươi triệu dolars. Yarrow cười gằn khinh bỉ, và có thể là cũng tiếc nữa. Chắc chắn là nếu chỉ tùy ở hắn, thì hắn muốn là tất cả câu chuyện này phải được đưa ra trước tòa án kia.
Hắn lại nói một lần nữa:
- Nhưng tôi chỉ thi hành những lệnh mà người ta đã ra cho tôi. Các ông đã thoát được tốt đấy.
Rồi với một dáng điệu có vẻ ghê tởm hơn bao giờ hết, hắn đưa cho chúng tôi những tài liệu trong đó hãng Getchell và Harkin bảo đảm với chúng tôi là sẽ ngừng hết mọi truy tố. Tóm lại là một giấy chứng minh quyết định xác nhận anh em Caltani và tôi là những mẫu mực về tính trung thực và đạo đức tài chính.
Cuộc hội kiến với Yarrow kéo dài không đến hai mươi phút. Larry Caltani thu xếp để đi ra cùng một lúc với tôi. Dù rằng nếu tôi có với hắn chỉ một tý xíu cảm tình thôi, mà đây lại không phải là như thế, thì vai trò của tôi trong tấn hài kịch này buộc tôi cũng phải làm ra bộ dằn mặt hắn. Và tôi đã không bỏ lỡ một dịp này. Vả lại, vượt qua tấn hài kịch này, tôi cảm thấy ghê tởm những gì vừa xảy ra. Sự kích động đã nâng đỡ tôi trong những tháng cuối cùng này bỗng sụp đổ nhanh chóng. Mặc dù đó là kết quả của một kế hoạch mà tôi đã nung nấu lâu ngày, dù sao tôi vẫn thấy mình phải đứng trước mặt một Yarrow, Người Cảnh Sát Thanh Liêm và Nghiêm Khắc, trong cái tư thế khó chịu và nhục nhã của một tên lừa đảo, buộc phải trả giá tội ác của mình. Tôi không thích như thế một tý nào.
- Phiền quá, hả?
Có lẽ đây là điều tệ hại nhất: Bây giờ lại có một tên Caltani bày tỏ cảm tình với tôi nữa! Bằng một động tác rất Âu Hóa, hắn lại còn cầm cánh tay tôi nữa.
Tôi đã gạt ra một cách thật sự giận dữ không phải giả bộ nữa:
- Trong hai trăm năm sắp tới, tôi càng nhìn thấy cái bản mặt ông ít chừng nào, tôi càng vui lòng chừng ấy.
- Ông sẽ không nghe nói đến chúng tôi nữa, Cimballi.
- Tốt hơn cả cho ông là như thế đó. Đừng quên là tôi vẫn còn giữ những hồ sơ về Baumer và những chuyện lậu thuế.
Những con mắt đen của hai anh em chĩa vào tôi.
- Cứ đưa nó ra. Cimballi, thì anh sẽ là một người chết.
- Tôi sẽ không đưa nó ra chừng nào mà các anh đi khuất mắt tôi đi - và tôi nói thêm - Chừng nào mà tôi vẫn mạnh khỏe.
Những tên vệ sĩ của bọn chúng đi gần lại, Larry Caltani chìa tay ra cho tôi. Hắn nói:
- Để chứng tỏ sự hòa bình.
- Thôi xéo đi.
Chúng lên ngồi trên chiếc xe dài và đen của chúng và đi về phía chiếc cầu George Washington trên Hudson.
Còn về phần tôi, tôi cứ nhẩn nha. Tôi phải đi mất hơn hai tiếng đồng hồ mới về đến Manhattan. Tôi chỉ trở về khách sạn Pierre vào lối mười ba giờ. Tôi gọi điện cho Sarah ở San Francisco. Tôi nói với cô ta là mọi việc êm đẹp cả rồi, là đã xong hết. Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ đoàn tụ với nhau, hai đứa trẻ, cô ta và tôi. Tôi dập máy và quay lại đối mặt với ông ta.
Ông đang mút mát một chiếc kem. Nhưng cũng bằng lòng ngừng một lát:
- Ba cái đồ kem Mỹ này chẳng ra làm sao cả. Tính toán cho cùng, còn không bằng cả mấy cái thứ kem mứt bẩn thỉu của Yémen nữa.
- Nói đến tính toán, thì nào chúng ta thử tính một chút xem sao?
Ông đưa tôi xem cái ngân phiếu hai trăm ba mươi triệu dolars có chứng nhận, mà Yarrow mới đem lại cho ông một tiếng đồng hồ trước đây. Ông cười.
- Đúng. Tôi nghĩ là đã đến lúc rồi đấy.
--------------------------------
1 Đó là người đi tìm mỏ dầu lửa, gốc Texas, đã giới thiệu cho tôi cái tên của Henry Chance.
giavui
05-26-2020, 04:01 PM
CHƯƠNG 27
Không có một phút nào tôi lại nghĩ rằng Hassan Fezzali, và đằng sau ông ta, hoàng thân Aziz, lại đến tiếp cứu tôi chỉ vì cái lý do là tôi đã kéo được Hassan ra khỏi một tình trạng khốn khó. Không thể có một nền tài chính tốt với những tình cảm tốt đâu. Tình bạn gắn bó chúng tôi, mà câu chuyện kem mứt đã củng cố thêm, chỉ có thể cho phép tôi, nhiều lắm là được người ta nghe tôi nói thôi.
.... Khi, vào khoảng giữa tháng Ba, ngay sau khi được sự đồng ý của Miranda ở Macao, tôi đã bí mật gặp Fezzali ở Rome, thì ông có nghe tôi nói thật, nhưng chỉ chờ đợi, mà không bình luận gì. Tôi nói:
- Tất nhiên, những gì mà tôi đề nghị là một vụ kinh doanh. Vụ kinh doanh này không phải không mạo hiểm, nhưng có vụ kinh doanh nào mà lại không có mạo hiểm, nhất là trước mắt lại có những lãi suất quan trọng như vậy? Bởi vì đi hết đường...
- Nếu mọi việc đều suôn sẻ cả.
—... Bởi vì đi hết đường “nếu mọi việc đều suôn sẻ cả" thì ông sẽ chỉ đầu tư một tỷ dolars thôi, một tỷ nhỏ trong số những tỷ dolars dầu mỏ mà ông quản lý. Và cái tỷ dolars này sẽ đem lại cho ông một số lãi khoảng ba mươi phần trăm trong không đến một năm nữa kia. Tôi đã nói rồi đó. Amen.
”Lòng ham muốn tăng thêm sự giàu sang của ngươi, ám ảnh ngươi,... nhưng chẳng lâu nữa ngươi sẽ biết,... sẽ thấy địa ngục,... và người ta sẽ hỏi tội ngươi về những thú vui trên cõi đời này...” - Sourate 102đoạn thơ 1 đến 8.
”Tất cả chúng ta đều chờ sự tận cùng. Ngươi cũng chờ, và ngươi sẽ học được ai trong chúng ta đã đi đường thẳng, và ai bị dắt đi chệch đường” - Sourate 20, đoạn 135.
- Nếu tôi không nhầm.
Ông nghiêng đầu nói:
- Dường như người ta đã chữa lại cả kinh Coran thì phải.
Về mặt sức khỏe, Hassan đã hoàn toàn phục hồi sau vụ giam cầm ông. Trong ông, sự vĩnh cửu như đã đứng sững lại: Một cái đầu của con lạc đà già sầu não, trên một bộ xương chằng chịt đan vào nhau. Cộng thêm một cái lưỡi thật lớn để mút mát kem. Ông gãi cái sống mũi Bédouin to tướng của ông.
- Thế theo anh, thì tôi phải mua lại cả cái công ty bảo hiểm ấy à? Cái công ty Herschell ấy...
- Thưa, Getchell ạ. Hãng Getchell and Harkin New Jersey Insurance Company. Không phải là một công ty lớn lắm. Phải trả một trăm năm mươi triệu tiền bồi thường đã làm cho nó khá lúng túng, thăng bằng chi thu của nó bị lung lay dữ dội. Thêm nữa, chủ tịch hiện nay của hãng, Jack Getchell, là một người đã già, lại không có người nối dõi trực tiếp. Ông ấy sẽ bán thôi.
- Hãy cứ cho là thế. Rồi sau sao nữa?
- Sau đó, người mà ông đặt lên đầu công ty để đại diện cho quyền lợi của ông sẽ phải bí mật cho mở lại ngay tức khắc cuộc điều tra về vụ cháy Con Voi Trắng. Ông ta sẽ giao cuộc điều tra mới này cho một người tên là Donald Yarrow. Tôi đã có hỏi rồi: Yarrow là tên cớm tư giỏi nhất trong lĩnh vực này.
- Và Yarrow sẽ tìm ra là vụ cháy có nguyên nhân hình sự.
- Vâng.
- Và sẽ cho anh vào tù.
- Không ạ.
- Tiếc nhỉ. Thế tại sao anh lại không vào tù, hả cậu thanh niên Cimballi Franz?
- Bởi vì Yarrow sẽ phải phục tùng những lệnh cực kỳ chính xác mà người chủ mới của hãng Getchell và Harkin, nghĩa là người đại diện của ông, sẽ ra cho hắn. Hắn sẽ phục tùng vì hắn biết rằng tất cả các hãng bảo hiểm đều ưng một sự dàn xếp dù dở một trăm lần hơn là một vụ án dù tốt. Vả lại Yarrow không có chọn lựa: Nếu hắn không phục tùng thì sẽ không được trả tiền.
- Và thế là cái hãng bảo hiểm mà tôi mua đó, sẽ nhận được hai trăm ba mươi triệu của bọn Caltani và của anh.
- Đúng thế.
- Một trăm mười lăm triệu của mỗi người?
- Tôi nghĩ rằng có thể thuyết phục bọn Caltani phải trả một trăm ba mươi. Dù sao, cũng chính chúng là người đã châm lửa đốt cái sòng bạc của tôi.
- Và anh sẽ trả một trăm triệu?
- Vâng, tròn như thế.
- Nhưng anh lấy đâu ra cái số ấy.
- Người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua lại những phần của tôi ở Con Voi Trắng với cái giá sáu mươi lăm triệu. Đấy là giá thật.
- Người Thổ Nhĩ Kỳ làm gì có nhiều tiền thế.
- Anh ta sẽ có. Khi ông đưa cho anh ta. Thực ra không phải anh ta, mà là ông sẽ mua lại bốn mươi chín phần trăm cồ phần Con Voi Trắng của tôi.
- Thấy rồi. Nhưng anh vẫn còn thiếu ba mươi lăm triệu nữa. Anh lấy đâu ra số tiền ấy?
- Lý và Lưu sẽ cho tôi vay với lãi suất mười lăm phần trăm.
Người con của Sa Mạc cười gằn:
- Cái lòng tin của anh đối với mấy ông con trời khùng khùng này vẫn cứ làm tôi ngạc nhiên. Họ cũng điên không kém gì tôi, đã ngồi nghe anh nói mê sảng. Thế tôi còn phải mua gì nữa không?
- Phần còn lại của Con Voi Trắng, mua lại của bọn Caltani, và cả toàn bộ cái sòng bạc của chúng nữa. Qua trung gian một nhóm Thụy Sỹ dỏm, mà chúng tôi sẽ tạo ra để dùng vào việc này, với Adriano Letta làm giám đốc thương mại.
- Đức Tiên Tri cấm cờ bạc.
- Chắc chắn là Đức Tiên Tri có nói một cái gì ở đâu đó, về cái bọn Caltani này. Và về số phận phải dành cho chúng. Và chắc ngài cũng có dặn dò là phải thưởng cho những tên Cimballi đáng yêu.
- Điều ấy sẽ không làm tôi ngạc nhiên. Ngài nói biết bao nhiêu điều mà.
Người Bédouin yêu quý của tôi đáp lại như vậy. Nhưng ông ta nói một cách như lơ đãng. Và tôi gần như có thể thấy những con số đang diễu qua trong cái đầu một người bán thảm len chuyển sang làm kinh tế cao cấp của ông. Chưa bao giờ tôi thấy ông sử dụng một cái máy tính nào. Tất cả trong đầu thôi. Và ông nghiêng cái đầu ấy xuống:
- Và sau đó bán lại tất cả, có phải thế không?
Ông suy nghĩ thốt ra thành lời. Lúc đó tôi biết rằng ông sẽ chấp thuận.
Không, thật không phải là đơn giản. Nhưng cũng không đến nỗi phức tạp một cách khủng khiếp. Nếu muốn hiểu Hassan Fezzali có lợi gì khi tham gia vào cái đòn trấn lột của tôi, chỉ cần đặt ra một vài con toán. Trước hết những gì ông ta bỏ ra, nói cách khác là phần đầu tư của ông.
Ông mua một công ty bảo hiểm Mỹ. Trong lĩnh vực này, việc đầu tư rất hiếm có khi nào là phiêu lưu. Trong trường hợp của hãng Getchell và Harkin, có thể là hơi bất trắc, vì hãng đang bị khó khăn trong vụ bồi thường một trăm năm mươi triệu dolars. Nhưng sau sự can thiệp của tôi, thể hiện ra bằng sự mua lại của Fezzali, sự ra trò của Yarrow, thì cũng chính cái hãng này sẽ thu hồi lại được một trăm năm mươi triệu, cộng với mười lăm triệu lãi, cộng với bẩy mươi lăm triệu tiền phạt. Lỗ vốn vào tháng ba, công ty sẽ rộng rãi có lãi vào tháng tám. Fezzali sẽ làm được một vụ kinh doanh tốt quá trời.
Ông mua Con Voi Trắng. Về việc này ông đã bỏ ra sáu mươi lăm triệu, và dùng người Thổ Nhĩ Kỳ làm người cho mượn tên. Cộng với bốn mươi trả cho bọn Caltani. Cộng với việc nhận lại món vay của ngân hàng, kể cả lãi, tức là bốn trăm bốn mươi triệu dolars. Vào tháng tám, thì Con Voi Trắng đã hoạt động được hai tháng và đã trả được hai kỳ góp cho ngân hàng ở Philadelphie. Tổng số Fezzali trả cho Con Voi Trắng: Sáu mươi lăm cộng với bốn mươi cộng với bốn trăm bốn mươi: Năm trăm bốn mươi lăm triệu dolars.
Ông mua sòng bạc bên cạnh, cái của bọn Caltani, với giá bốn mươi triệu, cộng với việc nhận lại số vốn vay ngân hàng (Sòng này đã mở cửa được bốn tháng và đã trả góp được bốn kỳ số tiền vay ban đầu ba trăm hai mươi cộng với lãi tức là ba trăm sáu mươi tám triệu). Vậy thì vào tháng tám số vay ngân hàng là ba trăm ba mươi tám. Tổng số trả cho sòng bạc thứ hai này: Tám mươi cộng với ba trăm ba mươi tám: Bốn trăm mười tám triệu.
Tức là tất cả cho hai sòng, năm trăm bốn mươi lăm cộng với bốn trăm mười tám: Chín trăm sáu mươi ba triệu dolars.
Bây giờ đến lãi.
Và một nhận xét đầu tiên. Được minh họa bởi một thí dụ, Con Voi Trắng chẳng hạn. Giá của nó là bao nhiêu. Chính xác là một trăm triệu làm vốn riêng (năm mươi triệu của tôi cộng với năm mươi của Miranda đầu tư vào). Thêm vào đó bốn trăm triệu vay của ngân hàng ở Philadelphie, tức là bốn trăm sáu mươi kể cả lãi. Vậy tổng số giá của Con Voi Trắng: Năm trăm sáu mươi triệu.
Hassan sẽ chỉ phải trả năm trăm bốn mươi lăm. Đã thấy số lãi thứ nhất là mười lăm triệu rồi. Nhưng tính theo kiểu đó là ngu. Bởi vì cái trị giá thật của Con Voi Trắng vào tháng tám 1977 không còn là năm trăm sáu mươi triệu nữa rồi. Bây giờ trị giá của nó hơn thế nhiều. Bởi vì nó đã bước vào hoạt động từ hai tháng nay, bởi vì nó có cái tên kinh khủng Henry Chance đứng đầu, và bởi vì nó đã có lãi suất hơn là người ta ước lượng. Đây là một vụ kinh doanh bằng vàng. Giá trị thật của nó bây giờ đã tăng lên khoảng hai mươi phần trăm (và tôi đã khiêm tốn trong sự ước lượng). Vậy ít nhất bây giờ nó trị giá sáu trăm bẩy mươi hay sáu trăm tám mươi triệu. Tạm cho là sáu trăm bẩy mươi lăm đi.
Hiện tượng cũng y hệt như thế đối với sòng bạc kia, mở cửa từ bốn tháng nay rồi, và nếu nó không có được cái hùng vĩ của Con Voi Trắng, thì cũng không phải là một vụ kinh doanh dở. Nếu có phải đem bán lại vào tháng tám, và bán trong những điều kiện bình thường, chứ không phải trong lúc dao kề cổ như bọn Caltani, thì chắc chắn cũng sẽ phải được từ năm trăm ba mươi đến năm trăm năm mươi triệu. Tạm cho là năm trăm bốn mươi đi.
Có nghĩa là nếu đem cộng những giá bán thật của cả hai sòng (bán được lắm, vì không thiếu những người muốn mua) thì là sáu trăm sáu mươi lăm cộng với năm trăm bốn mươi bằng một nghìn hai trăm mười lăm triệu.
Mà Hassan, tôi nhắc lại, chỉ phải trả có chín trăm sáu mươi ba.
Lãi trông thấy vào tháng tám, nếu Hassan muốn bán lại ngay, nhưng không vội vã, trong ba mươi hay sáu mươi ngày: Một nghìn hai trăm mười lăm trừ chín trăm sáu mươi ba: Hai trăm năm mươi hai triệu dolars.
Không tồi, có phải không? Nhưng còn hơn thế nữa kia! Bởi vì phải là thật ngu đần (mà tôi nghĩ rằng không phải lúc nào tôi cũng ngu, còn Hassan thì chắc chắn là không ngu rồi), phải thật ngu đần mới đem bán riêng rẽ hai cái sòng này ra.
Rõ ràng là phải hợp nhất hai cái làm một hay nhiều cầu nối và lắp bằng khoảng phi chiến sự ở giữa, không đến một trăm thước, ngăn cách hai sòng. Người ta sẽ đi đến một cái gì thật đồ sộ.
Đắt giá hơn (rất nhiều).
Thực ra đến hơn một tỷ rưỡi dolars. Rất chính xác là một tỷ sáu trăm bốn mươi triệu dolars. Và đó đúng là số tiền mà Hassan Fezzali đã thực sự thu được vào tháng tư 1978, khi ông bán lại tất cả cho một công ty dầu hỏa muốn bắt rễ vào Atlantic City, sau khi đã có ở Vegas hai sòng bạc rồi.
Thế còn cái anh hùng Cimballi đáng yêu ấy, trong tất cả chuyện này thì thế nào?
Tôi chỉ xin nhận có một hoa hồng khiêm tốn mười phần trăm trên số tiền bán cuối cùng vào tháng tư 1978. Cũng cái mười phần trăm mà Miranda đã được lĩnh theo những thỏa thuận giữa tôi với nàng ở Macao. Vậy thì tôi được hưởng một trăm sáu mươi tư triệu dolars, mà Hassan trả sòng phẳng ngay tức khắc. Thực ra ngay từ ngày 9 tháng tám 1977, vì tôi đang thiếu thốn, ông đã ứng trước cho hàng tháng rồi. Ông có thể làm thế được.
Làm lại một lần cuối cùng nữa những con tính về phía ông, người ta sẽ thấy rằng nếu đem cái số một nghìn sáu trăm bốn mươi triệu mà ông thu được tháng tư 1978, trừ đi chín trăm sáu mươi ba mà ông đã đầu tư vào việc mua hai sòng bạc, ba mươi mà ông bỏ ra để hợp nhất hai sòng lại làm một, một trăm sáu mươi tư tiền hoa hồng của Miranda (1640 trừ 963 + 30 + 164 + 164) thì dù sao trong cột lãi, ông cũng còn ghi được con số khiêm tốn là Ba Trăm Mười Chín Triệu Dolars, cho một số vốn đầu tư thực là chín trăm sáu mươi ba.
Tôi đã để ông hy vọng một lãi suất ba mươi phần trăm, nhưng kết quả lại còn hơn thế nữa. Nhất là nếu người ta chưa quên là, với công ty bảo hiểm, ngoài số tiền lãi mười lăm triệu, ông còn thu thêm một số lãi bẩy mươi lăm triệu nữa (tiền phạt).
Ba trăm chín mươi tư triệu lãi nếu nộp cả lãi về dịch vụ sòng bạc và dịch vụ công ty bảo hiểm.
Đấy, vì sao mà Hassan Fezzali đã nghe tôi nói và làm theo tôi.
Và cũng vì sao mà Đức Allah thật vĩ đại.
giavui
05-26-2020, 04:02 PM
CHƯƠNG 28
Walcher. Tôi còn phải thanh toán cho xong với hắn nữa, hắn đã phản bội một cách hết sức bỉ ổi, người bạn già Karl Gustav của hắn, và coi như hắn đã giết chết người này. Hắn đã bóc lột hết của bốn chị em Moser, và cuối cùng, chính hắn là nguồn gốc mọi tai họa của tôi. Không có hắn thì có lẽ không có Con Voi Trắng, và tôi đã không bị bắt buộc phải lao vào những cuộc nhào lộn dễ sợ vừa qua.
Tôi đã tính sổ với hắn chỉ trong một tiếng đồng hồ. Tôi đi đến gặp hắn cùng với Người Anglais, và anh này đã chuẩn bị sẵn sàng tập hồ sơ về hắn. Chúng tôi đã dí những chứng cớ vào mũi hắn, và ngoài ra tôi còn khẳng định với hắn (tôi bịp nhưng hắn đã tin) là tôi sẽ đi mách lại cho bọn Caltani biết rằng tất cả những gì tôi biết được về vụ Baumer, chính là do Walcher kể lại cho tôi.
Người Anglais đã báo trước cho tôi: “Walcher là một thằng hạng bét. Nó không có một hệ thần kinh xứng dáng với sự bất lương của nó đâu. Nó sẽ vỡ vụn ra ngay”. Walcher đã vỡ vụn ra thật, ngay tối hôm đó, mùng 8 tháng Tám, hai người của người Anglais đã đưa hắn lên một chuyến máy bay đi Buenos Aires, yêu cầu hắn đừng trở về đây trước mười hay mười hai năm, với tất cả số tiền để sinh sống là hơn bốn mươi ngàn dolars trong trương mục chính thức của hắn. Trước đó, hắn đã phải ký một cái lệnh chuyển ngân số hai triệu dolars mà bọn Caltani đã trả công cho hắn để làm đồng lõa trong vụ bắt cóc Baumer, hắn đã dấu số tiền này ở Nassan. Tôi thu hồi lại số tiền này, rồi người ta sẽ hiểu tại sao.
° ° °
Henry Chance. Tôi muốn đích thân báo cho ông biết những sự thay đổi đã xẩy ra, và vì thế ngay sau khi thanh toán xong với Walcher, tôi đi lần cuối cùng tới Atlantic City. Henry Chance, nghe tôi nói, ngồi im lặng dáng điệu xa vắng. Nhưng thấy những tia sáng ở đáy đôi mắt nhạt màu kia, tôi đoán là tôi đang thuyết pháp cho Phật nghe.
- Ông đã biết hết cả rồi, có phải không, ông Henry?
- Tôi biết là ông đang chuẩn bị một việc gì chống bọn Caltani. Cái đó đã xẩy ra, ván bài đã xong và ông đã thắng. Nhưng cuộc chơi vẫn tiếp tục với những người chơi khác.
- Ông sẽ không thấy lại chúng nữa, là tôi nói bọn Caltani ấy.
- Cả ông nữa.
- Cả tôi nữa.
Chúng tôi ngồi cạnh nhau trong căn phòng dài, thấp ở ngay trên phòng chơi. Rất nhiều màn hình cho chúng tôi thấy mọi ngõ ngách của Con Voi Trắng. Lúc đó là bẩy giờ tối. Đám đông vây quanh các bàn bạc, dầy đặc và vui vẻ.
- Ông Henry, tôi có nhiều lý do để nghĩ rằng những người đã mua Con Voi Trắng cũng là những người đã mua sòng bạc cũ của bọn Caltani.
- Và họ sẽ hợp nhất hai sòng lại làm một.
Có cái gì qua được mắt con người vừa lễ độ vừa bình tĩnh và đồng thời cũng rất xa cách này không? Tôi nói thêm:
- Trong bất cứ trường hợp nào, cũng chính ông sẽ là người được họ ủy thác cho việc quản lý sòng.
Dường như ông không nghe thấy tôi nói nữa, ông đang bận bật hết màn ảnh này đến màn ảnh khác để theo dõi một cô gái đang di động trong phòng chơi dưới chúng tôi: Đó là một trong những cô gái phụ trách việc cung cấp tiền đồng cho những người chơi các máy xu. Đột nhiên, ông bật ngón tay, gọi một người phụ tá đến, ra lệnh: “Tống cổ ngay tức khắc cô gái ra cửa, không phải giải thích gì cả". Một người quản lý sòng không phải giải thích, người đó ngự trị và ra lệnh thế thôi.
Ông nhìn tôi bằng một đôi mắt trong sáng:
- Franz, tôi có thể cho ông một lời khuyên được không?
Đây là lần đầu tiên ông gọi tôi bằng tên tục.
- Tại sao không?
- Ông đừng dính dáng vào chuyện sòng bạc nữa. Lần này ông đã thoát ra được đấy.
Nhưng viên đạn đã không đi xa lắm! Tôi công nhận thế. Tôi bắt tay ông.
- Khi nào ông đến, ông cũng vẫn sẽ được hoan nghênh ở Con Voi Trắng.
- Ông biết rõ là tôi sẽ không bao giờ đặt chân đến đây nữa.
Ông gật gật đầu, và dường như đã quên tôi rồi, hai mắt nhìn lên các màn hình. Một thứ tu sĩ - chiến sĩ đứng ở một lỗ châu mai, suốt cả cuộc đời lắng đọng trong sự canh gác đó. Đó là hình ảnh cuối cùng của ông mà tôi mang theo đi, vì không bao giờ tôi gặp lại ông nữa.
° ° °
Olliphan.
Ban đêm tôi mới từ Atlantic City trở về, và khi tôi giao chiếc xe của tôi cho người gác cửa khách sạn Pierre thì đã hơn mười hai giờ. Vừa vào cửa, phòng đón tiếp đã đưa cho tôi một bức thư đang chờ tôi. Thư của Olliphan. Nội dung từng chữ một như sau: “Tôi còn một điều cuối cùng nữa muốn tiết lộ với ông, và rất quan trọng. Bất cứ ông về vào giờ nào, tôi xin ông hãy đến gặp tôi”.
Tôi lưỡng lự, và định vứt bức thư vào sọt rác. Nhưng tính tò mò đã thắng. Một sự tò mò đi đôi với cảnh giác. Tôi kéo Người Anglais và Marc ra khỏi giường của họ, rồi chúng tôi cùng đi.
Ở phố 65 Tây, rõ ràng là đám đông vừa tan đi. Hai người cảnh sát đang ngăn những người hiếu kỳ cuối cùng đứng xa một vết lớn trên hè phố, ngay dưới sáu mươi lăm tầng lầu của cao ốc. “Một tai nạn hả? Hai người chết, ngã từ trên cao kia xuống, trong một trạng thái kỳ lạ”.“Không phải chỉ vì ngã từ cao như thế xuống đâu?” Người cảnh sát vui lòng giải thích cho chúng tôi, theo anh ta, thì chính axít đã gây ra những vết thương khủng khiếp nhất. “Người ta chưa biết là ai, là nói về những cái xác ấy”.
Marc thì cho là nên rút lui ngay tức khắc, nhưng không có gì ở trên đời này có thể ngăn cản tôi không đi lên. Tôi lại gặp người bảo vệ có võ trang, mười một tháng trước đây đã chỉ cho tôi cầu thang máy riêng của Olliphan. Anh ta nói là chắc chắn những người cảnh sát vẫn còn ở trên đó sẽ không để cho chúng tôi vào đâu, trừ phi chúng tôi có những lý do chính đáng. Chúng tôi đi lên.
Quả nhiên có cả đến một đội cảnh sát ở tầng lầu thứ sáu mươi tư. Thay vì giấy thông hành, tôi đưa cái thư của Olliphan ra. Người ta hỏi tôi, nhưng tôi biết nói gì được? Tôi không biết một tý gì cả? Cuối cùng, người ta giải thích cho tôi là đến giai đoạn này của cuộc điều tra, thì phải kết luận như sau:
Không có một người làm chứng nào. Tất cả những người ở đều đã được cho thôi việc ngay hôm nay, nếu theo lời người đầu bếp Porto Rico mà chúng tôi đã tiếp xúc được và cũng sắp đến đây. Không có một người làm chứng nào, nhưng các dấu vết cũng đủ để kể lại câu chuyện: Ông ta đã dội axít vào người vợ, rồi cũng tự tưới axít vào mình, hoặc do cố tình hay vì bất cần. Rồi thì, cả hai đi lên cái sân gác thượng kỳ quái và điên khùng vừa dốc vừa không có bao lơn ấy. Ngã sáu mười lăm tầng lầu để làm nốt công việc của axít, thì ông bảo còn lại cái gì nữa? Ông có gì khai báo không?
Không. Chúng tôi đi xuống.
Ban đêm ở New York, trời nóng và ẩm. Mãi đến gần khách sạn Pierre, Người Anglais mới nói với tôi:
- Cái vụ axít này làm cho tôi suy nghĩ. Có một việc mà tôi có thể làm được để cho biết sự thật: Tại Rio, trên những hòn cù lao ở trước thành phố có một bác sĩ thay đổi được các bộ mặt. Nếu ông muốn, một trong những người của tôi hay đích thân tôi, ngay đêm nay sẽ đáp máy bay đi Brasil. Chỉ để xem là một người trước đấy tên là Olliphan, có hẹn họ gì với nhà phẫu thuật này không. Hay là, tôi cũng có thể đảo qua Nam Phi, vào chỗ của Korber đó...
Tôi tìm đôi mắt của Marc. Anh lắc đầu. Ý kiến của tôi cũng như thế. Tôi nói với người Anglais:
- Không. Câu chuyện của Con Voi Trắng đã kết thúc rồi. Và nhất là tôi không muốn biết có cái gì sẽ xẩy ra cho Olliphan. Nhưng dù sao cũng cảm ơn ông.
- Đó là điều tối thiểu - Người Anglais đáp lại.
° ° °
Và Caliban, Patty và Lý và Lưu và Miranda. Họ hãy còn sống cả, có thể là dưới những cái tên khác. Caliban chia thời gian giữa California và Atlantic City, ở đây anh đã sáng lập ra một trường đua ngựa dành riêng cho những “người thấp”, cưỡi những con ngựa giống nhỏ, và mỗi lần đua lại có mở cá độ theo kiểu Pháp. Ngày nay, anh vẫn còn dùng nhiều thời gian vào công việc này.
° ° °
Và Heidi.
Nhờ đi đi lại lại như con thoi giữa nước Áo và Hoa Kỳ, cuối cùng Jimmy Rosen cũng đã giật được một thứ thu xếp quyết định. Chính tôi cũng phải đi tới bốn lần sang Vienne và Salzbourg để thương lượng với một cơ quan xã ác liệt không thể tưởng tượng được, thậm chí phải đài thọ cả một chuyến đi cho một công chức Áo sang tận San Francisco để quan sát tận mắt xem Sarah và tôi có định đưa con bé Tyrol của chúng tôi làm nghề mãi dâm không. Cũng ông công chức này, đã “gặt hái” được để trả giá cho chuyến đi của ông, hai cú đá bằng guốc vào xương cẳng chân. Những thủ tục nhận con nuôi được bắt đầu tiến hành, và kết thúc vào tháng sáu năm sau, 1978.
Ít nhất trong thời gian đó, chúng tôi có thể cùng nhau vượt các biên giới. Vì lý do ấy, vào tháng chín 1977, tôi tiến hành một cuộc đại hội của toàn thể gia đình tôi trong căn nhà La Capilla của tôi ở Saint Tropez.
- Con có thể ở truồng được không ạ? Heidi hỏi.
- Thế rồi sao nữa?
- Tất cả mọi người đều ở truồng hết.
- Không phải tất cả mọi người. Bác có ở truồng đâu nào, cả bác Sarah cũng thế.
- Đối với bác - nó cười gằn - thì có lẽ thế lại hay hơn đấy! Người ngợm như bác thì mặc quần áo là có lợi cho bác đó. Nhưng bác Sarah cũng không đeo cả su chiêng nữa.
- Con cũng thế. Mà vì lẽ, con có gì để trưng ra đâu nào.
- Bác tinh nhỉ. - Nó suy nghĩ.
Trên bờ bể bơi, Lý và Lưu, và các bà vợ của các anh (tôi hy vọng rằng các bà phân biệt được ai là Lý ai là Lưu) đang ngủ trưa một cách uể oải trong nắng tháng chín của Saint Tropez. Caliban và Patty cũng thế. Sarah đang ở trong nhà, cô ta có trong đầu cái ý nghĩ, là chuẩn bị cho ngày sinh nhật của tôi, một trong hằng hà sa số loại bánh ngọt Pudding Ireland, mà chỉ mới nhìn thấy thôi, tôi cũng đã sởn cả da gà lên rồi. Bánh này và món trứng đúc dăm bông là toàn bộ tất cả kho tàng bếp núc của cô ta.
Marc Andréa đang ngồi cạnh tôi, bắt chước tôi, hay cố gắng bắt chước làm như tôi, nghĩa là vạch ra những nét mà nó cho là những con số.
- Bác Cimballi.
Tôi ngửng đầu lên và gặp đôi mắt màu hoa sim
- Ừ, cái gì Heidi?
- Con yêu ba.
Đây là lần đầu tiên nó gọi tôi như vậy.
Rồi nó sỏ chân vào đôi guốc, và bắt đầu cuộc đi săn lùng, vừa đi vừa cào chân vào cát của bãi bể. Tôi lại trở lại với những con tính của tôi, mà tôi đã làm gần xong. Và tôi chắc chắn về những kết quả đạt được: Tôi đã làm đi làm lại những con tính này có dễ đến hơn hai trăm năm mươi lần rồi cũng nên. Mà đơn giản lắm: Nếu đem bán cái số một trăm sáu mươi tư triệu dolars tôi đã nhận hay sắp nhận được của Hassan, trước với những số tiền vay của Lý và Lưu cộng thêm lãi, cộng với hai mươi lăm triệu mà tôi hoàn lại cho chị em Moser, cộng với những tiền hoa hồng cấp cho người Thổ Nhĩ Kỳ và Baltazar, cộng với tiền công của Marc, cộng với số lương huy hoàng của Người Anglais, cộng với tiền thuê Flint và chiếc máy bay của anh, cộng với tất cả những chi phí riêng của tôi, cộng với những gì tôi đã tiêu cho Con Voi Trắng về mọi mặt, từ ngày 14 tháng sáu năm ngoái...
Một tiếng la thét từ ngoài bãi bể vọng lại, theo sau ngay tức khắc bởi tiếng cười trong trẻo và đắc thắng của Heidi. “Đó là chuyên khoa của cháu mà” (Heidi la lên như vậy).
... Nếu tôi trừ tất cả những số tiền ấy đi, và xem còn lại những gì, thì tôi nhận thấy tôi là chủ của một món tiền là chín mươi mốt triệu, tám trăm hai mươi ba ngàn, sáu trăm bốn mươi mốt dolars. Nghĩa là rất chính xác những gì mà tôi có vào cái buổi sáng ngày 14 tháng sáu 1976 khi tôi trèo lên chiếc máy bay ở Montego Bay, Jamaique đi New York để báo cho Philip Vandenberg tôi muốn mua một cái sòng bạc.
Những gì tôi có sáng hôm ấy, có tăng thêm bởi số lãi tôi rút ra được của Con Voi Trắng: Số lãi này chính xác lên đến một trăm năm mươi bẩy dolars và hai mươi chín xu, trừ thuế má.
Một tiếng hét giận dữ thứ hai ngoài bãi bể. Và Heidi lại phá lên cười và tuyên bố sự vui sống của nó. Tôi cất chiếc bút máy của tôi đi, lấy chiếc bút máy của Marc Andréa ra khỏi tay nó. Tôi nói với nó:
- Ông đồng nghiệp thân mến ơi, ông có muốn vứt lại đó nền Tài Chính và chúng ta cùng chuồn đi trước khi chiếc bánh ngọt Pudding Ireland xuất hiện không?
Nó đồng ý một cách nhiệt tình, vì cũng hoảng sợ như tôi trước cái tai nạn Pudding sắp tới. Chúng tôi kết thúc buổi làm việc. Tôi dắt tay nó, đi xuyên qua vườn, xuống bãi biển.
Tôi dắt Heidi bằng tay kia, và cả ba chúng tôi, cùng đều bước đi ra biên giới giữa bãi cát và những con sóng lười biếng, nói chung trong bụng rất bằng lòng mình.
Rồi hai đứa thả tay tôi ra, Heidi đứng trên cát ướt quay những đọt tóc vàng óng dưới ánh sáng mặt trời chói lòa. Và con trai tôi, theo nó trong một cuộc nhẩy cuồng loạn đầy những tiếng cười.
Tôi đã chạy đôn chạy đáo khắp thế giới để đi tìm một cái gì đang ở ngay trước mặt tôi, mà không một lưỡi kiếm bạc, một chìa khóa nào có thể đem lại cho tôi được. Nhìn những tấm thân bé nhỏ rám nắng nhễ nhại bọt nước của chúng, tôi tự nghĩ cái tôi tìm là nó đấy, Gia Tài của tôi đó.
Gia Tài Thực Sự - Duy Nhất - Tiếng cười của Heidi và Marc Andréa nổ vang trong tôi như một chân lý không có vết rạn nứt.
HẾT
★★★
Powered by vBulletin® Version 4.2.2 Copyright © 2024 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.