PDA

View Full Version : Ông Gẫy Súng đã lên tàu ...



hienchanh
11-14-2010, 03:10 AM
:sad_smile:


Tâm tình một nẻo quê chung
Người về cố quận muôn trùng ta đi

( Huy Cận )


Như vậy là ông Gẫy Súng đã lên tàu về quê.


Lần này thì súng của ông bị bẻ gẫy chẳng bởi tại người, hay bởi vận nước, mà bởi cái lẽ sinh lão bịnh tử mà không một ai thóat ra khỏi được vòng cương tỏa của nó.

Trước khi bước chân lên tàu, ông đã chiến đấu rất dũng mãnh và can trường, không kém gì trận chiến năm xưa dù sau đó súng của ông (và của rất nhiều những chiến hữu của ông) đã bị bẻ gẫy. Súng gẫy thì vất súng, ông cầm bút. Mấy chục năm nay lưu vong nơi xứ người, với cây bút trên tay ông đã làm được nhiều việc mà không phải ai cũng làm được. Cho đến giây phút ông không còn sức để cầm bút nữa, không một ai có thể bẻ gẫy được ngòi bút của ông.

Và ông vẫn là một chiến sĩ cho đến giây phút cuối cùng. Một con Kình Ngư không hề biết sợ sóng, sợ gió.

Nay thì con Kình ngư sẽ về nằm yên nghỉ giữa biển cả mênh mông, ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ rì rào như lời mẹ ru đón con ra khỏi cuộc đời, thay cho những tiếng thét đau đớn uất hận ngày nào trên bãi biển Thuận An (Huế).

Những người bạn chiến đấu của ông, những người nằm lại trên bãi biển Thuận An từ dạo tháng Ba năm ấy, hẳn sẽ vui mừng chào đón ông, như chào đón một chiến binh quả cảm đã dũng mãnh tiếp tục cuộc chiến, dù không cân sức, thay cho những đồng đội của mình bị lọai khỏi vòng chiến một cách tức tửi .

Tôi hình dung ra chuyến tàu “suốt “ vừa ngừng lại đón ông Gẫy Súng, đang từ từ tiến vào trạm cuối cùng. Trên sân ga, lố nhố những bóng người quen thuộc của bãi biển Thuận An năm nào. Người bạn chiến đấu năm xưa đã trở về, thể xác tuy mệt mỏi nhưng thần thái ung dung. Họ lại tiếp tục ngồi bên nhau uống rượu, hút thuốc lá, chửi thề, nhắc lại cho nhau những kẻ còn, người mất (trong thế giới của những người lính gẫy súng ở giờ thứ hai mươi lăm, kẻ còn tức người đã chết và người mất, tức những kẻ còn nặng nợ trần gian, chưa mãn hạn để có thể thảnh thơi bước lên tàu). Và chắc chắn, ông Gẫy Súng có rất nhiều điều để nói cùng bạn hữu. Bạn bè ông, ngoài nỗi vui gặp lại bạn cũ, hẳn còn nỗi vui khác lớn hơn. Ít nhất, thằng Tháng Ba Gẫy Súng đã nói lên được cho họ nỗi uất ức đến chết không thể nhắm mắt của một ngày tháng Ba năm 1975.

Chỉ với một tác phẩm, quyển hồi ký “Tháng Ba gẫy súng”, ông đã làm tròn vai trò một chứng nhân lịch sử, làm tròn sứ mạng thiêng liêng của một người cầm bút. Với người cùng thời, những người đã từng sát cánh với ông ở một bên chiến tuyến, ông là hiện thân của lương tâm, của sự dũng cảm, của những khát vọng được sống một cuộc sống bình thường như một con người bình thường. Với những người đã từng một thời cầm súng đứng ở bên chiến tuyến đối nghịch với ông và những bạn bè của ông, ông là ngọn gió thổi tan đi lớp sương mù ngộ nhận, gây ra bởi một guồng máy tuyên truyền vô nhân tính chỉ nhằm gieo cấy lòng thù hận giữa những người cùng một dòng máu đỏ da vàng. Với những thế hệ chưa một ngày sống qua chiến tranh, ông là ngọn đèn soi cho họ thấy sự thảm khốc cùng cực của chiến tranh, sự vô nghĩa của thân phận con người trong lửa đạn, sự độc ác vô luân của những tham vọng áp đặt chủ thuyết này, ý thức hệ nọ lên quốc gia dân tộc.

Tất cả những thành tựu không nhỏ ấy, lại là kết quả từ một tập sách mỏng, của một người vốn trước đó không phải là nhà văn. Theo lời một vị thầy của tôi (nhà văn Nguyễn Xuân Hòang), ông không phải là một nhà văn, nhưng đã viết nên “những trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người".

Tôi nhớ có người nào đó bảo rằng con người ta ai cũng có hai lần chết. Lần chết thứ nhất là khi thân xác được bỏ vào quan tài . Lần chết thứ hai là khi không còn ai nhắc đến tên mình nữa.

Nếu quả đúng như vậy thì ông Gẫy Súng của tôi chỉ chết có một lần.

Bao lâu người ta còn nhắc đến, còn bàn luận về cuộc chiến tranh tương tàn khốc liệt giữa những người Việt ở hai miền Nam Bắc thì ngày ấy người ta còn phải nhắc đến tên ông, nhắc đến những ngày cuối cùng bi thảm của cuộc chiến.

Hơn 25 năm nay, tiếng kêu bi phẫn của ông Gẫy Súng đã được nhiều người lắng nghe. Mỗi người, ở vị trí của mình – trong và sau cuộc chiến – đều mang một tâm trạng khác nhau khi đọc ông . Người ta có thể phản bác ông, nhưng tôi tin rằng , không một ai – dù là người ở bên kia chiến tuyến với ông – có thể nghi ngờ tính nhân bản phủ đầy những trang viết của Tháng ba Gẫy Súng, kể cả những trang mô tả sự tàn nhẫn khốc liệt nhất, kể cả ở những câu đối thoại độc ác nhất, kiểu “ Đụ mẹ, đánh giặc đã quá ông thầy!”

Khi tôi viết những dòng này, hẳn đôi mắt ông Gãy Súng đã nhắm lại (tôi tin như vậy, vì ông có quá nhiều lý do để thanh thản ra đi). Ông có mãn nguyện không? tôi không thể quả quyết. Nhưng nếu tôi là ông, tôi sẽ mãn nguyện. Những gì cần phải làm cho người chết với tư cách kẻ sống sót, ông đã hòan thành xuất sắc.

Ông ra đi, những vẫn còn lại những trang viết, những “ trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người". Vì chúng lương thiện và giản dị, nên chắc chắn chúng sẽ bất tử.

Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã từng kêu lên: Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ? Giả như ba trăm năm sau ngày cụ Nguyễn Du lên tàu “suốt “, vẫn còn có người khóc cụ thì phỏng có ích gì cho cụ không khi thân xác cụ đã chỉ còn là nắm đất vụn. Điều quan trọng là những câu lục bát của cụ vẫn còn được lưu truyền không chỉ ba trăm năm, mà sẽ là ba ngàn năm, ba triệu năm nữa.

Còn ông Gẫy Súng của chúng tôi? Ông có cần phải thắc mắc rằng ba trăm năm sau liệu có còn ai nhớ đến ông không? Tôi không tin ông bận tâm về điều đó. Vì những trang viết lương thiện và giản dị của ông, không phải chỉ cho ông, mà còn cho một thế hệ tuổi trẻ (ở cả hai miền Nam Bắc) Việt Nam tội nghiệp. Nếu ba trăm năm sau, có kẻ hậu thế nào đó – nhờ đọc được Tháng Ba Gẫy Súng của ông – đã làm hết sức mình để tránh cho lịch sử của ba trăm năm trước lập lại, thế cũng đã quá đủ một đời phong ba rồi, phải không ông?

Mấy hôm trước, nghe tin ông đang ngấp nghé bên bờ tử sinh, tôi đã nhờ người quen kẻ biết nhắn với ông rằng “Chừng nào tới giờ lên tàu, ông cứ thanh thản lên tàu. Đừng lo cho chúng tôi. Thế nào cũng còn chỗ cho kẻ đến sau, chứ không phải như tháng Ba gẫy súng năm nào mà phải giành nhau đâu, ông Cao Xuân Huy ạ ! “.

Đường đời muôn vạn nẻo, nhưng chỉ có một nẻo đích thực để trở về cố hương. Đó là lối nhỏ đi qua những tấm lòng bằng hữu, với hành trang trên vai là lòng thương yêu của những người thân kẻ thuộc trong gia đình.

Ông Gẫy Súng của tôi ơi! Lối nhỏ bằng hữu đang hân hoan đón chào ông, hành trang thương yêu của gia đình đang sẵn sàng chờ ông ghé vai đỡ lấy.

Chúc người về cố quận thượng lộ bình an !

T.Vấn

http://damau.org/archives/16760


:sad_smile: