PDA

View Full Version : Vũ Hán: Câu chuyện về thất bại của hệ thống miễn dịch và sức mạnh xã hội



duyanh
02-10-2020, 01:19 PM
Vũ Hán: Câu chuyện về thất bại của hệ thống miễn dịch và sức mạnh xã hội





“Có một cảm giác mất mát thấm đẫm dành cho những người bệnh, và cũng dành cho một thời đại gắn liền với những triển vọng của nó” – Mã Thiên Kiệt.

Với đa số người dân Trung Quốc đang dõi theo tình trạng khẩn cấp của virus corona tại Vũ Hán, tình hình đã đột ngột leo thang vào ngày 20/1, gần 20 ngày sau khi chính quyền lần đầu tiên công khai sự việc, đồng thời hạ thấp nguy cơ tình hình.Xuất hiện trong cuộc họp báo do Ủy ban Y tế Nhà nước (NHC) tổ chức, Chung Nam Sơn, 84 tuổi, chuyên gia về hô hấp, cũng là một nhà khoa học hàng đầu trong nhóm tư vấn cấp cao của NHC, đã thừa nhận trong căn phòng chật kín phóng viên rằng virus corona có thể lây từ người sang người. Ông cũng tiết lộ rằng các nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh. Trong một cuộc trò chuyện khác trên truyền hình vào cuối ngày hôm đó, ông Chung đã nói thêm với người dẫn chương trình “Tin tức 1+1” rằng mọi người nên tránh hoàn toàn việc đến hoặc đi khỏi Vũ Hán.
Sáng hôm đó, ông Chung được Thủ tướng Lý Khắc Cường mời tham gia cuộc họp nội các liên quan đến dịch bệnh, diễn ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra chỉ thị. Tuy nhiên, chính sự tái xuất của ông Chung trên truyền thông nhà nước đã làm thay đổi một cách quyết liệt giọng điệu của những cuộc đàm luận ở cấp quốc gia.Cho đến lúc này, diễn tiến của chủng virus mới tới trung tâm của một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu là tương đối rõ ràng.



Vào đầu tháng 12 năm 2019 và có lẽ sớm hơn, virus corona có khả năng đã phá vỡ hàng rào chủng loài tại một khu chợ ẩm ướt giữa Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân bên sông Dương Tử, và lây nhiễm cho nạn nhân đầu tiên. Những người nhiễm bệnh có triệu chứng của một dạng viêm phổi cấp tính, và từ đó, nó bắt đầu lan rộng. Một điều cũng rõ ràng là trước ngày 20/1, chính quyền địa phương đã xác nhận dịch bệnh với một phản ứng chậm chạp và hờ hững.
Theo nhiều mốc thời gian được tái dựng trên mạng xã hội Trung Quốc, ca nhiễm đầu tiên xuất hiện từ ngày 8/12, nhưng phải đến ngày 30/12, các cơ quan y tế Vũ Hán mới thừa nhận sự tồn tại của ca “viêm phổi không rõ nguyên nhân” sau khi một thông báo lưu hành nội bộ bị rò rỉ, trong đó có chỉ thị giữ bí mật nghiêm ngặt về tình hình. Vào ngày 1/1/2020, chính quyền Vũ Hán đã “xử phạt” 8 công dân vì lan truyền “tin đồn” về căn bệnh. Sau khi truyền thông có trong tay thông báo, chính quyền địa phương mới thừa nhận rằng có 27 trường hợp đã được chẩn đoán nhiễm bệnh, hầu hết trong số đó liên quan đến các chủ cửa hàng ở chợ hải sản Hoa Nam. Tuy nhiên, mặc dù bị nghi ngờ là một ổ chứa virus, khu chợ vẫn được phép mở cửa cho đến năm mới, và chỉ bị đóng cửa sau khi tình hình được công khai.
Sự thừa nhận thẳng thừng của Chung Nam Sơn đã đánh thức đất nước trước một tình huống đe dọa đến tính mạng người dân, gợi nhớ đến 17 năm trước khi đại dịch SARS thảm khốc năm 2003 đã giết chết hơn 700 người trên thế giới và làm cả đất nước điêu đứng. Vào thời điểm đó, sự xuất hiện của Chung Nam Sơn trên chương trình tin tức hàng đầu của CCTV “Mặt đối mặt” đã thách thức sự quả quyết sai lầm mà Bộ trưởng Y tế thời bấy giờ Trương Văn Khang đưa ra. Ông Trương nổi tiếng vì đã cười nhạo một nhà báo nước ngoài đeo khẩu trang trong cuộc họp báo vào đầu tháng 4 năm 2003 khi dịch bệnh SARS ở Bắc Kinh, trên thực tế, đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Chưa đầy hai tuần sau, ông Trương và thị trưởng Bắc Kinh đã bị cách chức như một bước ngoặt trong cuộc chiến chống SARS tại Trung Quốc.


https://trithucvn.net/wp-content/uploads/2020/02/zhong-nanshan.jpg (https://trithucvn.net/wp-content/uploads/2020/02/zhong-nanshan.jpg)

Hình ảnh ông Chung Nam Sơn trên chuyến tàu đến Vũ Hán (Ảnh: weibo)

Sự tái xuất của ông Chung lần này mang tính trấn an. Ông Chung cùng với bác sĩ Tưởng Ngạn Vĩnh – những người bất chấp nguy cơ đàn áp chính trị để cảnh báo truyền thông quốc tế về sự bùng phát của SARS ở Bắc Kinh – là đại diện cho lương tâm của cộng đồng y khoa Trung Quốc đã mang lại hy vọng cho công chúng vào năm 2003. 17 năm sau, ông Chung cho thấy ông vẫn nhận được sự tôn trọng hết mực từ công chúng. Bức ảnh một cụ ông chợp mắt mệt mỏi trên chuyến tàu đến Vũ Hán lan truyền dữ dội trên Weibo, nơi cộng đồng mạng bày tỏ lòng kính trọng đến vị bác sĩ già. Và giờ đây, người dùng Weibo than thở trước một thực tế rằng, 17 năm sau, ông vẫn cứ phải là người đứng ra báo tin xấu cho cả nước.Các sự kiện sau này sẽ chứng minh cảm giác yên tâm đó vừa sai lầm vừa thiếu chín chắn. Trung Quốc năm 2020 tiến bộ hơn nhiều về kinh tế và công nghệ so với Trung Quốc năm 2003. Tuy nhiên, dịch bệnh ở Vũ Hán đã bộc lộ ra một hệ thống miễn dịch xã hội yếu kém mà đối với thế hệ mới của Trung Quốc, là một phát hiện đau đớn và sự khai tâm về chính trị.


***

Tài Tân, tuần báo kinh doanh được xem như pháo đài của báo chí chuyên nghiệp, đã nhận thấy những dấu hiệu thay đổi về chính trị, và là một trong những nơi đầu tiên cử phóng viên đến Vũ Hán trong khi mọi người đang lũ lượt rời khỏi thành phố, phần vì bệnh dịch, phần vì Tết Nguyên đán – kỳ nghỉ quan trọng nhất của đất nước trong năm, khi hàng trăm triệu người về nhà đoàn tụ với gia đình.

Những bài báo đầu tiên của Tài Tân là báo cáo hiện trường từ Bệnh viện Đồng Tế và nhà ga Vũ Hán, cho thấy các biện pháp phòng ngừa được dựng lên muộn màng. Rõ ràng, lời khuyên của Chung Nam Sơn trước đó về việc không rời đi hoặc đến Vũ Hán không được người ta lưu tâm. Một lượng lớn hành khách vẫn đi lại trong các sảnh của nhà ga. Dịch bệnh đã không thể xảy ra vào thời điểm tồi tệ hơn.

Trong thành phố, các phóng viên đã ghi nhận những dấu hiệu đáng lo ngại hơn. Một nhóm phóng viên của tuần báo Tam Liên đã đến thăm lại chợ hải sản Hoa Nam, lúc đó đã đóng cửa, và tình cờ gặp một chủ cửa hàng đang thu dọn đồ tên là Hoàng Trường. Ông Hoàng bị nhiễm bệnh, và vợ ông cũng vậy. Nhưng cả hai vẫn di chuyển tự do trong thành phố vì các bệnh viện không được cảnh báo đầy đủ hoặc không sẵn sàng để tiếp nhận bệnh nhân đến từ chợ hải sản. Bài báo của tờ Tam Liên đã khiến công chúng chú ý đến những bệnh viện kiệt quệ tại Vũ Hán, nhiều trong số đó đã có dấu hiệu căng thẳng: những hàng người ngày một dài tại các phòng cấp cứu, thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm, phòng điều trị la liệt bệnh nhân phải cách ly…

Đối với một số người, những báo cáo từ thực địa như thế này làm liên tưởng đến một quá khứ không xa nhưng vắn số. Lý Hải Bằng, một nhà báo điều tra kỳ cựu đã nhắc những người theo dõi Weibo của mình hãy “ngắm nhìn lần cuối cùng ánh hoàng hôn rực rỡ”, vì đây là những phương tiện truyền thông cuối cùng còn lại ở Trung Quốc vẫn đang cố gắng bảo vệ lợi ích cho cộng đồng.
Giữa năm 2003 và 2020, có một sự khác biệt rõ ràng cho bất cứ ai theo dõi, đó là sự sụt giảm và xuống cấp của ngành truyền thông ngoài quốc doanh của Trung Quốc. Vào đầu thế kỷ, các tờ báo và tạp chí mới được tự do hoá (một phần) của Trung Quốc đã săn đuổi các tin tức và các vụ bê bối không khác mấy so với truyền thông phương Tây. Vụ SARS trước kia đã dựng lên tên tuổi các cơ quan truyền thông như Southern Metropolis News và nhật báo Thanh niên Bắc Kinh. Sự dũng cảm của họ khi phá vỡ các chỉ thị cấm khẩu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đầu tiên ở Quảng Châu và Bắc Kinh, hai tâm chấn của dịch SARS. Những năm sau đó chứng kiến nhiều đợt thanh lọc và kỷ luật trong ngành này, các nhà báo điều tra trở thành một loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Sự thoái trào của truyền thông rõ ràng đến mức ngay cả Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của thời báo Hoàn Cầu và là người bảo vệ sắc sảo các chính sách của Đảng, đã thừa nhận rằng việc liên tiếp cắt bỏ quyền lực của các phương tiện truyền thông bởi “các cơ quan chính phủ không liên quan” (đề cập đến những người không trực tiếp phụ trách truyền thông) đã làm suy yếu đáng kể khả năng của xã hội trong việc báo động về mối nguy sắp xảy ra.

17 năm sau dịch SARS, việc cắt bỏ một phần quan trọng trong “hệ thống miễn dịch” cảnh báo nguy cơ như thế đã khiến chính quyền ĐCSTQ phải trả giá đắt. Vào ngày 23/1, người dân ở Trung Quốc thức dậy với tin tức Vũ Hán bị phong tỏa theo lệnh của chính phủ. Đại đô thị bên sông Dương Tử đã đóng cửa tất cả các nhà ga giao thông. Không ai có thể ra khỏi thành phố nữa.

Các biện pháp quyết liệt của chính phủ được đón nhận với sự bối rối, hoảng loạn và kích động. Có thời điểm, ngay cả thị trưởng Vũ Hán cũng không rõ lệnh cấm đi lại áp dụng với đối tượng nào. Giọng điệu trong các bài báo trên phương tiện truyền thông nhanh chóng trở nên u ám, từ sự cảnh báo của Chung Nam Sơn đến sự tuyệt vọng của Quản Dật. Ông Quản là một nhà virus học hàng đầu tại Đại học Hồng Kông, cho biết bản thân ông thấy “sợ hãi” trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp với tờ Tài Tân. Vị chiến binh lão làng trong dịch SARS và cúm gia cầm thừa nhận rằng trong chuyến thăm ngắn ngày tới Vũ Hán trước khi thành phố bị phong toả, ông đã chứng kiến một thành phố hoàn toàn không được vũ trang. “Nó sẽ tệ hơn SARS gấp 10 lần.”

> Giữa sự sống và cái chết: Những câu chuyện bên trong Vũ Hán (https://trithucvn.net/trung-quoc/giua-su-song-va-cai-chet-nhung-cau-chuyen-ben-trong-vu-han.html)Những tình cảnh khủng khiếp trong các bệnh viện tại Vũ Hán bắt đầu lộ diện. Cả hai tờ Tam Liên và Tin tức Bắc Kinh – một tờ báo khác gia nhập đội hình báo chí thực địa – đều hướng sự chú ý tới các phòng điều trị và phòng cấp cứu đông đúc. Bức tranh được mô tả thật kinh khủng: nhân viên y tế bị choáng ngợp bởi lượng lớn bệnh nhân đổ đến; năng lực bệnh viện đã đạt đến giới hạn, biến thành không gian công cộng nguy hiểm; bệnh nhân bị từ chối chẩn đoán, lay lắt giữa nhà và bệnh viện.

Năm 2003, dịch SARS lấy đi mạng sống của một số lượng lớn nhân viên y tế khi các bệnh viện không thể cách ly bệnh nhân ngay lập tức. Còn ở hiện tại, các bệnh nhân cần cách ly nhưng bệnh viện đã không còn chỗ. Mạng xã hội nhanh chóng tràn ngập hình ảnh những hàng dài người tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Một đoạn video đau lòng quay cảnh một bác sĩ ở tiền tuyến tuyệt vọng gọi điện cho cấp trên của mình khóc lóc và chửi bới được đăng tải rộng rãi, sau đó bị kiểm duyệt, và tiếp tục được đăng lại nhiều lần.Giống như những người tiền nhiệm của họ vào năm 2003, các nhân viên y tế của Vũ Hán như những người lính tay không khi phải đối mặt với sự tấn công của một loại virus còn chưa được biết rõ. Chủ nghĩa anh hùng trở nên đau xót hơn khi sự hy sinh của họ lẽ ra có thể tránh được. Mỉa mai thay, tình huống sinh tử trong các bệnh viện lại được đặt cạnh tâm thức hội hè của các quan chức Vũ Hán.

Hóa ra, vào đêm 21/1, chưa đầy hai ngày trước khi thành phố bị phong tỏa, các nhà lãnh đạo của Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã thưởng thức một chương trình lễ hội mùa xuân tràn ngập không khí vui tươi dành riêng cho các cán bộ. Truyền thông xã hội cũng nhận thấy vào ngày 19/1, chỉ một ngày trước những cảnh báo của Chung Nam Sơn trên truyền hình quốc gia, chính quyền Vũ Hán đã tổ chức một bữa tiệc mừng xuân lớn với 40.000 gia đình, một sự coi thường trắng trợn các nguyên tắc phòng dịch.

Trước đó, từ ngày 6/1 đến ngày 16/1, cơ quan y tế của Vũ Hán không báo cáo thêm một trường hợp mới nào, mang tới cảm giác dịch bệnh đã được kiểm soát. Sự im lặng hoàn toàn của chính quyền thành phố lại trùng khớp với các hội nghị chính thức và lịch trình các lễ kỷ niệm: từ 6/1 đến 11/1, các cán bộ tỉnh đã tập trung tại Vũ Hán cho các phiên họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân địa phương. Rõ ràng là, những nghi thức chính trị không thể bị xáo trộn.


***

Trong khi sự công phẫn nhắm vào giới quan chức dâng cao, thì một kiểu phẫn nộ khác lại bùng nổ trên mạng xã hội Trung Quốc. Thông điệp bi quan của Quản Dật trên tờ Tài Tân đã vấp phải những lời nhục mạ từ mạng xã hội, nhiều cư dân mạng chỉ trích ông gieo rắc hoảng loạn và chơi trội. Hành động rời Vũ Hán ngay lập tức của ông cũng bị chế nhạo như một sự đào ngũ. Một số người đi xa hơn, chỉ trích ông Quản đã có tiền sử phóng đại quá mức các tình huống virus, trích dẫn các bài bình luận báo động của ông về dịch cúm gia cầm năm 2013. Bản thân tờ Tài Tân cũng không tránh khỏi những lời chỉ trích như vậy, khiến tác giả của cuộc phỏng vấn phải đứng lên công khai bảo vệ bài báo, nhấn mạnh rằng những tiếng nói như vậy là có tác dụng tốt đối với cuộc chiến chống lại virus.

Phản ứng dữ dội trên MXH chống lại Quản Dật và báo Tài Tân không phải là hiếm hoi trong cuộc bùng nổ dư luận xã hội trên toàn quốc xung quanh vụ dịch. Nhiều thứ đã thay đổi trong 17 năm kể từ 2003, nhưng có một khác biệt rõ ràng là sự xuất hiện của những “dư luận viên” của nhà nước chống lại bất cứ ai họ coi là “phần tử phản động.” Các chuyên gia, phương tiện truyền thông và cá nhân đều có thể trở thành mục tiêu đe dọa dưới danh nghĩa “đập tan tin đồn”. Những “dư luận viên” này (một số có dấu hiệu chỉ đạo từ nhà nước, một số khác tự phát) dường như là nhằm “duy trì trật tự và ổn định xã hội” trước sự bất ổn và hỗn loạn trên mạng. Bất kỳ lời nói nào bị coi là kích động hoặc gây hiểu lầm đều bị phản ứng thô bạo và trong nhiều trường hợp, bị công kích cá nhân. Điều bi thảm là ngay giữa tình trạng khẩn cấp ở Vũ Hán, “hệ thống miễn dịch chống lại bất đồng chính kiến” tiên tiến trên mạng này đã được kích hoạt để tấn công những cá nhân có nhu cầu [biết sự thật] và có sự bất bình thực sự.

Trên Weibo, câu chuyện của một bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona nhưng bị bệnh viện từ chối, sau đó bệnh tình của bà xấu đi nhanh chóng ở nhà, cuối cùng bà được nhận vào một phòng chăm sóc đặc biệt và chết hai ngày sau đó mà không bao giờ có cơ hội được chẩn đoán chính thức đã được đăng tải bởi ba người cháu của bà. Một trong số họ mô tả cảnh tượng khủng khiếp tại bệnh viện và những câu chuyện cô nghe được khi nói chuyện cùng tài xế xe cứu thương. Và điều này đã biến cô trở thành tội đồ.

Khi các tài khoản Weibo có ảnh hưởng đọc được câu chuyện, họ không hài lòng và tức tối. Một phần của câu chuyện dường như không hợp lý, và làm thế nào mà ba người dùng Weibo có vẻ không liên quan đến nhau đột nhiên lại cùng đăng bài về một “bà cô”? Một cách nhanh chóng, một câu chuyện về “các phần tử xấu” cố gắng gieo rắc sự nghi ngờ về phản ứng của chính phủ trước bệnh dịch bắt đầu xuất hiện. Sự khác biệt trong các câu chuyện của họ được nêu bật. Những câu chữ khả nghi bị soi xét kỹ lưỡng. Các giả thuyết bắt đầu xuất hiện, trong đó nổi bật nhất là những người này là đặc vụ Internet được Đài Loan thuê để khuấy động sự bất mãn ở Đại lục.

Bị lôi cuốn bởi những câu chuyện như vậy, hàng ngàn người dùng Weibo đã vào tài khoản của ba chị em họ để lăng mạ. “Những con chó cái kinh tởm!”, họ nguyền rủa. Khi Weibo xác minh danh tính của ba người phụ nữ trên, một vài kẻ cáo buộc đã đưa ra lời xin lỗi công khai. Weibo sau đó đã xoá một số tài khoản hàng đầu trong vụ này.

Ba chị em họ không phải là trường hợp đơn nhất. Trên khắp Weibo, những người tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ từ tâm chấn của dịch bệnh đã bị truy đuổi và tấn công bởi “những người bảo vệ sự thật” vì đã lan truyền tin đồn và thông tin sai lệch. Bắt nạt lan rộng đến mức một người dùng MXH đã đưa ra một hướng dẫn châm biếm, khuyên người Vũ Hán đang tìm kiếm sự giúp đỡ trên Weibo đầu tiên hay tự sỉ nhục bản thân và xin lỗi những người bảo vệ sự thật để họ tha thứ.

Các nhà quan sát tin rằng những kẻ tấn công bị một chứng hoang tưởng, cực kỳ ác cảm với những người truyền bá thông tin nhằm làm đảo lộn thế giới quan có trật tự của họ. Những người dùng Internet đau khổ ở Vũ Hán không phải là nhóm duy nhất bị bắt nạt bởi chứng hoang tưởng này.

Còn trong thế giới thực, người dân từ Vũ Hán và Hồ Bắc đột nhiên thấy mình không được chào đón ở quê hương. Tin tức về việc du khách đến từ Hồ bắc bị khách sạn và người dân nơi khác hắt hủi bắt đầu xuất hiện. Đến ngày 26/1, 3 ngày sau khi thành phố bị phong toả, vấn đề này đã trở thành mối quan tâm của cả nước, khiến các blogger phải công khai kêu gọi người dân bình tĩnh: “Người Vũ Hán không phải là kẻ thù của chúng ta.” Lời kêu gọi chấm dứt việc rò rỉ thông tin cá nhân của những người đến từ Hồ Bắc được phát đi. Rõ ràng, những người cảnh giác trong hệ thống có quyền truy cập vào thông tin như đăng ký nhận phòng khách sạn đã phát tán nó để những người khác có thể tránh, báo cáo hoặc xua đuổi những người có liên quan đến tỉnh Hồ Bắc.

Ngoài việc những người bình thường bị truy đuổi, cô lập, bắt nạt, bịt miệng và đẩy ra, sự tập trung của công chúng còn hướng tới những người phải chịu trách nhiệm cho sự hỗn loạn này. Sự tức giận của người dân được ví như trái bóng nhỏ trong trò chơi roulette. Vào bất kỳ thời điểm nào, nó có thể được dành cho chính quyền thành phố Vũ Hán, chính quyền tỉnh Hồ Bắc, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC), CDC Hoa Kỳ hoặc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tùy thuộc vào câu chuyện truyền thông nào hoặc bài viết nào trên blog đang là xu hướng tại thời điểm đó.


***

Sự bùng phát của dịch bệnh và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã cùng nhau tạo ra một không gian – thời gian trực tuyến chưa từng có, nơi hàng trăm triệu người Trung Quốc đang rỗi việc, không có gì khác để làm ngoài việc chứng kiến một trong những cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất đang diễn ra trên màn hình điện thoại di động của họ. Mỗi hành động của mọi diễn viên đều được quan tâm kỹ lưỡng và bình luận bởi hàng triệu người dùng mạng. Có lúc, trong cùng một thời điểm, có tới 10 triệu người đang theo dõi trực tiếp công trường xây dựng của các bệnh viện dã chiến.


Trong môi trường này, giới tinh hoa cầm quyền của Trung Quốc bất ngờ bị ném vào một đại hý trường ảo, nơi các kỹ năng chính trị của họ bị đánh giá không thương tiếc. Và họ đã thất bại một cách ngoạn mục. Khi các quan chức thành phố và tỉnh lên tivi, họ tỏ ra rời rạc, vụng về, và hoàn toàn ngu ngốc. Tại một trong những cuộc họp báo thu hút đông đảo khán giả, không ai trong số ba cán bộ, kể cả tỉnh trưởng Hồ Bắc, có thể đeo khẩu trang đúng cách. Trong một phân đoạn bị lên án và chế giễu, khi trả lời các câu hỏi về năng lực sản xuất khẩu trang của tỉnh, vị tỉnh trưởng đã phải sửa câu trả lời của mình hai lần sau khi được thư ký nhắc nhở. Thảm họa xảy ra đã khiến các nhà quan sát tự hỏi liệu các quan chức Trung Quốc, vốn được bảo vệ khỏi các truy vấn từ truyền thông quá lâu, liệu đã hoàn toàn mất đi khả năng tối thiểu là tỏ vẻ có năng lực.

Có lẽ bị áp lực bởi sự phản đối kịch liệt của công chúng, Chu Tiên Vượng – thị trưởng Vũ Hán – sau đó đã thực hiện cuộc phỏng vấn ứng khẩu một đối một với người dẫn chương trình của CCTV. Với uy tín của mình, ông Chu đã trả lời một vài câu hỏi với mức độ thẳng thắn hiếm có trong tình huống rối loạn của một chính quyền bị tê liệt. Nhưng màn trình diễn đã không giành được nhiều điểm cho ông. Thay vào đó, một trong những câu trả lời của ông đã ám chỉ một vấn đề thâm sâu hơn nhiều trong hệ thống. Đó là khi trả lời câu hỏi về việc chính quyền địa phương che đậy dịch bệnh trong những ngày then chốt trước ngày 20/1, ông đã phàn nàn rằng với tư cách một chính quyền cấp thành phố, họ cần sự cho phép từ cấp cao hơn mới được cảnh báo công chúng.


Không có tự do để nói lên sự thật – Không có tự do để chết đi”

Lời thú nhận trên truyền hình quốc gia đã mở đầu cho một cuộc đùn đẩy trách nhiệm kinh tởm. Phương tiện truyền thông nhà nước đã tận dụng sự “mở cửa” hiếm hoi để đào sâu vào chế độ kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc với hy vọng xác định được nguồn gốc của bất kỳ sự che đậy nào. Tuy vậy, hướng điều tra đó đã thất bại, không chỉ vì luôn có “vùng cấm” rõ ràng đối với các cuộc điều tra như thế, mà còn vì sự thiếu vắng các dữ kiện căn bản có thể xác minh được. Cuộc phỏng vấn thị trưởng Chu đã bồi thêm một mức độ nhiễu loạn mới vào trong các cuộc tranh luận của công chúng. Tờ Tài Tân mô tả một bức tranh về các luật và quy định chồng chéo nhau, dẫn đến không xác định được chính quyền địa phương, hay cơ quan y tế quốc gia có quyền công bố cảnh báo dịch bệnh. [/COLOR]

Tuy vậy, vẫn có những thông tin rời rạc được chắp nối. Một trong những nguồn thông tin không chắc chắn là các tạp chí y học hàng đầu. Với tốc độ ấn tượng, các nhà nghiên cứu Trung Quốc bắt đầu xuất bản các bài báo nêu chi tiết các đặc điểm dịch tễ và lâm sàng của virus corona mới. Công trình được công bố của họ đã lấp đầy một số lỗ hổng thông tin nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Một điểm quan trọng trong các tài liệu khoa học này được công chúng háo hức sử dụng là các mốc thời gian. Các nghiên cứu được đăng tải trên Lancet hay Tạp chí Y khoa New England bởi các nhà khoa học hàng đầu Trung Quốc, bao gồm các quan chức cấp cao tại CDC chứa thông tin về ngày phát hiện các trường hợp nhiễm, khởi phát các triệu chứng và các biện pháp dịch tễ học được tiến hành.

Việc đưa vào nhiều ca nhiễm trước ngày 31/12, thời điểm chính quyền Vũ Hán hé lộ về tình hình, đã gây ấn tượng rằng các nhà khoa học ở CDC đã biết về sự lây lan trước đó. Nhanh chóng, một câu chuyện về việc các quan chức CDC chủ ý che giấu thông tin lây truyền từ người sang người bắt đầu xuất hiện. Tồi tệ hơn, những người dẫn dắt dư luận đã nhắm vào một số nhà khoa học, bao gồm Giám đốc CDC Cao Phúc, khẳng định họ đã che đậy thông tin ĐỂ trở thành những người đầu tiên công bố những dữ liệu đó trên các tạp chí hàng đầu.

Những lời buộc tội đó tạo thành một làn sóng phẫn nộ về thói trục lợi học thuật máu lạnh, khiến CDC và Giám đốc Cao Phúc phải lên tiếng giải thích rằng việc phân tích đã được thực hiện theo cách hồi cứu, tức là họ chỉ biết về các ca nhiễm tháng 12 sau khi chúng được chính quyền địa phương công bố vào tháng 1.

Những tiếng nói bảo vệ các nhà khoa học CDC lập luận rằng trong hệ thống kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, CDC là một viện trực thuộc Uỷ ban Y tế Nhà nước (NHC), nên rõ ràng họ không có thẩm quyền công bố thông tin về căn bệnh này. Bằng cách của mình, các nhà khoa học đã đi vòng né tránh quy định hạn chế tiết lộ bằng cách gửi thông tin chi tiết thông qua các tạp chí học thuật phương Tây.Tuy vậy, những người chỉ trích chính quyền Vũ Hán cũng nhắc nhở mọi người rằng ngay cả khi chính quyền thành phố này không có đủ thẩm quyền cảnh báo công chúng, thì họ vẫn chọn cách chủ động bịt miệng những người chấp nhận rủi ro để đưa ra các cảnh báo sớm. Đó là việc 8 bác sĩ Vũ Hán đã bị khiển trách vào tháng 12 vì “lan truyền tin đồn thất thiệt về dịch bệnh.” Chính quyền Vũ Hán đã chủ động giết chết những con chim hoàng yến trong mỏ than của mình.



***

Trong những khoảng đen tối, vẫn có những điểm sáng được ghi nhận. Nếu có tiến bộ nào trong 17 năm qua, thì năng lực nghiên cứu được nâng cao của Trung Quốc chắc chắn là một trong số đó. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã hoàn thành việc giải mã bộ gen của virus trong vài ngày và chia sẻ nó với thế giới để cho phép phát triển nhanh chóng các bộ dụng cụ và kỹ thuật chẩn đoán. Đáng chú ý là trong giai đoạn đầu của dịch SARS, các nhà khoa học Trung Quốc đã vật lộn và chiến đấu với nhau trong nhiều tháng để cố gắng xác định mầm bệnh phù hợp.

Vũ Hán dù bị phong toả nhưng vẫn được duy trì bởi một mạng lưới hiện đại của các nhà cung cấp dịch vụ trên Internet và các nhóm hỗ trợ được tổ chức trên thiết bị di động, cả hai đều không tồn tại 17 năm trước. Nền tảng mua sắm trực tuyến của Alibaba, dịch vụ gọi taxi bằng di động của Didi, dịch vụ chuyển phát nhanh của SF và hệ thống phân phối thực phẩm của Meituan đã giúp duy trì hỗ trợ cuộc sống cơ bản của Vũ Hán khi tất cả các dịch vụ công cộng bị dừng hoặc bị quá tải nghiêm trọng.

Tuy thế, sự tương phản giữa các nhà cung cấp dịch vụ hiệu quả và nhanh nhẹn với bộ máy quan liêu không thể rõ ràng hơn khi công chúng kinh hoàng phát hiện cách những quyên góp của họ được xử lý.

Hội Chữ thập đỏ Vũ Hán, một cơ quan liên kết với chính quyền và không liên quan đến phong trào Chữ thập đỏ quốc tế, đã giành được tiếng xấu trên toàn quốc vì cách xử lý hàng triệu khẩu trang và các dụng cụ bảo hộ khác mà các bệnh viện tuyệt vọng ở tuyến đầu đang rất cần có. Tổ chức bán chính phủ này lần đầu tiên thu hút sự chú ý của công chúng khi mọi người nhận thấy mức phí quản lý 6% cho mọi khoản đóng góp, một tỷ lệ không quá cao theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng đủ gây chú ý trong một môi trường mà niềm tin vào các tổ chức từ thiện của chính phủ nhìn chung là thấp.

Khi cư dân mạng đào sâu hơn, họ đã kinh ngạc trước những gì họ thấy: một lượng lớn khẩu trang cần thiết được chuyển đến các cơ sở y tế đáng ngờ trong khi các bệnh viện tuyến đầu hầu như không có gì; các bác sĩ đã phải xếp hàng chờ đợi tại các nhà kho để lấy đồ tiếp tế cho đồng nghiệp của họ trong khi các cán bộ vô tư mang đi nhiều thùng khẩu trang cao cấp; nhân viên của hội sử dụng các phương pháp thời trung cổ để tồn trữ hàng tiếp tế được quyên góp, gây ra việc ứ đọng… Để xát thêm muối vào vết thương, chính quyền đã cấm tất cả các kênh khác gửi quyên góp thẳng cho các bệnh viện, biến Hội Chữ thập đỏ Vũ Hán trở nên “độc quyền”. Chỉ sau khi sự phản đối của người dân bùng nổ trên toàn quốc, chính quyền mới làm dịu tình hình bằng cách cho phép các bên thứ ba kết nối trực tiếp với một số bệnh viện. Và sau khi Hội mở kho của mình cho một công ty hậu cần tư nhân, lượng hàng tồn kho lộn xộn đã được dọn sạch chỉ trong vài giờ.

Có lẽ Vũ Hán đã làm phá sản câu chuyện hoang đường về chế độ nhân tài đối với nhiều người từng tin rằng đất nước này phần lớn được điều hành bởi các nhà kỹ trị nghiêm túc, dứt khoát, hướng đến kết quả. Hội Chữ thập đỏ Vũ Hán nhắc nhở họ rằng bộ máy quan liêu của đất nước không tương thích như thế nào đối với một xã hội sống động, tự thân đã giỏi trong việc giải quyết vấn đề thực tế. Không chỉ vô dụng trong việc giải quyết vấn đề như vậy, nhà nước và các cơ quan của nó còn tích cực ngăn chặn. Đối với một thế hệ lớn lên sau khi đại dịch SARS, đó là một trải nghiệm mở mắt, đặc biệt khi họ thấy các câu lạc bộ fan hâm mộ của họ còn hiệu quả hơn các cơ quan chính phủ trong việc cung cấp hàng viện trợ cho tiền tuyến. Không có gì ngạc nhiên khi một số người trong số họ đã tự hỏi một cách công khai (và ngây thơ) rằng liệu có thể thể tạo ra các quan chức chính phủ có trách nhiệm hơn thông qua các cuộc thi truyền hình giống như thần tượng của họ.

Khi bài blog này được viết, vẫn chưa có dấu hiệu dịch bệnh đang được kiểm soát. Hàng trăm người đã thiệt mạng và các trường hợp được xác định nhiễm là hơn mười nghìn, trong khi không một quan chức cấp cao nào phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh. Có một cảm giác mất mát thấm đẫm dành cho những người bệnh, và cũng dành cho một thời đại gắn liền với những triển vọng của nó.Mã Thiên Kiệt


Bài viết được đăng trên trang Blog Chublic Opinion (https://chublicopinion.com/).
Lê Xuân (lược dịch và biên tập)