PDA

View Full Version : ‘Hãy cứu chúng tôi!’: Lời kêu cứu tuyệt vọng của người dân Vũ Hán trong thành phố bị phong tỏa



duyanh
02-06-2020, 02:44 PM
‘Hãy cứu chúng tôi!’: Lời kêu cứu tuyệt vọng của người dân Vũ Hán trong thành phố bị phong tỏa




https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2020/02/hay-cuu-chung-toi-loi-keu-cuu-tuyet-vong-cua-nguoi-dan-vu-han-trong-thanh-pho-bi-phong-toa-700x366.jpg

(Ảnh chụp màn hình Youtube/Tinh Hoa TV)

Mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã buộc phải tăng nhanh số lượng ca nhiễm coronavirus được xác nhận và số ca tử vong ở Vũ Hán dưới áp lực dữ dội từ cộng đồng, tình hình thực sự của đại dịch và tình trạng các bệnh nhân ở Vũ Hán còn tồi tệ hơn nhiều so với các báo cáo chính thức.

The Epoch Times, một tờ nhật báo có trụ sở ở New York (Mỹ), đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn và điều tra với các bệnh nhân và gia đình trong trận đại dịch hiện đang tàn phá Trung Quốc hiện nay. Kết quả các cuộc điều tra này cho thấy các bệnh nhân ở Vũ Hán và gia đình họ hiện đang lâm vào tình cảnh tuyệt vọng do tình trạng lây nhiễm chéo của bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới ở Vũ Hán, bên cạnh sự khủng hoảng do bản thân tình trạng phong tỏa toàn thành phố gây ra.

Ngày 26/1, ĐCSTQ bắt đầu một vòng kiểm duyệt mới theo sau một chiến dịch kéo dài hai tháng hòng che giấu tình hình dịch bệnh và bắt giữ các cư dân mạng dám tiết lộ nội tình thực tế bên trong vùng dịch.

Chính quyền đã đe dọa bắt giữ và kết án những người phát tán “các tin đồn về bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới”, theo một tuyên bố trên mạng xã hội WeChat và một thông báo lưu hành của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) và sở an ninh công cộng.

WeChat, nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc, đã chủ động ngăn chặn bất kỳ thông tin nào về virus corona không tương thích với các báo cáo chính thức từ phía chính quyền. Mạng xã hội này thậm chí còn yêu cầu tất cả cư dân mạng đăng thông báo kêu gọi sự hỗ trợ trên nền tảng này phải xác thực bằng tên thật; nếu không các tin nhắn sẽ bị xóa.

Đối với đại đa số những người dựa vào các phương tiện truyền thông như WeChat để có được thông tin bên ngoài luồng tuyên truyền chính thức của chính phủ, điều này chẳng khác nào việc tước đi quyền được tiếp cận cuối cùng đối với tình huống chân thực của dịch bệnh đang hoành hành.

Động thái kiểm duyệt như vậy thậm chí còn nguy hiểm hơn cả việc phong tỏa thành phố Vũ Hán, bởi điều đó có nghĩa là nhiều người Trung Quốc (có thể) đã bị nhiễm virus corona chủng mới sẽ không chỉ bị buộc phải ngồi nhà chờ chết trong tình cảnh thiếu vắng sự chăm sóc y tế và thuốc men, mà thậm chí những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của họ để tự cứu mình cũng có thể sẽ bị chính quyền dập tắt.

Ngày 28/1, thời điểm trước khi chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực dập tắt tự do ngôn luận, tờ The Epoch Times đã phỏng vấn và ghi lại các yêu cầu được trợ giúp của người dân Vũ Hán trên mạng xã hội.

Người dân Vũ Hán: ‘Chúng tôi không có lối thoát’

Trao đổi với The Epoch Times, cô Sun, với bí danh “Jacky-gaga”, tâm sự:

“Gia đình tôi có bốn người, sống ở huyện Tống Khẩu thuộc Vũ Hán. Mẹ tôi hiện đã 50 tuổi rồi. Bà bị sốt và đã đến Bệnh viện Nhân dân Đông Tây Hồ ở Vũ Hán để khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà mắc chứng viêm phổi do chủng virus corona mới. Lúc đầu các bác sĩ đưa mẹ tôi đi cách ly, nhưng bệnh viện không còn giường bệnh. Tình trạng của mẹ tôi trở nên trầm trọng, bà cần được cứu chữa, và chúng tôi đang kêu gọi cộng đồng giúp đỡ”.

Cần phải chờ xem liệu việc phong tỏa Vũ Hán có phải là một biện pháp hiệu quả để ngăn chặn đại dịch hay không, nhưng nhiều người dân trong thành phố bị nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ bị nhiễm bệnh đang đối mặt với tình cảnh khó khăn.

Cô Sun đã điện cho trung tâm dịch vụ cộng đồng và Ủy ban Y tế địa phương, nhưng không nhận được sự trợ giúp. “Có những chiếc xe (cấp cứu) sẵn có trong trung tâm dịch vụ cộng đồng, nhưng họ không điều xe đến để hỗ trợ chở bệnh nhân đi khám bệnh. Chúng tôi phải trả một mức giá khá cao để thuê một chiếc taxi không giấy phép (taxi lậu!) để đưa mẹ tôi đến một bệnh viện gần nhất do chính phủ chỉ định, Bệnh viện Nhân dân Đông Tây Hồ”.

“Vũ Hán đã bị phong tỏa và giao thông đã bị cắt đứt, vì vậy chúng tôi không thể đến được bệnh viện nào ở xa hơn. Bên cạnh đó, có quy định là các bệnh viện không được nhận bệnh nhân từ các huyện khác (bệnh viện trái tuyến!), vì vậy chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đến bệnh viện lân cận”.

“Bệnh viện Đông Tây Hồ hiện không có giường nằm, nên họ đã gọi xe cứu thương để đưa mẹ tôi đến bệnh viện Thái Khang”.

Tuy nhiên, có xe cứu thương dường như cũng không mang lại bất kỳ hy vọng nào cho bệnh nhân hoặc gia đình họ. “Xe cứu thương chỉ để đưa người bệnh đến bệnh viện”, cô Sun nói. “Ngay cả sau khi chúng tôi đến Bệnh viện Thái Khang, cũng không có giải pháp nào. Chúng tôi vẫn phải xếp hàng chờ đợi. Bệnh viện Thái Khang hiện cũng không còn giường bệnh. Bệnh viện từ chối tiếp nhận mẹ tôi nên chúng tôi đành phải trở về nhà”.

“Nhiều người đã bị nhiễm bệnh, xe cứu thương đã quá tải”, cô Sun nói với tờ The Epoch Times. Cô cho biết cư dân mạng nói với cô rằng họ chỉ có thể lên mạng để cầu cứu sự giúp đỡ, hy vọng các phương tiện truyền thông sẽ can thiệp và thu hút sự chú ý của chính quyền.

“Tôi đã phải đăng một tin nhắn cầu cứu trên WeChat. Tôi đã để lại số điện thoại của mình”, cô Sun nói trong sự bất lực. “Chúng tôi không có lối thoát”.

‘Tôi cầu xin chính phủ hãy đến bắt tôi nếu điều đó có thể cứu sống cha mẹ’

“Tôi cầu xin mọi người hãy bảo ai đó báo cảnh sát rằng tôi đang phát tán tin đồn, có như thế thì cảnh sát mới đến bắt tôi, và chính phủ sẽ lùng sục tìm tôi, và như vậy cha mẹ tôi mới có thể được cứu sống. Xin hãy cứu cha mẹ tôi” – đây là đoạn chat trên WeChat của cô Lin, người mang bí danh “cây giống ở Taihe 18” hôm 28/1.

Cô Lin, người đã được xác minh danh tính bằng tên thật trên WeChat, đã đăng một tin nhắn lúc 1:48 chiều cùng ngày, cho biết, “Đây là tình cảnh Vũ Hán hiện nay. Cuối cùng, xe cứu thương đã đưa (cha tôi) đến bệnh viện, nhưng bệnh viện thậm chí không có đủ túi thở oxy. (Bệnh nhân) chỉ có thể được đặt nằm trên mặt đất trong khoa ngoại trú. Cha tôi sắp chết rồi. Ông bị viêm phổi nặng do virus, suy hô hấp, và tiểu đường cấp tính. Mẹ tôi cũng bị chẩn đoán viêm phổi do loại virus này một tuần trước. Tôi không biết họ có thể qua nổi không”.

Hồi 9:16 tối, cô đã đăng trên dòng trạng thái rằng:

“Cho đến nay, cha tôi vẫn phải nằm ở khoa ngoại trú, và không được cho ăn gì. Tình hình ông càng ngày càng tệ. Tôi thật sự không biết phải làm gì nữa”.

Sáng sớm ngày 29/1, cô tiếp tục đăng tin nhắn từ bệnh viện, “12:40 sáng, tôi vẫn không thể chợp mắt. Tôi liên tục gọi điện thoại dựa theo các số mà mọi người đã cung cấp cho tôi và làm bất cứ điều gì có thể. Nhưng vẫn không có lối thoát. Cha mẹ tôi vẫn đang nằm trong khoa ngoại trú”.

Kể từ ngày 26/1, cô Yu, với bí danh “một chai nước muối soda”, đã lên WeChat kêu gọi sự giúp đỡ cho cha mình, người đã nhiễm chủng virus Vũ Hán.

Ngày 27/1, một cư dân mạng đã sử dụng tên thật để đăng trên WeChat dòng tin sau:

“Sau khi ngủ thiếp đi một lúc, tôi cảm thấy hơi sốt trong người. Có người hàng xóm nào sẵn lòng chia sẻ một ít thuốc men, túi thở oxy và nhiệt kế không? Tôi đã gọi 110 (số cảnh sát địa phương) và họ bảo tôi gọi đến trung tâm dịch vụ cộng đồng. Tôi gọi 120 (số khẩn cấp) để kết nối đến một bệnh viện. Trung tâm dịch vụ cộng đồng cũng đã báo cáo tình hình của tôi. Tôi không có lối thoát nào khác. Tôi chỉ có thể trông chờ, chờ đợi bệnh viện đến đưa tôi đi. Cha tôi không thể ra khỏi giường bây giờ”.

“Nếu bất cứ ai nghĩ rằng tôi đang phát tán tin đồn, tôi hy vọng bạn có thể nhanh chóng báo cảnh sát để chính quyền trung ương đến bắt tôi”.

Hồi 4:11 chiều ngày 27/1 tại Vũ Hán, một cư dân mạng khác đang xếp hàng chờ đến lượt khám tại bệnh viện đã đăng lên mạng dòng trạng thái sau:
“Sau khi xe cấp cứu đưa (ông) đến bệnh viện, ông chỉ có thể được đặt nằm trên mặt đất. Cha tôi sắp chết. Tôi không biết giờ ai có thể cứu ông”..

Ba tiếng rưỡi sau, anh này tiếp tục đăng tải dòng trạng thái sau: “Hai chiếc xe mà tôi nhìn thấy nhiều nhất hôm nay, có một chiếc màu đen còn chiếc kia màu trắng (xe tang?) Cha tôi đang ngồi ở lối đi. Tôi không biết ông ấy có thể cầm cự được bao lâu”.

Anh đã viết những dòng chữ này trong nỗi tuyệt vọng:

“Tôi cầu xin mọi người bảo ai đó hãy báo cảnh sát rằng tôi đang phát tán tin đồn. Tôi cầu xin cảnh sát và chính quyền đến lùng bắt tôi. Chỉ khi đó cha tôi mới có thể được cứu. Tôi có cung cấp chi tiết (địa chỉ) của tôi trên WeChat. Mọi người xin hãy cứu cha tôi”.

‘Chúng tôi chỉ có thể ngồi nhà chờ chết’

Hu Weili, một giáo viên tại thành phố Hàng Châu, đã trở lại Vũ Hán năm nay để ăn Tết với cha mẹ. Tuy nhiên, cô không bao giờ ngờ được rằng dịch virus Vũ Hán, mà chính phủ đã mô tả là “có thể phòng ngừa được, có thể kiểm soát được và có thể chữa trị được” lại biến thành một thảm họa tử thần tước đoạt đi tính mạng của rất nhiều người chỉ trong nháy mắt như vậy.

Xát muối thêm vào nỗi tuyệt vọng của cô, cha cô đã bị nhiễm virus corona trong bệnh viện, nhưng không có nơi nào để điều trị, và hầu hết những người trưởng thành trong gia đình cô hiện đang bị nghi nhiễm. Gia đình cô không thể làm gì hơn ngoài việc ngồi ở nhà chờ chết.

Cô đã viết trong một bài đăng yêu cầu sự trợ giúp trên tài khoản Weibo của mình:

“Cha tôi bắt đầu chạy thận vào tháng 12 năm ngoái. Ngày 18/1, cha tôi trở về sau khi chạy thận tại Bệnh viện Puren và lên cơn sốt. Chiều ngày 27/1, cha tôi được chẩn đoán mắc chủng virus corona mới, nhưng bây giờ cha tôi ở nhà và không có ai chăm sóc ông”.

“Hiện tôi đã bị sốt trong ba ngày, mẹ tôi cũng bị sốt, và chị dâu tôi cũng vậy. Chúng tôi không có ai chăm sóc … chúng tôi không thể đi ra ngoài [vì lệnh giới nghiêm] … chúng tôi chỉ có thể ngồi ở nhà chờ chết mà thôi”.

Cô Hu đã phải lên mạng kêu cứu:

“[Chính phủ] chỉ đơn giản không quan tâm. Ngay cả bệnh nhân đã bị chẩn đoán lây nhiễm còn bị bỏ lại không được điều trị! Nhà tôi có ba đứa trẻ nhỏ! Làm sao gia đình tôi có thể sống được? Làm sao chúng tôi có thể sống nổi? Xin hãy giúp chúng tôi! Số điện thoại của tôi là 13606717635”.

Trên thực tế, cô Hu Weili không phải trường hợp cá biệt. Gia đình bà Yu ở Vũ Hán cũng đang lâm vào tình cảnh tuyệt vọng tương tự. Về cơ bản, họ đã được chính quyền yêu cầu ‘ngồi ở nhà và chờ chết’.

Ngày 27/1, những đứa con của bà Yu đã đăng một lời kêu gọi trợ giúp trên các trang mạng xã hội ở nước ngoài, với nội dung như sau:

“Mẹ tôi mắc chứng viêm phổi Vũ Hán do virus corona và bệnh viện đã che giấu căn bệnh của bà. Bà đã nằm trên giường liên tục trong 12 ngày do sốt cao. Giám đốc trung tâm cộng đồng do chính quyền chỉ định đã thông báo ông ta không thể thu xếp được giường bệnh và đề nghị bà ở nhà chờ chết. Cha tôi cũng bị nhiễm bệnh và phải chăm sóc mẹ tôi. Họ không có thuốc men, không có thức ăn, và không được điều trị. Xin hãy giúp đỡ họ!”

“Chính quyền của ĐCSTQ đã thể hiện sự coi thường đối với sinh mạng của người dân bằng cách phong tỏa thành phố mà không cung cấp thực phẩm và thuốc men cho họ”.

“Chúng tôi hiện đang bị dồn vào chân tường”.

Hứng chịu đòn tấn công trên mạng của ‘đội quân 50 xu’

Trải nghiệm của gia đình cô Jiawei từ Vũ Hán thậm chí còn ‘lạnh gáy’ hơn.

Một cư dân mạng có bí danh là “bánh bao nhỏ Jiawei” đã đăng tải trên mạng ngày 24/1 rằng dì và em gái của cô đã bị nghi ngờ nhiễm virus Vũ Hán.

Lúc đầu, họ lên cơn sốt và đến bệnh viện. Bệnh nhân được phát hiện bị lây nhiễm chéo trong khi xếp hàng.

“Tôi không thể làm được gì. Tôi được gửi về nhà vào đêm đầu tiên. Ngày hôm sau, dì tôi đã không thể cầm cự được nữa, anh rể tôi đã khóc và cầu xin bệnh viện trước khi họ chịu tiếp nhận bà, nhưng đã quá muộn rồi. Hai ngày sau, bà qua đời”.

“Hiện tại bệnh viện vẫn không chịu tiếp nhận em gái tôi. Em ấy cũng sợ phải đến viện, vì ở đó không có sự kiểm dịch hay cách ly nào cả”.

Ở phần cuối đoạn hội thoại, cô Jiawei nói một cách cay đắng, “Có thể kiểm soát được một cách rộng rãi ư? Không thể lây nhiễm từ người sang người ư? … (Chính quyền này) không ngừng che giấu sự thật. Có bao nhiêu sinh mạng vô tội đã bị mất!”

“Thường dân như chúng ta thì có thể làm được gì? Không nhìn thấy bất cứ một trách nhiệm nào [của chính quyền]. Nếu một người chết, người đó sẽ cứ thế mà chết thôi. Liệu chính phủ có thể chi trả cho mạng sống người dân được không đây?!”

Người thân của cư dân mạng này, với bí danh “em gái Shan là người hùng rất mạnh mẽ” đã bình luận dưới bài đăng rằng di thể của dì Lôi vẫn được đặt trên giường trong bệnh viện Hán Khẩu.

Bệnh viện đã từ chối di chuyển di thể đến nhà xác, và yêu cầu các gia đình khử trùng thi thể và tự liên lạc với một nhà tang lễ, và họ đã làm theo. Nhưng phải đến 11 giờ sáng ngày 24/1, nhà tang lễ mới cho xe đến, bởi vì nhà tang lễ này chỉ có một chiếc xe có thể khử trùng. Chiếc xe đã chở các di thể của toàn thành phố, từ bệnh viện sang bệnh viện khác.

Sau khi gia đình Jiawei vạch trần sự thật về dịch bệnh Vũ Hán trên các trang mạng xã hội, họ đã bị tấn công bởi đội quân 50 cent (một nhóm các tay bình luận viên được chính quyền thuê, đóng vai trò một đội quân tuyên truyền trên mạng, mỗi tin nhắn được trả 50 cent).

Cuối cùng, một người bạn cùng lớp với “Bánh Bao Nhỏ Jiawei” đã phải liên lạc với một người nổi tiếng trên mạng Internet, một người có tinh thần công đạo.

Sau khi cung cấp bằng chứng để xác thực danh tính của gia đình, người nổi tiếng này đã lên tiếng kêu gọi sự chú ý của công chúng trên các trang mạng xã hội, và có lẽ nghĩa cử này đã phần nào giúp được cô Jiawei, ít nhất trong việc khôi phục lại thanh danh của mình.


DKN