PDA

View Full Version : Sài Gòn: Mứt Tết không còn như xưa nữa



duyanh
01-21-2020, 01:43 PM
Sài Gòn: Mứt Tết không còn như xưa nữa




https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/01/Mut-Tet-01-696x493.jpg

Sài Gòn ngày nay Tết không còn cảnh dựng rạp, che sạp bán mứt Tết nữa, chỉ còn vài điểm bán mứt bên đường. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Có một vị Việt kiều đứng tuổi về Việt Nam ăn Tết Canh Tý, ông dạo một vòng Sài Gòn trong ngày “đưa ông Táo về Trời,” rồi bật hỏi: “Sao không thấy mấy sạp hàng bày bán bánh mứt, trà rượu Tết như ngày xưa?”

Thật vậy, cái cảnh Tết đặc trưng dựng rạp quanh các chợ lớn nhỏ ở Sài Gòn với các sạp bán đủ loại bánh mứt ở Chợ Bến Thành, Chợ Lớn, Chợ Tân Định… đèn đuốc sáng trưng, người đi chợ Tết nườm nượp hầu như không còn nữa.

Nhắc đến chuyện dựng rạp, cất sạp bán bánh mứt ngày Tết xưa, nhiều người cũng nhắc luôn chuyện ngày nay, chuyện từng gia đình chộn rộn trong không khí sum vầy, cùng nhau chuẩn bị làm bánh, làm mứt Tết cũng mất dần.

Những loại bánh mứt truyền thống luôn là thứ không thể thiếu trong ngày Tết của từng gia đình người miền Nam. Những chiếc bánh bông lan vàng tươi, thơm và mềm mịn, những sợi mứt dừa ngào ngọt lịm với nhiều màu bắt mắt, những miếng mứt chuối ép khô, mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai lang, mứt me, mứt mãng cầu, mứt chùm ruột… Có nhà còn cất công làm đậu phộng da cá, đậu phộng ngào đường…


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/01/Mut-Tet-02.jpg

Món mứt tắc (quấc) một thời ngon nổi tiếng giờ cũng ít thấy nhà nào làm để ăn Tết. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Mứt là món ăn ngọt được nâng lên hàng món ăn tiếp khách, từ ngày xửa xưa đã làm nên hương vị ngày Tết cổ truyền của người miền Nam.

Từ khoảng rằm Tháng Chạp trở đi, nhà nhà tùy theo gia cảnh mà chuẩn bị nguyên liệu làm mứt Tết. Những gia đình họ hàng có nhà ở gần nhau thường tập trung lại làm, rồi chia ra mỗi nhà một ít để cúng và ăn. Mỗi năm đến ngày đưa ông Táo thì các mâm phơi mứt đều bày đầy trong sân nhà tạo nên sắc màu giàu cảm xúc nhất. Những ngày đó, dù gia đình có mức sống nghèo hay khá giả thì mứt họ làm đều ngon, đủ hương vị ngọt ngào. Cũng đôi khi do công đoạn làm hay sên mứt do vụng tay nghề khiến món mứt không đúng vị ngon, việc đó làm cả nhà lo lắng.

Bên cạnh đó, việc dùng giấy kiếng màu gói mứt sao cho đẹp mắt, sao cho ra sắc màu ngày Xuân cũng là việc quan trọng. Bởi khay mứt ngon gia chủ bày trên bàn tiếp khách là có ý mong người thân hay thân hữu đến chúc Tết mở lời khen lấy hên trong ba ngày Tết, nên việc tự tay làm mứt, bánh để dâng cúng ông bà là cách mong cầu chư hương linh chứng giám phù hộ cho cả năm no ấm, an lành, hạnh phúc.

Chuẩn bị mứt Tết luôn là thời điểm khiến trẻ con trong mỗi gia đình nôn nao, là vết son sâu đậm trong ký ức ăn Tết của người Việt Nam. Một cô nhà báo trẻ, tự kết luận rằng, ở Sài Gòn không tìm đâu ra món mứt khế, năm nào cô cũng dự định về quê sớm để tự tay làm lại món mứt khế như hồi bé, nhưng công việc ở Sài Gòn khiến cô thất hứa với món mứt khế hết năm này tới năm khác.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/01/Mut-Tet-03.jpg

Món mứt khế ngọt thanh hương vị đất lành miền Nam cũng khó tìm thấy ở khay mứt ngày Tết gia đình. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Cô kể: “Tôi vẫn còn nhớ ngày bé, cùng chị gái hái lượm những quả khế chua, cắt bỏ diềm, loay hoay làm mứt khế. Những quả khế chua ngắt là thế, chỉ cần khéo léo một chút là có ngay món mứt ngọt thanh, chua nhẹ. Có những lần hì hụi mãi mới xong mẻ mứt, vậy mà ở công đoạn nào đó lỡ tay ép khế khô hay bỏ quá chút đường, quên vài miếng gừng là coi như thất bại nguyên mẻ.”

Không khí làm mứt Tết trong gia đình người miền Nam xưa không đơn giản là tạo ra món đặc sản ăn Tết, mà còn là biểu tượng cho giá trị công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ. Làm mứt Tết gia đình còn hơn cả một lớp học truyền lại sự khéo tay và nghệ thuật thẩm định khẩu vị.

Mứt tết trong từng gia đình vốn muôn màu muôn sắc. Nếu ai đó gợi nhớ về món mứt Tết mà họ được mời lúc đi chúc Tết, chắc rằng sẽ biết thực đơn mứt Tết miền Nam phong phú vô kể, món mứt quen ai cũng biết nhưng nếu được gia chủ mời ăn mứt trái tắc (quấc) dẻo, thơm, có vị chua nhẹ và hơi the the, mứt trái thơm (dứa) ngọt thanh lạ miệng, mức hột sen thơm, bùi… hẳn sẽ do vị ngon ngọt lạ miệng mà luôn miệng nói lời cám ơn.

Ngày nay, không hề lạ khi nhiều người Việt ăn hết cả chục cái Tết mà vẫn không thèm thò tay lấy một món mứt nào đó trong khay mứt gia đình, thành ra không thể cậy nhờ món mứt khéo tay, kỳ công mà có cớ cất lời khen các điều hay, vẻ đẹp khác của chủ gia trong ngày Tết.

Cái hương vị ngọt ngào, thơm ngon của món mứt coi đơn giản vậy mà bao đời nay vẫn là đầu mối để ngày Xuân tránh được sự nhạt nhẽo. Nhưng đáng buồn thay giờ đây, làm mứt, ăn mứt, cúng mứt, nói chung là mứt Tết không còn như xưa nữa, huống gì là không khí làm mứt Tết trong mỗi gia đình.


(Trần Tiến Dũng)Người Việt