PDA

View Full Version : Bàng hoàng: Google ghi quốc lộ 1A thuộc mạng lưới cao tốc Trung Quốc



duyanh
11-28-2019, 02:31 PM
Bàng hoàng: Google ghi quốc lộ 1A thuộc mạng lưới cao tốc Trung Quốc


Bảng tri thức Google hiện mô tả quốc lộ 1A của Việt Nam thuộc mạng lưới đường cao tốc quốc gia Trung Quốc. Đây là thông tin gây nhầm lẫn chủ quyền Việt Nam.

Ngày 27/11, người dùng công cụ tìm kiếm Google phản ánh việc Bảng tri thức của Google hiển thị thông tin xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Cụ thể, khi người dùng tìm kiếm từ khóa “Quốc lộ 1A” trên Google, phía trái trang kết quả sẽ hiển thị thông tin mà Google gọi là “Bảng tri thức”. Bảng này ghi các thông tin về quốc lộ 1A như chiều dài, năm xây dựng, cực Bắc, cực Nam…

Đáng chú ý là mục thông tin về Hệ thống đường cao tốc. Mục này đề cập quốc lộ 1A thuộc “Mạng lưới đường cao tốc quốc gia Trung Quốc”. Điều này khiến người dùng hiểu sai về chủ quyền đất liền Việt Nam.

Quốc lộ 1A là tuyến đường huyết mạch đi qua 31 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Nó có chiều dài 2.360 km, bắt đầu từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), kết thúc tại Đất Mũi, Cà Mau.

Ở trường hợp này, phần mô tả quốc lộ 1A thuộc mạng lưới cao tốc quốc gia Trung Quốc được Google tự ý thêm vào. Nội dung về quốc lộ 1A trên Wikipedia hoàn toàn không đề cập đến thông tin này.


https://tambao.net/wp-content/uploads/2019/11/screenshot_112.jpg

Bảng tri thức Google công nhận đường quốc lộ 1A thuộc mạng lưới cao tốc quốc giá Trung Quốc là sai sự thật.

Zing.vn đã liên hệ với Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc Google xác định quốc lộ 1A thuộc mạng lưới cao tốc quốc gia Trung Quốc. Đơn vị này chưa có phản hồi chính thức.

Theo Google, Bảng tri thức là các hộp thông tin xuất hiện trên Google khi người dùng tìm kiếm các thực thể (con người, địa điểm, tổ chức, sự vật) nằm trong Sơ đồ tri thức. Những hộp thông tin này nhằm mục đích giúp người dùng có được thông tin nhanh về một chủ đề dựa trên hiểu biết của Google về nội dung có sẵn trên web.

“Bảng tri thức được tạo tự động và thông tin xuất hiện trong bảng kiến thức đến từ nhiều nguồn khác nhau trên web. Trong một số trường hợp, chúng tôi có thể làm việc với các đối tác cung cấp dữ liệu đáng tin cậy về các chủ đề cụ thể như phim ảnh hoặc âm nhạc và kết hợp dữ liệu đó với thông tin từ các nguồn web mở khác”, Google mô tả bảng tri thức này lấy thông tin từ nhiều trang web khác nhau và từ nguồn tin cậy của Google.

Bên cạnh tự động lấy thông tin từ các trang web, Bảng tri thức của Google có thể bị thay đổi theo đóng góp từ người dùng.

Zing.vn đang liên hệ Google để có câu trả lời về thông tin sai sự thật này.

Đây không phải lần đầu Google có những thông tin sai lệch về chủ quyền Việt Nam. Năm 2015, Google cũng từng gây tranh cãi khi sử dụng tên gọi Tam Sa trên bản đồ Google Maps.

Sau đó, Google đã thực hiện sửa đổi, đánh dấu toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng tên quốc tế là Paracel. Việc tìm kiếm “Tam Sa” (Sansha) theo cách gọi của Trung Quốc đã không còn hiệu lực.

theo Zing